VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

DIỄN VĂN BẾ MẠC
KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHOÁ IX
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÔNG ĐỨC MẠNH
NGÀY 20-3-1996

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa các vị khách quý,

Hôm nay, Quốc hội khoá IX nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1995, những tháng đầu năm 1996 và những biện pháp lớn, nhằm thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1996; thông qua ba đạo luật quan trọng: Luật ngân sách nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật khoáng sản, Quốc hội đã xem xét các báo cáo hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trong cả nước kiến nghị với Quốc hội; báo cáo một số vấn đề về hoạt động đối ngoại. Quốc hội đã ra Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1996.

Quốc hội đã khẳng định những thành tựu quan trọng, phân tích những yếu kém trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 1995 và chỉ rõ trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 1996 theo các nghị quyết của Quốc hội. Từ tình hình năm 1995, thu ngân sách không đạt kế hoạch, chi cho đầu tư phát triển còn ở mức thấp..., Quốc hội xác định trong năm 1996 và các năm tiếp theo phải có biện pháp đủ hiệu lực để huy động đúng, đủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trước hết và chủ yếu là mọi nguồn lực trong nước. Cần đặc biệt chú ý các biện pháp bồi dưỡng nguồn thu, tạo ra nguồn thu ngày càng lớn và vững chắc; đáp ứng yêu cầu chi; quản lý và giám sát chặt chẽ các khoản chi; phấn đấu giảm mức bội chi; cân bằng thu, chi; phân định hợp lý trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thu, chi ngân sách, bảo đảm sự điều hành thống nhất của Trung ương và phát huy cao độ tính chủ động, năng động của chính quyền địa phương các cấp và các doanh nghiệp. Đồng thời, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo bước phát triển mới về văn hóa, xã hội, trước hết tập trung giải quyết từng bước những vấn đề bức xúc về chất lượng giáo dục - đào tạo, khám, chữa bệnh cho nhân dân; chính sách ưu đãi người có công; bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phòng, chống các tệ nạn xã hội...

Quốc hội cũng đã quan tâm bàn các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa cải cách nền hành chính quốc gia, trong đó có việc sắp xếp hợp lý bộ máy của ngành Tài chính; ra sức thực hành tiết kiệm, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống lãng phí; giải quyết có hiệu quả và nhanh chóng các yêu cầu liên quan đến cuộc sống của nhân dân và các khiếu nại, tố cáo của công dân; giữ nghiêm kỷ cương phép nước... Đây là những nhiệm vụ quan trọng phải được tiến hành đồng bộ trong năm 1996.

Về công tác lập pháp, ba đạo luật vừa được Quốc hội thông qua đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong nhiều năm qua và xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực điều hành ngân sách nhà nước; phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã; quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Các đạo luật này cần sớm được triển khai thực hiện nhằm phục vụ bước phát triển mới của đất nước. Ngoài ra, Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung chủ yếu của một số dự án pháp lệnh thuộc các lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương, đất đai, phí và lệ phí, làm cơ sở để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới.

Để bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của pháp luật, làm cho các đạo luật mới được thông qua như Bộ luật dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân (về Toà hành chính và Toà lao động), Luật ngân sách nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật khoáng sản... sớm đi vào cuộc sống, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, Quốc hội yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành các văn bản dưới luật, có biện pháp cụ thể, đồng bộ để thi hành luật và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan thông tin đại chúng, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân, để mọi người có ý thức nghiêm chỉnh thi hành pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường công tác giám sát việc thi hành pháp luật theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Chỉ còn mấy tháng nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước ta. Với trọng trách lớn lao là đánh giá, tổng kết 10 năm đổi mới và quyết định bước phát triển toàn diện từ nay đến năm 2000 và những năm đầu thế kỷ XXI, Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo bước ngoặt mới của nước nhà.

Suốt nửa thế kỷ qua, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội từ khoá I đến nay đã phấn đấu, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Kỷ niệm 50 năm Quốc hội Việt Nam, với niềm tin vững chắc về đường lối đúng đắn của Đảng, bằng bài học kinh nghiệm của quá trình xây dựng chính quyền nhân dân, tiếp tục truyền thống của Quốc hội các khoá trước, đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tổ chức và hoạt động, Quốc hội chúng ta nhất định thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội diễn ra trong thời gian không dài, nhưng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Có được kết quả tốt đẹp đó là do sự nỗ lực của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự đóng góp tích cực của đông đảo cử tri trong cả nước, của Chính phủ, các ngành, các cấp hữu quan, các vị cán bộ cách mạng lão thành, các vị đại biểu Quốc hội của các khoá trước. Đó còn là sự đóng góp tận tuỵ của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan phục vụ trong suốt thời gian làm việc của kỳ họp. Quốc hội chân thành cảm ơn mọi sự đóng góp quý báu đó.

Sau kỳ họp này, tôi mong rằng, trên cương vị công tác của mình, các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, bằng hành động thiết thực của chính mình, ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội lần thứ VIII của Đảng; hoàn thành nhiệm vụ năm 1996 - năm đầu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000.

Vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, Quốc hội kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trong cả nước nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, ra sức đẩy mạnh sản xuất, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm của công cũng như của riêng, dành dụm để đầu tư phát triển, xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước.

Kính chúc sức khoẻ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý.

Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá IX.

Xin chân thành cảm ơn sự chú ý của các đồng chí và các bạn.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội