(Do ông Vũ Minh Mão, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX, ngày 12-10-1995)
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Ủy ban chúng tôi xin trình bày với Quốc hội về tình hình hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường năm 1995, góp phần thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 6, thứ 7 của Quốc hội và một số kiến nghị trong thời gian tới.
Kính thưa Quốc hội,
Năm nay, Nhà nước ta và các ngành, các địa phương long trọng kỷ niệm nửa thế kỷ ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khoa học và công nghệ Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo xây dựng và phát triển. Suốt 50 năm qua, khoa học và công nghệ luôn gắn liền với thực tiễn chiến đấu chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Hòa vào niềm phấn khởi chung của cả nước, năm 1995 các hoạt động khoa học, công nghệ đã diễn ra khá sôi động và có nhiều tiến bộ mới. Ngay từ đầu năm 1995, Hội nghị khoa học, công nghệ toàn quốc, cùng với cuộc trưng bày lớn các sản phẩm mới về khoa học và công nghệ rất phấn khởi được đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm và phát biểu nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng. Hội nghị đã đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; đề ra các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ năm 1995 cũng như định hướng cho các năm sau.
Cũng ngay từ đầu năm, hàng trăm đề tài và nhiều dự án nghiên cứu của 31 chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước thuộc nguồn kinh phí ngân sách của Trung ương và các địa phương cùng với hàng nghìn đề tài và dự án triển khai của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã khẩn trương tiến hành. Đặc biệt, các đề tài thuộc các chương trình Nhà nước đi vào thời kỳ hoàn thành và nghiệm thu kết quả của giai đoạn 5 năm (1991-1995). Các chương trình kinh tế - xã hội về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học do Chính phủ chỉ đạo cũng đã được triển khai ở nhiều ngành và địa phương.
Dưới đây, Ủy ban chúng tôi xin trình bày chi tiết hơn một số điểm chính:
I- VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NĂM 1995
CHO CÔNG TÁC KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Kính thưa Quốc hội,
Theo phân bổ ngân sách năm 1995 thì công tác khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường có kinh phí từ ngân sách nhà nước là 505 tỷ đồng, đạt khoảng 0,98% chi ngân sách (có 5 tỷ đồng được cân đối trên cơ sở các nguồn viện trợ của nước ngoài), trong đó dành 100 tỷ cho hoạt động khoa học, công nghệ ở địa phương. Về cơ bản, kinh phí đã được cấp theo yêu cầu của tiến độ và được sử dụng đúng mục đích. Cho đến hết tháng 9, ngân sách đã cấp ước đạt 75% so với tổng số ngân sách. Ngoài ra, một số địa phương đã tăng thêm kinh phí cho lĩnh vực này, ví dụ: thành phố Hà Nội đã huy động từ nguồn ngân sách địa phương và của các doanh nghiệp được gần 38 tỷ đồng ngoài nguồn ngân sách nhà nước; cũng như vậy ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã huy động thêm gần 100 tỷ đồng. Riêng kinh phí tăng thêm của các ngành và đặc biệt kinh phí cho công tác triển khai, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cũng là con số đáng kể. Ở đây, xuất hiện yêu cầu quản lý điều phối hài hòa giữa chi ngân sách và chi của các doanh nghiệp cho công tác khoa học, công nghệ và môi trường.
II- NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 1995
A. ĐÁNH GIÁ NHỮNG MẶT ĐÃ LÀM ĐƯỢC
1. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn:
Nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách về chính trị, kinh tế - xã hội, về văn hóa tư tưởng. Chương trình KX-01 với nội dung “Những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, Chương trình KX-04 về “Luận cứ khoa học cho việc đổi mới chính sách xã hội và quản lý việc thực hiện các chính sách xã hội”, Chương trình KX-08 về “Văn hóa và văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội” đã góp phần cung cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước những luận cứ khoa học để xây dựng những quyết sách trong việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, từng bước đổi mới hệ thống chính trị, hoạch định và xây dựng các chính sách, các giải pháp cho những vấn đề kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng các Nghị quyết của Đảng và thể chế hóa các nghị quyết đó, làm rõ một bước những vấn đề lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần đổi mới công tác quản lý kinh tế, nhất là cấp vĩ mô đối với hoạt động của các thành phần kinh tế. Các chương trình nghiên cứu về khoa học xã hội khác cũng có nhiều đóng góp tương tự.
Các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã tập trung vào việc nghiên cứu các định hướng phát triển của đất nước, đổi mới và hoàn thiện mô hình xây dựng con người Việt Nam mới; giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Đặc biệt, đã có bước tiến trong việc nghiên cứu, phát hiện, tổng hợp những đặc điểm và truyền thống văn hóa, các vốn quý của các dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Nhiều kết quả của các chương trình mang mã số KX đã được nghiệm thu và được các cơ quan chức năng tham khảo để xây dựng dự thảo các văn bản của Đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới.
Năm 1995, lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã hoàn thành một số công trình quan trọng như xuất bản “Bách khoa thư Việt Nam” (tập 1)...
2. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ:
Khoa học và công nghệ đã góp phần tích cực đem lại nhiều thành quả về kinh tế - xã hội và từng bước trưởng thành trong cơ chế kinh tế mới. Ủy ban chúng tôi tán thành nhận định trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày trước Quốc hội là: “Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới ngày càng bám sát hơn những yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sản phẩm hàng hóa mới”.
Hoạt động khoa học và công nghệ đã tập trung vào việc thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước, triển khai, đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử, thử nghiệm. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Tiềm lực vật chất của các cơ quan khoa học cũng được cải thiện một bước. Các hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ đã góp phần duy trì, phát triển sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi xin nêu chi tiết kết quả của một số lĩnh vực như sau:
a) Trong sản xuất nông nghiệp:
Năm 1995, mặc dầu thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng lương thực cả năm có khả năng đạt trên 27 triệu tấn. Kết quả trên, ngoài các yếu tố về quản lý và điều hành của Chính phủ, sự cần cù và sáng tạo của nông dân, cần thấy rõ tác dụng của việc áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới về nông nghiệp. Qua công tác khuyến nông, trong đó nổi bật là việc phổ biến dùng các loại giống mới cao sản, nhiều nơi đã tiếp thu và áp dụng công nghệ giống lúa lai cao sản, giống lúa thơm có chất lượng cao cũng như các loại giống cây con thuộc thế hệ mới nhờ áp dụng công nghệ tế bào và công nghệ di truyền. Mặt khác, nhờ kết quả của nhiều năm nghiên cứu đã hình thành các bộ giống cây lương thực thích hợp cho từng vùng sinh thái (đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ, trung du miền núi, v.v. với độ dài sinh trưởng khác nhau). Cây rau, màu vụ đông ở miền Bắc được phát triển khá phong phú và đa dạng, trồng đại trà ở nhiều nơi như giống ngô có năng suất cao P11, B9861, B9723, ĐK888, ngô rau, các giống khoai tây sạch bệnh, v.v.... Nhiều địa phương áp dụng thành công biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM), bước đầu hình thành và phát triển nền nông nghiệp sạch và lâu bền thông qua việc sử dụng phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu vi sinh, góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế và chất lượng của sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Các nghiên cứu về tạo giống gia súc, gia cầm và đưa vào sản xuất cũng đạt được những kết quả quan trọng như lai tạo các giống lợn có tỷ lệ nạc cao, bò thịt, bò sữa có năng suất cao; các giống gà, vịt cao sản đã góp phần đáng kể vào việc cải tạo đàn gia súc, gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển chăn nuôi bò lấy sữa và chăn nuôi gia cầm ở quy mô tương đối lớn. Về thủy sản, kỹ thuật nuôi tôm tiến bộ, đã tạo điều kiện hình thành một nghề được phát triển mở rộng, tạo việc làm cho hàng chục vạn dân ven biển, góp phần đáng kể vào việc xuất khẩu thu ngoại tệ. Nhiều hộ gia đình nông dân giàu lên nhanh chóng nhờ tiếp thu và xây dựng thành công quy trình nuôi thủy sản đặc sản (ba ba, cua, trai ngọc nước ngọt và nước mặn...), quy trình trồng cây đặc sản, làm vườn rừng, v.v..
b) Trong sản xuất công nghiệp :
Năm 1995, nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nhờ đổi mới công nghệ và cải tiến công tác quản lý kinh tế, nên không những trụ vững mà còn phát triển, nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập, kể cả trong các lĩnh vực chế tạo máy móc, thiết bị và phụ tùng nhằm mục tiêu thích nghi và đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, giải quyết nguyên vật liệu thay thế. Trong một số lĩnh vực quan trọng và công nghệ cao như viễn thông, điện tử, dầu khí..., lực lượng khoa học và công nghệ trong nước đã có khả năng tiếp thu và làm chủ được công nghệ mới. Ước tính cả năm, giá trị sản lượng công nghiệp toàn ngành, tăng khoảng 14% so với năm 1994. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở sản xuất thua lỗ, công nhân không có việc làm vì hàng hóa sản xuất ra chất lượng kém, giá thành cao, không tiêu thụ được vì chưa đổi mới về quản lý và về công nghệ. Ở đây chúng tôi cho rằng, cần phải có những biện pháp quản lý vĩ mô kiên quyết hơn, nhưng đồng thời, phải có chính sách đổi mới công nghệ đồng bộ với chính sách tài chính, tín dụng đúng đắn thì không những làm cho sản xuất công nghiệp được phát triển mạnh hơn mà còn tạo được thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Trong lĩnh vực năng lượng chúng ta đã tiến hành ứng dụng nhiều công nghệ mới trong xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; nghiên cứu các phương pháp giảm tổn thất năng lượng trong chuyển tải, phân phối và tiêu thụ điện năng. Hệ thống năng lượng đã phát triển nhanh chóng. Mạng lưới điện đã vươn tới hơn 80% địa bàn các huyện ở khu vực nông thôn, hơn 50% số xã đã có điện sử dụng. Tại Hải Phòng, Thái Bình, nhờ đầu tư đổi mới công nghệ cùng với sự quản lý chặt chẽ nên đã giảm được tổn thất điện năng và hạ được giá bán điện cho người sử dụng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, giá bán điện cho nông dân vẫn còn cao và tổn thất kỹ thuật cũng như tổn thất thương mại còn lớn, cá biệt có nơi tới 30% đến 40%.
Trong giao thông vận tải, khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng vào việc quy hoạch, thiết kế, nâng cấp và phát triển mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Một số cầu quan trọng như cầu Việt Trì, cầu Phong Châu (Vĩnh Phú), cầu Tràng Tiền (thành phố Huế), cầu Tiên Cựu (Hải Phòng) đã được hoàn thành, đặc biệt mạng lưới đường nông thôn ở nhiều vùng đã phát triển khá.
Trong lĩnh vực viễn thông tới nay, đã áp dụng kỹ thuật số, thông tin vệ tinh, thông tin di động, cáp sợi quang..., đã hình thành một hệ thống thông tin quốc gia đủ mạnh ngang tầm với các nước trong vùng và có thể hòa nhập vào mạng lưới viễn thông khu vực và quốc tế. Năm nay, sẽ đạt chỉ tiêu bình quân cứ 100 dân có một máy điện thoại.
Trong năm qua, việc quản lý chất lượng thiết kế và thi công đối với các công trình xây dựng của Nhà nước (gồm của Trung ương và của địa phương) nhìn chung có tiến bộ hơn trước. Các công trình thủy nông, công tác tu bổ đê điều trước mùa mưa bão và các công trình xây dựng khác đã được thẩm định thiết kế và giám sát thi công chặt chẽ theo quy định.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều công trình công tác thẩm định thiết kế chưa chặt chẽ như sân vận động Hà Nội và một số công trình khác.
Trong y tế, các trung tâm ứng dụng công nghệ cao của Nhà nước và dân lập đã bước đầu hình thành, nhiều phương tiện công nghệ cao (dùng lade, siêu âm - vi tính, thiết bị quét tia X - vi tính, v.v..) được đưa vào phục vụ chữa bệnh cho nhân dân. Viện nghiên cứu vắcxin Quốc gia đã sản xuất được nhiều loại vắcxin phòng, chống viêm não Nhật Bản cho trẻ em và nhiều loại khác.
c) Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh:
Các cơ quan khoa học quân sự và an ninh đã nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học cho chiến lược quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, những vấn đề về kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế, về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Công tác khoa học - kỹ thuật quân sự cũng đã đóng góp tích cực cho việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa cải tiến và nâng cao tính năng các vũ khí, trang bị và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Các Viện nghiên cứu khoa học, các xí nghiệp của các lực lượng vũ trang đã tham gia phục vụ kinh tế, khai thác các thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất những hàng hóa có chất lượng cho tiêu dùng xã hội.
3. Về vấn đề bảo vệ môi trường:
Qua thực tế giám sát tại các địa phương trong năm qua, Ủy ban chúng tôi nhận thấy, Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là công tác trồng và bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường. Việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả bước đầu như tiến hành đánh giá tác động môi trường, thực hiện cấm sản xuất và đốt pháo nổ, thẩm định việc nhập khẩu thiết bị, công nghệ..., trong việc giải quyết nguồn nước sạch cho sinh hoạt ở nhiều vùng trong cả nước, giải quyết hậu quả hai sự cố tràn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm nay, từ năm 1994 và 1995, Chính phủ đã có báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam gửi đại biểu Quốc hội theo Luật bảo vệ môi trường quy định.
Nhưng Ủy ban chúng tôi hoan nghênh và tán thành nhận định trong báo cáo của Chính phủ (phần đánh giá những thiếu sót trong công tác điều hành) là “...tài nguyên và môi trường ở một số nơi bị hủy hoại nghiêm trọng; Tại một số nơi trong nước, có tình trạng hầu như không kiểm soát được sự hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, rừng núi, ven biển và môi trường...”.
Tóm lại, năm 1995, các hoạt động khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường đã thực hiện đúng theo định hướng các Nghị quyết của Quốc hội, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 1995 như Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường mà chúng tôi xin trình bày dưới đây:
B. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN THIẾU SÓT
Kính thưa Quốc hội,
Công tác khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường bên cạnh những mặt làm được đã nêu ở trên, cũng còn một số khiếm khuyết sau:
Một là, trong năm 1995, tuy chất lượng hàng hóa nói chung có một bước tiến bộ nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và người tiêu dùng, nhiều khi nghiêm trọng.
Mặc dầu nhiều luật, pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đã được ban hành, nhưng các văn bản pháp quy dưới luật, pháp lệnh và công tác tổ chức thực hiện còn chưa đủ và đồng bộ, chưa được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; các Chi cục thuộc các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường ở địa phương là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này thì cơ sở vật chất cho công tác quản lý, kiểm tra quá thiếu thốn, lạc hậu, không đủ điều kiện, thiết bị... Mặt khác, lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật ở cơ sở rất thiếu và không đồng bộ, do đó khó có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, công tác khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường còn chậm được đổi mới, nhất là trong việc cấp phát kinh phí, đánh giá, nghiệm thu kết quả, triển khai đưa vào ứng dụng.
Hai là, việc đầu tư công nghệ mới chỉ có một số là có hiệu quả, còn khá nhiều thiết bị và công nghệ cũ còn tồn tại hoặc do trình độ công nghệ của cán bộ quản lý chưa cao nên những năm trước đây đã nhập những công nghệ, thiết bị lạc hậu, thậm chí, có thiết bị quá lạc hậu. Điều đó đã dẫn tới không ít xí nghiệp làm ăn thua lỗ vì không cạnh tranh nổi và không bán được sản phẩm hoặc phải bán với giá thấp. Ví dụ: một số xí nghiệp trong các ngành chế biến nông, hải sản, trong công nghiệp nhẹ, cơ khí, v.v.. Tình hình này kéo dài sẽ không tạo ra được nguồn lực để đổi mới công nghệ và càng suy thoái. Theo đánh giá của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì so với thế giới, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam nói chung mới ở giai đoạn đầu của cơ khí hóa, cần phải tích cực đổi mới công nghệ trong thời gian tới mới duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Ba là, một số luật và pháp lệnh có liên quan tới khoa học, công nghệ và môi trường như Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo vệ môi trường, Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, Pháp lệnh đo lường, Pháp lệnh chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Nghị định chống hàng giả..., chưa được chấp hành nghiêm và triển khai đồng bộ. Hiện tượng đánh, bắt cá bằng mìn, bằng kích điện; việc khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản; việc chặt phá rừng kể cả rừng phòng hộ đầu nguồn, v.v., không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Ô nhiễm môi trường nhiều nơi nhất là ở các đô thị đang ở ngưỡng báo động. Các cơ sở sản xuất được xây dựng trước khi Luật bảo vệ môi trường được ban hành, tuy đã đánh giá tác động môi trường, nhưng việc xử lý hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bốn là, chưa tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả được đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật. Tình trạng bỏ nghề, đi làm cho nước ngoài đang có chiều hướng tăng. Mặt khác, Ủy ban chúng tôi cũng hết sức lo ngại về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, bồi dưỡng nhân tài của nước ta trong 10, 20 năm tới hoặc lâu hơn nữa.
III- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ CÔNG TÁC KHOA HỌC,
CÔNG NGHỆ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
TRONG THỜI GIAN TỚI
Kính thưa Quốc hội,
Từ sự trình bày trên đây, Ủy ban chúng tôi kính trình Quốc hội xem xét một số kiến nghị sau đây:
Một là: tiếp tục cấp đủ và kịp thời kinh phí từ nay đến cuối năm cho công tác khoa học, công nghệ và một trường. Xem xét tăng thêm ngân sách năm 1996 cho lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường, ít nhất bằng về tỷ lệ chi ngân sách năm 1995; xin lưu ý với Quốc hội là kinh phí ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường năm 1996 dự kiến chỉ còn 0,78% chi ngân sách, thấp hơn năm 1995 là 0,98% chi ngân sách. Đồng thời, có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào công tác nghiên cứu, triển khai tiếp thu công nghệ mới và bảo vệ môi trường, nhằm mục đích đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý công tác khoa học và công nghệ theo các định hướng mà Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 đã nêu ra, đơn giản hóa, đồng thời, nâng cao chất lượng việc xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu các đề tài, dự án.
Ba là: tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật của Luật bảo vệ môi trường, đặc biệt cần sớm xác định theo Điều 18 của Luật bảo vệ môi trường về danh mục các công trình có tác động lớn đến môi trường cần được Quốc hội xem xét, quyết định. Đẩy mạnh và kiên quyết hơn nữa trong việc buộc các doanh nghiệp (cơ sở sản xuất) có trước khi ban hành Luật bảo vệ môi trường phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường đúng hạn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần có thêm nguồn lực cho việc bảo vệ rừng ở vùng sâu, vùng giáp danh, bảo vệ nguồn lợi hải sản, chống đánh bắt bằng mìn, bằng kích điện, v.v. tiếp tục diệt trừ ốc bươu vàng. Nhà nước cần sớm có quy định phân công, phân cấp công tác quản lý vùng biển theo hướng có một cơ quan chịu trách nhiệm chính, giúp Chính phủ điều phối các ngành có liên quan; khẩn trương hoàn thiện soạn thảo và cho ban hành Luật khoa học công nghệ.
Bốn là: Sớm có quy hoạch, kế hoạch và các chính sách để bảo đảm nguồn nhân tài cho đất nước trong giai đoạn tới.
Kính thưa Quốc hội,
Trên đây, Ủy ban chúng tôi đã trình bày tình hình hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường năm qua và những kiến nghị trong thời gian tới, kính đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định.
Kính chúc các đại biểu mạnh khỏe.
Kính chúc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa IX thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn Quốc hội.
Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội