BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ THẢO LUẬT KHOÁNG SẢN
(Do ông Vũ Đình Cự, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học,
công nghệ và môi trường của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá IX, ngày 02-3-1996)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 - 1996, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội chịu trách nhiệm theo dõi, xem xét và chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật khoáng sản.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thường trực Ủy ban chúng tôi đã có nhiều lần làm việc với Ban soạn thảo Luật về nội dung cũng như tiến độ xây dựng dự thảo; tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học với các nhà khoa học, các nhà quản lý của các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, các địa phương và một số cơ quan chuyên môn có liên quan đóng góp ý kiến vào các Dự thảo Luật. Căn cứ các tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội, Thường trực mở rộng Ủy ban hoặc toàn thể Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đã bốn lần họp để đóng góp ý kiến và thẩm tra Dự thảo Luật khoáng sản và chúng tôi đã trình các ý kiến thẩm tra tại các phiên họp thứ 30, 31 và 43 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 4-1995).
Căn cứ Tờ trình số 788/PC ngày 15-02-1996 và Dự thảo Luật khoáng sản kèm theo (Dự thảo lần thứ 14) của Chính phủ trình Quốc hội, ngày 29-02-1996, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tổ chức họp toàn thể để thẩm tra Dự thảo Luật này. Tham dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thuỵ, đại diện của Thường trực Ủy ban pháp luật, Ủy ban kinh tế - ngân sách, cùng đại diện của Văn phòng Quốc hội, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản, Tổng cục Địa chính, Cục Địa chất Việt Nam, trường Đại học Mỏ địa chất và một số cơ quan có liên quan.
Sau đây xin kính trình Quốc hội những ý kiến chủ yếu trong Hội nghị thẩm tra và ý kiến của ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội:
I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT KHOÁNG SẢN
Tài nguyên khoáng sản của nước ta rất phong phú và đa dạng. Về tình hình hoạt động bảo vệ tài nguyên khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản của nước ta từ trước đến nay, Ủy ban chúng tôi đã báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (ngày 01-4-1995) và trong Tờ trình Quốc hội của Chính phủ cũng đã báo cáo rất chi tiết về vấn đề này, vì vậy, Ủy ban chúng tôi xin phép không nhắc lại những vấn đề đó mà chỉ xin nhấn mạnh thêm một số nội dung như sau:
Nhân dân ta vốn có truyền thống bảo vệ tài nguyên khoáng sản quý giá của đất nước. Từ thế kỷ thứ XVII, XVIII việc khai mỏ đã phát triển, Nhà nước Việt Nam đã quản lý chặt chẽ việc thu thuế tài nguyên của những người khai mỏ trong đó có người nước ngoài. Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn khi viết về miền Tuyên Quang thời đó đã ghi lại cuộc đấu tranh ngoại giao hết sức kiên quyết và đã thu hồi lại vùng mỏ Tụ Long bị chiếm đoạt ở biên giới.
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý các khu mỏ đang khai thác như than, thiếc, vàng, đá quý... còn chưa tốt. Nhiều khu mỏ bị lấn chiếm dẫn đến tổn thất lớn về tài nguyên khoáng sản của đất nước. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản một cách bừa bãi ở nhiều mỏ làm huỷ hoại môi trường, đe doạ trực tiếp đến an ninh - trật tự xã hội, an toàn lao động và cuộc sống của nhân dân trong vùng, gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan và môi sinh trong khu vực. Có thể đưa ra một số dẫn chứng điển hình như vụ sụt lở mỏ măng gan làm chết hàng trăm người ở Trà Lĩnh - Cao Bằng, hiện tượng khai thác than kiểu "thổ phỉ" ở Quảng Ninh, khai thác đá quý ở Quỳ Châu - Nghệ An, khai thác thiếc tại Đà Lạt - Lâm Đồng, v.v..
Do đó, nếu thiếu một chiến lược đồng bộ để bảo vệ, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý và có hiệu quả, tiết kiệm thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí và cạn kiệt dần nguồn tài nguyên không thể tái tạo được. Kinh nghiệm của một số nước phát triển cho thấy, họ tranh thủ khai thác tài nguyên của các nước nghèo, để dành tài nguyên nước mình lại. Cũng có ý kiến còn cho rằng, trong thời đại phát triển khoa học, công nghệ hiện nay thì khoáng sản không còn là yếu tố quyết định cho phát triển mạnh kinh tế nữa (có nước nghèo khoáng sản nhưng họ lại rất giàu có nhờ phát triển mạnh nền công nghiệp hiện đại). Tuy nhiên, với nền kinh tế nước ta hiện nay đang trong thời kỳ bắt đầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì tài nguyên khoáng sản lại là một trong các yếu tố quyết định sự phát triển (ví dụ như dầu khí, than đá, đá các loại, apatít...). Mặt khác, việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên khoáng sản cũng còn có ý nghĩa dành lại tài nguyên cho các thế hệ mai sau. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý cũng là một biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân vơ vét tài nguyên khoáng sản nước ta, Người viết "... họ chỉ vơ vét những cái gì dễ vơ vét, như một kẻ vội khoắng sạch những cái gì tiện tay để chuồn đi cho nhanh" (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 356).
Trong cuộc nói chuyện với cán bộ công nhân mỏ Đèo Nai (Quảng Ninh) ngày 30 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "... Muốn làm được những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa...". Ngày nay, nước ta đã hoàn toàn độc lập, cần phải quản lý tài nguyên khoáng sản với tinh thần người chủ đất nước và cũng là tiếp tục sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh vào giai đoạn hiện nay.
Từ trước đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về lĩnh vực hoạt động khoáng sản. Các văn bản đó đã góp phần tăng cường một bước hiệu lực quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản. Nhưng các văn bản này chưa bao quát hết và còn nhiều điểm chưa phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế mới.
Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khoáng sản nhằm bảo vệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, môi sinh và an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản, Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật khoáng sản tại kỳ họp thứ 9 này.
II- ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ DỰ THẢO LUẬT
Qua nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị thẩm tra, Ủy ban chúng tôi thấy rằng Dự thảo Luật khoáng sản của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này so với các lần trình trước thì chất lượng đã được nâng lên một bước. Dự thảo Luật được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu, kế thừa những văn bản pháp quy về tài nguyên khoáng sản trước đây của Nhà nước ta, nhất là Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, rút kinh nghiệm thực tế thi hành các văn bản này, kết hợp nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu và khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài. Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các ngành, các địa phương, của các cuộc hội thảo khoa học.
Đặc biệt những ý kiến đóng góp quý báu của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (4-1995) đã được Ban soạn thảo nghiêm chỉnh tiếp thu như: bổ sung một điều quy định nói rõ hơn về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác (Điều 6); hoặc đã rất coi trọng hoạt động chế biến khoáng sản, đã đưa chế biến khoáng sản như một hoạt động độc lập, quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người đầu tư trong việc sử dụng, xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng trong hoạt động khoáng sản (Điều 17); quy định rõ các chế tài về bảo vệ môi trường, môi sinh, an toàn lao động, trật tự xã hội trong khai thác, làm rõ hơn các quy định về khai thác nhỏ (Điều 42 và 43); vị trí của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản được xác định trong Luật (Điều 48); công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, việc phân cấp quản lý và cho phép khai thác khoáng sản cũng được quy định rõ hơn...
Gần đây, những ý kiến chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về quan điểm, chính sách về tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng..., đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Ban soạn thảo hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng Dự thảo Luật lên một bước đáng kể.
Mặc dầu vậy, tại Hội nghị thẩm tra với tinh thần trách nhiệm cao nhiều đại biểu và các thành viên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã nghiên cứu kỹ và phát biểu nhiều ý kiến xác đáng trình Quốc hội xem xét cho thêm ý kiến để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện kịp thời đạt tới chất lượng cao để Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.
Ủy ban chúng tôi xin trình bày cụ thể những ý kiến xác đáng đó như sau:
III- VỀ ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH
VÀ TÊN CỦA LUẬT
1. Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật:
Quyền sở hữu về tài nguyên khoáng sản của Nhà nước ta được thể hiện tại Điều 1:
"Tài nguyên khoáng sản trong lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý".
Nhiều ý kiến tại Hội nghị thẩm tra và các ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý có liên quan đến lĩnh vực này tại các hội thảo khoa học do Ủy ban chúng tôi tổ chức đều cho rằng quy định như vậy là chưa đủ vì:
Nếu quy định như vậy là chưa bao hàm được các loại khoáng sản nằm ở vùng nội thuỷ và lãnh hải. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, lãnh thổ là bao hàm nội thuỷ và lãnh hải. Nhưng khoản 1 Điều 2 phần II Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 lại quy định là: "Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thuỷ của mình... đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải". Như vậy, theo Công ước này thì nội thuỷ và lãnh hải là nằm ngoài lãnh thổ.
Hiện nay, chúng ta đã có Luật dầu khí điều chỉnh các loại khoáng sản như dầu thô, khí đốt thiên nhiên..., trừ than đá, đá phiến sét, bi tum hoặc các khoáng sản rắn khác có thể chiết xuất được dầu.
Nước ngầm cũng là một dạng khoáng sản, nhưng đối với nước mặt và nước thường dưới đất sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật về nước đang được soạn thảo.
Trong Dự thảo đối tượng và phạm vi áp dụng của Luật được xác định tại Điều 2:
"Luật này được áp dụng đối với việc bảo vệ, điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản rắn, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên, trừ dầu khí và các loại nước thiên nhiên khác".
Nhiều ý kiến cho rằng Luật dầu khí chỉ điều chỉnh các đối tượng là dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, còn có nhiều loại mỏ khí thiên nhiên khác không phải là khí đốt như khí carbonic (C02) hoặc khí trơ thì cũng phải thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Nghĩa là đối tượng điều chỉnh của Luật này bao gồm khoáng sản ở thể rắn, thể lỏng và cả thể khí chỉ trừ những loại đã nêu ở trên.
Ủy ban chúng tôi thấy đây là những ý kiến cần xem xét kỹ và chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến này để tránh sơ hở và đồng thời tạo thuận lợi cho việc thi hành Luật.
Trong Hội nghị thẩm tra đa số thành viên Ủy ban tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật khoáng sản là toàn bộ các hoạt động bảo vệ tài nguyên khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, bổ sung cho đầy đủ và hợp lý.
Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Về tên của Luật
Hiện nay còn có 2 loại ý kiến khác nhau về tên của Luật.
Một là, Luật tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Tên gọi này có ưu điểm là thể hiện được trong Luật các hoạt động khoáng sản, chú trọng đến công tác bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, về việc phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản trong Dự thảo Luật cũng mới có những quy định chung. Mặt khác tên này có nhược điểm là hơi dài.
Hai là, Luật khoáng sản. So với tên gọi trên có ưu điểm là gọn, nhưng tên gọi này cũng còn nhược điểm là chưa thể hiện hết nội dung của Luật. Tuy nhiên, chúng ta đã có một số tiền lệ là lấy đối tượng của Luật để đặt tên cho Luật như Luật dầu khí, Luật báo chí... với tên gọi ngắn gọn nhưng cũng không hạn chế nội dung của Luật. Qua nhiều lần thẩm tra, hội thảo khoa học, cũng như lấy ý kiến nhân dân, đa số các ý kiến phát biểu đều cho rằng với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật như trên thì giữ tên Luật khoáng sản là hợp lý.
Đa số thành viên Ủy ban chúng tôi thấy rằng có thể lấy tên Luật như Dự thảo là Luật khoáng sản.
Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
IV- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI
HOẶC CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU
Qua các ý kiến tại Hội nghị thẩm tra đều cho rằng Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này đã thể hiện được những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên Ủy ban chúng tôi cũng thấy một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và trình bày chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác trong dự thảo Luật như sau:
1. Về quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
Theo quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong cả nước. Chính phủ giao cho Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thẩm tra còn có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chưa xác định rõ vị trí của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cũng như chưa phân cấp rõ thẩm quyền quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Mặt khác, có ý kiến đề nghị nên sửa đoạn 3 Điều 48 thành: "Bộ Công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Ủy ban chúng tôi tán thành với những ý kiến trên và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện lại trong Dự thảo Luật.
- Dự thảo Luật lần này đã đưa vào nội dung Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản (Đoạn 4 Điều 48). Đây là một tổ chức giúp Chính phủ trong việc đánh giá, thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Tại Hội nghị thẩm tra nhiều ý kiến cho rằng có một cơ quan thực hiện chức năng như vậy là rất cần thiết, góp phần hạn chế tiêu cực và ngăn chặn tình trạng cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tuỳ tiện gây tổn thất và lãng phí khoáng sản của đất nước. Ủy ban chúng tôi tán thành ý kiến này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như Dự thảo Luật chưa nêu bật được vị trí, vai trò và chức năng của cơ quan này, nên chăng tách vấn đề này thành một điều riêng và đặt tại Chương IX: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Về vấn đề này Ủy ban chúng tôi thấy rằng trong Dự thảo Luật chỉ cần quy định về nguyên tắc có Hội đồng này, còn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của nó do Chính phủ quy định.
2. Về phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản:
Để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần khuyến khích và ưu tiên cho các dự án có công nghệ tiên tiến, làm ra các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Mục tiêu này đã được thể hiện tại Điều 5 và Điều 39 của Dự thảo Luật. Nhưng phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản không chỉ dừng lại ở công đoạn làm giàu quặng rồi xuất khẩu thô, mà mục tiêu phải hướng tới là chế biến tạo ra được các sản phẩm tinh, sau đó là các sản phẩm để cung cấp cho nền công nghiệp trong nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, những chế định cụ thể để thực hiện các mục tiêu trên chưa được thể hiện rõ ràng trong Dự thảo Luật. Để giải quyết vấn đề này, tại Hội nghị thẩm tra có nêu lên một hướng giải quyết là nên chăng tách phần chế biến thành một mục riêng trong Chương VI: Khai thác và chế biến khoáng sản. Mục này bao gồm Điều 39 của Dự thảo có sửa chữa và bổ sung thêm một số điều (đã có Dự thảo chuẩn bị) để thể hiện các quan điểm nói trên đây.
Ủy ban chúng tôi thấy ý kiến đó là hợp lý và tán thành phương án giải quyết này. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu.
Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
3. Về vấn đề chuyển nhượng và để thừa kế quyền hoạt động khoáng sản
Tất cả các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thẩm tra đều nhất trí rằng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, cần cân nhắc quy định những vấn đề có tính nguyên tắc nhất trong Dự thảo, còn những vấn đề cụ thể để Nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy định.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu lại các vấn đề về việc chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác và để thừa kế quyền thăm dò, quyền khai thác được quy định tại các khoản 6 và 8 của các Điều 24 và 30 của Dự thảo Luật, nên chăng nhập thành một khoản và đặt ở một vị trí thích hợp khác.
Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
4. Về điều kiện cấp các loại giấy phép hoạt động khoáng sản:
Tại các hội thảo khoa học trước đây và Hội nghị thẩm tra có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chưa đề cập (quy định) đến một vấn đề rất quan trọng là: đối với cá nhân, tổ chức không phân biệt trong nước hay nước ngoài đều phải thoả mãn những điều kiện gì mới được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Bởi vì, thực tế thời gian vừa qua đã cho thấy, có một số trường hợp việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản khá tuỳ tiện cho người nước ngoài, đã bị lừa đảo và gây tổn thất rất nghiêm trọng về tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng xấu tới tình hình trật tự an toàn xã hội, cần phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Thời hạn của giấy phép khai thác là 30 năm (khoản 4, Điều 29) là quá dài. Vì với điều kiện công nghệ tiên tiến của thế giới hiện nay thì nhiều mỏ chỉ hoạt động từ 5 đến 10 năm. Mặt khác, nếu quy định việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại các điều 19, 23 và 29 của Dự thảo Luật là rất khó hiểu, nhiều khi triệt tiêu quyền hoạt động khoáng sản của các đối tượng khác.
Ủy ban chúng tôi thấy đây là những vấn đề quan trọng và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.
Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
5. Về việc giải thích các thuật ngữ:
Tại các hội thảo khoa học và Hội nghị thẩm tra của Ủy ban chúng tôi nhiều ý kiến phát biểu cho rằng việc giải thích một số thuật ngữ trong Dự thảo Luật (Điều 3) như khoáng sản, khoáng sản rắn, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản..., còn chưa thật chính xác, chưa phù hợp với định nghĩa quốc tế và thực tế của nước ta. Bên cạnh đó, cần bổ sung một số thuật ngữ như tài nguyên khoáng sản, trữ lượng khoáng sản... Có nhận xét cho rằng, đá quý là loại khoáng sản rất có giá trị của nước ta lại không được nhắc đến tên trong giải thích về khoáng sản rắn.
Ủy ban chúng tôi thấy đây là những vấn đề khoa học quan trọng, xuyên suốt toàn bộ nội dung của dự Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu thể hiện lại cho thật chính xác và đầy đủ, vừa phản ánh thực tiễn của Việt Nam, vừa phù hợp với các quy định quốc tế thông dụng.
6. Về vấn đề khai thác nhỏ:
Nhiều ý kiến tại Hội nghị thẩm tra cho rằng, hiện nay tình hình khai thác khoáng sản ở nước ta còn rất lộn xộn, gây tổn thất lớn cho đất nước, mà một trong những nguyên nhân của vấn đề này là việc cấp giấy phép tràn lan cho những tổ chức, cá nhân để hoạt động gọi là "khai thác nhỏ". Bởi vậy, để lập lại trật tự, kỷ cương, bảo đảm tính năng động và quyền chủ động là rất cần thiết cho các địa phương thì ngoài việc phải quy định rõ thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép khai thác nhỏ trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật, còn cần phải thể hiện chi tiết hơn các quy định của Điều 6 tại các chương sau của Dự thảo. Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng khai thác nhỏ không nên viết thành một chương, dễ gây hiểu lầm rằng chúng ta phát triển công nghiệp khai khoáng chủ yếu bằng khai thác nhỏ. Như vậy, chỉ nên viết thành 1, 2 điều và nhập với Chương VI: Khai thác và chế biến khoáng sản.
Ủy ban chúng tôi tán thành ý kiến trên và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.
Kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
7. Về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp:
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn tại các hội thảo khoa học và hội nghị thẩm tra của Ủy ban chúng tôi đều cho rằng trong Dự thảo Luật chưa đưa ra các chế định nhằm bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học và những người có công phát hiện ra mỏ khoáng sản, thậm chí nhiều mỏ quý, hiếm. Đây là một công việc rất quan trọng, một mặt thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nhằm ưu tiên phát triển ngành công nghiệp khai khoáng non trẻ, mặt khác khẳng định Nhà nước ta luôn luôn bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thăm dò, tìm kiếm khoáng sản.
Ủy ban chúng tôi tán thành ý kiến trên và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu thể hiện trong Dự thảo vấn đề này.
8. Về vấn đề thuế tài nguyên:
Đa số thành viên Ủy ban chúng tôi tán thành các quy định nguyên tắc đã ghi trong Điều 32 của Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thẩm tra còn có một số ý kiến cho rằng nên quy định khung thuế suất và thuế suất thuế tài nguyên khoáng sản vào Dự thảo Luật. Bởi vì, Pháp lệnh về thuế tài nguyên ban hành đã lâu, không còn phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay; sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn khi ban hành Luật này. Mặt khác, trong danh mục chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-1995) không có Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung thuế tài nguyên.
Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
9. Về Thanh tra chuyên ngành về khoáng sản:
Tại Hội nghị thẩm tra có một số ý kiến cho rằng, Thanh tra chuyên ngành về khoáng sản chỉ thực hiện một trong các nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, vì vậy, nên nhập vào Chương IX: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Sau khi trao đổi, thảo luận đa số thành viên Ủy ban chúng tôi thấy rằng thanh tra chuyên ngành về khoáng sản có tính đặc thù riêng và rất quan trọng, do đó nên để thành một chương riêng như Dự thảo Luật là hợp lý, tuy nhiên về mặt tổ chức sau này Chính phủ sẽ quy định trên tinh thần cải cách hành chính bảo đảm gọn và hiệu quả.
Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
10. Ngoài ra, tại một số điều do cách thể hiện chưa được rõ nên có thể gây sự hiểu khác nhau. Xin nêu một số ví dụ cụ thể:
- Về khoản 2, Điều 8: "Việc xây dựng các công trình cố định liên quan đến khu vực có tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đã được xác định phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản". Có nhiều ý kiến tại Hội nghị thẩm tra cho rằng quy định như vậy là quá chặt chẽ, tính khả thi thấp. Nên thể hiện lại cho mềm dẻo và linh hoạt hơn. Mặt khác, cần bổ sung sau đó một đoạn là: "Đối với các công trình đặc biệt phục vụ cho quốc phòng và an ninh Quốc gia Chính phủ có quy định riêng".
Ủy ban chúng tôi tán thành ý kiến này, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và bổ sung.
- Về khoản 1, Điều 15: "... Khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực hoặc khi từng phần diện tích khai thác được trả lại hoặc quyền khai thác được chuyển nhượng thì hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản cũng chấm dứt hoặc được ký lại".
Một số ý kiến nêu lên đây là vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm, nếu quy định như trên là chưa rõ ràng, dễ bị hiểu sai dẫn đến thực hiện sai các quy định của pháp luật về đất đai, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, về khuyến khích đầu tư trong nước và về dân sự. Vì vậy, có thể sửa lại đoạn này như sau:
"... Khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực hoặc một phần diện tích khai thác được trả lại thì hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản cũng chấm dứt tương ứng.
Khi quyền khai thác khoáng sản có thay đổi thì hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản được ký lại".
11. Về kết cấu, bố cục của Dự thảo Luật:
Như đã nói ở trên, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị thẩm tra đều cho rằng kết cấu của Dự thảo Luật là tương đối hợp lý, nhưng về bố cục hoặc vị trí của một vài điều nên nghiên cứu, tiếp thu và sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Cụ thể là các vấn đề sau:
- Nghiên cứu, thu gọn Chương VII: Khai thác nhỏ thành 1 hoặc 2 điều và nhập vào Chương VI: Khai thác và chế biến khoáng sản.
- Nghiên cứu bổ sung thêm một số điều sau Điều 39 để thể hiện các quan điểm về phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản.
Khi đó Chương VI mới của Dự thảo Luật sẽ gồm 3 mục:
Mục I: Gồm các điều từ Điều 29 đến Điều 38.
Mục II: Gồm Điều 39 và các điều cần bổ sung.
Mục III: Gồm Điều 40, 41 và các điều từ chương khai thác nhỏ chuyển sang.
Ngoài ra, còn một số góp ý cụ thể về văn phong, câu chữ và cách thể hiện tại một số chương, điều, Ủy ban chúng tôi sẽ chuyển đến Ban soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý lại.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số ý kiến chính tại Hội nghị thẩm tra của ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về Dự thảo Luật khoáng sản.
Ủy ban chúng tôi thấy rằng với sự cố gắng, quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ của Ban soạn thảo với Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo chặt chẽ của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Ban soạn thảo sẽ nhanh chóng nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý lại văn bản theo những ý kiến đóng góp nói trên nhất là những ý kiến phát biểu, đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này về Dự thảo Luật để kịp trình Quốc hội biểu quyết, thông qua tại kỳ họp thứ 9 này.
Xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội