NGHỊ QUYẾT SỐ 164b NQ/UBTVQH9 NGÀY 29-01-1994
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 1994
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ 4,
QUYẾT NGHỊ:
I- CÁC CÔNG TÁC CHÍNH CẦN TRIỂN KHAI ĐỂ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
1. Về công tác xây dựng pháp luật
a) Phân công cơ quan soạn thảo và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 (bao gồm chương trình chính thức, chương trình dự bị) và quy định tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh có trong chương trình chính thức của chương trình xây dựng pháp luật năm 1994.
b) Thông qua danh mục các dự án luật, pháp lệnh chuẩn bị trong năm 1994 và phân công cơ quan soạn thảo và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có trong danh mục này.
c) Nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng và thông qua các luật, pháp lệnh; bảo đảm nâng cao chất lượng và tiết kiệm thời gian.
2. Về công tác giám sát
a) Coi trọng giám sát việc thi hành pháp luật, nhất là các luật đã được Quốc hội thông qua trong năm 1993, góp phần bảo đảm cho các luật này sớm được thực hiện trong cuộc sống.
b) Trọng tâm là giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1994 mà chủ yếu là về ngân sách nhà nước năm 1994 và Nghị quyết về “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu”: công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh.
c) Tổ chức các đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đi giám sát một số nội dung quan trọng ở một số ngành và địa phương với sự chuẩn bị chu đáo nhằm đạt kết quả cao.
đ) Công tác giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần có sự phối hợp chặt chẽ, điều hòa hợp lý, tránh chồng chéo, gây khó khăn, tốn kém cho cơ sở, cần tập trung vào các nội dung quan trọng trong các nghị quyết của Quốc hội.
3. Về hoạt động đối ngoại
a) Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại và kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc cử đoàn ra, đoàn vào nhằm mở rộng quan hệ với Quốc hội các nước và hỗ trợ các quan hệ quốc tế khác.
b) Có chương trình nghiên cứu công tác đối ngoại của Quốc hội các nước, bảo đảm thông tin đầy đủ, có hệ thống về nội dung và tổ chức hoạt động của Quốc hội các nước, các tổ chức liên minh nghị viện quốc tế và khu vực.
c) Xúc tiến công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội: tổ chức các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước.
d) Chủ động phối hợp với các cơ quan đối ngoại Đảng, Chính phủ và các đoàn thể nhân dân để tiến hành hoạt động đối ngoại nhạy bén, đồng bộ, có hiệu quả; điều chỉnh chương trình, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào cho phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm thực hành tiết kiệm.
II- CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU
1. Các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ vào nhiệm vụ đã được xác định trong các nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết này tiến hành xây dựng chương trình công tác cho phù hợp; chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo; có biện pháp chỉ đạo, giám sát và thực hiện đúng tiến độ, các nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện theo quy định.
2. Tăng cường các quan hệ phối hợp giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước hữu quan, giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, giữa Hội đồng dân tộc và các Ủy ban với nhau; giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc triển khai thực hiện.
3. Tổng kết việc thực hiện Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành và có những sửa đổi, bổ sung cần thiết; tổng kết kinh nghiệm giám sát để trên cơ sở đó xây dựng Quy chế giám sát.
4. Tăng cường thêm số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho Hội đồng dân tộc, một số Ủy ban và các Đoàn đại biểu Quốc hội; tăng cường bộ máy giúp việc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cả về số lượng và chất lượng; bảo đảm đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.
5. Tiếp tục trang bị thêm các cơ sở vật chất cần thiết, cung cấp các thông tin cho đại biểu Quốc hội, bảo đảm kinh phí để phục vụ công tác lập pháp, công tác giám sát và các hoạt động khác.
*
* *
Nghị quyết này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 28 và 29 tháng 01 năm 1994.
Ban hành kèm theo Nghị quyết này các văn bản:
- Phân công cơ quan soạn thảo, thẩm tra và tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 và các dự án luật, pháp lệnh chuẩn bị trong năm 1994;
- Chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 1994;
- Dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội trong năm 1994;
- Dự kiến chương trình các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 1994.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Chủ tịch
NÔNG ĐỨC MẠNH
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội