VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

TỜ TRÌNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ PHÊ CHUẨN
CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN 1982

(Do Chủ tịch nước Lê Đức Anh trình bày
tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 09-6-1994)

Ngày 30 tháng 4 năm 1982, với 130 phiếu thuận, Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ III đã thông qua Công ước về Luật biển.

Ngày 10 tháng 12 năm 1982, Công ước đã được 119 đoàn đại diện của các nước chính thức ký kết.

Sự ra đời của Công ước này đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật quốc tế về biển và đại dương.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 về cơ bản là một Công ước tiến bộ. Đây là thành quả của 5 năm trù bị, 9 năm thương lượng tích cực và kiên trì của nhiều quốc gia và các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, đặc biệt phải kể đến các quốc gia tiến bộ đang trên đường phát triển.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng đề cập những vấn đề chính yếu về biển và đại dương. Nó quy định các quyền cũng như lợi ích chính đáng và các nghĩa vụ của tất cả các quốc gia đối với vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Cho đến ngày 16 tháng 11 năm 1993, đã có 159 nước chính thức ký kết và 60 nước đã phê chuẩn Công ước này. Theo quy định của Công ước, ngày 16 tháng 11 năm 1994, Công ước sẽ có hiệu lực (tức là sau 12 tháng kể từ ngày nước thứ 60 gửi lưu chiểu văn bản phê chuẩn Công ước).

Là một nước có bờ biển dài và vùng biển rộng, Việt Nam luôn luôn coi vấn đề biển là rất quan trọng. Trong những năm qua nước ta không những chỉ quan tâm theo dõi quá trình diễn biến mà còn trực tiếp tham gia và có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng Công ước, và là một trong những nước đầu tiên ngày 10 tháng 12 năm 1982 chính thức ký kết công ước.

Sau một thời gian nghiên cứu chuẩn bị, ngày 25 tháng 5 năm 1994, Chính phủ đã có Tờ trình số 137/PC đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Xét thấy Công ước là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để Nhà nước và nhân dân ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Công ước có nội dung rất rộng bao gồm những vấn đề liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý là Công ước không chấp nhận bảo lưu, cũng không chấp nhận các ngoại lệ ngoài những trường hợp đã được Công ước cho phép. Việc chuẩn bị thi hành Công ước sau khi Nhà nước ta phê chuẩn đặt ra nhiều vấn đề rất quan trọng và phức tạp có quan hệ trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, đời sống nhân dân, đến nhiều Bộ, nhiều ngành, nhiều địa phương và quan hệ giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Từ nhận thức trên, căn cứ vào Điều 103, khoản 10 của Hiến pháp năm 1992 quy định rằng Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định, và Điều 84 khoản 13 của Hiến pháp 1992 quy định rằng Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước, tôi xin trình Quốc hội và trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Sau đây, đề nghị Quốc hội nghe báo cáo giải trình của Chính phủ về đề nghị phê chuẩn Công ước này.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội