VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

BÁO CÁO CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC
PHÊ CHUẨN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN 1982


(Do ông Hoàng Bích Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 09-6-1994)

Sau một thời gian dài thương lượng tích cực, thẳng thắn và kiên trì của nhiều quốc gia và các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, đặc biệt là các nước tiến bộ và các nước đang phát triển, "Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982" đã được thông qua và ký kết. Nước ta đã tham gia tích cực vào việc xây dựng Công ước quốc tế quan trọng này và là một trong những nước đầu tiên ký Công ước ngày 10-12-1982. Nhưng Nhà nước ta chưa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Đến nay đã có 159 nước ký kết Công ước và 60 nước phê chuẩn. Theo quy định của Công ước thì Công ước sẽ có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Ngày 25-5-1994, Chính phủ có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước. Xét tầm quan trọng của Công ước, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc phê chuẩn Công ước về Luật biển 1982.

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội trong phiên họp ngày 06-6-1994 có đại diện Ủy ban quốc phòng và an ninh và Ủy ban pháp luật của Quốc hội tham dự, đã nhất trí tán thành đề nghị của Chủ tịch nước. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tờ trình của Chính phủ, đi đến sự nhất trí cao với giải trình của Chính phủ. Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, vì những lý do sau đây:

1. Công ước này có nhiều điểm tiến bộ phù hợp với lợi ích của các nước đang phát triển, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quốc tế ngăn ngừa việc xâm phạm chủ quyền và lợi ích các nước ven biển.

2. Công ước là một cơ sở pháp lý để Nhà nước và nhân dân ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, góp phần củng cố hòa bình ổn định, tăng cường hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

3. Các quyền về chủ quyền của nước ta đối với tài nguyên biển và các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta được pháp luật quốc tế công nhận và bảo đảm là một căn cứ pháp lý quan trọng để Nhà nước ta ban hành và thực hiện các biện pháp kiểm soát và bảo vệ tài nguyên biển và môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kể cả tài nguyên sinh vật biển và tài nguyên trong lòng đất của ta hiện nay đang bị tàu thuyền một số nước vi phạm nghiêm trọng.

Trên đây là những điều thuận lợi đối với Nhà nước ta. Nhưng việc phê chuẩn không có bảo lưu Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 cũng đặt cho chúng ta một số vấn đề cần quan tâm xử lý như rà soát lại những văn bản liên quan đến vùng biển mà Nhà nước ta đã ban hành để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tinh thần, lời văn của Công ước.

Ủy ban đối ngoại trình Quốc hội những ý kiến trên đây, đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 bằng một nghị quyết của Quốc hội.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội