BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH MIỀN NAM VIỆT NAM VÀ
TÌNH HÌNH ĐẤU TRANH THỰC HIỆN THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ
(Do ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Uỷ ban thống nhất của Chính phủ
trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, ngày 28-10-1963)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Từ đầu năm đến nay, nhất là từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội ta đến nay, tình hình miền Nam Việt Nam đã có những biến chuyển lớn. Cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam đã phát triển tới mức độ cao, đồng thời cũng bắt đầu khủng hoảng về chiến lược, chiến thuật, và cuộc đấu tranh yêu nước kiên cường bất khuất của đồng bào miền Nam, trải qua một bước thử thách gay go mới, đã vững vàng tiến lên, giáng những đòn quyết định vào kế hoạch Stalây - Taylơ và đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng.
Với hai vạn rưỡi quân Mỹ và trên 350 máy bay do Bộ tư lệnh quân sự của Mỹ ở Sài Gòn trực tiếp chỉ huy, cùng với gần một nửa triệu quân của Diệm, đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố với mức độ cao của loại chiến tranh đặc biệt, hòng đè bẹp phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam trong 18 tháng. Cơ sở của những mưu đồ thắng lợi mau chóng của Mỹ - Diệm là: chiến lược, chiến thuật và vũ khí mới cùng với ấp chiến lược, chất độc hoá học và những thủ đoạn cực kỳ tàn bạo của chiến tranh phản cách mạng. Nhưng sau gần hai năm chống lại cuộc xâm lược vũ trang của đế quốc Mỹ, đồng bào miền Nam chúng ta, với tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời, đang đập tan kế hoạch Stalây - Taylơ và đã làm thất bại giai đoạn đầu của "cuộc chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, nhất là từ mấy tháng gần đây, cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam lại liên tiếp thu được nhiều thắng lợi lớn với những trận vang dội như Ấp Bắc (Mỹ Tho), Pleim’rong (Plâycu), Long Lêch (Kontum), Tân Niên Tây (Gò Công), Cái Nước, Đầm Dơi (Bạc Liêu), hay gần đây nhất, như trận Lộc Ninh ở Rạch Giá. Những thắng lợi ấy cùng nhiều thắng lợi khác đã làm cho hàng vạn quân địch bị loại ra ngoài vòng chiến đấu, hàng trăm máy bay, chiến xạ, đồn bốt của địch bị tiêu diệt, hàng ngàn ấp chiến lược bị phá huỷ và hàng chục vạn đồng bào đã được giải phóng khỏi các trại tập trung trá hình đó của địch.
Với những hình thức đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, dựa trên tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường và khối đoàn kết vững chắc của toàn dân trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam đã trở thành kiểu mẫu của một loại chiến tranh du kích mới có nhiều kinh nghiệm sáng tạo.
Những hành động vô cùng tàn bạo và những sự thất bại liên tiếp của Mỹ - Diệm, những thắng lợi to lớn của nhân dân miền Nam, đã dẫn đến cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đô thị, nổi bật nhất là cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật và của sinh viên, học sinh miền Nam. Cuộc đấu tranh ấy được quần chúng đông đảo ủng hộ, đã trở thành một phong trào rộng rãi nhằm bảo vệ tự do tín ngưỡng, đòi tự do dân chủ và chống khủng bố. Đồng bào Phật giáo ở miền Nam chỉ đòi cho được có tự do tín ngưỡng, đòi được treo cờ Phật ở các chùa, đòi đình chỉ việc bắt bớ và khủng bố những người theo đạo Phật, đòi được bồi thường cho những người bị Diệm đánh đập, giết hại, tức là đòi những quyền thông thường nhất của người dân. Nhưng Mỹ - Diệm đã dùng đại bác, chiến xa, súng máy để trả lời những yêu sách chính đáng ấy. Những cuộc khủng bố trả thù tràn lan, những cuộc vây hãm chùa chiền, giết hại tăng ni và tín đồ theo đạo Phật đã khiến nhiều nhà sư phải dùng đến hành động tự thiêu để phản đối chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Rõ ràng là đàn áp những người theo đạo Phật, Mỹ - Diệm đã đánh vào những người nhẫn nại cuối cùng ở miền Nam. Đó là một tội ác chính trị lớn trong thời đại hiện nay vạch trần bản chất tàn bạo, dã man của Mỹ - Diệm. Trong lời tuyên bố ngày 28 tháng 8 năm 1963, Hồ Chủ tịch đã nói:
“Tội ác dã man của chúng, trời đất không thể dung. Hành động hung tàn của chúng, toàn dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân Mỹ cũng tỏ lòng bất bình”.
Những thất bại về chính trị và quân sự Mỹ - Diệm và những thắng lợi liên tiếp của nhân dân miền Nam đã làm cho chế độ Mỹ - Diệm lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và mâu thuẫn nội bộ của Mỹ - Diệm ngày càng trở nên gay gắt.
Chính sách thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ, chiến lược, chiến thuật của “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thất bại.
Thật vậy, chế độ thuộc địa kiểu mới của Mỹ đã được dựng lên trong điều kiện nhân dân miền Nam đã gần hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cuộc thắng lợi to lớn của chín năm kháng chiến, trong điều kiện thất bại của quân đội viễn chinh Pháp và của bọn can thiệp Mỹ ở Đông Dương. Do đó, từ khi được dựng lên, chính quyền tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thân Mỹ ở miền Nam không lợi dụng được các yếu tố có tính chất mị dân như “chống thực dân”, “cải cách ruộng đất” (dù là hình thức) như giai cấp tư sản mới lên cầm quyền ở một số nước dân tộc chủ nghĩa đã làm. Trái lại, nó đã trở thành chính quyền của bọn phục thù giai cấp, bọn lưu manh côn đồ, bọn đầu hàng phản bội, nhằm giành lại ruộng đất của nhân dân cho địa chủ, giành độc quyền lũng đoạn kinh doanh cho giai cấp tư sản mại bản phản động nhất và tư thù với nhân dân. Vì vậy ngay sau khi hình thành, nó đã mang theo mâu thuẫn, khủng hoảng, chiến tranh và đã mau chóng phát xít hóa.
Cho nên khi nói đến những thất bại về quân sự và chính trị của Mỹ, phải xét tới chính sách xâm lược thông qua chế độ thuộc địa kiểu mới của Mỹ ở miền Nam, những đặc điểm của nước Việt Nam trong hai mươi năm nay, lực lượng so sánh trên trường quốc tế và những điều kiện của giai đoạn khủng hoảng thứ ba của chủ nghĩa tư bản thế giới. Vì sao cho tới nay, Kennơđi vẫn câm miệng hến, không thể trả lời được những câu hỏi thách thức mà Hồ Chủ tịch đã nêu ra trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội ta? Rõ ràng sự bế tắc của Kennơđi là sự bế tắc của toàn bộ chính sách thực dân kiểu mới, chính sách vũ trang xâm lược, phi nghĩa của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Chế độ của Mỹ - Diệm càng khủng hoảng và cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam càng thắng lợi thì mâu thuẫn trong nội bộ của Mỹ - Diệm càng gay gắt. Đế quốc Mỹ không còn tô vẽ cho Diệm là “anh hùng”, là “vĩ nhân” như có lúc chúng đã làm, mà chỉ còn coi hắn như một con chó dại, càng để nó chạy theo chủ thì càng bị người ta chạy theo đánh đuổi. Còn gia đình Ngô Đình Diệm thì bắt đầu thấy rằng nuốt viện trợ của Mỹ, cõng rắn Mỹ về cắn gà nhà không phải không có nguy hiểm cho bản thân. Nếu viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ đã tiêm cho chính quyền Ngô Đình Diệm một mũi thuốc hồi sinh, thì đồng thời Mỹ cũng có thể “thay ngựa giữa đường”, gạt bỏ Diệm khi không còn dùng được Diệm nữa.
Nhưng rõ ràng là cuộc vật lộn giữa Mỹ - Diệm không quyết định cục diện miền Nam. Cái quyết định cục diện miền Nam chính là cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân miền Nam, được nhân dân miền Bắc và nhân dân toàn thế giới tích cực ủng hộ.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thật vậy, trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình, đồng bào miền Nam luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ tích cực của nhân dân miền Bắc và nhân dân toàn thế giới.
Từ mấy tháng nay, ngoài những hoạt động của Quốc hội và Chính phủ ta lên án Mỹ - Diệm, bảo vệ Hiệp định Giơnevơ và đấu tranh cho sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà, một phong trào quần chúng mạnh mẽ và sâu rộng của đồng bào miền Bắc đã dâng lên qua các đợt đấu tranh ủng hộ phong trào Phật giáo miền Nam, đợt 20-7 và đợt chống chính quyền Diệm thiết quân luật. Từ 5 tháng nay, hàng triệu người đã làm míttinh và xuống đường biểu tình chống Mỹ - Diệm. Hai mươi hai tỉnh và trên sáu mươi nông trường đã mở đợt thi đua “vì miền Nam anh dũng, phấn đấu giành vụ Mùa thắng lợi”. Cũng qua phong trào “ngày thứ bảy đấu tranh thống nhất”, 250 xí nghiệp, công trường Hà Nội đã vượt mức kế hoạch từ 40 đến 50%; 500 xí nghiệp, công trường, hợp tác xã ở Hải Phòng đã sôi nổi thi đua, trong đó chỉ riêng 37 đơn vị đã làm thêm một vạn giờ “lao động chống Mỹ - Diệm”. Công trường Khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy điện Việt Trì, nhà máy xúppe phốt phát Lâm Thao, mỏ than Hòn Gai, nhà máy chè Phú Thọ, công nhân đường sắt v.v. đều phát động phong trào “thi đua sản xuất chống Mỹ - Diệm” sôi nổi.
Kết tinh của sự phản kháng quyết liệt của đồng bào miền Bắc chúng ta đối với những tội ác của Mỹ - Diệm là lời tuyên bố quan trọng của Hồ Chủ tịch ngày 28 tháng 8 mới đây. Đó là lời kết án đanh thép đối với chế độ Mỹ - Diệm, lời ủng hộ kiên quyết của 17 triệu đồng bào miền Bắc đối với cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, lời kêu gọi thiết tha sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình và chính nghĩa trên thế giới đối với cuộc đấu tranh của toàn dân Việt Nam chống Mỹ - Diệm để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Trước những sự kiện nổi bật của tình hình miền Nam và hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân khắp nơi trên thế giới kịch liệt lên án Mỹ - Diệm và đã biểu thị sự đồng tình và ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam. Chưa lần nào đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lại bị cô lập và bị lên án kịch liệt ở khắp nơi như lần này. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam được bạn bè ở khắp năm châu ủng hộ tích cực và rộng rãi như vậy.
Các đoàn thể nhân dân ở Liên Xô, Trung Quốc và ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhiều tổ chức quần chúng của các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh đã cực lực lên án Mỹ - Diệm, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ở Mỹ, qua bức thư và những lời tuyên bố của 650 nhà trí thức và của trên 15.000 tu sĩ Mỹ, qua các cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên, công nhân và của các chiến sĩ hoà bình ở Cựu Kim Sơn (1), Nữu Ước (2) và trước trụ sở Liên hợp quốc ở Mỹ, nhân dân Mỹ đã biểu thị thái độ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược và chính sách tàn bạo của
Mỹ - Diệm ở miền Nam.
Trong nhiều cuộc hội nghị quốc tế, các đoàn thể trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được mời tham dự; trái lại, đại biểu của Ngô Đình Diệm đã bị đuổi ra ngoài, như hội nghị đoàn kết nhân dân Á - Phi ở Mốtxi (Tăngganiyca), hội nghị các nhà báo Á-Phi ở Giacácta (Inđônêxia). Nhiều đoàn thể nhân dân quốc tế cũng đã thành lập các tổ chức ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam, như: Liên hiệp công đoàn thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, Hội liên hiệp sinh viên quốc tế, Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi, Hội luật gia dân chủ quốc tế. Gần đây nhất là Hội nghị Uỷ ban công đoàn quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân miền Nam Việt Nam họp tại Hà Nội đã thông qua nghị quyết và kêu gọi 120 triệu đoàn viên công đoàn, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 20 tháng 12 sắp tới, kỷ niệm lần thứ ba ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm ngày quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong bức thư gửi anh chị em lao động và Hội Lao động Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội nghị Uỷ ban Công đoàn quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân miền Nam đã nhấn mạnh:
“Hội nghị coi cuộc đấu tranh của các đồng chí là một bộ phận của cuộc đấu tranh chung của các lực lượng hoà bình thế giới chống các lực lượng chiến tranh, của các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống sự thống trị thực dân và của phong trào công nhân quốc tế chống áp bức giai cấp và chống bóc lột, vì tiến bộ xã hội. Cuộc đấu tranh của các đồng chí hoàn toàn không bị cô lập. Lao động và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới luôn luôn ở bên cạnh các đồng chí”.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, đồng chí Rơnatô Bitôxi, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, cũng nói:
“Qua các đồng chí đại diện miền Nam, chúng tôi xin ôm vào lòng lao động và nhân dân miền Nam Việt Nam và bảo đảm với họ rằng giai cấp công nhân trên toàn thế giới và những người yêu chuộng tự do công lý đều gần gũi và đoàn kết với họ trong công cuộc đấu tranh, để giúp họ đạt thắng lợi cuối cùng, vì sự thắng lợi của nhân dân miền Nam Việt Nam chống bọn phản động, bọn đế quốc và bè lũ phát xít cũng là một thắng lợi bảo đảm hoà bình, hạnh phúc cho toàn thể giai cấp công nhân trên thế giới”.
Đồng chí Gútxêinốp, đại biểu Công đoàn Liên Xô, đã phát biểu:
“Nhân dân Liên Xô không thể bàng quan nhìn những đau khổ của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở miền Nam Việt Nam; nhân dân Liên Xô hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh kiên quyết và nguyện vọng tự do và hoà bình của nhân dân miền Nam Việt Nam”.
Đồng chí Lưu Trường Thắng, đại biểu Công đoàn Trung Quốc, sau khi nêu rõ sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân miền Nam Việt Nam, đã nói:
“Chúng tôi cho rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng ở tiền đồn phía Đông Nam của phe xã hội chủ nghĩa không những đã bảo vệ quyền lợi của dân tộc Việt Nam, mà còn là một sự ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ đối với nhân dân các nước trên thế giới và các nước xã hội chủ nghĩa. Giai cấp công nhân và nhân dân Trung Quốc lấy làm vinh dự và tự hào có một nước láng giềng anh hùng như vậy”.
Đồng chí Vixentô Vanđê Nêgơrêtê, đại biểu Công đoàn Cuba, cũng tuyên bố:
“Lao động và nhân dân Cuba sẽ thực hiện bằng hành động tất cả những nghị quyết của cuộc hội nghị này… Cuộc chiến đấu tự giải phóng đất nước của lao động và nhân dân miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thành công; đế quốc Mỹ nhất định sẽ bị tống cổ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến thắng!”.
Đồng chí Môhamét Abíp, đại biểu Công đoàn Angiêri, quả quyết:
“Chúng tôi xin khẳng định với nhân dân Việt Nam anh em rằng: Chúng tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh các đồng chí để góp phần thực hiện những mục tiêu của các đồng chí”.
Tất cả các đại biểu khác đều tỏ tình ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam chống Mỹ - Diệm, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.
Cũng trong thời gian mấy tháng vừa qua, các Chính phủ Trung Quốc, Triều Tiên, Campuchia, Xâylan (3) đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đại biểu của Chính phủ 16 nước Á - Phi đã đòi đưa vấn đề Mỹ - Diệm khủng bố Phật giáo, thanh niên và sinh viên miền Nam Việt Nam ra Liên hợp quốc.
Nổi bật nhất là sự ủng hộ kiên quyết của 650 triệu nhân dân Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam Việt Nam qua Lời tuyên bố của Chủ tịch Mao Trạch Đông cuối tháng 8 mới đây. Trong bản Tuyên bố ấy, Mao Chủ tịch đã nói:
“Nhân dân Trung Quốc tỏ ý hết sức căm phẫn và kịch liệt lên án tội ác tày trời đó của tập đoàn Ngô Đình Diệm… Cuộc đấu tranh yêu nước chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam chống bè lũ Mỹ - Diệm, dù về chính trị hoặc quân sự, đều đã thu được những thắng lợi to lớn. Nhân dân Trung Quốc chúng tôi kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam”.
Trong cuộc mít tinh ngày 26 tháng 7 năm nay tại La Havan (4), Thủ tướng Phiđen Caxtơrô đã ca ngợi “phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam Việt Nam là tượng trưng cao nhất cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới” và “gửi lời chào mừng đến nhân dân miền Nam Việt Nam anh hùng đang chiến đấu chống đế quốc Mỹ”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ngày 28 tháng 8 năm nay, ông Gôđông Bápphơ, Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ hoà bình Anh, đã viết: “Chính sách biến miền Nam Việt Nam thành một liên minh quân sự chống lại nhân dân vùng Đông Nam Á là một mối đe doạ hết sức nguy hiểm đối với hoà bình. Vì lẽ đó, tất cả những ai đang đấu tranh bảo vệ hoà bình đều cần phải lên tiếng chống lại chính sách hiện tại của Mỹ và bọn độc tài Ngô Đình Diệm, cần phải ủng hộ cuộc đấu tranh giành tự do và thống nhất của nhân dân Việt Nam”.
Bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần, sự ủng hộ về vật chất của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam cũng ngày một tăng. Nhân dân các nước Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Anbani, Cộng hoà Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hunggari và một số tổ chức quốc tế, như Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Hội liên hiệp Sinh viên quốc tế v.v., đã gửi tiền hoặc thuốc men, y cụ, quần áo v.v. cần thiết cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nếu sự viện trợ về kinh tế và quân sự của Mỹ cho Diệm đã làm cho Mỹ - Diệm ngày càng bị cô lập và thất bại, thì trái lại, sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới ngày càng làm cho nhân dân miền Nam có thêm bè bạn ở khắp năm châu, uy tín và địa vị quốc tế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam càng được nâng cao, và góp phần làm cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam mau thắng lợi.
Chúng ta hết sức cảm kích và tỏ lời nhiệt liệt cám ơn nhân dân thế giới, cám ơn các Chính phủ, các vị lãnh tụ của các nước anh em và các nước bạn, đã tỏ tình ủng hộ nhiệt liệt cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Chúng ta lấy sự nghiệp xây dựng hoà bình ở miền Bắc, lấy sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà của nhân dân ta, lấy tinh thần đoàn kết hữu ái với nhân dân lao động trên thế giới chống kẻ thù chung để đáp lại sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới đối với chúng ta.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Mặc dù bị thất bại ngày càng nặng nề, bị sa lầy và lúng túng không có lối thoát, bọn Mỹ - Diệm vẫn không chịu từ bỏ giấc mộng “chiến thắng” của chúng. Để xoa dịu dư luận phản đối của nhân dân Mỹ và lừa bịp nhân dân thế giới, đồng thời để hòng mị dân trong cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ sắp tới, chính quyền Kennơđi đã phải tuyên bố “sẽ rút dần viện trợ” và “giảm dần quân số” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng trong chương trình 5 điểm và bản tuyên bố của Toà Bạch Ốc (5) Mỹ về tình hình miền Nam Việt Nam vừa qua, đế quốc Mỹ đã nói trắng ra rằng: “Sự giúp đỡ và những cố gắng về quân sự đó chỉ cần thiết trong khi cuộc “nổi loạn” (tức là phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam) chưa bị đè bẹp, hoặc các lực lượng an ninh quốc gia của Chính phủ Nam Việt Nam chưa đè bẹp được nó”.
Rõ ràng lời tuyên bố trên đây tự nó đã bóc trần chính sách hai mặt của Chính phủ Mỹ và bác bỏ hoàn toàn luận điệu xảo quyệt của đế quốc Mỹ.
Tuy Mỹ - Diệm mâu thuẫn với nhau gay gắt, nhưng đó chỉ là mâu thuẫn về cách làm thế nào để hòng chiến thắng phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam một cách mau chóng. Bọn cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đương cùng nhau ráo riết chuẩn bị chuyển sang cái gọi là “Giai đoạn tổng phản công” trong năm 1964.
Đồng bào miền Nam chúng ta và toàn thể nhân dân ta rất mong muốn hoà bình, nhưng cũng nhận rõ rằng muốn có hoà bình phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, không mắc mưu lừa phỉnh của chúng.
Vừa qua, trong lời chào mừng của đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế, Hồ Chủ tịch đã nói:
“Để hoà bình giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam hiện nay, chỉ có một cách là đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, vấn đề miền Nam phải do nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy, như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã quy định”.
Bọn Mỹ - Diệm đương nuôi ảo tưởng cố gắng giành “toàn thắng” trong hai năm tới. Nhưng đó chẳng qua chỉ là những ý nghĩ phiêu lưu của bọn cuồng chiến. Lực lượng yêu nước của nhân dân miền Nam, được nhân dân cả nước ủng hộ, đương lớn mạnh và trên đà chiến thắng. Nhân dân miền Nam, cả ở rừng núi, đồng bằng và đô thị, đã đứng lên chống lại chúng bằng mọi hình thức. Kế hoạch tập trung dân vào các “ấp chiến lược” của chúng thực tế không thể hoàn thành được. Mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm càng gay gắt thêm và ngay trong hàng ngũ bọn thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam luôn luôn có khả năng nổ ra đảo chính để lật đổ Ngô Đình Diệm. Quân chủ lực của Diệm phải phân tán để phòng thủ cả đô thị, đồng bằng và miền rừng núi. Đế quốc Mỹ đương có nhiều khó khăn và mâu thuẫn về quyền lợi với các đế quốc khác ở nhiều khu vực trên thế giới. Phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới phản đối Mỹ - Diệm và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, kể cả phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ, ngày càng mạnh mẽ. Trong những điều kiện ấy, kế hoạch “tổng phản công” mà Mỹ - Diệm đang trù tính phỏng có căn cứ gì?
Giữa lúc bọn cố vấn quân sự Mỹ và bọn trùm chiến tranh trong Lầu năm góc, cũng như bọn Ngô Đình Diệm rêu rao ầm ỹ về cái gọi là chúng “đương thắng” và “sắp hoàn thắng”, thì nghị sĩ Mỹ William S. Broomfield, sau khi đi kiểm tra tình hình miền Nam về, đã phải tuyên bố trắng ra rằng: “Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam không phải là sẽ thắng trong vòng một, hai năm. Cuộc chiến tranh đó thậm chí cũng sẽ không thắng được trong vòng 5 năm…”.
Đồng bào miền Nam Việt Nam chúng ta đã buộc phải đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm trong hai mươi năm ròng. Điều đó làm cho đồng bào miền Nam vừa vô cùng thiết tha với hoà bình, vừa không sợ hy sinh để chiến đấu chống quân xâm lược, giành độc lập, tự do. Thật vậy, trong hoàn cảnh phải trường kỳ chống chiến tranh xâm lược, chắc chắn là không ai thiết tha với hoà bình và cần được an cư lạc nghiệp hơn là đồng bào miền Nam. Nhưng lò lửa đấu tranh lâu dài ấy cũng tạo cho nhân dân miền Nam nước ta một đức tính là không hề sợ chiến đấu, dù cho phải đấu tranh lâu dài và gian khổ đến mấy, để giành cho kỳ được hoà bình, độc lập, thống nhất, tự do và hạnh phúc.
Hiện nay, điều kiện chủ quan và khách quan, điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hoà đều khẳng định rằng: kẻ có thể chiến đấu lâu dài và giành được thắng lợi cuối cùng là nhân dân miền Nam Việt Nam, chứ không phải là đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm. Ý chí chiến đấu kiên cường, tinh thần trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của đồng bào miền Nam Việt Nam đã thể hiện cụ thể trong lời tuyên bố ngày 20 tháng 7 vừa qua của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam:
“Với một ý chí và quyết tâm không gì lay chuyển nổi, nhân dân miền Nam Việt Nam xác định là mình sẽ hy sinh tất cả để giành thắng lợi. Chúng ta sẽ không bao giờ buông tay súng khi miền Nam Tổ quốc của chúng ta còn bị nước ngoài thống trị, khi mạng sống và nhân phẩm của chúng ta còn bị chà đạp và chúng ta chưa được tự do”.
Phương châm trường kỳ chiến đấu, tự lực cánh sinh, tin tưởng vững chắc ở thắng lợi cuối cùng là phương châm chiến thắng của nhân dân cả nước ta trong thời kỳ kháng chiến. Đó cũng là phương châm mà đồng bào miền Nam anh dũng và kiên cường của chúng ta đương noi theo, và đó cũng chính là con đường thắng lợi của đồng bào miền Nam. Trên con đường đó, đồng bào miền Nam anh dũng của chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và nhất định sẽ hoàn toàn chiến thắng.
Đồng bào miền Nam kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, công việc của miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy, Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam phải được thi hành đầy đủ, đó là những nguyên lý bất di bất dịch để giải quyết đúng đắn vấn đề miền Nam Việt Nam.
Đế quốc Mỹ lợi dụng Liên hợp quốc đưa đoàn quan sát vào miền Nam Việt Nam hòng che lấp tội ác của chúng đàn áp tín đồ Phật giáo, sinh viên và học sinh miền Nam Việt Nam. Nhưng tội ác của Mỹ - Diệm chất đầy như núi, càng ngày càng bộc lộ trước dư luận nhân dân toàn thế giới, không một thủ đoạn quỷ quyệt nào có thể che lấp được. Quan điểm của chúng ta là: việc điều tra Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam phải do Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đảm nhiệm, và thực tế chỉ có đồng bào miền Nam Việt Nam không phân biệt giáo và lương, đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết đánh đổ chế độ của Mỹ - Diệm mới có thể chấm dứt được những tội ác của chúng và bảo đảm cho Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được thi hành đầy đủ mà thôi.
Đồng bào miền Bắc chúng ta hãy ra sức thi đua yêu nước, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, ra sức phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
1. Xan Phờranxítcô (Mỹ)
2. Niu Oóc (Mü).
3. Nay là Xri Lanca (BT).
4. Tức là Habanna - Thủ đô Cộng hòa Cuba (BT).
5. Tức là Nhà Trắng, Phủ Tổng thống Hoa Kỳ (BT).