BÁO CÁO
THẨM TRA CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI VỀ TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ ĐIỀU CHỈNH MỘT BƯỚC TỔ CHỨC BỘ MÁY
MỘT SỐ CƠ QUAN CỦA CHÍNH PHỦ
(Do ông Hà Mạnh Trí, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX, ngày 12-10-1995)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 10 tháng 10 năm 1995, Ủy ban pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một bước tổ chức bộ máy một số cơ quan của Chính phủ. Tham dự phiên họp của Ủy ban pháp luật có đại diện một số cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, được sự ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ số 231/TCCB/m ngày 10 tháng 10 năm 1995 về việc điều chỉnh một bước tổ chức bộ máy một số cơ quan của Chính phủ, các thành viên Ủy ban pháp luật đã thảo luận và nêu nhiều ý kiến. Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi xin báo cáo Quốc hội một số ý kiến của Ủy ban như sau:
1. Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng, việc điều chỉnh một bước tổ chức bộ máy một số cơ quan của Chính phủ lần này là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước. Theo tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ trong việc hợp nhất một số Bộ, cơ quan ngang Bộ như sau:
a) Hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Hợp nhất Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nhẹ thành Bộ Công nghiệp;
c) Hợp nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Chúng tôi cũng tán thành với Chính phủ là việc sáp nhập một số Bộ, cơ quan ngang Bộ lần này mới chỉ là biện pháp trước mắt nhằm thực hiện từng bước cải cách bộ máy của Chính phủ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ cần tập trung nghiên cứu sớm trình Quốc hội phương án toàn diện hơn về tổ chức bộ máy của Chính phủ phù hợp với mục tiêu tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
3. Chúng tôi tán thành với những biện pháp mà Chính phủ đã nêu trong Tờ trình sau khi được Quốc hội thông qua việc điều chỉnh một bước tổ chức bộ máy một số cơ quan của Chính phủ, đồng thời, đề nghị Quốc hội:
- Lưu ý Chính phủ có kế hoạch cụ thể chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hợp nhất các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quyết định của Quốc hội; sớm có quy định xác định rõ chức năng và nhiệm vụ cũng như tổ chức bộ máy của các Bộ mới được hợp nhất, làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan này; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các cơ quan tương ứng ở địa phương.
- Lưu ý Chính phủ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ về cán bộ, quản lý tài sản, cơ sở vật chất hiện có của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được hợp nhất và các cơ quan hữu quan khác ở Trung ương và địa phương nhằm tránh thất thoát và tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình hợp nhất.
- Giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, giữ gìn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, an tâm công tác, bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước trong quá trình hợp nhất.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một bước tổ chức bộ máy một số cơ quan của Chính phủ, xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội