THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
(Do ông Đoàn Trọng Truyến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban
trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, ngày 30-10-1963)
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã nghiên cứu và thảo luận bản báo cáo của Chính phủ về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1962. Trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 hồi tháng 4 năm 1963, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1962. Đến nay theo con số báo cáo quyết toán chính thức của Chính phủ, tình hình cơ bản không có gì thay đổi, những nhận định của Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 6 về việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 1962 đều là chính xác. Sau khi thẩm tra bản tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1962, Uỷ ban chúng tôi xin trình bày với Quốc hội những ý kiến và kiến nghị như sau:
1. Nhìn chung ngân sách nhà nước năm 1962 đã được thực hiện tốt.
- Số thu ngân sách 1962 quyết toán là: 1.755.613.511đ tăng 4,5% so với dự toán, và tăng 10,8% so với năm 1961. Riêng số thu trong nước tăng 6,4% so với năm 1961;
- Số chi ngân sách 1962 quyết toán là: 1.735.898.510đ, tăng 3,3% so với dự toán, và tăng 11% so với năm 1961;
- Số thu nhiều hơn số chi quyết toán là: 19.715.001đ gồm kết dư của ngân sách trung ương là: 8.410.907đ, và kết dư của ngân sách địa phương là: 11.304.093đ.
Trong điều kiện nền kinh tế quốc dân của nước ta trong năm 1962 còn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều mặt thiếu cân đối, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng phấn đấu thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962, tiếp tục phát triển kinh tế theo một tốc độ tương đối nhanh; giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp năm 1962 tăng 14,2% so với năm 1961, thu nhập quốc dân năm 1962 tăng độ 7,5% so với năm 1961.
- Ngân sách nhà nước năm 1962 tăng lên, chính là dựa trên cơ sở nền kinh tế quốc dân nước ta không ngừng phát triển, sản xuất được tăng lên, lưu thông hàng hóa được mở rộng, thu nhập quốc dân của xã hội không ngừng tăng lên, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân cũng được cải thiện thêm một bước.
Dựa trên nền sản xuất đang tiếp tục phát triển, nhất là trong khu vực kinh tế quốc doanh, dựa trên quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đang được củng cố, nền tài chính nhà nước chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cho sự phát triển sản xuất và cho đời sống nhân dân.
Số thu trong nước đã chiếm phần rất lớn (78,8% tổng số thu ngân sách). Số thu từ khu vực kinh tế quốc doanh chiếm tuyệt đại bộ phận (gồm 9/10 số thu trong nước). Đó là một biểu hiện của sự chuyển biến mạnh mẽ trên con đường xây dựng một nền kinh tế tự chủ từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngân sách nhà nước đã được sử dụng để phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị và kinh tế, và theo yêu cầu của kế hoạch nhà nước năm 1962.
Ba phần tư ngân sách đã dành để xây dựng kinh tế và văn hóa, biểu hiện một nền tài chính phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế và văn hóa, một nền tài chính chăm lo đời sống của nhân dân; một nửa ngân sách nhà nước (49,7%) được dùng làm vốn để xây dựng cơ bản, bảo đảm cho nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch 5 năm là bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Số vốn của ngân sách bỏ ra để giúp đỡ nông nghiệp về mọi mặt được tăng thêm so với năm trước, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp làm cơ sở cho công nghiệp phát triển, và giúp đỡ cho chế độ hợp tác xã mới mẻ của chúng ta được dần dần củng cố thêm một bước. Việc phân phối vốn theo như quyết toán ngân sách 1962, là hợp lý và cần thiết; nó đã góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sản xuất công nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đồng thời bảo đảm các nhu cầu to lớn khác của Nhà nước và chăm lo đúng mức đến những nhu cầu về đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Thành tích của chúng ta về thực hiện ngân sách nhà nước năm 1962 đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi to lớn và chuyển biến cách mạng sâu sắc trong nền kinh tế quốc dân trong 5 - 6 năm qua. Đạt được thành tích đó, chính là nhờ có đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhờ lao động sáng tạo và tinh thần cần kiệm xây dựng đất nước của nhân dân, đồng thời cũng là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
2. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 1962 cũng đã phản ánh rõ những nhược điểm của nền kinh tế của ta và những khuyết điểm của chúng ta trong việc quản lý kinh tế tài chính.
Nhiều khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế quốc dân chưa được khai thác tốt, số thu tài chính nhà nước trong nền kinh tế quốc doanh cũng như trong kinh tế tập thể và cá thể đều còn có khả năng tăng thêm được, nếu chúng ta quản lý kinh tế tài chính tốt hơn.
Trong việc sử dụng vốn của ngân sách nhà nước bất kể trong các lĩnh vực kinh tế hay văn hóa, trong sản xuất hay lưu thông, trong chi về kiến thiết cơ bản, vốn lưu động, hay chi về sự nghiệp và hành chính, ở Trung ương cũng như ở địa phương, chúng ta còn có thể tiết kiệm hơn nữa, đồng thời còn có thể thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và trong quá trình tiến thẳng từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu lên một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vấn đề tích lũy vốn là một vấn đề cực kỳ trọng yếu. Nhà nước chúng ta đã quan tâm đến tích lũy và đã thu được thắng lợi ngày càng quan trọng. Nhưng sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ngày càng tiến lên và ngày càng đòi hỏi những nguồn vốn to lớn; những khó khăn của 1962 và hiện nay đòi hỏi chúng ta càng phải tăng cường hơn nữa ý thức tích lũy xã hội chủ nghĩa và phải tăng cường quản lý kinh tế tài chính để bảo đảm một tốc độ thu ngân sách cao và vững chắc bảo đảm vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống nhân dân theo những mục tiêu phấn đấu và theo những chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Trong điều kiện của nền kinh tế quốc dân năm 1962, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn to lớn, chúng ta đã phấn đấu để thăng bằng ngân sách có kết quả, nhưng vẫn còn nhiều khả năng tăng thu tài chính nhà nước ở Trung ương và ở các địa phương, còn nhiều khả năng dùng số vốn tài chính đã chi để làm được nhiều việc hơn.
Tình hình kinh tế của chúng ta trong năm 1963 cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong nông nghiệp còn có phần khó khăn hơn cả năm 1962. Thế cho nên Uỷ ban chúng tôi nhận thấy các ngành các cấp cần kịp thời phát huy những ưu điểm và cần có nỗ lực rất lớn để khắc phục các nhược điểm và khuyết điểm, ra sức cải tiến việc quản lý kinh tế tài chính. Uỷ ban chúng tôi xin nhấn mạnh mấy điểm sau đây:
- Sản xuất vật chất là nguồn gốc sáng tạo ra thu nhập quốc dân, là cơ sở của tài chính xã hội chủ nghĩa và của ngân sách nhà nước. Trong việc quản lý sản xuất, chúng ta không những xem trọng kế hoạch và chỉ tiêu tổng sản lượng và loại sản phẩm, mà còn cần đặc biệt xem trọng chất lượng sản phẩm, xem trọng kế hoạch và chỉ tiêu sản lượng hàng hóa, các chỉ tiêu tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Chính những chỉ tiêu chất lượng của kế hoạch mới bảo đảm chắc chắn tăng cường tích lũy cho Nhà nước, và mới bảo đảm nguồn tăng thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước. Điều này đúng đối với các xí nghiệp quốc doanh Trung ương, cũng như đối với các xí nghiệp địa phương.
- Trong việc sử dụng vốn kiến thiết cơ bản cần kiên quyết tập trung vốn hơn nữa cho các công trình sản xuất, nhất là các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp; và kiên quyết giảm hoặc hoãn các công trình phi sản xuất. Cần làm cho công việc kiến thiết cơ bản phải nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn, bảo đảm khối lượng công trình cũng như chất lượng, quán triệt chính sách tiết kiệm vốn và phát huy hiệu quả vốn từ lúc thiết kế, đến khi chuẩn bị và lúc thi công, bảo đảm chuyển các công trình vào sản xuất sớm, đúng thời hạn hay vượt thời hạn kế hoạch.
- Trong việc sử dụng vốn lưu động, cần chú ý tình trạng vật tư và hàng hóa ứ đọng, kiên quyết giải quyết số ứ đọng hiện nay, đồng thời phải ngăn chặn việc phát sinh ứ đọng mới. Uỷ ban chúng tôi hoan nghênh những quyết định của Chính phủ mới đây về việc kiểm tra và phân phối số vật tư và hàng hóa ứ đọng, và mong rằng Chính phủ tổ chức thực hiện tốt những việc này, và kiểm tra các ngành, các cấp, các cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh. Đồng thời chúng tôi xin lưu ý Chính phủ cần làm sớm việc quy hoạch sản xuất giữa công nghiệp, tránh tình trạng phát triển sản xuất không đúng phương hướng, để ứ đọng sản phẩm, lãng phí vốn xây dựng cơ bản cũng như vốn lưu động.
- Về các chỉ tiêu có tính chất tiêu dùng như chi về sự nghiệp và hành chính, cần triệt để tiết kiệm hơn nữa. Còn nhiều khả năng tiết kiệm chi tiêu của các cơ quan nhà nước và của các tổ chức kinh tế về mặt hành chính, đặt mức chỉ tiêu hành chính phù hợp với trình độ phát triển kinh tế còn thấp và đời sống của nhân dân còn khó khăn hiện nay. Muốn vậy chúng ta phải kiên quyết chống bệnh phô trương hình thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, và làm cho bộ máy quản lý hành chính, sự nghiệp và kinh tế được gọn nhẹ. Chúng tôi cho rằng về phần này chúng ta chưa cải tiến được nhiều trong mấy năm nay.
- Uỷ ban chúng tôi hoan nghênh quyết định mới đây của Chính phủ thi hành tổng kiểm tra lương thực. Cuộc tổng kiểm tra đang được tiến hành và bước đầu mang lại nhiều kết quả tốt. Trong tình hình sản xuất lương thực hiện nay và chiểu theo yêu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, vấn đề cung cấp phân phối hợp lý và tiết kiệm tiêu dùng lương thực là một vấn đề có một tầm quan trọng rất lớn, đi đôi với vấn đề đẩy mạnh sản xuất và tăng cường thu mua lương thực. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ tiếp tục lãnh đạo các ngành, các cơ quan, xí nghiệp, các địa phương thi hành chủ trương tổng kiểm tra lương thực một cách rất nghiêm chỉnh; tích cực cải tiến việc cung cấp phân phối lương thực, chống tham ô lãng phí, chống đầu cơ tích trữ, chống nấu rượu lậu, quản lý chặt chẽ thị trường, và kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm nghiêm trọng các pháp lệnh và chế độ quản lý lương thực của Nhà nước. Đó là một vấn đề có quan hệ lớn và mật thiết đến ngân sách nhà nước.
Việc lãnh đạo công tác tài chính cần được tăng cường hơn nữa. Chính phủ đã có quyết định tăng thêm lực lượng cho ngành tài chính, nhất là cho ngành thu. Nhưng vấn đề quyết định không phải ở chỗ tăng thêm biên chế. Vấn đề là các ngành các cấp cần thực sự tăng cường sự chỉ đạo công tác tài chính, bảo đảm chấp hành tốt kế hoạch thu chi của ngân sách, đồng thời sử dụng tài chính làm công cụ để giám đốc các hoạt động kinh tế - văn hóa và lãnh đạo nền kinh tế quốc dân.
Ở đây chúng tôi chỉ xin lưu ý đến hai vấn đề:
- Vấn đề tăng cường chỉ đạo công tác tài vụ và kế toán của các xí nghiệp để thúc đẩy hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp một cách toàn diện và bảo đảm thu cho ngân sách nhà nước một cách vững chắc.
- Vấn đề tăng cường chỉ đạo công tác thuế công thương nghiệp, kiên quyết chống thất thu, phối hợp các ngành có liên quan giúp đỡ và giám đốc các hợp tác xã hoạt động và phát triển đúng phương hướng, đúng chính sách, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ, loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường tự do đang có xu hướng phát triển không hợp lý.
Cuộc vận động: "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô lãng phí quan liêu" mới bắt đầu và bước đầu mang lại một số kết quả tốt.
Uỷ ban chúng tôi tin rằng cuộc vận động "3 xây, 3 chống" sẽ được các ngành, các cấp, các đơn vị tiến hành chu đáo và khẩn trương - và chắc chắn rằng cuộc vận động này sẽ góp một phần to lớn trong việc tăng cường quản lý kinh tế tài chính, phát triển sản xuất và lưu thông, chống tham ô lãng phí, và trực tiếp góp phần to lớn tăng cường tích lũy xã hội chủ nghĩa bảo đảm cho ngân sách nhà nước tiếp tục phát triển với một tốc độ cao và vững chắc theo đúng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
3. Năm 1962 mới là năm đầu tiên chúng ta xây dựng quỹ bảo hiểm xã hội. Theo báo cáo quyết toán thì hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội tuy còn rất mới mẻ, nhưng đã có kết quả đáng kể. Đời sống của công nhân viên chức Nhà nước đang làm việc hoặc đã mất sức lao động, hoặc về hưu trí ngày càng được chăm sóc chu đáo. Công cuộc bảo hiểm xã hội ở nước ta do Nhà nước đài thọ hoàn toàn, và lại do tổ chức công đoàn quản lý; tuy còn mới ở bước đầu, nhưng nó cũng nói lên tính chất ưu việt của chế độ chúng ta quý trọng người lao động.
Uỷ ban chúng tôi nhận thấy công cuộc bảo hiểm xã hội còn phát triển nhiều hơn nữa, thế cho nên các cấp công đoàn cần cố gắng vươn lên quản lý tốt hơn, nhưng thủ trưởng các cấp, các ngành các đơn vị cũng cần đặc biệt quan tâm việc tổ chức quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và các sự nghiệp bảo hiểm xã hội trong phạm vi mình phụ trách.
4. Sau khi thẩm tra bản tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1962 (bao gồm cả quyết toán quỹ bảo hiểm xã hội nhà nước).
Uỷ ban chúng tôi xin đề nghị Quốc hội phê chuẩn bản tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1962 và xin đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết sau: