VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ CÔNG TÁC
XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1994 TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM

(Do ông Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 22-6-1994)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kỳ họp thứ 4 về công tác xây dựng pháp luật năm 1994, trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 pháp lệnh, 3 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án pháp lệnh và trình Quốc hội xem xét để thông qua 1 dự án bộ luật, 5 dự án luật; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã từng bước chuẩn bị việc thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình chính thức, chương trình dự bị và cả chương trình chuẩn bị năm 1994.

Đạt được kết quả nói trên là nhờ có sự cố gắng của các cơ quan soạn thảo, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong công tác chuẩn bị các dự án pháp luật; sự đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp; sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và sự cải tiến từng bước công tác xây dựng pháp luật. Mặc dù còn có những hạn chế và thiếu sót, hoạt động lập pháp trong 6 tháng đầu năm đã bảo đảm được những yêu cầu cơ bản của Nghị quyết Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật năm 1994.

Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc về công tác xây dựng pháp luật trong 6 tháng cuối năm:

I- VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH
XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Căn cứ vào thực tế thực hiện chương trình và theo đề nghị của Chính phủ, xin trình Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 trong 6 tháng cuối năm như sau:

1. Các dự án luật, bộ luật

Chương trình chính thức năm 1994 gồm có 9 dự án luật, bộ luật. Nếu tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua được cả 6 dự án luật, bộ luật như đã trình thì còn lại 3 dự án: Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật ngân sách nhà nước đều cần thiết phải ban hành và cần được tiếp tục khẩn trương chuẩn bị để có đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu, cuối năm 1994.

Ngoài ra, trong số 7 dự án luật được ghi trong chương trình dự bị năm 1994, có 2 dự án luật: Luật biên giới quốc gia và Luật hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) đều có yêu cầu được ban hành sớm và theo báo cáo của cơ quan soạn thảo thì Dự án đã được chuẩn bị xong; Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tình hình chuẩn bị nếu thấy có đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội cho ghi vào chương trình kỳ họp thứ 6 sắp tới.

2. Các dự án pháp lệnh

Chương trình chính thức năm 1994 có 18 dự án pháp lệnh - Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 5 pháp lệnh, cho ý kiến về 4 dự án pháp lệnh khác và còn phải thông qua 13 pháp lệnh trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, theo đề nghị của Chính phủ, xin trình Quốc hội xem xét, bổ sung một số dự án pháp lệnh sau đây vào chương trình xây dựng pháp luật 6 tháng cuối năm 1994:

a) Đối với chương trình chính thức: Để kịp thời cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các bà mẹ có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn hai năm 1994 - 1995, đề nghị bổ sung Dự án Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

b) Đối với chương trình dự bị: Để cụ thể hóa một số vấn đề thuộc Dự án Bộ luật lao động, Dự án Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, đề nghị bổ sung các pháp lệnh sau đây:

- Pháp lệnh về giải quyết các tranh chấp lao động;

- Pháp lệnh về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mỗi cấp;

- Pháp lệnh quy định về việc giám sát và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc kiểm tra và hướng dẫn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân.

- Pháp lệnh về khung thuế suất đối với việc chuyển quyền sử dụng đất có thay đổi mục đích sử dụng.

Do chương trình chính thức đã có nhiều dự án, nên có một số dự án có yêu cầu cần thiết thông qua vẫn tạm để chương trình dự bị, khi xét thấy có đầy đủ điều kiện sẽ chuyển vào chương trình chính thức.

II- VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Để bảo đảm thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 trong 6 tháng cuối năm cả về số lượng và chất lượng, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy cần phải triển khai và tổ chức thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau đây:

1. Bảo đảm nội dung, quy trình và tiến độ chuẩn bị các dự án:

- Nghiên cứu để làm rõ các quan điểm cơ bản và những nội dung chủ yếu của từng dự án.

- Khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm chất lượng văn bản, thực hiện đúng tiến độ do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề ra, nhất là việc chuẩn bị và gửi văn bản đúng thời gian quy định.

- Tổ chức và thực hiện có hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân về các dự án cần thiết, nhất là việc lấy ý kiến về Dự án Bộ luật dân sự.

- Có hình thức tổ chức và bố trí thời gian thích hợp để các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng các Dự án pháp luật một cách thường xuyên giữa hai kỳ họp Quốc hội.

2. Triển khai tốt việc thực hiện các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 5; đồng thời có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các luật được thông qua trước đây nhưng chưa có đầy đủ văn bản dưới luật. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch xây dựng văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành các luật mà Quốc hội đã thông qua và có kế hoạch rà soát để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các văn bản hiện hành cho phù hợp với các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, nhằm kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống.

*
*       *

Trên đây là một số vấn đề chủ yếu về công tác xây dựng pháp luật năm 1994 trong 6 tháng cuối năm, xin trình Quốc hội xem xét, quyết định và ra Nghị quyết về công tác này (xin kèm theo bản Dự thảo Nghị quyết).

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội

Về trang mục lục

Trở về đầu trang