VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ TÌNH HÌNH THU CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
VÀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

(Do ông Đoàn Trọng Truyến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban
trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II, ngày 04-5-1963)

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã nghiên cứu và thảo luận bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1962 và dự án ngân sách nhà nước năm 1963. Uỷ ban chúng tôi đã kết hợp nghiên cứu vấn đề ngân sách với vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa, và đã nghe các báo cáo bổ sung của Bộ Tài chính và của một số ngành có liên quan.

Sau đây chúng tôi xin trình bày với Quốc hội những ý kiến của Uỷ ban chúng tôi đối với bản báo cáo của Chính phủ.

I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1962

1- Ngân sách nhà nước năm 1962 đã được thực hiện tương đối tốt. Thu đã vượt mức dự toán đã điều chỉnh là 3,8%, chi vượt mức dự toán đã điều chỉnh là 2,4% - Thu nhiều hơn chi hơn 22 triệu.

Nền kinh tế của ta trong năm 1962 có khó khăn, nông nghiệp cuối năm bị bão, lụt ở một số địa phương, công nghiệp gặp khó khăn về nguyên liệu, về tiêu thụ, thương nghiệp gặp khó khăn về hàng hóa v.v., nhiều mặt mất cân đối còn tồn tại trong nền kinh tế quốc dân. Trong điều kiện như vậy ngân sách nhà nước đã được thực hiện thu vượt mức, và đã cố gắng bảo đảm các nhu cầu chi rất lớn của Nhà nước, trong đó có nhiều khoản chi đột xuất, và thu lại nhiều hơn chi một ít. Đó là một thành tích quan trọng. Thành tích đó đã góp phần vào việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1962 - đẩy mạnh thêm một bước việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Đạt được thành tích đó là nhờ có đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhờ nhiệt tình của nhân dân và sự cố gắng của các ngành các xí nghiệp, các cơ quan.

2- Trong việc thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1962 cũng còn tồn tại nhiều vấn đề đang hạn chế tốc độ tăng thu của ngân sách nhà nước - và cũng chưa phát huy được đầy đủ hiệu quả của các khoản chi của ngân sách nhà nước:

a) Tốc độ tăng thu trong nước của ngân sách nhà nước năm 1962 là 5,5% so với năm 1961. So với tốc độ phát triển kinh tế năm 1962, cũng như so với tốc độ các năm trước đây, thì năm 1962 thu ngân sách tăng chậm lại.

Đó là do khả năng tiềm tàng của các xí nghiệp quốc doanh chưa được khai thác tốt hơn: tuy năng suất lao động nói chung có tăng, giá thành nhiều ngành quan trọng có hạ hơn kế hoạch, nhưng công suất thiết bị máy móc được sử dụng vẫn còn tương đối thấp, lãng phí lao động và nguyên vật liệu còn nhiều, chất lượng sản phẩm nhiều xí nghiệp chưa được tốt, tỷ lệ sản phẩm dở dang tăng lên, việc tiêu thụ thành phẩm ở nhiều xí nghiệp còn chậm và gặp khó khăn v.v., do đó mà mức tích lũy ở nhiều xí nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ.

Công tác thu thuế đối với các xí nghiệp tập thể và kinh tế cá thể chưa được tăng cường đúng mức, thất thu còn nhiều; việc giám đốc, quản lý, hướng dẫn của Nhà nước đối với các hoạt động của kinh tế tập thể và cá thể còn bị buông lỏng.

Chế độ thu nộp ngân sách nhà nước và kỷ luật thu nộp chưa được tôn trọng đầy đủ, thường thường có tình trạng thu chậmthu không đầy đủ. Việc giám đốc thu nộp đối với từng đơn vị nộp chưa được chặt chẽ.

b) Phương hướng phân phối vốn ngân sách năm 1962 đã chú ý phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Nhà nước. Nhưng việc sử dụng vốn đó của các ngành, các cấp, các đơn vị còn lãng phí, và việc giám đốc chi tiêu của hệ thống tài chính nhà nước còn lỏng lẻo. Vốn kiến thiết cơ bản vẫn sử dụng chưa được tập trung đúng mức, thời gian chuyển vào sản xuất nhiều công trình chưa bảo đảm theo đúng kế hoạch, giá dự toán thường bị vượt, chất lượng một số công trình còn kém. Thiết kế cũng chưa thật tiết kiệm; thi công tuy đã được cải tiến nhưng vẫn còn kéo dài và còn lãng phí, cấp phát và quản lý tài vụ kiến thiết cơ bản chưa phát huy tác dụng giám đốc chặt chẽ nhằm thúc đẩy tốc độ xây dựng, thúc đẩy tiết kiệm. Nhiều ngành nhiều đơn vị còn làm những khối lượng kiến thiết cơ bản và mua sắm thiết bị ngoài kế hoạch nhà nước.

Vốn lưu động còn ứ đọng nhiều, nhiều ngành, nhiều xí nghiệp chưa chú trọng đẩy mạnh tốc độ quay của vốn lưu động, kỷ luật sử dụng vốn lưu động chưa được tôn trọng đầy đủ.

Vốn cho vay dài hạn chưa được sử dụng thật đúng hướng và chưa phát huy đầy đủ tác dụng phục vụ cho việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của khu vực tập thể.

Kinh phí sự nghiệp kinh tế và văn hóa được phân phối với mức độ tương đối cao, vượt mức phát triển của kinh tế, và kinh phí được sử dụng cũng chưa được tốt; khối lượng công tác sự nghiệp chưa thật tập trung vào các nhiệm vụ chính, chất lượng công tác sự nghiệp còn chưa được chú trọng đầy đủ.

Kinh phí hành chính chưa bảo đảm quán triệt đầy đủ chủ trương và kỷ luật giảm nhẹ biên chế hành chính các cơ quan nhà nước.

c) Việc quản lý tài chính nhà nước của các cơ quan tài chính, các ngành quản lý kinh tế và văn hóa, các đơn vị xí nghiệp công trường và đơn vị cơ quan, v.v., đã có những tiến bộ trong năm 1962, nhưng chưa giải đáp được các yêu cầu tăng cường quản lý kinh tế tài chính.

Trách nhiệm quản lý tài chính ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị của các thủ trưởng chưa được bảo đảm đầy đủ, chính sách và chế độ tài chính chưa được cải tiến kịp thời.

Tổ chức bộ máy tài chính và kế toán từ Trung ương đến các cơ sở chưa được tăng cường kịp thời thành một hệ thống thống nhất mạnh mẽ, lực lượng đội ngũ cán bộ tài chính và kế toán còn tương đối yếu, trình độ chính trị và nghiệp vụ chưa được nâng lên kịp với yêu cầu quản lý.

Đó là những nguyên nhân trực tiếp làm cho công tác tài chính chưa giải đáp kịp các yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa
xã hội.

Đó cũng là những vấn đề mà chúng ta cần phải hết sức quan tâm giải quyết để bảo đảm được nhiệm vụ tài chính ngày càng nặng nề trong năm 1963 và những năm sau, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

II- VỀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

Ngân sách nhà nước năm 1963 phải bảo đảm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Nhà nước trong năm 1963, cụ thể là bảo đảm các nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1963.

Công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong năm 1963 đòi hỏi phải tăng cường tích lũy vốn, ra sức khai thác tốt các nguồn thu nhập tài chính nhà nước. Nó lại đòi hỏi phải phân phối và sử dụng vốn với hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vừa đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của các ngành kinh tế - trước hết là xây dựng công nghiệp nặng, vừa tập trung lực lượng tài chính giúp đỡ cho nông nghiệp phát triển toàn diện và mạnh mẽ; vừa phải bảo đảm thỏa mãn các nhu cầu vốn của Nhà nước đồng thời lại phải có thêm lực lượng dự trữ tài chính, vật tư và ngoại tệ.

Nhiệm vụ tài chính năm 1963 rất nặng nề, vì nền kinh tế của ta trong năm 1963 tuy phát triển cân đối và vững chắc hơn trong năm 1962, nhưng cũng còn nhiều khó khăn to lớn.

Uỷ ban chúng tôi nhất trí với những nhiệm vụ tài chính năm 1963 đã đề ra trong báo cáo của Chính phủ.

Về các chỉ tiêu thu chi ngân sách năm 1963:

1- Dự thu ngân sách năm 1963 , phần trong nước, sẽ tăng 4,5% so với năm 1962.

Thu của các xí nghiệp quốc doanh tăng 4% so với năm 1962;

Thu của khu vực tập thể và cá thể xấp xỉ mức thu năm 1962, trong đó thuế công thương nghiệp tăng độ 3,3%, còn thuế nông nghiệp chỉ bằng 97,3% năm 1962.

Những mức dự thu trên đây là có căn cứ vào các chỉ tiêu sản xuất, lưu thông và các chỉ tiêu hạ giá thành v.v. của kế hoạch nhà nước năm 1963, và có tính đến những khó khăn về sản xuất nông nghiệp, về sản xuất công nghiệp, về thu mua, về xuất nhập khẩu. Nhưng mức dự thu như vậy là chắc chắn.

Uỷ ban chúng tôi nhận định rằng khả năng tăng thu cho ngân sách nhà nước năm 1963 vẫn còn, và chưa thể hiện đầy đủ trong các khoản mục dự thu của ngân sách nhà nước năm 1963.

Theo kế hoạch nhà nước năm 1963, thì tổng sản lượng công nghiệp tăng 15,4% so với năm 1962, tổng sản lượng nông nghiệp tăng 5,5%, khối lượng hàng hóa vận tải tăng 12,5%, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường xã hội chủ nghĩa tăng 9,7%, xuất khẩu tăng 19% và nhập khẩu tăng 12%. Cho nên mức tăng thu tài chính nhà nước chỉ có 4,5% so với năm 1962 là một mức tăng tương đối thấp.

Uỷ ban chúng tôi có chú ý đến những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của vụ đông xuân năm 1963, nhất là ảnh hưởng của hạn hán đầu năm nay; nhưng với quyết tâm cao của toàn thể nhân dân ta, chúng ta còn nhiều khả năng phấn đấu để bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp 1963.

Trong sản xuất công nghiệp , tuy còn khó khăn về nguyên liệu, phụ tùng, nhưng nhiều chỉ tiêu quan trọng về sản lượng và về giá thành chắc chắn bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Nếu chúng ta có cố gắng đầy đủ về thu mua lương thực, thực phẩm và nông lâm sản... thì các chỉ tiêu về thương nghiệp và ngoại thương cũng có khả năng thực hiện được.

Trên những nhận định như vậy, chúng tôi đồng ý với mức dự thu của ngân sách nhà nước năm 1963 và coi mức dự thu đó là mức tối thiểu. Các ngành, các cấp phải ra sức phấn đấu khắc phục mọi khó khăn bảo đảm hoàn thành vượt mức dự thu của ngân sách nhà nước năm 1963.

2-Dự chi ngân sách nhà nước năm 1963

Ngân sách nhà nước phân phối cho kiến thiết kinh tế 58,1%

Ngân sách nhà nước phân phối cho văn xã 13,2%

cho quốc phòng - hành chính 19,4%

và để một lực lượng dự bị độ 2,6%.

- Chi kiến thiết cơ bản kinh tế và văn hóa độ 40% số thu trong nước;

- Thu chi của ngân sách địa phương độ 22,5% số thu trong nước.

Dự án phân phối ngân sách đã chú ý nhằm những phương hướng sau:

- Tiếp tục dành vốn cho việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.

- Tăng cường giúp đỡ vốn cho nông nghiệp.

- Phần nào tăng thêm vốn dự trữ, đồng thời bảo đảm mức tăng hợp lý của các sự nghiệp kinh tế và văn hóa giáo dục y tế.

- Dành một phần vốn hợp lý cho ngân sách địa phương.

Uỷ ban chúng tôi đồng ý với những phương hướng phân phối vốn như trên.

Nhưng trong điều kiện số thu tăng có hạn, nên còn nhiều việc đáng chi mà chưa phân phối được với mức thật phù hợp, như:

- Lực lượng dự trữ tài chính còn tương đối mỏng, còn nhiều việc chưa dự tính hết: ví dụ việc giúp đỡ nhân dân chống hạn, việc giúp đỡ phong trào khai hoang, việc bảo đảm chỉ tiêu trong phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, việc bảo đảm nhu cầu vốn cho một số vật tư và hàng hóa còn ứ đọng v.v..

- Số chi cho tích lũy chiếm 55,3% ngân sách, riêng về vốn trong nước dành cho kiến thiết cơ bản thấp hơn mức năm 1962. Như vậy là còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để tăng thêm vốn tích lũy của ngân sách nhà nước năm 1963.

Theo những nhận định như trên, chúng tôi kiến nghị:

- Chính phủ cần lãnh đạo các ngành các cấp hết sức tiết kiệm về các khoản chi có tính chất tiêu dùng (sự nghiệp và hành chính); bảo đảm một tốc độ chi về sự nghiệp phù hợp với tốc độ tăng thu ngân sách, nhưng phải tiết kiệm kinh phí để làm công việc nhiều hơn, tốt hơn, với một số vốn ít; bảo đảm một tỷ lệ giảm chi hành chính cao hơn mức dự toán.

- Tất cả các ngành các cấp cần ra sức tăng thu vượt mức đã ghi trong ngân sách năm 1963, trên cơ sở đó mà thỏa mãn các việc chi tiêu giúp đỡ thêm cho nông nghiệp, tăng thêm vốn kiến thiết cơ bản cho khu vực sản xuất có trọng điểm và có hiệu quả kinh tế cao, tăng thêm vốn dự trữ tài chính.

- Đối với các ngành sản xuất và kiến thiết phải hết sức tiết kiệm vốn: giá thành kiến thiết cơ bản phải rẻ hơn năm 1962, phải lo động viên các nguồn vật tư hàng hóa ứ đọng để sử dụng vốn lưu động với mức tối đa, hợp lý và có hiệu quả.

3- Phân tích các chỉ tiêu thu chi ngân sách nhà nước năm 1963 như trên, chúng ta thấy rằng việc thăng bằng ngân sách năm 1963 cũng còn khá căng thẳng.

Thế cho nên Chính phủ cần lãnh đạo việc thực hiện ngân sách nhà nước một cách rất khẩn trương và sít sao ngay từ những tháng đầu năm - bảo đảm mỗi một khoản thu, đối với từng xí nghiệp, cơ quan, phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức trong từng tháng, từng quý, đồng thời bảo đảm phân phối mỗi một khoản chi theo sát nhu cầu, tăng cường giám đốc tài chính một cách chặt chẽ.

III- VỀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM HOÀN THÀNH NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1963

Uỷ ban chúng tôi nhất trí với các biện pháp mà Chính phủ đã đề ra trong báo cáo của Chính phủ.

Chúng tôi nhận định rằng khả năng tăng thu vẫn còn, yêu cầu vốn của nền kinh tế còn lớn hơn mức đã ghi; cho nên như trên đã phân tích, cần phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách nhà nước năm 1963.

Các ngành các cấp cần có quyết tâm lớn, hết sức chú ý tăng cường lãnh đạo quản lý tài chính nhà nước từ Trung ương đến các cơ sở, tăng cường trách nhiệm quản lý tài chính của những người phụ trách đơn vị, coi trọng các việc cải tiến chính sách và chế độ tài chính và kế toán cho kịp thời, và nhất là tăng cường tổ chức bộ máy của hệ thống tài chính và kế toán từ Trung ương đến các địa phương, các cơ sở.

Chúng tôi nhấn mạnh yêu cầu phải quản lý tập trung thống nhất nền tài chính nhà nước, đồng thời phát huy cao độ tính tích cực và chủ động của các ngành, các địa phương, các đơn vị. Phải kết hợp khéo léo sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương về chính sách, chế độ, kỷ luật và nhiệm vụ thu chi, về nghiệp vụ tài chính và kế toán, với việc phát huy cao độ tính chủ động và trách nhiệm cụ thể của địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện và quản lý cụ thể công tác tài chính và kế toán hàng ngày ở các đơn vị, các địa phương, các ngành.

Mặt khác, việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài chính và kế toán cho nền kinh tế quốc dân đang phát triển cũng là một nhiệm vụ rất lớn mà chúng ta cần xem trọng.

Ngoài ra, Uỷ ban chúng tôi nhận thấy việc quản lý thu chi ngoại tệ của nhà nước là một nhiệm vụ tài chính rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhà nước. Nhiệm vụ này từ trước đến nay làm chưa được đầy đủ. Tích lũy ngoại tệ chưa được xem trọng, sử dụng ngoại tệ chưa được tiết kiệm.

Chúng tôi kiến nghị phải tăng cường công tác quản lý thu chi ngoại tệ (mậu dịch và phi mậu dịch) của Nhà nước từ khâu kế hoạch hóa toàn diện, đến khâu tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý thu chi ngoại tệ hàng ngày. Chính phủ cần xây dựng các chính sách chế độ và biện pháp quản lý ngoại tệ, tổ chức các bộ máy thích hợp, tăng cường chỉ đạo công việc này cho phù hợp với yêu cầu của tình hình.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Với những nhận xét và kiến nghị như trên, chúng tôi xin đề nghị Quốc hội:

- Thông qua báo cáo của Chính phủ về tình hình thu chi ngân sách nhà nước năm 1962; đến khi có quyết toán chính thức, Quốc hội sẽ thẩm tra.

- Thông qua báo cáo của Chính phủ về dự án ngân sách nhà nước năm 1963 và phê chuẩn dự án ngân sách nhà nước năm 1963.

Với tổng số thu là: 1.779tr, 288 nghìn đồng.

Tổng số chi là : 1.779tr, 288 nghìn đồng.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.