VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ DỰ ÁN LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC


(Do ông Lý Tài Luận, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá IX, ngày 08-3-1996)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong quá trình xây dựng Dự án Luật ngân sách nhà nước, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã cùng với cơ quan soạn thảo của Chính phủ tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế về quản lý ngân sách nhà nước ở các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tham khảo kinh nghiệm ở một số nước; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành, các địa phương và cơ sở. Mặt khác, đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp toàn thể Ủy ban và Thường trực Ủy ban mở rộng, có đại diện của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số ngành ở Trung ương và địa phương tham dự để nghe trình bày về Dự án Luật ngân sách nhà nước.

Dự án Luật cũng đã hai lần được gửi đến các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, và kỳ họp thứ 8 vừa qua. Dự án Luật ngân sách nhà nước lần này trình Quốc hội đã được chỉnh lý sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội, của các ngành, các cấp, các địa phương và cơ sở.

Ngày 12 và 13 tháng 2 năm 1996, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Dự án Luật ngân sách nhà nước. Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Qua thảo luận và ý kiến các đại biểu dự họp, Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội những nội dung chính như sau:

I- VỀ SỰ CẦN THIẾT
BAN HÀNH LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngân sách nhà nước là một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước; đồng thời cũng là vấn đề hết sức phức tạp vì có quan hệ đến nghĩa vụ và quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các ngành và các địa phương. Nhưng từ trước đến nay, mặc dù dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm đều được Quốc hội thông qua, phê chuẩn, nhưng các văn bản quy định về việc lập, chấp hành, quản lý ngân sách nhà nước đều là những văn bản dưới luật, không đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp. Hơn nữa, trong thực tế cũng đã từng xảy ra ở các cấp, các ngành, các cơ sở kinh doanh tình trạng làm thất thu ngân sách, gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong chi tiêu ngân sách nhà nước.

Từ tình hình trên, Ủy ban chúng tôi nhất trí cho rằng, việc sớm ban hành Luật ngân sách nhà nước là một yêu cầu rất cấp thiết trong tình hình của đất nước ta hiện nay - thực chất Luật này quy định về cơ chế quản lý ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm cho việc lập, phân bổ, điều hành và quản lý ngân sách đi vào nền nếp; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và các ngành, các địa phương đối với lĩnh vực hết sức quan trọng này trong công cuộc đổi mới của đất nước; từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, bồi dưỡng và tạo nguồn thu ngày càng tăng, thực hành triệt để tiết kiệm, bảo đảm phục vụ đắc lực hơn nữa cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

II- VỀ QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Về cơ bản, Ủy ban chúng tôi tán thành với 5 quan điểm và nguyên tắc đã được trình bày trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng, trong Dự án Luật có một số quy định bảo đảm tập trung cao các nguồn lực tài chính quốc gia vào Trung ương, cả trong lĩnh vực thu và chi ngân sách nhằm tạo điều kiện cho Nhà nước Trung ương giải quyết những vấn đề lớn, có tầm cả nước, có tính định hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hỗ trợ cho các vùng có khó khăn về kinh tế - xã hội. Tuy vậy, Ủy ban chúng tôi nhận thấy, việc xác định nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước trong Dự án Luật cần bảo đảm tính tập trung thống nhất trong quản lý vĩ mô, đi đôi với việc phân cấp, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, địa phương và cơ sở, nhằm bảo đảm việc phân cấp quản lý ngân sách gắn với việc phân cấp nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho Nhà nước Trung ương tập trung vào những nhiệm vụ có tính then chốt, hỗ trợ cho các địa phương còn nhiều khó khăn, từ đó tạo ra động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tuy vậy, Nhà nước Trung ương không nên tập trung nguồn lực quá lớn, sẽ làm các cấp, các ngành, địa phương ở vào thế thụ động, ỷ lại trông chờ trên cấp phát, hạn chế việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở; cần coi sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và nguồn thu ngân sách của từng địa phương là nguồn lực quan trọng của ngân sách nhà nước, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 1992, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc lập, phân bổ, điều hành và quản lý ngân sách nhà nước.

III- VỀ NỘI DUNG
CỦA DỰ ÁN LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Dự án Luật ngân sách nhà nước trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 8 chương với 68 điều, có kết cấu hợp lý, nội dung các điều, khoản đã thể hiện được cơ bản về các quan điểm, nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, Ủy ban chúng tôi thấy có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, xin trình Quốc hội xem xét:

1. Về hệ thống ngân sách nhà nước:

Trong Dự án Luật (Điều 4) quy định: "Hệ thống ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương (ngân sách địa phương)". Hầu hết ý kiến trong Ủy ban chúng tôi tán thành với Dự thảo là phù hợp với các quy định trong Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) và cho rằng, trên thực tế hiện nay tất cả các cấp chính quyền địa phương đều có làm nhiệm vụ thu chi ngân sách. Vì vậy, cần thiết thống nhất quan niệm ngân sách nhà nước là một thể thống nhất, bao gồm ngân sách trung ương và ở mỗi cấp chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) đều là cấp ngân sách để bảo đảm hoạt động của cả nước và mỗi cấp chính quyền chủ động trong việc thu và trên cơ sở có nguồn thu để đáp ứng các nhiệm vụ chi cho hoạt động của mình. Chính quyền Trung ương giao nhiệm vụ chi và giao các nguồn thu cho địa phương để trên cơ sở đó địa phương tự xem xét, quyết định ngân sách của mình. Đối với địa phương mà tạm thời nguồn thu trên địa bàn còn khó khăn thì Trung ương xem xét giao chỉ tiêu nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương để địa phương bảo đảm cân đối được ngân sách của mình.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi còn băn khoăn đối với ngân sách cấp huyện, cấp xã và thấy rằng, xã là cấp ngân sách nhưng có tính đặc thù, vì hiện nay nhiều xã, nhất là ở các vùng kinh tế còn kém phát triển, đặc biệt là ở vùng miền núi, nguồn thu trên địa bàn để lại cho xã không bảo đảm nhu cầu chi, thậm chí không đủ chi trả sinh hoạt phí cho cán bộ xã. Trong khi đó, cấp huyện là cấp trực tiếp điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, sát với cấp cơ sở, kể cả việc chỉ đạo điều hành nhiệm vụ thu - chi ngân sách trong phạm vi huyện cho tới từng xã lại không có khả năng giải quyết kịp thời các yêu cầu phát sinh trên địa bàn. Vấn đề này chưa được giải quyết thoả đáng trong Dự án Luật, mặc dù so với các lần trước, Dự thảo Luật lần này trình ra Quốc hội có mở thêm cho cấp huyện về nhiệm vụ chi và nguồn thu đáp ứng. Yêu cầu phát triển hiện tại và trong tương lai của các thành phố dẫn đến quy mô của quận ngày càng lớn, đòi hỏi quận và phường phải có quyền chủ động nhất định trong thu chi ngân sách trên địa bàn. Đây là những vấn đề cần xem xét thêm, phân tích kỹ hơn.

Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Về thẩm quyền quyết định và phân bổ ngân sách nhà nước:

a) Về thẩm quyền của Quốc hội:

Qua thảo luận còn có những ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành như quy định tại Điều 15 của Dự án Luật, vì cho rằng với cơ cấu đại biểu và điều kiện, thời gian hoạt động của Quốc hội như hiện nay thì Quốc hội không thể có điều kiện xem xét, quyết định chi tiết thu, chi và phân bổ ngân sách cụ thể đến từng Bộ, ngành Trung ương và địa phương mà phải giao nhiệm vụ này cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, kể cả việc quyết định mức bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương.

Loại ý kiến thứ hai, cơ bản nhất trí với nhiều điểm quy định trong Dự thảo Luật, nhưng đề nghị việc phân bổ ngân sách Trung ương cho từng Bộ, ngành và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trên cơ sở phương án do Chính phủ trình và báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; vì cho rằng, có như vậy mới bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ. Tại khoản 4, Điều 84 của Hiến pháp đã quy định: "Quốc hội quyết định chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quy định sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế". Trong khi Quốc hội chưa bảo đảm được các điều kiện cần thiết thì giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể ngân sách do Chính phủ trình cũng là hợp lý.

Loại ý kiến thứ ba, cho rằng, để vừa bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp, vừa bảo đảm thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước với tổng số thu, tổng số chi, mức bội chi và phân bổ theo loại thu và lĩnh vực chi. Quyết định dự toán ngân sách trung ương và phân bổ ngân sách đến từng Bộ, ngành, lĩnh vực, các chương trình dự án quốc gia, các công trình trọng điểm của Nhà nước và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy ban chúng tôi thấy rằng, mặc dù trong thực tế 4 năm vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã bước đầu thực hiện các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ trong việc quyết định và phân bổ ngân sách nhà nước theo cách như loại ý kiến thứ hai. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị trong điều kiện hiện nay nên tiếp tục thực hiện theo phương án này; đồng thời có các quy định nhằm bảo đảm để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội có điều kiện tham gia vào dự kiến phân bổ ngân sách do Chính phủ chuẩn bị. Khi có các điều kiện bảo đảm cần thiết sẽ tiến tới thực hiện theo loại ý kiến thứ ba.

Đây là vấn đề khá phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau; xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.

b) Về thẩm quyền của Chính phủ:

Một số ý kiến nhất trí với Dự thảo Luật (Điều 16) và cho rằng, việc phân bổ ngân sách gắn với tổ chức điều hành ngân sách sẽ tạo điều kiện tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đa số thành viên Ủy ban chúng tôi cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ, thì Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua trong phạm vi cả nước. Với tinh thần đó và bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội như đã trình bày ở phần trên, hàng năm Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước để xem xét, thông qua; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phương án phân bổ ngân sách Trung ương, kể cả mức bổ sung cho ngân sách địa phương để xem xét quyết định, làm cơ sở cho Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ thu chi ngân sách cho từng Bộ, ngành và địa phương.

c) Về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp về ngân sách:

Ủy ban chúng tôi nhất trí với các quy định tại Điều 21 của Dự thảo Luật và thấy cũng phù hợp với quy định tại Điều 12 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) "quyết định dự toán ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương...". Trên cơ sở nguồn thu và nhiệm vụ chi được giao ổn định 3 - 5 năm, chính quyền địa phương tự xem xét quyết định ngân sách của mình; chính quyền cấp trên chỉ giao nguồn bổ sung từ ngân sách cấp trên để bảo đảm cân đối được ngân sách cấp dưới trong trường hợp nguồn thu trên địa bàn thật sự còn khó khăn. Điều này tạo điều kiện tăng cường trách nhiệm, phát huy tính chủ động, năng động của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, điều hành ngân sách; tích cực khai thác, bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu và tăng thu, tiết kiệm chi tiêu để đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi tăng lên ở các địa phương và đóng góp ngày càng nhiều cho Trung ương.

Ủy ban chúng tôi cũng nhất trí với những quy định trong Dự thảo Luật: chính quyền cấp tỉnh được quy định một số loại phí và phụ thu trong danh mục và khung quy định của Chính phủ; được vay vốn trong nước để đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương nhưng phải bảo đảm sử dụng có hiệu quả và trả được nợ. Chính quyền cấp xã và thị trấn được quyền thu phí và huy động sự đóng góp của nhân dân để lập quỹ đầu tư phát triển trong phạm vi quy định của Chính phủ.

3. Về phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách giữa Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban chúng tôi cho rằng, trong Dự thảo Luật còn thể hiện tính tập trung cao về Trung ương. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét kỹ hơn tính khả thi và bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, khả năng quản lý của chính quyền nhà nước các cấp hiện nay và những năm sắp tới. Mặt khác, trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), tại các điều từ 12 đến 18 quy định về quyền và nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chính sách dân tộc và tôn giáo, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền địa phương. Do đó, việc phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách các cấp phải dựa trên cơ sở phân định rõ, cụ thể việc phân công, phân cấp quản lý về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh ở mỗi cấp.

Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước mấy năm gần đây có những tiến bộ, trong đó một nhân tố quan trọng là đã từng bước phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc tạo nguồn thu và tăng thu, chống thất thu, đáp ứng các nhu cầu chi, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong cả nước nói chung, ở các địa phương nói riêng. Vì vậy, nếu tập trung đến mức quá cao về ngân sách trung ương sẽ không tránh khỏi tình trạng ỷ lại, thụ động của các địa phương.

Từ tình hình trên, ý kiến của Ủy ban chúng tôi về vấn đề này như sau:

a) Ý kiến đa số thành viên của Ủy ban chúng tôi nhất trí cần quy định cụ thể, chi tiết ngay trong Dự án Luật từng khoản thu và nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị trong Dự án Luật không nêu chi tiết mà chỉ nêu nguyên tắc, giao Chính phủ quyết định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng thời kỳ.

b) Về phân định nguồn thu, còn có các ý kiến khác nhau:

- Đa số ý kiến đồng ý với các quy định trong Dự thảo Luật - ở mỗi cấp ngân sách có nguồn thu được hưởng 100% và một số nguồn thu được phân chia theo tỷ lệ giữa các cấp ngân sách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tỷ lệ dành cho mỗi cấp ngân sách cần cụ thể ngay trong Dự án Luật. Đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị xem xét thêm việc tăng nguồn thu cho ngân sách cấp huyện đi đôi với việc mở rộng hơn nhiệm vụ chi đối với cấp này.

- Một số ý kiến đề nghị trên cơ sở giao nhiệm vụ chi, cần quy định cụ thể một tỷ lệ chung các nguồn thu thực hiện trên địa bàn để lại cho địa phương đủ đáp ứng các nhiệm vụ chi được giao.

- Một số ý kiến cho rằng, một số nguồn thu như thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước nên để lại cho địa phương một tỷ lệ cần thiết nhất định hoặc cũng có ý kiến đề nghị các nguồn thu dành cho ngân sách trung ương 100% như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt..., nếu thu vượt kế hoạch cũng nên để lại cho ngân sách địa phương một phần số vượt đó để bổ sung vốn đầu tư phát triển ở địa phương. Việc để lại này nhằm nâng cao trách nhiệm, phát huy tính năng động, chủ động của địa phương cùng với Trung ương chăm lo bồi dưỡng nguồn thu và tăng thu, chống thất thu để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chung của cả nước.

Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.

c) Về phân định nhiệm vụ chi, các thành viên Ủy ban chúng tôi nhất trí với các quy định trong Dự thảo Luật nhưng cần làm rõ thêm đối với những nhiệm vụ chi phải phối hợp giữa Trung ương và địa phương (như: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, chi cho bộ máy Đảng, đoàn thể...), thì cần xác định ranh giới rõ ràng hơn trong Luật để chủ động trong việc điều hành và tránh sơ hở trong quản lý chi ngân sách cả ở Trung ương và địa phương.

Đối với các khoản chi giao cho từng cấp đảm nhiệm nhưng lại gắn với trách nhiệm quản lý trực tiếp của địa phương hoặc với việc huy động khả năng ở địa phương và sự đóng góp của nhân dân thì nên giao cho địa phương. Các khoản chi thuộc nguồn tập trung của ngân sách Trung ương nhưng thực hiện trên địa bàn địa phương cũng cần phối hợp với địa phương để bố trí hợp lý.

d) Về ổn định nguồn thu và nhiệm vụ chi, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Luật, ổn định 3-5 năm, nếu có biến động đột xuất (vượt quá khung do Chính phủ quy định) thì Chính phủ được phép bổ sung nguồn từ ngân sách trung ương hỗ trợ hoặc điều thu về ngân sách trung ương. Cũng có một số ý kiến đề nghị ổn định 5 năm cho phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

4. Về chi cho hoạt động của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp...

Một số ý kiến đồng ý ghi như trong Dự án Luật (Điều 11). Đa số thành viên Ủy ban chúng tôi cho rằng, cần phân biệt rõ: đối với Đảng, ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng cho hoạt động của tổ chức Đảng các cấp; đối với các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc như: Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí chủ yếu cho hoạt động của các tổ chức này; còn đối với các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp... thì theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động, trừ một số trường hợp được ngân sách nhà nước tài trợ theo quy định của Chính phủ.

5. Về cơ quan kiểm toán nhà nước:

Một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước, cần tổ chức Cơ quan kiểm toán nhà nước và nên đặt cơ quan này trực thuộc Quốc hội để bảo đảm tính khách quan của việc kiểm tra quyết toán ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội thực hiện tốt chức năng giám sát của mình trong lĩnh vực ngân sách. Tuy nhiên, Ủy ban chúng tôi thấy rằng, đây là vấn đề mới, trước mắt nên giữ Cơ quan kiểm toán nhà nước đã được thành lập thuộc Chính phủ như hiện nay, qua thử nghiệm thực tế sẽ xem xét việc đặt Cơ quan kiểm toán nhà nước thuộc Chính phủ hay Quốc hội quản lý cho phù hợp.

*

*     *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Dự án Luật ngân sách nhà nước đã được khởi thảo từ 5 năm nay, đã nhiều lần lấy ý kiến các ngành, các cấp; Quốc hội cũng đã hai lần cho ý kiến. Dự án Luật ngân sách nhà nước trình ra Quốc hội lần này đã được chỉnh lý trên cơ sở cố gắng tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương và cơ sở, đặc biệt là của các đại biểu Quốc hội trong và sau kỳ họp thứ 8 vừa qua. Vấn đề đặt ra là sau khi Luật được Quốc hội thông qua, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản dưới Luật để bảo đảm tính khả thi và kịp thời đi vào cuộc sống thực tế.

Sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - tài chính đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải sớm ban hành Luật ngân sách nhà nước. Ủy ban chúng tôi nhất trí đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Luật ngân sách nhà nước tại kỳ họp này.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những ý kiến chính của Ủy ban kinh tế và ngân sách về Dự án Luật ngân sách nhà nước, kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội