BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG
VÀ AN NINH CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
(Do ông Phạm Lợi, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 03-6-1994)
Kính thưa Quốc hội,
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1994, Ủy ban quốc phòng và an ninh cùng với Ủy ban pháp luật đã họp để thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự. Tham dự phiên họp này có đại diện của các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Chúng tôi xin trình Quốc hội ý kiến của hai Ủy ban về Dự án Luật này như sau: Dự án đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hai lần nghe Chính phủ báo cáo Tờ trình Dự án, nghe ý kiến của hai Ủy ban quốc phòng và an ninh và Ủy ban pháp luật về Dự án Luật này và đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo. Trong quá trình soạn thảo đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, với các Bộ, ngành hữu quan, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội ở Trung ương và địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội, các tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân; ý kiến hội thảo ở hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Trong quá trình soạn thảo Dự án Luật, chúng tôi cũng đã cử chuyên viên tham gia và nhiều thành viên của hai Ủy ban đã trực tiếp đóng góp ý kiến. Vì vậy, về cơ bản hai Ủy ban chúng tôi nhất trí với nội dung của Dự án Luật.
Dưới đây chúng tôi xin trình bày rõ thêm một số vấn đề cụ thể:
I- VỀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Tình hình thế giới và khu vực Đông Nam Á đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường quốc phòng và an ninh để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã chỉ rõ: "Trong khi tập trung sức xây dựng đất nước, chúng ta phải coi trọng tăng cường quốc phòng và an ninh, chấp hành thật tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa".
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, cần nghiên cứu xây dựng Luật quốc phòng bao gồm những vấn đề cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, v.v. nhưng điều này đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị và còn liên quan đến nhiều luật khác. Trong khi hiện nay, do tình hình đổi mới mọi mặt của đất nước, nhất là về kinh tế, yêu cầu chúng ta phải kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự, vì những lý do chính như sau:
- Trong khi thực hiện đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ở nước ta, đã và đang hình thành nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Bên cạnh doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài..., đã và đang thu hút nhiều lao động, có doanh nghiệp tư nhân thu hút hàng ngàn lao động, trong đó có nhiều thanh niên ở tuổi nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó, Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức này trong việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự.
- Tình hình đổi mới và phát triển toàn diện của đất nước đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới nặng nề hơn, đòi hỏi trách nhiệm các cấp, các ngành cao hơn, trong đó có trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó, cần bổ sung về trách nhiệm của chính quyền và Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp trong việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự cho phù hợp và kịp thời.
- Một số chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ không còn phù hợp, người vào Quân đội có nghĩa vụ nặng nề, nhưng chịu nhiều thiệt thòi, nhiều gia đình có con em đi bộ đội đời sống gặp nhiều khó khăn..., do đó, cần phải kịp thời bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách cho phù hợp với tình hình phát triển về kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Với những lý do trên, Ủy ban chúng tôi thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết và tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự trong kỳ họp này.
Theo ý kiến của hai Ủy ban chúng tôi đã thống nhất với các cơ quan thuộc Chính phủ thì lần sửa đổi này cần tập trung vào các vấn đề:
- Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức kinh tế trong việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự.
- Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền và Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp.
- Bổ sung một số chế độ, chính sách cho phù hợp với tình hình hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng cả quân thường trực và quân dự bị.
II- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ THUỘC NỘI DUNG CỦA
DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
1. Nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức kinh tế trong việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự:
Hiến pháp năm 1992, Điều 44 ghi rõ: "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ của toàn dân"... "Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định"; Điều 22 của Hiến pháp còn chỉ rõ: "Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật". Như vậy, theo chúng tôi hiểu thì Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ đối với các tổ chức kinh tế, không phân biệt trong hay ngoài quốc doanh, đều bình đẳng trước pháp luật, phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ vững an ninh quốc gia. Mặt khác, điều đó cũng nói lên là: "Người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp, thì dù đó là quốc doanh hay ngoài quốc doanh, khi được đi làm nghĩa vụ quân sự, thì các doanh nghiệp đó đều phải có sự quan tâm, tạo điều kiện. Vì vậy, hai Ủy ban chúng tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ là trong tình hình hiện nay, với nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc quy định trách nhiệm của các tổ chức kinh tế trong việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự là hết sức cần thiết và đúng đắn. Chúng tôi nhất trí với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung vào các điều 10, 19, 23, 56, 61 nói về nhiệm vụ thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự của các tổ chức kinh tế và xin có ý kiến thêm về một số vấn đề cụ thể như sau:
Điều 10: Để phát huy được vai trò và trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước, mặt trận và các tổ chức thành viên, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình trong việc động viên, giáo dục, tổ chức và tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ quân sự trong tình hình hiện nay, hai Ủy ban chúng tôi tán thành bổ sung vào Điều 10 cụm từ "Các tổ chức kinh tế". Nhưng xin lưu ý Chính phủ trong văn bản dưới luật cần quy định rõ các tổ chức kinh tế bao gồm: Doanh nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều 19: 2 Ủy ban chúng tôi đồng ý với Dự án Luật của Chính phủ, quy định: "Tháng 1 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Hiệu trưởng các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp... Thủ trưởng các cơ quan... và các đơn vị cơ sở khác phải báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó cho Ban chỉ huy quân sự...". Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quân sự địa phương với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế..., trong công tác quản lý về việc báo cáo danh sách thanh niên ở lứa tuổi gọi nhập ngũ và công dân nam giới đủ 17 tuổi hằng năm cho Ban chỉ huy quân sự địa phương, vì hiện nay, có rất nhiều thanh niên không làm việc ở nơi có hộ khẩu thường trú, mà đi làm ăn sinh sống ở các vùng khác, nên việc quản lý thanh niên ở lứa tuổi gọi nhập ngũ rất khó khăn.
Điều 23: Chúng tôi đồng ý nội dung sửa đổi, bổ sung ở Điều này là: "Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế có trách nhiệm tổ chức tiễn đưa và bảo đảm cho người nhập ngũ của của cơ sở mình có mặt đúng thời gian và địa điểm quy định". Nhưng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện Điều này, nhất là đối với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc mọi hình thức, nhất là doanh nghiệp 100 vốn nước ngoài, khu chế xuất... Ngoài ra trong Điều này, chúng tôi đề nghị thay cụm từ "Ủy ban nhân dân các cấp..." có trách nhiệm thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân bằng cụm từ "chính quyền các cấp" để bao gồm cả trách nhiệm của ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân. ý kiến này cũng đã được Chính phủ tiếp thu và sửa đổi Dự án Luật.
Điều 56: Chúng tôi đồng ý nội dung sửa đổi Điều này trong Dự án Luật, đối với số quân nhân xuất ngũ trở về cơ quan, đơn vị cũ thì các cơ quan và đơn vị này phải có trách nhiệm tiếp nhận, sắp xếp việc làm cho họ, "trường hợp không tiếp nhận lại được do cơ quan, cơ sở cũ đã giải thể, bị đóng cửa hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách và giải quyết việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ nói trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và các lĩnh vực khác có liên quan". Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị trong hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ cần quy định cụ thể những cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết việc này.
Nhưng khi nghiên cứu sửa đổi Điều này, có ý kiến băn khoăn cho rằng, trong lúc ta đang thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, tinh giản bộ máy, biên chế và các tổ chức kinh tế thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh, thì việc sắp xếp lại việc làm cho quân nhân cũng có những khó khăn cho các cơ quan, tổ chức này. Đây là một vấn đề khá phức tạp, nhưng chúng tôi cho rằng, các chủ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý lao động và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải quyết thì mới bảo đảm hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, xin lưu ý Chính phủ khi ra lệnh gọi thanh niên trong các doanh nghiệp hay các cơ quan nhập ngũ, cần tính toán số lượng hợp lý để vừa bảo đảm nghĩa vụ quân sự, vừa bảo đảm sản xuất và hoạt động của đơn vị, và khi quân nhân xuất ngũ trở về cơ sở cũng dễ tiếp nhận.
2. Về vấn đề huấn luyện quân sự phổ thông:
Điều 17 Luật hiện hành không phân biệt được rõ cấp chỉ đạo và cấp tổ chức thực hiện việc huấn luyện quân sự phổ thông, do đó cần phải sửa. Hai Ủy ban chúng tôi nhất trí nội dung sửa đổi trong Dự án của Chính phủ, vì đã nêu được rõ cấp chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thuộc tỉnh và cấp tổ chức thực hiện việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên không học ở các trường là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng Cơ quan nhà nước. Đối với các tổ chức kinh tế cũng quy định rõ: "Có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên làm việc ở cơ sở mình tham gia "huấn luyện quân sự phổ thông".
Tuy nhiên quy định việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên không học ở các trường do các xã, phường, thị trấn tổ chức là có khó khăn vì thiếu ngân sách. Do đó chúng tôi lưu ý cần có các điều kiện bảo đảm cho cấp xã phường thực hiện nhiệm vụ này.
3. Về đối tượng tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình (Điều 29 của Luật hiện hành):
Nhằm khuyến khích, động viên những thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân viên nhà nước đến công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi, chúng tôi nhất trí với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung nêu trong Dự án Luật của Chính phủ. Nhưng cần bổ sung thêm đối tượng là cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội làm việc ở những vùng nói trên. Chúng tôi thấy việc tạm hoãn cho những người đi xây dựng vùng kinh tế theo kế hoạch của Nhà nước trong ba năm đầu và cho cả số thanh niên đang học ở trường tư thục do Chính phủ quy định là hợp lý, nhưng đề nghị phải có biện pháp quản lý bảo đảm chính xác đối tượng được hoãn, tránh để xảy ra tiêu cực, trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Có ý kiến thành viên hai Ủy ban đề nghị: Tạm hoãn cho những tài năng trẻ, người có tay nghề giỏi, tạm hoãn cho cả những công dân có khó khăn đặc biệt, những người đảm nhận những công việc chủ chốt mà không ai thay thế được, cho giáo viên, nhân viên y tế cơ sở. Đối với những ý kiến này, chúng tôi thấy không nên đưa vào Luật mà nên để tiếp tục nghiên cứu thêm.
4. Về việc huấn luyện quân nhân dự bị (Điều 40 Luật hiện hành):
Nhiều ý kiến đồng ý với Dự án Luật, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm vì Dự án Luật chỉ quy định thời gian huấn luyện cụ thể đối với quân nhân dự bị hạng 1, còn thời gian huấn luyện quân nhân dự bị hạng 2 lại để Chính phủ quy định. Chúng tôi thấy ghi như Dự án là hợp lý, nhưng đề nghị Chính phủ cần sớm có những quy định cụ thể.
5. Về chế độ, chính sách đối với quân nhân và gia đình quân nhân (các điều 51, 52, 53, 55 của Luật hiện hành):
Hai Ủy ban nhất trí đề nghị bổ sung vào các điều 51, 52, 55 và khoản 3 Điều 53 về chế độ, chính sách đối với quân nhân và gia đình quân nhân. Tuy nhiên, trong hai Ủy ban cũng có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm:
- Hiện nay, Chính phủ đã quy định phụ cấp học nghề cho hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ là ba tháng lương tối thiểu. Có ý kiến cho rằng mức phụ cấp như vậy là chưa đủ và đề nghị nâng lên cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được hưởng phụ cấp học nghề bằng ba tháng lương tối thiểu. Có ý kiến đề nghị không nên dùng cụm từ "trợ cấp học nghề" mà nên dùng cụm từ "trợ cấp tạo việc làm" cho phù hợp với thực tế hơn.
- Có ý kiến đề nghị đối với gia đình quân nhân dự bị hạng 2 cũng được hưởng phụ cấp nhưng ở mức thấp hơn so với gia đình quân nhân dự bị hạng 1 trong thời gian tập trung huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu. Hai Ủy ban chúng tôi cho rằng, những vấn đề này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, giải quyết, còn trong Luật không nên ghi cụ thể.
- Nhiều ý kiến trong hai Ủy ban chúng tôi đồng ý miễn nghĩa vụ lao động công ích cho quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, vì những lý do như Ban soạn thảo đã trình bày. Nhưng cần bổ sung là chỉ được miễn lao động công ích sau khi quân nhân xuất ngũ đã đăng ký vào ngạch dự bị.
6. Về một số vấn đề khác:
a) Về thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ:
Luật hiện hành (Điều 14) quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 2 năm, mới được Quốc hội khóa VIII sửa đổi năm 1991 và còn đang trong quá trình triển khai thực hiện nên lần sửa đổi này Chính phủ chưa đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia góp ý vào Dự thảo Luật, bên cạnh ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân đề nghị vẫn giữ 2 năm, cũng có một số ý kiến đề nghị nâng lên 3 năm, ngược lại cũng có ý kiến đề nghị hạ xuống 18 tháng, 12 tháng.
Chúng tôi cho rằng, những ý kiến đề nghị trên cần được tiếp tục nghiên cứu. Nhưng trong tình hình của đất nước ta hiện nay, ý kiến của hai Ủy ban chúng tôi đồng ý với đề nghị của Chính phủ là chưa xem xét, sửa đổi điều này, mà vẫn duy trì thời hạn phục vụ tại ngũ là 2 năm và đề nghị cần tăng cường bảo đảm ngân sách cho trang bị kỹ thuật, đời sống bộ đội và huấn luyện để Quân đội không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu và trưởng thành. Ngoài ra, có thể tăng thêm diện phục vụ tại ngũ 3 năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc các đơn vị binh chủng, chuyên môn kỹ thuật..., và nếu cần có thể động viên hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ kéo dài thêm thời hạn phục vụ bằng chính sách động viên thỏa đáng.
b) Về vấn đề công bằng xã hội trong thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự:
Chúng tôi cho rằng, đây là một vấn đề rất phức tạp, chưa thể giải quyết ngay một cách toàn diện và triệt để mà cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành từng bước. Do đó, nhiều ý kiến trong hai Ủy ban chúng tôi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ, chính sách đối với bản thân quân nhân tại ngũ, với quân nhân chuyên nghiệp, với quân nhân quá hạn, quân nhân xuất ngũ và quân nhân dự bị đã góp phần giải quyết một bước công bằng xã hội giữa người nhập ngũ và người không nhập ngũ.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vấn đề này để thể hiện trong các chính sách và các luật liên quan.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội