THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MIỀN NÚI VÀ DÂN TỘC
QUA VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1996
(Do ông Y Ngông Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 16-10-1996)
Ngày 12-10-1996, tại Hà Nội, Hội đồng dân tộc đã tổ chức cuộc họp toàn thể Hội đồng để thảo luận và đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng dân tộc năm 1996 và phương hướng năm 1997. Thay mặt Hội đồng dân tộc, tôi xin trình lên Quốc hội bản thuyết trình đã được toàn thể Hội đồng thảo luận và nhất trí thông qua như sau:
Hội đồng dân tộc nhất trí cao và tán thành bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1996, nhìn chung đạt được nhiều thành tựu mới; nền kinh tế tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực và giữ được tốc độ phát triển cao. Về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi, cũng đạt được kết quả khá, thể hiện trên các mặt như:
- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đi đôi với việc sắp xếp lại sản xuất và phát huy các thành phần kinh tế theo hướng khai thác tối đa các lợi thế của từng vùng, từng địa phương nên đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như: kinh tế các tỉnh miền núi đã phát triển đa dạng, đã bắt đầu phát triển một số ngành công nghiệp địa phương như: sản xuất xi măng, chế biến đường mía, sản xuất vật liệu xây dựng... Các ngành dịch vụ cũng được chú trọng phát triển; nên đã tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tỷ trọng dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp.
- Điều đáng mừng là nhiều tỉnh miền núi đã có nông sản hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng như: Đăk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Thái, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh... (năm 1996, các tỉnh Tây Nguyên đã xuất khẩu được 240 triệu USD).
- Về xây dựng cơ bản tập trung cho các tỉnh miền núi trong kế hoạch năm 1996 được Nhà nước quan tâm và đầu tư với mức vốn cao hơn năm 1995. Riêng vốn bố trí cho các chương trình có mục tiêu thì có chương trình bằng mức vốn năm 1995 như chương trình hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn 30 tỷ đồng, có chương trình tăng như Chương trình 327 là 480 tỷ đồng (tăng 53 tỷ đồng) và có chương trình giảm như Chương trình định canh định cư 120 tỷ đồng (giảm 103 tỷ đồng); Hội đồng dân tộc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề nghị Nhà nước bổ sung thêm vốn cho chương trình này và đã được Thủ tướng Chính phủ giải quyết thêm 20 tỷ đồng nữa để xử lý những cấp bách về công tác định canh định cư.
- Về y tế, giáo dục, phát thanh và truyền hình được củng cố và phát triển, công tác quốc phòng và an ninh được giữ vững và tăng cường...
Tuy vậy, ở các tỉnh miền núi, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến trước đây ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, vùng đồng bào Chăm và đồng bào Khơme Nam bộ còn nhiều khó khăn và trở ngại thể hiện trên các mặt sau đây:
- Kết cấu hạ tầng còn thấp kém và chưa tạo được tiền đề cho sản xuất và lưu thông phát triển.
- Sản xuất nông nghiệp còn thô sơ, giản đơn, tự cấp, tự túc nên hiệu quả còn thấp.
- Bảo vệ môi trường sinh thái chưa tốt, nạn phá rừng còn diễn ra nghiêm trọng. Dòng di cư tự do từ phía Bắc vào phía Nam vẫn tiếp tục tăng lên.
- Mục tiêu phát triển cây công nghiệp dài ngày rất lớn, nhưng do thiếu vốn, nên tốc độ phát triển chậm.
- Số hộ đói và hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn khá lớn, đặc biệt là số hộ nghèo ở khu vực III chiếm đến 70% so với số hộ trong khu vực.
- Phân bổ lực lượng sản xuất và đầu tư nước ngoài ở miền núi còn rất ít so với các vùng khác, nên khoảng cách về phát triển kinh tế miền núi so với miền xuôi rất khó thu hẹp lại. Sau năm 2000, rất có thể sẽ bộc lộ những vấn đề gay gắt mới về sự chênh lệch, đó là điều đáng quan tâm.
Dưới đây, Hội đồng dân tộc xin thuyết trình về bốn nội dung bức xúc hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đó là:
I- VỀ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
TRONG CẢ NƯỚC
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng. Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12-8-1991, trong đó có ghi rõ: “Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống nhân dân và sự sống còn của dân tộc...” và Quốc hội cũng đã thông qua Luật bảo vệ môi trường ngày 27-01-1994... Nhưng trên thực tế, rừng vẫn không giữ được và hàng năm rừng tiếp tục mất về diện tích và suy giảm về chất lượng rừng và trữ lượng gỗ như số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng trong báo cáo diễn biến về tài nguyên rừng như: năm 1976, có 11.169.300 ha rừng, đến năm 1995, còn 9.302.200 ha rừng, giảm 1.867.100 ha. Mặc dù chúng ta cố gắng để thực hiện mục tiêu là giữ cho được diện tích rừng hiện có với việc thực hiện Chương trình quốc gia 327 đã đạt được một số diện tích rừng trồng tăng lên từ 92.600 ha năm 1976 lên 1.049.700 ha năm 1995, với diện tích rừng trồng mới tăng lên đó (957.100 ha) chưa đủ bù đắp diện tích rừng mất đi, nên độ che phủ giảm từ 33,75% năm 1976 xuống còn 28,1% năm 1995.
- Hiện nay, ở vùng Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 5,5 triệu ha, hiện còn 3,2 triệu ha rừng với 57% độ che phủ là vùng duy nhất còn diện tích rừng tương đối khá. Tuy vậy, theo số liệu báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên thì hằng năm, diện tích rừng bị mất 25.000 ha/năm.
- Miền núi chiếm đại bộ phận diện tích tự nhiên, là căn cứ cách mạng của cả nước, là địa bàn chiến lược quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, là nơi sinh sống của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam; trong vùng này có nhiều loại tài nguyên quý giá.
Về quan điểm bảo vệ thiên nhiên môi trường thì rừng là tài nguyên quý giá nhất và không thể thiếu được; rừng là “mẹ” nuôi dưỡng nông nghiệp, rừng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì cân bằng môi trường sinh thái cho toàn bộ đất nước mà chủ yếu là hệ thảm thực vật rừng, nhất là hệ thống rừng đầu nguồn. Rừng bị tàn phá, thời tiết thay đổi, thiên tai bão lụt xảy ra nghiêm trọng nên vấn đề bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc là công tác quan trọng và cấp bách nhất hiện nay. Có rừng mới có nguồn nước, có rừng mới giữ được đất, có rừng mới chống được xói mòn, bạc màu và làm tăng độ màu mỡ cho đất. Vì thế cho nên, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, thì phải giữ được rừng là yếu tố cực kỳ quan trọng và cấp thiết nhất có tính tiền đề để các yếu tố khác phát triển. Vậy, bảo vệ và phát triển rừng là một tất yếu khách quan là quy luật của tự nhiên. Nhưng để bảo vệ được rừng phải gắn với xã hội, mà trong xã hội đó là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số; tức là việc đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng cũng có ý nghĩa là đầu tư phát triển các dân tộc và miền núi, không chỉ vì lợi ích của vùng mà còn vì lợi ích lâu dài cho cả nước.
Việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước vào các mục tiêu của sự phát triển nhanh các tỉnh miền núi tiến kịp miền xuôi và thu hẹp dần khoảng cách gần lại, nên trước hết, phải phục hồi màu xanh của rừng bằng các chương trình đầu tư theo quy mô lớn của Nhà nước, với một cơ chế chính sách phù hợp thực sự khuyến khích phát triển rừng. Phải chính bản thân đồng bào các dân tộc bằng sức mình làm nên rừng, phục hồi phát triển rừng.
Rừng không chỉ là của mỗi quốc gia mà đã có tính toàn cầu, Liên hợp quốc có tổ chức hội nghị tại Giơnevơ với sự tham gia của 53 nước để bàn biện pháp bảo vệ 3.300 triệu ha rừng trên thế giới hiện nay đang bị suy giảm nhanh do nạn phá rừng bừa bãi.
Thông thường ở các nước, nếu độ che phủ của rừng chỉ còn 35% thì đã báo động và Chính phủ nước đó phải có giải pháp khắc phục để nâng cao độ che phủ của rừng lên 50% hoặc cao hơn nữa tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Trước tình hình đó, Hội đồng dân tộc xin đề nghị với Quốc hội và Chính phủ xem xét để có thể thực hiện các giải pháp sau đây:
1. Chính phủ cần xem xét để sớm ra quyết định đóng cửa rừng ở những khu vực cần thiết đi đôi với việc đẩy mạnh phong trào bảo vệ rừng, phát triển rừng để đưa độ che phủ đạt trên 40% vào năm 2000 như Nghị quyết Đại hội VIII đã đề ra:
- Không được xuất khẩu sản phẩm từ gỗ thuộc rừng tự nhiên, chỉ được xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của rừng trồng.
- Các ngành chức năng bằng nhiều biện pháp sáng tạo để có thể giải quyết các nhu cầu thiết yếu của xã hội khi Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng như:
+ Về chất đốt: Khuyến khích nhân dân trồng cây phân tán để phục vụ nhu cầu thiết yếu của dân cư; khuyến khích sử dụng bếp cải tiến, nơi có điều kiện thì đun than đá, hạn chế đun củi...
+ Bàn ghế học sinh và tủ, bàn khuyến khích dùng bằng vật liệu thay thế.
+ Mở một cuộc vận động trong toàn dân nghiêm chỉnh thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng và có biện pháp hữu hiệu phòng, chống cháy rừng. Đồng thời, thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng của Nhà nước.
2. Lồng ghép tất cả các chương trình: 327, định canh định cư, hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, xóa đói giảm nghèo, chuyển hướng cây trồng và các chương trình xã hội khác ở khu vực III, thống nhất lại thành một chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và phát triển rừng nhằm mục tiêu đưa hộ nghèo ở khu vực III từ 70% xuống còn 40% và thực hiện xong về cơ bản công tác định canh định cư theo như Nghị quyết Đại hội VIII. Có như vậy mới bảo vệ và phát triển được rừng và có thể thực hiện được lệnh đóng cửa rừng của Nhà nước.
II- VỀ TÌNH HÌNH DIỄN BIẾN, TRANH CHẤP,
MUA BÁN ĐẤT ĐAI TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO
DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Qua tình hình chung và việc khảo sát của Hội đồng dân tộc tại hai tỉnh Sóc Trăng và Đắk Lắk, nhận thấy tình hình diễn biến tranh chấp, mua bán đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nổi lên những vấn đề cần được xem xét như sau:
1. Về tình hình diễn biến và tranh chấp đất đai:
Trong những năm qua, nhất là trong ba năm gần đây, tình hình diễn biến và tranh chấp đất đai xảy ra khá phổ biến, sôi động và rất phức tạp ở nhiều nơi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có vụ tranh chấp dẫn đến chết người như ở huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk, có nhiều vụ tranh chấp gây trọng thương phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện và có những vụ tranh chấp trong nhiều năm mà đến nay vẫn chưa giải quyết như vụ tranh chấp đất ở xã Êphê huyện Krông Pắc tỉnh Đắk Lắk, có vụ đã có quan hệ đến đoàn kết dân tộc.
Các hình thức tranh chấp đất đai phổ biến là:
- Tranh chấp đất đai nhiều nhất là ở những vùng giáp ranh giữa xã này với xã khác, huyện này với huyện khác trong nội bộ nhân dân với nhau.
- Tranh chấp đất đai giữa các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm trường với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hoặc với đồng bào di cư tự do.
- Tranh chấp đất đai giữa đồng bào di cư tự do vào trước khoanh chiếm một khu đất hoặc một khu rừng với đồng bào di cư tự do vào sau.
- Tranh chấp đất đai giữa đồng bào di cư tự do với đồng bào dân tộc tại chỗ.
- Tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ, đòi bồi thường hoa lợi mà trước đây thực hiện chính sách về đất đai của Nhà nước như hợp tác hóa, khoán hộ hoặc tranh chấp đất cho thuê, cầm cố, tranh chấp trong nội bộ thân tộc và đất thừa kế, đất hương hỏa.... Đơn từ tranh chấp đất đai tới tấp gửi lên tỉnh và huyện (nhiều nhất là cấp huyện như ở tỉnh Sóc Trăng từ tháng 8-1994 đến tháng 5-1996, tỉnh đã nhận được 1.608 đơn, giải quyết 1.365 đơn còn 243 đơn đang tiếp tục giải quyết. Huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nhận 9.406 đơn, đã giải quyết 9.281 đơn còn 125 đơn tiếp tục giải quyết).
2. Về tình hình mua bán, chuyển nhượng, cầm cố ruộng đất:
- Trong những năm gần đây, dưới tác động của cơ chế thị trường làm cho sự phân hóa giàu, nghèo diễn ra khá nhanh, đưa đến việc chuyển dịch đất đai bằng nhiều hình thức: sang, nhượng, cầm cố, cho thuê đất xảy ra khá nhiều trong đồng bào Khơme Nam bộ, nhất là đối với những hộ nghèo, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên dẫn đến nhiều hộ bán dần hết ruộng đất, trở thành trắng tay. Việc sang nhượng, cầm cố ruộng đất chỉ viết giấy tay, không qua chính quyền địa phương: tình hình đó đã dẫn đến có một số bộ phận trắng tay, không có đất để sản xuất. Trong khi đó, một bộ phận dân cư (trong đó có cả cán bộ) đang tích tụ đất đai dưới nhiều hình thức, nhiều hộ đến 30 ha đất là hiện tượng không bình thường đang diễn ra trong vùng đồng bào Khơme Nam bộ.
- Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, trong những năm gần đây, giá đất đột biến tăng cao và hơn nữa có nhiều người đổ xô lên miền núi, Tây Nguyên mua đất sản xuất - kinh doanh trồng cà phê, cao su nên đồng bào dân tộc thiểu số thấy lợi trước mắt mà bán đất để mua xe máy, mua đồ dùng gia đình và phục vụ nhu cầu đột xuất như thuốc chữa bệnh... sau một thời gian, xe máy hỏng, mất xe, đất không còn nữa, nên dẫn đến một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phải chuyển vào rừng sâu làm rẫy, trở lại cuộc sống du canh, du cư (như một số hộ ở thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc chuyển vào khu rừng xã Krông Nô huyện Lăk sinh sống).
- Đối với đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đã thiếu đất sản xuất mà rừng không còn nữa, do mất rừng nên hàng năm đất bị rửa trôi bạc màu, năng suất cây trồng thấp..., do đó, hàng vạn người đã di cư tự do vào phía Nam và việc tranh chấp đất ở nơi cũ đã phức tạp thì nay việc tranh chấp đất ở nơi mới đến càng phức tạp hơn.
Trước tình hình đó, Hội đồng dân tộc đề nghị với Chính phủ:
1. Cần triển khai học tập sâu rộng trong toàn dân về Luật đất đai và các văn bản dưới luật để bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong cả nước.
2. Nhà nước bố trí đủ kinh phí đo đạc để khẩn trương cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng đất đến hộ, làm cơ sở cho việc sử dụng đất trong nhân dân và góp phần hạn chế việc tranh chấp đất hiện nay.
3. Đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương quan tâm xem xét và giải quyết đất sản xuất đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số do nhiều nguyên nhân đã bị thiếu đất hoặc không còn đất sản xuất.
III- VỀ TÌNH HÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, SỬ DỤNG
VÀ QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ
Công tác cán bộ là lĩnh vực quan trọng và rất rộng lớn, Hội đồng dân tộc chỉ xin đề cập một số mặt về tình hình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số như sau:
1. Thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay:
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và chăm lo đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, nên được phát triển không ngừng. Trong số 1.236.737 công chức hành chính sự nghiệp nhà nước thì có 60.442 là cán bộ dân tộc thiểu số, chiếm gần 5% công chức hành chính sự nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu trong thời kỳ mới thì đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay còn thiếu nhiều về số lượng và chất lượng còn hạn chế. Trong quy hoạch và kế hoạch đào tạo còn chưa chú ý đầy đủ bao quát đến các dân tộc, nhất là những dân tộc có số dân ít.
Qua nghiên cứu bước đầu về đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay có thể chia ra các loại hình cán bộ như sau:
a) Loại hình thứ nhất: Đội ngũ cán bộ còn ít về số lượng và yếu về chất lượng.
Đặc trưng cho loại hình này là cán bộ thuộc các dân tộc thiểu số cư trú ở vùng cao, với dân số ít và kinh tế chậm phát triển, gồm hai cấp độ:
- Cấp độ thấp: bao gồm các dân tộc Brâu, Rơmăm ở Tây Nguyên, dân tộc Chứt ở miền Tây Quảng Bình. Ơ Đu ở miền Tây Nghệ An và các dân tộc Si La, Kháng, Xinh Mun, v.v., ở vùng Tây Bắc. Cấp độ này phần lớn mới có cán bộ cấp thôn, xã có ít hoặc chưa có cán bộ ở cấp huyện.
- Cấp độ khá: Bao gồm 23 dân tộc có cán bộ ở cấp huyện và tỉnh nhưng còn ít, chưa hình thành đội ngũ cán bộ tiêu biểu cho dân tộc mình như các dân tộc: Bố Y, La Hủ, Lô Lô...
b) Loại hình thứ hai: Đội ngũ cán bộ đã hình thành nhưng còn ít về số lượng, gồm hai cấp độ:
- Cấp độ thấp: tiêu biểu cho cấp độ này là cán bộ thuộc các dân tộc như: Mông, Dao ở phía Bắc, Gia Rai, Ba Na ở Tây Nguyên và Khơme Nam bộ.
- Cấp độ khá: Tiêu biểu cho cấp độ này là cán bộ thuộc các dân tộc Thái ở phía Bắc, Êđê ở Tây Nguyên, Chăm ở miền Trung và dân tộc Thổ ở Nghệ An.
c) Loại hình thứ ba: Là các dân tộc có đội ngũ cán bộ khá đông về số lượng, đạt chất lượng chung, đang tham gia công tác ở các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương, bao gồm hai cấp độ:
- Cấp độ thấp: Tiêu biểu cho đội ngũ cán bộ ở cấp độ này là cán bộ thuộc dân tộc Mường và dân tộc Nùng với đặc trưng là đã hình thành một bộ phận trí thức có đủ năng lực đảm nhiệm các vị trí then chốt ở địa phương và một số ngành.
- Cấp độ cao: Đội ngũ cán bộ và trí thức thuộc cấp độ này được hình thành đông về số lượng và có chất lượng, ngang với trình độ chung và trên các lĩnh vực, đại diện cho cấp độ này là cán bộ thuộc dân tộc Tày.
2. Đổi mới công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số:
Từ thực tế đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số như trên, đặt ra cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phải được đổi mới để xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và từng địa phương, nên cần phải có phương hướng chiến lược và cần được xem xét bổ sung hoặc xây dựng lại quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số của ngành và địa phương, phải soát xét lại cán bộ của từng dân tộc để khắc phục và rút ngắn khoảng cách về cán bộ giữa các dân tộc theo quan điểm nguyên tắc của Đảng trong công tác cán bộ và những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ.
a) Về đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số:
Đào tạo cán bộ theo quy hoạch và kế hoạch trước hết trong tuyển sinh phải xuất phát từ yêu cầu cán bộ của địa phương và quan tâm đến từng dân tộc để thực hiện theo hướng dân tộc nào cũng có cán bộ về số lượng và chất lượng tương ứng với tỷ lệ dân số của dân tộc đó. Với hệ thống trường dân tộc nội trú hiện nay, tin tưởng rằng trong khoảng 10 đến 15 năm nữa có thể thu hẹp dần khoảng cách về cán bộ giữa các dân tộc.
b) Về bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số:
Bồi dưỡng và sử dụng là hai mặt của một vấn đề thống nhất, sau khi đào tạo phải được đưa về đúng địa chỉ để sử dụng, số học sinh dân tộc được đào tạo ra trường phải được sử dụng hết, không để có tình trạng ở một số nơi thiếu cán bộ làm việc nhưng học sinh tốt nghiệp ra trường thì một số chưa có việc làm. Sau một thời gian sử dụng, được tiếp tục bồi dưỡng cử đi học các lớp ngắn hạn, dài hạn. Học ở trường, học ở thực tế và học trong quá trình công tác.
Điều cơ bản là dựa trên tiêu chuẩn để bố trí cán bộ đúng vị trí, đúng ngành, đúng nghề để cán bộ phát huy hết khả năng.
c) Về chính sách đãi ngộ cán bộ:
Trong chính sách đãi ngộ cán bộ có nhiều nội dung: từ việc bố trí đề bạt, bổ nhiệm, cử đi học, nâng lương, chính sách thu hút và thuyên chuyển vùng..., phải được thực hiện công bằng, công khai, dân chủ, hợp tình hợp lý, khách quan và vô tư. Vậy, Nhà nước khẩn trương, nghiên cứu và hoàn thiện để ban hành chính sách đãi ngộ cán bộ mới nhằm phát huy mọi tiềm năng và chất xám để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
d) Chính phủ cần ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết có liên quan đến đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số:
- Nhà nước cần tiếp tục đầu tư để xây dựng và hoàn thiện hệ trường dân tộc nội trú (cả về cơ sở vật chất và chính sách đối với thầy cô giáo và học sinh) để tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
- Bằng mọi cách tăng cường đào tạo nhanh đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở đủ về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi trong giai đoạn 1996 - 2000 và chuẩn bị giai đoạn tiếp theo.
Trong khi ở miền núi còn thiếu nhiều cán bộ, mà điều động cán bộ lên miền núi gặp nhiều khó khăn, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm nhưng không chịu lên miền núi, trong đó có cả sinh viên là người dân tộc thiểu số cũng ít muốn về miền núi công tác. Vậy, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách thu hút đủ mạnh và phù hợp với nền kinh tế của đất nước.
IV- XÂY DỰNG LUẬT DÂN TỘC
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng pháp luật, Hội đồng dân tộc được phân công xây dựng Luật dân tộc. Trải qua ba năm nghiên cứu soạn thảo Luật dân tộc, Hội đồng dân tộc nhận thấy:
1. Sự cần thiết phải xây dựng Luật dân tộc:
Nước Việt Nam là một quốc gia gồm nhiều dân tộc, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, đoàn kết bình đẳng, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Truyền thống đó ngày càng được phát huy mạnh mẽ trở thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ lúc ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương, chính sách dân tộc đúng đắn, do đó, đã động viên được lực lượng cách mạng to lớn của các dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ và hy sinh để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước và ngày nay theo chủ trương đường lối đổi mới của Đảng, các dân tộc cùng sát cánh xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc, xã hội công bằng và văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, quyền làm chủ của các dân tộc được tôn trọng và phát huy. Cán bộ người dân tộc thiểu số đã được hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ từ sơ cấp đến đại học và trên đại học. Với những thắng lợi về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, khoảng cách giữa các dân tộc, có mặt, có lĩnh vực đã được thu hẹp dần, quyền bình đẳng giữa các dân tộc không ngừng phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường...
Tuy nhiên, sự phát triển giữa các dân tộc không đồng đều, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cũ còn nhiều khó khăn, đi vào cơ chế thị trường thì có mặt còn khó khăn thêm...
Vấn đề dân tộc luôn luôn là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng nước ta, để hoàn thiện chính sách dân tộc của Đảng, cần thiết phải thể chế hóa thành luật pháp của Nhà nước. Hơn nữa, trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền thì vấn đề dân tộc cũng cần được thể chế thành luật pháp của Nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và chính trị ổn định thì cần thiết phải có Luật dân tộc.
2. Quá trình thảo luận:
Hội đồng dân tộc của Quốc hội cùng Ủy ban dân tộc và miền núi của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan liên quan, đã tiến hành nghiên cứu nghiêm túc về hệ thống quan điểm chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đánh giá về thực trạng vấn đề dân tộc của nước ta hiện nay cũng như những vấn đề dân tộc nổi cộm lớn trên thế giới. Đã tiến hành soạn thảo hết sức thận trọng, bằng hình thức như hội thảo lấy ý kiến của các ngành, các cấp, các vùng dân tộc các cơ quan của Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo chặt chẽ. Kết quả đến nay đã soạn thảo xong bản dự thảo Luật dân tộc lần thứ 11. Bản dự thảo đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban pháp luật là cơ quan thẩm tra nhận xét việc soạn thảo được tiến hành công phu đã đạt được yêu cầu có thể thông qua được. Đồng bào các dân tộc ở các địa phương trong cả nước đã biết và rất phấn khởi về Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có xây dựng Luật dân tộc. Qua các thành viên Hội đồng dân tộc và các đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri thì nguyện vọng đồng bào dân tộc rất mong chờ Luật dân tộc được Quốc hội sớm thông qua.
3. Kiến nghị:
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong cả nước, trong phiên họp toàn thể Hội đồng dân tộc ngày 12 tháng 10 năm 1996 đã nhất trí cao:
Đề nghị Quốc hội cho thông qua Luật dân tộc trong nhiệm kỳ khóa IX của Quốc hội.
Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội, trên đây là một số vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội đồng dân tộc xin trình lên Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội