VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1962 VÀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

(Do ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính
trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II, ngày 30-4-1963)

 

Thưa các vị đại biểu,

Được sự ủy nhiệm của Chính phủ tôi xin báo cáo trước Quốc hội về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1962 và dự án ngân sách nhà nước năm 1963.

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962

Ngân sách nhà nước năm 1962 được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 4 năm 1962. Ngày 9 tháng 8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có quyết nghị phê chuẩn việc điều chỉnh kế hoạch nhà nước năm 1962. Căn cứ vào Nghị quyết đó, Chính phủ đã tính toán lại dự toán thu và dự toán chi trong ngân sách nhà nước năm 1962, và ngày 17 tháng 10 năm 1962, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn ngân sách điều chỉnh với tổng số thu là 1.679tr,819 và tổng số chi là 1.679tr,819, thu chi thăng bằng.

Nhìn chung ngân sách nhà nước năm 1962, sau khi điều chỉnh, đã thực hiện tương đối tốt. Tổng số thu đạt 1.743tr,007, cao hơn dự trù 63tr,188 tức là bằng 103,8% kế hoạch, nhờ đó mà đã có điều kiện để chi nhiều hơn kế hoạch. Tổng số chi đạt 1.720tr,941, cao hơn dự trù 41tr,122 tức là bằng 102,4% kế hoạch, đã bảo đảm toàn bộ khối lượng vốn xây dựng cơ bản và các khoản chi quan trọng cũng như các khoản chi đột xuất cần thiết khác của Nhà nước; nhưng thu vẫn nhiều hơn chi 22tr,062, trong đó phần của ngân sách trung ương 10,5 tr, phần của ngân sách địa phương 11,5 triệu. Nhờ ra sức thực hiện các biện pháp đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua trong dịp điều chỉnh ngân sách nên công tác tài chính đã đạt được mục tiêu đề ra là "thăng bằng thu chi và có bội thu một ít, để có lực lượng dự trữ tài chính, góp phần ổn định vật giá củng cố tiền tệ trong năm 1962".

Những kết quả đạt được trên đây, trong điều kiện của năm 1962 có nhiều khó khăn lớn, là nhờ đường lối chủ trương và sự chỉ đạo sáng suốt, chặt chẽ của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự cố gắng của tất cả các ngành các cấp nhằm bảo đảm nhiệm vụ kế hoạch về mặt kinh tế và về mặt tài chính, nhất là trong những tháng cuối năm.

Sau đây chúng tôi xin báo cáo một số nét chính về tình hình thu chi năm 1962:

Về thu:

Kế hoạch ghi 1.679tr,819, thực hiện 1.743tr,007 bằng 103,8% kế hoạch, riêng phần thu trong nước bằng 102,4% kế hoạch.

Số thu trong nước vượt kế hoạch 2,4% là nhờ có một số xí nghiệp công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông, bưu điện, ngoại thương đã cố gắng phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế nhà nước quy định, trên cơ sở đó mà hoàn thành được vượt mức nhiệm vụ thu tài chính.

Tuy nhiên, số thu trong nước năm 1962 chỉ tăng hơn năm 1961 có 5,5% trong khi giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp tăng 13,5%, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xã hội tăng 4,5%, thu nhập quốc dân tăng 7,5%; so với mấy năm qua thì tốc độ tăng thu tài chính năm 1962 có chậm lại (1960 so 1959 tăng 19,6%, 1961 so 1960 tăng 9,8%). Sở dĩ như vậy là vì tình hình kinh tế năm 1962 có nhiều khó khăn và công tác quản lý tài chính còn nhiều nhược điểm, khuyết điểm chưa được giải quyết tốt.

1- Thu về xí nghiệp và sự nghiệp đạt 101,2% mức dự toán, so với năm 1961 tăng 4,2% (năm 1961 so với năm 1960 tăng 11,5%).

Trong năm 1962, sản xuất công nghiệp có nhiều tiến bộ: Bộ Công nghiệp nặng về kế hoạch tổng giá trị sản lượng tăng 40,5% so với năm 1961 và đạt 103,7% kế hoạch đề ra, giá thành sản phẩm hạ được 4,5% so với năm 1961 (kế hoạch ghi mức hạ giá thành 1962 là 4,2%). Bộ Công nghiệp nhẹ đạt 103,4% kế hoạch tổng giá trị sản lượng, tăng 25,83% so với năm 1961, giá thành thương phẩm hạ 3,87%. Bộ Giao thông vận tải cũng vượt kế hoạch về vận tải và riêng ngành Đường sắt đã hạ được giá thành xuống thấp hơn mức kế hoạch. Doanh số ngoại thương năm 1962 cũng tăng so với năm 1961.

Bên cạnh những tiến bộ mới, còn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế khả năng tăng thu cho ngân sách; việc quản lý kinh tế - kỹ thuật chưa bảo đảm được giá trị thương phẩm, chất lượng, và khả năng tiêu thụ sản phẩm; việc quản lý tài chính chưa thúc đẩy được sản xuất tiết kiệm, chưa bảo đảm được kỷ luật tài chính, kỷ luật thu nộp đủ và đúng kỳ hạn; quản lý vốn lưu động còn lỏng lẻo; việc đi sâu giám đốc chặt chẽ các hoạt động kinh tế còn chưa làm được tốt; đối với nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau, cơ quan tài chính chưa kịp thời cùng với các ngành kiên quyết khắc phục; hệ thống tài chính cũng như các tổ chức tài vụ ở các xí nghiệp, các ngành, chưa phát huy đầy đủ chức năng kiểm soát bằng đồng tiền của mình để thúc đẩy sản xuất và hạch toán.

2- Thu về thuế đạt 104,8% mức dự toán, so với năm 1961 tăng 10,4%:

- Thuế nông nghiệp thu đạt 103,3% kế hoạch, so với năm 1961 bằng 96,5%, vì phải miễn giảm thiên tai và trích thêm cho quỹ tích lũy của hợp tác xã hơn 40.000 tấn thóc.

- Thuế công thương nghiệp thu đạt 105% kế hoạch, so với năm 1961 tăng 14,2%, trong đó thu vào quốc doanh 261tr,2 tăng 14,6% so với năm 1961, thu vào hợp tác xã và cá thể 54tr,7 tăng 12,4% so với năm 1961.

Những kết quả đạt được như vậy nói lên sự cố gắng của công tác thuế đã phấn đấu khắc phục khó khăn nhiều mặt để thực hiện nhiệm vụ tích lũy vốn cho Nhà nước, đồng thời phục vụ quản lý kinh tế. Ở một số nơi đã thực hiện được việc bước đầu đi sâu vào hoạt động kinh tế, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy hạch toán kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh và thúc đẩy quản lý thị trường tự do.

Song mặt khác, điều cần chú ý nhất là vấn đề thất thu cho ngân sách nhà nước vẫn còn nghiêm trọng. Sở dĩ như vậy một phần là do chưa tổ chức thực hiện tốt việc quản lý thu chặt chẽ ở các cơ sở kinh tế quốc doanh và tập thể. Đối với thị trường tự do, việc quản lý thu thuế vẫn còn nhiều chỗ sơ hở, lỏng lẻo. Những nguyên nhân quan trọng của việc thất thu là nhận thức của một số nơi đối với công tác thuế còn chưa đúng, coi đó như là một việc thu tiền ghi sổ, mơ hồ cho rằng đã là hợp tác xã rồi thì không phải quản lý nữa, hoặc phủ nhận vai trò của cơ quan thuế đối với hợp tác xã, chưa thấy đấy là một yếu tố để tích lũy vốn, tăng thu cho ngân sách, là một điều kiện trọng yếu để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, cũng như chưa thấy rõ tác dụng của thuế trong việc đi sâu, thúc đẩy hạch toán kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã, tích cực góp phần quản lý thị trường tự do, ngăn ngừa đầu cơ nâng giá, điều tiết những thu nhập bất hợp lý, v.v.. Do đó, cho nên trước yêu cầu tích lũy vốn, trước tình hình thất thu còn nghiêm trọng, đáng lẽ phải nghiêm chỉnh thi hành chỉ thị của Trung ương và Chính phủ là tăng cường hệ thống tổ chức thu quốc doanh và thuế từ Trung ương đến cơ sở thì có nơi lại điều động sử dụng chưa hợp lý tổ chức này, làm cho nó bị suy yếu. Tình hình đang đòi hỏi phải được bổ khuyết để đi sâu giám đốc được các mặt hoạt động kinh tế và bảo đảm được việc chấp hành chế độ thuế, chế độ thu nộp đối với từng xí nghiệp quốc doanh, từng hợp tác xã cũng như đối với các tiểu thương cá thể, dựa vào đó mà tăng thu cho ngân sách.

3- Sử dụng tiền viện trợ và vay đạt 109,9% kế hoạch, so với năm 1961 tăng 28,7%, chủ yếu là do nhập thiết bị và nguyên vật liệu vượt kế hoạch trong đó một số lớn thiết bị và vật tư khác về, nhưng chưa sử dụng đến.

Về chi:

Tổng số chi dự trù là 1.679tr,819, thực hiện 1.720tr941 đạt 102,4% kế hoạch, tăng 10,1% so với 1961.

1- Chi về kiến thiết kinh tế đạt 106,1% kế hoạch, chiếm tỷ trọng 59,6% trong ngân sách nhà nước (tỷ trọng trong kế hoạch dự toán là 57,6%) và so với năm 1961 tăng 8,6%.

Số chi về kiến thiết kinh tế vượt kế hoạch 6,1% chủ yếu là do phải cấp thêm vốn kiến thiết cơ bản 28tr để thanh toán số thiết bị nhập về ngoài kế hoạch và hơn 30tr cấp thêm vốn lưu động và vật tư dự trữ để giải quyết số vật tư, sắt thép cuối năm nhập về nhiều.

Chi về công nghiệp nặng bằng 101,1% kế hoạch; về công nghiệp nhẹ 125,4% kế hoạch, chủ yếu là vì phải cấp thêm vốn kiến thiết cơ bản.

Chi về thủy lợi bằng 101,3% kế hoạch, do tăng thêm chi phí sự nghiệp cho các trạm máy bơm.

Chi về giao thông vận tải bằng 107,2% kế hoạch vì phải cấp phát thêm vốn kiến thiết cơ bản để thanh toán thiết bị ngoài nước nhập về ngoài kế hoạch.

2- Chi về văn xã đạt 98,1% kế hoạch, chiếm 17,4% số thu trong nước của ngân sách, so với năm 1961 tăng 4,9%.

Trong tổng số chi về văn xã thì chi về giáo dục (kể cả về đào tạo, huấn luyện cán bộ) chiếm 65,8%. Hai năm gần đây chi về giáo dục và huấn luyện tăng lên khá nhanh: so với năm 1960, năm 1962 chi về các trường đại học tăng 15,5%, về các trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 52,1%, về các trường sơ cấp và các lớp huấn luyện tăng 68,2%. Tuy nhiên, công tác quản lý sử dụng kinh phí chưa chặt chẽ và tiết kiệm. Ngoài ra, việc quản lý quỹ học phí cũng chưa tốt, có nơi sử dụng không đúng chế độ.

Đối với các sự nghiệp văn xã có thu tiền của nhân dân, việc quản lý thu nói chung còn lỏng lẻo.

3- Chi về hành chính và quốc phòng đạt 101,9% kế hoạch.

Chi về quản lý hành chính vượt kế hoạch vì việc quản lý biên chế và tiền lương chưa được chặt chẽ; chủ trương giảm nhẹ biên chế chưa được thực hiện đầy đủ như dự kiến đầu năm nên chỉ tiêu biên chế và quỹ lương bị vượt. Tuy nhiên, việc tiết kiệm mua sắm ở cơ quan hành chính trong năm 1962 đã có tiến bộ.

Sau đây xin báo cáo một số vấn đề cụ thể:

a) Vốn kiến thiết cơ bản:

Số chi về vốn kiến thiết cơ bản của ngân sách nhà nước đạt 103,7% kế hoạch, so với năm 1961 tăng 4,5%, trong đó vốn trong nước bằng 99,7% dự toán, vốn ngoài nước bằng 113,4% dự toán.

Số vốn cấp phát trên đây không những bảo đảm hoàn thành kế hoạch khối lượng mà còn dùng để thanh toán nợ nần về khối lượng năm trước, khối lượng làm ngoài kế hoạch và thiết bị về ngoài kế hoạch.

Số chi năm 1962 về kiến thiết cơ bản đã bảo đảm đưa vào sản xuất, sử dụng 44 công trình trên hạn ngạch bao gồm 17 công trình công nghiệp, 8 công trình thủy lợi, 5 công trình giao thông bưu điện, 17 công trình dân dụng.

Công tác kiến thiết cơ bản năm 1962 có những tiến bộ đáng kể như: việc xét duyệt thiết kế, dự toán của các công trình do Trung ương quản lý có chặt chẽ hơn trước; công tác thi công cũng đã tiến thêm một bước, đã đi vào trình tự; năng suất lao động của ngành kiến trúc đạt 101,4% kế hoạch, bằng 107,2% so với năm 1961; theo thống kê 10 tháng thì trong số 329 định mức được áp dụng có 260 định mức đã đạt hoặc vượt mức từ 1 đến 106%; vật liệu ở các công trường cũng đã bước đầu được chú ý thu dọn gọn hơn, xi măng, gỗ được tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên hiệu quả vốn đầu tư còn bị hạn chế, lãng phí trong kiến thiết cơ bản vẫn còn phổ biến và nghiêm trọng:

- Hoàn thành công trình chậm, không bảo đảm thời gian: kế hoạch dự trù đưa 60 công trình vào sản xuất, sử dụng, nhưng chỉ hoàn thành được có 44 và thường là chậm từ 1 đến 3 quý. Công trình xi măng mở rộng, phân xưởng sợi Nhà máy 8-3 không bảo đảm thời gian hoàn thành đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất công nghiệp.

- Việc quản lý nhân lực ở các công trường nói chung chưa chặt chẽ, điều động không kịp thời, luôn luôn xảy ra tình hình nhân lực nơi thừa, nơi thiếu; bộ máy gián tiếp của nhiều công trường quá lớn. Định mức trả công lao động chưa quản lý tốt, nên có nơi trả lương quá cao.

- Về quản lý vật liệu thì có hiện tượng thiếu vật liệu, và ở một số địa phương có lúc thiếu gạch nghiêm trọng, làm cho công trường phải chờ đợi; việc phân phối, vận chuyển vật liệu chưa hợp lý, do đó nhiều công trường phải tự đi mua lấy, làm cho giá thành vật liệu lên cao. Việc tổ chức bảo quản và xuất nhập vật liệu chưa được tốt.

- Tình hình sử dụng máy móc thi công còn nhiều lãng phí. Máy móc phân tán ở các Bộ và chưa được quản lý chặt chẽ nên số đưa ra sử dụng chỉ vào khoảng 50% và công suất sử dụng còn rất thấp.

- Kế hoạch tài vụ kiến thiết cơ bản chưa vững chắc do kế hoạch khối lượng tính toán chưa sát. Việc cấp phát vốn kiến thiết cơ bản chưa có tác dụng thúc đẩy việc đưa nhanh công trình vào sử dụng; cấp phát khoản tạm ứng để chuẩn bị vật liệu còn quá rộng, theo dõi sử dụng vốn còn lỏng lẻo. Công tác tài vụ kế toán kiến thiết cơ bản chưa được tăng cường đúng mức, bộ máy phụ trách tài vụ và kế toán ở các ngành, ở công trường nói chung còn yếu.

b) Vốn lưu động:

Vốn lưu động ngân sách nhà nước đã cấp thêm cho các Bộ, các ngành, so với dự toán vượt đến 27,8%, tăng 54,7% so với năm 1961.

Cấp vượt dự toán là do sản xuất của các xí nghiệp có tăng lên, nhưng mặt khác cũng do tình hình vật tư ứ đọng lại phát triển nghiêm trọng hơn trước ở nhiều ngành Nội thương, Ngoại thương, Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ …

Trong quản lý vốn lưu động có hiện tượng thiếu kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, nên định mức không sát thực tế, tình trạng vượt định mức là phổ biến. Một số ngành dùng vốn lưu động chi cho kiến thiết cơ bản hoặc tạm ứng… gây ra tình trạng thiếu vốn, nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau, chậm nộp lợi nhuận cho Nhà nước…

c) Vốn cho vay dài hạn:

Ngân sách nhà nước năm 1962 đã cấp thêm 20 triệu để bổ sung vốn cho vay dài hạn của Ngân hàng Nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nghề cá, nghề muối và nghề thủ công.

Trong năm1962, công tác cho vay dài hạn đã có nhiều tiến bộ hơn năm 1961, việc sử dụng vốn đã được chặt chẽ hơn. Việc mở rộng cho vay dài hạn đối với hợp tác xã đã có tác dụng về mặt giải quyết nhu cầu về sức kéo (điều hòa trâu, bò cày) cho hợp tác xã nông nghiệp, thuyền lưới cho hợp tác xã nghề cá, một số vốn thiết bị cho hợp tác xã thủ công nghiệp. Đi đôi với việc cho vay dài hạn, việc cho vay ngắn hạn cũng được mở rộng và đã giải quyết được một phần chi phí sản xuất cho hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu là phân, giống. Việc cho vay khai hoang đã giải quyết một phần vốn cho các tổ chức khai hoang.

Đến cuối năm 1962, số dư nợ cho vay dài hạn là 73tr,2 về nông nghiệp, 28tr,4 nghề cá.

Số vốn Nhà nước bỏ ra khá lớn, nhưng nhìn chung lại thì thấy cơ sở vật chất và kỹ thuật của khu vực kinh tế hợp tác xã chưa được tăng cường bao nhiêu, hiệu quả kinh tế của tiền vốn Nhà nước cho vay còn thấp kém: cho vay chưa tập trung vào các khâu chính, có tác động trực tiếp đến sản xuất, cho vay thủy lợi nông cụ chưa nhiều; cho vay chưa kết hợp chặt chẽ với khả năng cung cấp vật tư. Đặc biệt là cho vay hợp tác xã nghề cá khá nhiều bình quân mỗi hộ nợ trên 520đ, có nơi như Thái Bình, Hải Phòng trên 1.400đ, Ninh Bình trên 2.500đ… nhưng số thuyền và công cụ khác tăng lên không tương xứng. Việc cho vay vốn nhà nước chưa kết hợp chặt chẽ với khuyến khích tiết kiệm và sử dụng vốn tích lũy của hợp tác xã; công tác thu nợ để bồi dưỡng nguồn vốn, mở rộng cho vay, chưa được chú ý đúng mức. Nợ lâu năm, khê đọng lên đến hàng chục triệu.

Ngân sách địa phương:

Ngân sách địa phương năm 1962 ước thực hiện như sau: thu 307tr2 (kể cả 28tr,8 do ngân sách trung ương trợ cấp); chi 295tr,7; bội thu 11tr,5.

Ngân sách dành cho địa phương trong mấy năm nay ngày càng tăng. Năm 1960 được 20,4% tổng số thu trong nước của ngân sách nhà nước, năm 1961: 21,2%, năm 1962: 22,1%. Thu cố định của ngân sách địa phương cũng tăng lên nhanh nhờ sự phát triển của công nghiệp địa phương. Nguồn thu của địa phương trước đây dựa vào thuế là chủ yếu, đến nay số thu về xí nghiệp và sự nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (năm 1962 là 32,7% tổng số thu của địa phương).

Về chi thì số vốn dành cho kiến thiết kinh tế và văn xã cũng mỗi năm mỗi tăng về con số tuyệt đối cũng như về tỷ trọng trong ngân sách địa phương.

 

1960

1961

1962

Số chi

159tr,6

191tr,9

225tr,4

Tỷ trọng

65,6%

74,3%

76,2%

Năm 1962, các địa phương tiếp tục mở rộng việc giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp về đào tạo cán bộ tài vụ và kế toán, củng cố quản lý hợp tác xã.

Tuy nhiên sự tăng cường quản lý kinh tế và tài chính ở địa phương chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Tài chính nhà nước ở mỗi địa phương là công cụ để phục vụ sự phát triển kinh tế và văn hóa ở địa phương nhưng chưa được sử dụng tốt vào nhiệm vụ này. Hoạt động tài chính ở mỗi địa phương còn phải bảo đảm những nhiệm vụ thu, chi của Trung ương trong phạm vi mỗi địa phương, và kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh tế và sự nghiệp của Trung ương ở địa phương nhưng về mặt này các địa phương cũng còn nhiều thiếu sót, tài chính của địa phương chưa thực sự gắn liền với tài chính của Trung ương, chưa thật là một bộ phận của hệ thống tài chính thống nhất của Nhà nước.

PHẦN THỨ HAI

DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

Năm 1963 là năm thứ ba của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trên cơ sở những thành tích đã đạt được trong hai năm 1961 - 1962, chúng ta phải ra sức phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn còn lại, nghiêm chỉnh sửa chữa những thiếu sót trong việc quản lý kinh tế và tài chính để bảo đảm cho nền kinh tế quốc dân một bước phát triển mới đồng thời củng cố thêm nữa quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao thêm mức sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Nhiệm vụ tài chính nhà nước năm 1963 là: "Ra sức góp phần bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1963, ra sức tăng thu, tiết kiệm chi hơn nữa; bảo đảm nhu cầu xây dựng cơ bản có trọng điểm; giúp đỡ hợp tác xã; bảo đảm các nhu cầu khác của Nhà nước và tăng cường lực lượng dự trữ của Nhà nước về tài chính, vật tư và ngoại tệ. Phải tăng cường hơn nữa việc giám đốc tài chính và kinh tế, đưa công tác quản lý đi vào nguyên tắc, chế độ chặt chẽ. Phải góp phần thiết thực ổn định vật giá, củng cố tiền tệ, giải quyết dần đến các khó khăn tồn tại trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện đời sống nhân dân thêm một bước".

Quán triệt tinh thần tích cực và vững chắc của kế hoạch nhà nước năm 1963, và dựa vào các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước, dự án ngân sách nhà nước năm 1963 dự trù.

Tổng số thu là 1.779tr,288 tăng 2,1% so với năm 1962.

Tổng số chi là 1.779tr,288 tăng 3,4% so với năm 1962.

Về thu:

Số thu trong nước dự trù là 1.432tr,788 tăng 4,5% so với năm 1962. Số thu về viện trợ và vay là 335tr, bằng 94,9% năm 1962.

Số thu trong nước tăng 4,5% so với năm 1962 trong khi tổng sản lượng công nông nghiệp tăng 9% (công nghiệp tăng 12,3%, nông nghiệp tăng 7,4%) và thu nhập quốc dân tăng khoảng 8%, là có tính toán đến những mặt khó khăn còn tồn tại trong nền kinh tế nước ta nhất là về mặt thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp, kế hoạch thu mua, kế hoạch xuất nhập khẩu. Nếu tình hình phát triển bình thường và nếu cố gắng đầy đủ thì số thu dự trù trên đây là con số tối thiểu, cần phải vượt, và trên cơ sở đó mở mang thêm một số công việc nhất định, hiện nay chưa ghi vào ngân sách.

Dưới đây, xin trình bày các loại thu, theo mục lục mới của ngân sách, có phân biệt theo khu vực sở hữu: toàn dân hay tập thể và cá thể.

Thu về xí nghiệp:

Tổng số thu về xí nghiệp quốc doanh dự trù là 1.174tr,1 chiếm tỷ trọng 81,9%, trong tổng số thu trong nước, bao gồm thu quốc doanh và thuế công doanh (thuế công thương nghiệp do các quốc doanh đóng) 285tr,246 tăng 5,8% so với năm 1962; thu lợi nhuận và các khoản thu khác của xí nghiệp 888tr,854, tăng 3,5% so với năm 1962.

I- THU QUỐC DOANH VÀ THUẾ CÔNG DOANH

1- Thu quốc doanh dự trù 67tr760 là tính theo diện thu hiện nay. Nếu so với số thu của năm 1962 (đã loại trừ phần của 1961 chuyển sang) thì tăng 14%. Năm 1963 sẽ mở rộng diện thu quốc doanh, nên những khoản hiện còn thu phân tán ở hai khâu thuế công doanh và lợi nhuận sẽ được tập trung thu vào khâu thu quốc doanh.

2- Thuế công doanh dự trù 217tr,486, tăng 8,1% so với năm 1962; số thu này tính toán căn cứ theo các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về sản xuất và lưu thông.

II- THU VỀ LỢI NHUẬN VÀ CÁC KHOẢN THU KHÁC
CỦA XÍ NGHIỆP

Dự trù 888tr,854, tăng lên 3,5% so với năm 1962, cụ thể như sau:

- Bộ Công nghiệp nặng dự trù thu 107tr,5 tăng 5,3% so với năm 1962, trên cơ sở giá trị tổng sản lượng tăng 15%, giá thành hạ 0,6% so với năm 1962. Giá bán hàng cơ khí, cao su và apatít bán nội địa có điều chỉnh xuống, xí nghiệp super lân tăng sản xuất nhiều nhưng tỷ lệ lãi rất ít: nếu không tính các yếu tố đó thì so với năm 1962, số thu năm nay của Bộ Công nghiệp nặng có thể tăng 16%, tương xứng với mức tăng về giá trị sản lượng và mức hạ giá thành ghi trong kế hoạch Nhà nước. Các chỉ tiêu sản lượng có khả năng thực hiện vượt mức trong các ngành than, thủy tinh, xe đạp… Giá thành cơ khí, super lân, hóa chất, than… cũng có khả năng hạ hơn kế hoạch, nếu quản lý xí nghiệp tốt thì số thu còn có thể tăng hơn.

- Bộ Công nghiệp nhẹ dự trù thu 102tr,5 tăng 10,5% so với năm 1962, trên cơ sở giá trị sản lượng tăng 11,6%, giá thành hạ 2,9%. Năm 1963, giá bán giấy cho ngành giáo dục hạ hơn năm trước; một số xí nghiệp mới bước vào sản xuất (bóng đèn phích nước, hóa chất Đức Giang…), sản xuất và giá thành chưa ổn định nên chưa tính thu lãi cho ngân sách.

Nếu bảo đảm kịp thời nguyên liệu, nếu sản xuất thêm các mặt hàng đồ sứ, nhựa, tráng men … thích hợp với thị trường trong nước thì có khả năng tăng năng suất, hạ giá thành hơn mức kế hoạch và thu nhiều hơn mức dự trù ngân sách.

- Tổng cục điện lực, dự trù thu chỉ bằng 88,3% năm 1962, trong khi sản lượng điện bán ra tăng 11% giá thành điện hạ 1,3%, chủ yếu là vì giá điện bán ra hạ hơn trước.

- Tổng cục Lâm nghiệp, dự trù thu 10tr,788 bằng 77,7% năm 1962, một phần vì việc phân phối gỗ cho các hợp tác xã và nhân dân được chuyển sang Bộ Nội thương phụ trách.

Để đảm bảo nhu cầu về gỗ, và tăng thu cho ngân sách, cần ra sức cải tiến khâu khai thác, bảo đảm tẩm gỗ và tỷ lệ gỗ tốt, nâng cao công suất thiết bị, cải tiến vận xuất và vận chuyển gỗ, cải tiến quản lý tài chính trong toàn ngành lâm nghiệp.

- Tổng cục Thủy sản, dự trù thu 10tr,5 tăng 25,6% so với năm 1962, trên cơ sở giá trị sản lượng tăng 36%, doanh số bán ra tăng 35%, phí hạ 10%. Các hoạt động của ngành thủy sản có những chuyển biến tốt từ cuối năm 1962, nếu tiếp tục tiến lên thì có thể vượt số thu kể trên.

- Bộ Giao thông vận tải, dự trù thu 80tr,2 tăng 5,1% so với năm 1962, trong đó lãi ngành vận tải tăng 16% trên cơ sở doanh thu tăng 24%. Khối lượng vận chuyển tăng chủ yếu là ở hai bộ phận đường sông và đường biển, nhưng ở hai bộ phận này giá thành còn cao nên lãi của ngành vận tải thu cho ngân sách không tăng lên tương xứng với doanh thu.

- Bộ Nội thương, dự trù thu 148tr tăng 9,1% so với năm 1962, trên cơ sở doanh số bán ra tăng 15,8%, nhưng phí lưu thông cao hơn năm 1962, do mở rộng kinh doanh về thực phẩm phụ và nhận kinh doanh thêm gỗ và muối là những mặt hàng phí lưu thông cao.

- Bộ Ngoại thương, dự trù thu 276tr,220 tăng 2,8% so với năm 1962. Căn cứ vào các chỉ tiêu xuất nhập đã được ghi kế hoạch nhà nước thì số chênh lệch giá cả thu về ngoại thương có thể tăng hơn số dự trù trên đây. Lợi nhuận của các công ty địa phương và các xí nghiệp công nghiệp phụ thuộc cũng có khả năng tăng nhiều, nếu quản lý phí lưu thông tốt hơn, giảm được tỷ lệ hàng hỏng, hàng không đúng quy cách hơn nữa.

Tuy nhiên, vì hoạt động ngoại thương còn phụ thuộc vào điều kiện thu mua hàng xuất khẩu, cho nên cần dự trù số thu trên tinh thần vững chắc. Với việc cải tiến quản lý tài chính trong toàn ngành ngoại thương quá áp dụng chế độ "thu chênh lệch ngoại thương", có nhiều khả năng thu vượt dự trù.

III- THU SỰ NGHIỆP

Dự trù 44tr,827 tăng 57,3% so với năm 1962, trong đó về:

- Lâm nghiệp 17tr,746 tăng 16,9% so với năm 1962 là tiền bán khoán lâm sản.

- Thủy lợi 6tr,022 tăng 55,2% so với năm 1962 là tiền thủy lợi phí thu thêm do hệ thống nông giang được mở rộng. Tuy nhiên để đẩy mạnh vụ đông - xuân năm 1962 - 1963, Chính phủ đã quyết định miễn giảm thủy lợi phí đối với một số vùng bị hạn phải sử dụng máy bơm.

- Giao thông vận tải 11tr,026 tăng 115% so với năm 1962, là phí tổn sửa đường, năm 1963 thu theo biểu thu mới nhằm bảo đảm đủ kinh phí về sửa chữa thường xuyên đường xá và cầu phà.

IV- THUẾ THU VÀO KHU VỰC TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ

1- Thuế công thương nghiệp, dự trù 98tr,375, tăng 3,3% so với năm 1962, là căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về sản xuất và lưu thông, có tính đến khả năng chống thất thu. Muốn bảo đảm nhiệm vụ thu như trên, đồng thời góp phần tích cực vào việc quản lý kinh tế tập thể, củng cố quan hệ hợp tác xã và quản lý thị trường, thu hồi tiền mặt, bình ổn vật giá, củng cố tiền tệ, cần tăng cường tổ chức thu từ Trung ương đến địa phương và tăng cường lãnh đạo đối với công tác thuế công thương nghiệp.

Theo tinh thần phấn đấu quản lý thu thuế công thương nghiệp đối với kinh tế tập thể và cá thể chặt chẽ hơn, thì số thu thuế công thương nghiệp ghi ngân sách có thể vượt được.

2- Thuế nông nghiệp dự trù 92tr,028 bằng 97,3% năm 1962, vì diện tích đất chịu thuế có giảm đi một ít mà diện tích khai hoang mới thì chưa đến hạn nộp thuế. Mặt khác, năm nay dự định thu vụ hạ ít hơn năm 1962, để điều hòa mức đóng góp cho sát với thu nhập vụ chiêm hơn, đồng thời có miễn giảm theo chính sách cho một số tỉnh bị lụt, bão vào cuối 1962 (thu vụ đông 1962 ghi vào thu của ngân sách 1963).

Sử dụng tiền vay và viện trợ:

Căn cứ vào kim ngạch năm 1963, số tiền vay và viện trợ có thể sử dụng để bổ sung cho vốn trong nước là 335tr bằng 94,9% năm 1962, đại bộ phận là để nhập thiết bị và nguyên vật liệu.

Về chi:

Căn cứ vào số thu ngân sách năm 1963 tăng lên có hạn, dựa theo các phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước, việc phân phối vốn ngân sách đã cố gắng quán triệt tinh thần: tập trung vốn vào các nhiệm vụ chính, tăng cường giúp đỡ cho nông nghiệp, đồng thời tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật thêm một bước, ra sức sử dụng vốn hợp lý và tiết kiệm, đồng thời dành lực lượng dự bị để đề phòng các việc đột xuất và đề phòng mùa màng thất bát… tránh bị động chung.

Tổng số chi dự trù là 1.779tr,288 tăng 3,4% so với năm 1962.

Vốn tích lũy là 984tr, chiếm tỷ trọng 55,3% trong ngân sách. Vốn tiêu dùng là 716 tr,8, chiếm tỷ trọng 40,2%. Trả nợ nước ngoài chiếm tỷ trọng 1,9%. Dự bị phí 2,6%.

Dự án ngân sách nhà nước năm 1963 phân phối như sau:

Chi về kiến thiết kinh tế là 1.034tr371 chiếm tỷ trọng 58,1 trong ngân sách nhà nước.

Chi về văn hóa xã hội là 234tr,463 chiếm tỷ trọng 13,2%.

Chi về quốc phòng và quản lý hành chính là 345tr,874 bằng 100,9% so với năm 1962, chiếm tỷ trọng 19,4%.

Sau đây chúng tôi xin báo cáo một số vấn đề cụ thể:

1- Chi về kiến thiết cơ bản:

Căn cứ vào chỉ tiêu khối lượng kiến thiết cơ bản ghi trong kế hoạch nhà nước, số cấp phát vốn kiến thiết cơ bản của ngân sách nhà nước năm 1963 là 820tr, bằng 95,1% năm 1962, trong đó vốn trong nước là 573tr bằng 98,3% năm 1962 và chiếm 39,6% số thu trong nước.

Vốn kiến thiết cơ bản dành cho công nghiệp chiếm tỷ trọng 45,5% trong tổng số vốn kiến thiết cơ bản; số vốn dành cho nông nghiệp, bao gồm cả Bộ Nông trường, chiếm tỷ trọng 19,3%, trong đó số vốn kiến thiết cơ bản về thủy lợi tăng hơn năm 1962: 14,2% và chiếm tỷ trọng 8,2%; vốn kiến thiết cơ bản về văn xã và hành chính chiếm tỷ trọng 12,1%.

Việc phân phối như trên nhằm tập trung vốn vào xây dựng thêm cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công nghiệp và nông nghiệp.

Để bảo đảm nhiệm vụ kiến thiết cơ bản năm 1963, cần kiên quyết chấp hành trình tự kiến thiết cơ bản của Nhà nước, kiên quyết giảm giá dự toán thiết kế của các công trình thêm một tỷ lệ nữa so với giá hiện nay, tăng cường quản lý thi công và kiên quyết hạ giá thành xây dựng hơn nữa, tổ chức việc sử dụng máy móc, thiết bị và nhân lực của các ngành xây lắp tốt hơn, tổ chức sản xuất và cung cấp vật liệu ở gần nơi xây dựng, cải tiến khâu cung cấp và dự trữ vật liệu theo nguyên tắc vốn ít nhất mà vẫn bảo đảm thi công liên tục, kiên quyết giảm bớt số nhân lực thừa trong các công trường, xí nghiệp xây dựng.

Cần cải cách chế độ giá cả vật liệu trong kiến thiết cơ bản theo hướng thống nhất và ổn định giá cả cung cấp vật liệu tại chỗ cho các công trường, phần chênh lệch về giá cả nơi gần bù nơi xa do Nhà nước giải quyết với cơ quan cung cấp như đối với các công ty mậu dịch vậy.

Phải đưa việc quản lý kiến thiết cơ bản ở địa phương vào nề nếp, tăng cường quản lý tài vụ kiến thiết cơ bản địa phương.

Tăng cường tổ chức và chỉ đạo công tác Ngân hàng Kiến thiết.

Trên cơ sở phấn đấu tăng thu tài chính hơn nữa thì trong quá trình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, có thể nghiên cứu đầu tư thêm vào kiến thiết cơ bản để mở rộng sản xuất.

2. Chi về vốn lưu động và dự trữ vật tư:

Vốn lưu động dự trù cấp thêm trong năm 1963 là 107tr tăng 4,3% so với năm 1962; vốn dự trữ vật tư cấp thêm là 15tr tăng 20,9%.

Ngoài phần vốn cấp thêm cho các xí nghiệp cũ (nông trường và một số xí nghiệp công nghiệp), cho các xí nghiệp mới bước vào sản xuất, phần quan trọng của số vốn lưu động tăng thêm nằm ở khâu lưu thông: đó là hậu quả của tình hình ứ đọng vật tư và hàng hóa của năm 1962 để lại mà phải giải quyết lâu dài mới thanh toán xong được. Như vậy, cấp thêm vốn ngân sách là cần thiết và có tác dụng giải phóng một số vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước đang bị kẹt vào việc dự trữ dài ngày.

Vấn đề quan trọng hiện nay là ra sức giải phóng số vật tư, và thiết bị ứ đọng ở các xí nghiệp, các cục cung tiêu thuộc các Bộ, các kho mậu dịch và ngoại thương, ở Tổng cục Vật tư.

3. Chi về cho vay dài hạn:

Để tiếp tục giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho khu vực tập thể, củng cố quan hệ tập thể, đẩy mạnh sản xuất phát triển, số vốn cấp thêm cho Ngân hàng Nhà nước để cho vay dài hạn là 42tr, gấp 2 lần năm 1962. Trong điều kiện vốn nhà nước có hạn mà cấp thêm vốn cho vay như vậy là một sự cố gắng lớn của Nhà nước. Vấn đề quan trọng nhất là sử dụng hợp lý số vốn đó, có biện pháp cho vay như thế nào để phát huy được đầy đủ hiệu lực của số tiền bỏ ra, tránh tình trạng hợp tác xã ỷ lại vào Nhà nước; cho vay mới phải đi đôi với tích cực thu hồi nợ đến hạn.

4. Chi về sự nghiệp kiến thiết kinh tế và kinh phí chuyên dùng:

Số chi về sự nghiệp kiến thiết kinh tế kể cả về thăm dò địa chất và kinh phí chuyên dùng, dự trù 115tr,2 bằng 104,5% năm 1962.

Các sự nghiệp khảo sát thăm dò phục vụ nông nghiệp (khảo sát thủy địa chất, khảo sát sông Lô, sông Thương, khảo sát sông Hiếu về lâm nghiệp…), các sự nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, về thủy sản, các trạm máy kéo, máy bơm, trạm giống…, công việc sửa chữa cầu, phà và đường sá đều được bảo đảm đủ vốn.

Số dự trù chi trên đây là đã tính toán theo sát phương châm sử dụng vốn tập trung hơn, hợp lý và tiết kiệm hơn. Nếu quản lý tốt số vốn này thì còn có thể giảm chi hơn nữa; riêng đối với kinh phí chuyên dùng thì cần tập trung sử dụng vào công việc cải tiến kỹ thuật, chế thử sản phẩm mới, bảo đảm an toàn lao động, còn việc mua sắm thiết bị linh tinh và kiến thiết cơ bản linh tinh thì cần hạn chế.

5. Chi về sự nghiệp văn hóa - xã hội:

Mặc dầu mấy năm qua chi về sự nghiệp văn xã đã tăng tương đối nhanh nhưng năm 1963, vẫn cố gắng bảo đảm tốc độ phát triển tương đối với tốc độ tăng thu tài chính trong nước.

- Chi về sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ, dự trù 121tr,5 nhằm bảo đảm tốc độ phát triển hợp lý về giáo dục phổ thông, đại học và chuyên nghiệp (102,4tr tăng 12,3% so với năm 1962) còn về các lớp huấn luyện ngắn ngày thì phải giảm đi nhiều so với năm 1962. Nếu sắp xếp lại các trường lớp cho thích hợp, chi hợp lý và tiết kiệm hơn thì với số vốn dự trù, sự nghiệp giáo dục còn có điều kiện phát triển mạnh hơn.

- Chi về sự nghiệp y tế, dự trù 34,5tr tăng 16% so với năm 1962.

- Chi về các hoạt động văn hóa, dự trù 12 tr tăng 4% so với năm 1962.

- Chi về nghiên cứu khoa học, dự trù 15,6tr tăng 9% so với năm 1962. Với sự phối hợp giữa các ngành, nếu công việc nghiên cứu khoa học được tổ chức theo một phương hướng chung nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề về sản xuất và đời sống thì số kinh phí năm 1963 đủ bảo đảm nhu cầu phát triển của công tác này.

- Chi về trợ cấp vườn trẻ: Chính phủ đã giao cho Tổng công đoàn Việt Nam thống nhất quản lý công tác vườn trẻ và năm 1963 dự trù trợ cấp một số kinh phí là 3,7tr giao cho Tổng công đoàn sử dụng cho các vườn trẻ.

6. Về ngân sách địa phương:

Dự án ngân sách nhà nước năm 1963 phân phối cho ngân sách địa phương là 311tr. Phần do ngân sách địa phương tự thu là 273,9tr tăng 5% so với năm 1962. Phần của Trung ương trợ cấp là 33,4tr. Tổng số chi tăng 5% so với năm 1962.

Phân phối như trên là nhằm giúp đỡ các địa phương số vốn cần thiết để phát triển kinh tế và văn hóa theo các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và yêu cầu của công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương. Ngân sách chi của địa phương năm 1963 dự kiến phân phối như sau:

Vốn kiến thiết cơ bản 109tr (năm 1962 103tr)

Vốn lưu động 12,6 (năm 1962 13,1tr)

Sự nghiệp kinh tế 34 (năm 1962 31,1tr)

Sự nghiệp văn xã 83 (năm 1962 78tr)

Quản lý hành chính 58 (năm 1962 60,8tr)

Chi khác 14 (năm 1962 9,5tr).

Nếu kể cả số kết dư năm 1962 để lại cho các địa phương và số vốn động viên qua xổ số kiến thiết, thì dự toán của ngân sách địa phương năm 1963 lên đến 325tr,2 tăng 9,3% so với năm 1962 và bằng 22,5% số thu trong nước của ngân sách nhà nước (năm 1962 là 22,1%).

Với số vốn tăng lên cả về con số tuyệt đối cũng như về tỷ lệ so với tổng số thu (trong nước) của ngân sách nhà nước như vậy, các địa phương có đủ khả năng tài chính để bảo đảm khối lượng công việc của Trung ương phân cấp cho địa phương quản lý ngày càng nhiều. Điều quan trọng là các địa phương cần tăng cường quản lý kinh tế và tài chính, đi sâu vào kiểm tra công tác của các ngành, các xí nghiệp kể cả các ngành các xí nghiệp của Trung ương, giúp đỡ đẩy mạnh khai thác khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc dân, tăng thu và tiết kiệm chi hơn nữa cho ngân sách, góp phần thiết thực đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi địa phương, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

PHẦN THỨ BA

ĐẢM BẢO THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

Ngân sách nhà nước năm 1963 thực hiện trong hoàn cảnh nền kinh tế quốc dân còn một số khó khăn lớn: cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, cân đối vật tư lương thực và tiền tệ là những vấn đề đòi hỏi phải cố gắng lâu dài mới giải quyết được. Ngoài ra, cần đề phòng những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp có thể ảnh hưởng đến nguồn thu tài chính nhà nước, trong khi đó thì yêu cầu chi lại tăng lên do chưa thể tính toán được hết một số khoản cần thiết như chi về giúp đỡ nhân dân chống hạn, về giúp đỡ tăng cường quản lý hợp tác xã, giúp đỡ khai hoang, chi về vốn dự trữ các vật tư ứ đọng chưa tiêu thụ ngay được…

Tuy nhiên tình hình năm 1963 cũng có những thuận lợi căn bản: sản xuất phát triển một cách vững chắc hơn, các mặt cân đối được điều chỉnh tốt hơn; phong trào thi đua của quần chúng được đẩy lên một bước, cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống quan liêu, lãng phí, tham ô" sẽ góp phần cải tiến quản lý thu chi tài chính trong các ngành, các đơn vị.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức ngân sách nhà nước năm 1963, cần áp dụng những biện pháp sau đây:

1- Phải thực hiện tốt những biện pháp về tăng cường quản lý sản xuất, quản lý kinh tế, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đã đề ra trong kế hoạch nhà nước. Phải tăng cường chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp, đơn vị, giữa địa phương với Trung ương. Phải kế hoạch hóa việc cân đối vật tư một cách chu đáo; từ khâu nhập khẩu hay sản xuất trong nước đến khâu dự trữ, cung cấp.

2- Trong công tác kiến thiết cơ bản, phải kiên quyết chấp hành trình tự kiến thiết cơ bản theo quy định của Nhà nước, tích cực giảm giá dự toán thiết kế của các công trình thêm một tỷ lệ nữa so với giá hiện nay; tăng cường quản lý thi công và kiên quyết hạ giá thành xây dựng hơn nữa. Phải đưa việc quản lý kiến thiết cơ bản ở địa phương vào nền nếp, tăng cường quản lý tài vụ kiến thiết cơ bản ở địa phương. Tăng cường tổ chức và chỉ đạo công tác của Ngân hàng Kiến thiết.

3- Phải đẩy mạnh thanh toán nợ nần dây dưa, tiến tới chấm dứt tình trạng nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau và vốn nhà nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giải quyết hàng ứ đọng, động viên các tài sản và hàng ứ đọng ra sử dụng.

4- Phải cải tiến công tác quản lý tài chính, bổ sung hoặc sửa đổi các chính sách và chế độ tài chính cho phù hợp với yêu cầu tăng cường quản lý kinh tế và tài chính năm 1963; trước hết cải tiến chế độ thu của Nhà nước: mở rộng chế độ thu quốc doanh, tiến hành thu chênh lệch ngoại thương.

Phải tăng cường hệ thống tổ chức tài chính, tài vụ và kế toán nhà nước từ Trung ương đến các địa phương và các đơn vị cơ sở; tăng cường bộ máy thu thuế ở các địa phương và tăng cường chỉ đạo công tác thuế từ Trung ương đến địa phương.

Ra sức đào tạo cán bộ kế toán và tài vụ cho các cơ quan, xí nghiệp và cho các hợp tác xã nông nghiệp thủ công nghiệp… đồng thời tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ công tác quản lý tài vụ hợp tác xã.

5- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác tài chính ở Trung ương cũng như ở địa phương, ở các ngành, các xí nghiệp, các đơn vị cơ sở. Phải nghiêm chỉnh thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ là thủ trưởng các cấp, các ngành, các đơn vị phải thiết thực phụ trách việc quản lý tài chính và phát huy chức năng tài chính làm công cụ để giám đốc có kết quả các hoạt động kinh tế. Thủ trưởng các ngành các cấp cần phải trực tiếp nghiên cứu các chỉ tiêu về thu chi tài chính, các báo cáo về công tác quản lý tài chính, tự mình thường kỳ kiểm tra hoạt động tài chính trong ngành, trong đơn vị mình phụ trách và đề ra những biện pháp để ngày càng cải tiến công tác quản lý tài chính được tốt hơn.

Thưa các vị đại biểu,

Dự án ngân sách nhà nước năm 1963 được xây dựng dựa vào các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1963. Theo kế hoạch đó, năm 1963 sẽ có những bước phát triển mới trong nền kinh tế nước ta. Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và dựa vào những sự cố gắng chung của các ngành, các cấp nhằm tăng cường quản lý kinh tế tài chính, tăng cường hệ thống tài chính nhà nước, nhiệm vụ thu chi tài chính năm 1963 sẽ được thực hiện tốt để bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963.

Chúng tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội thảo luận và phê chuẩn bản dự án ngân sách nhà nước 1963.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.