VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ QUỐC DÂN 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT
VÀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

(Do ông Tôn Quang Phiệt, Chủ nhiệm Uỷ ban trình bày
tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II, ngày 04-5-1963)

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Ủy ban chúng tôi đã nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ và đã thẩm tra bản dự án kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất, và kế hoạch năm 1963 do Chính phủ trình trước Quốc hội.

Sau đây là ý kiến của Ủy ban chúng tôi.

I

Trước hết, chúng tôi cho rằng cần đánh giá đúng những thành tích mà nhân dân ta đã giành được trong 5 năm qua trong công cuộc xây dựng đất nước. Sau khi xét các mặt về cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, phát triển sản xuất, cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân..., chúng tôi nhất trí nhận định rằng, trong 5 năm qua, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn.

Trong khoảng hơn hai năm, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã được tiến hành nhanh, gọn, tốt; đã giành được thắng lợi quyết định, và đã bắt đầu phát huy tác dụng tích cực của nó, thể hiện rõ tính ưu việt của quan hệ sản xuất mới, của một chế độ kinh tế không có người bóc lột người.

Từ một nền kinh tế thuộc địa, phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc, yếu ớt, không cân đối, thể hiện ở trình độ cơ sở vật chất - kỹ thuật rất lạc hậu và một cơ cấu rất bất hợp lý, chỉ trong khoảng 5 năm sau khi khôi phục kinh tế, ngày nay chúng ta đã phát triển một bước lực lượng sản xuất, xây dựng được một cái vốn cơ sở vật chất - kỹ thuật đầu tiên của chủ nghĩa xã hội và đang biến đổi cơ cấu kinh tế cũ theo hướng tiến lên của chủ nghĩa xã hội.

- Quan hệ sản xuất mới với cơ sở vật chất - kỹ thuật mới cho phép chúng ta phát triển sản xuất, phát triển kinh tế và văn hóa với một tốc độ tương đối nhanh.

Trên cơ sở sản xuất phát triển, Đảng và Nhà nước chúng ta chăm lo không ngừng cải thiện đời sống, thực hiện một chế độ phân phối phù hợp với bản chất mới của chế độ miền Bắc nước ta, làm cho mọi người lao động có công ăn việc làm, có ăn, có mặc, có học hành. Nhân dân lao động ta hiểu rất rõ thắng lợi to lớn ấy khi họ so sánh cuộc sống ngày nay với cuộc sống cũ, khi mà nạn đói là tai họa kinh niên ở miền Bắc; nạn thất học là phổ biến trong xã hội đối với quần chúng lao động.

Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang xây dựng một nền kinh tế tự chủ, một nền kinh tế tuy còn kém phát triển, nhưng đầy sức sống lành mạnh và đang tiến từng bước lên chủ nghĩa xã hội, không qua con đường tư bản chủ nghĩa. Thắng lợi đó đã giành được qua muôn vàn khó khăn gian khổ; và chính vì chúng ta hiểu rõ những khó khăn gian khổ đó nên chúng ta càng nhận rõ thắng lợi đã giành được là to lớn, sự chuyển biến cách mạng mà chúng ta đang trải qua là vĩ đại.

Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa và đời sống xã hội chủ nghĩa ấm no, hạnh phúc chỉ có thể có được trong một xã hội không những chỉ dựa trên cơ sở quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mà còn phải dựa trên một cơ sở vật chất - kỹ thuật mạnh mẽ, có một nền tảng công nghiệp nặng hiện đại phát triển và một nền nông nghiệp hiện đại, cân đối với công nghiệp.

Chúng ta mới thực sự bước vào thời kỳ lấy xây dựng làm trọng tâm trong vòng hai năm nay, cho nên chúng ta chưa thoát khỏi tình trạng cơ sở vật chất - kỹ thuật non yếu và nông nghiệp lạc hậu, chưa thoát khỏi tình trạng lao động thủ công còn phổ biến trong xã hội. Nhược điểm chính và khó khăn chính của ta là ở đấy. Chỉ cần nhắc lại một vài nét cơ bản sau đây để thấy hết tính chất lạc hậu và mất cân đối: 95% lao động xã hội còn là lao động thủ công; trong công nghiệp chỉ có 20% sản phẩm là thuộc công nghiệp hiện đại; trong nông nghiệp bình quân ruộng đất mỗi người trên dưới 3 sào với mức độ cơ giới hóa 7%; nền kinh tế của ta còn lạc hậu và không cân đối như vậy, nhưng tốc độ tăng dân số hàng năm là 3,7%. Khắc phục tính chất lạc hậu và không cân đối ấy là cả một quá trình cách mạng gian khổ. Trong cả quá trình lâu dài và gian khổ ấy, chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn và đang tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới to lớn hơn nữa. Đó là một quá trình biến đổi cách mạng nhằm khắc phục mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là: Một bên là yêu cầu phát triển khách quan của xã hội rất lớn; xã hội mới đòi hỏi phải tích lũy và xây dựng cơ bản nhiều và nhanh, phát triển sản xuất nhanh, phải phát triển văn hóa - giáo dục nhanh, phải cải thiện đời sống vật chất và văn hóa nhanh; một bên là khả năng phát triển sản xuất của ta tăng lên chưa kịp, vì nước ta còn nghèo, vốn ta còn ít, cơ sở vật chất - kỹ thuật của ta còn yếu, trình độ văn hóa - khoa học - kỹ thuật của ta còn thấp. Mâu thuẫn to lớn ấy chỉ có thể khắc phục từng bước, bằng lao động anh dũng và ngày càng có năng suất cao của nhân dân ta.

Chính những thắng lợi trong 5 năm qua và bản chất tốt đẹp của chế độ ta tạo ra cho ta những khả năng và thuận lợi to lớn. Những khả năng và thuận lợi đó là: Nền kinh tế của ta chủ yếu đã dựa trên cơ sở quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhân dân lao động làm chủ Nhà nước, làm chủ kinh tế; lực lượng sản xuất đã bước đầu phát triển, cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu được xây dựng; chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân biết nghề và đã có kinh nghiệm quản lý kinh tế hơn trước, tư tưởng xã hội chủ nghĩa được nâng cao dần và đang trở thành hệ tư tưởng phổ biến trong nhân dân ta; chúng ta lại có sự hợp tác và giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Những khả năng và thuận lợi ấy cho phép ta giải quyết từng bước mâu thuẫn nói trên với điều kiện là chúng ta phải khắc phục những khuyết điểm chủ quan, nhất là trong vấn đề quản lý kinh tế.

Nhìn lại 5 năm qua, thực tiễn chứng minh đường lối của Đảng là đúng, nhưng chúng ta còn phạm nhiều khuyết điểm trong việc định ra những phương hướng cụ thể và những chính sách, chủ trương, biện pháp, trong việc kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, trong việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện và trong vấn đề quản lý cụ thể từng đơn vị kinh tế, như trong bản báo cáo của Chính phủ đã trình bày.

Chính những khuyết điểm ấy đã hạn chế một phần những thành tích trong 5 năm qua.

Tóm lại, sau khi xét các mặt, Uỷ ban chúng tôi nhất trí với bản báo cáo của Chính phủ nhận định rằng: Mặc dù chúng ta đã gặp nhiều khó khăn và phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng trong 5 năm qua, chúng ta đã giành được những thắng lợi bước đầu to lớn trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là những thắng lợi đánh dấu một sự chuyển biến cách mạng vĩ đại ở miền Bắc nước ta.

II

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã đề ra mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) là "phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".

Các phương hướng và nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch 5 năm đã được nêu ra trong bản cáo cáo của Chính phủ là dựa vào phương hướng nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng. Chúng tôi hoàn toàn tán thành các phương hướng nhiệm vụ cụ thể đó và những chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm lần này. Nó được xây dựng trên cơ sở kết hợp vận dụng đường lối của Đảng với kinh nghiệm thực tiễn mấy năm qua. Điều đó làm cho những chỉ tiêu của kế hoạch có cơ sở khoa học và thực tiễn, và có tính tích cực, vững chắc.

Dưới đây chúng tôi xin lưu ý các đại biểu về một số vấn đề cơ bản trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất:

1- Phát triển công nghiệp

Kế hoạch 5 năm đề ra nhiệm vụ tập trung lực lượng ra sức xây dựng bước đầu cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước nhiệm vụ trung tâm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Trong kế hoạch 5 năm chúng ta phải ra sức phát triển công nghiệp, thực hiện ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề phát triển mạnh mẽ ngành cơ khí là ngành then chốt. Cần tập trung giải quyết tốt việc phát triển công nghiệp cơ khí để có điều kiện trang bị cơ khí và nửa cơ khí cho nông nghiệp, cho giao thông vận tải, cho nghề đánh cá biển, khai thác gỗ và cho các ngành kinh tế khác. Thực hiện công nghiệp hóa chính là làm cách mạng kỹ thuật, là cải tạo nền kinh tế chủ yếu dựa trên lao động thủ công thành một nền kinh tế sản xuất cơ giới hóa và nửa cơ giới hóa, nhằm đạt đến một năng suất lao động cao trong xã hội, do đó mà tăng nhanh tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân.

Căn cứ vào kinh nghiệm mấy năm nay, chúng tôi hoàn toàn tán thành nhận định là phải xác định sớm và đúng đắn phương hướng trang bị kỹ thuật cho các ngành, sớm tiến hành quy hoạch và quy định nhiệm vụ cho các nhà máy cơ khí hiện có, cố gắng sử dụng hết năng lực cơ khí hiện có và sẽ phát triển thêm; trên cơ sở quy hoạch và phân vùng kinh tế, thực hiện chuyên môn hóa và hiệp tác hóa giữa các xí nghiệp với nhau, phân công cụ thể giữa công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương, giữa công nghiệp và thủ công nghiệp.

Nói chung yêu cầu phát triển công nghiệp trong 5 năm là phải phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp, phải làm cho công nghiệp trước hết là công nghiệp nặng phục vụ nông nghiệp một cách đắc lực hơn, và chỉ có như vậy mới có thể giúp cho nông nghiệp phát triển và đóng vai trò cơ sở cho công nghiệp.

Quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp là một vấn đề cơ bản của nền kinh tế quốc dân. Phải giữ vững đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, nhưng tập trung việc phát triển công nghiệp vào phục vụ nông nghiệp, phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp, trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp, phải đáp ứng những yêu cầu của nông nghiệp về xây dựng công trình thủy lợi, về phân bón, về điện phục vụ nông nghiệp v.v.. Uỷ ban chúng tôi cũng nhận thấy rằng vấn đề nguyên liệu là một khó khăn và nhược điểm lớn của nền kinh tế quốc dân. Cho nên chúng ta cần nhấn mạnh khâu công nghiệp sản xuất nguyên liệu để xây dựng cơ sở nguyên liệu của nền công nghiệp dân tộc, chú trọng xây dựng cơ sở gang thép, hóa chất cơ bản, nghiên cứu việc xây dựng cơ sở nguyên liệu cho ngành dệt, khai thác hết những tài nguyên quan trọng sẵn có của ta để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, đồng thời để tăng nguồn vật tư xuất khẩu.

Trong khi giữ vững đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, chúng ta lại phải tiếp tục tích cực phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, cung cấp hàng tiêu dùng cho nhân dân, do đó mà giải quyết từng bước mâu thuẫn giữa cung cầu, giữa khối lượng hàng và tiền, giải quyết vấn đề thu chi tài chính và tăng thêm tích lũy vốn để mở rộng tái sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Nền công nghiệp trẻ tuổi của ta đang được xây dựng và ngày càng có năng lực sản xuất lớn. Vấn đề tối trọng yếu là phải khai thác hết năng lực của ta, ra sức giải quyết tốt các mặt cân đối trong công nghiệp (nguyên liệu, thiết bị, lao động, vốn v.v.), sử dụng tốt công suất máy móc, khai thác hết năng lực tiềm tàng trong công nghiệp. Uỷ ban chúng tôi tin rằng với những nhiệm vụ và biện pháp cụ thể đã đề ra, nếu chúng ta tập trung lãnh đạo làm tốt cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô lãng phí quan liêu" thì nhất định chúng ta có điều kiện thực hiện vượt chỉ tiêu tốc độ bình quân hơn 17% của dự án kế hoạch đã đề ra.

2- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp

Nền nông nghiệp của ta còn lạc hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp còn rất yếu, vì công nghiệp chưa cung cấp đủ máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu... cho nông nghiệp. Vì vậy, nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, muốn phát triển công nghiệp phải phát triển nông nghiệp một cách cân đối, bảo đảm nông nghiệp làm cơ sở cho công nghiệp phát triển.

Qua mấy năm gần đây, chúng ta càng thấy rõ với nền nông nghiệp lạc hậu, với một năng suất thấp, tăng giảm bất thường, có năm không tăng, với một nền nông nghiệp có tỷ suất hàng hóa thấp và phát triển chậm thì không thể đưa toàn bộ nền kinh tế quốc dân phát triển lên nhanh được. Cho nên chúng ta phải rất chăm lo đến vấn đề nông nghiệp.

Nhưng với điều kiện trong kế hoạch 5 năm, chúng tôi cho rằng tốc độ bình quân 6,5% là vừa phải, phương hướng sản xuất và cơ cấu giữa lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi như trong dự án kế hoạch là hợp lý. Vấn đề cơ bản trong nông nghiệp là thâm canh tăng năng suất, đó là đường lối canh tác và kinh doanh cơ bản của nông nghiệp xã hội chủ nghĩa. Năng suất thấp và tăng chậm là nhược điểm lớn trong mấy năm nay. Năng suất dự trù trong dự án kế hoạch 5 năm là vững chắc và chúng ta phải và có thể phấn đấu vượt mức năng suất ấy. Để xác định đúng đắn phương hướng sản xuất nông nghiệp và bảo đảm tốc độ tăng bình quân 6,5%, cần phải tiến hành phân vùng kinh tế, phân vùng sản xuất nông nghiệp. Chỉ có trên cơ sở phân vùng sản xuất nông nghiệp và xác định phương hướng sản xuất của từng vùng từng địa phương và từng hợp tác xã mới có thể thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, kết hợp chuyên môn hóa sản xuất với phát triển tổng hợp một cách đúng đắn trong từng vùng, mới có thể đẩy mạnh năng suất và nâng cao tỷ suất hàng hóa trong nông nghiệp. Có phân vùng và xác định phương hướng sản xuất đúng đắn mới có thể tạo điều kiện giải quyết tốt cơ cấu của nền nông nghiệp, tức là bảo đảm phát triển cân đối lương thực (bao gồm lúa và hoa mầu), chăn nuôi và cây công nghiệp.

Muốn thực hiện thâm canh tăng năng suất, đồng thời khai hoang tăng diện tích, vấn đề then chốt là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp. Cần hết sức chú trọng các biện pháp kỹ thuật nhất là nước và phân, đồng thời cần có những biện pháp kinh tế thích đáng, như chính sách thu mua nông sản, cung cấp tư liệu sản xuất và cung cấp hàng công nghệ phẩm cho nông thôn..., tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.

Cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc" và chỉ có một sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước xã hội chủ nghĩa thì nền nông nghiệp lạc hậu ấy mới có thể tiến lên thành một nền nông nghiệp đại sản xuất xã hội chủ nghĩa được.

3- Đẩy mạnh ngoại thương

Ngoại thương đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân. Chúng ta phải dựa vào ngoại thương để trang bị kỹ thuật, để tích lũy vốn và để thực hiện hợp tác quốc tế với các nước anh em. Chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, và Uỷ ban chúng tôi cho rằng cần xem những chỉ tiêu xuất khẩu ghi trong dự án kế hoạch là những chỉ tiêu tối thiểu. Phải có một sự phấn đấu to lớn trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp và phải kiên quyết để dành vật tư cho xuất khẩu mới có thể tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu để cố gắng thực hiện cân bằng xuất nhập, xóa bỏ tình trạng nhập siêu hiện nay; chỉ có đẩy mạnh xuất thì mới có điều kiện tăng nhập thỏa mãn những nhu cầu ngày càng lớn của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Uỷ ban chúng tôi tán thành bản báo cáo nêu cao vai trò của ngoại thương trong kế hoạch 5 năm, và cần làm cho mọi người nhận thấy rõ nhiệm vụ to lớn này để ra sức phục vụ cho xuất khẩu, phục vụ bằng sản xuất, bằng thu mua, bằng tiết kiệm tiêu dùng trong nước. Đồng thời như vậy là cũng đòi hỏi ngành ngoại thương phải ra sức cải tiến nhanh chóng công tác, cải tiến nghiệp vụ theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ rất to lớn.

4- Nội thương

Để phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống, trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cần phải ra sức đẩy mạnh và cải tiến công tác nội thương. Nội thương phải bảo đảm mở rộng giao lưu hàng hóa, tăng cường quan hệ kinh tế giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã. Phải cải tiến công tác cung cấp và phân phối hàng hóa. Phải củng cố và tăng cường lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với lực lượng tiểu thương, chống đầu cơ tích trữ.

Khó khăn chính hiện nay của ta là cung cầu về hàng hóa không thăng bằng, khối lượng hàng và tiền không cân đối, giá cả có phần không ổn định. Nguyên nhân sâu xa của tình hình ấy là do mức sản xuất còn thấp, trong lúc nhu cầu tăng lên rất nhanh. Kế hoạch 5 năm có nhiệm vụ giải quyết một bước mâu thuẫn ấy. Nhưng vấn đề không chỉ ở sản xuất mà còn phải làm tốt công tác thương nghiệp, công tác thu mua, phân phối hàng hóa, kết hợp tốt việc quản lý thị trường với quản lý tiền tệ, và bình ổn vật giá. Ngành nội thương phải ra sức cải tiến nghiệp vụ, ra sức kích thích sản xuất, phục vụ nhu cầu sản xuất và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Nước ta còn nghèo, sản xuất còn kém, đời sống tất nhiên còn nhiều khó khăn. Nhưng chính vì như vậy nên Uỷ ban chúng tôi cho rằng Chính phủ cần hết sức quan tâm cải tiến khâu lưu thông, bảo đảm thực hiện tốt chỉ tiêu tăng mức hàng hóa bán lẻ bình quân hàng năm trên 6%, và nhanh chóng cải tiến chất lượng của công tác nội thương, giải quyết tốt vấn đề cung cấp lương thực - thực phẩm, cho thành thị và khu công nghiệp, hàng tiêu dùng công nghệ phẩm và tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng cho nông thôn.

5- Vấn đề lao động

Nói đến lao động, tức là nói đến phân công lao động và năng suất lao động. Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là quá trình cách mạng kỹ thuật và phân công lao động mới nhằm có một năng suất lao động cao hẳn hơn trước. Trong kế hoạch 5 năm chúng ta phải tiến hành sắp xếp, tổ chức, sử dụng lực lượng lao động xã hội, thực hiện một sự phân công lao động mới phù hợp với quy luật phân bố lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Di sản của xã hội cũ và kinh tế cũ là một phân công lao động bất hợp lý, không cân đối giữa các ngành và cả giữa các khu vực. Những sự bất hợp lý và những yêu cầu phân bổ lại lực lượng lao động nêu trong báo cáo của Chính phủ là đã rõ ràng. Trong mấy năm nay, chúng ta làm kém mặt này và chậm cải tiến tình trạng bất hợp lý cũ, thậm chí tạo ra những bất hợp lý mới trong một chừng mực nhất định. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Chính phủ phải tăng cường hơn nữa công tác kế hoạch lao động tổng hợp và kế hoạch lao động trong từng ngành và từng vùng, và hết sức tăng cường việc quản lý lao động.

Một vấn đề then chốt trong kế hoạch 5 năm là năng suất lao động. Hiện nay năng suất lao động của ta còn quá thấp, trong mấy năm qua tăng lên chậm và không đều. Ngay trong công nghiệp là ngành có năng suất lao động cao hơn nông nghiệp nhiều mà trong giá trị sản lượng công nghiệp tăng hàng năm thì chỉ có khoảng 50% là do tăng năng suất lao động, còn 50% là do tăng thêm số người lao động. Nhiều xí nghiệp vượt kế hoạch biên chế và tiền lương mà không đạt kế hoạch tăng năng suất và hạ giá thành. Đó là một vấn đề rất đáng phê phán, vì đó là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố quyết định của nền kinh tế quốc dân, và đó là nhược điểm chính làm chậm tốc độ tích lũy và cải thiện đời sống.

Uỷ ban chúng tôi cho rằng chúng ta còn nhiều khả năng tiềm tàng để tăng hệ số sử dụng công suất thiết bị máy móc và tăng năng suất lao động. Chúng tôi đồng ý với những chỉ tiêu đề nghị và mong rằng các cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh tế ra sức thực hiện và vượt những chỉ tiêu ấy.

6- Về văn hóa

Uỷ ban chúng tôi nhận thấy rằng dự án kế hoạch đã chú trọng thích đáng vấn đề phát triển văn hóa - giáo dục, và bảo vệ sức khỏe, xem đó là những mặt vô cùng trọng yếu của toàn bộ kế hoạch kinh tế quốc dân, nhằm đẩy mạnh cuộc cách mạng tư tưởng, xây dựng và rèn luyện con người mới có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, có văn hóa - khoa học và kỹ thuật, nâng cao sức khỏe của nhân dân, xây dựng những con người xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Uỷ ban chúng tôi tán thành những phương hướng và nhiệm vụ cụ thể những chỉ tiêu về biện pháp nêu lên trong báo cáo của Chính phủ, trong giáo dục, chúng tôi xin lưu ý đến vấn đề phát triển hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục đại học và chuyên nghiệp một cách cân đối với phát triển kinh tế, theo một quy mô và tốc độ thỏa đáng, và tập trung sức nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cán bộ quản lý kinh tế và cán bộ kỹ thuật một cách tích cực và thiết thực. Uỷ ban chúng tôi tán thành chủ trương xúc tiến việc cải cách giáo dục xem đó là một yêu cầu cấp thiết của cách mạng miền Bắc và đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc nghiên cứu và tích cực thực hiện công cuộc cải cách ấy.

7- Phát triển kinh tế miền núi

Miền núi của chúng ta có một vị trí kinh tế và quốc phòng rất quan trọng. Chúng ta cần phải khai thác hết những tiềm lực về kinh tế ở miền núi để phục vụ cho việc phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi. Muốn vậy phải tổ chức đồng bào miền xuôi lên tham gia xây dựng kinh tế miền núi. Kinh tế miền xuôi và miền núi là một thể thống nhất trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế miền núi tức cũng là phân bố lại sức sản xuất, tạo ra một sự phân công lao động xã hội mới theo ngành và theo lãnh thổ, khai thác tiềm lực của miền núi tài nguyên phong phú, đất rộng người thưa và tổ chức lại kinh tế miền xuôi đất ít người đông. Các ngành, các cơ quan đều phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn vấn đề phát triển kinh tế miền núi và Chính phủ cần giải quyết tốt mọi chính sách nhằm khuyến khích những người lao động ở đồng bằng và đô thị hăng hái đi lên miền núi cùng với đồng bào miền núi khai thác khả năng giầu có ở miền núi của chúng ta, phát triển kinh tế của cả miền Bắc và thực hiện chính sách dân tộc tốt đẹp của Đảng.

8- Tăng cường tích lũy để tăng vốn đẩy mạnh xây dựng cơ bản, đồng thời ra sức cải thiện từng bước đời sống nhân dân

Bất cứ chế độ xã hội nào muốn phát triển sản xuất, thực hành tái sản xuất mở rộng cũng cần phải tích lũy. Mục đích của chế độ ta là xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa có nền sản xuất cao, trên cơ sở đó nâng cao không ngừng mức sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Muốn phát triển sản xuất, không có cách nào khác là phải tích lũy vốn để mở rộng xây dựng cơ bản, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Trong điều kiện một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đầu, vấn đề tích lũy lại càng vô cùng quan trọng mà cũng có rất nhiều khó khăn. Trong 5 năm qua, chúng ta đã xây dựng một nền tài chính ngày càng tiến bộ, xây dựng được một ngân sách 80% dựa vào thu nhập trong nước và ngày càng có thêm vốn để mở rộng xây dựng cơ bản. Nhưng tốc độ tăng trong mấy năm nay không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa. Uỷ ban chúng tôi đồng ý về những chỉ tiêu và biện pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ nhằm tăng cường tích lũy, trên cơ sở nền công nghiệp và nông nghiệp của chúng ta ngày càng phát triển phân phối tích lũy một cách hợp lý, nhất là để xây dựng cơ bản, và tăng nhanh hiệu quả vốn đầu tư.

Một vấn đề cơ bản là bảo đảm quan hệ đúng đắn giữa tích lũy và tiêu dùng.

Không ngừng cải thiện đời sống nhân dân là bản chất, là mục đích của chế độ ta. Nhưng hiện nay, chúng ta phải cải thiện đời sống trên cơ sở một nền sản xuất của xã hội còn lạc hậu, một năng suất lao động còn thấp.

Tích lũy và tiêu dùng vốn là thống nhất. Trong điều kiện ngày nay, chúng ta phải đề xướng tinh thần làm ăn cần cù, tiêu dùng dè xẻn, tiết kiệm đồng tiền hạt gạo để tích lũy và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, để có một năng suất lao động cao; và chỉ có năng suất cao mới có thể nâng cao được đời sống một cách vững chắc và lâu dài.

Chúng ta đều biết rằng mục tiêu của mọi chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Chúng ta phải lo cho hiện tại, đồng thời phải lo cho tương lai, vừa chăm lo cải thiện đời sống trước mắt, vừa chăm lo tích lũy để xây dựng lâu dài đất nước của chúng ta. Uỷ ban chúng tôi tán thành quan điểm và chủ trương về việc cải thiện đời sống trước mắt từng bước và có trọng điểm như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, tức là: phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động; phải tập trung sức, giải quyết những nhu cầu cấp bách của đời sống; và phải thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu của quy luật phân phối theo lao động để bồi dưỡng sức lao động, kích thích nhiệt tình lao động của quần chúng, đồng thời chú trọng đúng mức đến trẻ em, người già, người mất sức lao động v.v..

Uỷ ban chúng tôi cho rằng cần làm cho nhân dân lao động, cho công nhân viên chức hiểu hết khó khăn và yêu cầu của công cuộc xây dựng, có một quan niệm và thái độ đúng đắn trong vấn đề đời sống, phấn khởi trước những thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân ở miền Bắc, cũng như trước những thắng lợi của cách mạng ở miền Nam. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng phải đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải hết sức xem trọng thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm, bảo đảm mức cải thiện đời sống từ nay đến cuối năm 1965 bằng những biện pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.

9- Những vấn đề cân đối trong kế hoạch

Cân đối là yêu cầu chủ yếu, là phương pháp cơ bản của công tác kế hoạch. Nền kinh tế quốc dân của ta vốn không cân đối, và trong mấy năm qua, những sự mất cân đối bộc lộ ra rất rõ rệt. Kế hoạch 5 năm chính là phải điều chỉnh lại một bước những quan hệ cân đối trong nền kinh tế quốc dân.

Uỷ ban chúng tôi nhận thấy rằng theo kinh nghiệm trong mấy năm nay vấn đề cân đối là một mặt nhược điểm lớn của ta trong khi lập cũng như trong khi thực hiện kế hoạch. Do đó chúng tôi đề nghị phải hết sức chú ý vấn đề ấy, và cố gắng thực hiện được tốt hơn những mặt cân đối lớn sau đây:

- Cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp - cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng - cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng - cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu - cân đối giữa các ngành kinh tế quốc dân và giữa các vùng, và các mặt cân đối tổng hợp như cân đối lao động, cân đối tài chính - tiền tệ và vật tư. Trong nội bộ từng ngành sản xuất cũng phải bảo đảm cân đối, như trong sản xuất công nghiệp bảo đảm cân đối nguyên liệu, thiết bị, sản xuất, tiêu thụ. Trong sản xuất nông nghiệp bảo đảm cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa cây lương thực và cây công nghiệp, giữa chỉ tiêu biện pháp và vật tư kỹ thuật, v.v.. Nói tóm lại phải dần dần đưa nền kinh tế nước ta phát triển cân đối và vững chắc hơn.

III

Thưa các đồng chí đại biểu,

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và của các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, lần thứ 7; với sự nỗ lực của toàn dân ta việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962 đã đạt được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1962 không hoàn thành. Vì vậy, cuối năm 1962 nền kinh tế của ta vẫn còn nhiều mặt mất cân đối. Bước vào kế hoạch năm 1963 chúng ta phải cố gắng giải quyết dần tình trạng mất cân đối của nền kinh tế quốc dân.

Nhiệm vụ, phương hướng và chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1963:

Uỷ ban chúng tôi nhất trí nhận định rằng, trên cơ sở thắng lợi của kế hoạch nhà nước năm 1962, tiếp tục thực hiện phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, kế hoạch nhà nước năm 1963 được lập ra với tinh thần tích cực và vững chắc.

Uỷ ban chúng tôi tán thành những phương hướng nhiệm vụ của kế hoạch năm 1963 nêu lên trong bản báo cáo của Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội. Qua những chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch nhà nước năm 1963 và kết hợp với tình hình thực hiện kế hoạch quý I theo báo cáo của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban chúng tôi thấy cần nhấn mạnh những vấn đề quan trọng như sau:

- Về sản xuất nông nghiệp: Căn cứ vào tình hình hạn hán trong vụ đông - xuân này, muốn đạt được tốc độ tăng 5,5% so với năm 1962, chúng ta còn phải phấn đấu gian khổ. Chúng ta đều biết cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền nông nghiệp nước ta còn rất lạc hậu, nền nông nghiệp còn phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều, năng suất lao động trong nông nghiệp quá thấp.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng chúng ta phải nỗ lực thực hiện cho kỳ được tốc độ nói trên, nếu không thì chúng ta không thể nào bảo đảm được nhu cầu đời sống và nhu cầu của công nghiệp hóa. Đặc biệt cần chú trọng rằng do hạn hán đầu năm nay, diện tích hoa mầu và cây công nghiệp đạt được thấp so với kế hoạch. Hoa mầu ngày càng chiếm địa vị quan trọng trong mức ăn và có địa vị quyết định đối với chăn nuôi. Khó khăn đầu năm đòi hỏi ta phải phấn đấu rất khẩn trương mới bảo đảm được các chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp bằng cách tích cực chăm bón cây trồng, tích cực phòng hạn và chống hạn, tranh thủ vụ hè thu và vụ mùa để bù vào chỗ thiếu hụt của vụ đông - xuân, nhất là mầu và cây công nghiệp.

Kế hoạch đã tính toán bảo đảm giữa trồng trọt và chăn nuôi có một tỷ lệ cân đối, cụ thể là trong chăn nuôi phải bảo đảm chỉ tiêu 4.360.000 con lợn, và 2.370.000 con trâu bò. Có bảo đảm chăn nuôi thì mới có phân cung cấp cho trồng trọt, tăng năng suất cây trồng và ngược lại tăng được năng suất cây trồng thì mới bảo đảm chăn nuôi, đó là mối liên hệ rất khăng khít không thể thiếu được trong sản xuất nông nghiệp.

- Về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp:

Giá trị sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1963 là 2.377 triệu đồng, tăng 15,4% so với năm 1962.

Qua quý I, tình hình thực hiện kế hoạch tương đối tốt (99,8% kế hoạch quý), nhưng cũng mới chỉ đạt 23,7% kế hoạch năm. Đặc biệt ngành cơ khí không đạt kế hoạch quý. Tính riêng Bộ Công nghiệp nặng chỉ đạt 97,9% kế hoạch quý, giá trị thương phẩm chỉ đạt 74,2% kế hoạch quý, gỗ chỉ đạt 96% kế hoạch quý. Ngành sản xuất hàng tiêu dùng chỉ đạt 94,5% kế hoạch quý, thủy sản chỉ đạt 75,6% kế hoạch quý.

Tình hình ấy đòi hỏi Chính phủ phải tăng cường lãnh đạo hơn nữa mới có thể hoàn thành được những chỉ tiêu đã đề ra. Muốn vậy, cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề sử dụng công suất thiết bị ở các nhà máy, sử dụng tốt lực lượng sản xuất thủ công, tăng cường trang bị kỹ thuật cho một số khâu trong dây chuyền sản xuất ở các xí nghiệp, giải quyết tốt khâu cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, và đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng sản phẩm.

Kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1963 là một bộ phận rất quan trọng trong kế hoạch xây dựng cơ bản của kế hoạch 5 năm. Qua quý I, xây dựng cơ bản mới chỉ đạt 72,4% kế hoạch quý về tổng mức. Tuy tốc độ thi công có nhanh hơn so với năm 1962, nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch. Cụ thể là kế hoạch quý I quy định phải hoàn thành năm công trình, nhưng mới chỉ hoàn thành hai, một số công trình dân dụng chưa khởi công.

Năm 1963 là năm thứ ba của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Những chỉ tiêu của kế hoạch năm 1963 có tính chất quyết định phần lớn những chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1963 sẽ tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện kế hoạch năm 1964 và 1965 và cũng là cơ sở để hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thắng lợi.

Bước vào thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963 chúng ta đã gặp khó khăn, đó là vụ hạn đông - xuân vừa qua. Đông - xuân bị hạn rất nặng, chưa từng có từ trước đến nay, nhưng nhờ có sự nỗ lực của toàn Đảng toàn dân chúng ta đã giành được thắng lợi bước đầu. Tuy nhiên so với nhiệm vụ kế hoạch năm 1963 thì kết quả thực hiện của nhiều ngành chưa tốt. Tình hình nói chung còn nhiều khó khăn, những mặt không cân đối trong nền kinh tế quốc dân càng bộc lộ thêm rõ rệt.

Nhưng kết quả thực hiện kế hoạch qua quý I cũng cho ta thấy khả năng thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963.

Căn cứ vào những nhận xét trên, Uỷ ban chúng tôi tán thành những chỉ tiêu kế hoạch 1963 mà Chính phủ trình trước Quốc hội và kiến nghị Chính phủ ra sức khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại, nhất là về mặt quản lý kinh tế, tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch.

Với đà thi đua hiện nay, chúng tôi thấy có nhiều triển vọng cho việc hoàn thành kế hoạch nhà nước 1963, mặc dù khó khăn vẫn còn rất lớn.

IV

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Bản báo cáo của Chính phủ đã chú trọng một cách thích đáng đến vấn đề tăng cường quản lý kinh tế tài chính, đẩy mạnh thi đua yêu nước nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch. Uỷ ban chúng tôi thấy cần nhấn mạnh đến những khuyết điểm tồn tại trong công tác và trong bộ máy quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước như nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã đề cập.

Trước đây, công tác kế hoạch hóa chưa quán triệt đầy đủ đường lối phương châm lớn và những yêu cầu khách quan của các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa, cũng như chưa thể hiện sâu sắc những đặc điểm của miền Bắc nước ta; cách làm kế hoạch còn có phần gò bó; không phân biệt rõ những chỉ tiêu pháp lệnh và những chỉ tiêu hướng dẫn, không phát huy hết sáng kiến của địa phương và của quần chúng. Chưa chú ý đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng; các kế hoạch tổng hợp và các bảng cân đối chung còn rất yếu.

Nhưng kế hoạch lập ra rồi, vấn đề quan trọng hơn nữa là thực hiện kế hoạch. Đành rằng do thiếu kinh nghiệm, do thiên tai, có những chỉ tiêu ta đặt ra không đủ vững chắc và không đạt được. Nhưng phải nói rằng nhiều chỉ tiêu có khả năng hiện thực, nhưng vì chỉ đạo thực hiện yếu nên không đạt. Khuyết điểm nổi bật nhất trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch là không quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ. Có thể nói tập trung chưa đủ mà dân chủ cũng chưa đủ, nhất là thiếu tập trung một cách đúng đắn. Tình trạng tổ chức kỷ luật còn lỏng lẻo khá phổ biến là một nguyên nhân trọng yếu gây ra những sự chậm chạp, những sự lúng túng, những sự lãng phí, và những sự mất cân đối và nhịp nhàng trong việc thực hiện kế hoạch. Một sự thể hiện rõ rệt khá phổ biến là tình trạng không nghiêm chỉnh ký kết và chấp hành các hợp đồng kinh tế. Kế hoạch nhà nước là một hệ thống chỉ tiêu liên quan chặt chẽ với nhau, tùy thuộc lẫn nhau, biểu hiện tất cả mối quan hệ cân đối trong nền kinh tế quốc dân. Hợp đồng kinh tế như là những cái đinh ốc nối liền hệ thống mắt xích trong cả sợi dây chuyền của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm tính thống nhất, tính cân đối, tính vững chắc và tính pháp lệnh của kế hoạch. Nhưng cho đến nay một số không ít cơ quan nhà nước và các cơ quan đơn vị kinh tế còn chưa xem trọng đúng mức hợp đồng kinh tế. Cho đến nay đã hết quý I năm 1963 mà nhiều nơi chưa chịu ký hợp đồng kinh tế, nhất là các hợp đồng về thu mua lương thực và nông sản, hợp đồng vận tải và một số hợp đồng sản xuất cơ khí, hợp đồng giữa ngoại thương với các ngành và các tổ chức kinh tế khác v.v..

Chế độ trách nhiệm không rõ ràng, không cụ thể và chế độ thủ trưởng không được tăng cường là một chỗ hở để nuôi dưỡng bệnh quan liêu giấy tờ, bệnh hội họp lề mề, bệnh "nghiên cứu" kéo dài vô thời hạn, và dẫn đến tình trạng không biết quy trách nhiệm về ai một khi công việc chậm trễ hay hư hỏng.

Lần này Quốc hội thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhân dân rất phấn khởi về triển vọng của tình hình ba năm tới như trong đoạn cuối của báo cáo Chính phủ đã nói. Nhưng vấn đề là thực hiện kế hoạch. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội nhấn mạnh vào tính chất pháp lệnh của kế hoạch được Quốc hội thông qua, trước hết đối với Chính phủ và đối với các Bộ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Kế hoạch là pháp lệnh đối với các cơ quan nhà nước, đối với cán bộ công nhân viên. Đã là pháp lệnh thì không thể lỏng lẻo, thực hiện được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Chính phủ phải tiến hành giáo dục và chỉ đạo thực hiện kế hoạch với một tinh thần rất nghiêm túc như tinh thần của bản báo cáo của đồng chí Thủ tướng. Uỷ ban chúng tôi nhận thấy rằng Chính phủ đã có chú ý nhiều đến tình trạng kể trên nhưng việc sửa chữa thì còn chậm.

Để tăng cường bộ máy quản lý kinh tế, Uỷ ban chúng tôi hoàn toàn tán thành những kiến nghị đã nêu lên như: tổ chức cơ quan lập kế hoạch dài hạn, riêng với cơ quan lập kế hoạch hàng năm và giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện kế hoạch; kiện toàn tổ chức quản lý thống nhất các vấn đề lao động và tiền lương v.v..

Uỷ ban chúng tôi tán thành chủ trương nêu trong báo cáo của Thủ tướng là phải đặc biệt tăng cường hai khâu: Bộ và tỉnh. Rất đúng là phải mở rộng quyền cho Bộ trưởng đồng thời phải đòi hỏi Bộ trưởng phải sử dụng hết, sử dụng đúng quyền của mình và chịu trách nhiệm đầy đủ thực hiện kế hoạch nhà nước trước Hội đồng Chính phủ, trước Quốc hội, trước nhân dân. Chúng tôi nói thêm rằng cần phải tăng cường một khâu thứ ba nữa là khâu đơn vị kinh tế cơ sở, xí nghiệp và hợp tác xã, nhất là xí nghiệp quốc doanh.

Để tăng cường khâu quản lý ở cơ sở, Uỷ ban chúng tôi rất tán thành ý kiến mở rộng và củng cố chế độ hạch toán kinh tế và xin lưu ý rằng, để thực hiện được tốt chủ trương ấy, cần chú ý hơn nữa tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị xí nghiệp, xác định và tăng cường các điều kiện không thể thiếu được của hạch toán kinh tế như nguyên tắc xí nghiệp và Giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm về vật chất, nguyên tắc lợi ích vật chất, xúc tiến công tác định mức (lao động - vật tư - vốn) một cách thống nhất, xác định và điều chỉnh hệ thống giá tư liệu sản xuất và giá điều động nội bộ, tăng cường chế độ kỷ luật tài vụ và chế độ tín dụng xã hội chủ nghĩa, tăng cường chức năng kiểm soát bằng đồng tiền của hệ thống tài chính và ngân hàng.

Hiện nay, chế độ hạch toán kinh tế của ta đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng nó còn mang nhiều khuyết điểm và nhược điểm; ở nhiều đơn vị, nó còn mang một phần tính chất hình thức và giả tạo đem lại ít hiệu quả trong việc lãnh đạo và quản lý kinh tế. Chế độ hạch toán kinh tế chưa trở thành một vũ khí sắc bén để thực hành một chế độ tiết kiệm ráo riết, để chống tham ô lãng phí còn nghiêm trọng và để khai thác hết khả năng tiềm tàng, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và tăng tích lũy xã hội chủ nghĩa.

Uỷ ban chúng tôi cũng xin nhấn mạnh vấn đề tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra của Chính phủ, tăng cường hệ thống thống kê, kế toán, tăng cường việc nắm tình hình các Bộ, các địa phương, các cơ sở một cách chính xác, kịp thời, ngăn chặn những hiện tượng báo cáo chậm và báo cáo không đúng sự thật một cách hữu ý.

Cuối cùng, Uỷ ban chúng tôi rất hoan nghênh hai cuộc vận động mà Chính phủ đã đề ra và đang thực hiện, tức là cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô lãng phí quan liêu" và cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc". Làm tốt hai cuộc vận động đó trong vòng ba năm, trước mắt có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong việc động viên lực lượng quần chúng, khai thác hết khả năng tiềm tàng để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

Uỷ ban chúng tôi tin tưởng rằng, nhân dân lao động ta cần cù và anh dũng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam sẽ phấn đấu đạt được những mục tiêu vẻ vang đã đề ra trong dự án kế hoạch.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội thông qua bản dự án kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất và kế hoạch năm 1963 mà Chính phủ đã trình bày.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.