VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

BÁO CÁO CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ
BỔ SUNG TÌNH HÌNH NĂM 1995 VÀ CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1996


(Do ông Lý Tài Luận, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa IX, ngày 02-3-1996)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã tổ chức theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1995, việc giao và thực hiện nhiệm vụ kinh tế và thu, chi ngân sách năm 1996 của các Bộ, ngành, địa phương và một số tổng công ty. Từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 02 năm 1996, Ủy ban đã họp toàn thể tại Thành phố Hồ Chí Minh, có đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội dự để nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số ngành liên quan trình bày báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế và ngân sách nhà nước năm 1995 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế và dự toán ngân sách nhà nước năm 1996.

Trên cơ sở các báo cáo, qua giám sát thực tế và ý kiến của các đại biểu dự họp, Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến như sau:

I- VỀ ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG TÌNH HÌNH NĂM 1995

Ủy ban chúng tôi cơ bản nhất trí với báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 1995. Hầu hết các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức nhiệm vụ đề ra năm 1995 như Chính phủ đã ước tính báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 1995) và đến nay tình hình được bổ sung như trong báo cáo của Chính phủ. Mức độ thực hiện một số chỉ tiêu về kiềm chế lạm phát, xuất nhập khẩu, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách nhà nước có khác so với dự kiến trình Quốc hội tháng 10 năm 1995.

Điều đáng ghi nhận về thành quả năm 1995 là nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt trên mức dự kiến hồi tháng 10 năm 1995 như sản lượng lương thực, kim ngạch xuất, nhập khẩu và đặc biệt là việc kiềm chế lạm phát.

Chỉ số giá cả thấp hơn so với năm 1994. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa và dịch vụ năm 1995 tăng 12,7% so với tháng 12 năm 1994 và 2 tháng đầu năm 1996 nhìn chung cũng chưa có biến động lớn. Đây là thành tích đáng được ghi nhận. Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành và áp dụng giải pháp chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả trong những tháng cuối năm 1995 và đầu năm 1996, nhất là trong dịp Tết Bính Tý. Tuy nhiên, những yếu tố gây biến động giá vẫn chưa được loại trừ và trên thực tế giá cả thị trường trong năm qua cũng có nhiều diễn biến phức tạp, vì thế việc thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp về tài chính - tiền tệ - tín dụng, cân đối cung - cầu, tiền - hàng, điều hành lưu thông hàng hoá trong nước và hoạt động xuất, nhập khẩu là rất quan trọng.

Qua thực tế công tác điều hành giữ ổn định giá cả và kiềm chế lạm pháp trong năm 1995 có thể rút ra những điểm đáng chú ý: Chính phủ có khả năng kiềm chế lạm phát ở mức thấp trong điều kiện tình hình thị trường còn có nhiều diễn biến phức tạp; trong 6 tháng cuối năm 1995, tốc độ tăng giá được giữ ở mức 1,3% trong khi 6 tháng đầu năm giá tăng đến mức 11,4% và 2 tháng đầu năm 1996 giá hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 3,5% (2 tháng đầu năm 1995 tăng tới 7,4%). Việc ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát không có tác động lớn đến nhịp độ tăng trưởng kinh tế; thật vậy, thực tiễn minh chứng trong 6 tháng cuối năm 1995 kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Vì vậy, Ủy ban chúng tôi cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay kiềm chế và kiểm soát lạm phát phải được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối tượng thuộc khu vực hành chính - sự nghiệp và những người có thu nhập thấp.

Xuất, nhập khẩu đã có bước chuyển biến đáng kể. Đánh giá lại cả năm 1995, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD, tăng 30,7% so với năm 1994 và cao hơn số ước tính trình Quốc hội hồi tháng 10 năm 1995 khoảng 600 triệu USD, chủ yếu tăng hàng nông - lâm - thuỷ sản và hàng công nghiệp nhẹ - tiểu thủ công nghiệp. Kim ngạch nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,7% so với năm 1994 và tăng thêm khoảng 1.000 triệu USD so với dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, chủ yếu tăng nhập hàng máy móc, thiết bị phụ tùng và nguyên vật liệu, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cũng còn nhiều tồn tại, cơ chế chính sách xuất, nhập khẩu tuy có cố gắng đổi mới nhưng chưa thực sự ổn định; công tác quản lý và điều hành xuất, nhập khẩu còn phân tán, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, đã góp phần tác động đến cán cân thanh toán xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa và giá cả trong nước.

Bên cạnh những mặt đạt được cao hơn mức dự kiến báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, vấn đề nổi lên gay gắt nhất là một số chỉ tiêu quan trọng về đầu tư xây dựng cơ bản, về ngân sách nhà nước đã không đạt được như mức ước tính hồi tháng 10 năm 1995. Đến nay theo đánh giá lại tổng thu ngân sách nhà nước năm 1995 chỉ đạt 50.520 tỷ đồng, tuy tăng 21,9% so với năm 1994 nhưng mới đạt 91,3% dự toán thu cả năm, hụt 4.830 tỷ đồng so với kế hoạch và hụt thêm 2.830 tỷ đồng so với ước tính trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; trong đó chủ yếu về thuế xuất, nhập khẩu hụt 3.700 tỷ đồng (hụt thêm 2.200 tỷ đồng); thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh hụt 880 tỷ đồng, thu về cấp quyền sử dụng đất hụt 680 tỷ đồng, v.v..

Do thu không đạt kế hoạch và hụt thêm khá lớn so với số ước tính trình Quốc hội hồi tháng 10 năm 1995, trong lúc các khoản chi thường xuyên vẫn phải bảo đảm và một số khoản còn phát sinh tăng lên nên vốn dành cho thanh toán khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản năm 1995 bị cắt giảm, nợ còn khá lớn (trên 1.800 tỷ đồng). Chi đầu tư phát triển nói chung chỉ đạt 88,8% kế hoạch, trong đó chi cấp phát đầu tư xây dựng cơ bản tập trung bằng vốn trong nước (sau khi đã trừ 1.360 tỷ đồng thanh toán nợ khối lượng năm 1994 chuyển sang và 1.330 tỷ đồng ghi thu ghi chi ngoài kế hoạch) mới đạt 67,4%.

Từ tình hình trên, hậu quả là số thiếu hụt ngân sách nhà nước năm 1995 rất lớn, lên tới 9.688 tỷ đồng, bằng 4,3% GDP, tăng thêm 1958 tỷ đồng so với số dự kiến trình Quốc hội hồi tháng 10 năm 1995 và phải vay thêm trong và ngoài nước để bù đắp nhưng không đủ, còn phải tạm vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước và Quỹ bình ổn giá 1.265 tỷ đồng để xử lý - đây là gánh nặng phải giải quyết trong những năm sau. Tuy bội chi đã lớn nhưng vẫn còn nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản tập trung đã hoàn thành năm 1995 khoảng 1.835 tỷ đồng và tính đến cuối năm 1995 số tạm vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước đã lên tới 1.835 tỷ đồng, nợ Quỹ bình ổn giá 1.100 tỷ đồng.

Nhìn chung, tình hình ngân sách nhà nước năm 1995 là thiếu lành mạnh: thu không đạt kế hoạch và hụt khá lớn trong khi thất thu còn nhiều, thất thoát còn lớn, tốc độ tăng chi nhanh hơn tốc độ tăng thu, chi thường xuyên vượt dự toán nhưng chi xây dựng cơ bản đạt rất thấp và còn nợ quá lớn, thiếu hụt ngân sách nhà nước cao hơn chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Đây là vấn đề hết sức gay gắt phát sinh trong một số năm gần đây và cũng bộc lộ rõ trong năm 1995 cần phải được quan tâm và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong năm 1996, năm đầu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000.

Để lập lại trật tự, từng bước làm lành mạnh hoá các mối quan hệ của ngân sách nhà nước, chúng tôi đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cần xem xét rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành và đề ra những giải pháp tích cực, đồng bộ, kiên quyết giải quyết dứt điểm những tồn tại của năm 1995. Đối với khoản nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản năm 1995 trên 1.800 tỷ đồng trong khi ngân sách lại tạm ứng cho một số công trình khí, thuỷ điện thuộc diện vay vốn tín dụng trong khi chưa có nguồn khoảng 1.000 tỷ đồng; đề nghị Chính phủ tìm nguồn vay ODA hoặc huy động vốn trong nước có hỗ trợ lãi suất cho các công trình nói trên được vay để hoàn lại cho ngân sách cùng với số vốn đã được ghi 500 tỷ đồng giải quyết thanh toán dứt điểm khoản nợ năm 1995. Đồng thời, đề nghị kiên quyết chấm dứt tình trạng "ghi thu ghi chi" ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản khá lớn như năm 1995 trên 1.300 tỷ đồng.

II- VỀ CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ
VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1996
THEO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX, Chính phủ đã khẩn trương rà soát và giao kế hoạch sớm ngay từ đầu năm cho các Bộ, ngành và địa phương.

Nhìn chung, qua hai tháng đầu năm 1996, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có chuyển biến tốt, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định và lạm phát được tiếp tục kiềm chế có hiệu quả, cuộc vận động chống các tệ nạn xã hội được triển khai mạnh mẽ hơn. Thu chi ngân sách tuy đã có cố gắng ngay từ đầu năm nhưng kết quả đạt được còn thấp so với dự toán cả năm (số thu 2 tháng chỉ đạt 11,7% kế hoạch năm).

Vấn đề đặc biệt nổi lên qua phân bổ thu, chi ngân sách năm 1996 cho các Bộ, ngành và địa phương cho thấy, tình hình ngân sách vẫn tiếp tục căng thẳng, một số khoản thu còn bấp bênh, nhất là thuế xuất, nhập khẩu (18.000 tỷ đồng), thu về đất (1.700 tỷ đồng); trong khi đó, chi ngân sách lại phát sinh những nhu cầu mới cũng khá lớn (ước tính xấp xỉ bằng số dự bị phí ghi trong dự toán ngân sách nhà nước năm 1996). Điều này cho thấy, nếu không có các giải pháp tích cực ngay từ đầu năm thì có thể dẫn đến mất cân đối thu, chi càng gay gắt, thiếu hụt ngân sách có khả năng vượt mức Quốc hội cho phép mà cũng khó có nguồn bù đắp, sẽ gây nợ nần ngày càng tăng cho những năm sau.

Đây là những dự báo hết sức bất lợi. Chúng ta đang đứng trước thực trạng là nợ các năm trước còn lại quá lớn, các khoản chi giải quyết các chính sách xã hội còn tiếp tục tăng; tiền lương bảo đảm đời sống cho khu vực hành chính - sự nghiệp còn khó khăn trong khi chỉ số giá cả đã tăng (trên 30%) so với năm 1993 là thời điểm bắt đầu thực hiện chế độ lương mới; vốn xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm bị cắt giảm, gây ảnh hưởng đến sự phát triển trong những năm sau. Mặc dầu có những khó khăn cần thấy trước nhưng với tinh thần quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự điều hành của Chính phủ; vấn đề đặt ra là cần tìm ra các giải pháp tích cực, quyết liệt để tạo điều kiện phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 1996, thực hiện bằng được nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 1996 theo Nghị quyết của Quốc hội. Với tinh thần đó, đề nghị Quốc hội cho phép giữa hai kỳ họp Quốc hội nếu có những vấn đề lớn phát sinh về thu, chi ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các giải pháp xử lý và sẽ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Ủy ban chúng tôi cơ bản tán thành với các giải pháp và biện pháp đã nêu trong báo cáo bổ sung của Chính phủ và xin lưu ý một số vấn đề sau:

1. Kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 1996 là 62.000 tỷ đồng, tăng trên 23% so với số thu thực tế năm 1995 (so với ước thực hiện trình Quốc hội tháng 10 năm 1995 là 13,6%) là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vì vậy, để thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu này, các ngành, các cấp, địa phương và cơ sở cần chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, quyết liệt để khai thác tích cực các nguồn thu và triển khai mạnh mẽ công tác chống thất thu thuế; phấn đấu tăng thu trên cơ sở mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo và bồi dưỡng nguồn thu, quản lý chặt chẽ các nguồn thu và mọi khoản thu đều phải được thể hiện trong ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế, tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thuế cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo môi trường pháp lý thống nhất nhằm khuyến khích sản xuất phát triển, làm cơ sở tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cần sớm ban hành các cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp nhằm tăng cường chức năng kiểm kê, kiểm soát của Nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bảo đảm thu đúng, thu đủ theo pháp luật.

Trong công tác quản lý thu thuế, cần tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp cơ sở, sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cơ quan pháp luật, các đoàn thể, kể các các cơ quan thuộc nội bộ ngành tài chính trên từng địa bàn, coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục nghĩa vụ nộp thuế của mọi tổ chức, công dân; đấu tranh chống mọi hành vi buôn lậu, trốn lậu thuế dưới mọi hình thức và xử lý nghiêm minh; đồng thời tiếp tục sắp xếp củng cố tổ chức bộ máy quản lý thu thuế, nâng cao phẩm chất và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Thuế.

Thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách nhà nước, bảo đảm chi đúng mục đích, có hiệu quả kể cả trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cũng như trong chi thường xuyên, bảo đảm tổng mức chi theo Nghị quyết của Quốc hội. Chỉ bố trí các khoản chi trong phạm vi nguồn thu chắc chắn và kế hoạch đã được giao; nếu thu không đạt kế hoạch thì phải giảm chi tương ứng. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng tài sản công, nhất là quỹ nhà, quỹ đất.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, trước hết là trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước.

2. Rà soát và sắp xếp lại các công trình đầu tư trọng điểm thuộc những ngành kinh tế mũi nhọn, kể cả các công trình thuộc nguồn vốn tín dụng, để tập trung vốn đầu tư, sớm phát huy hiệu quả; kiên quyết khắc phục việc bố trí các công trình khi chưa có nguồn vốn hoặc chưa tạo được vùng nguyên liệu bảo đảm. Có thể quyết định đình chỉ, tạm hoãn một số công trình chưa thật cấp thiết. Vốn chi đầu tư phát triển cần phải được quan tâm trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, bảo đảm việc cấp phát vốn kịp thời, đúng tiến độ, tránh để cấp dồn vào cuối năm. Đồng thời, sớm nghiên cứu cải tiến cơ chế quản lý xây dựng cơ bản, kể cả chế độ đấu thầu nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực ở các khâu, bảo đảm thật sự có hiệu quả.

3. Sớm có các giải pháp tháo gỡ tình trạng căng thẳng về vốn nhằm huy động thêm các nguồn vốn trong và ngoài nước; khẩn trương hình thành và sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn phát triển sản xuất trên các vùng, các lĩnh vực ngành nghề theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Cần khẩn trương ban hành các cơ chế quản lý vốn và tài sản của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, chống thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, tự tạo vốn đầu tư phát triển. Tiếp tục triển khai cổ phần hoá một bộ phận doanh nghiệp nhà nước, từng bước hình thành thị trường chứng khoán; mở rộng các hình thức huy động vốn trong nước, khuyến khích các ngân hàng thương mại huy động vốn bằng các hình thức thích hợp để đẩy mạnh tín dụng trung và dài hạn đi đôi với việc giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đã bỏ thuế doanh thu và giảm các chi phí dịch vụ và lợi tức hoạt động tín dụng ngân hàng, thực hiện chênh lệch lãi suất bình quân giữa huy động và cho vay ở từng thời điểm tối đa là 0,35% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; nếu hạ lãi suất cho vay chỉ dựa vào việc giảm lãi suất huy động mà không giảm chi phí trong khi vẫn được giảm thuế doanh thu là điều không hợp lý, khó chấp nhận. Đồng thời cần mở rộng các hình thức đầu tư "Nhà nước và nhân dân cùng làm". BOT và tranh thủ các nguồn vốn ODA, FDI để tăng nguồn vốn đầu tư phát triển.

4. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, tăng cường công tác tiếp thị ở các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. Tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách xuất, nhập khẩu ổn định nhằm khuyến khích đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước; quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu để cùng với hàng sản xuất trong nước bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu trong nước và tăng khả năng xuất khẩu.

5. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát cũng như kiểm soát mặt bằng giá, phấn đấu hạ mức lạm phát xuống dưới 14% bằng cách áp dụng tổng thể các giải pháp: phát triển sản xuất, giảm chi phí sản xuất và lưu thông, triệt để tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn vốn dự trữ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong điều hành cần có biện pháp tích cực bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt trong cả nước, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu: lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón...; ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ tích trữ, khan hiếm giả tạo, kích giá tăng lên, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Cần xây dựng và tổ chức lại mạng lưới thương nghiệp với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó thương nghiệp quốc doanh phải chủ động chi phối thị trường cả nước gắn với đặc thù của từng vùng kinh tế. Thực hiện việc khống chế tổng phương tiện thanh toán ở mức tăng khoảng 21% phù hợp với nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế và chỉ số giá cả. Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường ngoại tệ và sớm thực hiện: việc mua bán, giao dịch trên thị trường Việt Nam chỉ dùng đồng Việt Nam.

*

*     *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là một số ý kiến bổ sung của Ủy ban kinh tế và ngân sách về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế và ngân sách nhà nước năm 1995, các biện pháp triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế và ngân sách nhà nước năm 1996; kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội