VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996


TỜ TRÌNH
CỦA ĐOÀN THƯ KÝ KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA IX
VỀ VIỆC BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT
THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ


(Do ông Nguyễn Văn Yểu, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban pháp luật của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 8,
Quốc hội khóa IX, ngày 28-10-1995)

Trong các văn bản luật, pháp lệnh do Nhà nước ta ban hành thường có một chương là chương cuối cùng quy định về điều khoản thi hành, trong đó quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản và những vấn đề khác có liên quan đến hiệu lực của văn bản đó. Nhưng đối với các Bộ luật lớn như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự đã được ban hành thì không có chương riêng mà Quốc hội có Nghị quyết về việc thi hành.

Bộ luật dân sự đã pháp điển hóa nhiều quy định pháp luật về dân sự được ban hành ở những thời điểm khác nhau và có phạm vi điều chỉnh rộng lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, khi Bộ luật dân sự có hiệu lực, nhiều vấn đề được đặt ra cần phải có thời gian để xử lý, nhằm vừa bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, vừa góp phần bảo đảm tính ổn định của các quan hệ dân sự. Theo tinh thần đó, việc Quốc hội ra Nghị quyết riêng để thi hành Bộ luật dân sự là rất cần thiết. Vì vậy, chúng tôi xin báo cáo Quốc hội về nội dung của Nghị quyết này như sau:

1. Về thời điểm có hiệu lực của Bộ luật dân sự:

Thời điểm thi hành Bộ luật dân sự bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 1996. Bởi vì, sau khi Bộ luật dân sự được ban hành, cần phải hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ mới có thể thi hành tốt Bộ luật; cụ thể là:

- Trên cơ sở quy định của Bộ luật, rà soát tất cả các văn bản pháp luật hiện hành có quy định về dân sự, để Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp hoặc cụ thể hóa quy định của Bộ luật. Ước tính hiện nay có đến hơn 200 văn bản cần được rà soát.

- Khẩn trương nghiên cứu, từng bước chấn chỉnh việc đăng ký quyền sở hữu, công chứng, đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản có đăng ký; thành lập các tổ chức như quản giữ tài sản, bán đấu giá, định giá tài sản...

- Tuyên truyền, phổ biến Bộ luật dân sự một cách rộng rãi trong cán bộ và nhân dân.

- Tập huấn cho cán bộ thi hành pháp luật, nhất là Thẩm phán, kiểm soát viên giải quyết vụ án dân sự về Bộ luật dân sự.

- Củng cố các tổ chức hòa giải tại cơ sở.

- Khẩn trương xúc tiến việc soạn thảo dự án Bộ luật tố tụng dân sự để trình Quốc hội xem xét thông qua làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp trong các quan hệ trước đây chưa được quy định (Tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố chết, giám sát việc quản lý tài sản của người giám hộ, xét xử các vi phạm về quyền nhân thân, buộc bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín...).

2. Về những văn bản pháp luật hết hiệu lực thi hành:

Bộ luật dân sự đã pháp điển hóa các quy định của nhiều văn bản pháp luật được ban hành trước đây, trong đó có một số pháp lệnh mà nhiều nội dung của các pháp lệnh này đã được quy định trong Bộ luật dân sự. Vì vậy, kể từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực thì các pháp lệnh này sẽ hết hiệu lực:

1. Pháp lệnh hợp đồng dân sự (1991);

2. Pháp lệnh nhà ở (1991);

3. Pháp lệnh thừa kế (1990);

4. Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (1989);

5. Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả (1994);

6. Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam (1988);

Tuy nhiên, ngoài những quy định về quan hệ dân sự đã được đưa vào Bộ luật dân sự, thì các pháp lệnh này còn có quy định về một số vấn đề khác: quản lý nhà nước, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm, việc khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đó, v.v.. Đây là những vấn đề không thuộc phạm vi các quan hệ dân sự; vì vậy, sau khi các pháp lệnh này hết hiệu lực, thì các quy định này vẫn phải được tiếp tục áp dụng. Do đó, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần khẩn trương nghiên cứu để ban hành các quy định cần thiết hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nói trên.

Đối với những văn bản pháp luật khác mà trong đó có những quy định không còn phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự thì cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức việc rà soát để tự mình hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, bảo đảm hiệu lực của Bộ luật.

3. Về vấn đề áp dụng pháp luật giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực:

Bộ luật dân sự được áp dụng đối với các quan hệ dân sự được xác lập kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Bộ luật dân sự cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự được xác lập trước khi Bộ luật này có hiệu lực, nếu luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định.

Do đó, chúng tôi nhận thấy, việc quy định các quan hệ nào phát sinh trước đây được áp dụng Bộ luật dân sự phải căn cứ vào yêu cầu: vừa bảo đảm quan hệ dân sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn, tạo tâm lý an tâm của người dân vào hệ thống pháp luật, bảo đảm tính kế thừa, liên tục của hệ thống pháp luật, vừa bảo vệ quyền lợi chung của Nhà nước, của xã hội. Trên cơ sở các văn bản pháp luật dân sự hiện hành và căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, chúng tôi xin đề nghị trong Nghị quyết này cần quy định việc áp dụng pháp luật đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực như sau:

a) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực vẫn đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.

b) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật dân sự nhưng không vi phạm điều cấm hoặc không trái đạo đức xã hội theo quy định của Bộ luật dân sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự đó được xác lập.

c) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực và phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm xác lập mà nay vi phạm điều cấm hoặc trái với đạo đức xã hội, theo quy định của Bộ luật dân sự, thì các bên phải tự hủy bỏ giao dịch dân sự đó, nếu các bên không tự hủy bỏ thì bị coi là vô hiệu.

d) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực nhưng có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định pháp luật trước đây để giải quyết.

4. Về vấn đề nhà ở: Xuất phát từ tính phức tạp của vấn đề này, chúng tôi xin đề nghị Quốc hội có văn bản riêng quy định cách giải quyết các quan hệ dân sự về nhà ở đã xảy ra trước 01-7-1991 là ngày Pháp lệnh nhà ở có hiệu lực. Còn đối với việc mua bán, cho thuê nhà ở từ ngày 01-7-1991 đến ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực thì áp dụng quy định của Pháp lệnh nhà ở. Đối với những quan hệ được xác lập từ sau ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực, thì áp dụng Bộ luật dân sự.

5. Về vấn đề chuyển quyền sử dụng đất: Phần thứ năm của Bộ luật dân sự quy định các điều kiện, thủ tục và hình thức pháp lý cụ thể để cá nhân, hộ gia đình thực hiện năm quyền của người sử dụng đất, đồng thời cũng quy định một số biện pháp pháp lý để xử lý đối với những hành vi lấn chiếm đất, cấp đất trái thẩm quyền, cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật... Do đó, hiệu lực của những quy định này phải gắn với hiệu lực của Luật đất đai năm 1993 nhằm bảo đảm tính thống nhất và nhất quán trong thực hiện pháp luật về đất đai, góp phần bảo vệ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Theo tinh thần đó, chúng tôi đề nghị trong Nghị quyết vẫn quy định như sau: “Những quy định của Bộ luật dân sự về chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật đất đai có hiệu lực”.

6. Về vấn đề thời hiệu: Trong các văn bản pháp luật dân sự hiện hành cũng có một số quy định về thời hiệu như Pháp lệnh hợp đồng dân sự, Pháp lệnh thừa kế, Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả, nhưng còn tản mạn, chưa đầy đủ.

Để bảo đảm quyền khởi kiện của các bên, đồng thời hạn chế tranh chấp, tránh tình trạng cùng một lúc có nhiều loại thời hiệu khác nhau về cùng một quan hệ dân sự sẽ khó áp dụng, chúng tôi xin đề nghị trong Nghị quyết cần quy định:

a) Đối với các quan hệ dân sự đã được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà văn bản pháp luật trước đây đã quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miền trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu đó.

b) Đối với các quan hệ dân sự đã được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà văn bản pháp luật trước đây không quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu do Bộ luật dân sự quy định và thời hiệu được tính từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực.

 


Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội