VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996


TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC TIẾP THU Ý KIẾN NHÂN DÂN,
CÁC NGÀNH, CÁC CẤP VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI,
CHỈNH LÝ DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ


(Do ông Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
đọc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá IX,
ngày 03-10-1995)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, trong nhiều năm qua, việc xây dựng Dự thảo Bộ luật dân sự đã được triển khai thực hiện. Trong những năm gần đây, trước yêu cầu của công việc đổi mới, được sự quan tâm của Quốc hội, công việc soạn thảo Dự án Bộ luật đã được thúc đẩy khẩn trương. Trong hai năm lại đây tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6-1994) và kỳ họp thứ 7 (tháng 4-1995), bản Dự thảo đã lần lượt được trình Quốc hội xin ý kiến. Tại hai kỳ họp đó, Quốc hội đã giành thời gian thích đáng thảo luận các vấn đề cơ bản thuộc nội dung của Dự thảo Bộ luật dân sự và đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng.

Tại kỳ họp này, Chính phủ xin báo cáo tình hình lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong tám tháng qua và kết quả tiếp thu, dự kiến chỉnh lý các dự thảo XII và XIV cũng như những vấn đề xin các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, có ý kiến quyết định và xem xét, quyết định việc thông qua Bộ luật dân sự đầu tiên của nước nhà.

I- VỀ KẾT QUẢ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN, CÁC NGÀNH, CÁC CẤP, CHỈNH LÝ DỰ THẢO XII THÀNH DỰ THẢO XIV

Thực hiện phương châm chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta, đặc biệt đối với Bộ luật dân sự, một Bộ luật có tầm quan trọng sau Hiến pháp là phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của toàn dân, vừa nhằm tập trung được trí tuệ của nhân dân, vừa nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Theo kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong 8 tháng, từ tháng 2 đến tháng 9 năm 1995, ở tất cả các Ban, ngành thuộc các địa phương trong cả nước cũng như ở các Bộ, Ban, ngành, tổ chức ở Trung ương đã tích cực tổ chức đợt lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật dân sự với các hình thức thiết thực, có hiệu quả. Đông đảo cán bộ và nhân dân, các giới, các tầng lớp dân cư, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn từ nhiều lĩnh vực hoạt động, công tác khác nhau, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, ban hành Bộ luật dân sự, đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về các vấn đề lớn cũng như đối với từng quy định cụ thể của Dự thảo. Qua gần 8 tháng tổ chức lấy ý kiến, đến nay 53 tỉnh, thành và nhiều Bộ, ngành ở Trung ương đã có báo cáo ý kiến đóng góp. Nhiều tỉnh, thành có báo cáo đợt hai. Ngoài ra, nhiều cá nhân cũng có thư đóng góp trực tiếp gửi ý kiến đến Ban soạn thảo. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, có hàng chục ngàn ý kiến đóng góp đề nghị sửa đổi, bổ sung hầu hết các quy định của Dự thảo công bố.

Việc phân tích, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp và chuẩn bị các phương án sửa đổi, bổ sung Dự thảo XII đã được các chuyên gia pháp luật, kinh tế, văn hóa của nhiều cơ quan, tổ chức tiến hành nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần thực sự cầu thị, tôn trọng từng ý kiến đóng góp. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, liên tục trong nhiều ngày của tháng 7 vừa qua, Ban dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng đại diện của các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có đợt làm việc tập trung nghiên cứu bản tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp, thảo luận, trao đổi ý kiến để tiếp thu chỉnh lý Dự thảo XII thành Dự thảo XIV với những điểm chỉnh lý lớn như sau:

- Cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự. Từ bốn điều của Chương I: Những nguyên tắc cơ bản, đã được bổ sung thành 14 điều của Chương I Dự thảo XIV.

- Bổ sung 10 điều mới về quan hệ hôn nhân và gia đình và một mục mới về quyền nhân thân với 20 điều mới.

- Cụ thể hóa, bổ sung 12 điều của Chương về pháp nhân thành 22 điều, trong đó đã làm rõ các loại pháp nhân với các dấu hiệu riêng biệt của từng loại pháp nhân, bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ của chế định này.

- Thay đổi cơ cấu của phần về quyền sở hữu, bổ sung nhiều quy định về từng quyền năng của chủ sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt); nội dung các hình thức về sở hữu, làm rõ hơn quyền địa dịch (dịch quyền) của người láng giềng trong sử dụng bất động sản liền kề và căn cứ chấm dứt quyền sở hữu. Phần về quyền sở hữu, Dự thảo XII gồm 61 điều được bổ sung 46 điều thành 107 điều của Dự thảo XIV;

- Bổ sung 20 điều trong Phần nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự;

- Bổ sung 12 điều trong Phần về quyền sở hữu trí tuệ;

- Bổ sung một Phần mới tách từ Chương III, Phần thứ ba, Chương V, Phần thứ tư và sửa đổi các quy định về quyền sử dụng đất của Dự thảo XII, xây dựng thành một phần riêng của Dự thảo XIV; Phần thứ năm “Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất” gồm 61 điều.

Ngoài ra, những quy định của Dự thảo XII cũng được xem xét, tu chỉnh lại về mặt kỹ thuật, cách thể hiện. Kết quả là, Dự thảo XII chỉ còn 98 điều được giữ nguyên, 38 điều được lược bỏ, có hơn 600 điều được sửa đổi, 159 điều mới được bổ sung. Tổng số điều của Dự thảo XIV so với Dự thảo XII tăng 137 điều, từ 701 điều thành 838 điều.

II- KẾT QUẢ XIN Ý KIẾN CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ THẢO XIV, DỰ KIẾN CHỈNH LÝ DỰ THẢO XIV

Sau khi hoàn chỉnh, theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tại phiên ngày 31 tháng 7 và ngày 01 tháng 8 năm 1995, Dự thảo XIV đã được gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến. Tính đến ngày 18 tháng 9 năm 1995, Văn phòng Quốc hội đã nhận được văn bản tổng hợp ý kiến của gần 30 đoàn, một số đại biểu Quốc hội cũng đã có văn bản phát biểu ý kiến riêng về Dự thảo mới này. Ở một số địa phương, các cơ quan, tổ chức đã kịp thời tổ chức thảo luận góp ý kiến cùng Đoàn đại biểu Quốc hội. Qua ý kiến tổng hợp cho thấy, các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá Dự thảo XIV có nhiều tiến bộ về nội dung, về kỹ thuật lập pháp, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân. Những quan điểm lớn của Đảng về lĩnh vực dân sự trong công cuộc đổi mới đất nước đã được quán triệt và thể hiện rõ hơn trong Dự thảo này. Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến về các vấn đề lớn của Dự thảo XIV, đặt ra một số vấn đề mà Dự thảo chưa quy định hoặc quy định còn thiếu chặt chẽ, đồng thời cũng đã cho nhiều ý kiến xác đáng về mặt kỹ thuật, cách thể hiện của một số quy định cụ thể.

Với tinh thần khẩn trương, trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội Dự thảo XIV đã được dự kiến chỉnh lý ở một số điểm chính sau đây:

1. Về lời nói đầu: bổ sung ý bảo đảm “quyền con người về dân sự” vào cuối đoạn 2 cho phù hợp với việc bổ sung vào Dự thảo một số quyền nhân thân và cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đưa ý “xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự” xuống Điều 1 về nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự để tập trung làm rõ ý Bộ luật dân sự không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể mà còn hướng dẫn cách ứng xử của các chủ thể trong giao lưu dân sự, và đây chính là một nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ luật dân sự.

2. Sửa đổi khoản 4 Điều 24: cùng với quy định người dưới 15 tuổi đã bổ sung ý: người mất năng lực hành vi cũng phải có người giám hộ.

3. Các điều 24, 27 và 32 về giám hộ có những điểm chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, xin được báo cáo ở phần sau.

4. Điều 47 được bổ sung khoản 3 “Người hành nghề y, dược phải chịu trách nhiệm về phương pháp chữa bệnh của mình” để phúc đáp yêu cầu thực tế tăng cường trách nhiệm của người thày thuốc trong việc khám chữa bệnh cho người dân.

5. Tại Điều 48 bổ sung ý: không ai được lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để vu khống, vu cáo, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

6. Điều 49 được bổ sung ý: việc thu thập, công bố thông tin về đời tư cá nhân đã chết phải được thân nhân của người đó đồng ý. Việc thu thập, công bố thông tin về đời tư của cá nhân có thể thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Điều 72 về đăng ký chấm dứt hôn nhân sau ly hôn được loại bỏ, vì nhiều ý kiến cho rằng, nên để Tòa án gửi bản sao cho cơ quan đăng ký hộ tịch để thực hiện việc đăng ký này, không nên coi đây là nghĩa vụ của người đã được ly hôn.

8. Điều 114 về hộ gia đình được bổ sung quy định cụ thể về lĩnh vực quan hệ dân sự mà hộ gia đình là chủ thể.

9. Điều 118 về khái niệm Tổ hợp tác được bổ sung các dấu hiệu đặc trưng để phân biệt tổ hợp tác với pháp nhân, cá nhân, đồng thời lấy lại quy định của Dự thảo XII về hợp đồng hợp tác. Về vấn đề này xin được báo cáo cụ thể ở phần sau.

10. Điều 120 và Điều 121 về đại diện và về tài sản của tổ hợp tác được bổ sung ý: phải có sự đồng ý của đa số tổ viên, thì tổ trưởng mới được xác lập giao dịch định đoạt tài sản chung của tổ.

11. Điều 132 về giao dịch dân sự có điều kiện bỏ đoạn 2, vì cần có nhiều quy định hướng dẫn mới bao quát được hết các trường hợp này, nếu quy định chung chung như Dự thảo sẽ gây khó hiểu, khó vận dụng trong thực tế.

12. Điều 172 được bổ sung quy định về hai hình thức sở hữu: sở hữu hỗn hợp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp làm cơ sở cho việc bổ sung các quy định về hai hình thức sở hữu này ở phần sau.

13. Điều 181 được bổ sung khoản 2, theo đó người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu theo thời hiệu đối với tài sản được giao.

14. Điều 202 và Điều 203 được lược bỏ nội dung trước đây rút ra từ Luật doanh nghiệp nhà nước mà chỉ viện dẫn quy định pháp luật về vấn đề này để tránh chồng chéo, trùng lặp.

15. Sửa đổi Điều 223 và Điều 224, bổ sung bốn điều 223a, 223b, 224a, 224b về hình thức sở hữu hỗn hợp và hình thức sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cho phù hợp với thực tế đa dạng của các hình thức sở hữu hiện nay.

16. Điều 252 làm rõ ý quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thành đoạn 2 để làm rõ quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được tự mình bảo vệ tài sản của mình bằng các biện pháp thích hợp không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

17. Tại Điều 260 về thời hạn xác định ranh giới chung được nâng từ 20 năm lên 25 năm cho phù hợp với thời gian chiếm hữu bất động sản quy định tại Điều 25 đã được nâng lên tương ứng.

18. Điều 261 được bổ sung quy định: nếu không có sự đồng ý của các chủ sở hữu khác, thì chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất sử dụng của mình.

19. Điều 299 được bổ sung khoản 1 và khoản 3 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần làm cơ sở cho việc cụ thể hóa ở các điều về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe (Điều 602), xâm phạm tính mạng (Điều 603), xâm phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 604).

20. Điều 498 khoản 3 được bổ sung thêm cụm từ “miễn tiền thuê khoán” cho phù hợp với thực tế vì trong trường hợp hoa lợi bị mất trắng thì việc quy định cho người thuê khoán được quyền yêu cầu “miễn tiền thuê khoán” là hợp lý.

21. Điều 509 được bổ sung khoản 3 “đòi bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra” cho phù hợp với quy định về quyền đòi bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu.

22. Điều 521 khoản 2 được sửa lại là “mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển đối với hành khách theo quy định của pháp luật” cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc.

23. Điều 531 khoản 4 được sửa lại là “mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người bảo hiểm đối với tài sản theo quy định của pháp luật” để cụ thể hóa trách nhiệm của bên vận chuyển.

24. Điều 562 được sửa, bổ sung quy định “đối tượng bảo hiểm bao gồm: con người, tài sản, trách nhiệm dân sự và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật” cho phù hợp với quy định của pháp luật bảo hiểm.

25. Điều 615 được sửa đổi: trường học, bệnh viện và các tổ chức khác bồi thường thiệt hại và có quyền yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi phải đóng góp một phần tiền bồi thường thiệt hại.

26. Khoản 3 Điều 634 được sửa đổi theo hướng không phân biệt thời hạn từ chối nhận di sản riêng cho người thừa kế ở trong nước là ba tháng, người thừa kế ở nước ngoài là 6 tháng mà quy định một thời hạn chung là 6 tháng, kể từ thời điểm mở thừa kế cho thống nhất, dễ áp dụng trong thực tế (Dự thảo XIV quy định thời điểm bắt đầu thời hạn từ chối tính từ ngày biết việc mở thừa kế, như vậy rất khó xác định).

27. Điều 643 về hình thức di chúc miệng được sửa đổi: người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ cho chặt chẽ, hạn chế tranh chấp dễ phát sinh khi yêu cầu chia di sản.

28. Điều 760 về thừa kế quyền tài sản của đồng tác giả được sửa đổi: khi một trong những đồng tác giả chết mà không có người thừa kế thì các tài sản của đồng tác giả đó thuộc về Nhà nước. Quy định như vậy mới thống nhất với quy định tại Điều 636 (di sản không có người nhận thừa kế thì thuộc về Nhà nước).

29. Điều 786 xin được lược bỏ mà đưa thành một ý vào Điều 775 là: “Quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp cũng được xác lập theo quy định của pháp luật”.

30. Lược bỏ Điều 812 vì liên quan đến tố tụng hành chính.

31. Lược bỏ một số điều ở Phần quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài xin được báo cáo ở Phần sau.

Ngoài ra, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và của một số địa phương, các ngành, các cấp một số điều khác của Dự thảo XIV cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

III- VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ BÁO CÁO XIN Ý KIẾN QUỐC HỘI

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Qua việc tổng hợp, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Bộ luật dân sự trên cơ sở ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, các vị đại biểu Quốc hội, cho thấy cũng còn một số vấn đề xin Quốc hội được tiếp tục thảo luận cho ý kiến. Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo về những vấn đề đó.

1. Về việc đưa các quy định về hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự

Đây là một vấn đề lớn liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự. Có nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề này. Tựu trung, cho đến nay vẫn còn ba loại ý kiến chủ yếu:

- Loại ý kiến thứ nhất đề nghị đưa toàn bộ các quy định về hôn nhân và gia đình thành một phần của Bộ luật, vì cho rằng, các quan hệ này cũng là một loại quan hệ dân sự rất cơ bản.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị nếu đưa các quan hệ hôn nhân và gia đình vào Bộ luật thì đưa toàn bộ, còn nếu chưa đủ điều kiện để đưa vào thì nên quy định trong một đạo luật riêng để tránh tình trạng trùng lặp.

- Loại ý kiến thứ ba đề nghị chỉ đưa một số quy định mang tính chất dân sự thật rõ nét và đã ổn định vào Bộ luật dân sự, còn các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực này vẫn nên để Luật hôn nhân và gia đình quy định với tính cách là một đạo luật riêng.

Có một thực tế phải tính đến là Luật hôn nhân và gia đình hiện hành được ban hành năm 1986, qua thực tiễn triển khai thi hành đã bộc lộ một số chế định cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Từ đầu năm đến nay, công việc tổng kết tám năm thi hành luật 1986 đã được tiến hành và việc soạn thảo, xây dựng một Dự án Luật hôn nhân và gia đình mới sửa đổi, thay thế Luật 1986 đang được khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, đưa ra nhân dân lấy ý kiến và quyết định việc thông qua trong năm 1996. Trong tình hình đó, việc tiếp tục để Luật hôn nhân và gia đình tồn tại như là một Luật riêng là chính đáng. Sau một số năm thi hành Luật mới, khi cần thiết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc có nên đưa Luật hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự như là một phần riêng không. Để có điều kiện tổng kết, đánh giá một cách cơ bản, toàn diện việc thực hiện Luật hôn nhân và gia đình, trước mắt chưa thể và cũng chưa nên đưa toàn bộ các quy định về hôn nhân và gia đình vào Bộ luật dân sự.

Theo tinh thần đó, trên cơ sở cân nhắc thận trọng, bản Dự thảo XIV đã được bổ sung một số quy định tại các điều 50, 51, 52, 53, 54, 55. Qua kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo XIV cho thấy, đa số ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành trước mắt chỉ đưa vào Bộ luật dân sự một số quy định về hôn nhân, gia đình mang tính chất dân sự thật rõ nét và ổn định như Dự thảo XIV thể hiện, gồm: quyền kết hôn (Điều 50), quyền bình đẳng của vợ chồng (Điều 51), quyền xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc (Điều 52), quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (Điều 53), quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi và đề nghị bổ sung một điều về quyền truy nhận cha mẹ cho con và truy nhận con cho cha mẹ và một số quyền khác. Bản dự án chỉnh lý đã bổ sung quy định về quyền truy nhận cha, mẹ, con tại Điều 54a; nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị cân nhắc: nếu như trước mắt Luật hôn nhân và gia đình vẫn được duy trì là một luật riêng thì có nhất thiết bổ sung tất cả các quy định về quan hệ hôn nhân, gia đình vào Bộ luật dân sự không?

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

2. Về quan hệ nhân thân

Quan hệ nhân thân là một trong hai đối tượng điều chỉnh chủ yếu của Bộ luật dân sự được nhân dân, các ngành, các cấp đóng góp nhiều ý kiến. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu rất công phu vấn đề này với nhiều đề nghị rất xác đáng.

Dự thảo XIV đã bổ sung nhiều quy định về quyền nhân thân. Nhưng vấn đề đặt ra là nên quy định về các quyền nhân thân như thế nào thì ý kiến còn khác nhau, cụ thể là: có nên đưa tất cả những quyền liên quan đến con người, từ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đến quyền nhập, thôi quốc tịch, quyền học hành, quyền lao động, quyền được chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi... hoặc chỉ nên đưa những quyền nhân thân mang tính dân sự thật rõ nét, nhưng đó là những quyền nào thì cần được tiếp tục làm sáng tỏ. Điều quan trọng là bảo đảm tính khả thi của những quyết định đó mà không chỉ là quy định mang tính tuyên ngôn.

Trong tinh thần đó, Dự thảo Bộ luật dân sự đã được thay tên Mục 3 của Dự thảo XII “Họ tên và hình ảnh” với ba điều thành mục mới: Quyền nhân thân với 19 điều, một số quyền nhân thân mang rõ tính chất dân sự và một số nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện các quyền đó đã được bổ sung.

Sau khi xem xét Dự thảo XIV, đa số các vị đại biểu Quốc hội tỏ ý đồng tình, hoan nghênh các quy định bổ sung về quyền nhân thân của Dự thảo mới nhưng cũng đề nghị cân nhắc, đưa những quyền nào cho phù hợp với thực tế nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi của các quy định đó. Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành mức độ các quyền nhân thân đưa vào Bộ luật dân sự: quyền được bảo đảm an toàn về thân thể (Điều 47), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 48), quyền đối với bí mật đời tư (Điều 49), quyền đối với quốc tịch (Điều 56), quyền được bảo đảm an toàn về chỗ ở (Điều 57), quyền tự do đi lại, cư trú (Điều 58), quyền tự do kinh doanh (Điều 59), quyền tự do sáng tạo (Điều 60) và một số quyền trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quyền được sống, được học tập, quyền bảo vệ mồ mả. Cũng có ý kiến đề nghị Bộ luật dân sự không nên đưa quyền về quốc tịch, quyền tự do đi lại, cư trú.

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

3. Về chuyển quyền sử dụng đất

Luật đất đai năm 1993 tuy đã quy định năm quyền của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng lại chưa quy định cụ thể điều kiện, hình thức, thủ tục, nhất là quyền, nghĩa vụ của các bên khi thực hiện các quyền này làm cho người sử dụng đất là hộ gia đình và cá nhân thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết những vụ việc có liên quan cũng gặp nhiều lúng túng. Hơn nữa, xét theo tính chất, năm quyền của người sử dụng đất được Luật đất đai 1993 quy định chính là một loại giao dịch dân sự. Vì vậy, Dự thảo XII Bộ luật dân sự đã dành chương III của Phần III quy định rõ về các điều kiện chuyển và nhận quyền sử dụng đất, hình thức, thủ tục, trình tự chuyển quyền sử dụng đất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người chuyển quyền và người được chuyển quyền sử dụng đất.

Những quy định về quyền sử dụng đất trong Dự thảo Bộ luật dân sự quán triệt và nhằm bảo đảm thực hiện các nguyên tắc:

- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý; Nhà nước giao đất cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất ổn định, lâu dài.

- Bảo đảm các quyền của người sử dụng đất hợp pháp được thực hiện thông suốt, không bị ách tắc trong giao lưu dân sự, nhưng đồng thời, phải tránh tình trạng lạm dụng các quyền này để mua bán trái phép, tùy tiện.

- Bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, thời hạn được giao;

- Bảo đảm để người làm nghề nông đều có đất để sản xuất;

- Hạn chế tối đa việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa dùng vào mục đích khác;

- Bảo đảm mức hạn điền mà pháp luật về đất đai quy định;

- Bảo đảm sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước thông qua các chế định cho phép, đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất cũng như thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Qua ý kiến thảo luận của nhân dân và của các Đoàn đại biểu Quốc hội thấy nổi lên một số ý kiến sau đây:

Một loại ý kiến đề nghị Bộ luật dân sự cần quy định cụ thể về nội dung, điều kiện, hình thức và thủ tục chuyển quyền sử dụng đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê, quyền và nghĩa vụ của người được nhận quyền sử dụng đất do tổ chức, cá nhân khác chuyển giao. Việc quy định như vậy vừa phúc đáp được yêu cầu thực tế hiện nay, vừa khắc phục tình trạng chưa đầy đủ, thiếu cụ thể của pháp luật về đất đai, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, đồng thời có cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các quan hệ đất đai. Nhưng có loại ý kiến lại cho rằng, tuy đồng ý Bộ luật dân sự cần có quy định về chuyển quyền sử dụng đất, nhưng chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục, hình thức chuyển quyền, còn nội dung, điều kiện chuyển quyền, thì để pháp luật về đất đai quy định để có thể sửa đổi kịp thời, bổ sung khi cần thiết. Một loại ý kiến khác lại đề nghị không nên đưa vấn đề chuyển quyền sử dụng đất vào Bộ luật dân sự, vì cho rằng, việc thực hiện năm quyền còn quá mới mẻ, chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, trong khi nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra chưa được tổng kết để có phương án giải quyết và do đó còn có thể thay đổi.

Qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, nhiều vị đại biểu Quốc hội tán thành với Dự thảo XIV đã cụ thể hóa những quy định về chuyển quyền sử dụng đất trên cơ sở Luật đất đai năm 1993; tán thành các quy định về điều kiện, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, đồng thời nhiều ý kiến đề nghị sắp xếp, chuyển đổi vị trí những quy định về quyền sử dụng đất vào thành một Phần riêng (phần thứ năm) đặt sau phần “Thừa kế”, vì các quan hệ này có nhiều điểm đặc thù, bảo đảm cho bố cục của Bộ luật được chặt chẽ hơn.

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về mức độ cụ thể hóa năm quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự.

4. Về hộ gia đình

Từ Dự thảo lần thứ X, ngoài hai chủ thể truyền thống của pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, hai chủ thể đặc thù là hộ gia đình và tổ hợp tác đã được bổ sung vào Dự thảo Bộ luật dân sự.

Về hộ gia đình, nhiều ý kiến nêu băn khoăn rất xác đáng là liệu quy định như Dự thảo XII có gây mất ổn định trong xã hội về mặt dân sự, làm hạn chế quyền của cha mẹ đối với các thành viên khác trong gia đình, không góp phần củng cố mà lại dễ gây xáo trộn trật tự gia đình truyền thống của xã hội, nhất là trong quan hệ tài sản.

Tính đến băn khoăn chính đáng này, Dự thảo XIV đã có những điều chỉnh, lược bỏ những quy định có thể gây hiểu lầm về quyền bình đẳng có tính máy móc trong quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình.

Quy định hộ gia đình là chủ thể hạn chế trong một số quan hệ dân sự là ghi nhận sự tồn tại khách quan của kinh tế hộ gia đình, một loại hình tổ chức kinh tế vừa và nhỏ, phù hợp với tập quán, vai trò của gia đình trong đời sống cộng đồng của xã hội ta, nhất là ở nông thôn. Trong những văn bản pháp luật được ban hành trong những năm đổi mới, thiết chế hộ gia đình cũng đã được ghi nhận như là một loại chủ thể quan trọng không thể thiếu của quan hệ pháp luật. Luật đất đai năm 1993 tại 19 Điều có đến 25 lần đề cập đến hộ gia đình với tư cách là chủ thể của quan hệ sử dụng đất, phản ánh đặc thù của quan hệ đất đai của xã hội ta hiện nay gắn liền với quyền sử dụng đất đai của hộ gia đình với tính cách là một trong những chủ thể chủ yếu của quan hệ sử dụng đất.

Qua nghiên cứu thực tiễn hiện nay cũng như hướng phát triển của kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn tới, có thể thấy, bằng quy định của Bộ luật dân sự cần thể chế hóa vai trò của hộ gia đình trong đời sống kinh tế xã hội, là đơn vị “kinh tế tự chủ” theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V, coi đó là nhân tố tồn tại lâu dài để phát triển, đổi mới kinh tế ở nông thôn, mà không coi trọng con đường phát triển theo hướng thành lập công ty, doanh nghiệp tư nhân là con đường duy nhất, tất yếu của kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.

Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ nên giới hạn hộ gia đình trong các quan hệ liên quan đến quyền sử dụng đất và một số lĩnh vực sinh hoạt như việc sử dụng điện, nước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu như vậy thì quá hẹp, không phù hợp với vị trí và vai trò của hộ gia đình trong đời sống thực tế, chưa tạo điều kiện để phát triển kinh tế hộ như Nghị quyết Trung ương V đã chỉ rõ. Hơn nữa, nếu nhấn mạnh lĩnh vực sinh hoạt điện nước, thì có nhất thiết quy định hộ gia đình là chủ thể, dù là hạn chế của giao lưu dân sự không.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo, qua trao đổi, nghiên cứu cho thấy vấn đề tư cách chủ thể hạn chế của hộ gia đình ngày càng được hình dung rõ hơn và ý kiến đồng tình cũng nhiều hơn. Từ quan hệ sử dụng đất, hộ gia đình còn tham gia các quan hệ dân sự khác như mua bán, thuê mướn công cụ, mua bán vật tư sản xuất để khai thác đất đai, mua bán, tiêu thụ sản phẩm mà không chỉ bó hẹp trong việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất.

Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với quy định hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ dân sự như Dự thảo XIV và đề nghị ghi rõ thêm: “Hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ sử dụng đất, trong hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”. Vấn đề này đã được tiếp thu, chỉnh lý trong bản Dự kiến chỉnh lý Dự thảo XIV (Điều 114).

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

5. Về tổ hợp tác

Về vấn đề này, ý kiến hiện còn khác nhau:

Một loại ý kiến đề nghị không nên quy định tổ hợp tác là chủ thể trong các quan hệ dân sự vì cho rằng, đây là loại tổ chức đơn giản, không ổn định, thiếu bền vững. Loại ý kiến khác đề nghị nên quy định tổ hợp tác là chủ thể trong một số quan hệ dân sự vì cho rằng, kinh tế tổ hợp tác tuy là một loại hình tổ chức đơn giản nhưng là một yêu cầu tất yếu, nảy sinh từ nhu cầu tự nhiên và lợi ích thiết thân của người lao động trong quá trình phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát huy sức mạnh cộng đồng, tình hữu ái, tương trợ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề của sản xuất và đời sống. Nếu hình thức hợp tác xã được tổ chức ở mức độ chặt chẽ, có bộ máy điều hành quy củ, có điều lệ đăng ký theo quy định của pháp luật, hoạt động theo quy chế pháp nhân, thì tổ hợp tác là loại hình tổ chức đơn giản hơn nhiều; nên chưa thể là pháp nhân, nhưng cũng không còn là những cá nhân hoạt động riêng rẽ, tách biệt mà có sự liên kết nhất định về mặt tài sản, tổ chức lao động, điều hành, cũng liên đới chịu trách nhiệm về tài sản và ăn chia khi có hoa lợi.

Cân nhắc hai loại ý kiến này, chúng tôi xin đề nghị nên công nhận tổ hợp tác là chủ thể hạn chế trong quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời để làm rõ hơn tư cách chủ thể của tổ hợp tác, theo ý kiến đóng góp của nhân dân, so với Dự thảo XII, Dự thảo XIV đã bổ sung một số quy định.

Tuy nhiên, quy định bổ sung về tổ hợp tác của Dự thảo XIV vẫn có thể gây nên sự hiểu lầm, lẫn lộn giữa tổ hợp tác và hợp tác xã vì dấu hiệu khác biệt chủ yếu chỉ là quy mô, và nhất là đều phải đăng ký tại cơ quan chính quyền. Từ đó, có đề nghị cần quy định dấu hiệu thể hiện tính mềm dẻo, đơn giản về mặt tổ chức của tổ hợp tác cho phù hợp với tính chất và trình độ tổ chức của nó. Tiếp thu ý kiến này, bản Dự kiến chỉnh lý đã bổ sung một số quy định: tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác của những cá nhân, hộ gia đình cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện một loại công việc nhất định hoặc tiến hành sản xuất, kinh doanh theo vụ việc hoặc theo thời vụ, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (Điều 119). Tư cách chủ thể hạn chế của tổ hợp tác phát sinh từ thời điểm “hợp đồng hợp tác được giao kết bằng văn bản và có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn”.

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

6. Về giám hộ

Giám hộ là một chế định truyền thống của luật dân sự, có nội dung xã hội sâu sắc thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với những người bị hạn chế năng lực hành vi, không có năng lực hành vi, đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình, Nhà nước, xã hội đối với những người cần được chăm sóc, bảo vệ quyền lợi, và giúp đỡ về mặt pháp lý.

Để bảo đảm cho người cần giám hộ có được sự giám hộ trong mọi trường hợp. Bản Dự kiến chỉnh lý đã quy định có hình thức giám hộ là giám hộ đương nhiên do người thân, ruột thịt của người cần được giám hộ đảm nhận, loại giám hộ do những người được cử đảm nhận và một loại giám hộ do cơ quan nhà nước là tổ chức lao động, thương binh, xã hội đảm nhận.

Đa số các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp đều thể hiện sự nhất trí với các quy định này, nhưng có đề nghị làm rõ hơn mức độ trách nhiệm của người giám hộ, có như vậy mới khuyến khích được việc giám hộ tự nguyện và bảo đảm được tính khả thi trong thực tế của những quy định này. Ngoài ra, nhiều vị đại biểu Quốc hội còn đề nghị là không nên quy định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người được giám hộ gây ra vì sẽ tạo ra tâm lý ngại ngần (nhất là đối với những người giám hộ được cử) khi phải nhận trách nhiệm giám hộ.

Đây là những đề nghị phù hợp với thực tiễn hiện nay ở nước ta. Trong tinh thần đó Dự kiến chỉnh lý đã bổ sung quy định nghĩa vụ của người giám hộ là “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”, còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người giám hộ do người được giám hộ gây ra được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 600: “khi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi gây thiệt hại, nếu có cá nhân, tổ chức giám hộ, thì cá nhân, tổ chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường, nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường, thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; trong trường hợp người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi, thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Ngoài ra, Dự kiến chỉnh lý bổ sung quy định cùng với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi cũng phải có người giám hộ (khoản 4 Điều 24).

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

7. Về hình thức sở hữu

Về quyền sở hữu, nhân dân có nhiều ý kiến đóng góp đối với cả 10 chương, 61 điều của Dự thảo XII. Về cơ cấu của Phần này cũng có đề nghị sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ hơn.

Qua ý kiến đóng góp thấy có điều đáng chú ý là: Dự thảo XII cũng như quan niệm truyền thống về sở hữu đều lấy quyền của chủ sở hữu làm trung tâm của chế định sở hữu. Từ đó, các điều luật chỉ khái quát và tập trung quy định địa vị pháp lý và các quyền của chủ sở hữu. Quyền sở hữu được quy định trong Dự thảo XII như vậy là có phần hẹp, chưa tính đến các quyền tài sản khác, chưa bao quát được khả năng xảy ra trong đời sống thực tế và chắc chắn sẽ làm giảm hiệu lực điều chỉnh thực tế của Bộ luật dân sự. Dự thảo XII chỉ giành bốn điều quy định về nội dung quyền sở hữu có tính chất học thuật hơn là nội dung khái niệm kinh tế - xã hội của các quyền, thiếu hẳn tính cụ thể.

Tiếp thu ý kiến đóng góp, Dự thảo XIV được bổ sung, sửa đổi về kết cấu của Phần thứ hai, có sự thay đổi vị trí các chương mục cho phù hợp. Về nội dung vẫn giữ nguyên tắc quyền của chủ sở hữu chiếm vị trí trung tâm, là điểm xuất phát để quy định các quy chế pháp lý tương ứng, nhưng có bổ sung thêm những quy định từ giác độ tài sản (các quyền đối với tài sản) và từ giác độ của người không phải là chủ sở hữu.

Về nội dung cụ thể, Dự thảo XIV được bổ sung nhiều vấn đề mới được đa số ý kiến đồng tình.

Riêng về hình thức sở hữu nhiều ý kiến lưu ý đến tính đa dạng và phong phú của hình thức sở hữu chung và đề nghị bổ sung quy định về loại hình sở hữu cộng đồng, hỗn hợp. Xét về bản chất pháp lý, các loại hình sở hữu này có những dấu hiệu như sở hữu chung, song cũng có những nét đặc thù đã được ghi nhận trong các quy chế pháp lý riêng đối với loại hình này là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Các điều mới được bổ sung trong Dự thảo XIV là: Điều 218 (xác lập quyền sở hữu chung); Điều 221 (Sở hữu chung của vợ chồng); Điều 222 (Sở hữu chung của cộng đồng); Điều 223 (Sở hữu chung của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp); Điều 224 (Sở hữu hỗn hợp).

Khi cho ý kiến về Dự thảo XIV nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị nên tách sở hữu hỗn hợp thành một hình thức sở hữu độc lập, ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc thêm về hình thức sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Có như vậy mới phù hợp với thực tế và chủ trương đa dạng các hình thức sở hữu ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Bản Dự kiến chỉnh lý Dự thảo XIV có quy định về sở hữu hỗn hợp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là những hình thức sở hữu riêng (các Điều 223, 223a, 223b, 224, 224a, 224b).

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

8. Về quyền ưu tiên mua nhà đang thuê và quyền ưu tiên thuê tiếp

Đây là quy định mang tính đặc thù của quan hệ dân sự ở nước ta, phù hợp với tình hình nhà ở của một đất nước sau nhiều năm chiến tranh, khó khăn về nhà ở trong nhiều năm tới cũng chỉ có thể giải quyết dần từng bước và là một vấn đề có nội dung xã hội sâu sắc mà không đơn thuần chỉ là kinh tế, pháp lý. Cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định quyền này vì như vậy là hạn chế quyền định đoạt, một trong ba quyền và là quyền cơ bản, quan trọng nhất của chủ sở hữu đối với tài sản, trái với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong giao lưu dân sự.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với quy định như Dự thảo XII và Dự thảo XIV về quyền được ưu tiên mua nhà của người đang thuê, nếu chủ sở hữu bán hoặc người đang thuê có quyền được thuê tiếp, nếu chủ sở hữu tiếp tục cho thuê, vì đây là quy định phù hợp với tình hình nhà ở nước ta và để tạo điều kiện, bảo vệ cho mọi người dân có chỗ ở chính đáng theo chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người cho thuê, tránh để người thuê nhà lợi dụng quyền ưu tiên này để gây phiền hà cho chủ sở hữu. Cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định người thuê đã thuê nhà ở từ năm năm trở lên mới được quyền ưu tiên mua như Dự thảo XIV, đồng thời đề nghị bổ sung điều kiện: người thuê chỉ được quyền ưu tiên, nếu không có chỗ ở nào khác, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà do pháp luật quy định và do hai bên thỏa thuận.

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

9. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Dự thảo XIV vẫn giữ quy định của Dự thảo XII là trong trường hợp viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng đã không thực hiện đúng hoặc vượt quá quyền hạn được giao mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, thì phải trực tiếp bồi thường thiệt thại (Điều 612, Điều 613); nếu gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, thì cơ quan nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại và sau đó yêu cầu viên chức bồi hoàn, nếu người đó có lỗi.

Về vấn đề này, ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, của nhân dân, các ngành, các cấp đều đề nghị: để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục những tổn thất, mất mát cần có quy định cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải trực tiếp bồi thường thiệt hại do viên chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Tiếp thu ý kiến này, Dự kiến chỉnh lý Dự thảo quy định: “Cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại do viên chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ” (Điều 612) và “Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thi hành nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” (Điều 613).

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

10. Về vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần

Đây là vấn đề thực tế có tính bức xúc, đang được đặt ra hiện nay, nhưng cũng là một vấn đề còn rất mới, ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Dự thảo XII Bộ luật dân sự chỉ mới quy định về bồi thường thiệt hại về vật chất và một khoản tiền “đau thương” khi tính mạng bị xâm phạm; còn những thiệt hại về tinh thần khi bị xâm phạm nhân phẩm, uy tín, danh dự, thì chưa được quy định do quan niệm cho rằng: danh dự, nhân phẩm, uy tín và các vấn đề tinh thần khác là vô giá, không đo được bằng tiền.

Sau khi Dự thảo XII được công bố, có nhiều ý kiến tham gia đóng góp về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, ngoài những quy định bồi thường thiệt hại về vật chất, Bộ luật dân sự cần có quy định biện pháp bồi thường bằng tiền đối với những thiệt hại của công dân về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín nhằm bù đắp đối với cả những tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu.

Trên cơ sở đề nghị này, Dự kiến chỉnh lý Dự thảo XIV đã quy định tại các Điều 299, 602, 603 và 604 về bồi thường thiệt hại về tinh thần; còn những vấn đề cụ thể sẽ do các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để áp dụng từng bước.

Xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

11. Về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Qua tổng hợp ý kiến cho thấy: đa số ý kiến tán thành Bộ luật dân sự cần có một phần riêng quy định về các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Vì vấn đề này có ý kiến đề nghị: các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế cần được quy định trong một văn bản riêng (Luật tư pháp quốc tế).

Vì đây là một vấn đề phức tạp liên quan đến pháp luật nhiều nước, trong quá trình soạn thảo, Ban Dự thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan đã tổ chức các hội thảo cần thiết, tranh thủ ở mức tối đa có thể được kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết chuyên môn của nhiều chuyên gia tư pháp quốc tế của nước ta. Kế thừa và tiếp tục phương thức xây dựng bố cục các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Hội đồng Nhà nước trước đây và Ủy ban thường vụ Quốc hội hiện nay ban hành thường dành một chương riêng ở cuối văn bản quy định các quan hệ có yếu tố nước ngoài đối với quan hệ xã hội được luật, pháp lệnh đó điều chỉnh, các Dự thảo Bộ luật dân sự trước sau đều giành một phần quy định các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Trong điều kiện giao lưu quốc tế đang ngày càng mở rộng, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng phát triển, nếu chờ đợi ban hành Luật tư pháp quốc tế thì chắc chắn sẽ rất khó khăn, cản trở cho việc phát triển, đẩy mạnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, chúng ta lại chưa có kinh nghiệm trong thực tế, do đó việc quy định phải thận trọng, trước mắt chỉ quy định các vấn đề đã rõ nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc trong thực tế.

Cũng chính trong tinh thần đó, đa số ý kiến tán thành Bộ luật dân sự cần có một phần riêng quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đồng ý với các quy định của Dự thảo XIV, đồng thời, cũng đề nghị cân nhắc, chỉ quy định những vấn đề đã rõ, nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc trong thực tế phát triển kinh tế, giao lưu quốc tế hiện nay.

Sau khi cân nhắc, Bản dự kiến chỉnh lý Phần này của Dự thảo XIV có các điều chỉnh như sau:

- Không phân thành hai chương như Dự thảo XIV vì thực chất các quy định ở Chương II (Những quy định riêng) cũng chỉ quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết các quan hệ có yếu tố nước ngoài;

- Bỏ Điều 827 về áp dụng Bộ luật dân sự đối với quan hệ giữa công dân Việt Nam đối với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài vì đây là vấn đề phức tạp, trước mắt cần áp dụng các quy định hiện hành trong từng quy định cụ thể;

- Bỏ Điều 829, Điều 832 về trường hợp hạn chế năng lực hành vi, tuyên bố mất năng lực hành vi của công dân nước ngoài, vì đây chỉ là trường hợp cá biệt, quy định trong Bộ luật dân sự có thể gây sự hiểu lầm căng thẳng không cần thiết.

Xin đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về mức độ quy định của Phần này.

Kính thưa Quốc hội,

Trên đây là kết quả tiếp thu ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý và những vấn đề cần được tiếp tục trao đổi, thảo luận về Dự thảo Bộ luật dân sự, Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội