THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ
MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ
NÔNG NGHIỆP, PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ NÂNG CAO
ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, VĂN HOÁ CỦA NÔNG DÂN
(Do GS. TS. Võ Tòng Xuân, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của
Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá IX,
ngày 21-10-1994)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tán thành những điểm chủ yếu trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 1994 và phương hướng phấn đấu của năm 1995. Tuy nhiên, Ủy ban chúng tôi thấy cần phải trình bày thêm với Quốc hội về vấn đề “đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nông dân”.
Kính thưa Quốc hội,
Nước ta hiện là một nước nông nghiệp với 80% dân cư đang sinh sống ở nông thôn. Đây cũng là địa bàn tập trung đại bộ phận người nghèo trong xã hội. Vì vậy, phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn đã, đang và sẽ còn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và Quốc hội ta. Song, nông nghiệp không thể tự mình đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ, không có khả năng tăng trưởng đủ nhanh để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nông dân. Phải có tác động mạnh của công nghiệp, dịch vụ, của cơ chế quản lý, của khoa học và công nghệ nhất là công nghệ sinh học, v.v.. Chỉ có như vậy thì mới phá vỡ được trạng thái trì trệ, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất nhỏ, tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tiến tới xóa nghèo, làm cho nông dân và nông thôn ngày càng khá giả, đặc biệt là đối với vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo, vùng căn cứ cách mạng.
Vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn là một vấn đề rất lớn, ở đây Ủy ban chúng tôi chỉ đề cập một khía cạnh của lĩnh vực này.
Từ năm 1989, nước ta đã chuyển mình từ một quốc gia đang thiếu lương thực trở về ngôi vị một nước xuất khẩu gạo có thứ hạng trên thế giới. Với lượng gạo xuất khẩu hàng năm được duy trì khoảng 2 triệu tấn, chúng ta thấy rõ khi có một môi trường chính sách đúng, nông dân Việt Nam sẽ phát huy hết những tiềm năng lao động, khai thác có hiệu quả khoa học, kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên để làm giàu cho chính bản thân gia đình mình và qua đó góp phần làm giàu cho đất nước. Mức độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chúng ta liên tục tăng nhanh từ năm 1991, bình quân đạt 7,5%/năm, năm 1994, triển vọng đạt 8,5%. Tính riêng cho từng khu vực kinh tế, mức độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đã tăng bình quân 4,5%/năm, trong khi công nghiệp tăng 12,2% và dịch vụ tăng 8,3%/năm trong cùng thời kỳ trên. Khu vực công nghiệp kể cả công nghiệp xây dựng, trong cùng thời kỳ, đã đóng góp gần 1/4 (một phần tư) GDP nhờ tác động sắp xếp lại các xí nghiệp quốc doanh, tạo điều kiện cho sự ra đời các loại xí nghiệp tư doanh và các loại hình hợp tác xã ra đời. Hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất điện, than, dầu khí, xi măng, điện tử, thông tin liên lạc, công nghiệp nhẹ, và công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản và thủy sản được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, mặc dù có sự tăng trưởng đáng mừng như thế, theo báo cáo “Phát triển nhân lực toàn cầu 1994” của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam được xếp vào hàng thứ 153 trong số 173 quốc gia trên thế giới tính trên bình quân nhân khẩu GDP (theo sức mua tương đối). Nhưng nếu tính theo chỉ số phát triển toàn diện nhân lực (kể cả các chỉ tiêu phát triển xã hội) thì Việt Nam đứng vào hàng thứ 116/173. Điều này cho thấy khả năng phát triển kinh tế còn kém so với tiềm năng nhân lực. Kết quả sơ khởi của đề tài nghiên cứu mức sống của nhân dân Việt Nam (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) cho thấy năm 1989 trung bình cả nước có 51% dân số chúng ta còn ở dưới mức nghèo (tính theo nhu cầu tiêu chuẩn 2.100 calo dinh dưỡng/ngày). Con số này ngày càng giảm nhanh. Song, một vấn đề mới xuất hiện, đó là từng vùng lãnh thổ có sự khác biệt giàu nghèo rất tương phản: dân nghèo nhất là ở vùng Trung du Bắc bộ (71% dân số) và vùng núi phía Bắc (59%). Tại khắp các vùng, tỷ lệ dân nghèo là 90% ở nông thôn và 10% ở nơi thị tứ. Những hộ nghèo nhất vẫn là những hộ sống hoàn toàn nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa hoặc những hộ không có ruộng đất, hoặc vốn và sức lao động. Lịch sử phát triển của các nước giàu hiện nay trên thế giới cho thấy, trong giai đoạn đại bộ phận nhân dân còn sống nhờ vào nông nghiệp thì những chính sách nào có tác động tích cực đến nông thôn sẽ tạo điều kiện cho nông dân sớm thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, sức mua của họ trở nên mạnh hơn, nhu cầu mua sắm hàng công nghiệp sẽ tăng nhanh, và do đó, họ sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp. Cũng có một số ít nhà kinh tế cho rằng, muốn cho nông thôn phát triển thì nên phát triển các nhà máy, xí nghiệp có sức tiêu thụ nhiều nguyên liệu nông sản để nông dân bán được hàng hóa của họ và do đó họ sẽ sớm trở nên giàu. Nhưng vấn đề quan trọng là các nhà máy, xí nghiệp đó có bán được hàng hóa của mình không? Thị trường có chắc chắn không? Kinh nghiệm của ta trong thời gian vừa qua cho thấy một thực tế rất rõ ràng là tuy nông dân Việt Nam có làm ra hạt lúa để cung cấp cho các nhà máy xay xát xuất khẩu, nhưng cả người nông dân và Nhà nước đều không có lời. Rõ nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất lúa nhiều nhất nước ta, đời sống nông thôn vẫn còn nghèo xơ xác, một trận lũ lụt đi qua có thể cuốn mất cả sản nghiệp.
Từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ VII, qua nhiều nghị quyết của các Hội nghị Trung ương và nhiều luật, pháp lệnh của Quốc hội, đất nước ta đang chuyển mình tiến đến phồn vinh. Nhưng mặc dù một bộ phận nhỏ trong xã hội đang hưởng một cuộc sống khang trang, sung túc hơn trước, đại bộ phận nhân dân Việt Nam vẫn còn nghèo. Nhận thức thực trạng này, gần đây, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã khẳng định một bước nữa chính sách phát triển nông thôn của Đảng và Nhà nước và Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra một thời kỳ đổi mới tiếp theo về hiện đại hóa đất nước bằng cách đẩy mạnh hơn nữa công cuộc công nghiệp hóa các khu vực kinh tế quốc dân. Trong hoàn cảnh đất nước rất thiếu vốn đầu tư, mà lao động lại quá thừa, công nghiệp hóa đất nước như thế nào cho thích hợp nhất để xã hội Việt Nam trở nên hiện đại theo kịp các nước tiên tiến, nhất là các nước láng giềng của ta? Kinh nghiệm một số nước nghèo trên thế giới cho thấy, muốn phát triển nền kinh tế một cách nhanh chóng Nhà nước không thể theo đuổi một chiến lược công nghiệp hóa ưu tiên cho các ngành công nghiệp cần vốn đầu tư rất lớn trong khi ngân sách nhà nước lại quá nhỏ. Một số nước trong vùng, trong thập kỷ 50, 60 đã theo đuổi chiến lược công nghiệp quy mô lớn và đã bị hoàn toàn thất bại. Người ta đã chuyển hướng chọn chính sách ưu tiên đầu tư vào những công nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hợp khả năng vốn trong nước và để thích ứng với tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại, nhưng lại có thể sử dụng nhiều lao động trong nông thôn. Đó là những xí nghiệp nông thôn đang đổi mới bộ mặt nông thôn của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan, Ấn Độ, v.v..
Công nghiệp hóa những hoạt động sản xuất ở nông thôn cần được hỗ trợ bằng những tiến bộ khoa học công nghệ thích hợp. Những công nghệ thích hợp cần được lựa chọn theo một số tiêu chuẩn sau:
1- Có lợi lâu dài về mặt kinh tế;
2- Sử dụng nhiều lao động;
3- Sử dụng ít vốn tài chính;
4- Sử dụng vốn ngoại tệ một cách hữu hiệu;
5- Dễ sản xuất, sử dụng và bảo trì;
6- Có năng suất cao, có công nghệ tiên tiến;
7- Sử dụng càng nhiều nguyên liệu nội địa càng tốt;
8- Đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai;
9- Có tác dụng giảm nhanh tình trạng đói nghèo.
Kính thưa các vị đại biểu,
Chúng ta nhận thấy rõ hơn ai hết là thành phần nghèo nhất trong xã hội ta đại đa số đang sinh sống trong nông thôn trên khắp miền đất nước. Nhiều người trong chúng ta đang có dịp tham quan các nước láng giềng và các nước tiến bộ ở Mỹ chắc phải đau lòng khi nghĩ đến nông thôn của ta trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI mà vẫn còn một bộ mặt mộc mạc chưa hưởng được bao nhiêu nếp sống hiện đại của thế kỷ XX. Chỉ cần đi ra khỏi Thủ đô Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh vài mươi cây số chúng ta đã thấy những hoạt động đầu tắt mặt tối của những con người sống bằng nông nghiệp. Chúng ta phải tạo điều kiện thế nào để máy cày hoặc máy xới đất nhanh chóng xóa đi cảnh bà con ta cuốc đất hoặc kéo cày thay trâu. Làm sao cho bà con không còn khổ cực trong sương giá để chăm sóc từng luống mạ mà vẫn có những khay mạ đúng vào lúc cần cấy? Làm sao cho nông dân có và biết dùng giấy so màu lá lúa để cần biết lúc nào phải bón phân gì và bón bao nhiêu để có thể tiết kiệm phân tối đa? Nỗi khổ nhất của bà con nông dân là phơi lúa. Lý do chủ yếu khiến cho gạo Việt Nam không đạt chất lượng là vì ngay từ sau khi gặt hạt lúa không được làm khô đúng kỹ thuật. Làm sao để nông dân ta có thể làm cho lúa khô ngay sau khi gặt, không cần phải cực khổ ra chiếm lòng đường quốc lộ mà vẫn giữ phẩm chất hạt gạo tốt và bán được giá cao hơn? Có thể nào giúp cho nông thôn trang bị thêm được những kho tồn trữ nông sản, nhất là lúa, để tránh thất thoát sau thu hoạch? Chừng nào có thể thay thế những xe ba gác hiện có bằng những loại công cụ chuyên chở hữu hiệu hơn? v.v..
Trong phong trào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, các hoa màu phụ ngày càng đem lại lợi tức lớn hơn cho nông dân. Những công cụ để làm đất, đánh luống, vun gốc kết hợp bón phân, dỡ khoai, nhổ lạc, tẽ ngô, các thiết bị ép dầu, sấy hạt, sấy cơm dừa… sẽ giúp bà con nông dân cải tiến lao động và hiện đại hóa sản xuất của mình. Trong chăn nuôi, các chuồng trại sản xuất con giống kể cả giống tôm, cá sẽ trở nên rất cần thiết và phải nhân nhanh thông qua công nghệ sinh học. Công nghiệp chế biến thức ăn gia súc cần được cải tiến để trở thành công nghệ thích hợp cho các hộ gia đình nông thôn. Công nghiệp hầm ủ biôga bằng túi nilông (Polyethylene) cần được nhanh chóng phổ biến và ứng dụng trong gia đình, đặc biệt để thay thế các hầm cầu cá vồ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các ngành, nghề truyền thống cần được khôi phục và nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa nhất là khi nông thôn được điện khí hóa. Những nghề thủ công như đan chiếu, mây tre, dệt sợi, rèn, mộc, làm vôi bột, đồ gốm, v.v. cần được nghiên cứu cải tiến bằng những biện pháp kỹ thuật thích hợp. Những nghề cổ truyền về chế biến và bảo quản nông sản sẽ phải được cải tiến bằng công nghệ hiện đại thích hợp hơn nữa để đón trước những nhu cầu gia tăng của các sản phẩm chuyển dịch nông nghiệp như vải thiều, nhãn, mơ, mận, nấm các loại, cá, tôm, cua và các loài đặc sản khác.
Hiện đại hóa nông thôn sẽ được kích thích nhanh hơn nếu đi đôi với điện khí hóa. Tuy nhiên, điện khí hóa nông thôn cần được đầu tư hợp lý hơn, sớm chấm dứt tình trạng nơi giàu thì có điện dễ dàng nhờ công ty điện lực kéo sẵn đường dây đến nhà khỏi tốn tiền còn vùng xa vừa nghèo lại không có điện nếu không có tiền mua cột điện, dây điện, máy biến thế, tự kéo điện về và phải trả giá cao.
Điện thoại nói chung và điện thoại hóa nông thôn nói riêng đóng vai trò quan trọng không những trong việc thông tin kinh tế mà còn gắn kết mối quan hệ của người dân giữa vùng này và vùng khác. Điện thoại còn có thể làm phương tiện giáo dục đại chúng cho nông dân sống tại các vùng xa. Hiện tại, nước ta mới chỉ có hai phần mười (2/10) số xã có điện thoại. Ngày nay, với kỹ thuật - công nghệ hiện đại đã xuất hiện điện thoại không dây và như vậy các vùng xa xôi, hẻo lánh vì đường đi khó khăn, thậm chí nhiều nơi không có đường đi đến, thiếu thầy cô giáo, nhất là thầy cô giáo giỏi có thêm cơ hội để học tập không thua kém nhiều dân sống trong thành thị. Với công nghệ điện thoại không dây ngày nay, nếu có một pin mặt trời đủ mạnh, và một máy thu truyền hình nối trực tiếp vào điện thoại không dây, một lớp học ở vùng nông thôn hẻo lánh có thể xem và nghe bài giảng của thầy cô giáo giảng qua chương trình giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức.
KHUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHIẾN LƯỢC
CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG THÔN
Nhận thức tầm quan trọng và cấp bách của vấn đề hiện đại hóa đất nước qua công cuộc công nghiệp hóa các khu vực kinh tế quốc dân, đồng thời thấy được công nghiệp hóa chính là phương tiện để phát triển nền kinh tế - xã hội dựa vào nguồn lực trong nước kết hợp với hợp tác quốc tế, Quốc hội ta cần nhanh chóng xây dựng một khung chính sách bao gồm những lĩnh vực sau đây:
Thứ nhất, tài nguyên con người:
Lao động nông thôn rất dồi dào, hàng năm lại được bổ sung thêm khoảng một triệu người đến tuổi lao động, nhưng thiếu việc làm và chỉ là lao động giản đơn, không biết thêm một nghề chuyên môn nào, cho nên dẫn tới nhiều người không có việc làm và nếu có thì tiền công rẻ mạt. Hậu quả xã hội đã xảy ra và Nhà nước đã và đang phải giải quyết, đó là nạn di dân cơ khí về thành phố, đô thị hoặc những vùng dễ kiếm sống, phá vỡ vùng quy hoạch chung của chiến lược kinh tế - xã hội và cũng phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực khác. Vì vậy, việc đào tạo và hướng nghiệp tại chỗ cho lực lượng lao động này cần được đẩy mạnh.
Thứ hai, khoa học - công nghệ thích hợp:
Ở nông thôn, khoa học và công nghệ mới đáp ứng một phần nhu cầu về giống cây lương thực và cây con thực phẩm, chưa đáp ứng nhiều nhu cầu khác của nông thôn như đã trình bày trên. Kinh nghiệm các nước trong quá trình chuyển đổi sang công nghiệp hóa, việc đổi mới hệ thống nghiên cứu và đào tạo là yêu cầu bức thiết, vì chính lĩnh vực này tác động trực tiếp đến những phát minh các công nghệ thích hợp và đào tạo các tầng lớp nhân dân có tri thức khoa học và văn hóa cao hơn để họ tham gia tích cực công cuộc xây dựng xã hội mới văn minh hiện đại. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, đầu tư thích đáng và có chính sách phù hợp để kích thích các nhà khoa học có tài đi sâu vào nông thôn nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những công nghệ thích hợp kể cả công nghệ tiên tiến cho từng hộ nông dân trên từng vùng sinh thái khác nhau trong nước.
Thứ ba, cấu trúc hạ tầng nông thôn:
Đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới đường sá đến các huyện, xã và các thôn xóm, bản làng; các trường học, trạm xá, v.v.. Những cụm cơ giới hóa các khâu trong nông nghiệp chỉ mới đáp ứng nhu cầu cày xới, tưới tiêu, bảo vệ thực vật và tuốt lúa. Đặc biệt quan trọng, cần xây dựng nhanh chóng những “cụm sơ chế lúa nông thôn” đặt tại các hợp tác xã, hoặc tổ hội nông dân. Mỗi cụm này, có thể phục vụ cho 100 đến 150 hộ nông dân, cơ bản gồm có một máy sấy lúa loại 4 tấn/đợt, máy xay gạo lức (gạo mới xay, chưa giã), và một kho bảo quản. Đây là phương tiện cơ bản nhất giúp nông dân bảo quản chất lượng hạt gạo và từ đó nông dân trong cụm sẽ có một ngân hàng lương thực của chính mình.
Thứ tư, phát triển các vùng nông thôn sâu còn hoang hóa:
Một chương trình phát triển đồng bộ kết hợp di dân với phát triển đô thị mới và phát triển vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu bao gồm nuôi, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cần được tổ chức bởi một Ban liên ngành thay cơ quan lao động như tổ chức trước đây. Phát triển nông thôn mang tính chất đa ngành và liên ngành rất cao không chỉ một ngành nào có thể tổ chức thực hiện hoàn chỉnh được. Nước Malaixia, nước nông nghiệp có lợi tức bình quân đầu người cao nhất châu Á đã áp dụng phương pháp phát triển đồng bộ này để ổn định dân cư và phát triển hàng xuất khẩu trên các vùng đất khai hoang của họ. Nhà nước hướng các quỹ tài trợ của quốc tế kết hợp với quỹ định canh, định cư vào công cuộc phát triển các vùng nông thôn này một cách rất hữu hiệu. Sau khi tham khảo chiến lược thị trường lâu dài trong và ngoài nước của Chính phủ, cơ quan xây dựng nông thôn mới điều tra quy hoạch chính xác vùng sẽ phát triển, căn cứ vào lợi thế tương đối của vùng định ra loại sản phẩm nào mà vùng này sẽ sản xuất. Người ta đưa các nguồn vốn kể trên vào sử dụng trong xây dựng đường sá, nhà ở, trường học, chợ, bưu điện, nhà máy sơ chế, xây dựng đồng ruộng cho từng hộ gia đình. Những hộ dời dân này, kể cả những công nhân, viên chức bị giảm biên chế tại các thành phố, có thể đăng ký vào nhận nhà, nhận đất và được hướng dẫn sản xuất theo kế hoạch của khu thị tứ mới này. Tất cả chi phí phát triển đều được tính vào nợ chia đều cho những người định canh, định cư phải trả lại cho Nhà nước trong nhiều năm. Mọi sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ nhanh chóng, khiến cho người định canh có thể trả nợ nhưng đồng thời vẫn có đời sống sung túc và ổn định. Vùng nông thôn không còn hoang dã mà dần trở thành một vùng thị tứ sung túc.
Thứ năm, phát triển thị trường cho các vùng nông thôn:
Công nghiệp hóa nông thôn nhất thiết phải nhờ đến thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương làm ra, nhất là gạo - mặt hàng quan trọng nhất của đại đa số nông dân. Ngành nông nghiệp cần có một hệ thống theo dõi diễn biến của mức độ sản xuất của các tỉnh và biến động giá cả trên thị trường quốc tế để kịp thời giúp các địa phương có thể xuất gạo, theo hợp đồng một cách an toàn, không mất uy tín với khách hàng như nhiều nơi đã vấp phải. Đối với gạo, có lẽ Nhà nước chỉ can thiệp mạnh khi mức sản lượng có nguy cơ bị giảm 10% hoặc khi giá gạo quốc tế tăng trên 10% giá bình thường. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thị trường trong nước và thị trường ngoài nước vì tự các doanh nghiệp khó có thể tìm được thị trường ngoài nước.
Thị trường trong nước của ta chắc hẳn là một thị trường rất quyến rũ nên đã thu hút nhiều nhà doanh nghiệp quốc tế vào đầu tư. Khi nền sản xuất của chúng ta đi theo hướng phát huy lợi thế từng vùng, việc mua bán hàng hóa giữa các vùng sẽ trở nên nhộn nhịp. Ví dụ: xoài, dưa hấu, cá khô, cá tươi… có thể chở từ đồng bằng sông Cửu Long đến. Nhãn, vải thiều, mơ, khoai tây, su hào, than, apatit, v.v. có thể đưa từ Bắc vào Nam.
Thị trường quốc tế của sản phẩm Việt Nam còn tùy thuộc rất lớn vào khả năng tiếp thị và chất lượng hàng hóa của khu vực nông thôn sản xuất. Chúng ta mở cửa với thế giới bên ngoài trong khi các nước láng giềng sản xuất hàng hóa truyền thống tương tự như ta đã chiếm phần lớn khách hàng. Vì thế, chúng ta cần cạnh tranh ráo riết, mà trước hết ta cần có một chính sách ngoại giao rất thân thiện, các luật lệ ngoại thương ổn định và phù hợp tập quán quốc tế, các chuyên viên tiếp thị khéo léo. Bên cạnh sự quản lý chặt chẽ, hợp lý cần có một chính sách nới rộng quyền xuất khẩu cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Các xí nghiệp trong nước cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh kiểm tra chất lượng sản phẩm để hàng nước ngoài không lấn át và vươn lên cạnh tranh hàng ngoại nhập. Chúng ta đừng quên khách hàng truyền thống trong khối xã hội chủ nghĩa cũ trước đây, nay đang nhập nông sản từ các nước khác, thí dụ họ đang ăn chuối từ châu Mỹ Latinh xuất sang, v.v..
Thứ sáu, chính sách tài chính và vốn đầu tư:
Trong thời gian qua vốn đầu tư của chúng ta ít và hiệu quả sử dụng lại chưa cao nên liên tục bị thiếu vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ tiếp tục làm cạn kiệt ngân sách nhà nước. Do đó, một yêu cầu trong quá trình thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhanh chóng sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước: cải tiến bộ máy quản lý, cải tiến quy trình kỹ thuật và thiết bị. Khi doanh nghiệp đã được cải tổ, Nhà nước mạnh dạn cho cổ phần hóa một tỷ lệ nào đó của doanh nghiệp để huy động vốn hoạt động, đỡ gánh cho Nhà nước. Đây là tiền đề của một thị trường chứng khoán lành mạnh trong tương lai. Nhiều người có tiền trong nước đang chờ cơ hội Nhà nước có chính sách thích đáng và ổn định để họ đưa vốn vào sản xuất. Trong khi đó chúng ta cần có chính sách tài chính nông thôn thuận lợi hơn để huy động nhiều vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp nông thôn, và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước dành nhiều vốn tín dụng cho nông dân vay trung hạn hoặc dài hạn với lãi suất khuyến khích để đầu tư sản xuất hoặc làm các hình thức dịch vụ. Hiện nay, các “Tổ phụ nữ tín dụng” hoặc “Tổ liên kết sản xuất” ở nông thôn đang phát triển khá tốt nhưng vốn còn quá nhỏ, chỉ để làm mùa hoặc mua bán lẻ tẻ, chưa thể đầu tư gì cho các xí nghiệp hương trấn được.
Các xí nghiệp nông thôn mới thành lập của tư nhân cần được hưởng chế độ ưu đãi về vay vốn, thuế lợi tức và thuế doanh thu, cũng như được miễn thuế nhập khẩu các máy móc, thiết bị cần thiết. Nếu các xí nghiệp nông thôn tham gia xuất khẩu, việc miễn hoặc giảm thuế xuất khẩu trong vài năm đầu sẽ động viên nhân dân đầu tư.
Thứ bảy, chính sách giá cả:
Một trong những nguyên nhân kìm hãm lợi tức của nông dân là giá nông sản, nhất là lúa, chưa tương xứng giá trị thực tế của sản phẩm. Đây là hậu quả trực tiếp của chính sách ấn định giá trị thực tế của đồng bạc Việt Nam so với ngoại tệ chuẩn quốc tế. Hối suất đồng bạc như hiện nay (cao hơn giá trị thực tế) giúp cho các xí nghiệp nhập khẩu hàng rẻ hơn trong khi giá trị nông sản xuất khẩu cũng nhỏ hơn. Tới đây chúng ta cần tính toán lại để sao cho hài hòa giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Thứ tám, bảo vệ môi trường:
Chúng ta phát động phong trào công nghiệp hóa nhưng không lơ là về phương diện bảo vệ môi trường. Thông thường, chính trong nghèo khó người ta ít có khả năng gìn giữ môi trường mà trái lại phải lợi dụng môi trường để sống. Do đó, công nghiệp hóa nông thôn với sự nở rộ của hàng trăm xí nghiệp hương trấn ít vốn, do 2-3 người vừa làm chủ, vừa điều hành máy móc, vừa dọn dẹp, đi hợp đồng (bỏ mối) tiêu thụ hàng, thì vấn đề an toàn môi trường cần được các cấp thẩm quyền địa phương hết sức chú ý.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện Nghị quyết lần thứ 5 và Nghị quyết lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Quốc hội cần nhanh chóng lập một khung chính sách công nghiệp hóa ưu tiên cho những công nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra những kích thích vật chất nhằm huy động vốn trong dân chúng và hướng những nguồn vốn mới này vào các lĩnh vực mà trước đây đã và đang bị thiệt thòi, nhất là khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các khu vực này sớm đổi mới bộ mặt, trở nên hiện đại hơn. Tham khảo kinh nghiệm xây dựng thể chế pháp lý của các nước tiên tiến, chúng tôi thấy công cuộc xây dựng kinh tế nước ta sẽ tiến nhanh hơn nếu chúng ta có chính sách hợp lý hơn nữa và công bằng hơn nữa đối với mọi thành phần kinh tế trong và ngoài quốc doanh, nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực nông thôn để tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao mức lợi tức, đồng thời, tăng khả năng tiết kiệm của nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách và ngoại tệ bảo đảm an toàn lương thực cho cả nước.
Kính thưa Quốc hội,
Trên đây chúng tôi đã trình bày một số vấn đề lớn về “đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nông dân”.
Trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Kính chúc các đại biểu mạnh khỏe,
Kính chúc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa IX thành công
tốt đẹp,
Xin cảm ơn Quốc hội.
Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội