TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG TY VÀ
LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
(Do ông Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX,
ngày 09-6-1994)
Thực
tiễn hơn 3 năm qua cho thấy, Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân được
ban hành đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho
hoạt động kinh doanh ở nước ta. Từ khi Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư
nhân có hiệu lực (tháng 4-1991) đến nay, khoảng hơn 10.000 công ty và doanh
nghiệp tư nhân đã được thành lập và đi vào hoạt động; số doanh nghiệp mới
thành lập hằng năm có xu hướng tăng lên là yếu tố góp phần không nhỏ vào
việc duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đồng thời, thực tế cũng cho thấy trong Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư
nhân còn thiếu một số nội dung quan trọng; một số nội dung khác của hai Luật
này không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới kinh tế và hệ thống pháp luật đang
ngày càng hoàn thiện ở nước ta. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một cách cơ
bản Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết, dựa trên cơ
sở việc nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề có liên
quan, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chu đáo. Theo chương trình xây dựng
pháp luật của Quốc hội thì Dự luật sửa đổi, bổ sung Luật công ty và Dự luật
sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp tư nhân một cách cơ bản như nêu trên sẽ
được trình Quốc hội xem xét và thông qua vào năm 1995. Hiện nay, Chính phủ
đã giao cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan khác
tổ chức nghiên cứu xây dựng hai Dự luật này để đáp ứng yêu cầu nói trên.
Tuy nhiên, việc ban hành Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật tổ chức
Tòa án nhân dân và Luật phá sản doanh nghiệp (tháng 12-1993) đòi hỏi phải
sửa đổi ngay một số điều liên quan của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư
nhân, mà không thể chờ đến năm sau, để vừa bảo đảm sự tương thích với nội
dung của các luật hiện hành, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi
hành luật.
Để đáp ứng đòi hỏi cấp bách đó, tại kỳ họp lần này, Chính phủ xin trình Quốc
hội xem xét, cho sửa đổi, bổ sung hai nội
dung mang tính kỹ thuật của Luật công ty và Luật doanh
nghiệp tư nhân:
Một là,
chuyển giao nhiệm vụ đăng ký kinh doanh từ Trọng tài Kinh tế sang Ủy ban Kế
hoạch theo sự sắp xếp của Chính phủ;
Hai là,
sửa đổi các điều liên quan đến phá sản doanh nghiệp cho phù hợp với Luật phá
sản doanh nghiệp.
Một
vấn đề nổi cộm hiện nay là các thủ tục giấy tờ phiền hà trong việc xin phép
thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh. Theo quy định hiện hành, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp giấy phép thành lập công ty. Ủy ban nhân
dân có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân; Trọng tài
Kinh tế cùng cấp Ủy ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh.
Qua
việc sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Luật công ty và Luật doanh nghiệp
tư nhân cũng như tình hình đăng ký kinh doanh cho thấy, quy định phải xin
phép thành lập và đăng ký kinh doanh tại hai cơ quan khác nhau như nêu trên
đã không gắn được quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh với bảo vệ
lợi ích chính đáng của chủ doanh nghiệp, mà trái lại gây thêm phiền hà, tốn
kém. Ngoài ra, theo Dự luật khuyến khích đầu tư trong nước, cần xác định cơ
quan giúp Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
thống nhất quản lý vấn đề khuyến khích và ưu đãi đầu tư.
Để
khắc phục những nhược điểm, hạn chế nêu trên, Chính phủ dự định thống nhất
quản lý việc thành lập doanh nghiệp, chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng
nhận ưu đãi đầu tư (theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước sẽ được ban
hành) vào một đầu mối để tránh phiền hà, tạo thuận tiện cho các chủ đầu tư
cũng như sự quản lý của Nhà nước.
Theo
tinh thần trên, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty và
Luật doanh nghiệp tư nhân như sau:
1.
Luật công ty
a)
Về thành lập công ty:
Tại
đoạn cuối Điều 16 (cũ) của Luật công ty quy định:
"Trong trường hợp người xin phép thành lập công ty thấy việc từ chối cấp
giấy phép là không thỏa đáng, thì có quyền khiếu nại lên Trọng tài Kinh tế
Nhà nước".
Do
việc giải thể Trọng tài Kinh tế Nhà nước, đề nghị sửa đổi đoạn này như sau:
"Trong trường hợp người xin phép thành lập công ty thấy việc từ chối cấp
giấy phép là không thỏa đáng, thì có quyền khiếu nại lên Thủ tướng Chính
phủ".
Trong nghiên cứu, thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị gửi đơn xét khiếu nại
lên Tòa án kinh tế. Song, điều này không có điều kiện thực hiện, vì ở Việt
Nam chưa có Luật hành chính làm cơ sở pháp luật để xét xử các cơ quan nhà
nước, đồng thời hiện nay chỉ có Tòa án kinh tế trong Tòa án nhân dân, không
trực tiếp tham gia vào quá trình đăng ký doanh nghiệp.
b)
Về đăng ký kinh doanh:
Tại
các điều 17, 18, 20, 21, 32 (cũ) của Luật công ty quy định cơ quan đăng ký
kinh doanh là "Trọng tài Kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc
đơn vị hành chính tương đương".
Do
việc giải thể Trọng tài Kinh tế Nhà nước, đề nghị sửa đổi cơ quan đăng ký
kinh doanh trong các điều nói trên thành "Ủy ban Kế hoạch tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương".
c)
Về phá sản công ty:
Điều
24 (cũ) của Luật công ty quy định về khái niệm công ty lâm vào tình trạng
phá sản và quyền tuyên bố phá sản công ty.
Nay,
xin đề nghị sửa đổi lại nội dung của Điều 24 (mới) này cho phù hợp với Luật
phá sản doanh nghiệp đã ban hành như sau:
"Điều 24
Công
ty lâm vào tình trạng phá sản là công ty gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong
hoạt động kinh doanh, sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết
mà vẫn mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Trình tự và thủ tục phá sản công ty thực hiện theo quy định của Luật phá sản
doanh nghiệp".
2.
Luật doanh nghiệp tư nhân
a)
Về việc thành lập doanh nghiệp:
Điều
10 (cũ) của Luật doanh nghiệp tư nhân quy định:
"...
Trong trường hợp người xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân thấy việc từ
chối cấp giấy phép là không thỏa đáng, thì có quyền khiếu nại lên Trọng tài
Kinh tế cấp trên trực tiếp".
Do
việc giải thể Trọng tài Kinh tế Nhà nước, đề nghị sửa đổi Điều 10 này như
sau:
"Điều 10
...
Trong trường hợp người xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân thấy việc từ
chối cấp giấy phép là không thỏa đáng, thì có quyền khiếu nại lên cơ quan
nhà nước cấp trên trực tiếp".
b)
Về đăng ký kinh doanh:
Tại
các điều 11, 12, 14, 15, 23, 24 (cũ) của Luật doanh nghiệp tư nhân quy định
cơ quan đăng ký kinh doanh là "Trọng tài Kinh tế cùng cấp Ủy ban nhân dân đã
cấp giấy phép thành lập".
Do
việc giải thể Trọng tài Kinh tế Nhà nước, đề nghị sửa đổi cơ quan đăng ký
kinh doanh trong các điều nói trên thành "Cơ quan kế hoạch cùng cấp Ủy ban
nhân dân đã cấp giấy phép thành lập".
c)
Về phá sản doanh nghiệp tư nhân:
Điều
17 (cũ) của Luật doanh nghiệp tư nhân quy định khái niệm doanh nghiệp tư
nhân lâm vào tình trạng phá sản và quyền tuyên bố phá sản.
Để
phù hợp với Luật phá sản mới được ban hành, đề nghị sửa đổi Điều 17 (mới)
này như sau:
"Điều 17
Doanh nghiệp tư nhân lâm vào tình trạng phá sản doanh nghiệp gặp khó khăn
hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, sau khi đã áp dụng các biện pháp
tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Trình tự và thủ tục phá sản doanh nghiệp tư nhân thực hiện theo quy định của
Luật phá sản doanh nghiệp".
3.
Về thời hiệu của Luật
Đề
nghị Quốc hội quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực
từ ngày 01 tháng 7 năm 1994 cho phù hợp với thời hiệu của Luật phá sản doanh
nghiệp và Luật bổ sung, sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại
Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội