BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1995
(Do ông Lý Tài
Luận, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 16-10-1996)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IX đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước
năm 1995 với:
- Tổng số thu: 55.350 tỷ đồng
- Tổng số chi: 63.080 tỷ đồng
- Số thiếu hụt ngân sách: 7.730 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX, trên cơ sở ước thực hiện 9 tháng, Chính
phủ báo cáo dự kiến khả năng thực hiện ngân sách cả năm 1995 như sau:
- Tổng số thu, ước đạt 53.350 tỷ đồng, bằng 96,4%, dự toán ngân sách nhà
nước đã được Quốc hội thông qua (giảm 2.000 tỷ đồng), tăng 28,7% so với thực
hiện năm 1994.
- Tổng số chi, ước 61.960 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán ngân sách nhà nước đã
được Quốc hội thông qua (giảm 1.120 tỷ đồng), tăng 40,15% so với thực hiện
năm 1994.
- Số thiếu hụt ngân sách, ước 8.610 tỷ đồng, bằng 111,4% mức Quốc hội cho
phép (vượt 880 tỷ đồng), bằng 3,79% GDP.
Trong báo cáo thuyết trình tại kỳ họp thứ 8, Ủy ban chúng tôi đã có ý kiến
cho rằng, số thu ước tính như trên là chưa thật vững chắc, khó đạt được, đòi
hỏi sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp mới có
khả năng đạt như dự kiến; số ước chi cũng dựa trên số ước thu cả năm 1995,
nếu không có biện pháp hữu hiệu để đạt được số ước thu (nhất là thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu, thu về đất, thu về vay nợ nước ngoài để bù đắp thiếu
hụt ngân sách) thì sẽ không bảo đảm được yêu cầu chi để hoàn thành các nhiệm
vụ đã đề ra. Số thiếu hụt ngân sách tuy dự kiến tăng 880 tỷ đồng so với mức
Quốc hội cho phép nhưng vẫn còn nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đã
hoàn thành khoảng 1.300 tỷ đồng và có thể còn phát sinh những khoản chi mới,
sẽ để lại hậu quả nặng nề cho năm 1996.
Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (tháng 3 năm 1996), theo báo cáo của Chính phủ
về việc đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 1995 với:
- Tổng số thu: 50.520 tỷ đồng, chỉ đạt 91,3% kế hoạch, hụt 4.830 tỷ đồng
(chủ yếu là thuế xuất, nhập khẩu hụt 3.700 tỷ đồng, thuế công thương nghiệp
ngoài quốc doanh hụt 880 tỷ đồng, thu cấp quyền sử dụng đất hụt 680 tỷ
đồng...). Như vậy, hụt thêm 2.830 tỷ đồng so với số trình Quốc hội tại kỳ
họp trước.
- Tổng số chi: 60.208 tỷ đồng, chỉ đạt 95% dự toán Quốc hội đã thông qua,
giảm 2.872 tỷ đồng (giảm thêm 1.752 tỷ đồng so với số trình Quốc hội tại kỳ
họp trước).
- Số thiếu hụt ngân sách lên tới 9.688 tỷ đồng, bằng 4,3% GDP, vượt 1.958 tỷ
đồng so với mức Quốc hội cho phép và tăng thêm 1.078 tỷ đồng so với số ước
tính trình Quốc hội tại kỳ họp trước. Số tiền vay thêm trong và ngoài nước
không đủ bù đắp nên phải tạm vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước và Quỹ bình ổn
giá 1.265 tỷ đồng để xử lý.
Báo cáo của Ủy ban chúng tôi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đã nêu rõ tình
hình bội chi lớn, số tạm vay bù đắp thiếu hụt ngân sách ngày càng nhiều,
tính đến cuối năm 1995, số tạm vay tồn ngân kho bạc 1.835 tỷ đồng và nợ Quỹ
bình ổn giá 1.100 tỷ đồng, đó là vấn đề hết sức gay gắt và là gánh nặng phải
giải quyết trong những năm sau.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp báo cáo quyết toán của các Bộ, các ngành và các
địa phương, Chính phủ trình Quốc hội Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm
1995 như sau:
- Tổng số thu ngân sách nhà nước: 53.374 tỷ đồng.
- Tổng số chi ngân sách nhà nước: 62.679 tỷ đồng.
- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước: 9.305 tỷ đồng, bằng 4% GDP.
Trong các ngày từ 25 đến 29 tháng 9 năm 1996, Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đã họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra các báo cáo của Chính phủ,
trong đó có báo cáo về Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1995; Ủy ban
chúng tôi xin trình Quốc hội một số ý kiến sau:
1.
Ủy ban chúng tôi ghi nhận những tiến bộ và kết quả đạt được trong chỉ đạo
điều hành của Chính phủ trên cơ sở các biện pháp đề ra trong nghị quyết của
Quốc hội. Kết quả thu ngân sách nhà nước năm 1995 tăng 28,8% so với quyết
toán năm 1994, trong đó thu về thuế và phí bảo đảm chi thường xuyên và dành
được một phần cho chi đầu tư phát triển và trả nợ.
2.
Về thu ngân sách:
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 1995 là 53.374 tỷ đồng, tuy có tăng 28,8%
(tăng 11.935 tỷ đồng) so với quyết toán thu năm 1994, nhưng chỉ đạt 96,43%
(hụt 1.976 tỷ đồng) dự toán đầu năm được Quốc hội thông qua. Các khoản thu
chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch như
thuế xuất - nhập khẩu chỉ đạt 81,68%, hụt 2.977 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh
tế quốc doanh cũng chỉ đạt 94,47% hụt 862 tỷ đồng so với dự toán; chỉ có một
số khoản thu chiếm tỷ trọng nhỏ như thuế sử dụng đất nông nghiệp, phí giao
thông, các loại phí và lệ phí, v.v., là đạt và vượt mức dự toán từ 24,16%
đến 88,18%.
Điều đáng quan tâm là thu từ khu vực kinh tế quốc doanh mặc dù không đạt kế
hoạch nhưng vẫn tăng khá (15,34%) so với quyết toán thu năm 1994 (tăng 3.003
tỷ đồng), chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu ngân sách nhà nước (chiếm
28,5%), nếu tính đủ các khoản đóng góp gián tiếp của các doanh nghiệp quốc
doanh thông qua thuế xuất - nhập khẩu, thuế nhà đất, các loại phí và lệ phí
thì tỷ trọng chiếm tới 46%. Các khoản thu không đạt kế hoạch, ngoài nguyên
nhân về cơ chế chính sách (để lại một số khoản thu cho đơn vị sử dụng hoặc
cho phép tăng trích khấu hao để khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới công
nghệ ), còn có nguyên nhân là việc lập kế hoạch thu không sát với khả năng
sản xuất và tiêu thụ, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, tình trạng chiếm
dụng, nợ đọng thuế vẫn còn lớn và phổ biến để giải quyết khó khăn về vốn
trong kinh doanh. Thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng
trong tình trạng tương tự.
Thu thuế từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tuy tăng 46,44% so với quyết
toán năm 1994 nhưng chỉ đạt 89,78% kế hoạch. Thất thu về hộ vẫn còn nhiều,
chủ yếu là các hộ nhỏ, nhưng thất thu về doanh số vẫn tồn tại lớn, nhất là
đối với các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, dịch vụ, đại lý, công ty trách
nhiệm hữu hạn... Mặc dù cơ quan Thuế đã thực hiện việc điều chỉnh mức thuế
doanh thu và lợi tức hàng quý, nhưng phương thức thu chủ yếu là “khoán thuế”
mà công tác quản lý khó khăn, việc kiểm tra, kiểm soát thiếu thường xuyên,
không chặt chẽ nên mức khoán thường không sát với thực tế sản xuất kinh
doanh.
Các khoản thu về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và cấp quyền sử dụng đất cũng
lặp lại tình trạng của các năm trước, đạt thấp so với số ghi trong dự toán
đã được Quốc hội thông qua, chỉ đạt 62,2% (hụt 660 tỷ đồng), trong đó khoản
thu về đất hụt tới 610 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do công tác địa chính
kết hợp với thu về cấp quyền sử dụng đất triển khai chậm, thiếu đồng bộ;
việc vận dụng chính sách để hướng dẫn thu cho phù hợp với tình hình thực tế
không kịp thời; việc kiểm kê, kiểm soát quỹ đất thiếu chặt chẽ, thậm chí có
địa phương còn tùy tiện để lại cho cấp dưới (chủ yếu là cấp xã, phường) trái
với quy định, không được phản ánh đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Các khoản
phí và lệ phí thực hiện còn tùy tiện, nhất là các khoản cho phép ngành, đơn
vị thu được giữ lại chi không qua ngân sách nhà nước thì việc quản lý, kiểm
tra, kiểm soát việc sử dụng lại quá lỏng lẻo. Đây là những vấn đề cần khắc
phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.
3.
Về chi ngân sách:
Tổng chi ngân sách nhà nước năm 1995 là 62.679 tỷ đồng, bằng 99,36% dự toán
đầu năm Quốc hội đã thông qua, tăng 41,79% so với quyết toán chi năm 1994.
Trong năm 1995, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tích cực chỉ đạo các ngành,
các cấp bảo đảm điều hành dự toán chi theo nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, chi thường xuyên vượt 7,15% so với dự toán đầu năm, đặc biệt vẫn
tiếp diễn tình trạng chi quản lý hành chính vượt nhiều so với dự toán đầu
năm (vượt 34,35%). Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ thị về thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí trong việc xây dựng, mua sắm phương tiện, lễ kỷ niệm,
hội nghị, tiếp khách..., nhưng thực tế, kết quả còn rất hạn chế, tình trạng
lãng phí, thất thoát vẫn còn phổ biến ở nhiều đơn vị, địa phương. Tình hình
chi vượt dự toán như trên có phần do định mức chi chưa sát với tình hình
thực tế, nhưng chủ yếu vẫn là do điều hành thiếu kiên quyết, công tác quản
lý, kiểm tra, kiểm soát chi thiếu chặt chẽ.
Về chi đầu tư phát triển thì các khoản chi cho Chủ trương 327, Quỹ quốc gia
giải quyết việc làm, bổ sung vốn lưu động đã cố gắng bảo đảm đạt và vượt dự
toán đầu năm; còn chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung vẫn trong tình trạng
như năm trước mà số nợ thanh toán khối lượng đã hoàn thành ngày càng tăng
lên. Tuy trong năm 1995, vốn cấp phát đạt 97,45% dự toán, nhưng nếu loại trừ
khoản cấp phát thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành năm
1994 chuyển sang 1.360 tỷ đồng thì tỷ lệ thực hiện còn thấp hơn và còn để
lại nợ khoảng 1.800 tỷ đồng khối lượng đã hoàn thành mà Chính phủ đã phải
tìm giải pháp tích cực thanh toán dứt điểm trong những tháng đầu năm 1996.
Ngoài những nguyên nhân về điều hành, chi xây dựng cơ bản đạt thấp do nguồn
thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch (hụt gần 2.000 tỷ đồng), nhất là
thuế xuất - nhập khẩu hụt 2.977 tỷ đồng. Tuy trong quá trình điều hành, các
công trình trọng điểm đã được ưu tiên về vốn nhưng ở một số Bộ, ngành, địa
phương việc bố trí danh mục công trình đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn tình
trạng phân tán, dàn trải, thi công kéo dài, vượt dự toán được duyệt, v.v.
cộng với công tác quản lý yếu kém ở nhiều khâu, gây thất thoát, kém hiệu
quả, lãng phí còn lớn.
4.
Về cân đối ngân sách nhà nước năm 1995:
So với dự toán ngân sách nhà nước năm 1995 đã được Quốc hội thông qua, số
quyết toán về thu hụt 1.976 tỷ đồng, đồng thời số quyết toán về chi cũng có
giảm 401 tỷ đồng, dẫn đến số bội chi ngân sách nhà nước tăng 1.575 tỷ đồng.
Việc thu hụt, giảm chi, tăng bội chi là điều không bình thường. Khoản
vay trong nước tăng 1.494 tỷ đồng nhưng khoản vay ngoài nước hụt 3 tỷ đồng
so với dự toán và điều đáng quan tâm là số thiếu hụt ngân sách vượt mức Quốc
hội cho phép khá lớn và để bù đắp một phần số thiếu hụt đó, vẫn còn tiếp tục
sử dụng khoản vay tạm thời Quỹ bình ổn giá và tồn ngân kho bạc - đây là gánh
nặng cho những năm sau.
Ngoài những vấn đề trên, qua Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1995,
chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
- Nếu so với số ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 1995 theo báo cáo của
Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa IX thì Tổng quyết toán chỉ
chênh lệch 24 tỷ đồng về thu và 719 tỷ đồng về chi. Sự chênh lệch này tuy có
giảm so với các năm trước đây, nhưng đi vào từng khoản thu, từng lĩnh vực
chi thì số chênh lệch vẫn còn khá lớn, cần sớm khắc phục để việc đánh giá
thực hiện ngân sách nhà nước năm trước ngày càng trở thành căn cứ tương đối
vững chắc, sát thực hơn cho việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm sau.
- Tình trạng báo cáo quyết toán ngân sách của nhiều Bộ, ngành, địa phương
tiến hành chậm, không bảo đảm đúng tiến độ thời gian đã quy định, gây khó
khăn cho việc tổng hợp, lập Tổng quyết toán ngân sách nhà nước. Mặt khác,
quyết toán của các Bộ, ngành và các địa phương cũng như Tổng quyết toán ngân
sách chưa được phân tích, kiểm tra một cách chặt chẽ mà chủ yếu vẫn là bản
số liệu tổng hợp đơn thuần về các khoản ngân sách đã nộp vào Kho bạc nhà
nước, về các khoản chi ngân sách trên cơ sở cấp phát, xuất Quỹ ngân sách các
cấp. Từ tình hình đó, Ủy ban chúng tôi đề nghị:
- Cần tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách: các khoản thu đều phải
được tập trung đầy đủ vào ngân sách nhà nước; các khoản chi phải được kiểm
tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chi đúng chế độ, đúng mục đích sử dụng, kể
cả việc kiểm soát ngay từ khi xuất Quỹ ngân sách tại Kho bạc nhà nước.
- Các cấp, các Bộ, ngành và đơn vị cơ sở cần chấp hành nghiêm chỉnh chế độ
kế toán, chi phải có chứng từ, hóa đơn, sổ sách cụ thể, rõ ràng và phải được
kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Quyết toán ngân sách phải tiến hành đúng trình
tự, bảo đảm tiến độ thời gian theo quy định, phải có phân tích, đánh giá và
bảo đảm tính chính xác, trung thực về số liệu. Từng bước và nhanh chóng thực
hiện việc kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước trước khi trình cấp có
thẩm quyền phê chuẩn.
Kính
thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc
hội; kính trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà
nước năm 1995.
Lưu tại Trung tâm Lưu
trữ
quốc gia III, phông Quốc hội