BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
(Do ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính
trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, ngày 28-10-1963)
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 4 năm 1963, Chính phủ đã báo cáo những nét chính về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1962, nay các Bộ, các ngành và các địa phương đã làm xong quyết toán, chúng tôi xin báo cáo bản tổng quyết toán chính thức của ngân sách nhà nước năm 1962 như sau:
Về thu: Kế hoạch đầu năm dự trù 1.679.819.000đ, nay quyết toán 1.755.613.511,55 đ bằng 104,5% kế hoạch, so với năm 1961 bằng 110,8%.
Về chi: Kế hoạch đầu năm dự trù 1.679.819.000đ, nay quyết toán 1.735.898.510đ 32 bằng 103,33% kế hoạch, so với năm 1961 bằng 111,02%.
Số thu nhiều hơn chi 19.715.001đ 2, gồm kết dư của ngân sách địa phương 11.304.093đ68, và kết dư của ngân sách Trung ương 8.410.907đ 55.
A- PHẦN THU
Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 1962 quyết toán là 1.755tr613. Phần thu trong nước không kể số kết dư 1961 là 1.384tr281 chiếm tỷ trọng 78,8% tổng số thu ngân sách. Phần thu về viện trợ và vay quyết toán là 353tr005 chiếm tỷ trọng 20,1% tổng số thu ngân sách.
Thu trong nước:
Năm 1962, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn (vụ chiêm bị hạn hán kéo dài, vụ mùa bị lụt ở một số địa phương), nhưng nhờ sự cố gắng chung của các ngành các cấp, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đã tăng hơn so với năm 1961: tổng sản lượng công nông nghiệp tăng 14,2%, tổng mức lưu chuyển hàng hoá xã hội tăng 6%, giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng 10%, trị giá hàng hoá nhập khẩu tăng 7,4%.
Thu nhập quốc dân năm 1962 tăng 7,5% so với năm 1961, số thu trong nước của ngân sách nhà nước năm 1962 tăng 6,4% so với năm 1961. Số thu tài chính của Nhà nước chúng ta tăng lên hàng năm là dựa vào số thu nhập quốc dân mỗi năm được tăng thêm, dựa vào nền kinh tế quốc dân được phát triển và chế độ tiết kiệm ngày càng được tiến bộ.
Tình hình các loại thu như sau:
Thu trong nước
|
Số dự toán
|
Số thực hiện
|
So với dự toán
|
Tỷ lệ so sánh So với 1961
|
Tổng số:
|
1.340. Tr 527.000
|
1.384 Tr.281.747,00
|
103,2%
|
106,4%
|
Trong đó:
- Thu quốc doanh và thu xí nghiệp và sự nghiệp.
|
944.946.000
|
960.143.223,44
|
101,6
|
107,23
|
- Thu về thuế
|
373.581.000
|
398.496.043,82
|
106,66
|
105,89
|
- Thu khác
|
22.000.000
|
25.640.897,44
|
116,55
|
90,43
|
I- THU QUỐC DOANH VÀ THU XÍ NGHIỆP VÀ SỰ NGHIỆP
Tổng số thu quốc doanh và số thu xí nghiệp và sự nghiệp vượt mức dự toán và bằng 107,23% so với 1961, là nhờ có sự cố gắng của nhiều ngành kinh tế quốc doanh đã khắc phục nhiều khó khăn, bảo đảm một tốc độ phát triển tương đối nhanh. Tổng trị giá sản lượng của Bộ Công nghiệp nặng tăng 40,5% so với 1961, của Bộ Công nghiệp nhẹ tăng 21%, sản xuất công nghiệp của Bộ Y tế tăng 44,8% so 1961… - Bộ Giao thông vận tải đã tăng 12,8% khối lượng vận chuyển so với 1961 - Bộ Ngoại thương tăng được 10% khối lượng hàng xuất khẩu và 7,4% khối lượng hàng nhập khẩu so với 1961. Bộ Nội thương tăng doanh số bán hàng được 4,4% so với 1961.
Mặt khác một số Bộ đã cố gắng bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch hạ giá thành sản phẩm có thể so sánh được so với năm 1961, Bộ Công nghiệp nặng hạ được 4,98% giá thành so với 1961 (kế hoạch là 4,2%) - Bộ Công nghiệp nhẹ hạ được 6,87% giá thành so với 1961 (kế hoạch là 3%) - Ngành công nghiệp y tế hạ được 4,7% giá thành so 1961 (kế hoạch là 2,6%), phí lưu thông Bộ Ngoại thương thực hiện là 3,48% so với kế hoạch là 3,67%.
Các xí nghiệp địa phương mặc dầu gặp nhiều khó khăn cũng đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh sản xuất, nên số lợi nhuận xí nghiệp địa phương đã tăng được 7,2% so với 1961.
Nhờ những thành tích của các ngành các địa phương và các xí nghiệp như trên, nên số thu xí nghiệp và sự nghiệp của ngân sách nhà nước trong năm 1962 đã thu được vượt mức kế hoạch.
Nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân đã làm giảm tốc độ và mức độ tích luỹ của nền kinh tế quốc doanh trong 1962.
Trong 1962 Chính phủ đã điều chỉnh một số giá cả, nâng giá thu mua của một số sản phẩm nông nghiệp (mía, đỗ, khoai, sắn) nâng giá thu mua cá, đồng thời lại hạ giá bán một số sản phẩm công nghiệp như giá bán một số sản phẩm cơ khí, giá giấy in sách báo v.v.. Nhà nước đã bỏ ra thêm một số tiền là trên 10 triệu đồng để làm những việc điều chỉnh giá cả này. Những việc điều chỉnh giá cả như vậy đều nhằm mục đích khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nghề cá, tăng cường quan hệ hợp tác xã, nâng cao thu nhập của nông dân và ngư dân.
Mặt khác, những nhược điểm và khuyết điểm còn tồn tại trong việc quản lý kinh tế tài chính của chúng ta đã hạn chế một phần khả năng tích luỹ của nền kinh tế quốc doanh trong 1962, làm cho tốc độ tăng thu tài chính trong kinh tế quốc doanh không theo sát được tốc độ tăng sản lượng và hạ giá thành sản phẩm. Kế hoạch giá trị sản lượng thương phẩm của một số xí nghiệp không hoàn thành, sản phẩm dở dang còn nhiều - nhất là trong các ngành cơ khí. Chất lượng hàng hoá của một số các xí nghiệp Trung ương và địa phương không được bảo đảm, nên thu nhập về bán hàng có hạ đi, đồng thời có những hàng khó tiêu thụ vì không bảo đảm quy cách phẩm chất. Cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ không thực hiện được đối với một số sản phẩm - Việc sắp xếp kế hoạch sản xuất giữa xí nghiệp Trung ương và xí nghiệp địa phương chưa ăn khớp cũng làm cho việc tiêu thụ có khó khăn. Việc quản lý xí nghiệp chưa bảo đảm sử dụng thiết bị và nguyên vật liệu hợp lý, sử dụng lao động hợp lý, một số đơn vị không bảo đảm kế hoạch hạ giá thành và hạ phí lưu thông.
Đối với các ngành nội, ngoại thương, thì nhiệm vụ thu mua nhất là thu mua nông sản chưa hoàn thành tốt, do đó mà doanh số bán ra không đạt kế hoạch.
Việc thanh toán trong các ngành kinh tế cũng còn chậm trễ, nợ nần dây dưa kéo dài - chiếm dụng vốn lẫn nhau. Chế độ thu nộp cho Nhà nước còn chậm.
Những khuyết điểm và nhược điểm trên đây đã làm hạn chế một phần khả năng tích luỹ của nền kinh tế quốc doanh, nhiều khả năng tiềm tàng chưa được khai thác tốt trong năm 1962.
Trong năm 1963, dựa vào phong trào thi đua yêu nước sôi nổi của nhân dân, các ngành các địa phương, các xí nghiệp đang ra sức cải tiến quản lý để đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm, cố gắng nhiều hơn nữa để nâng cao sản lượng hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ và thanh toán, tăng cường tích luỹ nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
II- THU VỀ THUẾ
Tổng số thuế quyết toán năm 1962 là 398tr4 tăng 5,89% so với năm 1961 và bằng 106,6% so với kế hoạch.
Thuế công thương nghiệp: quyết toán 298tr8 tăng 8,07% so với năm 1961 và bằng 107,55% so với kế hoạch. Số thuế thu chia theo khu vực kinh tế như sau:
Thuế công thương nghiệp thu của khu vực kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh là 229tr8, bằng 111% năm 1961 của khu vực hợp tác xã và cá thể là 69tr, bằng 107,8% năm 1961.
Công tác quản lý thu thuế công thương nghiệp đã bước đầu đi vào hoạt động kinh tế đối với khu vực kinh tế quốc doanh, có đi sâu nghiên cứu tình hình tài vụ của xí nghiệp để kiểm tra và bảo đảm số thuế phải nộp.
Tuy vậy, công tác thuế công thương nghiệp cũng còn nhiều khuyết điểm:
Tình hình thất thu còn nhiều ở khu vực tập thể và cá thể. Năm 1962, thị trường tự do phát triển hơn năm 1961, hoạt động của khu vực tập thể và cá thể diễn biến phức tạp, nhưng việc chỉ đạo công tác thuế chưa được tăng cường kịp thời, việc giáo dục nhân dân làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước chưa làm được đầy đủ.
Đối với khu vực quốc doanh thì thuế chưa phát huy được tác dụng giám đốc các hoạt động kinh tế - chế độ thu nộp các xí nghiệp một tháng hai lần chưa được chấp hành nghiêm chỉnh.
Công tác thuế công thương nghiệp làm còn chưa tốt, thất thu còn nhiều, ảnh hưởng tới công tác quản lý thị trường, quản lý tiền mặt, ổn định vật giá và tác dụng của thuế khoá đối với việc thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa còn tương đối yếu.
Trong năm 1963 theo chủ trương của Chính phủ ngành tài chính và các ngành, các địa phương đang tăng cường việc chỉ đạo thu thuế công thương nghiệp, tăng cường lực lượng cho ngành thuế, đẩy mạnh sự giáo dục nhân dân về nghĩa vụ đối với sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà, tăng cường việc quản lý thị trường kiểm tra và giúp đỡ các hợp tác xã.
III- THU VỀ VIỆN TRỢ VÀ VAY
Số thu về viện trợ và vay quyết toán là 353tr005,7 bằng 109,9% so với dự toán và bằng 128,7% so với năm 1961. Số thu về viện trợ và vay bao gồm:
Thiết bị toàn bộ 257tr277 so với dự toán đạt 113,3%
Thiết bị lẻ 17,214 - 76,5%
Nguyên vật liệu 78,515 - 110,8%
Số tiền sử dụng viện trợ và vay vượt dự toán đầu năm chủ yếu là để thanh toán thiết bị viện trợ và vay của các Bộ các ngành về vượt mức kế hoạch.
B- PHẦN CHI
Tổng số chi năm 1962 quyết toán là 1.735.898.510đ32 so với dự toán bằng 103,33%, so với năm 1961 bằng 111,02%.
|
Số thực hiện
|
Tỷ trọng
|
Tỷ lệ so 1961
|
Tổng số
|
1.735.898.510đ32
|
100%
|
111,02%
|
- Chi về kiến thiết kinh tế (bao gồm cả kiến thiết cơ bản)
|
1.113.018.581,98
|
64,12
|
111,87
|
- Chi về văn giáo, y tế, xã hội (bao gồm cả kiến thiết cơ bản)
|
182.873.064,86
|
10,53
|
103,01
|
- Chi về quốc phòng và hành chính
|
352.026.694,83
|
20,28
|
106,44
|
- Chi về trả nợ
|
25.929.081,26
|
1,49
|
166,50
|
- Chi khác
|
62.051.087,39
|
3,58
|
138,25
|
Số vốn ngân sách nhà nước 1962 vẫn tiếp tục được tập trung cho công cuộc xây dựng kinh tế và văn hoá (74,65% ngân sách 1962), đồng thời vẫn bảo đảm các nhu cầu chi tiêu để củng cố quốc phòng và các nhu cầu to lớn khác của Nhà nước.
Công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được đặc biệt chú trọng - gần 50% ngân sách nhà nước 1962 là dành cho vốn kiến thiết cơ bản, tăng 4,6% so với 1961.
Trong khi vẫn phải đẩy mạnh việc xây dựng công nghiệp nhất là công nghiệp nặng, việc đầu tư vốn để giúp đỡ nông nghiệp được đẩy mạnh hơn trong năm 1962 - số vốn Nhà nước bỏ ra để xây dựng cơ bản trong công nghiệp, nông trường quốc doanh, thuỷ lợi, trong các công nghiệp phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, số vốn bỏ ra để đẩy mạnh các sự nghiệp nghiên cứu khoa học nông nghiệp, phổ biến kỹ thuật, đào tạo cán bộ, giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp và vốn cho vay dài hạn trong nông nghiệp tăng nhiều so với năm 1961.
Dưới đây chúng tôi xin báo cáo một số tình hình cụ thể:
1- Vốn kiến thiết cơ bản:
Vốn kiến thiết cơ bản của ngân sách nhà nước đầu năm dự trù 830tr748 nay thực chi 862tr485 chiếm 49,7% tổng số chi của ngân sách, so với năm 1961 tăng 4,6%.
Về khối lượng kiến thiết cơ bản thực hiện, thì năm 1962 có tiến bộ hơn năm 1961, hoàn thành được 94,2% tổng mức đầu tư kế hoạch, riêng phần xây lắp hoàn thành được 98,1%.
Số tài sản cố định đưa vào sản xuất năm 1962 so với tổng mức đầu tư đạt tỷ lệ cao hơn 1961 (1962: 87,01%, 1961: 67,55%) trong đó có 35 công trình thuộc khu vực sản xuất và 15 công trình thuộc khu vực không sản xuất.
Tuy nhiên về mặt quản lý vốn kiến thiết cơ bản năm 1962, cũng còn có nhiều khuyết điểm:
Thời gian thi công một số công trình vẫn phải kéo dài. Chất lượng công trình có tiến bộ hơn năm 1961 nhưng cũng còn có trường hợp chưa tốt. Giá thành công trình còn cao, thiết bị thi công sử dụng chưa tốt, nhân lực sử dụng chưa hợp lý, vật liệu còn lãng phí và ứ đọng cũng nhiều, cấp phát và sử dụng vốn còn chưa tiết kiệm.
2- Vốn lưu động:
Trong năm 1962, Nhà nước đã cấp 98tr130 về vốn lưu động, so với dự toán đạt 122% và so với năm 1961 bằng 148,1%.
Chi về vốn lưu động vượt kế hoạch là do tình hình sản xuất của các xí nghiệp tăng lên, mặt khác cũng do tình hình vật tư ứ đọng đòi hỏi phải cấp thêm vốn.
Nhìn chung việc quản lý vốn lưu động chưa tốt, định mức chưa sát thực tế, sử dụng vốn còn nhập nhằng, vốn luân chuyển chậm, nợ nần dây dưa, thanh toán chậm, làm cho tình hình vốn thêm căng thẳng.
3- Vốn cho vay dài hạn:
Năm 1962, ngân sách nhà nước đã cấp thêm vốn cho vay dài hạn 20 triệu nhằm giúp hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp phát triển sản xuất và cải tiến tư liệu sản xuất. Tổng số vốn Ngân hàng Nhà nước đã cho các hợp tác xã vay dài hạn trong 1962 là 47tr2 đó là một cố gắng của Nhà nước giúp đỡ tài chính cho các hợp tác xã để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật. Nhưng trong năm 1962, việc cho vay dài hạn cũng còn phân tán chưa tập trung vào những khoản chính làm tăng năng suất để phát huy hiệu quả tiền vốn và khuyến khích các hợp tác xã tự mình tăng cường tích luỹ tập thể.
Cho vay cũng chưa kết hợp chặt chẽ với khả năng cung cấp vật tư, nên một phần số tiền cho vay biến thành nhu cầu về hàng tiêu dùng. Việc thu hồi vốn còn chậm.
4- Chi về sự nghiệp phí kiến thiết kinh tế:
Tổng số chi về sự nghiệp phí kiến thiết kinh tế năm 1962 quyết toán là 140tr915 bằng 127,3% so với dự toán và tăng 49,8% so năm 1961, gồm các khoản chi về thăm dò địa chất, trung đại tu cầu đường, tu bổ thường xuyên đường sá, đê điều, thuỷ nông, và làm các công tác khảo sát thiết kế, nghiên cứu thí nghiệm v.v..
Số chi về sự nghiệp kiến thiết kinh tế mấy năm nay tăng nhiều do yêu cầu phát triển của nền kinh tế nhưng cũng còn nhiều khoản chi có thể tiết kiệm hơn, mà hiệu quả phải lớn hơn như công tác nghiên cứu thí nghiệm, công tác thăm dò địa chất v.v..
5- Chi về sự nghiệp phí văn hoá giáo dục, y tế, xã hội:
Tổng số chi về sự nghiệp phí về văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội năm 1962 (bao gồm cả các sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của các ngành kinh tế) là 186tr413 chiếm tỷ trọng 13,4% số thu trong nước và tăng 17,14% so với năm 1961.
Số chi sự nghiệp phí về văn xã tăng nhanh trong 1962. Đây là một sự cố gắng lớn của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hoá giáo dục, y tế phục vụ đời sống nhân dân - Các hoạt động sự nghiệp văn hoá giáo dục cần chú ý nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, đồng thời chú ý tìm biện pháp chi phí tiết kiệm mà vẫn bảo đảm khối lượng và chất lượng công tác.
6- Chi về hành chính:
Số chi về hành chính bằng 103,4% dự toán và tăng 7,9% so với năm 1961.
Năm 1962, công tác quản lý chi tiêu có tiến bộ hơn các năm trước, một số cơ quan đã cải tiến biện pháp quản lý các tiêu chuẩn chi tiêu, việc mua sắm có hạn chế hơn, nhưng việc quản lý biên chế và quỹ tiền lương của khu vực hành chính và sự nghiệp còn chưa chặt chẽ, nên số biên chế hành chính Trung ương và địa phương vượt kế hoạch 3,1%. Các việc chi tiêu có tính chất hình thức phô trương cũng còn nhiều ở Trung ương và ở các địa phương.
Trong năm 1963, các ngành các địa phương đang cố gắng giảm bớt diện những người ăn lương của Nhà nước, cải tiến tổ chức giảm nhẹ biên chế - đồng thời triệt để tiết kiệm về chi tiêu hành chính. Những cố gắng này cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
C- NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Tổng số thu chi ngân sách địa phương đầu năm trình Quốc hội là 284tr491 (kể cả kết dư và ngân sách trung ương trợ cấp) nay quyết toán thu là 313tr307 (kể cả kết dư và ngân sách trung ương trợ cấp) so với dự toán đầu năm bằng 110,13%, so với 1961 bằng 113,28%. Về chi của ngân sách địa phương quyết toán là 293tr990 so với 1961 bằng 114,3%.
Tổng số thu ngân sách địa phương tăng 13% so với 1961 là tăng nhanh hơn tổng số thu trong nước của ngân sách nhà
nước (6,4%) và chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số
thu trong nước của ngân sách nhà nước (1960: 20%; 1961: 20,5%; 1962: 21,1%).
Nguồn thu cố định của địa phương tăng nhanh hơn tổng số thu ngân sách địa phương (tăng 24,3%) và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong số thu của địa phương (1960: 22%; 1961: 26,5%; 1962: 29%). Trong phần thu cố định thì lợi nhuận xí nghiệp địa phương tăng 7,2% so với năm 1961.
Tổng số chi ngân sách địa phương tăng 14,3% so với năm 1961 trong đó:
Chi về kiến thiết kinh tế 138tr237 tăng hơn năm 1961 là 22,5%
Chi về văn hoá xã hội 86,372 - 10,6%
Chi về hành chính 61,040 - 5,1%
Chi khác 9,340 - 4,1%.
Tỷ trọng chi về kiến thiết kinh tế và văn hoá của các địa phương ngày mỗi tăng lên: 1960 là 65,6% tổng số chi; 1961 là 74,3%; 1962: là 76,2%.
Vốn kiến thiết cơ bản đầu tư vào công nghiệp tăng 62% so 1961, vào nông nghiệp và thuỷ lợi tăng 20%, vào giao thông vận tải tăng 51% so 1961.
Trong công nghiệp địa phương, thì việc cải tạo các xí nghiệp cũ và xí nghiệp công tư hợp doanh được chú ý nhưng việc xây dựng các xí nghiệp mới thì phần lớn xí nghiệp hiệu quả kinh tế còn ít. Về nông nghiệp, số vốn đã bước đầu tập trung ở một số tỉnh trọng điểm, nhìn chung tỷ lệ đầu tư của ngân sách địa phương vào nông nghiệp còn thấp và tăng chậm. Tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực phí sản xuất của một số tỉnh còn lớn.
Công tác quản lý tài chính của các địa phương trong năm 1962 có tiến bộ, thu vượt mức kế hoạch đầu năm, cuối năm có kết dư ngót 11 triệu, nhưng còn một số khuyết điểm như: về thu thì chưa chú ý đi sâu vào hoạt động kinh tế các ngành để giúp đỡ các ngành cải tiến sản xuất kinh doanh, theo dõi, đôn đốc thu nộp chưa thật chặt chẽ và thường xuyên, tình trạng thất thu, thu nộp chậm, thanh toán chậm, còn khá phổ biến. Về chi thì chưa đi sâu xem xét và cân nhắc hiệu quả kinh tế, chưa kiểm tra kỹ các tiêu chuẩn chi tiêu. Trình độ quản lý tài vụ và hạch toán kế toán các tỉnh nhất là các tỉnh miền núi, còn yếu.
D- QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Quỹ bảo hiểm xã hội nhà nước được thành lập từ 1962 - sau một năm đầu tiên hoạt động tình hình của cả năm 1962 như sau:
Số thu quyết toán 18.058.103đ02 đạt 94,1% kế hoạch
Số chi quyết toán 16.034.555,19 đạt 83,56% kế hoạch
Bội thu 2.023.547,83.
Công tác bảo hiểm xã hội còn rất mới mẻ đối với ta. Việc tổ chức quản lý quỹ đến quý II/1962 mới hình thành và đến quý III/1962 mới bước đầu mở rộng. Công tác quản lý hoàn toàn mới, khối lượng công tác rộng và phức tạp, cán bộ chuyên trách chưa có kinh nghiệm, nhưng nhờ sự tích cực cố gắng của Tổng Công đoàn Việt Nam và các cấp công đoàn, nên công tác quản lý quỹ năm 1962 đã đạt được một số kết quả tốt, thu đạt 94,1% kế hoạch, 98% cơ sở đã quyết toán, các chính sách và chỉ tiêu chấp hành tương đối tốt, nên đã có ảnh hưởng nhiều trong cán bộ, công nhân viên chức đối với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ.
Số chi về bảo hiểm xã hội cho công nhân viên chức trong năm đầu tiên đã lên đến 16tr, trong đó đã dành đến 67% để trợ cấp cho công nhân viên chức khi đau ốm, 18,8% trợ cấp phụ nữ khi thai sản, ngoài ra đã bảo đảm sự giúp đỡ của Nhà nước đối với các trường hợp tai nạn lao động, mất sức lao động, về hưu trí v.v.. Đồng thời một số sự nghiệp bảo hiểm xã hội đã được mở mang, đặc biệt là các nhà nghỉ mát.
Việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội là một quỹ rất lớn, phạm vi hoạt động rất rộng nên cũng còn nhiều nhược điểm: một số cơ sở chưa có nề nếp quản lý tốt và chưa bảo đảm chấp hành đúng chính sách. Tình hình quản lý chung chưa chặt chẽ.
Tổng số bội thu theo báo cáo quyết toán của Tổng Công đoàn là 2.023.547,83, nhưng cũng có khả năng không thu hết được số thừa ở một số cơ sở và phải bù chi thêm cho một số các cơ sở khác, nên số thực còn là 1.718.520đ. Trong số này đã chuyển cấp cho các sự nghiệp nghỉ mát 1.196.500đ để xây dựng và trang bị mới cho các công trình nghỉ mát chuẩn bị cho vụ hè 1963, số còn lại dùng làm vốn luân chuyển cấp trước cho các Liên hiệp công đoàn để thanh toán các trợ cấp cứu tế mất sức lao động.
*
* *
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Ngân sách nhà nước năm 1962 đã được thực hiện tương đối tốt. Thu đã vượt mức dự toán là 4,5%. Riêng phần thu trong nước đã vượt dự toán là 3,2% - và tăng 6,4% so với 1961. Chi đã cố gắng bảo đảm các nhu cầu chi tiêu của việc thực hiện kế hoạch nhà nước 1962 - kể cả các chi tiêu đột xuất - Số thu nhiều hơn số chi là 21tr7.
Nền kinh tế của ta trong 1962 có nhiều khó khăn, nông nghiệp bị bão lụt ở một số địa phương v.v., nhiều mặt mất cân đối còn tồn tại trong nền kinh tế quốc dân; trong điều kiện như vậy ngân sách nhà nước đã thực hiện được thu vượt mức, và đã cố gắng bảo đảm các nhu cầu chi rất lớn của Nhà nước, và thu lại nhiều hơn chi một ít. Như trong báo cáo của Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 - tháng 4/1963, “đó là một thành tích quan trọng - Thành tích đó đã góp phần vào việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1962, đẩy mạnh thêm một bước việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, và cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Đạt được thành tích đó là nhờ có đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhờ nhiệt tình của nhân dân, và sự cố gắng của các ngành, các địa phương, các xí nghiệp, các cơ quan”.
Nếu kể cả quỹ bảo hiểm xã hội, tổng số thu ngân sách nhà nước 1962 là 1.773.671.614đ57, tổng số chi là 1.751.933.065đ51, bội thu là: 21.738.549đ06.
Trong đó bội thu của ngân sách Trung ương là 8.410.907đ,55
Trong đó bội thu của ngân sách địa phương là 11.304.093,68
Trong đó bội thu của quỹ bảo hiểm xã hội là 2.023.547,83.
Trong số kết dư của ngân sách Trung ương, Chính phủ đã cho trích 1.719.000đ để trợ cấp cho các địa phương hoàn thành các công trình dở dang thuộc khối lượng kiến thiết cơ bản 1962 của trung ương trợ cấp cho các địa phương mà chưa kịp cấp phát trong năm 1962, phần còn lại xin chuyển sang Ngân hàng Nhà nước để tăng thêm nguồn vốn tín dụng. Phần thuộc ngân sách địa phương và quỹ bảo hiểm xã hội, xin để các địa phương và Tổng công đoàn Việt Nam sử dụng.
Tình hình quyết toán ngân sách nhà nước 1962 về cơ bản phù hợp với báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước 1962 đã trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 4-1963. Những nhận xét và quyết nghị của Quốc hội đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước 1962 trong kỳ họp tháng 4-1963 là chính xác.
Dưới ánh sáng Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, và Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp tháng 4/1963, nhân dân ta đã và đang nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn cố gắng cao nhất để ra sức thực hiện với mức cao nhất kế hoạch nhà nước 1963 và ngân sách nhà nước 1963, đồng thời chuẩn bị tốt cho kế hoạch nhà nước 1964.
Những bài học kinh nghiệm của năm 1962 rút ra từ việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước 1962 đang được vận dụng vào việc lãnh đạo và quản lý kinh tế tài chính trong 1963; các cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí quan liêu”, “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nông nghiệp phát triển toàn diện mạnh mẽ và vững chắc”, “vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”, cùng với trong trào thi đua yêu nước đang được mở rộng và đang chuẩn bị tạo ra một đà chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ trong các ngành các cấp, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm, tăng cường tích luỹ cho Nhà nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa thêm một bước; tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Chúng tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội phê chuẩn bản Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1962.