VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN VỀ
CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ
VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ - XÃ HỘI


(Do bà Nguyễn Thị Thân, Chủ nhiệm Ủy ban về các
vấn đề xã hội của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 6,
Quốc hội khóa IX, ngày 21-10-1994)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Năm 1994, mặc dù có nhiều khó khăn về thu chi ngân sách, nhưng Chính phủ đã cân đối với mức tăng khá cho một số công việc thuộc lĩnh vực hoạt động y tế - xã hội. So với năm 1993, chi cho dân số kế hoạch hóa gia đình ước tính bằng 235,3%; chi cho y tế bằng 140% và chi cho bảo đảm xã hội bằng 162,7%. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho Chính phủ điều hành các hoạt động này đạt được những tiến bộ đáng khích lệ. Có thể nói năm 1994, Chính phủ đã tập trung nhiều công sức chỉ đạo giải quyết có hiệu quả nhiều việc trong lĩnh vực các vấn đề xã hội, do đó Ủy ban chúng tôi nhất trí cao với đánh giá của Chính phủ về những thành tích đã đạt được.

Tuy nhiên, thông qua công tác nghiên cứu và giám sát của Ủy ban và nhằm thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực y tế - xã hội có những tiến bộ hơn nữa trong năm 1995 và các năm tới, Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội một vài vấn đề cần bàn và giải quyết trong thực tiễn; đồng thời cung cấp thêm một số thông tin tư liệu để các đại biểu Quốc hội tham khảo góp phần thảo luận tốt về các vấn đề xã hội.

I- VỀ LĨNH VỰC Y TẾ

1. Từ khi thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường cho đến nay, ở các bệnh viện nhà nước đã xuất hiện nhiều hình thức khám, chữa bệnh khác nhau (khám, chữa bệnh theo yêu cầu của bệnh nhân; khám, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh theo việc thu một phần viện phí và khám, chữa bệnh miễn giảm viện phí). Việc đa dạng hóa các hình thức khám, chữa bệnh như trên đã đáp ứng được một phần yêu cầu của người bệnh; Nhà nước cũng đã chú ý đến bộ phận dân cư nghèo khó và các đối tượng thuộc chính sách xã hội thông qua việc miễn phí hoặc mua thẻ bảo hiểm y tế cho họ. Một số bệnh viện đã có nhiều giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này. Song thực tiễn cho thấy, trong các hình thức khám, chữa bệnh nói trên thì hình thức khám, chữa bệnh theo yêu cầu và hình thức trả viện phí vẫn là hình thức "hấp dẫn" hơn đối với nhiều bệnh viện. Theo nhận xét của Bảo hiểm y tế Việt Nam thì ở đây có sự phân biệt đối xử với bệnh nhân.

Có hai khía cạnh của vấn đề cần phải được xem xét: Một là, nên có cơ chế để bảo đảm cho tất cả các bệnh nhân đều được khám, chữa bệnh "bình đẳng", chữa bệnh theo bệnh lý; không để chất lượng chữa bệnh quá phụ thuộc vào các hình thức chữa bệnh đã nêu trên. Hai là, phải nhanh chóng có các biện pháp về tài chính, về quản lý và về cơ chế để thực hiện được chủ trương miễn một phần viện phí cho các đối tượng quy định tại Nghị định 95-CP của Chính phủ ngày 27-8-1994 (đó là những người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, trẻ em dưới 6 tuổi, người bị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, phong, lao, người bệnh ở các xã vùng cao, người đi xây dựng kinh tế mới trong 3 năm đầu, người bệnh trong diện quá nghèo). Đây chính là những đối tượng còn đông trong nhân dân, nhưng họ không có đủ tiền để khám, chữa bệnh theo yêu cầu, hoặc nộp đủ viện phí, nhất là những bệnh nặng phải điều trị dài ngày, cần có sự trợ giúp của Nhà nước.

Về lâu dài, Ủy ban chúng tôi kiến nghị: Chính phủ nên nghiên cứu bố trí sắp xếp lại hệ thống bệnh viện, không nên để một bệnh viện phải lo chữa nhiều loại đối tượng như hiện nay.

2. Về việc thực hiện Nghị định 299 của Chính phủ về bảo hiểm y tế:

Bộ Y tế đã có tổng kết 2 năm thực hiện Nghị định này và Chính phủ đã có Nghị định số 47-CP ngày 06-6-1994 sửa đổi một số điều của Điều lệ. Ở đây chỉ xin đề cập một vài tồn tại mà theo chúng tôi cho là lớn và cấp bách cần được khắc phục.

Xuất phát từ thực trạng là, số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn quá ít (chỉ 6%), nghĩa là đến nay chưa phải toàn dân đã tham gia bảo hiểm y tế. Số người đã tham gia (bắt buộc) là cán bộ hành chính sự nghiệp, lao động thuộc các doanh nghiệp và lực lượng hưu trí, mất sức. Số đối tượng này phân bố hết sức không đều, thường tập trung ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các cụm kinh tế nông, lâm nghiệp. Hiện trạng này dẫn đến các mâu thuẫn trong quá trình thực hiện chính sách là:

- Ở những địa bàn hẹp (các thành thị) những đối tượng bắt buộc mua bảo hiểm y tế lại đông, số thu lớn, quỹ dồi dào thì hoạt động nói chung thuận lợi. Ở những địa bàn rộng (miền núi, vùng sâu, vùng xa) đối tượng mua bảo hiểm ít, phân tán, số thu nhỏ, quỹ bé, thì hoạt động rất khó khăn (kể cả nguồn kinh phí chi cho bộ máy).

- Trong điều kiện bảo hiểm y tế cho phép một số ngành đã hình thành bảo hiểm y tế riêng của ngành mình (Bảo hiểm y tế Giao thông, Bảo hiểm y tế Dầu khí, Bảo hiểm y tế ngành Than, Bảo hiểm y tế ngành Cao su). Điều này càng gây ra khó khăn, bất hợp lý cho cả hiện tại và cho tương lai. Ở một số ngành do tiền lương, thu nhập cao, quỹ tiền lương lớn nên số thu vào quỹ bảo hiểm lớn. Thực tế đã diễn ra tình trạng người bệnh như nhau ở các ngành khác nhau thì chế độ chi trả cho việc khám, chữa bệnh cũng khác nhau và dẫn tới tình trạng trong cùng một bệnh viện các hợp đồng chữa bệnh của bảo hiểm y tế ký có  mức kinh phí giường bệnh cũng khác nhau, đó là điều khó được chấp nhận. Mặt khác, khi người lao động đang làm việc thì bảo hiểm y tế ngành chi trả, nhưng khi người lao động trong các ngành này về hưu hoặc mất sức lao động thì lại chuyển về cho bảo hiểm y tế địa phương chịu trách nhiệm, bảo hiểm y tế địa phương thì không thu được, chi trả lại nhiều, đó là điều không hợp lý.

Các vấn đề nêu trên cần phải được xem xét khắc phục, trong đó nên nghiên cứu tổ chức chỉnh lại hệ thống tổ chức từ bảo hiểm y tế Trung ương đến bảo hiểm y tế địa phương sao cho việc quản lý điều hành được thông suốt, kể cả việc điều hành quỹ; phải tiến đến hạch toán thống nhất toàn bộ hệ thống bảo hiểm y tế; chúng tôi kiến nghị không nên tổ chức bảo hiểm y tế chuyên ngành.

3. Về các chương trình mục tiêu quốc gia (chống sốt rét, bướu cổ, tiêm chủng mở rộng, phòng chống AIDS và nâng cấp trang thiết bị): theo chúng tôi, nguồn kinh phí năm 1994 của các chương trình này là 229 tỷ đồng so với nhiều chương trình thuộc các lĩnh vực khác là tương đối thỏa đáng (trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp). Nhưng có một tồn tại chung trong việc điều hành, tiến độ cấp phát ngân sách là tình trạng "no dồn đói góp"; 7 tháng đầu năm, kinh phí do Bộ Y tế quản lý gồm cả kinh phí của các chương trình trên mới chỉ được cấp 34%, nhưng chỉ 45 ngày cuối quý III, các chương trình này đã nhận được số kinh phí bằng cả 7 tháng đầu năm. Một trong những nguyên tắc phòng, chống bệnh tật là phải thường xuyên, liên tục trên tất cả các địa bàn, nhưng với việc cấp phát kinh phí như trên (lúc có, lúc không) thì không đạt được yêu cầu đó, hiệu quả của kinh phí chi ra bị hạn chế. Cần phải nói rằng, việc cấp phát kinh phí không phải đến cuối năm cộng dồn thấy đủ là được mà vấn đề là phải đúng tiến độ, đạt được mục tiêu phòng chống của các chương trình. Trong việc rót kinh phí chậm (xuống địa phương) có nguyên nhân quan trọng là ngành chủ quản phân phối kinh phí cũng rất chậm; một số chương trình không quyết toán được kinh phí năm trước.

Do phòng trừ bệnh tật thiếu tính liên tục (vì có lúc kinh phí chưa về kịp) và do nhiều nguyên nhân khác mà một số bệnh trước đây đã cơ bản thanh toán, nay có nguy cơ tái xuất hiện và phát triển. Chỉ nói riêng bệnh phong, nếu năm 1981, tỷ lệ lưu hành bệnh là 21 phần vạn, thì năm 1993, chỉ còn 5 phần vạn, nhưng trong năm 1994, tỷ lệ này lại phát triển, có vùng rất nghiêm trọng: 37 tỉnh đồng bằng đã phát hiện 19.500 bệnh nhân, tỷ lệ là 5 phần vạn; 12 tỉnh miền núi đã phát hiện 4.800 bệnh nhân (10 phần vạn); 4 tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 15.000 bệnh nhân (70 phần vạn). Như vậy, cả nước đã phát hiện gần 4 vạn bệnh nhân phong, nhưng số đang được chữa trị chỉ có 8.700 người. Loại bệnh này có tỷ lệ tàn phế rất lớn (40-50%), vì vậy, chúng tôi đề nghị năm 1995, ngân sách bố trí kinh phí có thêm một số chương trình quốc gia như chương trình phòng, chống lao, chương trình phòng, chống, chữa trị bệnh phong, chương trình chống mù lòa và nha học đường (một số chương trình này hiện nay chủ yếu dựa vào kinh phí viện trợ nhân đạo).

4. Về công tác y tế cơ sở:

Đây là một chuyên đề có nhiều vấn đề phải bàn nhưng chúng tôi chỉ đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết sớm hai việc sau: một là, chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở, chính sách đã được xác định về nguyên tắc tại Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03-02-1994 nhưng chưa được cụ thể hóa bằng các chế độ cụ thể trong các văn bản dưới Nghị định. Trong số 36.738 cán bộ y tế cơ sở hiện có trong cả nước, ngoài số được Trung ương, tỉnh, huyện trả lương hoặc sinh hoạt phí thì còn gần 10 ngàn cán bộ do xã đài thọ hoặc không được đài thọ. Cùng là cán bộ y tế cơ sở nhưng có 3-4 chế độ do bốn cấp hành chính chi trả, đã tạo ra những tâm tư không lành mạnh và không yên tâm làm việc trong đội ngũ cán bộ này. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng (tài chính, y tế, tổ chức Chính phủ) sớm cụ thể hóa Quyết định 58 nói trên để chính sách đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho cán bộ y tế cơ sở làm tốt nhiệm vụ phòng, chữa bệnh ở phường, xã, thôn, bản, ấp. Hai là, xóa các "xã trắng" về cơ sở y tế; năm 1994, ngân sách đã dành ra 25 tỷ đồng để xóa 55 xã trắng, trong khi đó theo báo cáo của Bộ Y tế, cho đến nay, khoản tiền đó chưa chi được; các địa phương mới nhận được quyết định phân bổ tiền. Trong khi đó, có thông tin nói là đã xóa tới 312 xã trắng trong năm nay, có lẽ cần phải kiểm tra lại thông tin này. Con số 312 xã nói trên có thể là mỗi xã được bổ sung một vài điều kiện, còn nếu xóa 312 xã trắng thì cần phải có tới 160 tỷ đồng trở lên (không phải chỉ 25 tỷ). Ủy ban chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét và kiểm tra lại những tồn tại trên do nguyên nhân nào?

II- MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ LĨNH VỰC LAO ĐỘNG VÀ XÃ HỘI

1. Về phòng, chống các tệ nạn xã hội:

Dư luận đều thừa nhận là Nhà nước ta rất kiên quyết trong việc phòng, chống và bài trừ các tệ nạn xã hội. Chỉ trong vòng hơn một năm, một hệ thống gồm 23 văn bản các loại của Đảng, Chính phủ, các Bộ làm cơ sở pháp lý cho công việc này đã được ban hành. Các văn bản đó đang từng bước đi vào cuộc sống, nhân dân trong cả nước đều đang tích cực hưởng ứng cả về tinh thần và cả đóng góp về vật chất. Năm 1994, ngân sách nhà nước đã dành 50 tỷ đồng cho chương trình cai nghiện ma túy và 20 tỷ đồng cho chương trình chống mại dâm. Theo dõi và giám sát hoạt động của các chương trình này ở một số địa phương, chúng tôi thấy có những tồn tại sau đây cần phải được khắc phục:

Một là, với quy mô công việc lớn, kinh phí còn eo hẹp nhưng việc điều hành kinh phí còn có những mắc mớ:

- Về quy mô công việc: theo những tài liệu mà chúng tôi có được thì hiện nay có gần 10 vạn gái mại dâm các loại, hơn một ngàn chủ chứa với hàng ngàn tên dẫn dắt, nhưng kinh phí chỉ có 20 tỷ đồng cho cả việc chữa bệnh và dạy nghề cùng các công việc khác như tuyên truyền, giáo dục, v.v..

- Về tệ nghiện hút, hiện có hơn 12 vạn người nghiện hút phải cai, hơn 2 ngàn chủ chứa phải cải tạo và khoảng 20 ngàn hécta trồng cây thuốc phiện phải phá bỏ, thay thế cây trồng khác, nhưng kinh phí cũng chỉ có 50 tỷ đồng rải mỏng ra cho nhiều công việc. Trong đó riêng cai nghiện, cải tạo,... chỉ có 10 tỷ. Do vậy, gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương thực hiện Quyết định 05, 06 của Chính phủ.

Về cơ chế quản lý, điều hành kinh phí: có thể nói là kinh phí đã ít ỏi nhưng việc quản lý lại phân tán nhiều đầu mối, vòng vo, các cơ quan Trung ương có chức năng trong công việc này cũng phải chờ đợi nhau. Vì thế kinh phí được rút về địa phương quá chậm, khó có thể thực hiện được kế hoạch đúng thời hạn (đến tháng 9-1994 mới chuyển được 50% kinh phí thuộc chương trình chống mại dâm và 30% kinh phí (phòng chống ma túy). Kinh phí đã ít nhưng chi tiêu còn trùng lắp, nhiều cơ quan cùng phân bổ kinh phí cho công tác giáo dục, truyền thông với nội dung giống như nhau. Đề nghị Chính phủ rà soát lại cơ chế phân bổ kinh phí cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, làm rõ chức năng và nhiệm vụ, từ đó giao kinh phí trực tiếp theo chức năng, nhiệm vụ đã được xác định để nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan (tránh vòng vo giữa các cơ quan cùng thực hiện lại phải phân phối lại kinh phí cho nhau). Giữa chương trình phòng chống AIDS và chương trình 05, 06 cũng cần được nghiên cứu phối hợp điều hành cụ thể giữa cơ quan quản lý y tế và cơ quan phòng, chống tệ nạn, bởi vì, HIV/AIDS là hậu quả, là giai đoạn tiếp theo của tệ nạn xã hội.

Hai là, tình trạng thuốc gây nghiện trôi nổi trên thị trường trong khắp cả nước đang là một trở ngại lớn cho việc chữa trị cai nghiện. Theo báo cáo của Viện kiểm sát thì có cả triệu ống đôlagan, moócfin, phethedin lưu hành trên thị trường, trong đó có một phần quan trọng từ các cửa hàng, công ty dược của Nhà nước tuồn ra. Một phần do đường buôn lậu, một phần do kiếm lời vô lương tâm của một số người đã tự pha chế thuốc tiêm, chích cung cấp cho con nghiện. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cho kiểm tra các vụ việc ở các địa phương, xử lý nghiêm các vụ tiêu cực và các vụ buôn lậu thuốc gây nghiện; xem xét lại nhu cầu thuốc cho việc chữa trị một số bệnh và cho nghiên cứu khoa học, từ đó có kế hoạch sản xuất hợp lý vừa đủ cho các nhu cầu cần thiết.

Ba là, trong số các thủ phạm của các vụ tệ nạn thì cán bộ, nhân viên của các cơ quan, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ không nhỏ và không ít các cơ sở khách sạn, nhà hàng của Nhà nước lại là nơi chứa chấp, che giấu cho các vụ tệ nạn. Điều nghiêm trọng có cả cán bộ và khách sạn, nhà nghỉ của một số cơ quan pháp luật tham gia hoặc chứa chấp, các tệ nạn chủ yếu là tệ mại dâm và nghiện hút (các cơ quan chức năng của Chính phủ đã có bản thống kê tương đối chi tiết). Tình trạng này dẫn đến hậu quả tai hại là làm mất lòng tin, không đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và làm cho các đối tượng tệ nạn càng buông thả, chây ỳ.

Chúng tôi đề nghị, Chính phủ cần xử lý theo pháp luật một cách nghiêm minh những cá nhân và các cơ sở của Nhà nước đã tham gia tệ nạn để thể hiện tính hiệu lực của các văn bản pháp luật và thể hiện sự kiên quyết trừng trị những kẻ phạm pháp.

2. Về kinh phí cứu trợ xã hội:

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 12-1992), Ủy ban chúng tôi đã kiến nghị khẩn thiết phải có khoản kinh phí này trong kế hoạch ngân sách hàng năm, vì đây là việc năm nào cũng xảy ra và đã lượng hóa được nhu cầu ngân sách cần thiết. Nhưng khi ấy, cơ quan Kế hoạch và cơ quan Tài chính của Chính phủ nói là để ở mục kinh phí dự phòng. Năm 1993, chỉ riêng việc cứu trợ lũ lụt ở miền Trung và Tây Nguyên đã tới gần 15 tỷ đồng và 14.600 tấn thóc. Năm 1994 (mới đến tháng 10), đã phải cứu trợ đợt một là 33,56 tỷ đồng.

Các khoản kinh phí trên về cơ bản chưa thể hiện trong kế hoạch cân đối ngân sách, nên không tránh khỏi việc "giật gấu vá vai" trong việc thực hiện ngân sách. Một lần nữa, Ủy ban chúng tôi đề nghị Chính phủ tính toán và Quốc hội quyết định khoản chi ngân sách cho công việc này để Chính phủ khỏi bị động trong điều hành công việc, ít nhất cũng là phần cứu tế cho dân trên dưới 50 tỷ đồng/năm (phần tu bổ đê kè, chống úng, khôi phục sản xuất có thể cân đối vào vốn sản xuất). Sau khi có các khoản này, phải hình thành ngay cơ chế điều hành; nếu thiên tai xảy ra, cứ theo nguồn ngân sách và cơ chế điều hành để các địa phương chủ động thực hiện kịp thời.

3. Về việc sử dụng quỹ quốc gia hỗ trợ tạo việc làm:

Năm 1994, là năm thứ ba thực hiện quỹ này. Về cơ chế và việc điều hành có những tiến bộ đáng kể (liên Bộ không xét duyệt dự án nữa mà giao cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt, sau đó liên Bộ ra quyết định chuyển vốn, được dự án nào chuyển vốn dự án đó; khâu tín chấp được thực hiện hợp lý hơn, mở rộng thêm đối tượng cho vay...). Đến cuối tháng 9, đã có 5.318 dự án được duyệt cho vay, với số vốn là 195,2 tỷ đồng, thu hút thêm 21,5 vạn lao động. Những đồng vốn xuống đến dân, đến dự án nói chung đều được phát huy tốt, nhiều nghề mới xuất hiện; phát triển và phục hồi nhanh chóng một số nghề truyền thống. Nhân dân khẳng định vốn vay của quỹ quốc gia giải quyết việc làm góp phần sản xuất phát triển, đặc biệt là kinh tế gia đình, vốn được sử dụng có hiệu quả. Vốn trả đúng hạn 90%, có nơi 100% - 70% vốn được tập trung ở vùng nông thôn. Nhân dân rất hoan nghênh và yêu cầu được vay nhiều hơn. Hiện nay có nhiều mô hình ở cơ sở thực hiện chủ trương này rất tốt, kết quả đã giảm được một số hộ quá nghèo.

Tuy nhiên qua công tác giám sát, chúng tôi thấy Chính phủ và các địa phương cần xem xét giải quyết các vấn đề tồn đọng sau đây để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn này: trước hết, Ủy ban chúng tôi còn phân vân về số liệu phân bổ ngân sách cho vay vốn giải quyết việc làm của năm 1994, Quốc hội phê chuẩn ngày 30-12-1993. Chủ tịch Quốc hội đã ký quyết định kế hoạch thu chi ngân sách năm 1994 - chi cho giải quyết việc làm (vốn mới) 300 tỷ đồng. Nhưng tại Quyết định số 19 UB-TH ngày 10-3-1994 và tại Thông báo số 617 UB-LĐVX ngày 26-3-1994 của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước gửi cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính ghi: vay vốn giải quyết việc làm 290 tỷ đồng (nhưng vốn vay mới chỉ có 190 tỷ đồng và hai Bộ đã phân bổ cho 53 tỉnh, thành, 8 đoàn thể trong con số kế hoạch Nhà nước giao).

Ủy ban chúng tôi được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính cho biết:

Còn 50 tỷ đồng chi cho sắp xếp lao động dôi dư (theo Quyết định 111-HĐBT), hiện nay chưa được chi đến.

Mười tỷ đồng chi cho Xí nghiệp thương binh và Trung tâm xúc tiến việc làm. Nếu công nhận thêm 60 tỷ nữa thì vẫn còn 50 tỷ vốn quốc gia giải quyết việc làm hiện nay bố trí ở đâu và cơ quan nào quyết định thay cho Quốc hội.

Ủy ban chúng tôi kiến nghị, trong trả lời chất vấn kỳ họp này Chính phủ nên báo cáo rõ thêm với Quốc hội và theo chúng tôi kế hoạch năm 1995, 50 tỷ chi cho sắp xếp lao động dôi dư nên ghi tại mục chi thường xuyên và không nên ghi trong mục chi đầu tư phát triển (chung với Quỹ giải quyết việc làm, như vậy dễ nhầm lẫn và không đúng tính chất chi).

Về cơ chế chính sách: trong khi mở rộng diện đối tượng cho vay tăng thêm nhiều dự án thì nguồn vốn mới lại bị thu hẹp dần (từ 250 tỷ đồng năm 1992, xuống 220 tỷ đồng năm 1993 và 190 tỷ đồng năm 1994). Việc đáp ứng nhu cầu không còn giữ được 10% yêu cầu vốn như trước nữa.

Cơ chế quản lý mặc dù có sửa đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự thông thoát. Liên Bộ đã bỏ khâu thẩm định dự án cụ thể và giao cho tỉnh, nhưng vẫn còn thẩm định danh sách dự án theo biểu mẫu quy định; sau đó mới có quyết định chuyển vốn. Thực tế đó dẫn đến tình trạng có tỉnh duyệt xong dự án nhưng để quên hàng tháng không trình lên Bộ ra quyết định chuyển vốn. Quy trình chuyển vốn còn quá dài qua nhiều khâu liên Bộ quy định thẩm định. Năm 1994, các tỉnh được phân bổ vốn từ 26-3-1994 là một tiến bộ so với năm 1993, nhưng tính đến cuối tháng 9, còn 6 tỉnh chưa triển khai (với số vốn hơn 14 tỷ đồng); những địa phương đã gửi dự án lên Quyết định chuyển vốn của liên Bộ cũng chậm (đến 20-9-1994 số dự án đã được các địa phương duyệt nhưng chưa được chuyển vốn tới 35,2 tỷ); vốn từ Trung ương về địa phương còn bị tình trạng tồn đọng lại ở các kho bạc khá nhiều (120 tỷ tồn đọng trên 195 tỷ vốn chuyển), v.v..

Để giải quyết đồng vốn nhanh chóng xuống tới dân, Ủy ban chúng tôi đề nghị:

- Tỉnh, thành phố là nơi chỉ đạo lập, xét duyệt và thẩm định dự án cần phải tiến hành khẩn trương, nghiêm túc ngay từ khi được thông báo hạn mức vốn, thậm chí, phải chỉ đạo xây dựng dự án từ cuối năm trước.

- Sau 3 năm chỉ đạo thực hiện, chúng tôi cho rằng cơ chế liên Bộ ở Trung ương không còn phù hợp lắm (là một khâu họp hành thẩm định kéo dài thời gian chuyển vốn về địa phương), vì vậy, nên chăng giao cho cơ quan chức năng giúp Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả sử dụng nguồn vốn tạo việc làm. Đồng thời, giữa Bộ này với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phải cải tiến các khâu công việc hiện nay (gửi lên chuyển xuống) để rút ngắn thời gian chuyển vốn về địa phương; và triển khai nhanh chóng xuống dân.

- Vốn tồn đọng quá lớn ở các kho bạc, có lúc do thiếu tiền, nhưng chủ yếu là do các kho bạc quận, huyện lại thẩm tra một lần nữa trước khi xuất tiền ra. Hoặc khi giải ngân thì lại không còn hợp mùa vụ, dân không vay, hoặc muốn vay theo dự án khác thì phải lập lại quy trình xét duyệt từ đầu. Chúng tôi kiến nghị các kho bạc quận, huyện không nên tiến hành "động tác thừa" đó. Vì rằng, quá trình địa phương xét duyệt, thẩm định dự án, các kho bạc đã tham gia từ đầu đến cuối. Nếu muốn hoàn thành tốt chức năng của mình thì hãy tham gia nghiêm túc, sát sao trong quá trình thẩm định dự án (trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định).

- Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị thêm: Chính phủ sớm sơ kết 3 năm thực hiện quỹ này để xem xét những vấn đề còn tồn tại trên và tổng kết xem đối tượng nào vay đồng vốn có hiệu quả hơn. Số vốn do ngân sách hàng năm quá nhỏ - yêu cầu vay của dân nhiều, theo chúng tôi cần có thời gian xem xét điều chỉnh đối tượng vay. Ví dụ: vốn cho các xí nghiệp tư nhân vay theo dự án nhỏ. Có thể chuyển sang áp dụng chính sách khuyến khích theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước được không?

4. Giải quyết việc làm thông qua chương trình di dân xây dựng các vùng kinh tế mới:

Loại việc này hiện nay ít nhất được tách thành 2 mảng lớn (mảng vốn dĩ là kinh tế mới và mảng nằm trong Chương trình 327 phủ xanh đồi núi trọc). Cần phải khẳng định chủ trương phủ xanh đồi núi trọc là đúng đắn và cấp bách, nhưng về cơ chế, bộ máy, nguồn vốn thì có nhiều việc phải bàn tính. Riêng về việc điều dân xây dựng kinh tế mới có tình hình sau: Từ khi chuyển giao các dự án kinh tế mới vào Chương trình 327 thì hầu như không thực hiện được việc chuyển dân, chuyển lao động, vì nội dung cơ bản của Chương trình 327 là phủ xanh đất trống đồi núi trọc (trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng, v.v.), giải quyết việc làm tại chỗ là chủ yếu và đã có hàng chục vạn lao động của các lâm trường và nông trường bị lao đao trong cơ chế mới hạch toán, kinh doanh, nay 327 giải quyết việc làm cho số lao động này cũng chưa đủ thì khó có thể điều động lao động nơi khác đến. Mặt khác, khá nhiều chủ dự án 327 chỉ nhận vốn mà không nhận điều dân nơi khác đến (kế hoạch năm 1994 dự kiến Chương trình 327 sẽ điều động 45.200 hộ, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ thực hiện được hơn 5 ngàn hộ, khoảng 12% kế hoạch). Do đó, giải quyết việc làm mới bằng con đường di dân xây dựng kinh tế mới (một hướng lớn) bị chững lại, trong khi nhu cầu di dân để tìm việc làm là có thực. Chỉ tính 3 năm (1990 - 1993), các tỉnh miền núi phía Bắc đã có gần 40 ngàn hộ với ngót 20 vạn khẩu đã di dân tự do vào các tỉnh phía Nam. Dân di chuyển tự do có tự tạo được chút ít việc làm, nhưng có những việc làm không chấp nhận được và đã làm nảy sinh khá nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp (trước hết là cho các địa phương tiếp nhận).

Ủy ban chúng tôi đề nghị Chính phủ có chuyên đề bàn về việc này và giải quyết cơ bản theo hướng những công việc đích thực là di dân xây dựng kinh tế mới, tạo việc làm mới thì được giao lại đúng chức năng cho bộ máy điều động lao động - dân cư đã có từ 15 năm nay (không nên lặp lại một thiếu sót đã tổng kết là, người chuẩn bị địa bàn cứ chuẩn bị, người điều dân thì cứ điều dân) nhằm tiếp tục phân bố lao động phù hợp với tài nguyên và tạo ra được nhiều việc làm mới, khắc phục một phần tình trạng có nhu cầu di dân mà dân vẫn tiếp tục tự do di chuyển không theo các chương trình của Nhà nước.

Cuối cùng, Ủy ban chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét thêm một số tình hình quản lý thu, chi ngân sách y tế - xã hội.

Ví dụ: Thu bảo hiểm xã hội năm 1994 rất thấp chỉ đạt 1.050 tỷ/1.715 tỷ. Thu bảo hiểm y tế đạt 111 tỷ/400 tỷ. Trong đó có tình hình một số doanh nghiệp của Nhà nước, kể cả Trung ương và địa phương không nộp. Cần được rút kinh nghiệm tìm nguyên nhân để bổ sung cho kế hoạch năm 1995 .

Về chi cho các chương trình mục tiêu và chi ủy nhiệm cho địa phương, chúng tôi kiến nghị các Bộ chủ quản cùng Bộ Tài chính có kế hoạch phân bổ công khai, kịp thời, chính xác. Để công tác kiểm tra, quản lý tài chính được thuận lợi hơn năm nay.

Kính thưa các vị đại biểu,

Trên đây là một vài ý kiến của Ủy ban chúng tôi kính trình Quốc hội xem xét.

Xin cảm ơn Quốc hội.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội