THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI
VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA NHÀ NƯỚC TA TRONG NĂM 1996
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NĂM 1997
(Do ông Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 16-10-1996)
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Ngày 12-10-1996, Ủy ban đối ngoại đã họp phiên toàn thể để nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao, thay mặt Chính phủ trình bày bản báo cáo về hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong năm 1996 và phương hướng năm 1997. Ủy ban đối ngoại đã góp nhiều ý kiến vào bản báo cáo này. Bộ Ngoại giao đã tiếp thu và chỉnh lý kịp thời vào bản báo cáo mà đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao trình bày trước Quốc hội. Ủy ban đối ngoại nhất trí và đánh giá cao bản báo cáo về hoạt động đối ngoại của Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.
Phải nói rằng, công tác đối ngoại của Nhà nước ta trong năm 1996 vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Sau khi gia nhập những cơ chế hợp tác khu vực ASEAN và tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã tiến hành hàng loạt những hoạt động đối ngoại tiếp theo nhằm thực hiện một cách có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế. Hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta đã được thực hiện một cách đồng bộ, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại của Nhà nước ta năm 1996 và phương hướng năm 1997, đã thể hiện được những nội dung cơ bản trên. Tuy nhiên, thành tựu cụ thể của năm 1996 cần được nêu đậm nét hơn trong khi phân tích một cách tổng thể mặt công tác này trong những năm gần đây. Mặt khác, trong hoạt động đối ngoại chung có sự đóng góp tích cực của các tổ chức đoàn thể quần chúng - mặt trận đối ngoại nhân dân mà từ trước tới nay đã liên tục triển khai nhiều hoạt động khá hiệu quả nhằm thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Theo chúng tôi, mảng công tác này trong báo cáo của Chính phủ cũng phải đề cập tới một cách hoàn chỉnh hơn.
Ủy ban đối ngoại cũng thấy cần thiết phải báo cáo với Quốc hội về một số hoạt động đối ngoại chính của Quốc hội đã được tiến hành đồng bộ với hoạt động chung của Đảng, Nhà nước ta trong năm 1996, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào thành tựu đối ngoại chung:
- Về hoạt động song phương: Từ cuối năm 1995 đến nay, Quốc hội ta đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại với sự tham gia của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đã đi thăm hữu nghị chính thức một số nước ở châu Á hoàn thành việc thiết lập quan hệ toàn diện và trao đổi các đoàn cấp cao với các nước thành viên AIPO. Đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu, Quốc hội cấp cao các nước Ba Lan, Bungari, Thái Lan, Hàn Quốc và Ôxtrâylia do Chủ tịch Thượng nghị viện và Hạ nghị viện dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị chính thức nước ta năm 1996, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Quốc hội ta với Quốc hội các nước. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các vị lãnh đạo cấp cao Quốc hội các nước đã tạo ra cơ sở, đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa Quốc hội ta với Quốc hội các nước, góp phần thúc đẩy các quan hệ Chính phủ đi vào chiều sâu trong hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Đến nay, Quốc hội nước ta đã thiết lập quan hệ với Quốc hội 137 nước.
- Về hoạt động đa phương: Ngày nay, hoạt động đối ngoại của Quốc hội các nước có xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nền ngoại giao nghị viện thực sự có vị trí quan trọng trên trường quốc tế, bởi vì, ngoại giao nghị viện vừa mang tính chất Nhà nước, vừa mang tính chất nhân dân, đại diện cho lợi ích chung của các xu hướng chính trị khác nhau của các dân tộc. Thời gian qua, theo phương thức hoạt động ngoại giao nghị viện, Quốc hội ta đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tạo nên một sức mạnh tổng hợp trên mặt trận quan trọng này.
Quốc hội ta đã có nhiều cố gắng, tham gia có hiệu quả vào hoạt động của các tổ chức và cơ chế hợp tác nghị viện quốc tế và khu vực. Quốc hội ta hiện là thành viên chính thức của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị sĩ các nước có sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) và là quan sát viên của Tổ chức Liên minh Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPU).
Việc Quốc hội ta gia nhập AIPO là phù hợp với chủ trương đẩy mạnh hợp tác khu vực cũng như từng bước hội nhập với các quốc gia thuộc cộng đồng Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Cơ chế hợp tác liên Nghị viện khu vực AIPO thực sự đóng góp tích cực và có hiệu quả trong hợp tác nhiều mặt giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực, thúc đẩy Chính phủ các nước thực hiện tốt hơn các chương trình hợp tác song phương và đa phương. Việc Quốc hội ta gia nhập AIPO còn có ý nghĩa quan trọng nữa là thông qua cơ chế này, các nước thành viên ASEAN bắt tay xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với thực tế và tinh thần chung của khu vực, vừa bảo vệ lợi ích của mỗi dân tộc, vừa tạo điều kiện môi trường thuận lợi thúc đẩy Chính phủ và các nhà doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Một sự kiện đáng chú ý là tháng 2-1996, Quốc hội ta đã đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh nghị sĩ các nước sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) tại Hà Nội với sự tham gia của các đoàn đại biểu Quốc hội 14 nước từ khắp các châu lục, trong đó có nhiều Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế tại Việt Nam với tầm cỡ lớn về số lượng và về tầm quan trọng của cuộc họp cũng như thành phần dự họp. Hội nghị đã thành công và gây nhiều ấn tượng tốt đối với đại biểu Quốc hội các nước, giúp họ hiểu biết thêm về đất nước và con người Việt Nam. Qua đó, đóng góp kinh nghiệm cho Hội nghị cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp sẽ tổ chức tại Việt Nam trong năm 1997.
Quốc hội ta cũng cử Đoàn đại biểu tham gia các cơ chế hữu nghị, hợp tác khác trong khuôn khổ liên minh, hiệp hội các nghị sĩ như: Diễn đàn nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hiệp hội các nghị sĩ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD), Diễn đàn nghị sĩ các nước lưu vực sông Mê Kông, Tổ chức các nghị sĩ ngành Y quốc tế (IMPO), v.v..
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Những hoạt động cụ thể và thiết thực trên của Quốc hội ta đã góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời góp phần trực tiếp vào việc nâng cao vị trí, vai trò của Quốc hội Việt Nam trên mặt trận ngoại giao nghị viện thế giới.
Sau đây, Ủy ban đối ngoại xin đề cập một số vấn đề bức xúc trong công tác đối ngoại trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian tới, góp phần phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
1. Về vấn đề thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại:
Những thành tựu đối ngoại quan trọng đạt được trong những năm qua và những sự kiện nổi bật trên mặt trận ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 1996, là cơ sở tạo đà cho những hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian tới, góp phần thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự nghiệp đổi mới ngày càng được đẩy mạnh, quan hệ hợp tác kinh tế - đối ngoại với các nước càng mở rộng, nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật ngày càng nhiều, hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng từ Trung ương tới địa phương. Để tránh những sơ hở có thể gây ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng và thiệt hại tới nền kinh tế quốc dân, đòi hỏi phải có sự thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại.
Trong các kỳ họp trước, Ủy ban đối ngoại đã báo cáo với Quốc hội về vấn đề này. Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 8 khóa IX đã khẳng định việc “triển khai thực hiện quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại”. Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có chuyển biến đáng kể trong việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý trong việc thống nhất quản lý về đối ngoại trong tình hình mới, ngày 25-6-1996 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp. Điều 30 của Pháp lệnh quy định: “Trong quan hệ với nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số huy động theo sự phân công và chỉ đạo thống nhất của Chính phủ”.
Ủy ban đối ngoại kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ có biện pháp cụ thể thiết lập cơ chế thống nhất quản lý, xúc tiến kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại, sớm ban hành Quy chế về hoạt động đối ngoại và hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện thống nhất từ Trung ương tới địa phương vào đầu năm 1997.
Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng được sự quan tâm và giám sát chặt chẽ của các đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, việc thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại ở các ngành, các cấp sẽ từng bước đi vào nền nếp.
2. Về công tác thông tin đối ngoại:
Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, điều đó có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta với các nước, nhất là trong điều kiện hiện nay, nước ta đã có quan hệ với 163 nước trên thế giới. Vị thế của nước ta được nâng cao hơn bao giờ hết, điều đó đòi hỏi chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại, góp phần làm cho các nước hiểu rõ hơn đất nước, con người và luật pháp của Việt Nam để tăng cường hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực.
Nhìn lại những năm qua, công tác thông tin đối ngoại của ta có được chú ý hơn trước nhưng còn rất hạn chế, tản mạn và thiếu đồng bộ. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách tuyên truyền kích động, tiếp tục thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình.
Phần lớn người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài thiếu thông tin về đất nước, thiếu hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa IX đã nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại; quan tâm bảo hộ quyền lợi chính đáng và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài góp phần phát triển quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước và tham gia xây dựng Tổ quốc”.
3. Vừa qua, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về ASEAN. Đó là một phương thức mới nhằm phát huy sức mạnh đồng bộ của các Bộ, các ngành tham gia vào các hoạt động quốc tế. Vì vậy, Ủy ban đối ngoại đề nghị xây dựng cơ chế phối hợp và thông tin định kỳ giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, giữa Thường trực Ủy ban đối ngoại với Ủy ban Quốc gia về ASEAN, tạo cơ sở cho việc tham gia của Quốc hội và Chính phủ tại các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực (như ASEAN, AIPO, IPU và Liên hợp quốc...) được đồng bộ và hiệu quả hơn.
Kính thưa các quý vị đại biểu Quốc hội,
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về công tác đối ngoại, đặc biệt là thống nhất quản lý đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại và việc xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động đối ngoại, Ủy ban đối ngoại kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo, xây dựng cơ chế phối hợp và có kế hoạch, có kinh phí để triển khai thực hiện ngay. Kiên quyết khắc phục những tồn tại, tạo ra những chuyển biến tích cực về mặt này trong năm 1997.
Trên đây là một số vấn đề cấp thiết trong hoạt động đối ngoại, đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến để các ngành, các cấp thực hiện.
Xin cảm ơn sự chú ý của Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội