VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ

(Do ông Lý Tài Luận, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá IX, ngày 02-3-1996)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã cùng cơ quan soạn thảo của Chính phủ tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế về tổ chức và hoạt động của các loại hình hợp tác xã trong cả nước và tham khảo kinh nghiệm ở một số nước; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp, các địa phương và cơ sở. Dự án Luật cũng đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong và sau kỳ họp thứ 8 vừa qua. Dự án Luật hợp tác xã lần này trình Quốc hội đã được chỉnh lý sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các phiên họp thứ 42, 43 (tháng 01 và 02 năm 1996) và ý kiến đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của các ngành, các cấp, các địa phương và cơ sở).

Ngày 12 và 13 tháng 2 năm 1996, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp phiên toàn thể tại Thành phố Hồ Chí Minh để thẩm tra Dự án Luật hợp tác xã. Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Qua thảo luận và ý kiến các đại biểu dự họp, Ủy ban chúng tôi trình Quốc hội những nội dung chính như sau:

I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT HỢP TÁC XÃ

Ủy ban chúng tôi nhất trí cho rằng, trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội đã ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân... trong khi đó, hợp tác xã là loại hình kinh tế đã từng tồn tại và phát triển trong nhiều năm, trên nhiều lĩnh vực rộng lớn lại chưa có luật. Do vậy, việc tạo điều kiện pháp lý cho kinh tế tập thể tiếp tục phát triển vững chắc, có hiệu quả, cùng với doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân là hết sức cần thiết.

Quán triệt tư tưởng phát triển kinh tế tập thể đã được ghi trong Hiến pháp năm 1992 và các Nghị quyết của Đảng, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn hiện nay, cần sớm ban hành Luật hợp tác xã nhằm định hướng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác và tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới kinh tế hợp tác xã, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

II- VỀ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ

Dự án Luật hợp tác xã trình Quốc hội lần này gồm 10 chương và 54 điều có kết cấu hợp lý, nội dung các điều, khoản đã thể hiện được những quan điểm, tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới đối với lĩnh vực kinh tế tập thể; Dự án Luật cũng thể hiện tính lịch sử, làm rõ định hướng xã hội chủ nghĩa của các loại hình hợp tác xã Việt Nam và nội dung kinh tế của hoạt động hợp tác xã phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của nước ta.

Tuy nhiên, Ủy ban chúng tôi thấy có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, xin trình Quốc hội xem xét:

1. Về phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh của dự án Luật

Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh được ghi trong Dự án Luật (các Điều 1, 2, 3) và cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ đối với các hợp tác xã, bao gồm nhiều loại hình hợp tác xã trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Song có một số ý kiến đề nghị loại hình hợp tác xã tín dụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này vì hợp tác xã tín dụng chỉ kinh doanh tiền tệ, tín dụng có đặc thù riêng, có quyền huy động lượng vốn lớn và cho mọi đối tượng có khả năng vay, khi gặp rủi ro trong kinh doanh không chỉ ảnh hưởng trong xã viên mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh khác; do vậy Hợp tác xã tín dụng chỉ chịu sự điều chỉnh cùa Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính.

Có ý kiến khác đề nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này bao gồm cả tổ hợp tác và các loại hình kinh tế hợp tác khác như hội nghề nghiệp...

Qua thảo luận, Ủy ban chúng tôi tán thành với phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh ghi trong Dự án Luật và cho rằng, tuy kinh tế hợp tác và hợp tác xã đều là hình thức liên kết tự nguyện của những người lao động, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên để giải quyết có hiệu quả những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống. Nhưng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này chỉ là các loại hình hợp tác xã trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, có tổ chức chặt chẽ, có bộ máy quản lý ổn định, có góp vốn, góp sức, được phép đăng ký kinh doanh, có tư cách pháp nhân, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc và điều lệ của hợp tác xã. Đối với từng loại hình hợp tác xã có đặc thù riêng như hợp tác xã kinh doanh dịch vụ phục vụ nông nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã tín dụng - quỹ tín dụng nhân dân... thì ngoài việc tuân theo các quy định của Dự án Luật này, còn phải chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ mẫu do Chính phủ ban hành phù hợp với đặc điểm riêng của từng loại hình hợp tác xã.

Còn các tổ hợp tác và các loại hình kinh tế hợp tác khác có hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, chưa đủ điều kiện trở thành pháp nhân thì thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các Luật khác có liên quan, được Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ và khuyến khích phát triển để dần trở thành hợp tác xã.

2. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã

Dự án Luật hợp tác xã tại Điều 5 nêu 6 nguyên tắc. Có một số ý kiến đề nghị chỉ nên giữ 4 nguyên tắc đầu, còn nguyên tắc thứ 5 "chăm lo giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, thông tin cho xã viên để mọi người tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã, thực hiện chính sách xã hội... và phát triển cộng đồng" là nghĩa vụ của hợp tác xã, nên đưa xuống Điều 7; nguyên tắc thứ 6 "hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế... theo quy định của pháp luật" là quyền của Hợp tác xã, nên đưa xuống Điều 6.

Đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc có thể giữ cả 6 nguyên tắc như trong Dự án Luật để vừa thích hợp với tình hình tổ chức và hoạt động của các loại hình hợp tác xã ở nước ta, vừa phù hợp với 7 nguyên tắc cơ bản của Liên minh hợp tác xã thế giới (ICA) về hợp tác xã. Hơn nữa, 6 nguyên tắc này bảo đảm được tính thống nhất trong việc tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các loại hình hợp tác xã, là một trong những cơ sở pháp lý bắt buộc phải được quán triệt và thể hiện trong các điều lệ mẫu sẽ do Chính phủ ban hành.

3. Về quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã

Về cơ bản, Ủy ban chúng tôi tán thành với những quyền và nghĩa vụ của Hợp tác xã được ghi tại Điều 6 và Điều 7 của Dự án Luật. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban chúng tôi đề nghị cần quy định và ghi bổ sung vào Dự án Luật về việc bảo toàn và phát triển vốn của hợp tác xã; tham gia bảo hiểm xã hội đối với xã viên. Về nghĩa vụ, hợp tác xã là tổ chức kinh tế nhưng khác với các tổ chức kinh tế khác về mục tiêu, tính chất và chức năng xã hội của hợp tác xã. Tuy hợp tác xã không trực tiếp thực hiện chức năng xã hội nhưng cũng cần xác định rõ trong Dự án Luật nghĩa vụ tham gia thực hiện các chủ trương chính sách xã hội như xoá đói giảm nghèo, tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích...

4. Về thành lập và đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã

Có ý kiến đề nghị nên tách thành hai khâu: quyết định thành lập và đăng ký kinh doanh như các loại hình doanh nghiệp khác.

Ủy ban chúng tôi tán thành như Dự án Luật đã quy định và cho rằng, việc thành lập và đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã nên thống nhất vào một khâu gọi là "đăng ký kinh doanh" và giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thông qua phòng kế hoạch và đầu tư; còn Liên hiệp Hợp tác xã giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư; trừ một số ngành nghề do Thủ tướng Chính phủ cho phép sẽ có quy định riêng. Quy định này phù hợp với việc tổ chức và hoạt động của các loại hình hợp tác xã ở mọi miền của đất nước ta và cũng phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, tránh gây phiền hà như hiện nay.

5. Về xã viên hợp tác xã

Một số ý kiến đề nghị: không nên kết nạp xã viên dưới 18 tuổi; xã viên hợp tác xã nên mở rộng đến "hộ gia đình"; cần phân biệt xã viên vừa góp vốn, vừa góp sức tức là trực tiếp lao động hoặc làm công tác quản lý trong hợp tác xã với xã viên chỉ góp vốn. Về mức góp tối đa của xã viên nhiều ý kiến đề nghị không nên giới hạn vốn góp cổ phần của xã viên không vượt quá 30% tổng số vốn góp của toàn thể xã viên (khoản 1 Điều 21) vì hiện nay phần lớn hợp tác xã đang thiếu vốn cần huy động vốn của xã viên.

Đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi tán thành với những quy định về quyền và nghĩa vụ của xã viên nêu tại Điều 20, Điều 21 của Dự án Luật. Xã viên tham gia hợp tác xã theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, mỗi xã viên có quyền được tham gia nhiều hợp tác xã không cùng ngành nghề nếu điều lệ hợp tác xã không hạn chế và các hộ gia đình, các tổ chức kinh tế, xã hội có nhu cầu và nguyện vọng tham gia hợp tác xã phải cử người đại diện có đủ điều kiện trở thành xã viên viết đơn xin gia nhập hợp tác xã; quyền và nghĩa vụ của người đại diện giống như các xã viên khác.

6. Về tổ chức và quản lý hợp tác xã

Về cơ bản, Ủy ban chúng tôi tán thành với những quy định về Đại hội xã viên, nội dung của Đại hội xã viên, quy định về số lượng đại biểu và biểu quyết trong Đại hội xã viên; tiêu chuẩn, quyền hạn và nghĩa vụ của Ban quản trị; Ban kiểm soát, Chủ nhiệm hợp tác xã. Tuỳ theo quy mô hợp tác xã mà tổ chức Hội đồng quản trị hoặc Ban quản trị do điều lệ hợp tác xã quy định cụ thể. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị cần quy định rõ trong dự Luật tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị trong đó có Chủ nhiệm hợp tác xã không phải là bố, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh chị em ruột đối với kế toán trưởng và thủ quỹ. Các hợp tác xã cũng có thể tự nguyện liên hiệp lại thành Liên hiệp Hợp tác xã, các Liên hiệp Hợp tác xã là tổ chức kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của hợp tác xã.

Ủy ban chúng tôi nhất trí cho rằng, việc quy định quyền biểu quyết bình đẳng giữa các xã viên không phân biệt theo mức vốn góp là cần thiết để phân biệt sự khác nhau về bản chất và mục tiêu giữa hợp tác xã với công ty cổ phần và một số loại hình doanh nghiệp khác.

Về vấn đề góp vốn của xã viên, đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị nên quy định nhiều hình thức góp vốn đa dạng, có xã viên chỉ góp vốn, có xã viên vừa góp vốn, vừa góp sức, xã viên có thể góp vốn một lần ngay từ đầu hoặc góp dần nhiều lần tuỳ theo khả năng. Vốn có thể là vốn cổ phần, tiền, tài sản hoặc công nghệ, nhưng đề nghị giới hạn mức vốn góp tối đa của một xã viên không vượt quá 30% tổng số vốn góp của toàn thể xã viên hợp tác xã. Trong trường hợp hợp tác xã thiếu vốn thì có thể huy động dưới dạng vay vốn của xã viên (không phải góp vốn cổ phần) nhằm không để xảy ra tình trạng một cá nhân xã viên có thể chi phối hoạt động của hợp tác xã, bảo đảm cho hợp tác xã hoạt động bình thường khi có xã viên rút ra khỏi hợp tác xã và cũng nhằm tạo điều kiện cho hợp tác xã thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nguyên tắc hoạt động của mình.

7. Về sở hữu tài sản, vốn, quỹ, phân phối lãi, xử lý lỗ

Khắc phục những nhận thức sai lệch trước đây và ý thức được: hợp tác xã sản xuất, kinh doanh không đồng nghĩa với tập thể hoá tư liệu sản xuất trong hợp tác xã. Do vậy, Ủy ban chúng tôi tán thành quy định các hình thức sở hữu trong hợp tác xã là đa dạng, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của nền kinh tế nước ta hiện nay, bao gồm sở hữu cá nhân xã viên và sở hữu tập thể của hợp tác xã. Tài sản của hợp tác xã được hình thành từ vốn góp của xã viên, các quỹ của hợp tác xã, vốn vay hoặc vốn tài trợ của Nhà nước (nếu có) là thuộc tài sản chung của hợp tác xã, bao gồm tư liệu phục vụ sản xuất, dịch vụ, vốn lưu động... Hợp tác xã sử dụng vốn, tài sản là sở hữu của hợp tác xã để kinh doanh chung, đồng thời xã viên cũng có thể tự mình dùng vốn, tài sản thuộc sở hữu riêng để kinh doanh và được rút vốn khi ra hợp tác xã hoặc chuyển nhượng vốn cho người khác theo quy định của Điều lệ mẫu. Do vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị trong Dự án Luật cần phải phân định rõ tài sản không được chia (các công trình phúc lợi công cộng hoặc thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng) và tài sản được chia khi hợp tác xã giải thể hoặc phá sản. Đồng thời, quy định rõ chế độ trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn của Ban quản trị và Chủ nhiệm hợp tác xã.

Về phân phối lợi ích trong hợp tác xã, Ủy ban chúng tôi nhất trí thực hiện theo nguyên tắc: vừa phân phối theo kết quả lao động, vừa phân phối theo số vốn góp; ngoài ra xã viên còn được thụ hưởng mức độ sử dụng dịch vụ do hợp tác xã cung cấp.

Về phân phối lãi trong hợp tác xã, đa số thành viên Ủy ban chúng tôi đồng ý như quy định trong Dự thảo (Điều 39): sau khi đã làm đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, lãi của hợp tác xã trước hết phải trích bù các khoản lỗ năm trước (nếu có) và trích lập các quỹ của hợp tác xã (quỹ phát triển sản xuất, quỹ dự phòng rủi ro và các quỹ khác do điều lệ hợp tác xã quy định); sau đó trả lãi vốn góp của xã viên, phần còn lại chia cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Tỷ lệ phân phối lãi hàng năm do Đại hội xã viên quyết định, nhưng tỷ lệ trả lãi vốn góp của xã viên không được vượt quá mức của điều lệ mẫu quy định.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về trật tự phân phối lãi của hợp tác xã và cho rằng, trước hết nên trả lãi vốn góp của xã viên trong phạm vi tỷ lệ quy định của điều lệ mẫu đối với từng loại hình hợp tác xã, sau đó mới trích lập các quỹ của hợp tác xã.

8. Về chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã

Ủy ban chúng tôi nhất trí cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các loại hình hợp tác xã, cùng với việc ban hành Luật hợp tác xã, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách khuyến khích đối với hợp tác xã như chính sách xuất nhập khẩu, tín dụng, xử lý công nợ, hỗ trợ đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng... Nhưng chúng tôi đề nghị không ghi cụ thể vào dự Luật hợp tác xã mà để văn bản dưới Luật và các Luật khác có liên quan quy định cho phù hợp với đặc điểm của từng loại hình hợp tác xã nhằm hướng dẫn, giúp đỡ, bảo hộ và khuyến khích phát triển Hợp tác xã trong từng ngành nghề riêng biệt.

*

*     *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những ý kiến chính của Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội về dự án Luật hợp tác xã, kính trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội