VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA
QUỐC HỘI  VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA LUẬT CÔNG TY VÀ LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

(Do ông Lý Tài Luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 09-6-1994)

Kính thưa Quốc hội,

Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 1991.

Qua ba năm thực hiện, hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân và công ty đã được thành lập và hoạt động, phạm vi và quy mô hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã thực sự được mở rộng một bước quan trọng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình đổi mới của đất nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Quốc hội khóa IX đã ban hành nhiều luật, trong đó có Luật phá sản doanh nghiệp và theo đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và tại kỳ họp này lại đang xem xét để thông qua Dự án Luật khuyến khích đầu tư trong nước, v.v. có quan hệ đến Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân. Một số điều trong hai Luật này đã trở nên không còn phù hợp với các luật đã và sẽ ban hành đó.

Trước tình hình trên, tại kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân.

 Ngày 03 tháng 6 năm 1994, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã họp toàn thể Ủy ban, có đại diện một số cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ dự, để thẩm tra hai Dự án Luật nói trên. Sau khi nghe đồng chí Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thay mặt Chính phủ trình bày và ý kiến của các đại biểu dự họp; Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến chủ yếu sau:

1. Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội khóa VIII thông qua và được tổ chức thực hiện trong điều kiện nền kinh tế nước ta đi vào quá trình đổi mới. Nhưng từ đó nến nay, nhiều mối quan hệ đến lĩnh vực hoạt động của các công ty và doanh nghiệp tư nhân đã khác với trước đây và do đó, một số điều thuộc nội dung của hai Luật này không còn phù hợp với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu tiếp tục đổi mới của nền kinh tế nước ta. Tình hình đó đòi hỏi phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản đối với Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân. Nhưng việc đó cần phải có thời gian và có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết mới có thể làm được. Tuy nhiên, trước mắt, một số vấn đề trực tiếp liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, đặc biệt là từ ngày 01 tháng 7 năm 1994, Trọng tài Kinh tế kết thúc hoạt động, việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp theo Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân chưa được xác định cơ quan nào đảm nhiệm, sẽ gây trở ngại cho hoạt động bình thường trong xã hội.

Vì lẽ đó, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc trước mắt cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân tại kỳ họp này để thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 1994, đáp ứng kịp thời các hoạt động của các công ty và doanh nghiệp tư nhân khi tổ chức Trọng tài Kinh tế Nhà nước chấm dứt hoạt động, tạo điều kiện cho các thủ tục cần thiết có liên quan đến các lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc các loại hình này hoạt động, đồng thời bảo đảm phù hợp với Luật phá sản doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành và Luật khuyến khích đầu tư trong nước được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp này.

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong hai Luật nói trên chỉ mới là việc có tính chất cấp bách trước mắt, chủ yếu mang tính kỹ thuật do có sự thay đổi về tổ chức trong cơ quan nhà nước đảm nhiệm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh. Nhưng như trên chúng tôi đã trình bày, đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ cần phải tiếp tục tổ chức nghiên cứu một cách đồng bộ các vấn đề có liên quan, nhất là về mối quan hệ đến các luật khác để sớm có sự sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản để trình Quốc hội xem xét trong năm 1995.

2. Ý kiến của đa số thành viên trong Ủy ban chúng tôi thấy nên thống nhất việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận hưởng ưu đãi đầu tư vào một đầu mối; nhưng đề nghị Chính phủ cần phải có quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thẩm định và xét duyệt thật chặt chẽ, nghiêm túc, vừa không gây phiên hà, vừa tránh được các hiện tượng lợi dụng sơ hở và phát sinh tiêu cực.

Một số ý kiến khác cho rằng, tuy thống nhất vào một cơ quan làm cả ba việc trên nhưng vẫn cần tách riêng việc cấp giấy phép thành lập và giấy đăng ký kinh doanh, vì trong thực tế về mặt thời gian mà nói thì hai việc đó trong nhiều trường hợp không thể là một. Có ý kiến lại cho rằng, hai việc đó phải do hai cơ quan khác nhau thực hiện để kiểm tra và phù hợp với các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Như vậy, Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân cần được nghiên cứu sửa đổi một cách cơ bản cho phù hợp với nội dung hoạt động của các loại hình doanh nghiệp này trong tình hình thực tế đòi hỏi phải hoàn thiện đồng bộ với các luật liên quan đã và sẽ được ban hành trong thời gian tới (Luật phá sản doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật thương mại,...). Nhưng bước cấp bách trước mắt là phải sửa đổi ngay một số điều của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân để xác định có cơ quan tiếp tục làm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, và bảo đảm một số nội dung liên quan phù hợp với Luật phá sản doanh nghiệp đã được ban hành.

Về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, đăng ký kinh doanh và hưởng ưu đãi đầu tư; nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi thống nhất ý kiến về phương hướng là cần tập trung vào một đầu mối. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị ngay trong Luật cần chỉ định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ ở Trung ương và Ủy ban nhân dân ở địa phương trong việc xét cấp đăng ký kinh doanh đồng thời với việc cấp giấy chứng nhận hưởng ưu đãi đầu tư và ghi ngay vào trong Luật.

Về việc này, khi trình bày với Ủy ban chúng tôi, Chính phủ chưa xác định cụ thể cơ quan nào đảm nhiệm. Nhưng đến nay, tờ trình của Chính phủ đã xác định rõ: đối với việc cấp giấy đăng ký kinh doanh ở Trung ương là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ở địa phương Ủy ban Kế hoạch tỉnh, thành phố cấp giấy đăng ký kinh doanh cho công ty, cơ quan kế hoạch cùng cấp Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, cấp giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân.

Riêng về việc xét khiếu nại của chủ đầu tư trong trường hợp Ủy ban nhân dân có thẩm quyền từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, Ủy ban chúng tôi đồng ý với tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban chúng tôi đề nghị cơ quan kế hoạch là đầu mối phải thực hiện việc xâu mối để tránh cho các chủ đầu tư sau khi đã đệ đơn và nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định khỏi phải lo chạy nhiều khâu, nhiều cửa và cũng để giảm bớt các hiện tượng tiêu cực.

Tóm lại, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân trình Quốc hội trong kỳ họp này chỉ là các việc cấp bách trước mắt, nặng về xác định cơ quan làm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh thay cho cơ quan Trọng tài Kinh tế sau khi kết thúc hoạt động từ ngày 01-7-1994 và một số nội dung liên quan phù hợp với Luật phá sản doanh nghiệp. Vì vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội đặc biệt lưu ý Chính phủ phải có ngay các văn bản hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện kịp thời nhiệm vụ này.

Trên đây là một số ý kiến chủ yếu của Ủy ban kinh tế và ngân sách, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

   

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội