VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ II

(Do ông Tôn Quang Phiệt, Phó Chủ tịch
kiêm Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội
trình bày ngày 28-10-1963)

 

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp 9 phiên và thông qua 38 Nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.

Sau đây chúng tôi xin báo cáo các mặt công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

VỀ VIỆC PHỔ BIẾN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã về
các địa phương, đơn vị, công trường, nông trường, xí nghiệp, trường học v.v., báo cáo về kết quả kỳ họp và những Nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo của các đại biểu đã giúp cho cán bộ và nhân dân thấy sâu sắc hơn những thắng lợi to lớn trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội mà nhân dân miền Bắc nước ta đã giành được trong mấy năm qua, biết được những vấn đề chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đồng thời cũng thấy rõ hơn những thuận lợi cần phát huy và những khó khăn cần khắc phục trong việc phấn đấu thực hiện những mục tiêu của kế hoạch.

Báo cáo của các đại biểu Quốc hội cũng đã giúp cho cán bộ và nhân dân ta hiểu rõ hơn sự phát triển của tình hình miền Nam, những âm mưu mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang tăng cường hoạt động chống lại phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đang ăn sâu lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và vang dội khắp thế giới.

Ở nhiều nơi, sau khi nghe đại biểu Quốc hội báo cáo, cán bộ và nhân dân đã gửi kiến nghị, thư quyết tâm về Uỷ ban thường vụ Quốc hội nói lên niềm phấn khởi và quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất, biểu thị sự đồng tình và nhiệt liệt hưởng ứng ba cuộc vận động lớn mà Đảng và Chính phủ đã đề ra:

- Cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc;

- Cuộc vận động "ba xây ba chống", tức là nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu;

- Cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế ở miền núi.

Những thư và kiến nghị đó còn nhiệt liệt biểu dương những thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh yêu nước vô cùng anh dũng và đầy sáng tạo của đồng bào miền Nam, cực lực lên án những tội ác đẫm máu của Mỹ - Diệm ở miền Nam, hứa quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam.

Các đại biểu Quốc hội đã phản ánh với Uỷ ban thường vụ Quốc hội kết quả việc đi báo cáo của mình, tình hình đời sống nhân dân, và có nêu nhiều vấn đề, góp nhiều ý kiến cụ thể về các mặt công tác của Nhà nước.

Các vấn đề do các đại biểu Quốc hội nêu lên đều được chuyển đến các cơ quan hữu quan, và nhiều vấn đề đã được nghiên cứu và giải quyết một cách tích cực, ví dụ:

- Sau khi nhận được thư của một vị đại biểu Quốc hội phản ánh tình hình lãng phí và những lệch lạc của cán bộ trong việc thu mua chè ở Hà Giang, Bộ Nội thương đã giao trách nhiệm cho Cục Lâm sản là đơn vị trực tiếp quản lý trạm chè cấp I Hà Giang tổ chức cuộc điều tra tại chỗ để nhận xét và uốn nắn những lệch lạc.

- Nhiều cơ quan như Bộ Nội thương, Bộ Thủy lợi, v.v., sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng những thư góp ý của các đại biểu Quốc hội, đã trả lời đầy đủ cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình, về chủ trương của Chính phủ, về những việc đã và đang làm, và những thiếu sót cần sửa chữa đối với từng vấn đề do đại biểu Quốc hội nêu ra. Đối với những việc cần giải quyết ngay thì Bộ giao trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan giải quyết và báo cáo lại.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh cách làm việc nghiêm chỉnh và chu đáo nói trên, điều đó chứng tỏ các cơ quan nhà nước của chúng ta rất chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân và có tinh thần phụ trách đối với nhân dân. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến những vấn đề do đại biểu Quốc hội nêu ra. Có cơ quan đã giao cho cán bộ không đủ thẩm quyền giải quyết và tự cán bộ đó trực tiếp trả lời cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội; có cơ quan tuy đã được nhắc nhiều lần vẫn không trả lời cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội biết đã giải quyết vấn đề như thế nào. Chúng tôi thấy rằng thiếu sót này cần được khắc phục, làm cho quan hệ giữa người đại biểu của nhân dân với các cơ quan nhà nước được ngày càng chặt chẽ.

VỀ CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có quan hệ chặt chẽ với các Uỷ ban của Quốc hội và đã nhiều lần nghe các
Uỷ ban báo cáo ý kiến về các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của các Uỷ ban.

- Uỷ ban kế hoạch và ngân sách

Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã họp nhiều lần để thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm 1963 và đề nghị điều chỉnh kế hoạch nhà nước năm 1963; báo cáo của Chính phủ về việc điều chỉnh ngân sách năm 1963 và báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1962. Ngày 17-10-1963, trong phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch và ngân sách năm 1963, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách đã báo cáo thuyết trình về ý kiến nghiên cứu của mình.

- Uỷ ban dự án pháp luật

Uỷ ban dự án pháp luật đã họp nhiều lần để thẩm tra các dự án pháp luật. Uỷ ban dự án pháp luật đã họp liên tịch với Uỷ ban dân tộc của Quốc hội để thẩm tra dự án điều lệ ngày 9-4-1963 của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong Khu tự trị Tây Bắc.

Uỷ ban dự án pháp luật cũng đã bắt đầu thẩm tra dự án điều lệ thi hành Luật hôn nhân và gia đình ở Khu tự trị Tây Bắc của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc, dự án Pháp lệnh quy định tổ chức Toà án quân sự, dự án Pháp lệnh quy định tổ chức Viện kiểm sát quân sự.

- Uỷ ban dân tộc

Tháng 7-1963, Uỷ ban dân tộc có cử một đoàn đại biểu do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban YWang làm trưởng đoàn đi thăm đồng bào các dân tộc trong khu tự trị Việt Bắc, động viên đồng bào tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, đẩy mạnh sản xuất, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số.

Đoàn đã đi thăm các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng và Hà Giang. Đoàn đã tiếp xúc với một số huyện và xã, thăm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và đồng bào đi khai hoang. Trong khi tiếp xúc rộng rãi với cán bộ và đồng bào các dân tộc, đoàn đã nhận thấy sâu sắc tinh thần yêu nước, yêu chế độ, những đức tính cần cù lao động, lòng hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào các dân tộc. Mặt khác, đoàn đã thu thập ý kiến và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc về việc thi hành một số chính sách của Nhà nước ở địa phương. Đoàn đã báo cáo trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã lưu ý các cơ quan Chính phủ về những vấn đề mà đoàn đã nêu ra.

- Uỷ ban thống nhất

Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thành lập Uỷ ban thống nhất của Quốc hội và cử ông Trần Huy Liệu làm Chủ nhiệm. Uỷ ban đã cử các ông Trương Quang Giao và Trần Công Tường làm Phó Chủ nhiệm.

Trong tuần lễ kỷ niệm ngày 20-7, ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Uỷ ban đã gửi thư thăm hỏi và động viên đồng bào miền Nam, Uỷ ban đã cử một đoàn đại biểu do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu đi thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi xuất hiện đầu tiên phong trào ngày thứ bẩy đấu tranh thống nhất trong các xí nghiệp. Hưởng ứng đề nghị của Uỷ ban, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia tuần lễ đấu tranh thống nhất ở địa phương, nhiều vị đại biểu miền Nam qua đài phát thanh đã gửi lời thăm hỏi đồng bào miền Nam.

Theo đề nghị của Uỷ ban thống nhất của Quốc hội, ngày 31-8-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra Tuyên bố kịch liệt lên án trước dư luận trong nước và trên thế giới tội ác của Mỹ - Diệm đàn áp khủng bố sư sãi, tín đồ phật giáo, trí thức, sinh viên, học sinh ở miền Nam; triệt để ủng hộ cuộc đấu tranh oanh liệt của đồng bào miền Nam; kêu gọi đồng bào miền Nam đoàn kết chung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếp tục nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc, bền bỉ và kiên quyết đấu tranh chống bè lũ Mỹ - Diệm cướp nước và bán nước; kêu gọi đồng bào miền Bắc đề cao cảnh giác sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của Mỹ - Diệm nhằm phá hoại miền Bắc, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn các vị đứng đầu Nhà nước, các chính đảng, đoàn thể nhân dân, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan ngôn luận, các nhân sĩ trí thức ở các nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối những hành động tàn bạo của Mỹ - Diệm ở miền Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Các vị đại biểu Quốc hội theo đạo Phật và đạo Thiên Chúa đã họp để nhận định về tình hình và thông qua thư gửi các nghị sĩ tín đồ Phật giáo và các tôn giáo khác ở các nước Đông Nam Á và trên thế giới, kêu gọi ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo và của nhân dân miền Nam, lên án sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam nước ta.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 và kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9, Uỷ ban thống nhất của Quốc hội đã cử hai đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm hỏi và uý lạo một số đơn vị quân đội miền Nam tập kết ra Bắc.

VỀ CÔNG TÁC LUẬT PHÁP

Trong phiên họp ngày 9-7-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra quyết định phê chuẩn điều lệ ngày 9-4-1963 của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong Khu tự trị Tây Bắc.

Tinh thần cơ bản của bản điều lệ nói trên là bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân ở Khu tự trị phù hợp với những đặc điểm tình hình của các dân tộc ở Khu tự trị theo đúng chính sách dân tộc của Nhà nước. Thể hiện tinh thần cơ bản đó, bản điều lệ quy định:

1- Ở Khu tự trị Tây Bắc ngoài Toà án nhân dân các cấp huyện và tỉnh còn có cấp Toà án nhân dân khu làm nhiệm vụ giám đốc xét xử và xét xử phúc thẩm những bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh.

2- Khác với tổ chức của Toà án nhân dân ở miền xuôi, khi xử án các Toà án nhân dân ở Khu tự trị có thể có tới bốn hội thẩm nhân dân để có đủ số đại biểu dân tộc tham gia xét xử.

3- Toà án nhân dân khu có nhiệm vụ đào tạo cán bộ các dân tộc cho các Toà án thị xã và huyện trong Khu tự trị.

Điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong Khu tự trị Tây Bắc được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn sẽ có tác dụng phát huy hơn nữa vai trò tích cực của Toà án nhân dân các cấp trong việc tăng cường bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân đi đôi với việc tăng cường chuyên chính với kẻ thù của nhân dân.

Nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ 18 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 31-8-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định đặc xá cho những phạm nhân trong thời gian ở trại đã thực sự cải tạo, tiến bộ. Từ trước tới nay Nhà nước ta đã luôn luôn chú ý đến việc giáo dục cải tạo phạm nhân và đặc xá cho những người đã thực sự cải tạo, điều đó đã có tác dụng làm cho phạm nhân và gia đình họ càng thêm tin tưởng vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta và ảnh hưởng tốt đến việc giáo dục cải tạo phạm nhân.

Nhìn lại công tác pháp luật của ta tuy các cơ quan nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng là chưa đáp ứng yêu cầu khách quan.

Hiện nay có một số vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp, nhưng còn cần phải được cụ thể hoá bằng những đạo luật hay pháp lệnh; ngoài ra lại có một số quy định ban hành đã lâu nay không còn thích hợp nữa cần nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi. Thí dụ, một số vấn đề trong việc tăng cường công tác bảo vệ tài sản công cộng, công tác bảo hộ lao động, công tác quản lý kinh tế tài chính, công tác chuyên chính với bọn phản cách mạng và bảo vệ trật tự trị an v.v..

Trong thời gian tới các cơ quan nhà nước ta cần chú trọng đến một vấn đề quan trọng khác là vấn đề đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục các chính sách và pháp luật của Nhà nước cho cán bộ và nhân dân ta, làm cho ai nấy đều có ý thức sâu sắc tuân theo pháp luật và tích cực đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách và pháp luật đã tiến hơn trước một bước qua những cuộc vận động chính trị rộng lớn của Đảng và Chính phủ. Cán bộ và nhân dân ta đã có nhiều cố gắng trong việc chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên qua các thư của nhân dân gửi đến Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, qua báo cáo của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy có nơi, có lúc vẫn xảy ra khá nhiều những hiện tượng vi phạm pháp luật làm thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.

Các cơ quan hành chính, toà án, kiểm sát, các tổ chức sản xuất và các tổ chức xã hội cần chú ý, trong những cuộc vận động chính trị của Đảng và Chính phủ, và trong công tác thường xuyên của mình, đề ra kế hoạch tuyên truyền giáo dục các chính sách và pháp luật của Nhà nước cho thiết thực và liên tục.

Chúng tôi nghĩ rằng các vị đại biểu Quốc hội hoạt động ở địa phương mình có thể đóng góp nhiều ý kiến cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức sản xuất và tổ chức xã hội nhằm góp phần tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

VẤN ĐỀ ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

Trong phiên họp ngày 17 tháng 10 năm nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm 1963 và phương hướng phấn đấu để hoàn thành kế hoạch năm 1963. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận định rằng nhờ sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng và Chính phủ, nhờ sự cố gắng của cán bộ và nhân dân ta, việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm đã có những tiến bộ mới và đã có nhiều thành tích trong việc khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.

Vụ đông xuân năm nay ở miền Bắc nước ta đã trải qua nạn hạn hán lan rộng, kéo dài và gay gắt nhất từ sau ngày hoà bình được lập lại. Nhờ sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chính phủ, nhờ sự cố gắng phấn đấu của nhân dân và cán bộ các ngành, các cấp, cho nên chúng ta đã hạn chế được đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây nên. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao thành tích chống hạn trong vụ đông xuân vừa qua.

Những thiên tai dồn dập đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến các mặt khác của nền kinh tế quốc dân. Do đó mà trong việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 1963, một số chỉ tiêu không hoàn thành được. Trước tình hình đó, Chính phủ đã đề ra phương hướng phấn đấu cho 6 tháng cuối năm là: “Ra sức phát huy tinh thần tích cực của cán bộ và nhân dân, tăng cường công tác chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, khẩn trương tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, bảo đảm thực hiện đến mức tối đa kế hoạch Nhà nước năm 1963”.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu về sản lượng và về phân phối nhằm tránh tình trạng có thể mất cân đối nghiêm trọng hơn giữa các ngành, do đó gây khó khăn hơn cho những tháng cuối năm và cho những năm sau cùng của kế hoạch 5 năm. Một số chỉ tiêu về sản lượng và phân phối có liên quan đến nông nghiệp xét ra không thể thực hiện được thì điều chỉnh xuống. Một số chỉ tiêu về sản phẩm chủ yếu khác, xét có thể cố gắng hơn nữa thì được điều chỉnh lên như: điện, than đá, máy bơm, canô, tàu kéo, phân xuýppe lân v.v..

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc điều chỉnh một số chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận định rằng việc điều chỉnh này có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao thêm ý thức tiết kiệm, tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính của cán bộ các ngành.

Cũng trong phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình bày đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh ngân sách nhà nước năm 1963 để ăn khớp với việc điều chỉnh kế hoạch đã báo cáo trên. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn việc điều chỉnh ngân sách theo đề nghị của Chính phủ.

VIỆC QUYẾT ĐỊNH PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC

Ngày 13-6-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn Hiệp định lãnh sự được ký kết giữa nước ta và nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ngày 14-1-1963.

Hiệp định này góp phần mở rộng những mối quan hệ hữu nghị và hợp tác anh em trong mọi lĩnh vực và những quan hệ lãnh sự nói riêng, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Tiệp Khắc.

VIỆC BỔ NHIỆM CÁC NHÂN VIÊN CAO CẤP
CỦA NHÀ NƯỚC

a) Về Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

Trong phiên họp ngày 16-5-1963 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng trước đây là uỷ viên dự khuyết, được bổ sung vào số uỷ viên chính thức của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thay ông Xuân Thuỷ đã được Quốc hội miễn chức vụ trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.

Trong phiên họp ngày 13-6-1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét nhu cầu công tác đã cử ông Trương Tấn Phát, Uỷ viên dự khuyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

b) Về Hội đồng Chính phủ:

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm:

- Các cán bộ cao cấp trong Quân đội như sau:

Thiếu tướng Lê Quang Hoà giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

Thiếu tướng Trần Quý Hai giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng;

Đại tá Lê Đức Anh giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng;

Thiếu tướng Trần Sâm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần;

Đại tá Vũ Xuân Chiêm giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần;

Đại tá Trần Thọ giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

- Các vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hoà Cuba và nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG
VÀ DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xét đề nghị của Hội đồng Chính phủ và quyết định tặng thưởng Huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước cho một số cá nhân và đơn vị.

- Về tiếp tục khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 2.022 Huân chương Kháng chiến cho cán bộ, công nhân, viên chức, gia đình liệt sĩ, gia đình có đông con tòng quân đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

- Về khen thưởng thành tích thi đua thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962, thành tích bảo vệ công cuộc xây dựng hoà bình, giữ gìn trật tự, an ninh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 549 Huân chương Lao động, 3 Huân chương Quân công, 384 Huân chương Chiến công cho các địa phương, đơn vị, cán bộ, công nhân, chiến sĩ và nhân dân.

- Về khen thưởng thành tích xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 57.255 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định tặng thưởng:

- Danh hiệu vinh dự “Anh hùng Lao động” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho hai phi công vũ trụ Liên Xô Valêri Bưcốpxki và Valentina Têrếchcôva đã thành công tốt đẹp trong việc lái hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6 bay sóng đôi quanh trái đất và đã hạ cánh an toàn đúng nơi đã định ngày 19-6-1963.

- 34 Huân chương Lao động cho các chuyên gia các nước anh em đã có công giúp nhân dân ta trong công cuộc xây dựng miền Bắc và cho đoàn Xiếc Chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc sang biểu diễn hữu nghị ở nước ta vào đầu tháng 5 năm 1963.

Việc khen thưởng được kịp thời, có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, có tác dụng góp phần vào việc thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn.

VỀ QUAN HỆ VỚI TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Trong các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều có đại diện của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự. Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác trong 6 tháng đầu năm 1963 và phương hướng nhiệm vụ công tác trong 6 tháng cuối năm của hai ngành Toà án và Kiểm sát.

Để tăng cường nền pháp chế dân chủ của ta, trong thời gian qua, ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã có nhiều cố gắng về mặt thực hiện chức năng của mình cũng như về mặt cải tiến công tác, kiện toàn tổ chức và tiếp tục nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ của cán bộ trong ngành.

Công tác trấn áp phản cách mạng của ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã tiến hành kịp thời hơn trước. Việc truy tố và xét xử nhanh chóng bọn gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc nước ta đã có tác dụng to lớn giáo dục cho cán bộ và nhân dân ta lòng căm thù sâu sắc đối với bọn Mỹ - Diệm và nâng cao thêm một bước tinh thần cảnh giác quyết tâm ngăn chặn bọn phản cách mạng phá hoại sự nghiệp lao động hoà bình của miền Bắc nước ta.

Ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã có những cố gắng đáng kể nhằm kịp thời phục vụ các cuộc vận động chính trị lớn của Đảng và Nhà nước; đã đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ kinh tế tài chính, xử lý thích đáng những hành động xâm phạm đến tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân, v.v..

Quan hệ giữa ngành Toà án, ngành Kiểm sát với nhân dân ngày càng được mật thiết; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức tuân theo pháp luật và đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật và công tác giải quyết đơn khiếu nại của công dân đã được đẩy mạnh hơn trước.

Quan hệ giữa hai ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã có những tiến bộ mới, sự liên hệ ngày càng mật thiết giữa hai ngành đã ảnh hưởng tốt đến công tác của Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.

Toà án nhân dân tối cao trong thời gian qua đã tăng cường một bước công tác giám đốc xét xử và công tác xét xử phúc thẩm, do đó đã kịp thời giúp đỡ Toà án nhân dân địa phương về các mặt tư tưởng, chính trị và nghiệp vụ. Công tác tổng kết xét xử một số loại án về hình sự và dân sự kết hợp với việc đẩy mạnh học tập nghiệp vụ đã góp phần nâng cao một bước chất lượng công tác của ngành Toà án.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã cố gắng tiếp tục cải tiến công tác lãnh đạo và chỉ đạo công tác, bước đầu cải tiến nghiệp vụ kiểm sát, rút kinh nghiệm xử lý một số loại vi phạm pháp luật và tích cực bồi dưỡng cán bộ.

VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp được Quốc hội khoá II kỳ họp thứ 5 thông qua, chúng ta đã tiến lên một bước trong việc xây dựng và củng cố các cấp chính quyền địa phương.

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chú trọng theo dõi hoạt động của Hội đồng nhân dân, một khâu quan trọng của tổ chức Nhà nước của ta.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm đến việc bảo đảm cho các Hội đồng nhân dân mãn nhiệm kỳ được bầu lại theo đúng thời hạn đã quy định. Qua cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp vừa rồi, ý thức làm chủ Nhà nước của nhân dân ta đã được nâng cao thêm một bước, nhận thức của nhân dân ta về tính chất và chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng thêm sâu sắc, mối liên hệ giữa Nhà nước và nhân dân ngày càng thêm mật thiết. Tình hình đó nhất định có tác dụng góp phần động viên nhân dân phấn khởi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Nhà nước.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức theo dõi hoạt động của Hội đồng nhân dân và nghiên cứu các biên bản báo cáo, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân ở địa phương.

Số đông Hội đồng nhân dân các cấp họp đều, theo đúng thời gian quy định của luật, nội dung bao gồm những vấn đề trọng yếu của địa phương. Quan hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri có nhiều tiến bộ. Các đại biểu ngày càng chú ý tìm hiểu nguyện vọng của cử tri, nắm tình hình địa phương để kịp thời nêu vấn đề trước hội nghị Hội đồng nhân dân, hoặc đề nghị Uỷ ban hành chính giải quyết.

Nhiều Uỷ ban hành chính đã nghiêm chỉnh thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, làm đúng nhiệm vụ là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, như báo cáo đều đặn công tác trước Hội đồng nhân dân, tôn trọng ý kiến của Hội đồng nhân dân, phục vụ cho mọi hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh những tiến bộ trên, có một số địa phương vẫn coi nhẹ Hội đồng nhân dân, chưa thật tin tưởng vào tác dụng của Hội đồng nhân dân, chưa có những cố gắng cần thiết để cải tiến công tác và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng nhân dân, như triệu tập hội nghị Hội đồng nhân dân họp không đều, họp Hội đồng nhân dân có tính chất hình thức qua loa, thảo luận thiếu dân chủ, đại biểu thiếu liên hệ với cử tri v.v..

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy cần thiết phải tiến hành học tập sâu rộng Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng trọng yếu của Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có khả năng động viên được trí tuệ và sức mạnh của quần chúng nhân dân đông đảo để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm hơn nữa đến hoạt động của Hội đồng nhân dân, một mặt góp ý kiến với Hội đồng nhân dân địa phương, mặt khác giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội nắm được tình hình của Hội đồng nhân dân địa phương nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các Hội đồng nhân dân, phát huy hơn nữa vai trò to lớn của Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực sản xuất cũng như về mặt cải thiện đời sống của nhân dân, làm cho Hội đồng nhân dân đảm nhiệm ngày càng tốt vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương quyết định thực sự những vấn đề quốc kế dân sinh ở địa phương.

VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG THƯ TỪ CỦA NHÂN DÂN

Từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 679 thư khiếu nại do nhân dân gửi đến và tiếp 177 công dân trực tiếp đến Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội nộp đơn và trình bày nguyện vọng.

Những đơn từ của nhân dân gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều được nghiên cứu kỹ càng, kịp thời chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức theo dõi và thường xuyên nhắc nhở các cơ quan trong việc giải quyết. Kết quả giải quyết đều được báo cho đương sự biết.

Một số cơ quan ở Trung ương và địa phương đã giải quyết tốt những thư từ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuyển đến và đã báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội kết quả việc giải quyết (như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Thanh tra, Bộ Lao động, Bộ Giáo dục, Uỷ ban hành chính một số tỉnh như Sơn Tây, Phú Thọ…). Nhưng còn một số cơ quan ở Trung ương và địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác này. Thiếu sót này có ảnh hưởng không tốt đến tinh thần phấn khởi và tin tưởng của nhân dân, đến các mặt công tác của Nhà nước.

Tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều có báo cáo trước Quốc hội những ưu điểm cũng như những khuyết điểm của các cơ quan trong việc tiếp nhân dân và giải quyết thư từ của nhân dân.

Đến nay tuy ở nhiều nơi đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết nghiêm chỉnh những khiếu tố của nhân dân, nhưng về vấn đề này chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cần luôn luôn nhắc nhở các cấp, các ngành về ý nghĩa chính trị và thực tiễn quan trọng của công tác này, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết đơn từ khiếu tố, để thoả mãn những yêu cầu chính đáng của nhân dân, theo đúng Hiến pháp và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.

CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

Đáp lời mời của Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội ta; một đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã sang thăm hữu nghị nước ta từ ngày 19 đến ngày 28-6-1963. Đoàn gồm có 4 đại biểu cùng 16 cán bộ giúp việc và do đồng chí Phác Kim Triết, Phó Uỷ viên trưởng Uỷ ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu.

Trong thời gian ở nước ta Đoàn đã được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tiếp đón ân cần. Đoàn đã hội đàm với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đã đi thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá ở Hà Nội và ở các địa phương. Nhân dân Hà Nội, Hòn Gai, Nam Định đã tổ chức mít tinh trọng thể chào mừng Đoàn. Đoàn đã có dịp tiếp xúc với đông đảo cán bộ và nhân dân ta. Ở khắp nơi Đoàn đến thăm, nhân dân ta đã nhiệt liệt đón tiếp Đoàn, biểu lộ mối tình hữu nghị anh em và sự cảm phục đối với cuộc đấu tranh anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của nhân dân Triều Tiên trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Triều Tiên.

Ngày 29 tháng 7 vừa qua tại Hội nghị mở rộng của Uỷ ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, đồng chí Phác Kim Triết có đọc một bản báo cáo tỉ mỉ về cuộc đi thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trong báo cáo có đoạn viết:

“Chúng tôi mãi mãi không thể quên được những hình ảnh mà chúng tôi đã thấy trong thời gian đi thăm lần này: nơi nơi tràn ngập mối tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Triều Tiên, nơi nơi đang nở rộ những bông hoa hữu nghị Triều - Việt.

Nhân dịp này, tôi muốn tỏ bầy một lần nữa lời cảm ơn chân thành tới Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam đã đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt và rất quan tâm đến hoạt động của chúng tôi”.

Cuộc đi thăm nước ta của đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã làm cho hai nước thêm hiểu biết nhau hơn, đã tăng cường sự đoàn kết nhất trí, thắt chặt thêm tình hữu nghị vốn có từ lâu giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Triều Tiên.

Từ ngày 16 đến ngày 21-9 vừa qua, chúng ta lại tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Inđônêxia đến thăm hữu nghị nước ta theo lời mời của Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội ta. Đoàn gồm có 11 đại biểu và 3 cán bộ giúp việc, và do Phó Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia, Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng Cộng sản Inđônêxia Lúcman, dẫn đầu.

Quốc hội, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân ta đã nhiệt liệt đón mừng Đoàn như những người anh em, những người bạn chiến đấu thân thiết. Ở Hà Nội, Hồng Quảng, Hải Phòng, tại những cơ sở công nghiệp, văn hoá đoàn đến thăm, tại cuộc mít tinh trọng thể của nhân dân Hà Nội tổ chức chào mừng Đoàn, đâu đâu cán bộ và nhân dân ta cũng đều biểu thị mối cảm tình nồng hậu, sự mến phục đối với nhân dân Inđônêxia đã và đang đấu tranh anh dũng chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập cho Tổ quốc, xây dựng đời sống mới cho mình, đấu tranh để đoàn kết các lực lượng tiến bộ trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc. Nhà nước và nhân dân ta đã biểu thị sự đồng tình và ủng hộ của mình đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Inđônêxia chống việc thành lập liên bang Malaixia, một âm mưu thâm độc của chủ nghĩa đế quốc nhằm duy trì chế độ thuộc địa dưới hình thức mới, và bao vây nước Cộng hoà Inđônêxia; đối với những cố gắng của Tổng thống Xucácnô và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia trong việc tổ chức Đại hội thể thao của các lực lượng mới trỗi dậy và trong việc triệu tập hội nghị các nước Á - Phi lần thứ II.

Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Inđônêxia đã đem đến cho nhân dân ta mối cảm tình sâu sắc, sự đồng tình và ủng hộ nhiệt liệt của Tổng thống Xucácnô, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đối với sự nghiệp xây dựng miền Bắc của chúng ta, đặc biệt là đối với cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam chống Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam và cuộc đấu tranh của toàn dân ta nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Cuộc đi thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Inđônêxia làm tăng thêm sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhân dân Inđônêxia, đồng thời cũng là thắng lợi chung của khối đoàn kết nhân dân các nước Á - Phi.

Một lần nữa chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh kết quả tốt đẹp của cuộc đi thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Inđônêxia.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp trước đến nay. Trong quá trình hoạt động, Uỷ ban thường vụ Quốc hội luôn luôn được sự hợp tác và giúp đỡ của các đại biểu Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Uỷ ban hành chính địa phương. Uỷ ban thường vụ Quốc hội chân thành cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ quý báu ấy.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.