VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN
CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN 1982


(Do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX,  ngày 09-6-1994)

I- Ý NGHĨA CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC
VỀ LUẬT BIỂN 1982

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã được thông qua và ký kết sau 5 năm trù bị (1967-1972) và 9 năm thương lượng (1973-1982) trong 11 khóa họp với sự tham gia của 165 nước và vùng lãnh thổ.

Đến ngày 16-11-1993 đã có 159 nước ký kết Công ước và 60 nước phê chuẩn Công ước. Như vậy, theo quy định của Công ước thì Công ước sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 16-11-1994, tức 1 năm sau khi nước thứ 60 gửi lưu chiểu văn bản phê chuẩn Công ước. Nước ta đã ký kết Công ước ngày 10-12-1982 nhưng chưa phê chuẩn Công ước, vì vậy lần này Chính phủ báo cáo và đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước.

Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp toàn diện, đề cập những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, quy định rõ các quyền lợi và nghĩa vụ trên biển của mọi loại quốc gia (có biển cũng như không có biển, có chế độ kinh tế, chính trị - xã hội khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Cùng với Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển được coi là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử của Liên hợp quốc. Ngày 10-12-1984, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã ra một Tuyên bố đặc biệt về Công ước đánh giá như sau: "Việc ủng hộ một Công ước có tính chất bách khoa như thế bằng một đa số áp đảo như vậy là chưa từng có... Thành quả này còn đáng chú ý hơn nữa nếu tính đến tính toàn diện, tầm cỡ rộng lớn và tính phức tạp của các vấn đề được đề cập đến trong Công ước... Công ước này là một công cụ pháp lý đặc sắc có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, có biển hay nằm trong lục địa. Công ước sẽ có những hệ quả sâu xa đối với phạm vi quyền tài phán quốc gia của các nước đối với các vùng biển nằm gần bờ của các quốc gia, đối với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các khu vực biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia".

II- NỘI DUNG CỦA CÔNG NƯỚC NĂM 1982
CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN

1. Công ước có 3 nội dung chính như sau:

A. Phạm vi và chế độ pháp lý của những vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển:

Đây là điểm mới và tiến bộ cơ bản trong nội dung của Công ước. So với Công ước năm 1958, Công ước 1982 đã mở rộng một cách đáng kể chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của quốc gia ven biển, xác định rõ ràng phạm vi và chế độ pháp lý của từng vùng biển.

Theo Công ước, một quốc gia ven biển có các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế) và thềm lục địa.

Như vậy, lãnh thổ của một quốc gia ven biển được mở rộng đến một dải biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở (lãnh hải). Ngoài ra, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền đối với các tài nguyên sinh vật và không sinh vật và toàn bộ các hoạt động vì mục đích kinh tế, cũng như quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, lắp đặt và sử dụng các đảo và công trình thiết bị nhân tạo trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và quyền chủ quyền đối với thềm lục địa rộng ít nhất là 200 hải lý và tối đa là 350 hải lý hoặc nằm cách đường đẳng sâu 2.500 mét một khoảng cách không quá 100 hải lý.

Có thể thấy rằng các quy định này, đặc biệt là các chế định của Công ước về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, dẫn đến sự thay đổi to lớn về hình thái địa lý chính trị và địa lý kinh tế trên thế giới theo hướng có lợi cho các quốc gia đang phát triển. Trước đây, bên ngoài lãnh hải rộng thông thường từ 3-12 hải lý là biển cả, nơi các quốc gia đều được hưởng các quyền tự do trên biển. Nay biển cả chỉ bắt đầu từ ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế, các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển 200 hải lý. Quy định về phạm vi thềm lục địa của Công ước năm 1958 không rõ ràng, để lại một vùng thềm lục địa rộng lớn cho các cường quốc công nghiệp có tiềm năng tự do khai thác. Nay thềm lục địa với tư cách là sự kéo dài tự nhiên của lục địa của quốc gia ven biển được khẳng định cho đến 350 hải lý hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 mét một khoảng cách không quá 100 hải lý. Tầm quan trọng của các chế định này là ở chỗ, nó đã đưa thêm 36% diện tích biển và đại dương thế giới (24% diện tích trái đất) đặt dưới quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển. Ngoài ra, Công ước vẫn bảo đảm cho các nước khác được hưởng các quyền tự do truyền thống như tự do hàng hải, tự do bay, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

B. Các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia:

Trong các chế định mới của Công ước liên quan đến các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia cũng có những tiến bộ rõ rệt. Các vùng biển đó bao gồm: Biển cả và Vùng (đáy biển lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia)[1].

- Biển cả: Công ước bảo đảm quyền tự do trên biển cả đối với tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, yêu cầu các quốc gia thi hành các biện pháp có hiệu quả để chống việc chuyên chở nô lệ, hợp tác chống nạn cướp biển, cấm phát sóng trái phép, quy định về việc đánh bắt, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của biển cả. Đặc biệt, Công ước quy định không một quốc gia nào có thể yêu sách bất kỳ một bộ phận nào của biển cả thuộc vào chủ quyền của mình.

- Vùng (đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia), nơi chứa đựng các mỏ kết hạch sắt - mănggan và các mỏ sunphít đa kim khổng lồ có thể tái tạo trong tự nhiên, đã được Công ước tuyên bố là "di sản chung của nhân loại". Một Cơ quan quyền lực quốc tế được thành lập theo Công ước thay mặt toàn thể loài người quản lý, tổ chức và kiểm soát các hoạt động tiến hành trong Vùng (đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia) nhằm bảo đảm việc sử dụng một cách công bằng và hợp lý tài nguyên của Vùng để phục vụ cho lợi ích của toàn thể loài người, có lưu ý đặc biệt đến các lợi ích và nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.

C. Các chuyên đề khác trong Công ước:

Ngoài những quy định cơ bản về phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như của Biển cả và Vùng, Công ước cũng đưa ra các chế định pháp lý về các mặt: bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển, giải quyết các tranh chấp trên biển mà nội dung chủ yếu là yêu cầu các nước tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật biển cho các nước đang phát triển để có thể khai thác và sử dụng biển một cách công bằng, hợp lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cho các thế hệ mai sau, cũng như cung cấp một số phương thức giúp giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển vì lợi ích của hòa bình và an ninh quốc tế.

2. Đánh giá chung về Công ước Luật biển năm 1982:

Công ước năm 1982 về Luật biển là một bước phát triển có ý nghĩa tiến bộ trên con đường xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế toàn diện trên biển và đại dương thế giới. Công ước được xây dựng dựa trên các thành tựu khoa học - kỹ thuật và kinh tế - xã hội trong một giai đoạn phát triển mới của xã hội loài người nhằm mục đích giữ gìn hòa bình, công lý và tiến bộ cho các dân tộc trên thế giới. Công ước đã tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ biển và đại dương, bao gồm các nước có biển cũng như không có biển, các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển, các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau.

Hầu hết nội dung của Công ước, trừ phần 11 liên quan đến việc khai thác Vùng, được tất cả các quốc gia thừa nhận và đã trở thành luật tập quán được tôn trọng và tuân thủ trong quan hệ quốc tế về biển và đại dương. Thậm chí Mỹ là nước đi đầu trong việc chống lại việc thông qua Công ước và chưa ký Công ước nhưng cũng đã ban hành luật quốc gia về lãnh hải rộng 12 hải lý, về vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và về thềm lục địa với chế độ pháp lý phù hợp với các quy định của Công ước. Trong nhiều vụ tranh chấp quốc tế sau khi Công ước được ký kết (vụ Vịnh Maine giữa Mỹ và Canađa năm 1984, vụ Malta - Libi năm 1985...), Tòa án quốc tế cũng thừa nhận các quy định của Công ước đã trở thành luật tập quán quốc tế và dựa vào Công ước để phân xử các tranh chấp đó.

III- VẤN ĐỀ VIỆT NAM PHÊ CHUẨN CÔNG ƯỚC
 LUẬT BIỂN NĂM 1982

Nước ta tham dự Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật biển từ năm 1977. Đoàn Việt Nam đã có sự đóng góp vào cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển và các nước xã hội chủ nghĩa trong Hội nghị. Nước ta là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua Công ước ngày 30-4-1982. Sau đó, nước ta đã cùng 118 nước khác ký kết Công ước vào ngày 10-12-1982.

Trong quá trình Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật biển, nắm bắt được xu thế tiến bộ chung, ngày 12-5-1977, sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn y, Chính phủ ta đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất theo tinh thần Công ước ở trong khu vực Đông Nam Á. Tuyên bố của ta hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước và có hiệu lực cho đến nay. Từ Tuyên bố lịch sử đó, hệ thống pháp luật biển về quyền và lợi ích, các hoạt động và đấu tranh của Nhà nước ta về mọi mặt liên quan đến biển đều lấy Công ước làm cơ sở.

Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển về cơ bản là một công ước tiến bộ nhưng đó cũng là một sự thỏa hiệp có tính chất toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các loại quốc gia khác nhau trên thế giới. Vì vậy, các quy định của Công ước không hoàn toàn là thuận lợi đối với mọi quốc gia. Một khi đã phê chuẩn Công ước thì toàn bộ các quy định của Công ước với tính chất "cả gói" sẽ trở nên có tính chất ràng buộc đối với quốc gia phê chuẩn. Các quốc gia đều cân nhắc về các khía cạnh liên quan đến "quyền và nghĩa vụ", "cái lợi và cái bất lợi" trong việc phê chuẩn Công ước.

Đối với Việt Nam, vấn đề phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 phải dựa trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia lâu dài liên quan đến chủ quyền, hòa bình và phát triển của đất nước, bảo vệ và tận dụng các quyền và lợi ích cơ bản mà Công ước đem lại cho một nước ven biển đang phát triển, khắc phục và hạn chế đến mức cao nhất các mặt bất lợi có thể có.

1. Với tư cách là một nước ven biển đang phát triển có bờ biển dài, vùng biển rộng và ở một vị trí địa lý quan trọng, việc phê chuẩn Công ước về cơ bản là có lợi cho Việt Nam:

- Việc phê chuẩn Công ước sẽ chính thức hóa cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của đất nước. Nếu căn cứ vào các tiêu chuẩn hiện hành của các công ước về Luật biển cũ năm 1958 và các quy định tương ứng của các Chính phủ Việt Nam trước năm 1977 thì ta chỉ có một vùng lãnh hải rộng 12 hải lý (ở miền Bắc), 3 hải lý (ở miền Nam) và một vùng thềm lục địa chưa được xác định. Theo Công ước năm 1982, Việt Nam có một vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền về kinh tế rộng 200 hải lý, và thềm lục địa rộng ít nhất là 200 hải lý và tối đa cho đến 350 hải lý. Đây là sự thay đổi có tính chất cơ bản về mặt địa lý lãnh thổ, có ý nghĩa quan trọng về chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế của nước ta, diện tích các vùng biển và thềm lục địa giàu tiềm năng mà Việt Nam được hưởng theo Công ước được mở rộng gấp vài lần diện tích của phần lãnh thổ đất liền. Đó cũng là một cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ các vùng biển và thềm  lục địa, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển chính đáng của chúng ta.

- Với Công ước có hiệu lực, các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được pháp luật quốc tế công nhận và bảo đảm; đó là cơ sở để ta rà soát và hoàn chỉnh các luật lệ cần thiết bảo vệ trật tự pháp lý và tài nguyên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, yêu cầu các nước khác tôn trọng pháp luật và lợi ích chính đáng của Việt Nam cũng như tăng cường sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng và khai thác biển, bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam.

2. Vấn đề cần cân nhắc trong việc phê chuẩn Công ước:

Hiện nay, những quy định của pháp luật về biển của Việt Nam có một số quy định không thật phù hợp với Công ước mà khi phê chuẩn Công ước ta phải tính đến, trong đó đáng kể nhất là quy định về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở một vài đoạn và về quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải. Ta sẽ khẩn trương nghiên cứu để từng bước điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp với Công ước đồng thời vẫn bảo vệ được các quyền lợi chính đáng của nước ta trên biển.

IV- KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở phân tích và trình bày như trên, sau khi cân nhắc các mặt đối nội, đối ngoại và sau khi báo cáo xin ý kiến Chủ tịch nước, Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật quốc gia để bảo đảm phù hợp các quy định của Công ước.

Đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ có những biện pháp thích hợp nhằm tăng cường bảo vệ và quản lý các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Nhân dịp phê chuẩn Công ước, đề nghị Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ trương trước sau như một của Nhà nước ta là: giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; đồng thời cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

 

 

[1]. "Vùng" viết hoa là 1 thuật ngữ của Công ước dùng để chỉ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia (Điều 1 của Công ước).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội