NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA IX,
NGÀY 23-6-1994 VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG
PHÁP LUẬT 6 THÁNG CUỐI NĂM 1994
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 62 và Điều 63 của Luật tổ chức Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 4 về công tác xây dựng pháp luật năm 1994.
Sau khi xem xét Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật 6 tháng cuối năm 1994 và ý kiến của đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
I- THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
6 THÁNG CUỐI NĂM 1994 GỒM CÁC DỰ ÁN LUẬT,
PHÁP LỆNH SAU ĐÂY:
A- CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH THỨC:
a) Các dự án luật:
2. Luật doanh nghiệp nhà nước;
3. Luật ngân sách nhà nước.
b) Các dự án pháp lệnh:
1. Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến;
2. Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất và cho thuê đất;
3. Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam;
4. Pháp lệnh về công nhận và thi hành tại Việt Nam các quyết định của Trọng tài nước ngoài;
5. Pháp lệnh về công chức;
6. Pháp lệnh về phí và lệ phí;
7. Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi);
8. Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
9. Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả;
10. Pháp lệnh về nhà vắng chủ;
11. Pháp lệnh về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
12. Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông;
13. Pháp lệnh về phòng, chống AIDS.
B- CHƯƠNG TRÌNH DỰ BỊ:
a) Các Dự án luật:
1. Luật biên giới quốc gia;
2. Luật hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi);
3. Luật tổ chức Tòa án hành chính;
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự;
5. Luật hợp tác xã;
6. Luật phòng, chống ma tuý.
b) Các dự án pháp lệnh:
1. Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mới bổ sung);
2. Pháp lệnh về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mỗi cấp (mới bổ sung);
3. Pháp lệnh quy định về việc giám sát và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc kiểm tra và hướng dẫn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân (mới bổ sung);
4. Pháp lệnh về giải quyết các vụ tranh chấp lao động (mới bổ sung);
5. Pháp lệnh về khung thuế suất đối với việc chuyển quyền sử dụng đất có thay đổi mục đích sử dụng (mới bổ sung);
6. Pháp lệnh bảo vệ công trình khí tượng thủy văn;
7. Pháp lệnh về hàm ngoại giao;
8. Pháp lệnh về khen thưởng.
II- TRIỂN KHAI TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC
XÂY DỰNG PHÁP LUẬT 6 THÁNG CUỐI NĂM 1994
VỚI CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU SAU ĐÂY:
1. Chính phủ và các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị và sớm ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật để triển khai tổ chức thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua.
2. Các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, theo phạm vi trách nhiệm, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh thi hành các luật mới được ban hành.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn do pháp luật quy định có kế hoạch hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi) để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới vào cuối năm 1994.
4. Ban soạn thảo Dự án Bộ luật dân sự, Ủy ban pháp luật của Quốc hội phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khẩn trương chỉnh lý Dự án Bộ luật trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tổ chức tốt kế hoạch lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.
5. Đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội dành thời gian và có hình thức thích hợp để cho ý kiến về các dự án pháp luật, nhất là về Dự án Bộ luật dân sự, theo kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
NÔNG ĐỨC MẠNH
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội