VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ DỰ ÁN LUẬT KHOÁNG SẢN


(Do ông Đặng Vũ Chư, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
đọc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa IX,
ngày 02-3-1996)

Sau khi Quốc hội xem xét và cho ý kiến đối với Dự án Luật khoáng sản tại kỳ họp 7 khoá IX ngày 04-4-1995, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về quan điểm, chính sách tài nguyên khoáng sản, về Chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng và đối với dự án Luật khoáng sản tại cuộc họp ngày 26 tháng 01 năm 1996; căn cứ kết luận của Chủ tịch Quốc hội trong phiên họp ngày 07 tháng 02 năm 1996, Ban soạn thảo đã tiếp thu và hoàn chỉnh Dự án Luật. Chính phủ xin trình Quốc hội như sau:

I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT KHOÁNG SẢN

1. Khoáng sản của nước ta phong phú, đa dạng, là tài nguyên quý của quốc gia. Từ năm 1955 đến nay, chúng ta đã phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ, trong đó một số mỏ đã được khai thác.

2. Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản được ban hành ngày 07-8-1989 và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này được ban hành trong các năm 1992-1993 đã góp phần tăng cường một bước hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản. Qua 6 năm thi hành thấy rằng Pháp lệnh này còn có nhiều điểm hạn chế so với yêu cầu quản lý mới theo cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau đây:

- Đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản bao gồm cả dầu khí và nước dưới đất. Nay đã có Luật dầu khí được Quốc hội thông qua tháng 7 năm 1993, nước dưới đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật về nước đang được soạn thảo. Vì vậy, để thay thế Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản cần có Luật khoáng sản với đối tượng điều chỉnh là các khoáng sản rắn, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên;

- Pháp lệnh năm 1989 chưa thể hiện được rõ chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp khai khoáng (hoạt động khoáng sản); chưa có cơ chế bảo đảm vốn, tài sản đầu tư vào các hoạt động khoáng sản ngay từ giai đoạn thăm dò, đặc biệt là bảo đảm đầu tư nước ngoài vào khuyến khích đầu tư trong nước;

 - Các quy định hiện hành về thuế chưa thể hiện được đặc thù của hoạt động khoáng sản, kém hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài;

- Các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ giấy phép hoạt động khoáng sản chưa rõ ràng, cụ thể và chưa phù hợp với từng giai đoạn khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chưa xử lý rõ mối quan hệ hữu cơ giữa khoáng sản với đất đai, nguồn nước và môi trường.

 3. Các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản vừa thiếu chặt chẽ, vừa chưa phù hợp với cơ chế tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn phân tán, kém hiệu lực cũng là một trong các nguyên nhân làm cho việc thi hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản không nghiêm. Hàng trăm giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, kể cả giấy phép khai thác vàng, đá quý được cấp không đúng thẩm quyền. Tình trạng khai thác, buôn bán khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi có khoáng sản quý, khoáng sản dễ tiêu thụ, gây nhiều hậu quả xấu về môi trường, an toàn lao động và trật tự xã hội.

4. Mấy năm gần đây, với sự vận hành của cơ chế thị trường và chính sách mở cửa đã xuất hiện nhiều loại hình tổ chức kinh tế mới như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài tham gia vào các hoạt động khoáng sản ở quy mô nhỏ. Hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này đã được triển khai, chủ yếu do các công ty nhỏ tiến hành và mới ở giai đoạn khảo sát, thăm dò. Nhiều công ty lớn của nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản ở nước ta, nhưng còn lo ngại vì ta chưa có Luật khoáng sản để bảo đảm đầu tư của họ vào ngành công nghiệp thường gặp nhiều rủi ro này.

Tình hình thực tế trên đây đòi hỏi cần sớm có Luật khoáng sản.

5. Việc soạn thảo Luật khoáng sản đã được triển khai từ cuối năm 1991 đến nay. Trong quá trình xây dựng đã đúc kết nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nước, tham khảo nhiều Luật khoáng sản, Luật mỏ của nước ngoài, đã tổ chức nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước, nước ngoài và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội cho ý kiến (tháng 3 và 4 năm 1995).

Dự án Luật khoáng sản (dự thảo 14) trình Quốc hội xem xét lần này đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ngày 04-4-1995) và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (ngày 26-01-1996) về quan điểm, chính sách tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng Việt Nam và về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật khoáng sản. Dự án này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp ngày 07-02-1996.

Kèm theo Dự án Luật có:

- Dự thảo Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản;

- Các dự thảo văn bản dưới Luật khác.

II- MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM, TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO
DỰ THẢO LUẬT KHOÁNG SẢN

Mục đích chủ yếu của Luật khoáng sản là tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khoáng sản nhằm bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, đồng thời bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội trong hoạt động khoáng sản; phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt và lâu dài.

Với mục đích trên, Dự thảo Luật khoáng sản đã quán triệt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản sau đây:

1. Khẳng định quyền sở hữu toàn dân đối với tài nguyên khoáng sản của đất nước, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khoáng sản; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với tài nguyên khoáng sản;

2. Bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản là tài nguyên nói chung không tái tạo được của đất nước, không chỉ cho nhu cầu hiện nay mà cho lâu dài;

3. Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp khai khoáng từ giai đoạn khảo sát, thăm dò đến khai thác, chế biến ra sản phẩm có giá trị cao, không phân biệt quy mô khai thác, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm căn cứ quyết định, đồng thời, bảo đảm quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; có chính sách để doanh nghiệp nhà nước giữ được vai trò chủ đạo trong việc khai thác các khoáng sản quan trọng; ưu tiên nhu cầu sử dụng trong nước, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.

4. Bảo đảm sự phù hợp và thống nhất Luật khoáng sản với Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường và các luật khác liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng, di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên khác...;

5. Luật khoáng sản quy định rõ các hoạt động được phép hoặc không được phép tiến hành, xác định rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể của chủ từng loại giấy phép hoạt động khoáng sản.

III- NỘI DUNG CHỦ YẾU
CỦA DỰ THẢO LUẬT KHOÁNG SẢN

Dự thảo Luật khoáng sản gồm Lời nói đầu, 11 chương, 59 điều, với nội dung chủ yếu sau đây:

Chương I: Gồm những quy định chung về quyền sở hữu toàn dân, quyền thống nhất quản lý của nhà nước về khoáng sản; đối tượng, phạm vi áp dụng luật;

Chương II: Gồm các quy định về bảo vệ, điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản;

Chương III: Gồm các quy định về khu vực hoạt động khoáng sản; bảo vệ, sử dụng các thành phần môi trường và bảo vệ lợi ích công cộng trong hoạt động khoáng sản;

Chương IV: Gồm các quy định về khảo sát khoáng sản;

Chương V: Gồm các quy định về thăm dò khoáng sản;

Chương VI: Gồm các quy định về khai thác khoáng sản;

Chương VII: Gồm các quy định về khai thác nhỏ;

Chương VIII: Gồm các quy định về quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản;

Chương IX: Gồm các quy định về thanh tra chuyên ngành về khoáng sản;

Chương X: Gồm các quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm;

Chương XI: Gồm các điều khoản thi hành Luật.

Những vấn đề được chỉnh lý, hoàn thiện:

So với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến (ngày 04-4-1995) những vấn đề sau đây đã được chỉnh lý, hoàn thiện:

1. Phần mở đầu và các điều thể hiện quan điểm, chính sách tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng nói ở Chương I - Những quy định chung đã được hoàn thiện lại theo tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị (các điều 4, 5, 6);

2. Bỏ bớt các thuật ngữ không cần thiết, đồng thời giải thích rõ và chuẩn xác hơn các thuật ngữ còn lại; chế biến khoáng sản được coi trọng như một hoạt động khoáng sản độc lập (Điều 3);

3. Bổ sung một điều quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác (Điều 6);

4. Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của chủ giấy phép về việc sử dụng, xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng trong hoạt động khoáng sản (Điều 17);

5. Làm rõ quyền để thừa kế và chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản của chủ giấy phép hoạt động khoáng sản về bản chất gắn liền với quyền tài sản (vốn đã đầu tư vào thăm dò, khai thác) hiện đang được áp dụng trong thực tiễn nước ta theo quy định tại Điều 4 và khoản 4 Điều 22 của Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản. Các quyền này được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải phù hợp với các điều kiện cụ thể do Chính phủ quy định;

6. Bỏ chương thuế và các khoản thu khác, đưa một điều về thuế tài nguyên khoáng sản vào chương khai thác khoáng sản (Điều 32);

7. Làm rõ hơn các quy định về khai thác nhỏ (Điều 42 và Điều 43) không phải là khai thác quy mô nhỏ mà là hình thức khai thác để tận thu khoáng sản phân bố không tập trung thành mỏ có giá trị công nghiệp, cũng như đặc điểm của hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường quy mô gia đình, tổ hợp tác đang rất phổ biến ở các địa phương trong cả nước. Những điều kiện cụ thể của hình thức khai thác nhỏ được Chính phủ quy định (dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản);

8. Xác định cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản là Bộ Công nghiệp. Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản được xác định trong dự Luật;

 9. Về thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản, dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc lớn làm căn cứ để Chính phủ quy định cụ thể việc phân cấp thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép;

10. Bổ sung một điều về khen thưởng (Điều 56) tại Chương X Khen thưởng và xử lý vi phạm;

11. Ngoài ra toàn bộ văn bản Dự án Luật đã được rà soát và chỉnh lý thêm về kỹ thuật thể hiện.

Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội