VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

BÁO CÁO SỐ 259 BC/UBTVQH
NGÀY 12-3-1996 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA IX
VỀ HOẠT ĐỘNG TỪ SAU KỲ HỌP THỨ 8
ĐẾN KỲ HỌP THỨ 9 CỦA QUỐC HỘI VÀ MỘT SỐ
VẤN ĐỀ CHÍNH CẦN QUAN TÂM TRONG HOẠT ĐỘNG
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TRONG NĂM 1996
*

Từ sau kỳ họp thứ 8 (tháng 10-1995) đến nay, vừa tròn 4 tháng. Đây là thời gian vừa phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 1995, vừa phải triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm 1996 ngay từ những tháng đầu năm và khẩn trương chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Đồng thời, đây cũng là thời điểm phải tiến hành rất nhiều công việc quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cố gắng khắc phục những khó khăn khách quan, rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn trong thời gian trước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cố gắng thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội.

Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo với Quốc hội về hoạt động từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay và một số vấn đề chính cần phấn đấu trong hoạt động của mình trong năm 1996.

PHẦN THỨ NHẤT

HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TỪ SAU KỲ HỌP THỨ 8 ĐẾN NAY

I- VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX: trên cơ sở tập hợp ý kiến của các cơ quan hữu quan, tiến hành việc phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, dự kiến tiến độ xây dựng các dự án và các biện pháp cần thiết khác. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật dân sự; về việc thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện để Tòa án hành chính, Toà án lao động được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến việc chuẩn bị các dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Với mong muốn thông qua được nhiều văn bản luật tại kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị khẩn trương bảy dự án, nhưng sau khi cân nhắc căn cứ vào tình hình thực tế, đã sớm kết luận để tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị tốt ba dự án: Luật khoáng sản, Luật hợp tác xã, Luật ngân sách nhà nước để trình Quốc hội; trong đó đặc biệt chú ý tới việc xác lập các quan điểm cơ bản, các nội dung chủ yếu của các dự án luật.

Cùng với việc cho ý kiến về các dự án luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, thông qua hai pháp lệnh (Pháp lệnh về dân quân tự vệ; Pháp lệnh về giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiểm tra hướng dẫn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân) và cho ý kiến về năm dự án Pháp lệnh và một dự thảo Quy chế. Những dự án được xem xét, thông qua và cho ý kiến đều có yêu cầu sớm ban hành, phục vụ cho việc triển khai thi hành pháp luật về đất đai, lao động, dân sự, tòa án hành chính, tổ chức chính quyền... và đã được Chính phủ cũng như Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhiều lần. Tuy vậy, ở các dự án chưa được thông qua, vẫn còn một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần xin thêm ý kiến của các cấp, các ngành và đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh văn bản trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm thông qua.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công tác lập pháp ngày càng lớn, so với chương trình đã được Quốc hội quyết định thì số lượng luật, pháp lệnh được trình xem xét, hoặc thông qua còn đạt tỉ lệ thấp. Nguyên nhân có phần khách quan và chủ quan, trong đó có việc nghiên cứu xác định các quan điểm cơ bản trong từng dự án chưa kịp thời, việc tổng kết thực tiễn trên một số lĩnh vực thiết yếu chưa được tiến hành đầy đủ..., ví dụ, việc chậm xây dựng chính sách tài chính quốc gia và chiến lược tài nguyên khoáng sản đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chuẩn bị dự án Luật ngân sách nhà nước và Luật khoáng sản. Nhiều dự án khác có yêu cầu cần phải tổng kết một số tình hình thực tế như tình hình sử dụng đất của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; tình hình thu và sử dụng phí và lệ phí, v.v., chúng ta chưa có được những con số thống kê tình hình cụ thể, chính xác.

Mặt khác, vẫn diễn ra tình trạng một số văn bản luật, pháp lệnh đã được thông qua chậm được thực thi trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là việc ban hành các văn bản dưới luật chưa kịp thời. Đến nay, ví dụ, Luật dầu khí ban hành đã trên ba năm, nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành; Hội đồng nhân dân các cấp khoá mới đã hoạt động trên một năm, nhưng vẫn còn nhiều lúng túng, vì còn thiếu nhiều quy định cụ thể về hướng dẫn hoạt động. Các dự án pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, pháp luật về thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động và rất nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai thi hành Bộ luật dân sự, v.v., nếu không được ban hành sớm cũng là những khó khăn, trở ngại cho việc thi hành các luật được thông qua. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác giải thích luật, pháp lệnh..., cũng chưa được tiến hành đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về phần mình, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện triển khai chương trình xây dựng pháp luật có lúc chưa sát sao, phối hợp với Chính phủ có lúc chưa chặt chẽ và giám sát, hướng dẫn các cơ quan trực tiếp xây dựng luật, pháp lệnh chưa thường xuyên và chưa toàn diện.

II- VỀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT

Từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay, thời gian quá ngắn, lại nằm trong bối cảnh như đã nêu trong phần đầu, nên Ủy ban thường vụ Quốc hội không có điều kiện tiến hành các hoạt động giám sát một cách toàn diện mà chỉ tập trung vào một số vấn đề trọng tâm về kinh tế - ngân sách, về thi hành pháp luật và một số vấn đề có tính thường xuyên là việc xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

1. Về kinh tế - ngân sách, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1995 mà chủ yếu là những vấn đề lớn nảy sinh trong 3 tháng cuối năm; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ và ngân sách nhà nước trong hai tháng đầu năm 1996. Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, ý kiến của Ủy ban kinh tế và ngân sách và các Ủy ban có liên quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã sớm xem xét, quyết định việc phân bổ thu, chi ngân sách nhà nước cho các ngành, các địa phương, để Chính phủ có điều kiện triển khai việc giao nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1996 cho tất cả các ngành, các địa phương xong trước ngày 15-01-1996.

Đây là những vấn đề lớn và quan trọng nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm xem xét, nhưng chưa tổ chức được các đoàn giám sát về các Bộ, ngành, các địa phương, cơ sở để kiểm tra tình hình cụ thể, nên còn thiếu căn cứ thực tiễn mà chủ yếu chỉ mới xem xét vấn đề dựa trên báo cáo của Chính phủ, ý kiến của Ủy ban kinh tế và ngân sách và một số Ủy ban khác. Do đó, một số vấn đề được quan tâm như tổng thu ngân sách năm 1995 không đạt kế hoạch, tình trạng thất thu thuế còn lớn, việc cấp phát đầu tư còn thấp, v.v., Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa đủ căn cứ để xem xét vấn đề thật toàn diện, sâu sắc.

2. Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm giám sát một số vấn đề nổi lên như đất đai, nhà ở. Nhằm giải quyết vấn đề Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức trong nước mà đại biểu Quốc hội đã nêu lên từ kỳ họp thứ 6 cuối năm 1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cử đoàn công tác về địa phương, cơ sở xem xét tình hình; tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm việc với tập thể các đồng chí chủ trì của Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách pháp luật đã nhiều lần làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc với cơ quan hữu quan. Trên cơ sở kết quả của các hoạt động này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ chuẩn bị dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Về việc giải quyết vấn đề tồn đọng về nhà ở: Nhận rõ đây là vấn đề phức tạp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tình hình thực tế và ý kiến đóng góp của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có những địa phương có nhiều tồn đọng về nhà ở; đã nhiều lần làm việc với Chính phủ và các cơ quan hữu quan để thảo luận làm rõ quan điểm, chủ trương, phạm vi và hình thức xử lý vấn đề này. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy việc giải quyết những tồn đọng về nhà, đất phải trên quan điểm lịch sử, tôn trọng các quy định của Nhà nước; đồng thời, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, không đặt thành chủ trương xem xét lại các loại nhà do Nhà nước đã quản lý và bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách về nhà, đất ở hai miền; đối với những trường hợp còn khiếu nại và thực sự có khó khăn về nhà ở thì giao Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo chính sách chung về nhà ở hiện nay, nhưng phải trên cơ sở các địa phương, các ngành liên quan xem xét kỹ và có báo cáo đề nghị cụ thể. Đồng thời, cần xúc tiến nghiên cứu xây dựng luật về nhà, đất đô thị, sớm triển khai chủ trương xây dựng quỹ nhà ở đô thị, trước hết là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài việc tập trung xem xét một số vấn đề quan trọng trên đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa có điều kiện đi sâu giám sát nhiều vấn đề bức xúc khác trong lĩnh vực thi hành pháp luật đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có việc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu và các tiêu cực xã hội là những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri hết sức quan tâm.

Về việc giám sát công tác kiểm sát, xét xử, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, lâu nay chưa làm được nhiều, cho nên vừa qua, đã tiến hành thí điểm một vài vụ để rút ra những kết luận cần thiết, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Vấn đề giám sát việc ban hành các văn bản dưới luật nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, toàn diện...

3. Giám sát việc xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân: từ tháng 11-1995 đến nay, Văn phòng Quốc hội đã nhận được trên 4.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Nội dung đơn thư tập trung vào việc tranh chấp đất đai, nhà ở và tài sản có liên quan đến chính sách cải tạo trước đây, về chính sách thuế, về các vi phạm hợp đồng kinh tế, v.v., Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cử cán bộ về một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây để xem xét tình hình cụ thể và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương giải quyết vụ việc; phối hợp với Chính phủ để giải quyết một số vụ tồn đọng kéo dài. Tuy vậy, kết quả của công tác này còn rất hạn chế so với yêu cầu. Cơ chế, chính sách để giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa được xác định thật rõ ràng. Số đơn thư tồn đọng chạy vòng vo từ cơ quan này sang cơ quan khác vẫn còn khá nhiều. Có vụ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa giải quyết.

4. Giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân:

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thường xuyên phối hợp với Chính phủ trong việc giám sát, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoạt động có hiệu quả. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội và một số ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã về làm việc và dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân ở một số địa phương. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để chỉ đạo việc soạn thảo, chỉnh lý hai dự án Pháp lệnh về Hội đồng nhân dân và đã thông qua Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân, tạo thêm điều kiện pháp lý cho Hội đồng nhân dân hoạt động. Các cơ quan soạn thảo và một số Ủy ban của Quốc hội đang khẩn trương hoàn chỉnh Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp và Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để tiếp tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.

Tồn tại nổi lên trong công tác hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân hiện nay là: Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mỗi cấp và Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp chưa được ban hành, dẫn đến sự lúng túng trong phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

5. Về các lĩnh vực khác:

Do thời gian không cho phép, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa có điều kiện tiến hành giám sát về các lĩnh vực khác như dân tộc, văn hóa, giáo dục, xã hội, v.v., mà chủ yếu giao cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội xem xét từng vấn đề theo phạm vi mà Hội đồng dân tộc và các Ủy ban phụ trách. Riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đồng chí Đặng Quân Thuỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban quốc phòng và an ninh đã đi thăm và xem xét tình hình tại một số địa phương, đơn vị (có ghi cụ thể trong bản phụ lục kèm theo).

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động giám sát đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xem xét, rút kinh nghiệm. Trước hết, cần thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn, phạm vi và biện pháp giám sát cụ thể của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Về nội dung, cần tăng cường công tác giám sát trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách, trong việc rà soát các văn bản để kịp thời khắc phục sơ hở, tránh để kẻ xấu lợi dụng; chú ý đúng mức đến các biện pháp xử lý đơn thư dân nguyện. Bên cạnh việc nghe báo cáo, cần tổ chức nhiều đợt giám sát tại các ngành và các địa phương. Mặt khác, cần tổng hợp đầy đủ tình hình hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội làm cơ sở để phổ biến các kinh nghiệm tốt, khắc phục những yếu kém trong hoạt động này.

III- CÁC CÔNG TÁC KHÁC

Trong 4 tháng qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng pháp luật và giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; quan tâm nhiều hơn đến việc chỉ đạo, điều hoà phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban; hướng dẫn và tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, chuẩn bị đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và nhiều công việc quan trọng khác.

Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và bằng việc cử các đoàn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đi thăm và làm việc với một số nước, tham gia các diễn đàn quốc tế, khu vực và đón các đoàn sang thăm, làm việc tại nước ta, đã tăng cường thêm sự hiểu biết lẫn nhau về tình hình chung, về sự phát triển của mỗi nước; học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội mà hai bên đều quan tâm. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc tuyên truyền công tác đối ngoại và phát huy vai trò của các nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội ta; đồng thời yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các đoàn của ta đi thăm và làm việc với các nước, thông qua các hoạt động, đề xuất được những vấn đề cần quan tâm, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại trong công cuộc đổi mới đất nước.

Công tác chỉ đạo, điều hoà phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được quan tâm thường xuyên bằng việc phân công cụ thể và chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban thẩm tra hoặc tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, các báo cáo và tiến hành hoạt động giám sát theo lĩnh vực của mình; bằng việc mời đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc họp giao ban của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội và đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian để cho ý kiến chỉ đạo về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban với Văn phòng Quốc hội.

Với những hoạt động nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã góp phần tạo điều kiện để Hội đồng dân tộc và các Ủy ban nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mình (có báo cáo công tác riêng của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban).

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chú ý hơn đến công tác hướng dẫn hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, cố gắng tạo điều kiện về thông tin, tư liệu và về một số điều kiện khác, góp phần bảo đảm để các đoàn và các vị đại biểu Quốc hội nâng cao hiệu quả việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, tham gia công tác giám sát ở địa phương, cơ sở, nhất là giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 và chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9. Điểm nổi bật là mặc dù thời gian ngắn, tài liệu thường gửi chậm, thông tin về mọi mặt chưa được cung cấp đầy đủ và thường xuyên..., nhưng với tinh thần khắc phục khó khăn và sáng tạo, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức được nhiều hình thức hoạt động phong phú, đóng góp được nhiều ý kiến thiết thực về các vấn đề mà Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu lên.

Việc chuẩn bị và điều hành kỳ họp Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm rút kinh nghiệm và cố gắng cải tiến trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Từ đặc điểm của việc chuẩn bị kỳ họp này là quá gấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cố gắng chỉ đạo để gửi sớm xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình kỳ họp và nội dung các dự án luật. Nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội về cách thức tiến hành kỳ họp, về cải tiến công tác điều hành, về bảo đảm các điều kiện phương tiện vật chất, kỹ thuật tại kỳ họp thứ 8 vừa qua... đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu tiếp thu.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành thời gian để xây dựng đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đây là những vấn đề cấp bách cần sớm được chuẩn bị, tạo điều kiện để Quốc hội và các cơ quan tư pháp thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch kỷ niệm 50 năm Quốc hội Việt Nam với các hình thức gọn nhẹ, mang ý nghĩa thiết thực và thực hành tiết kiệm.

Ngoài các công việc nêu trên, trong thời gian qua, căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định cho ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Sở Thuỷ sản, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì đã vi phạm khuyết điểm: buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra để một số đơn vị trong ngành Thuỷ sản Kiên Giang xảy ra tiêu cực nghiêm trọng; vi phạm nguyên tắc tài chính, mượn tiền của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Kiên Giang để chi tiêu cá nhân trong thời gian đi công tác trong và ngoài nước, (tuy hiện nay số tiền này một phần đã được quyết toán, phần còn lại phải trả nộp ngân sách), nên từ đó thiếu kiên quyết trong đấu tranh đối với những tiêu cực của đơn vị này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực nêu trên vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm, đó là: hoạt động đối ngoại có lúc còn nặng tính chất hữu nghị, thiếu đi sâu vào những vấn đề chính trị quốc tế và những đề xuất thiết thực về kinh tế đối ngoại; thông tin về đối ngoại chưa kịp thời và chưa đầy đủ; trình độ, năng lực và hiểu biết về đối ngoại, trình độ ngoại ngữ còn có chỗ bất cập. Trong chỉ đạo điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban còn chưa quy định rõ một số vấn đề về mối quan hệ công tác nên có lúc còn có sự chồng chéo trong phân công công việc và còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung. Trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, tuy đã có cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó dự thảo Quy chế về đại biểu Quốc hội chuyên trách và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội đã được chỉ đạo xây dựng, nhưng vẫn chưa được ban hành. Một số đề tài khoa học về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội về cơ chế, phương thức xây dựng pháp luật, về hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách chưa được kịp thời triển khai vận dụng vào thực tiễn.

*

*    *

Nhìn chung, với thời gian rất ngắn trong bốn tháng vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cố gắng bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 1995 và tạo đà thực hiện tốt nhiệm vụ năm 1996. Với sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, với sự hỗ trợ của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hướng trọng tâm hoạt động của mình vào những nhiệm vụ chủ yếu, những vấn đề quan trọng thuộc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được ghi trong các Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã quan tâm đến việc rút kinh nghiệm hoạt động; khai thác, tìm hiểu thực tiễn kết hợp với việc xây dựng quan điểm, nội dung; chú trọng các biện pháp và kế hoạch triển khai cụ thể; đồng thời bảo đảm chế độ làm việc tập thể chủ yếu bằng các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, các hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn còn có chỗ chưa thật đồng đều và toàn diện; công tác xây dựng pháp luật chưa thực hiện tốt chương trình do Quốc hội quyết định; công tác giám sát vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra; công tác xét xử, kiểm sát chưa được quan tâm đúng mức; việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn lúng túng, công tác giám sát, đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu chưa có chuyển biến rõ, hiệu quả còn thấp. Mặc dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nhiều cải tiến trong công tác chỉ đạo, nhưng các biện pháp triển khai có chỗ chưa đồng bộ, chưa triệt để hoặc thiếu cụ thể. Hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã từng bước được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hoà, phối hợp, nhưng cũng có lúc, có việc chưa thật chặt chẽ, sát sao.

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG VẤN ĐỀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
SẼ TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRONG NĂM 1996

Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến về phương hướng hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 1996. Tiếp thu ý kiến đóng góp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh chương trình công tác của mình và rút kinh nghiệm trong 4 tháng hoạt động vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số vấn đề sau đây trong năm 1996 và nhất là từ nay đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội:

1. Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng pháp luật đã đề ra, ưu tiên những văn bản có nhu cầu cấp thiết ban hành và đã được chuẩn bị kỹ. Theo hướng này, cố gắng để trong những tháng còn lại của năm 1996 trình Quốc hội thông qua từ 3 đến 5 văn bản luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể thông qua từ 8 đến 10 pháp lệnh, trong đó quan tâm đến các dự án pháp lệnh phục vụ yêu cầu triển khai thi hành Bộ luật dân sự, phục vụ hoạt động của Tòa án hành chính, Tòa án lao động. Chú ý đúng mức về việc tăng cường công tác khảo sát thực tế, lấy ý kiến các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan để ban hành cho được Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp, Pháp lệnh phí và lệ phí, Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp... Tại kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến, làm cơ sở cho các cơ quan soạn thảo chỉnh lý văn bản và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án này theo kế hoạch đã định.

2. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề cấp bách nổi lên về thực hiện nhiệm vụ và ngân sách năm 1996 mà Quốc hội đã cho ý kiến tại kỳ họp này như: tình hình phân bổ thu, chi ngân sách và các biện pháp thực hiện thu, chi theo tổng dự toán mà Quốc hội đã quyết định; vấn đề thực hiện nguyên tắc nếu không thu đủ phải cắt giảm chi tương ứng; các biện pháp tháo gỡ tình trạng căng thẳng về vốn, mở rộng thị trường xuất khẩu; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, thực hành tiết kiệm; tình hình thi hành pháp luật về đất đai; việc xử lý các tồn đọng về nhà ở; việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành, nổi lên là Bộ luật dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân (về Tòa hành chính và Toà lao động) và các luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này như Luật ngân sách nhà nước, Luật khoáng sản, Luật hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường giám sát công tác kiểm sát xét xử; đổi mới hoạt động cơ quan tư pháp, chú ý tiến hành giám sát một số vụ án cụ thể mà đương sự khiếu nại nhiều lần.

Trong năm 1996, còn phải phấn đấu để nâng cao một bước hiệu quả giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, xem đây là trách nhiệm quan trọng của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội đối với cử tri. Do đó, thời gian tới cần xác định rõ thêm phạm vi trách nhiệm, các biện pháp cụ thể và đề nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lệnh quy định về lĩnh vực dân nguyện cho phù hợp với thực tế và nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp và của mọi công dân.

Để nâng cao một bước hiệu quả công tác giám sát, bên cạnh sự cố gắng của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cần có cơ chế giám sát cụ thể, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan giám sát, cơ quan chịu sự giám sát và vai trò của các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân... đối với công tác này.

3. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, trước hết là với Quốc hội các nước trong khu vực, với nhiều hình thức trao đổi đoàn thăm và làm việc, dự các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của Quốc hội; chú trọng hiệu quả của các hình thức hoạt động, góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đổi mới hoạt động của Quốc hội nói riêng.

4. Cùng với việc tiếp tục xem xét thông qua các pháp lệnh, quy chế về Hội đồng nhân dân, phối hợp với Chính phủ tăng cường hướng dẫn giám sát, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

5. Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chung.

Kinh nghiệm cho thấy, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội gắn liền với hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các đoàn và các vị đại biểu Quốc hội. Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn, giám sát hoạt động của các đoàn và các đại biểu Quốc hội, đồng thời cố gắng chỉ đạo việc tạo điều kiện về thông tin tư liệu và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

6. Triển khai và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, gắn với việc chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Ủy ban thường vụ Quốc hội phải có trách nhiệm chỉ đạo triển khai. Thời gian trước mắt, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể về các công việc này gửi tới đại biểu Quốc hội. Thông qua việc chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ, từ Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn và các vị đại biểu Quốc hội, rút ra những kinh nghiệm quý báu cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

7. Căn cứ Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng sắp tới, xây dựng chương trình hành động cụ thể của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhằm đưa Nghị quyết vào thực tiễn tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn và các vị đại biểu Quốc hội.

8. Tiếp tục chỉ đạo công tác bảo đảm về mọi mặt, kể cả việc từng bước tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật..., để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

*

*     *

Thời gian còn lại từ nay đến kỳ họp thứ 10 không nhiều, trong khi nhiều công việc quan trọng liên quan đến công cuộc đổi mới đất nước đang đặt thêm trách nhiệm nặng nề cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cùng cộng tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cải tiến lề lối làm việc... để cùng phấn đấu thực hiện thắng lợi trọng trách mà nhân dân giao phó.

 

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Chủ tịch
NÔNG ĐỨC MẠNH

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội

 


 

Phụ lục số 1

DANH MỤC SỐ 1: CÁC VĂN BẢN LUẬT, PHÁP LỆNH

ĐÃ ĐƯỢC UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN

HOẶC THÔNG QUA TỪ SAU KỲ HỌP THỨ 8,
QUỐC HỘI KHOÁ IX ĐẾN NAY (THÁNG 3-1996)

I- CHO Ý KIẾN VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT

1. Luật dân tộc;

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;

3. Luật khoáng sản;

4. Luật ngân sách nhà nước;

5. Luật hợp tác xã.

II- CHO Ý KIẾN, THÔNG QUA
CÁC DỰ ÁN PHÁP LỆNH VÀ QUY CHẾ

a) Thông qua:

1. Pháp lệnh về dân quân tự vệ;

2. Pháp lệnh về giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiểm tra, hướng dẫn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân.

b) Cho ý kiến:

1. Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính;

2. Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động;

3. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về quyền hạn, nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

4. Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở mỗi cấp;

5. Pháp lệnh về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam;

6. Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

III- XEM XÉT, CHO Ý KIẾN TRIỂN KHAI THI HÀNH
NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

1. Tổ chức, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX.

2. Xem xét, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thi hành Bộ luật dân sự.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Phụ lục số 2

TỔNG HỢP TÌNH HÌNH GIÁM SÁT

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

(Từ kỳ họp thứ 8 (tháng 10-1995) đến tháng 02-1996)

 

* Nghe Chính phủ, các Bộ, ngành báo cáo

Thời gian

Cơ quan giám sát

Nội dung báo cáo

Đại diện Bộ, ngành báo cáo

Người
chủ trì

4 - 7-12-1995

ủy ban thường vụ Quốc hội

- Nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội
Vũ Mão

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh

 

nt

- Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ 1996, về dự kiến phân bổ ngân sách nhà nước năm 1996

Bộ trưởng
Đỗ Quốc Sam
Bộ trưởng
Hồ Tế

nt

3 - 9-1-1996

nt

- Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự

Bộ trưởng

Nguyễn Đình Lộc

 

nt

 

nt

- Nghe báo cáo và quyết định việc cử Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao

Tổng thư ký ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc
Việt Nam
Trần Văn Đăng

 

nt

 

 

nt

- Nghe báo cáo về nội dung và công việc cần tiếp tục chuẩn bị về việc giải quyết một số tồn đọng về nhà ở

Bộ trưởng
Ngô Xuân Lộc

 

nt

1-1996

nt

- Giám sát tình hình thực hiện pháp luật về công tác xét xử của Tòa án về bắt, giam, tha và thi hành án

Lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu

 

nt

- Thảo luận và phê chuẩn biên chế của Tòa án nhân dân tối cao năm 1996

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương

nt

 

nt

- Nghe báo cáo kết quả cuộc đi thăm Nhật Bản của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta

Chủ tịch
Quốc hội Nông Đức Mạnh

nt

* Các đoàn đi thăm và làm việc tại địa phương

Thời gian

Cơ quan giám sát

Nội dung thăm và làm việc

Địa phương

Người
chủ trì

14 - 18-1-1996

Chủ tịch Quốc hội

Thăm và làm việc

Lạng Sơn

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh

5 - 8-1-1996

Phó Chủ tịch Quốc hội

- Về việc thực thi pháp luật, triển khai thi hành án

Gia Lai,
Kon Tum

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu

31-10
4-11-1995

Phó Chủ tịch Quốc hội

Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và An ninh

- Kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tại Hà Khẩu, hệ thống kè sông Nậm Thi, các đồn biên phòng và huyện Mường Khương

Lào Cai,
Yên Bái

Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy

13 - 19-1-1996

nt

- Thăm và làm việc tại Học viện Phòng không, Trường sĩ quan Pháo binh, Học viện Không quân về công tác tổ chức, đào tạo

 

nt

6 - 10-2-1996

nt

- Khảo sát tuyến biển, đảo để phục vụ việc tham gia dự án Pháp lệnh về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam tại đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc, mũi Đất Đỏ, Cà Mau, Hòn Khoai và dàn DK 1-10

Kiên Giang, Minh Hải

nt

22 - 23-11-1995

nt

- Thăm kho 802, Z106, nhà máy sửa chữa rađa, một số cơ sở kinh tế

Hoà Bình

nt


 

 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (BT).

  

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội