VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

Ý KIẾN CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA
QUỐC HỘI  VỀ DỰ ÁN BỘ LUẬT DÂN SỰ

(Do ông Nguyễn Văn Yểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
pháp luật của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 5,
Quốc hội khóa IX, ngày 07-6-1994)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1994, trong các ngày 29 và 30 tháng 4 và ngày 24 tháng 5 năm 1994, Ủy ban pháp luật đã họp để thẩm tra một bước về Dự án Bộ luật dân sự. Tham dự phiên họp của Ủy ban có đại diện của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Để giúp Ủy ban pháp luật có thêm thông tin, tạo điều kiện cho việc thẩm tra, ngoài việc cử chuyên viên của Vụ pháp luật nghiên cứu, theo dõi trong quá trình soạn thảo, Ủy ban chúng tôi đã mời một số chuyên gia về pháp luật dân sự ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu và đóng góp ý kiến về Dự án Bộ luật này.

Tại phiên họp, sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp được sự ủy nhiệm của Chính phủ trình bày Dự án Bộ luật dân sự, đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến, các thành viên của Ủy ban pháp luật đã thảo luận về một số vấn đề lớn thuộc nội dung của Dự án Bộ luật dân sự để trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến.

Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi báo cáo ý kiến của Ủy ban như sau:

I- VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ

Chúng tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá thực trạng pháp luật dân sự của Nhà nước ta hiện nay. Chúng tôi cho rằng, quan hệ dân sự không những luôn là vấn đề phức tạp mà còn liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của từng người dân và diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi đó chúng ta lại chưa có Bộ luật dân sự để điều chỉnh các quan hệ dân sự giữa công dân với công dân, giữa công dân với pháp nhân và giữa pháp nhân với nhau. Tình hình này đã gây không ít trở ngại cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, nhất là hoạt động xét xử của Tòa án. Theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác năm 1993 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX thì trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta theo cơ chế thị trường nhiều chính sách, pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự lại chưa hoàn chỉnh, nhất là chưa có Bộ luật dân sự làm chuẩn mực cho việc xét xử, nên không ít vụ án dân sự mỗi cấp Tòa án vận dụng chính sách, pháp luật để xét xử khác nhau làm cho các vụ án phải xét xử đi, xét xử lại nhiều lần, chưa kể có trường hợp tiêu cực, gây nhiều phiền hà cho nhân dân. Để khắc phục tình hình này, theo Tờ trình của Chính phủ thì các Tòa án đã phải vận dụng báo cáo tổng kết ngành Tòa án hàng năm và báo cáo chuyên đề, các thông tư hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động xét xử, bù lấp chỗ trống trong pháp luật. Đây là một tồn tại kéo dài trong nhiều năm và là một tình hình không bình thường, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Từ tình hình trên đây, Ủy ban pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết ban hành Bộ luật này để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam và một bước pháp điển hóa các quy định của pháp luật về dân sự.

II- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN THUỘC NỘI DUNG
 CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ

1. Về phạm vi quy định của Bộ luật dân sự:

Dự án Bộ luật dân sự là một Dự án lớn, phạm vi những vấn đề cần quy định khá rộng và do đó số lượng điều, khoản khá nhiều. Dự án này đã được soạn thảo trong nhiều năm; trong quá trình xây dựng Dự án Bộ luật này, cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có sự tham gia tích cực của nhiều chuyên gia pháp luật của nước ta, có sự kế thừa các quy định của pháp luật dân sự của Nhà nước ta từ trước tới nay; đồng thời đã nghiên cứu, tiếp thu một số kinh nghiệm về pháp luật dân sự của một số nước trên thế giới. Nhiều ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và của Ủy ban pháp luật đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và thể hiện trong Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp này. Vì vậy, Ủy ban pháp luật tán thành với nhiều nội dung của Dự án Bộ luật.

Tuy nhiên, theo chúng tôi đây là một Dự án Bộ luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, nhất là việc xác định thế nào là các quan hệ dân sự và trong các quan hệ đó thì những vấn đề gì cần được quy định trong Bộ luật dân sự này. Đây là vấn đề mà trong Tờ trình chưa được làm rõ và nhiều quy định trong Dự thảo chưa phân biệt được thế nào là quan hệ dân sự, thế nào là quan hệ kinh tế và trong phần quy định về hợp đồng cũng chưa phân biệt được thế nào là hợp đồng dân sự, thế nào là hợp đồng kinh tế.

Từ cách đặt vấn đề trên đây, chúng tôi xin báo cáo ý kiến của Ủy ban pháp luật về một số vấn đề có liên quan đến phạm vi quy định của Bộ luật dân sự như sau:

a) Có nên đưa các quy định về quan hệ nhân thân và tài sản trong Luật hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự không?

Về vấn đề này, Ủy ban pháp luật có hai loại ý kiến:

- Nhiều thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với quy định trong Dự thảo Bộ luật là không nên đưa tất cả các quy định về quan hệ nhân thân và tài sản trong Luật hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự mà chỉ quy định một số nguyên tắc lớn, còn những vấn đề cụ thể về hôn nhân và gia đình nên để cho pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định, vì cho rằng: Ở nước ta, Luật hôn nhân và gia đình được ban hành sớm và theo truyền thống thì pháp luật về hôn nhân và gia đình được coi là một ngành luật độc lập. Thực tế cho thấy, các quy định của Luật hôn nhân và gia đình là tương đối hoàn chỉnh, đã và đang đi vào cuộc sống; ngoài ý nghĩa pháp lý còn khẳng định các giá trị đạo đức, tình cảm, phù hợp với quan niệm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về hôn nhân và gia đình, vì thế không cần thiết phải đưa tất cả các quy định về nhân thân và tài sản trong Luật hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự. Mặt khác, việc xây dựng và hoàn thiện Bộ luật dân sự là cả một quá trình. Do đó, trước mắt các quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn nên để một đạo luật riêng quy định, qua một số năm rút kinh nghiệm, nếu thấy thật cần thiết sẽ xem xét và đưa vào Bộ luật dân sự sau.

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần đưa tất cả các quy định của Luật hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự, mà không nên để Luật hôn nhân và gia đình tồn tại song song với Bộ luật dân sự, vì: Thực chất các quan hệ về nhân thân và tài sản được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình là những quan hệ dân sự và do đó cần phải được quy định trong Bộ luật dân sự và như vậy cũng phù hợp với nguyên tắc mà theo Tờ trình của Chính phủ thì việc xây dựng Bộ luật dân sự là nhằm một bước pháp điển hóa các quy định của pháp luật dân sự hiện hành của Nhà nước ta. Hiện nay, nhiều quy định trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi, bổ sung. Do đó, việc đưa các quy định về hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự cũng là dịp để chúng ta sửa đổi những điều không còn phù hợp. Hơn nữa, qua nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài thì thấy Bộ luật dân sự của nhiều nước đều có phần quy định về hôn nhân và gia đình.

b) Có nên quy định về vấn đề chuyển quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự không?

Đây là vấn đề rất phức tạp, qua thảo luận Ủy ban pháp luật chúng tôi có hai loại ý kiến:

- Nhiều thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng: Mặc dù người sử dụng đất không phải là chủ sở hữu, nhưng các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp của cá nhân, hộ gia đình mà Luật đất đai đã quy định, thực chất là các quyền về dân sự. Trong khi đó Luật đất đai mới chỉ quy định có tính nguyên tắc còn việc thực hiện các quyền này ra sao thì trong Luật đất đai đã xác định là do các văn bản pháp luật khác quy định. Vì vậy, việc quy định về các quyền này trong Bộ luật dân sự là cần thiết. Nhưng vì đây là những quan hệ dân sự có tính đặc thù thì cần phải được quy định thành một phần riêng và cần phải được nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ, tránh chồng chéo, trùng lặp với các quy định của Luật đất đai và phải có sự phân biệt giữa quyền của chủ sở hữu đối với đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý với quyền của cá nhân, hộ gia đình là người sử dụng đất được Nhà nước giao.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định vấn đề chuyển quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự, vì cho rằng: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, việc Nhà nước ta giao cho cá nhân, hộ gia đình một số quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất trong thời hạn được giao với những điều kiện rất chặt chẽ phù hợp với mục đích sử dụng đất là nhằm khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả. Những quyền này không thuần túy là quyền dân sự bởi vì trước hết người sử dụng đất không phải là chủ sở hữu và khi thực hiện những quyền này còn bị hạn chế bởi những quy định chặt chẽ của pháp luật về hành chính; chẳng hạn những quyền này chỉ được thực hiện trong thời hạn được giao đất, người sử dụng đất và những người được nhận quyền sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích và theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quyết định. Như vậy, nếu đưa vào Bộ luật dân sự thì sẽ không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự; và trong thực tế cũng sẽ khó phân biệt cùng một vấn đề khi nào được coi là quan hệ dân sự, khi nào là quan hệ hành chính. Vấn đề này được thể hiện rất rõ trong các quy định của Luật đất đai về quản lý nhà nước đối với đất đai và nhất là việc giải quyết các tranh chấp về đất đai. Hơn nữa, tại các chương, điều trong Dự thảo Bộ luật dân sự, khi quy định về vấn đề chuyển quyền sử dụng đất (từ Điều 412 đến Điều 444; từ Điều 520 đến Điều 524) thì về cơ bản cũng chưa làm rõ được hơn so với các quy định của Luật đất đai, nhất là các quy định về thừa kế. Mặt khác, người sử dụng đất theo quy định tại Điều 1 của Luật đất đai bao bồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội, hộ gia đình, cá nhân, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất của Nhà nước ta; quyền và nghĩa vụ của những chủ thể sử dụng đất cũng rất khác nhau, do đó việc đưa vào Bộ luật dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn.

2. Về chủ thể của quan hệ dân sự:

a) Về hộ gia đình và tổ hợp tác

Ngoài cá nhân và pháp nhân, trong Dự thảo Bộ luật dân sự còn quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ dân sự và được quy định tại Chương III thuộc Phần thứ nhất của Bộ luật. Về vấn đề này, Ủy ban pháp luật có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất tán thành cần phải quy định trong Bộ luật dân sự vì cho rằng: Mặc dù hộ gia đình, tổ hợp tác không phải là cá nhân, pháp nhân nhưng là hai chủ thể đã và đang tồn tại trên thực tế và có tham gia vào một số quan hệ dân sự nhất định. Vì vậy, đây là một loại chủ thể đặc thù của quan hệ dân sự. Tuy nhiên, ý kiến này cho rằng, một khi đã xác định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể trong quan hệ dân sự thì cũng cần phải xác định rõ hộ gia đình và tổ hợp tác được tham gia vào các quan hệ dân sự nào? Và cách thức họ tham gia vào các quan hệ dân sự như thế nào?

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Hộ gia đình và tổ hợp tác không thể coi là chủ thể của các quan hệ dân sự, vì pháp luật dân sự ở nước ta cũng như các nước trên thế giới chỉ thừa nhận hai chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân. Như vậy, ngoài cá nhân và pháp nhân ra thì không có đối tượng nào có thể trở thành chủ thể của quan hệ dân sự.

Về hộ gia đình, đây là khái niệm gắn với việc quản lý hành chính về mặt hộ khẩu và là đối tượng được Nhà nước giao đất và cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai. Về nguyên tắc và trong thực tế không thể có việc chủ hộ mặc nhiên thay mặt cho các thành viên trong hộ gia đình tham gia các quan hệ dân sự; đồng thời năng lực hành vi của các thành viên trong hộ gia đình thường cũng không hoàn toàn giống nhau. Hơn nữa, trong hộ gia đình có thể có tài sản là tài sản chung của gia đình và có thể có tài sản là tài sản riêng của từng thành viên. Vì thế, nếu có quy định trong Bộ luật dân sự thì cũng chỉ có thể quy định như chế độ pháp lý của hình thức sở hữu chung về tài sản chung của hộ gia đình và về quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Về tổ hợp tác, đây là một hình thức tổ chức chưa thật ổn định. Nếu tổ hợp tác có các điều kiện để trở thành pháp nhân thì sẽ tuân theo các quy định về pháp nhân trong Chương IV, Phần thứ nhất của Dự thảo Bộ luật dân sự; còn nếu tổ hợp tác không phải là pháp nhân mà tham gia quan hệ dân sự thì chỉ có thể quy định dưới hình thức hợp đồng hợp tác trong phần quy định về hợp đồng dân sự.

b) Về pháp nhân

Điều 52 của Dự thảo Bộ luật dân sự quy định:

"1. Pháp nhân là một tổ chức có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập hoặc công nhận;

b) Có cơ cấu tổ chức riêng;

c) Có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

d) Tham gia độc lập quan hệ pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, xã hội và tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này đều là pháp nhân".

Chúng tôi thấy, đây là một vấn đề cần được làm rõ, vì theo quy định tại Điều 52 nói trên của Dự thảo Bộ luật dân sự thì chưa phân biệt được thế nào là pháp nhân trong quan hệ dân sự, thế nào là pháp nhân trong quan hệ kinh tế, hành chính. Hơn nữa, theo chúng tôi cũng cần phải xem xét lại quy định của pháp luật hiện hành về khái niệm pháp nhân khi xác định pháp nhân là một tổ chức. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định rõ thế nào là một tổ chức? Bởi vì theo quy định của Luật doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân được xác định là một đơn vị kinh tế do một cá nhân làm chủ. Mặc dù có đầy đủ 4 điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 52 này, nhưng doanh nghiệp tư nhân không được coi là một pháp nhân trong quan hệ dân sự cũng như trong quan hệ kinh tế, mà chỉ được coi là các cá nhân có đăng ký kinh doanh. Quy định này có thể chỉ đúng với quy mô tổ chức và tình hình phát triển của doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Nhưng trong tương lai, sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô tổ chức lớn và chủ doanh nghiệp là cá nhân không trực tiếp điều hành hoạt động của doanh nghiệp mà hoạt động của doanh nghiệp do giám đốc (có thể có phó giám đốc) được chủ doanh nghiệp thuê và giao trách nhiệm điều hành và có bộ phận giúp việc: kế toán, thủ quỹ, kỹ thuật... Vì vậy, Ủy ban pháp luật cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và sớm đưa ra một khái niệm đầy đủ về pháp nhân để bảo đảm xác định cho được các điều kiện của một pháp nhân trong các quan hệ dân sự, pháp nhân trong quan hệ kinh tế và pháp nhân trong quan hệ hành chính. Theo chúng tôi, dù là tổ chức hay đơn vị kinh tế có đăng ký kinh doanh nhưng nếu có đủ các điều kiện nói trên thì đều phải được coi là pháp nhân tham gia trong quan hệ dân sự.

3. Về vấn đề sở hữu:

Đây là vấn đề lớn, phức tạp và cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của Bộ luật dân sự.

a) Về hình thức sở hữu

Tại Điều 99 của Dự thảo Bộ luật dân sự có quy định về 4 hình thức sở hữu, đó là: Sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và sở hữu chung. Theo quy định tại Điều 15 của Hiến pháp năm 1992 thì ở nước ta có các chế độ sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Chúng tôi cho rằng, vấn đề cần phải làm rõ là với 3 chế độ sở hữu này có thể có nhiều hình thức sở hữu không? Vì theo quy định tại Điều 16 của Hiến pháp năm 1992 thì ở nước ta có các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và tư bản nhà nước. Đối với mỗi thành phần kinh tế này có phải là một hình thức sở hữu tương ứng không? Hơn nữa, tại Điều 104 của Dự thảo Bộ luật có quy định về sở hữu của các tổ chức chính trị, xã hội, vậy tài sản của các tổ chức này là tài sản thuộc loại hình sở hữu nào? và tài sản của các hợp tác xã ở nước ta hiện nay là tài sản thuộc loại hình sở hữu nào? có phải là tài sản thuộc sở hữu tập thể không? và ngoài các hình thức sở hữu nói trên có thể còn có hình thức sở hữu khác không? chẳng hạn có hình thức sở hữu hỗn hợp không?

Vì vậy, đây là một vấn đề cần làm rõ để bảo đảm tính nhất quán về sở hữu trong Dự thảo Bộ luật dân sự.

b) Về sở hữu toàn dân

Khoản 5 Điều 100 của Dự thảo Bộ luật dân sự quy định: "tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao tài sản để quản lý, sử dụng được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định".

Về vấn đề này, nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng tài sản thuộc sở hữu toàn dân là hết sức quan trọng và là nền tảng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong pháp luật cần phải có những chế định chặt chẽ về chế độ quản lý và sử dụng khối tài sản này. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự cần phải có những quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhịêm của các chủ thể quản lý và ai là người đại diện cho Nhà nước trực tiếp tham gia vào quan hệ dân sự có liên quan đến tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

c) Về sở hữu tập thể

Điều 101 của Dự thảo Bộ luật dân sự quy định: "Sở hữu tập thể được tạo lập từ nguồn đóng góp tài sản, công sức của các cá nhân để cùng nhau thực hiện mục đích chung trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi".

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng: Sở hữu của các hợp tác xã ở nước ta trước đây là một loại hình sở hữu thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa và được hình thành trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta hiện nay thì hình thức hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp đã có nhiều sự thay đổi so với các loại hình hợp tác xã trước đây. Hiện nay, chúng ta cũng đang nghiên cứu, chuẩn bị Dự án Luật hợp tác xã. Vì vậy, đây là một vấn đề cũng cần được làm rõ để trong Bộ luật dân sự có những quy định sao cho phù hợp với tình hình mới và cũng cần xác định rõ: tài sản của các hợp tác xã có phải là tài sản thuộc sở hữu tập thể hay là thuộc một loại hình sở hữu khác.

d) Về sở hữu của các tổ chức chính trị, xã hội

Điều 104 của Dự thảo Bộ luật dân sự quy định:

"1. Các tổ chức chính trị, xã hội có quyền sở hữu đối với tài sản để thực hiện những nhiệm vụ quy định trong Điều lệ.

2. Quyền sở hữu của các tổ chức chính trị, xã hội được pháp luật bảo vệ.

3. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của các tổ chức đó do Điều lệ quy định".

Về vấn đề này, nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với quy định trong Dự thảo Bộ luật dân sự về sở hữu của các tổ chức chính trị, xã hội như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, v.v., nhưng cần phải xác định rõ tài sản của các tổ chức này thuộc loại hình sở hữu nào, vì trên thực tế tài sản của các tổ chức này được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau: do ngân sách nhà nước cấp, do các thành viên đóng góp hoặc do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc tổ chức đó và cũng có thể do viện trợ nước ngoài.

Tuy nhiên, khi phân tích đến việc xác định hình thức sở hữu của các tổ chức này thì Ủy ban pháp luật cũng còn có ý kiến khác nhau như sau:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Tài sản của các tổ chức chính trị, xã hội là tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Tài sản của các tổ chức chính trị, xã hội là tài sản thuộc sở hữu tập thể.

- Loại ý kiến thứ ba đề nghị cần phân định trong khối tài sản của các tổ chức này, phần tài sản do ngân sách nhà nước cấp là thuộc sở hữu toàn dân, còn phần tài sản khác là thuộc quyền sở hữu riêng của từng tổ chức chính trị, xã hội đó.

4. Về vấn đề hợp đồng dân sự (Phần thứ ba Dự thảo Bộ luật dân sự)

Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành các pháp lệnh: Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế, Pháp lệnh về hợp đồng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định thành lập các Tòa kinh tế là Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao bên cạnh các Tòa dân sự. Như vậy, mặc dù những quan hệ về kinh tế và về dân sự trên thực tế tuy có mối quan hệ nhất định nhưng vẫn là hai lĩnh vực khác nhau. Trong Dự án Bộ luật dân sự, cơ quan soạn thảo chủ trương quy định một số nguyên tắc cơ bản về hợp đồng nói chung đồng thời có quy định một số hợp đồng thông dụng và được đặt trong phần quy định về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu một cách toàn diện để bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta. Những quy định về các loại hợp đồng trong Dự án Bộ luật dân sự chưa xác định rõ thế nào là hợp đồng dân sự, chưa có sự phân biệt một cách rõ ràng thế nào là hợp đồng dân sự và thế nào là hợp đồng kinh tế. Điều đó theo chúng tôi sẽ gây không ít trở ngại cho việc ký kết, thực hiện hợp đồng, cũng như cho việc giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Như vậy, vấn đề quan trọng là cần phải xác định thế nào là quan hệ dân sự và thế nào là quan hệ kinh tế để từ đó xác định rõ các loại hợp đồng tương ứng.

5. Về một số vấn đề khác:

a) Những quy định về Quỹ

Tại mục 2 (từ Điều 65 đến Điều 67) Chương IV về pháp nhân, thuộc Phần thứ nhất của Dự thảo Bộ luật dân sự có quy định về Quỹ. Về vấn đề này, một số thành viên của Ủy ban chúng tôi lưu ý cần cân nhắc có nên dành một mục trong Dự án Bộ luật để quy định về Quỹ hay không? Bởi vì, bất kỳ tổ chức nào khi đã có đầy đủ những yếu tố hợp thành của pháp nhân như quy định tại Điều 52 của Dự thảo Bộ luật đều là pháp nhân chứ không chỉ riêng có các Quỹ.

b) Về bố cục của Dự thảo Bộ luật dân sự

Về cơ bản, ý kiến của Ủy ban pháp luật nhất trí với cơ cấu của Dự thảo Bộ luật dân sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu về trí tuệ nhưng đều là quyền sở hữu; vì vậy, cần cân nhắc để đưa những quy định về những quyền này vào Phần thứ hai của Dự án Bộ luật quy định về quyền sở hữu mà không nên cấu tạo thành một phần riêng (Phần thứ 5 của Dự án Bộ luật). Ngoài ra, trong 562 điều của Dự thảo Bộ luật dân sự, ngoài Phần thứ nhất có tiêu đề "Những quy định chung" với 91 điều, còn có tới 174 điều là những điều quy định chung được quy định trong 6 chương cũng có tiêu đề "Những quy định chung" và được quy định trong nhiều phần khác của Dự thảo Bộ luật. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu để đưa ra một bố cục hợp lý hơn.

c) Qua nghiên cứu chúng tôi thấy: trong Dự thảo Bộ luật dân sự có tới trên một trăm điều, khoản chưa được quy định cụ thể, mà còn có thể hiện dưới các hình thức như sau:

- (... theo quy định của pháp luật).

- (... nếu pháp luật có quy định khác).

- (... nếu pháp luật có quy định).

- (... trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

- (... do pháp luật quy định).

- (... tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Nghĩa là các điều, khoản này muốn thi hành được thì cần phải có các quy định của các văn bản pháp luật khác. Tuy rằng trong thực tế việc xây dựng các văn bản pháp luật cũng có những trường hợp phải sử dụng những cách thể hiện này; nhưng nếu sử dụng quá nhiều trong một văn bản, nhất là trong Bộ luật thì đây là một vấn đề cần cân nhắc. Theo chúng tôi, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại để có thể giảm bớt các quy định như đã nêu trên, có như vậy thì Bộ luật dân sự sau khi được Quốc hội thông qua mới có tính khả thi cao, có thể đi ngay vào cuộc sống và không phải chờ nhiều văn bản pháp luật quy định thì mới có thể thi hành được.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là ý kiến bước đầu của Ủy ban pháp luật về một số vấn đề lớn của Dự án Bộ luật dân sự. Ngoài ra cũng còn những vấn đề khác thuộc nội dung, cách thức thể hiện, cũng như về kỹ thuật văn bản chúng tôi đã phát biểu trực tiếp với cơ quan soạn thảo.

Ủy ban pháp luật xin kính trình Quốc hội xem xét và quyết định

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội