THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT VÀI VẤN ĐỀ XÃ HỘI CẤP BÁCH
(Do ông Bùi Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
về các vấn đề xã hội của Quốc hội đọc
tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX, ngày 12-10-1995)
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Kính thưa Quốc hội,
Từ sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tháng 10 năm 1994), Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, khảo sát, nghiên cứu nhiều vấn đề xã hội cấp bách. Trong khuôn khổ của một báo cáo thuyết trình, Ủy ban chúng tôi chỉ xin được trình bày một vài vấn đề bức xúc, chi phối mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế và an toàn xã hội. Đó là:
- Một số vấn đề về lao động và chính sách xã hội;
- Một vài khía cạnh về dân số và phát triển;
- Đôi điều về việc khám, chữa bệnh cho nhân dân hiện nay.
Nếu xem xét một cách tổng quan thì trong vài ba năm nay việc điều hành, giải quyết các vấn đề xã hội đã có nhiều chuyển biến tính cực, đã làm được những việc lớn có ý nghĩa củng cố lòng tin trong nhân dân và tiếp tục góp phần làm ổn định xã hội.
I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LAO ĐỘNG
VÀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
1. Trước hết là việc triển khai thi hành Bộ luật lao động: Với hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, có hai loại việc đã và đang được tiến hành, một là hướng dẫn thi hành và hai là tổ chức thực hiện cụ thể ở các doanh nghiệp.
Về hướng dẫn thi hành, khi Bộ luật được thông qua, chúng ta đều biết còn gần 20 vấn đề mà Chính phủ phải quy định bằng các nghị định, một vấn đề do Ủy ban thường vụ Quốc hội phải quy định bằng pháp lệnh và khá nhiều vấn đề phải hướng dẫn bằng các thông tư. Đến nay, Chính phủ đã ban hành được 9 nghị định về các vấn đề: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, thỏa ước lao động tập thể, an toàn và vệ sinh lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, điều lệ bảo hiểm xã hội, chế độ kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội. Cùng với chín nghị định, Bộ và liên Bộ đã ban hành tám thông tư hướng dẫn thực hiện những vấn đề cụ thể. Để nắm được nội dung và thực hiện đúng đắn những điều khoản của Bộ luật, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tập huấn nghiệp vụ. Đến nay, đã có 49 trên 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở các lớp tập huấn, tỉnh
ít nhất là ba lớp, tỉnh nhiều nhất là 32 lớp. Đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có quan hệ lao động phát triển nhanh, mạnh, đã có 1.517 đơn vị thuộc Thành phố tổ chức học tập Bộ luật bằng 64% số doanh nghiệp và 4,4 vạn lao động đã được học tập bằng 72,2% số lao động của các doanh nghiệp đang hoạt động của Thành phố.
Về việc áp dụng các điều luật, trước hết là các điều khoản mới, sau một thời gian chuẩn bị từ tháng 3-1995 tới nay, mới dần dần đi vào cuộc sống. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Chính phủ, các địa phương và các cuộc giám sát của Quốc hội cho thấy, Bộ luật đang từng bước phát huy tác dụng; các doanh nghiệp nhà nước thực hiện Bộ luật lao động tốt hơn và nghiêm chỉnh hơn so với các doanh nghiệp tư nhân, các công ty trách nhiệm hữu hạn, các doanh nghiệp liên doanh và đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cả về hướng dẫn và tổ chức thực hiện đang có một loạt các vấn đề phải được giải quyết sớm để việc thực hiện Bộ luật được đồng bộ và thuận lợi hơn. Về hướng dẫn, chính những vấn đề chưa ban hành được nghị định, chưa hướng dẫn được cụ thể lại là những vấn đề rất cấp bách trong cuộc sống, đụng chạm đến hằng ngày như việc giảm, miễn thuế đối với các cơ sở sử dụng nhiều lao động nữ và các doanh nghiệp thu nhận nhiều người tàn tật; quy chế thanh tra lao động, thanh tra kỹ thuật an toàn; giải quyết tranh chấp lao động, xử lý các cuộc đình công... Chúng tôi xin đề nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ khẩn trương soạn thảo và trình để ban hành 9 nghị định còn lại và các thông tư hướng dẫn cụ thể để đồng bộ hóa các văn bản nhằm đưa Bộ luật vào thực tiễn nhanh hơn. Trong chương trình kỳ họp này có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân (về Tòa hành chính và Tòa lao động), chúng tôi đề nghị Quốc hội thảo luận kỹ và cho thông qua việc thành lập Tòa án lao động để làm công cụ cho việc xử lý các vụ án lao động và giải quyết các cuộc đình công (nếu phải ra tòa). Sau kỳ họp này, đề nghị Chính phủ tiếp tục trình Dự án Pháp lệnh giải quyết các vụ án lao động để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nhằm tháo gỡ những vấn đề đang ách tắc trong thực hiện.
Trong việc tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề, nhiều tình tiết phức tạp, nhưng chúng tôi lưu ý trước hết là, không ít các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, người sử dụng lao động không muốn cho người lao động hiểu biết pháp luật lao động vì sợ người lao động nắm được pháp luật sẽ đấu tranh mạnh với mình. Vì lẽ đó các cơ quan Chính phủ, các địa phương càng phải nhanh chóng trang bị hiểu biết nội dung Bộ luật đến từng người lao động. Thứ hai là, một số doanh nghiệp (gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) người sử dụng lao động có hiểu biết pháp luật lao động nhưng lại tránh né, làm sai hoặc trì trệ trong thực hiện; xử phạt, sa thải lao động sai trái, đối xử thô bạo, thiếu văn hóa đối với người lao động, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người lao động, định mức lao động thì cao, tiền lương lại trả thấp, làm thêm giờ quá quy định mà phụ cấp lại thấp, điều kiện lao động xấu. Nói chung là một số doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ các chế độ quy định. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các cuộc đình công ngày càng tăng. Vì vậy, một mặt phải ban hành ngay Pháp lệnh giải quyết các vụ án lao động, mặt khác, phải tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra hơn nữa nhằm bảo đảm cho việc thi hành pháp luật lao động đúng đắn, có hiệu lực. Ở 80% các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn lại cần sớm thành lập và kiện toàn các tổ chức công đoàn cơ sở để phát huy vai trò đại diện cho người lao động theo luật định.
2. Chính sách đối với người có công, theo kết quả giám sát thực hiện của Ủy ban chúng tôi và các thông tin thu nhận được về hai Pháp lệnh (người có công và Bà mẹ Việt Nam anh hùng) thì có thể nói chính sách này có tiếng vang và có tác động mạnh mẽ đến tinh thần, tình cảm nhân dân. Chính sách này đã phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân, do đó, đã nhanh chóng đi vào lòng người và trở thành sức mạnh và niềm tin. Khi được biết ngân sách năm 1995 vô cùng khó khăn, căng thẳng mà Nhà nước đã dành 900 tỷ đồng để thực thi Pháp lệnh thì các đối tượng của chính sách thực sự cảm kích và vô cùng xúc động. Cái được rất đáng trân trọng là phong trào chăm sóc người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được xã hội hóa rộng rãi. Nhiều tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể, tập thể, cá nhân đã có những đóng góp tích cực về tinh thần và vật chất. Biết ơn và có trách nhiệm với người có công đang trở thành một chuẩn mực xã hội, một lẽ sống tốt đẹp của nhân dân ta.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành Pháp lệnh người có công có phần chậm. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì đến đầu tháng 8-1995, mới có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ban chỉ đạo hoặc mới có kế hoạch triển khai. Còn theo kết quả cấp phát kinh phí của Bộ Tài chính thì đến tháng 8-1995, mới có 13 trên 53 tỉnh, thành có báo cáo và kinh phí mới cấp được 55 tỷ đồng trên tổng kinh phí cho Pháp lệnh này là 815 tỷ đồng. Việc chậm trễ trong triển khai thực hiện có nhiều nguyên nhân, trong đó có những đối tượng phải mất nhiều thời gian để xác minh như những người bị tù đày, những người thuộc diện “tiền khởi nghĩa”; lại có những đối tượng có số lượng rất lớn phải mất nhiều thời gian lập danh sách thống kê như những người tham gia kháng chiến có huân chương, huy chương. Chúng tôi đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn nữa.
Riêng đối tượng người tham gia kháng chiến, có nhiều ý kiến đề nghị: Về chế độ nên xem xét hai nhóm tuổi, một là, những người đủ 55 tuổi là nữ và 60 tuổi là nam mà còn làm việc (đương nhiệm), hai là, những người đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức dù còn thiếu một hay hai năm nữa mới đủ 55 hoặc 60 tuổi nên chăng cũng cho hưởng ngay chế độ này. Hai nhóm đối tượng này về số lượng thực ra không nhiều lắm. Về thủ tục, trong Thông tư hướng dẫn số 22 ngày 29-8-1995, ở mục II, điểm 8, người tham gia kháng chiến phải kê khai tới sáu loại vấn đề. Theo nhiều người phản ánh thì việc kê khai như vậy là rất phức tạp (phải phô tô lại toàn bộ các loại giấy tờ và bản huân, huy chương). Mới đây, ngày 28-9-1995, Thông tư số 25 đã có sửa đổi, lược bớt ba loại vấn đề, như vậy là tương đối phù hợp vì hồ sơ này ở các cấp đều đã được kê khai chi tiết trước khi Nhà nước trao tặng danh hiệu chính thức và có lưu trữ đầy đủ ở các cơ quan chức năng của Nhà nước. Riêng những người bây giờ mới khai (bổ sung đối tượng) thì theo thủ tục như khi tổng kết kháng chiến.
3. Về tệ nạn xã hội: Nếu như nhiều chính sách xã hội, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi thì về vấn đề tệ nạn xã hội lại đang là nỗi day dứt, trăn trở, tâm tư, lo lắng của những người có lương tri. Đó là các tệ nạn mại dâm, hiếp dâm trẻ em, cờ bạc, số đề, rượu men, ma túy, bạo lực côn đồ... Các tệ nạn đều đang có xu hướng gia tăng mạnh. Hằng ngày, chúng ta phải tiếp cận với quá nhiều thông tin nhức nhối, đau lòng. Nhiều ý kiến đánh giá là, mặc dù các ngành, các địa phương và Chính phủ đã có những quyết tâm nỗ lực rất lớn nhưng kết quả chỉ mới ở mức hạn chế tốc độ gia tăng, chứ chưa ngăn chặn và cũng như đẩy lùi được. Chúng tôi thấy, cũng không cần thiết phải nói thêm tình hình mà chỉ mong muốn thảo luận tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục hữu hiệu. Có nhiều nguyên nhân, nhưng bước đầu chúng tôi đề cập tới ba nguyên nhân sau đây:
Trước hết là, có một số người nhầm tưởng, ngộ nhận, hiểu sai về cơ chế thị trường, họ cho rằng, trong cơ chế thị trường chỉ có đồng tiền mới giải quyết, mới quyết định được mọi công việc. Vì vậy, một số người đã kiếm tiền với bất cứ giá nào (cướp giật, trấn lột, lừa đảo, ăn cắp, mại dâm, buôn bán ma túy...). Với những đồng tiền nhơ bẩn (không phải từ mồ hôi, công sức mà có) họ đã tiêu xài bừa bãi, ăn chơi vô hạn độ, v.v. và để lại những hậu quả nặng nề cho xã hội. Từ nguyên nhân này, vấn đề trang bị “hành trang” nhận thức, hiểu biết cần thiết để đi vào cơ chế thị trường là vô cùng quan trọng.
Thứ hai là, trong khi chúng ta chưa trang bị được nhiều những hiểu biết về nền kinh tế thị trường, chưa nâng cao được bao nhiêu về giáo dục đạo đức, phẩm giá làm người chân chính trong nền kinh tế thị trường thì những sản phẩm phi văn hóa du nhập trái phép đã tác động phá hoại ghê gớm đến lối sống của một số người. Đó là hàng ngàn băng nhạc, băng hình do không kiểm soát được đã lọt vào trong nước và lan tràn đi nhiều vùng. Chúng ta đã nghe báo cáo của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhưng trên giác độ xã hội chúng tôi cho rằng, kết luận của nhiều tờ báo là có căn cứ “Phim sex quái thai văn hóa; phim sex con đường dẫn đến tội lỗi; Phim sex con đường dẫn đến chỗ chết”. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng hiếp dâm trẻ em và là nguyên nhân của tình trạng loạn luân và kết cục của nhiều cái chết bi thảm mà báo chí đã lên án. Từ nguyên nhân này, nhất thiết phải quản lý, kiểm soát được và chặn đứng việc lưu hành thả nổi các sản phẩm phi văn hóa, vô đạo đức.
Thứ ba là, sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân và sự khuyến khích, kích động ngấm ngầm nhưng rất mạnh của các thế lực chống đối (có tiền rồi thì khuyến khích ăn chơi, nghiện hút; hết tiền phải đi kiếm tiền; kiếm tiền phi pháp thì phạm pháp, phải nghe theo người cung cấp tiền...). Có thể nói từ nguyên nhân thứ hai, thứ ba đặt ra cho chúng ta một vấn đề là phải gắn việc chống tệ nạn xã hội với việc chống diễn biến hòa bình, phải giáo dục đạo đức, phẩm chất, tư tưởng một cách sinh động phù hợp với điều kiện mới, vì tệ nạn xã hội đang được kẻ địch lợi dụng như một công cụ đắc lực phục vụ cho diễn biến hòa bình.
Tuy cùng là tệ nạn xã hội và nhiều tệ nạn có quan hệ với nhau, nhưng mỗi tệ nạn lại có những đặc điểm riêng của nó. Vì vậy, ngoài những biện pháp tổng hợp, còn phải phân loại các tệ nạn và có biện pháp riêng thích ứng. Đối với những người lầm lỡ do hoàn cảnh thì có thể cải tạo, giáo dục, tạo việc làm. Nhưng đối với những kẻ sống phè phỡn bằng sự phá hoại xã hội như những tên trấn lột, buôn bán ma túy, băng hình đồi trụy, môi giới chích hút, dẫn dắt mua bán dâm, v.v., không thể chỉ giáo dục nhân đạo, mà giáo dục có hiệu quả nhất đối với chúng là luật pháp phải nghiêm trị.
II- MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), với chiến lược dân số kế - hoạch hóa gia đình đến năm 2000 và sự điều hành của Chính phủ, trong ba năm lại đây công tác này đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó có việc truyền thông đầy đủ các thông tin để quản lý điều hành trong thực tiễn. Ủy ban về các vấn đề xã hội thông qua việc tổ chức các hội nghị về đại biểu dân cử với chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và thông qua việc nghiên cứu chính sách này ở bảy vùng địa lý, chúng tôi xin được nêu lên vài ba vấn đề gay cấn sau đây:
1. Ở không ít các tỉnh nhiều năm trước đây, không bàn và không xử lý vấn đề dân số mà chỉ chăm lo sản xuất nông, công nghiệp, xây dựng, chỉ lo đến tăng trưởng kinh tế thì đến nay đều gặt hái một kết quả giống nhau là: Sản xuất có phát triển, tăng trưởng kinh tế khá, nhưng phần lớn các chỉ tiêu bình quân đầu người đều không tăng, hoặc tăng không đáng kể, thậm chí có chỉ tiêu giảm. Kết quả này là do tốc độ phát triển kinh tế không chạy kịp với tốc độ tăng dân số. Điều này góp phần lý giải vì sao sản xuất thì khá mà đời sống vật chất của nhân dân ở một số vùng tăng chậm hoặc ít được cải thiện và tệ nạn xã hội phát sinh.
2. Ở không ít các địa phương hiện nay, không nắm được chắc chắn dân số trên địa bàn do mình quản lý và đây chính là một trong các nguyên nhân làm cho nhiều chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội không ăn nhập với thực tế. Có nhiều con số chứng minh cho việc này, nhưng xin được dẫn chứng bằng một vài con số của Chính phủ. Tại kỳ họp thứ 7, trong báo cáo tình hình thi hành Luật đất đai số 73 ngày 28-3-1995, Chính phủ cho biết: ở một tỉnh trung du mới chỉ rà soát ở 306 hợp tác xã đã tăng thêm 30.837 nhân khẩu so với số liệu trong sổ sách, trong đó có 20.044 cháu được sinh ra nhưng không khai sinh. Còn ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng đã phát hiện 53.330 trường hợp sinh đẻ ngoài kế hoạch; 27.557 người không đăng ký hộ khẩu... Các con số nói trên là chưa tính dân số vãng lai, mà chỉ tính nhân khẩu thường trú. Nếu cứ duy trì tình trạng mỗi tỉnh bỏ sót dân số bằng một huyện, mỗi huyện bỏ sót dân số bằng một xã thì hậu quả các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội sẽ ra sao?
3. Không ít các chính sách kinh tế, xã hội đang mâu thuẫn, ngược lại với các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, ví dụ:
- Về chính sách giáo dục, nhiều tỉnh ở phía Nam cho biết nếu gia đình có ba con trở lên đi học cùng một trường thì được miễn giảm một phần học phí. Nếu quy định như thế này tức là khuyến khích không dừng lại ở hai con mà phải nhiều hơn.
- Về chính sách y tế, tại Thông tư liên bộ số 20 ngày 23-11-1994, phần biểu giá dịch vụ đã quy định việc đặt vòng và tháo vòng tránh thai tối thiểu 5.000 đồng, tối đa 10.000 đồng (trái với dịch vụ miễn phí trong chính sách kế hoạch hóa gia đình). Hơn thế nữa nhiều đối tượng thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương cho biết, nếu đình sản, đặt vòng mà bị di chứng phải điều trị thì bị coi là bệnh nhân và phải trả viện phí nếu phải nằm bệnh viện.
- Về chính sách nghĩa vụ quân sự, ở một số địa phương đã thực hiện miễn, hoãn cho các gia đình đông con trong trường hợp các em của người đến tuổi nghĩa vụ còn nhỏ, gia đình có khó khăn. Nếu như thế này thì người ta lại có thể sinh thêm con nhỏ để cho anh nó được ở nhà.
- Về chính sách đất đai, nếu trong khoán 10 và khoán 100 việc giao ruộng đất theo nhân khẩu đã trực tiếp khuyến khích sinh đẻ để được giao nhiều ruộng, thì nay giao theo hộ có tính đến nhân khẩu và lao động thì nhiều nơi lại cho kết hôn sớm, thậm chí, tảo hôn và nhanh chóng tách hộ để được nhận ruộng riêng (ngoài phần của cha mẹ...).
Chúng tôi không điểm hết được các chính sách khác mà xin kiến nghị như sau:
1. Từ đây, khi xây dựng các chính sách mới của mọi lĩnh vực cần phải tính đến quan hệ giữa các chính sách có liên quan để bảo đảm mỗi chính sách đều đạt được mục tiêu của mình mà không bị các chính sách khác cản trở, làm triệt tiêu hiệu lực. Đối với các chính sách hiện hành cũng cần được rà soát và điều chỉnh lại để bảo đảm được nguyên tắc trên.
2. Theo tính toán của cơ quan thuộc Chính phủ, thì tỷ lệ phát triển dân số của cả nước và ở nhiều địa phương vẫn rất cao (cả nước 2,15%, một số tỉnh trên 3%). Trong khi chiến lược dân số mới bắt đầu có hiệu quả, ước tính trong năm năm qua, chúng ta đã tránh sinh được khoảng trên dưới một triệu trẻ em. Nếu được đầu tư nguồn lực đúng mức và liên tục, được lưu tâm điều hành thực hiện một cách quyết liệt thì đến năm 2015, chúng ta có thể tránh sinh từ 19,4 đến 22,7 triệu trẻ em. Đây là một con số hết sức đáng lưu ý (22,7 triệu người bằng toàn bộ dân số cả nước ta sau nạn đói năm 1945 hay bằng toàn bộ dân số miền Nam sau ngày giải phóng). Vì dân số là “Bài toán mẹ” của các “Bài toán con” từ việc ăn, ở, học hành, khám chữa bệnh đến sức chịu tải của cơ sở hạ tầng, v.v. đều phải căn cứ trên số lượng dân số, cho nên, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng cho việc này và giám sát thực hiện cho được việc giảm sinh theo kế hoạch hiện thực.
3. Tiếp tục tìm giải pháp thích hợp để sử dụng tối ưu nguồn ngân sách mà Quốc hội đã dành cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, tránh hiện tượng phân tán quá nhiều đầu mối làm hạn chế hiệu lực thực hiện.
III- ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC KHÁM, CHỮA BỆNH
CỦA NHÂN DÂN
Thành tựu của lĩnh vực Y tế nói chung và chữa bệnh nói riêng là rất lớn. Thế giới đều biết đến và quan tâm sâu sắc. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, có những bạn bè chân thành khuyên chúng ta chớ nên xóa bỏ những thành tựu xã hội chủ nghĩa trong y tế và giáo dục. Trong năm 1995 này, do thực hiện có hiệu quả một số chương trình và do sự cố gắng của toàn ngành nên tình trạng dịch bệnh giảm đi nhiều. Dịch hạch giảm ba lần về số người mắc và năm lần về số người chết, viêm não giảm mắc và giảm chết trên dưới hai lần. Sốt rét giảm mắc 26,4% và giảm chết 50,6%. Trẻ em dưới một tuổi tiêm đủ sáu loại vắc xin đạt 95%. Nhiều bệnh khác cũng có tỷ lệ giảm tương tự... Điều đó nói rõ việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trong tình hình khó khăn hiện nay bắt đầu có kết quả tốt.
Mặc dù còn khá nhiều vấn đề phải bàn như: Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cấp các bệnh viện từ Trung ương đến tỉnh, huyện; đầu tư trang thiết bị khám, chữa bệnh, củng cố bảo hiểm y tế, chấn chỉnh hành nghề y dược tư nhân..., nhưng tại kỳ họp này Ủy ban chúng tôi chỉ kiến nghị giải quyết một vấn đề cấp bách có liên quan đến đông đảo những người cần được khám và chữa bệnh. Đó là việc thi hành Nghị định số 95-CP ngày 27-8-1994 về việc thu một phần viện phí và Thông tư liên Bộ ngày 23-11-1994 hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Vấn đề được đặt ra là, một nghị định và một thông tư ra đời mà nhiều địa phương và nhiều người dân thấy băn khoăn; có địa phương đề nghị chưa thi hành và ngay một bộ phận cán bộ ngành Y tế cũng cảm thấy chưa hợp lý. Ủy ban chúng tôi đã làm việc với một số địa phương, một số bệnh viện thì nhìn chung có hai vấn đề khúc mắc chính:
Một là, về phía nhân dân (người cần được khám, chữa bệnh) thì chỉ có những người giàu có (mà chúng ta đã biết số người này chỉ chiếm từ 8% đến 10% dân số nhưng lại ít bệnh tật hơn) là đồng tình với việc quy định khung giá theo ngày điều trị nội trú. Khung giá này quy định thấp nhất là ngày điều trị đông y (15.000-30.000 đồng/ngày giường) cao nhất (sau phẫu thuật và hồi sức cấp cứu) tới 120.000 đồng/ngày... Chỉ một số rất nhỏ là người giàu thì cảm thấy sòng phẳng và có phần thoải mái.
Nhưng đối với hơn 90% dân số còn lại, trong đó hơn 20% là người nghèo (số này lại thường nhiều bệnh tật, hay ốm đau) thì thấy rất khó khăn khi phải nằm viện. Ngày công lao động nông nghiệp tính ra chỉ được 5-6 ngàn đồng/ngày lại phải nuôi cả gia đình, trong khi bệnh viện thu như đã quy định thì quả là khó khăn lớn.
Một số bệnh viện khi áp dụng chính sách này thì lập tức có một số bệnh nhân trốn viện hoặc xin ra viện ngay vì không có tiền nộp viện.
Hai là, về phía ngành Y tế thì một số cán bộ cho rằng việc phân phối số tiền viện phí thu được là chưa thỏa đáng, chỉ có 15% được dùng để thưởng cho cán bộ Y tế là thấp.
Vấn đề này đã được Bộ Y tế trình Chính phủ và ngày 23-5-1995 Chính phủ đã ra Nghị định số 33-CP sửa đổi khoản 1 Điều 6 Nghị định số 95-CP cho nâng gấp đôi (từ 15% lên 30%) số tiền khen thưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức của bệnh viện.
Còn lại vấn đề thứ nhất, Ủy ban chúng tôi kiến nghị như sau:
Giá tiền một ngày giường điều trị cần được tách ra thành hai khoản. Một khoản là tiền giường, chiếu, mùng màn, tiện nghi sinh hoạt, phục vụ. Một khoản là tiền thuốc thực sự phải chi phí điều trị.
Tách ra như vậy nhằm khắc phục tình trạng một người có thể một ngày phải truyền cả một lít máu, một người khác đôi khi chỉ sử dụng 7-8 viên B1, nhưng đều phải trả một số tiền như nhau, bởi vì trong Thông tư có đưa ra khái niệm “Ngày điều trị... là ngày nằm điều trị của người bệnh tại các khoa...” không nói rõ là phải sử dụng thuốc như thế nào. Nếu tách ra như thế thì khoản một thu như nhau, khoản hai là tiền thuốc thực dùng bao nhiêu thì thu bấy nhiêu, như vậy sẽ công bằng hơn.
Nghị định và Thông tư có quy định năm nhóm đối tượng được miễn, giảm, trong đó có đối tượng người bệnh thuộc diện quá nghèo. Thông tư liên Bộ giao nhiệm vụ cho các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện cấp giấy xác nhận người nghèo. Chúng tôi biết đây là một việc hết sức khó khăn, vì hiện nay, các nhà khoa học đang còn thảo luận thế nào là nghèo khổ, xác định mức chuẩn nghèo khổ bằng thước đo nào; mức chuẩn nghèo khổ áp dụng chung cho cả nước hay mỗi tỉnh, mỗi vùng có một chuẩn riêng... Thực tế mỗi vùng, mỗi địa phương có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, do đó giàu nghèo cũng khác nhau, vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Sở, các phòng xin ý kiến lãnh đạo địa phương lấy mức chuẩn đã nghiên cứu trong các năm 1994-1995 nhanh chóng lập danh sách để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người nghèo nhằm giảm bớt khó khăn cho họ trong lúc mắc bệnh phải khám và điều trị; về lâu dài nên chăng phải tính đến việc tổ chức hệ thống khám chữa bệnh cho người nghèo một cách hợp lý hơn.
Kính thưa Quốc hội,
Các vấn đề xã hội thường có độ phức tạp rất cao, giải quyết nó không thể có liều thuốc màu nhiệm nào mà một sớm một chiều là yên ổn cả. Vấn đề là phải đặt nó đúng tầm và thường xuyên đầu tư nguồn lực đúng mức để giải quyết, phải lường trước được sự vận động của nó để chủ động xử lý, có như thế mới bảo đảm được tính ổn định bền vững của xã hội. Kính mong Quốc hội lưu ý xem xét, cho ý kiến trong quá trình thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Xin cảm ơn Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội