VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 3 1995-1996

 

TỜ TRÌNH
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH
XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

(Do ông Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban thường vụ
Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đọc tại
kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 29-10-1996)

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội về dự kiến điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG
PHÁP LUẬT TỪ KỲ HỌP THỨ 8 ĐẾN NAY

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật đến hết nhiệm kỳ, ngay sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua chương trình công tác, quyết định phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, xác định tiến độ xây dựng từng văn bản và đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để chỉ đạo và đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị văn bản, dành phần lớn thời gian tại các phiên họp để xem xét, thông qua các pháp lệnh và chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để làm tốt hơn chức năng thẩm tra các dự án được phân công. Với trách nhiệm là cơ quan giúp việc Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã thường xuyên phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan hữu quan nhằm thống nhất kế hoạch, triển khai và theo dõi chặt chẽ quá trình xây dựng các dự án. Các cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong chuẩn bị các dự án. Ở mức độ khác nhau, hầu hết các dự án có trong chương trình đều đã có văn bản dự thảo. Việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã có bước cải tiến đáng kể. Hầu hết các dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua đều được gửi trước để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến tại địa phương. Trình tự thông qua luật tại kỳ họp Quốc hội, thông qua pháp lệnh tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được đổi mới theo hướng tập trung vào những nội dung trọng tâm, những vấn đề phức tạp, ý kiến còn khác nhau.

Với những cố gắng đó, nếu tính cả hai Dự án Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này thì Quốc hội thông qua được 5 Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua được 9 Pháp lệnh. Các văn bản mới ban hành điều chỉnh một số lĩnh vực quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, từ tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế, ngân sách, hành chính, hình sự, dân sự, lao động, an ninh, quốc phòng đến các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, chính sách xã hội... Đặc biệt, chúng ta đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét và ban hành được một số văn bản tồn đọng trong chương trình nhiều năm trước như Luật ngân sách nhà nước, Luật hợp tác xã, các văn bản triển khai thi hành các Luật đất đai, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự... Có thể nói, trong năm qua, việc triển khai chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã được tiến hành một cách nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm và hướng vào mục tiêu mà Quốc hội đã xác định là tập trung ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản cần thiết, làm cho hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp năm 1992, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, cải cách tư pháp, cải cách một bước nền hành chính nhà nước.

Thực tiễn triển khai công tác xây dựng pháp luật năm qua cũng bộc lộ những thiếu sót, tồn tại làm cho số lượng các văn bản luật, pháp lệnh được thông qua đạt tỷ lệ còn thấp; nhiều văn bản dưới luật chưa được ban hành kịp thời; công tác tuyên truyền pháp luật còn yếu.

PHẦN THỨ HAI

DỰ KIẾN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG
CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội dự kiến điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật đến hết nhiệm kỳ như sau:

1. Các dự án còn lại của chương trình

Chương trình xây dựng pháp luật đến hết nhiệm kỳ khóa IX được Quốc hội thông qua gồm: 15 Dự án luật thuộc chương trình chính thức, 17 Dự án luật thuộc chương trình dự bị và 27 Dự án pháp lệnh. Đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật ngân sách nhà nước, Luật khoáng sản, Luật hợp tác xã. Nếu tính cả hai dự án dự kiến thông qua tại kỳ họp này là Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) và Luật thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì số lượng thông qua là 5 luật. Cho đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua được 9 pháp lệnh. Như vậy, còn lại 10 dự án luật và 18 dự án pháp lệnh trong chương trình chính thức chưa được thông qua. Trong số này, các Dự án Luật thương mại, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập công ty, Luật thuế thu nhập cá nhân đang trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này; Dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội; Dự án Luật dân tộc đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hiện đang tiếp tục hoàn thiện; ở mức độ khác nhau, các Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật giáo dục đều được các cơ quan soạn thảo quan tâm chuẩn bị và đã có dự thảo văn bản.

Trong số dự án pháp lệnh, các Dự án Pháp lệnh về công chức, Pháp lệnh về phí và lệ phí, Pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh tình báo, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, Pháp lệnh về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đã được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đang tiếp tục hoàn thiện. Trong số này, dự kiến sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian trước mắt các Dự án Pháp lệnh tình báo, Pháp lệnh công chức và Pháp lệnh về phí và lệ phí.

Trong các Dự án luật thuộc chương trình dự bị, Dự án Luật hải quan đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến (5/1995); theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, các Dự án Luật ngân hàng, Luật xây dựng, Luật bưu chính viễn thông, Luật khen thưởng đều đã được soạn thảo nhiều lần.

Như vậy, hầu hết các dự án quan trọng có trong chương trình chính thức và chương trình dự bị đều được các cơ quan trình quan tâm chuẩn bị. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian có hạn và nhiều nguyên nhân khác, các dự án này vẫn chưa được chính thức trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Những đề nghị sửa đổi, bổ sung

Tại Công văn số 4708/PC ngày 20 tháng 8 năm 1996, Chính phủ đề nghị giữ số lượng các dự án của chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua; thay thế Dự án Luật ngân hàng bằng hai Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật tổ chức ngân hàng tín dụng để bổ sung vào chương trình thông qua năm 1997; bổ sung 4 dự án pháp lệnh vào chương trình chính thức: Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân (sửa đổi), Pháp lệnh thanh tra (sửa đổi) và Pháp lệnh Cảnh sát biển; bổ sung vào chương trình dự bị 4 dự án luật: Luật đất đai (sửa đổi), Bộ luật hàng hải (sửa đổi), Luật bảo vệ di sản văn hóa dân tộc và Luật điện Việt Nam, ba dự án pháp lệnh: Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số và Pháp lệnh thư viện.

Ngoài ra, trong các báo cáo trình tại kỳ họp này và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại phiên họp trù bị cũng có đề nghị Quốc hội xem xét, sớm thông qua Luật dân tộc, Luật công ty (sửa đổi), Luật doanh nghiệp tư nhân (sửa đổi), Luật chống tham nhũng hoặc xây dựng các quy định về chống tham nhũng bổ sung vào Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật bảo hiểm, Luật quản lý đô thị, Luật chứng khoán và thị trường chứng khoán, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Pháp lệnh thuế tài nguyên (đã được Quốc hội bổ sung tại kỳ họp thứ 9; Pháp lệnh về thẩm quyền, trình tự và thủ tục ban hành văn bản của các cấp chính quyền địa phương).

Như vậy, ngoài 10 dự án luật, 18 dự án pháp lệnh thuộc chương trình chính thức, 17 dự án luật thuộc chương trình dự bị, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có quyền trình dự án đã đề nghị thêm 9 dự án luật, 8 dự án pháp lệnh mới. Đối chiếu với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy đây đều là những văn bản có nhu cầu sớm ban hành nhằm thể chế hóa kịp thời những quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, trong điều kiện hoạt động của Quốc hội nước ta và thực tế thời gian kỳ họp còn lại của nhiệm kỳ này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cân nhắc quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình theo hướng xác định những dự án mà Quốc hội khóa IX có khả năng xây dựng và cần thiết ban hành, dự kiến những vấn đề bức xúc cần sớm được xây dựng thành văn bản pháp luật để kiến nghị  với Quốc hội khóa tới.

Với tinh thần đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội như sau:

CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX

A- CÁC DỰ ÁN DỰ KIẾN THÔNG QUA
TỪ NAY ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ

I. Các dự án Luật trình thông qua tại kỳ họp thứ 11:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội;

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội;

3. Luật thuế thu nhập công ty;

4. Luật thuế thu nhập dân cư;

5. Luật thuế trị giá gia tăng (VAT);

6. Luật thương mại;

7. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

 8. Luật tổ chức ngân hàng tín dụng;

 9. Luật dân tộc.

II- Các dự án pháp lệnh:

a) Các dự án còn lại của chương trình:

1. Pháp lệnh công chức;

2. Pháp lệnh về phí và lệ phí;

3. Pháp lệnh về tổ chức luật sư (sửa đổi);

4. Pháp lệnh về tôn giáo;

5. Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

6. Pháp lệnh về nhà vắng chủ;

7. Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lữu trữ quốc gia (sửa đổi);

8. Pháp lệnh về du lịch;

9. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế;

10. Pháp lệnh trọng tài thương mại;

11. Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi);

12. Pháp lệnh về tổ chức giám sát của nhân dân;

13. Pháp lệnh về người tàn tật;

14. Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi);

15. Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của tổ chức hoà giải cơ sở;

16. Pháp lệnh tình báo;

17. Pháp lệnh về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam;

18. Pháp lệnh thuế tài nguyên.

b) Các dự án mới bổ sung:

1. Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích;

2. Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân (sửa đổi);

3. Pháp lệnh thanh tra (sửa đổi);

4. Pháp lệnh Cảnh sát biển;

B- CÁC DỰ ÁN TIẾP TỤC CHUẨN BỊ ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI KHÓA X XEM XÉT

I- Các dự án Luật:

a) Các dự án còn lại của chương trình:

1. Luật giáo dục;

2. Bộ luật hình sự (sửa đổi);

3. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi);

4. Luật hôn nhân gia đình (sửa đổi);

5. Bộ luật tố tụng dân sự;

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;

7. Luật biên giới quốc gia;

8. Các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước;

9. Luật xây dựng;

10. Luật tài nguyên nước;

11. Luật hải quan;

12. Luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

13. Luật thanh niên;

14. Luật bưu chính viễn thông;

15. Luật khen thưởng;

16. Luật thi hành án;

17. Luật lập hội;

18. Luật khoa học công nghệ;

19. Luật công ty (sửa đổi);

20. Luật doanh nghiệp tư nhân (sửa đổi);

21. Luật quốc tịch (sửa đổi);

22. Luật phòng, chống ma tuý;

23. Luật phòng cháy, chữa cháy.

b) Các dự án mới bổ sung:

1. Luật chống tham nhũng;

2. Luật đất đai (sửa đổi);

3. Bộ luật hàng hải (sửa đổi);

4. Luật bảo vệ di sản văn hóa dân tộc;

5. Luật điện Việt Nam;

6. Luật bảo hiểm;

7. Luật quản lý đô thị;

8. Luật chứng khoán và thị trường chứng khoán;

9. Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội.

II- Các dự án pháp lệnh:

1. Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

2. Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình của các dân tộc thiểu số;

3. Pháp lệnh thư viện;

4. Pháp lệnh về thẩm quyền, trình tự và thủ tục ban hành văn bản của các cấp chính quyền địa phương.

Xin trình bày về một số dự án được đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội: các dự án Luật này đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ, nhưng chưa xác định thời gian xem xét cụ thể. Nay trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị sớm thông qua hai dự án Luật này. Đối với Luật tổ chức Quốc hội, các vấn đề cần xem xét để sửa đổi, bổ sung là thành phần, cơ cấu tổ chức của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bổ sung một số Ủy ban của Quốc hội; xác định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, các vấn đề cần xem xét để sửa đổi, bổ sung là số lượng đại biểu Quốc hội, thành phần và cơ cấu đại biểu Quốc hội theo địa bàn và phân bố dân cư; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc hiệp thương giới thiệu đại biểu Quốc hội... Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy những đề nghị này là xác đáng, đề nghị Quốc hội cho phép chuẩn bị hai dự án Luật này trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 nhằm phục vụ kịp thời cho việc tổ chức bầu cử và xác định cơ cấu, thành phần Quốc hội khóa tới.

- Về dự án Luật ngân hàng: dự án Luật này hiện có trong chương trình dự bị đã được Quốc hội quyết định. Qua xem xét việc chuẩn bị, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ và đề nghị Quốc hội cho chuẩn bị hai dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật tổ chức ngân hàng tín dụng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành luật hai pháp lệnh là Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh các ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Đồng thời, cùng với việc Quốc hội đã thông qua Luật ngân sách nhà nước và các đạo luật về các loại hình doanh nghiệp, đề nghị cho hoàn thiện sớm hai dự án Luật này trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 nhằm bảo đảm tính đồng bộ của cơ chế tài chính - tiền tệ quốc gia, phục vụ đắc lực cho việc triển khai chính sách kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước.

- Về việc xây dựng văn bản về chống tham nhũng: Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn toàn nhất trí với nhiều ý kiến đề nghị là cần sớm có các quy định pháp lý rõ ràng, nghiêm khắc và có hiệu lực cao để xử lý các tội về tham nhũng. Về hình thức văn bản, đề nghị Quốc hội thảo luận, quyết định theo hai hướng sau đây:

Một là, xây dựng Luật hoặc Pháp lệnh chống tham nhũng, trong đó quy định về tổ chức các cơ quan chống tham nhũng, các tội tham nhũng và các thủ tục riêng về việc điều tra, truy tố, xét xử về các tội tham nhũng. Quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thi hành Luật, tuy nhiên đây là vấn đề lớn cần phải tốn nhiều công sức, thời gian mới chuẩn bị được, mặt khác, quy định như vậy có thể gây nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành vì nhiều hành vi tham nhũng được quy định trong các Luật, Pháp lệnh đã ban hành, nhất là trong Bộ luật hình sự.

Hai là, bổ sung các quy định về các tội tham nhũng vào Bộ luật hình sự đang được sửa đổi; còn thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các tội tham nhũng thì vẫn giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, Quốc hội lập ra một tổ chức để tăng cường giám sát công tác này như đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội cho xem xét, thông qua hai dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 11 để phục vụ kịp thời cho việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy những đề nghị này là xác đáng. Tuy nhiên, do chương trình kỳ họp thứ 11 đã quá nặng, nên chưa đưa hai dự án này vào chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ 11. Đề nghị Quốc hội xem xét, nếu đưa hai luật này vào thì cho kéo dài thêm kỳ họp thứ 11 sắp tới.

- Về các dự án pháp lệnh: ngoài các dự án còn lại của chương trình, Chính phủ có đề nghị bổ sung các dự án: Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích, Pháp lệnh thanh tra (sửa đổi), Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân (sửa đổi) và Pháp lệnh Cảnh sát biển. Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy đây là các dự án cần thiết nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về nghĩa vụ của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho việc tổ chức và hoạt động của Tòa án hành chính ở nước ta. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ghi vào chương trình chính thức dự án Pháp lệnh thuế tài nguyên đã được Quốc hội cho phép chuẩn bị để bảo đảm triển khai thi hành Luật khoáng sản. Ngoài ra, sau khi xem xét Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị rút Dự án này ra khỏi chương trình để xử lý toàn bộ các vấn đề về khen thưởng trong Dự án Luật vấn đề về khen thưởng trong Dự án Luật khen thưởng. Như vậy, số lượng dự án còn lại phải thông qua là tương đối lớn (22 dự án), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có kế hoạch dành thời gian để xem xét, hoàn thành chương trình này nếu được Quốc hội quyết định.

- Về các đề nghị bổ sung một số dự án luật, pháp lệnh khác, đối chiếu với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy đây đều là những văn bản có nhu cầu sớm ban hành nhằm thể chế hóa kịp thời những quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện tại, vì vậy xin cho bổ sung vào chương trình để có kế hoạch xây dựng và ban hành. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết các luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua trong khoảng thời gian từ kỳ họp thứ 1 đến kỳ họp thứ 3 của nhiệm kỳ này đều có quá trình chuẩn bị từ lúc Quốc hội khóa VIII còn đương nhiệm. Dự án Bộ luật dân sự, do phạm vi và tính chất phức tạp của các nội dung cần xử lý nên nhiều khóa đại biểu Quốc hội đã cùng góp sức xây dựng các quy phạm của đạo luật quan trọng này. Vì vậy, để bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị: trên cơ sở quyết định nội dung xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng xác định các dự án còn lại thuộc chương trình chính thức, chương trình dự bị, chương trình bổ sung được tiếp tục chuẩn bị để kiến nghị với Quốc hội khóa X xem xét, ban hành.

Để triển khai có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Các cơ quan hữu quan cần tập trung làm tốt công tác soạn thảo và thẩm tra các dự án. Cần làm tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống.

Trên đây là các nội dung về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội