VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


NGHỊ QUYẾT SỐ 166 NQ/UBTVQH9 NGÀY 02-02-1994 CỦA
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC TOÀ ÁN NHÂN DÂN

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Điều 6 của Luật tổ chức Quốc hội;

Để triển khai việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1993;

Theo đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao,

QUYẾT NGHỊ:

1. Các cơ quan Trọng tài kinh tế tổ chức theo Pháp lệnh Trọng tài kinh tế được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 10 tháng 01 năm 1990 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1994.

Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn Trọng tài kinh tế các cấp thực hiện việc thụ lý, giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế, bảo đảm đến ngày 30 tháng 6 năm 1994 giải quyết hết các vụ việc mà Trọng tài kinh tế các cấp đã thụ lý.

2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chuẩn bị việc thành lập Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao, kiện toàn các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; xác định biên chế, số lượng Thẩm phán và Hội thẩm của Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chuẩn bị việc thành lập các Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xác định số lượng Thẩm phán và Hội thẩm của các Tòa án nhân dân địa phương trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; xác định tổng biên chế của các Tòa án nhân dân địa phương trình Chính phủ quyết định; có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ sẽ được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ án kinh tế và giải quyết việc phá sản doanh nghiệp.

3. Các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán khẩn trương tiến hành việc tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn để trình Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Đối với những Trọng tài viên đương nhiệm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp kinh tế, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật, chưa có trình độ cao đẳng Tòa án hoặc Đại học luật mà Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân quy định, thì vẫn có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán, nhưng phải học tập để trong nhiệm kỳ đạt trình độ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Trong khi tiến hành những công việc nêu ở điểm 2 và 3 của Nghị quyết này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

4. Chính phủ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành quy định về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế và chuẩn bị việc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan đến việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định; có kế hoạch phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tiến hành những công việc cần thiết để sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ của các cơ quan Trọng tài kinh tế.

5. Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chuẩn bị Dự án Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật phá sản doanh nghiệp.

6. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng của mình thi hành Nghị quyết này.

_______________________

Nghị quyết này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại phiên họp ngày 02 tháng 02 năm 1994.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI Chủ tịch
NÔNG ĐỨC MẠNH

 

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội