VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ IX,
NGÀY 01-11-1994 VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1995

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 62 và Điều 63 của Luật tổ chức Quốc hội;

Sau khi nghe Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 1995 và ý kiến của đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

I- THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1995, GỒM CÁC DỰ ÁN SAU ĐÂY:

A- Chương trình chính thức:

a) Các dự án luật:

1. Bộ luật dân sự;

2. Luật tổ chức Toà án hành chính hoặc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân (về Toà án hành chính);

3. Luật ngân sách nhà nước;

4. Luật doanh nghiệp nhà nước;

5. Luật hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi);

6. Các luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế (doanh thu, lợi tức, tiêu thụ đặc biệt và xuất, nhập khẩu);

7. Luật khoáng sản;

8. Luật hợp tác xã.

b) Các dự án pháp lệnh:

1. Pháp lệnh về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mỗi cấp;

2. Pháp lệnh quy định về việc giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc kiểm tra và hướng dẫn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân;

3. Pháp lệnh giải quyết các vụ tranh chấp lao động;

4. Pháp lệnh tố tụng hành chính;

5. Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia (sửa đổi);

6. Pháp lệnh tổ chức Luật sư (sửa đổi);

7. Pháp lệnh về dân quân tự vệ;

8. Pháp lệnh về hàm ngoại giao;

9. Pháp lệnh về khen thưởng;

10. Các dự án pháp lệnh còn lại của chương trình chính thức năm 1994 chuyển sang.

B- Chương trình dự bị

a) Các dự án luật:

1. Luật dân tộc;

2. Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi);

3. Luật biên giới quốc gia;

4. Luật hải quan;

5. Luật thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

b) Các dự án pháp lệnh:

1. Pháp lệnh về xây dựng lực lượng dự bị;

2. Pháp lệnh về Bộ đội biên phòng;

3. Pháp lệnh về tôn giáo.

II- ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XÂY DỰNG
PHÁP LUẬT, CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TỐT CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU SAU ĐÂY:

 1. Tăng cường công tác chỉ đạo, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan; có sự phân công phù hợp đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; có tiến độ xây dựng các dự án hợp lý, khẩn trương; thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình.

Trong quá trình chỉ đạo, thực hiện, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh chương trình hoặc thay đổi hình thức văn bản, thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội;

2. Nâng cao chất lượng các dự án pháp luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Chuẩn bị tốt các văn bản dưới luật kèm theo các dự án để trình Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội;

3. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Có biện pháp thích hợp để các đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động trong việc tham gia xây dựng các dự án pháp luật;

4. Khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Có biện pháp thu hút sự đóng góp của các chuyên gia vào việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh;

5. Sớm hoàn thành việc tổng kết tình hình thực hiện Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh do Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1988 để sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp; hoàn thiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật;

6. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị các dự án pháp luật để đưa vào chương trình chính thức năm 1996 và các năm sau.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 01 tháng 11 năm 1994.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
NÔNG ĐỨC MẠNH

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội