VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995

 

THUYẾT TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
TRONG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1994 -1995


(Do ông Cư Hoà Vần, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá IX, ngày 21-10-1994)

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí và các bạn,

Ngày 18-10-1994, Hội đồng dân tộc đã họp phiên toàn thể để thảo luận và đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1994 và 1995 đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thay mặt Hội đồng dân tộc, tôi xin đọc bản thuyết trình đã được toàn thể Hội đồng thảo luận thống nhất như sau:

Hội đồng dân tộc tán thành với báo cáo của Chính phủ đã nhận xét: việc thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, tình hình chính trị ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số có đà ngày càng ổn định, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ trọng giá trị công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ tăng, giá trị xuất - nhập khẩu bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 1991; sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến, sản lượng lương thực tăng 3,5%, cây công nghiệp, chăn nuôi có phát triển, lâm nghiệp đã giao hơn 1 triệu ha rừng và đất rừng cho dân, thực hiện 1.200 dự án của Chương trình 327, các dự án định canh, định cư, phòng, chống kiểm soát ma túy, hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn và chương trình của các ngành: y tế, văn hóa, giáo dục... Bệnh sốt rét đã giảm rõ rệt, hệ thống trường dân tộc nội trú được củng cố và phát triển. Diện phủ sóng truyền hình, phát thanh được mở rộng. Những kết quả chuyển biến trên đã góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ chung của năm 1994, thì cũng còn nhiều vùng ở vùng cao phía Bắc, miền Trung, vùng đồng bào Khơme, vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên và số đồng bào chuyển ra khỏi vùng lòng hồ Hòa Bình, hãy còn chưa có gì chuyển biến đáng kể, những chuyển biến nêu trên cũng mới chỉ là bước đầu, là vùng có đường giao thông thuận tiện hơn, số hộ nghèo và đói còn chiếm tới 30%, tuy có từ 10 - 15% số hộ có thu nhập khá, nhưng là khá so với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau đây, Hội đồng dân tộc xin thuyết trình thêm một số vấn đề về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1994 - 1995.

1. Chủ trương đầu tư cho miền núi và vùng dân tộc thiểu số thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và của Chính phủ, nói chung là phải ưu tiên và thực tế đầu tư ngày càng lớn nhưng nhìn chung so với yêu cầu còn chưa thỏa đáng. Năm 1993, vốn đầu tư cho 15 tỉnh miền núi chiếm khoảng 28% tổng số chi ngân sách nhà nước, năm 1994 cũng tương đương như vậy; hiệu quả đầu tư đạt còn thấp, vốn còn dàn trải, phân tán nhiều đầu mối, có chỗ sử dụng chưa đúng mục đích, còn bị thất thoát. Kinh phí cấp không kịp thời. Thủ tục vẫn chưa được cải tiến, gây nhiều phiền hà cho người dân và cơ sở. Ngân sách phân bổ cho miền núi năm 1995 theo con số ban đầu của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thì 15 tỉnh miền núi chiếm 23%, chưa rõ tỷ lệ này là như thế nào so với 28% của năm 1994. Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 1994 tổng số giảm 2% so với năm 1993, đầu tư qua ngân sách địa phương tăng 5%, nhưng qua các Bộ lại giảm 14%. Như vậy chưa biết là đã ưu tiên chưa?

Hội đồng dân tộc đề nghị với Quốc hội và Chính phủ nên có một nguyên tắc tính thống nhất, ưu tiên đầu tư theo nghĩa tốc độ tăng của miền núi phải cao hơn tốc độ tăng của ngân sách hàng năm.

2. Về thực hiện Chương trình 327: đây là một chương trình lớn, đúng đắn, phù hợp với nhu cầu bức xúc của miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, góp phần khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của miền núi. Phần lớn các dự án đã triển khai là đúng mục đích, góp phần ổn định nâng cao đời sống của đồng bào, bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả hơn trước.

Cuộc vận động định canh, định cư đã tiến hành hơn 20 năm nay, xây dựng được nhiều mô hình khá tốt và vững chắc.

Tuy thế, đối tượng của 327 quá rộng, diện định canh, định cư còn khoảng 30% chưa ổn định, đời sống còn rất nhiều khó khăn, lại ở những vùng khó khăn nhất.

Về dự án thì nhiều, có chỗ chồng chéo lên nhau, làm xong hàng loạt dự án, không biết tốn bao nhiêu tiền, nhưng chưa được đầu tư, lại làm dự án khác; như Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ thì định canh, định cư lấy huyện làm dự án đầu tư, theo hướng đó đã làm xong 115 dự án, chưa được đầu tư phải xếp lại đấy để làm Dự án 327 với quy mô của Dự án là một xã và một bản. Vốn đầu tư không nhỏ nhưng chỉ đạo phân tán, tới người dân còn thấp, hiệu quả chưa tương xứng với đồng vốn bỏ ra.

Về tổ chức chỉ đạo thực hiện cũng bộc lộ những mặt chưa hợp lý, nhiều đầu mối, gây phiền hà cho địa phương; chưa tạo điều kiện cho địa phương có thể quản lý thống nhất các chương trình dự án trên phạm vi lãnh thổ, do đó, địa phương cũng chưa tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Qua giám sát của Hội đồng dân tộc ở các địa phương, phần lớn Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân không biết rõ những nội dung và việc làm của các dự án của ngành ở trên thực hiện trên địa phương của mình.

Để Chương trình 327 và định canh, định cư đi vào nền nếp, đề nghị Chính phủ xem xét lại việc tổ chức chỉ đạo thực hiện nhằm bảo đảm sự tập trung thống nhất quản lý của Chính phủ, đồng thời không chồng chéo chức năng của các ngành.

Ở tỉnh, nên tập trung vào đầu mối là Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc giao kế hoạch và vốn cần phải làm sớm và kịp thời vụ. Vốn đầu tư từng dự án phải báo cáo với Hội đồng nhân dân và nhân dân trong địa bàn thực hiện dự án biết, công bố công khai các chế độ, chính sách với người dân để Hội đồng nhân dân và nhân dân giám sát, kiểm tra, chẳng hạn như giao một ha rừng cho dân được bao nhiêu tiền, thời gian nào thì được lĩnh, lấy ở đâu và thời hạn là bao nhiêu năm; bảo đảm vốn xuống đến dân, chống thất thoát do thủ tục, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngay từ phần lập dự án cho đến tổ chức thực hiện dự án, chống “cò mồi dự án, để hưởng phết phảy dự án …”, làm sai lệch hướng và trọng điểm cần đầu tư, chỗ khó khăn, nơi nghèo thì vẫn không có dự án, chỗ tương đối khá đã có dự án rồi lại được thêm dự án khác.

3. Về vấn đề di dịch cư

Đây là một vấn đề lớn, phức tạp. Tình trạng của một số dân tộc thiểu số phía Bắc vào miền Nam, tỉnh này sang tỉnh kia đã và đang diễn ra ngày càng nhiều, riêng tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk đã chiếm tỷ lệ 10% dân số của 2 tỉnh đó, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến lẫn nơi đi, đồng thời gây tác hại lớn về rừng, tranh chấp đất đai và không có lợi cho đoàn kết dân tộc.

Do đi không có tổ chức, không có chính sách chăm lo đến, nhiều người không được đăng ký hộ khẩu, còn khoảng 40 vạn người gần bằng dân số tỉnh Cao Bằng hoặc Kon Tum chưa có hộ khẩu thường trú, đây là vấn đề rất không bình thường đối với việc quản lý xã hội của Nhà nước ta. Nhiều người có công với nước, đã tham gia 2 cuộc kháng chiến giữ nước cũng như bảo vệ biên giới, do đời sống quá khó khăn phải rời bỏ quê hương thân yêu đi nơi khác, trên đường đi và đến đã gặp biết bao trở ngại, đói khát, bệnh tật, màn trời, chiếu đất, nhưng họ không ca thán gì mà chỉ xin được chấp nhận cư trú, nếu để tình trạng này kéo dài, không những là Nhà nước thiếu trách nhiệm với nhân dân mà còn sẽ dẫn đến những hậu quả không lường hết được.

Để từng bước giải quyết cơ bản vấn đề này, Hội đồng dân tộc đề nghị về chủ trương không khuyến khích đồng bào tự đi như vậy, nhưng cũng không thể cấm không cho đi, không được có những việc làm thô bạo như một số nơi đã làm, đối với số đồng bào đã đi rồi cần có chính sách như Thủ tướng đã có ý kiến với các tỉnh có dân đi và tỉnh có dân đến, cần phối hợp giải quyết giúp cho đồng bào ổn định sản xuất và đời sống, bàn giao và tiếp nhận hộ khẩu theo quy định của pháp luật.

Đối với miền núi phía Bắc cần tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể vùng cao phía Bắc để đầu tư phát triển vùng này kết hợp kinh tế với quốc phòng, đồng bào yên tâm sản xuất đỡ phải di chuyển nhiều.

Để chỉ đạo giải quyết vấn đề di dịch cư, Chính phủ nên giao cho một ngành giúp Chính phủ quản lý và chỉ đạo, theo phản ảnh của các địa phương thì hiện nay có nhiều văn bản khác nhau, chưa biết Bộ nào chịu trách nhiệm chính?

4. Về tình hình thực hiện một số chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với miền núi và vùng dân tộc thiểu số, những chính sách đó đã có ý nghĩa quyết định tạo ra sự chuyển biến nêu trên. Song một số chính sách đã có còn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.

a) Về đất đai thực hiện theo Điều 23 của Quyết định 72 “giao lại cho chính quyền địa phương phần diện tích dôi ra do xác định lại quy mô các nông, lâm trường để địa phương giao cho cá nhân hoặc đơn vị khác sử dụng”. Năm 1993 và 6 tháng đầu năm 1994, đất rừng đã giao 1,63 triệu ha, khoán và nuôi bảo vệ 70.426 ha rừng cho 14.938 hộ ở 26 tỉnh. So với yêu cầu còn quá ít, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn.

Việc giao lại cho địa phương quản lý sử dụng đất dôi ra do các doanh nghiệp nông nghiệp đã tiến hành ở 15 tỉnh, thành phố đã giao được 110.204 ha, việc làm này đã có tác dụng tích cực đến phát triển sản xuất ở địa phương. Nhưng cũng có hiện tượng còn đất nhưng không giao mà lại giao cho gia đình công nhân không sử dụng hết đem bán cho đồng bào.

b) Về chính sách đưa hàng hóa lên các tỉnh miền núi tại Điều 16 Quyết định 72 có ghi “Để ổn định giá cả hàng hóa, Nhà nước bán gạo, muối, dầu hỏa, giấy viết, vải, thuốc chữa bệnh cho nhân dân vùng cao bằng giá bán tại các thị xã, thị trấn của tỉnh đó”. Đến nay, chưa có địa phương nào được thực hiện, Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 4 có ghi “giao cho các tỉnh xem xét để cấp không muối iốt cho đồng bào vùng cao có nhiều khó khăn”, đến tháng 7-1994, vẫn chưa được thực hiện. Tiếp đó, Chính phủ có quyết định cấp phát 4 mặt hàng không thu tiền đối với đồng bào vùng cao trọng điểm và trợ cước, trợ giá 7 mặt hàng lên miền núi, việc thực hiện cho không 4 mặt hàng sẽ có nhiều vấn đề phức tạp.

Hội đồng dân tộc đề nghị các ngành và các địa phương nên tổ chức thực hiện hết sức thận trọng bảo đảm được công bằng xã hội và đoàn kết dân tộc. Đối tượng cho không, nên là người vùng cao có nhiều khó khăn, nhiều địa phương và đa số thành viên Hội đồng dân tộc tán thành với kiến nghị của Bộ Tài chính, chỉ nên cho không 2 mặt hàng là muối iốt và thuốc chữa bệnh. Việc xét duyệt đối tượng được hưởng phải như Nghị quyết của Quốc hội là giao cho các tỉnh xem xét, xét duyệt phải cân đối chung trên phạm vi cả nước. Tránh tình trạng dân tộc này hoặc địa phương này được hưởng nhưng không khó khăn bằng dân tộc khác, địa phương khác. Chống lãng phí và tham nhũng trong khâu tổ chức thực hiện, như một xí nghiệp muối iốt và Khoa bướu cổ, Trung tâm y tế dự phòng của một tỉnh quyết toán khống muối iốt để tham nhũng số tiền 63 triệu đồng. Qua giám sát ở địa phương, phần lớn các huyện không nắm được số hàng tiền trợ giá cước vận chuyển cho huyện là bao nhiêu? Về trợ giá và trợ giá cước vận chuyển phải xem xét theo định mức và dân số của tỉnh được hưởng.

c) Điều 16 Quyết định 72 có ghi “thực hiện chính sách trợ giá mua cho người sản xuất đối với một số mặt hàng quan trọng, đặc biệt là sản phẩm phục vụ xuất khẩu có giá trị kinh tế cao”.

Nghị quyết 06/CP về chống và kiểm soát ma túy của Chính phủ tại Điều 1 khoản b có ghi “mua sản phẩm với giá bù lỗ… để giúp đồng bào có điều kiện chuyển hướng sản xuất”, đến nay vẫn chưa được thực hiện.

d) Về chính sách cán bộ, Điều 34 của Quyết định 72 có ghi “nâng mức sinh hoạt phí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và cán bộ tương đương ở vùng cao bằng mức lương của Trưởng ngành huyện” đến nay cũng chưa được thực hiện.

Về mức trợ cấp cho Trưởng bản ở những xã vùng cao: hiện nay chưa có hướng dẫn, mới có một số địa phương (Tuyên Quang, Cao Bằng, Tây Ninh, Gia Lai quy định từ 20.000 - 25.000đ/tháng).

Với tình hình tồn tại như trên, Hội đồng dân tộc kiến nghị:

1. Đề nghị với Quốc hội, Chính phủ, các ngành và địa phương nên kiên trì và quyết tâm thực hiện chính sách đã có để bảo đảm lòng tin đối với đồng bào là điều quan trọng nhất đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Nếu vì lý do nào đó chưa thực hiện được những chính sách đã ban hành thì phải do cấp và người ra chính sách đó công bố và giải thích cho đồng bào biết vì sao không thực hiện được, không nên ra thêm chính sách khi chưa có khả năng thực hiện những chính sách đã có như nhiều điểm ví dụ nêu trên đã quy định ở Quyết định 72 chưa có nguồn để thực hiện đã lại quyết định cho không 4 mặt hàng, làm cho việc thực hiện lại khó khăn thêm.

2. Tán thành với đề nghị của Ủy ban dân tộc và miền núi nên có một quỹ để cho vay không lấy lãi cho đối tượng nghèo ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số, thu hẹp dần và xóa bỏ việc cho không (trừ những trường hợp cần xét để cứu tế).

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là một số vấn đề Hội đồng dân tộc thuyết trình trước Quốc hội, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết.

 

Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội