THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI VÙNG DÂN TỘC
THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRONG NHIỆM VỤ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1995-1996
(Do ông Y Ngông Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 8,
Quốc hội khóa IX, ngày 12-10-1995)
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong các ngày 23 và 24-9-1995, Hội đồng dân tộc đã họp phiên toàn thể để thảo luận và đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1995 và những định hướng cho năm 1996 đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thay mặt Hội đồng dân tộc, tôi xin đọc bản thuyết trình đã được toàn thể Hội đồng thảo luận nhất trí thông qua như sau:
Hội đồng dân tộc tán thành với báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp này và có đánh giá như sau: Việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các Quyết định của Chính phủ, đã có nhiều chuyển biến trong đầu tư, trong chỉ đạo thực hiện đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo nên bước phát triển quan trọng, rút ra được kinh nghiệm quý báu trong chỉ đạo điều hành. Tuy chưa đều, nhưng kinh tế miền núi đã có bước tăng trưởng, các mặt sản xuất tiến bộ tạo tiền đề cho phát triển.
Cơ cấu kinh tế ở một số vùng dân tộc và miền núi đã có sự chuyển dịch đúng hướng, một số ngành kinh tế quan trọng ở địa bàn miền núi đã có chuyển biến bước đầu: tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, nghiệp. Sản xuất lương thực đã được giải quyết theo quan điểm sản xuất hàng hóa, tập trung thâm canh vào những vùng có điều kiện, đưa lương thực sản xuất tại chỗ tăng lên, kết hợp với cơ chế tự do lưu thông nên vấn đề lương thực đang được ổn định, đồng bào yên tâm chuyển sang kinh doanh những cây con có giá trị kinh tế cao đã hình thành một số vùng cây công nghiệp (chè, mía, cà phê, điều, cao su) và cây ăn quả đặc sản. Về lâm nghiệp, việc thực hiện chương trình 327 đã mang lại hiệu quả rõ rệt ở các vùng có dự án, rừng được bảo vệ và trồng mới, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, bước đầu xây dựng được một số cơ sở hạ tầng. Ở các tỉnh vùng cao phía Bắc và khu 4 cũ, phát triển nông, lâm nghiệp, định canh, định cư, kết hợp với vận động đồng bào bỏ trồng cây thuốc phiện đã thu được kết quả đáng khích lệ. Y tế, văn hóa, giáo dục, thông tin tiếp tục được củng cố và phát triển. Công tác an ninh, quốc phòng không ngừng được củng cố và giữ vững.
Những kết quả chuyển biến trên đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào, nhân dân các dân tộc thiểu số tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ chung của năm 1995 thì cũng còn nhiều vùng ở vùng cao phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, vùng đồng bào Khơmer, vùng sâu, vùng xa do cơ sở hạ tầng quá thấp kém, đòi hỏi vốn đầu tư lại lớn. Đội ngũ cán bộ cơ sở vừa yếu lại vừa thiếu, nhất là cán bộ con em các dân tộc thiểu số tại địa phương đang có xu hướng ngày càng ít đi, cùng với đời sống và trình độ dân trí thấp đang là những khó khăn bức xúc, cản trở không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta hiện nay.
Sau đây, Hội đồng dân tộc xin thuyết trình thêm một số vấn đề về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1995-1996:
1. Về đầu tư cho miền núi và vùng dân tộc thiểu số: trong ba năm qua tuy đã lớn, năm sau cao hơn năm trước 1,3 đến 2,3 lần nhưng kết quả mang lại chưa tưng xứng với tiềm năng của miền núi; ngân sách của các tỉnh miền núi phải xin Trung ương còn chiếm tỷ lệ cao; đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu, đầu tư định canh, định cư có 10-20% số hộ trong diện định canh, định cư; vốn viện trợ ODA mới dành cho miền núi khoảng 4% của cả nước, đầu tư qua các dự án liên doanh với nước ngoài chiếm có 3% so cả nước, đã thế vốn còn dàn trải, phân tán nhiều đầu mối, có chỗ sử dụng chưa đúng mục đích, còn bị thất thoát. Kinh phí cấp có nơi chưa kịp thời, lỡ thời vụ, thủ tục phiền hà.
Hội đồng dân tộc đề nghị với Quốc hội và Chính phủ nên xem xét, có sự ưu tiên đầu tư mở rộng và củng cố các đường giao thông từ tỉnh lỵ đến huyện và từ huyện đến trung tâm xã vì không thể nói sản xuất hàng hóa nếu không giải quyết giao thông miền núi. Tăng vốn đầu tư cho thủy lợi nhỏ để giải quyết nước sản xuất và sinh hoạt. Cố gắng đưa điện tới thôn bản ở nơi có điều kiện để thật sự nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển miền núi nhanh hơn. Vốn vay nên tập trung cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lãi xuất thấp, dài hạn và trung hạn.
2. Trong chương trình công nghiệp hóa đất nước thì ưu tiên phát triển công nghiệp miền núi lấy trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến (cao su, cà phê, mía đường, gỗ - lâm sản), khai khoáng, xi măng..., nhằm khai thác tận lực mọi tiềm năng, thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ 1991-1995.
3. Về thực hiện chương trình 327: Sang năm 1996 vẫn là một chương trình có đầu tư lớn của Nhà nước ta (bằng năm 1995 là 400 tỷ đồng), góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của miền núi.
Để việc tổ chức chỉ đạo thực hiện đi vào nền nếp, đề nghị Chính phủ cần kiện toàn, củng cố lại Ban chỉ đạo chương trình 327 ở các cấp, tạo điều kiện cho địa phương có thể quản lý thống nhất các chương trình dự án trên phạm vi lãnh thổ, tổ chức được kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ. Việc cấp kinh phí và thanh, quyết toán cần làm kịp thời. Việc xây dựng dự án và thực hiện dự án cần được bàn bạc với dân, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các địa phương biết rõ nội dung và việc làm của các dự án để việc đầu tư đạt hiệu quả cao. Thực hiện đúng quyết định bổ sung số 556/TTg ngày 12-9-1995 của Thủ tướng Chính phủ về 327. Cần đặt định canh, định cư và hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn thành một chương trình vì nội dung, địa bàn như nhau, tránh được tình trạng trên một địa bàn, một đối tượng mà lại có dự án chồng chéo và nhiều đầu mối.
4. Về chính sách:
Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi và từng bước có chính sách đã đi vào cuộc sống. Song xét về toàn cục trước yêu cầu đổi mới hiện nay thì nhiều cái đã không còn phù hợp, thiếu hệ thống chính sách đồng bộ, nên chưa tạo thành động lực lớn đủ mạnh để phát triển nhanh kinh tế - xã hội miền núi. Vậy, Hội đồng dân tộc lưu ý Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu từng bước ban hành các chính sách, chế độ cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực.
Chính phủ cần có chỉ đạo các tỉnh Nam bộ giải quyết đất sản xuất cho đồng bào Khơmer, vì hiện nay ở một số vùng có 40% số hộ nông dân Khơmer thiếu đất sản xuất. Đồng thời, cần cho bà con vay vốn để có điều kiện sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Chính quyền các cấp cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật về thuế, để từ đó xem xét miễn giảm thuế nông nghiệp cho đồng bào miền núi ở những vùng mà sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chưa phát triển theo như luật định. Cần có chính sách trợ giá cho vùng miền núi có nguyên liệu quan trọng. Đối với những vùng này đề nghị có ưu tiên đầu tư, tập trung, dứt điểm, cuốn chiếu không dàn đều.
Về vấn đề tôn giáo: đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành có liên quan và các cấp vận động, hướng dẫn nhân dân cũng như các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật của Nhà nước ta, kiên quyết chống lợi dụng tôn giáo truyền bá mê tín dị đoan, xuyên tạc chính sách của Đảng, của Nhà nước, gây chia rẽ dân tộc.
Vấn đề di dịch cư: vẫn đang là một vấn đề lớn, phức tạp... Chính phủ cần chỉ đạo các tỉnh và Bộ chủ quản có quy hoạch để đưa dân đi trong kế hoạch, được sự đồng tình của cả nơi đi và nơi đến, hạn chế đến mức thấp nhất việc di dịch cư tự do gây mất trật tự xã hội, tranh chấp đất đai, phá rừng dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Về Quyết định 1960 về cấp phát bốn mặt hàng không thu tiền đối với đồng bào vùng cao trọng điểm và trợ giá 7 mặt hàng lên miền núi. Đề nghị giữ nguyên trợ giá vận chuyển 7 mặt hàng. Riêng bốn mặt hàng cho không nên nghiên cứu theo hướng đầu tư cho sản xuất, bảo đảm đoàn kết dân tộc, tránh bao cấp.
Đối với hệ thống trường dân tộc nội trú: đã được xây dựng cần được củng cố để phát triển tốt việc tạo nguồn cho cán bộ miền núi, với điều kiện đời sống hiện nay, đề nghị:
+ Chiêu sinh đúng đối tượng, tập trung vào vùng sâu, vùng cao.
+ Đối với học sinh: với mức ăn 70.000đ/tháng là thấp, đề nghị được nâng lên (khoảng 120.000đ/tháng).
+ Đối với giáo viên: nên vận dụng và có chính sách tăng thêm phụ cấp.
Đối với cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là đối với một số dân tộc có quá ít người đi làm cán bộ thì việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cần có chính sách đặc biệt. Cần có chính sách để thu hút, điều động được những cán bộ giỏi từ các tỉnh miền xuôi lên công tác ở miền núi. Chế độ phụ cấp khu vực và thực hiện chế độ vùng cao phải theo đúng danh mục đã ban hành. Nếu danh mục chưa hợp lý thì nên sửa cho phù hợp.
Nhà nước cần có chính sách để con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh nghèo có điều kiện được đi học tại các trường đại học, chuyên nghiệp trở thành cán bộ.
Đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội trợ cước một số mặt hàng, xóa đói giảm nghèo..., thực hiện đúng chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng, chỉ nên có hai hình thức là trợ cước đến trung tâm cụm xã và cho vay không lãi. Việc thành lập ngân hàng người nghèo và quỹ hỗ trợ phát triển miền núi là rất đáng hoan nghênh và cần sớm được triển khai thực hiện.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số vấn đề Hội đồng dân tộc thuyết trình trước Quốc hội, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội