BÁO CÁO CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ II
VỀ VIỆC CHUẨN BỊ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA III
(Do ông Tôn Quang Phiệt, Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội
trình bày ngày 27-10-1963)
Theo Điều 45 của Hiến pháp, nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là bốn năm; và hai tháng trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, phải bầu xong Quốc hội mới. Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa II bắt đầu từ ngày 6-7-1960 (kỳ họp đầu tiên) sẽ chấm dứt vào ngày 6-7-1964. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa III sẽ phải tiến hành vào tháng 4 hoặc chậm nhất là đầu tháng 5 năm 1964.
Theo Điều 53 của Hiến pháp, cuộc bầu cử Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội chủ trì. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và thảo luận việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá III. Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy có hai vấn đề cần báo cáo với Quốc hội như sau:
1- Về vấn đề đại biểu miền Nam trong Quốc hội
Trong phiên họp ngày 31 tháng 12 năm 1959, Quốc hội khoá I đã ra Nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu miền Nam trong Quốc hội. Toàn văn bản Nghị quyết đó như sau:
"QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
HỌP KỲ THỨ 11
Sau khi nghe báo cáo của Tiểu ban nghiên cứu Luật tuyển cử Quốc hội về vấn đề đại biểu miền Nam trong Quốc hội,
Nhận định rằng:
1- Từ ngày hoà bình được lập lại, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thể theo nguyện vọng của toàn dân từ Bắc chí Nam đã nhiều lần đề nghị với chính quyền miền Nam hiệp thương để tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước thực hiện thống nhất nước nhà như Hiệp định Giơnevơ quy định.
Nhưng chính quyền miền Nam thi hành chính sách của đế quốc Mỹ vẫn khăng khăng từ chối mọi đề nghị hợp tình hợp lý của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ, phá hoại sự nghiệp hoà bình thống nhất Tổ quốc ta, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, thực chất là một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.
Trong khi vẫn kiên trì đấu tranh đòi thực hiện tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà theo Hiệp định Giơnevơ, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thông qua Luật tuyển cử bầu lại Quốc hội.
2- Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiêu biểu tính chất thống nhất của cả nước ta và tiêu biểu ý chí đấu tranh thống nhất của nhân dân ta từ Bắc chí Nam. Trong Quốc hội phải có những người đại diện xứng đáng cho nhân dân ở miền Nam.
Các đại biểu miền Nam trong Quốc hội hiện nay được bầu ra trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến ở miền Nam, đã cùng nhân dân miền Nam đoàn kết và đấu tranh anh dũng trong kháng chiến. Từ ngày hoà bình lập lại, tập kết ra Bắc, đại biểu miền Nam tiếp tục đem nhiệt tình cách mạng để góp phần xây dựng miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Tiếng nói của các đại biểu miền Nam trong Quốc hội là tiếng nói của toàn thể đồng bào miền Nam đang giương cao ngọn cờ hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Trong lúc ở miền Nam chưa thể tổ chức tuyển cử tự do như ở miền Bắc, sự có mặt của đại biểu miền Nam trong Quốc hội có ý nghĩa tiêu biểu tính chất thống nhất của nước ta, của Quốc hội ta và ý chí của nhân dân ta kiên quyết đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, hoà bình thống nhất nước nhà.
Vì lý do trên, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
QUYẾT NGHỊ:
Kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6-1-1946 cho đến khi có Nghị quyết mới".
Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận định rằng Nghị quyết này vẫn còn hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay. Hiện nay chưa có điểm gì mới trong tình hình để có thể đặt vấn đề xem xét lại Nghị quyết đó. Việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ngày 20-12-1960, và việc ảnh hưởng và uy tín của Mặt trận ngày càng sâu rộng trong nước ta và trên thế giới có tác dụng động viên vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, để đi đến hoà bình thống nhất đất nước. Điều đó càng làm cho tính chất toàn quốc của Quốc hội ta thêm có ý nghĩa.
Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 17-10 vừa rồi đã quyết định báo cáo với Quốc hội rằng Nghị quyết ngày 31-12-1959 của Quốc hội khoá I kéo dài nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6-01-1946 vẫn tiếp tục có hiệu lực.
2- Về số đại biểu Quốc hội sẽ bầu ở miền Bắc
Điều 11 của Luật bầu cử quy định:
Đại biểu Quốc hội do từng đơn vị bầu cử bầu ra.
Số đại biểu định cho mỗi đơn vị bầu cử là căn cứ vào số dân của đơn vị đó: cứ năm vạn (50.000) dân được cử một đại biểu; nếu số lẻ còn lại quá hai vạn năm nghìn (25.000) thì được thêm một đại biểu.
Theo kết quả của cuộc điều tra dân số đầu năm 1960 thì dân số miền Bắc nước ta là 15.916.955 người. Theo quy định của Điều 11 nêu trên của Luật bầu cử, có chiếu cố tăng thêm đại biểu cho các vùng dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp tập trung và các thành phố trực thuộc Trung ương, số đại biểu miền Bắc định cho Quốc hội khoá II là 362 người.
362 đại biểu được bầu ở miền Bắc, cộng với 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm, tổng số đại biểu trong Quốc hội khoá II là 453 người. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận định rằng tổng số đại biểu trong Quốc hội ta như thế là thích hợp.
Theo số ước lượng của Tổng cục Thống kê, thì đến năm 1964, dân số miền Bắc sẽ tăng lên khoảng trên hai triệu người. Và nếu căn cứ theo số nhân khẩu tăng mà tính thêm đại biểu thì số đại biểu Quốc hội ta sẽ tăng lên độ 40 người.
Vấn đề đặt ra là trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá III nên căn cứ vào dân số theo cuộc điều tra chính thức năm 1960 hay là theo dân số thực tế?
Theo cách làm việc thông thường ở các nước thì cách tính số đại biểu là căn cứ vào số nhân khẩu, theo cuộc điều tra dân số gần nhất và do cơ quan thống kê của nhà nước công bố chính thức. Ở ta từ năm 1960 đến nay chưa có cuộc điều tra dân số mới nào, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy mặc dù thực tế dân số ở miền Bắc có tăng, nhưng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới cũng cần phải căn cứ vào số nhân khẩu theo cuộc điều tra dân số tháng 3 năm 1960 là cuộc điều tra chính thức của Nhà nước ta. Nếu căn cứ vào dân số thực tế thì sẽ gặp khó khăn là chúng ta không thể có con số chính xác được. Mặt khác thì tổng số đại biểu trong Quốc hội sẽ tăng lên quá nhiều. Như thế là trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá III, tổng số đại biểu Quốc hội được bầu ở miền Bắc cũng như số đại biểu Quốc hội định cho từng đơn vị bầu cử về căn bản sẽ không có thay đổi so với khoá II, trừ những trường hợp di chuyển về dân số.
Vậy Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo để Quốc hội biết.