VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ
VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI VỀ TỔNG
QUYẾT TOÁN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1993

(Do ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đọc tại
kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IX, ngày 21-10-1994)

 Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1993 như sau:

- Tổng số thu: 25.380 tỷ đồng,

- Tổng số chi: 34.410 tỷ đồng,

- Số thiếu hụt: 9.030 tỷ đồng, bằng 6,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP kế hoạch 135.000 tỷ đồng).

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX (tháng 12 năm 1993) Chính phủ báo cáo tình hình ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 1993 với:

- Tổng số thu: ước đạt 29.380 tỷ đồng, bằng 115,8% dự toán năm 1993 được Quốc hội thông qua (vượt 4.000 tỷ đồng) và tăng 39,7% so với năm 1992.

- Tổng số chi: ước đạt 38.080 tỷ đồng, bằng 110,7% dự toán năm 1993 được Quốc hội thông qua (vượt 3.670 tỷ đồng) và tăng 60,6% so với năm 1992.

- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước: ước 8.700 tỷ đồng, bằng 6,9% tổng sản phẩm trong nước (GDP ước 125.000 tỷ đồng), giảm 330 tỷ đồng so với mức thiếu hụt ngân sách nhà nước năm 1993 được Quốc hội cho phép.

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp báo cáo quyết toán của các Bộ, các ngành và các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1993 như sau:

- Tổng số thu ngân sách nhà nước: quyết toán 32.199 tỷ 234 triệu đồng, đạt 126,87% so với dự toán thu được Quốc hội thông qua và tăng 60,2% so với năm 1992 (tăng 11,175 tỷ 713 triệu đồng).

- Tổng số chi ngân sách nhà nước: quyết toán 39.063 tỷ 303 triệu đồng, đạt 113,52% dự toán được Quốc hội thông qua và tăng 65,07% so với năm 1992 (tăng 15.352 tỷ đồng).

- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước: quyết toán 6.864 tỷ đồng, giảm 2.166 tỷ đồng so với số thiếu hụt ngân sách nhà nước được Quốc hội cho phép và bằng 5,02% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Ngày 15 và 16-9-1994, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp phiên toàn thể tại Thành phố Hồ Chí Minh để thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kinh tế và ngân sách, trong đó có báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1993. Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến như sau:

1. Ủy ban chúng tôi ghi nhận những tiến bộ và kết quả đạt được trong việc điều hành, tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 1993 của Chính phủ.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Kết quả thu ngân sách nhà nước năm 1993 đạt khá, tăng 26,87%, bảo đảm các nhiệm vụ chi đạt 113,52% dự toán được Quốc hội thông qua và số thiếu hụt ngân sách nhà nước giảm được 2.166 tỷ đồng so với số Quốc hội cho phép.

2. Về thu ngân sách, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 1993 đạt 126,87% dự toán đầu năm và tăng 60,25% so với tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 1992. Các khoản thu quan trọng đều vượt kế hoạch khá, các khoản thu từ xí nghiệp quốc doanh vượt 31,91% kế hoạch, thu thuế ngoài quốc doanh vượt 30,76%, đặc biệt thu thuế xuất - nhập khẩu vượt tới 113,27% kế hoạch đầu năm, v.v..

Các khoản tăng thu chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng khá của nền kinh tế (GDP tăng 8,1% so với năm 1992; giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,1%, kim ngạch nhập khẩu tăng 34,4%…), chính sách thu được hoàn thiện một bước, đặc biệt là đã bổ sung điều chỉnh kịp thời thuế suất của một số mặt, nhóm hàng trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; do có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành tích cực hơn của Chính phủ và chính quyền địa phương; có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các ngành, các đoàn thể cùng với sự nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý thu và chống thất thu.

Tuy nhiên, tình trạng thất thu thuế vẫn còn nhiều, công tác quản lý thu còn nhiều sơ hở, chưa kiểm soát được chi phí đối với các xí nghiệp quốc doanh, lợi tức chịu thuế chưa phản ánh đúng thực tế: nhiều xí nghiệp tính giá thành không hợp lý, việc tính và trích khấu hao cơ bản còn thấp do giá trị tài sản cố định chưa được tính đủ, v.v.. Còn để thất thu thuế lớn ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là lĩnh vực thương nghiệp dịch vụ, trước hết việc xác định doanh thu tính thuế đối với hộ lớn, hộ vừa còn thấp xa so với thực tế sản xuất, kinh doanh vì chủ yếu vẫn còn “khoán thu”; quản lý số hộ chịu thuế chưa chặt chẽ và kịp thời, vẫn còn tình trạng nhiều hộ chưa được đưa vào diện quản lý thu thuế. Việc quản lý xuất - nhập khẩu còn lỏng lẻo, sơ hở, tệ nạn buôn lậu trốn thuế nhập khẩu qua biên giới, đường biển còn nghiêm trọng. Một số địa phương có cửa khẩu biên giới còn lợi dụng sơ hở về xuất - nhập khẩu tiểu ngạch để thu tùy tiện cho địa phương.

Nếu khắc phục tốt các mặt tồn tại trên thì khả năng thu ngân sách nhà nước năm 1993 còn có thể tăng hơn nữa, kể cả thu đối với các đơn vị quốc doanh và nhất là đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và thuế xuất - nhập khẩu.

3. Về chi ngân sách năm 1993, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chi tiêu và đã bám sát dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn. Số chi tuy có tăng so với dự toán đầu năm do có tăng được thu và có chú ý dành một phần đáng kể cho tăng chi đầu tư phát triển (tăng 20,88% so với dự toán đầu năm, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản tăng 19,01%, chi bổ sung vốn lưu động tăng 90,53% …, chi trợ giá các mặt hàng chính sách cho miền núi tăng 190,86%, v.v..).

Tuy nhiên, năm 1993, có nhiều khoản chi có tính chất tiêu dùng chưa thật tiết kiệm, còn lãng phí, đặc biệt, khoản chi về quản lý hành chính tuy có yếu tố cải tiến tiền lương nhưng tăng tới 101,65% dự toán đầu năm và tăng 80,3% so với năm 1992 - đây cũng là vấn đề cần lưu ý trong quá trình lập dự toán và điều hành ngân sách nhà nước. Điều đáng quan tâm là các khoản chi theo báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1993 đều vượt dự toán được Quốc hội thông qua, điều đó cho thấy dự toán ngân sách đầu năm chưa tính toán chặt chẽ, đầy đủ; mặt khác, công tác quản lý chi còn lỏng lẻo, chưa đề cao tiết kiệm, tình trạng xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện văn phòng, xe ô tô đắt tiền, hội nghị, liên hoan, chiêu đãi không phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước đang khó khăn còn xảy ra ở nhiều nơi; việc bố trí vốn xây dựng cơ bản vẫn còn phân tán, thi công kéo dài, quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thoát và lãng phí còn lớn.

4. Về cân đối ngân sách nhà nước năm 1993:

So sánh giữa số tổng quyết toán với số dự toán ngân sách nhà nước năm 1993 đã được Quốc hội thông qua thấy, tăng thu được 6.819 tỷ đồng, nhưng lại tăng chi 4.653 tỷ đồng và số thiếu hụt ngân sách nhà nước giảm được 2.166 tỷ đồng so với số được Quốc hội cho phép và bằng 5,02% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nhưng số tổng quyết toán này nếu so với số ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 1993 theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX thì tổng số thu tăng thêm 2.819 tỷ đồng, tổng số chi tăng thêm 983 tỷ đồng và số thiếu hụt ngân sách nhà nước giảm bớt được 1.836 tỷ đồng - đây là một cố gắng trong công tác đôn đốc thu nộp và sắp xếp bố trí chi những tháng cuối năm, nhưng mặt khác là, điều cần rút kinh nghiệm trong quản lý ngân sách, tổ chức thông tin và đánh giá tình hình ước thực hiện thu chi sao cho sát thực tế hơn trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước. Điều đáng quan tâm trong năm 1993 là mức thiếu hụt ngân sách nhà nước 6.864 tỷ đồng, giảm 2.166 tỷ đồng so với số Quốc hội cho phép (9.030 tỷ đồng) và nguồn bù đắp chủ yếu dựa vào vay trong và ngoài nước nhưng vay ngoài nước không đạt được như dự kiến đầu năm và phần lớn lại vay thương mại bảo đảm bằng dầu thô; còn vay trong nước buộc phải tăng lên và cũng chủ yếu vay nóng ngắn hạn - đây là gánh nặng phải trả nợ đến hạn trong năm 1994. Đó là điều cần rút kinh nghiệm trong những năm sau.

Trên đây là một số ý kiến của Ủy ban chúng tôi, trình Quốc hội xem xét thông qua tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1993.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội