BÁO CÁO Ý KIẾN
CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ CÁC DỰ THẢO LUẬT THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG, LUẬT THUẾ
THU NHẬP CÔNG TY, LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
(Do ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 04-11-1996)
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong
chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Ủy
ban kinh tế và ngân sách được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật thuế
trị giá gia tăng, Luật thuế thu nhập công ty và Luật thuế thu nhập cá nhân.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 7 và 8 tháng 6 năm 1996, Thường trực Ủy
ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã họp mở rộng để nghe đại diện Bộ Tài
chính thay mặt Ban soạn thảo trình bày về dự thảo các Luật thuế trên và đã
có ý kiến đóng góp bước đầu. Trong hai ngày 19 và 20 tháng 7 năm 1996 tại Hà
Nội, Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách đã tổ chức họp toàn thể Ủy ban,
có đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Văn phòng Quốc hội
và một số cơ quan có liên quan dự để nghe Bộ Tài chính trình bày lần thứ hai
về các dự án luật thuế nói trên và đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội một
số ý kiến về dự thảo các luật thuế này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy
ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, Ban soạn
thảo đã tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án các luật thuế để trình xin ý
kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Căn cứ vào Tờ trình Quốc hội của Chính phủ số 4231/PC, ngày 29 tháng 8 năm
1996 về cải cách bước 2 hệ thống chính sách thuế và dự thảo các Luật thuế
kèm theo, trong phiên họp toàn thể Ủy ban từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 9 vừa
qua tại Vũng Tàu, có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của
Quốc hội dự, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã thảo luận và đóng
góp ý kiến vào dự thảo các Luật thuế mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp
thứ 10.
Qua trình bày và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, chúng tôi xin báo cáo
Quốc hội một số ý kiến sau đây:
I-
VỀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG, LUẬT
THUẾ THU NHẬP CÔNG TY, LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Qua hơn 5 năm thực hiện các Luật thuế hiện hành đã được Quốc hội khóa VIII
thông qua và được Quốc hội khóa IX sửa đổi, bổ sung vào các năm 1993, 1995
đã có những ưu điểm và đạt kết quả nhất định. Thu ngân sách nhà nước hằng
năm tăng đáng kể, bảo đảm được các yêu cầu chi thường xuyên ở mức cần thiết
và đã dành được một phần cho chi đầu tư phát triển và qua từng năm có tăng
lên dần; tỷ lệ động viên về thuế từ tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng dần
qua các năm, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát
triển; đồng thời, góp phần phát huy tác dụng trong việc quản lý, điều tiết
vĩ mô của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Hệ thống thuế đã
được áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế,
tạo môi trường pháp lý bình đẳng để cạnh tranh và phát triển, góp phần quan
trọng thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường hạch toán kinh tế, làm cơ sở xác
định hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Các Luật thuế hiện hành tuy đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng trong điều kiện
nền kinh tế đang phát triển, nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh mới ra đời
và Việt Nam đã là thành viên chính thức của ASEAN, tham gia khu vực mậu dịch
tự do AFTA và thực hiện Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung
(CEPT), chuẩn bị các điều kiện tham gia diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -
Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)..., đặt ra yêu
cầu cấp thiết phải tiếp tục cải cách hệ thống thuế của nước ta. Mặt khác, hệ
thống thuế hiện hành còn bộc lộ một số nhược điểm như thu trùng lặp, chưa
bao quát hết các nguồn thu, trong mỗi sắc thuế có nhiều thuế suất khác nhau
gây phức tạp cho việc tính thuế và thu thuế...; thêm vào đó, còn có những
yếu kém trong hệ thống bộ máy quản lý thu thuế, đã gây nên tình trạng thất
thu thuế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh mà chủ yếu còn thu theo
phương thức “khoán thuế”.
Để khắc phục những nhược điểm trên, với yêu cầu đổi mới và thực hiện Nghị
quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 1995), Chính phủ đã
giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Luật thuế trị giá gia
tăng thay cho Luật thuế doanh thu hiện hành; Luật thuế thu nhập công ty thay
cho Luật thuế lợi tức; Luật thuế thu nhập cá nhân thay cho Pháp lệnh thuế
thu nhập đối với người có thu nhập cao, có tham khảo kinh nghiệm của nước
ngoài.
Ủy ban chúng tôi tán thành về mục tiêu, yêu cầu phải từng bước hoàn thiện
các luật và pháp lệnh thuế hiện hành trong chương trình cải cách bước 2 hệ
thống chính sách thuế của Việt Nam và nhất trí sự cần thiết xây dựng các
Luật thuế trên phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, bảo đảm công bằng trong việc thực hiện các chính sách thuế, khắc phục
tình trạng trùng lặp, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng
nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của các Luật thuế
này, vì để thực hiện các luật thuế mới cần thiết phải có sự quản lý vĩ mô
của Nhà nước một cách chặt chẽ, nhưng hiện nay, việc thực hiện chức năng
kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh
chưa tốt, việc thực hiện Pháp lệnh kế toán và thống kê hiện nay không
nghiêm, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh mua bán không có chứng từ hóa đơn
mà chưa được chấn chỉnh một cách cơ bản và đồng bộ, mặt khác, bộ máy quản lý
thu thuế còn yếu kém, việc bắt nhịp vào công việc mới đòi hỏi sự chuẩn bị
rất công phu cả về điều kiện vật chất và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho
cán bộ Thuế.
II-
Ý KIẾN CỤ THỂ VỀ TỪNG SẮC THUẾ
1.
Về Luật thuế trị giá gia tăng (VAT):
Ủy ban chúng tôi cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật thuế trị giá gia
tăng thay cho Luật thuế doanh thu hiện hành là cần thiết để tránh những
nhược điểm của Luật thuế doanh thu, trước hết là thu chồng chéo, trùng lắp
và có nhiều thuế suất rất phức tạp. Song, Ủy ban chúng tôi có một số ý kiến
như sau:
a) Trong khi việc chấp hành chế độ hạch toán - kế toán, mua bán có hóa đơn,
chứng từ theo Pháp lệnh kế toán và thống kê chưa nghiêm, tình trạng chung là
việc thực hiện và quản lý chứng từ hóa đơn còn quá lỏng lẻo, mua bán hàng
hóa không có hóa đơn hoặc bằng hóa đơn không hợp lệ còn rất phổ biến thì
việc xây dựng và ban hành Luật thuế trị giá gia tăng phải có bước đi thích
hợp. Trước hết, phải sơ kết đánh giá kết quả việc tổ chức làm thí điểm áp
dụng thuế trị giá gia tăng (VAT) trong thời gian qua ở một số doanh nghiệp;
đồng thời, cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, có kế hoạch
tuyên truyền rộng rãi và có biện pháp khuyến khích để mọi cá nhân, doanh
nghiệp khi mua, bán hàng hóa đều phải có hóa đơn theo quy định thống nhất
của Nhà nước, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kế toán
trên cơ sở sử dụng hóa đơn, chứng từ do Bộ Tài chính phát hành; có như vậy
mới hạch toán được đầu vào, đầu ra để thực hiện phương pháp khấu trừ thuế
khi tính thuế VAT. Mặt khác cũng thấy rằng, đây là một công việc mới mẻ, hết
sức khó khăn và phải tiến hành đồng bộ, liên tục với sự nỗ lực của các
ngành, các cấp, các doanh nghiệp và phải tạo được sự đồng tình và hưởng ứng
tích cực của toàn dân.
Thuế doanh thu hiện hành là loại thuế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong
tổng thu ngân sách từ thuế. Nếu việc áp dụng thực hiện thuế trị giá gia tăng
mà có phát sinh chệch choạc thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách nhà
nước. Để bảo đảm Luật thuế trị giá gia tăng được ban hành thực sự đi vào
cuộc sống và đem lại hiệu quả cao và bảo đảm thu ngân sách nhà nước thì công
tác chuẩn bị cho việc thực hiện chuyển thuế doanh thu sang áp dụng thuế trị
giá gia tăng phải đi trước một bước. Do vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc
hội:
- Tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận cho ý kiến để Chính phủ có thêm cơ sở
tiếp thu, chỉnh lý dự án hoàn thiện hơn và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến
các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; sau đó sẽ trình Quốc hội xem
xét, thông qua Luật thuế trị giá gia tăng vào kỳ họp thứ 11 và có hiệu lực
thi hành vào đầu năm 1998.
- Đề nghị Chính phủ ngay từ cuối năm 1996 cần tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt
các điều kiện triển khai các luật thuế, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm
túc chế độ hạch toán - kế toán, mua bán có chứng từ, hóa đơn theo Pháp lệnh
kế toán và thống kê, chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập huấn
đội ngũ cán bộ thu thuế nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật sau khi được ban
hành và có hiệu lực.
b) Một số ý kiến cụ thể về nội dung của dự án Luật:
- Về phạm vi đối tượng chịu thuế VAT: Ủy ban chúng tôi đề nghị cần phải xác
định rõ phạm vi, đối tượng áp dụng thuế VAT trên phương diện lý luận và thực
tế, có tính đến thực trạng của nền kinh tế và trình độ quản lý của nước ta
hiện nay thì mới bảo đảm thực hiện thành công thuế VAT.
Ủy ban chúng tôi thấy rằng, việc lấy mức doanh thu dưới 600 triệu đồng/năm
làm căn cứ không áp dụng thuế VAT đối với các hộ kinh doanh là chưa có cơ sở
phân tích, đánh giá đầy đủ cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn, vì thực tế hiện
nay, đối với các hộ kinh doanh này phần lớn còn thu theo phương thức “khoán
thuế”. Mặt khác, việc áp dụng đồng thời hai loại thuế khác nhau (thuế doanh
thu và thuế VAT) đối với hộ kinh doanh có doanh thu trên 600 triệu đồng/năm
và hộ có doanh thu dưới mức này sẽ phát sinh một số sơ hở có thể bị lợi dụng
trong việc tính và nộp thuế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì số hộ có mức doanh thu dưới 600 triệu
đồng/năm chiếm 60% số hộ kinh doanh ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và
chiếm 40% số thu về thuế doanh thu ở khu vực này. Theo kinh nghiệm của một
số nước khi áp dụng thuế trị giá gia tăng cũng quy định mức doanh thu bắt
buộc phải đăng ký và thực hiện thuế trị giá gia tăng, nhưng tổng số thuế của
những đối tượng không phải thực hiện thuế trị giá gia tăng là rất ít, không
đáng kể.
Một số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cho rằng, thuế VAT là loại thuế tiên
tiến, có nhiều ưu điểm, nhưng lại rất phức tạp trong quản lý thu thuế. Nếu
áp dụng thuế VAT rộng rãi ngay thì sẽ là một gánh nặng đối với ngành Thuế mà
lại còn có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách. Do vậy, để bảo đảm thực
hiện thành công thuế VAT ở nước ta hiện nay chỉ nên áp dụng loại thuế này
đối với khâu sản xuất, nhập khẩu và dịch vụ có quy mô kinh doanh lớn, bảo
đảm thực hiện tốt việc hạch toán kế toán, chứng từ, hóa đơn; chưa áp dụng
thuế VAT đối với khâu lưu thông thương mại thuần túy bán lẻ, nhất là các hộ
kinh doanh - dịch vụ, buôn bán nhỏ.
Mặt khác, Ủy ban chúng tôi thấy cần tính toán thật kỹ lưỡng mối quan hệ giữa
các loại thuế khi áp dụng thuế VAT đối với một số hàng hóa như hàng nhập
khẩu, hàng sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... để
tránh việc thuế đánh trùng lên thuế và ảnh hưởng đến giá cả thị trường, vì
về bản chất, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT đều là thuế
gián thu. Ngoài việc thực hiện chức năng là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô,
bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt
còn nhằm hướng dẫn, điều tiết tiêu dùng và trong nhiều trường hợp có thuế
suất rất cao. Vì vậy, đối với hàng nhập khẩu và hàng chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt khi tính đến thuế VAT nếu không loại trừ số thuế nhập khẩu và thuế tiêu
thụ đặc biệt đã nộp thì nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cho rằng, thuế
vẫn đánh trùng lên thuế và trong nhiều trường hợp sẽ không tránh khỏi việc
đẩy giá lên. Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị nên xem
xét cho khấu trừ thuế tài nguyên khi tính thuế VAT.
- Về phương pháp tính thuế VAT: Theo Tờ trình và tại Điều 1 của Dự thảo Luật
thuế VAT quy định về “thuế trị giá gia tăng thu trên giá trị tăng thêm trong
quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ” thì nhiều ý kiến trong
Ủy ban chúng tôi thấy cần làm rõ thêm về quy định này vì:
Thứ nhất,
đối với một số hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì việc xác
định thuế trị giá gia tăng đầu vào tương đối phức tạp hoặc hóa đơn chứng từ
không có VAT, thậm chí, không có hóa đơn, chẳng hạn như đá vôi trong sản
xuất xi măng, nước đối với thủy điện hoặc trong những trường hợp mua nông
sản, hải sản của nông dân, ngư dân không có hóa đơn...
Trong trường hợp không xác định được thuế trị giá gia tăng đầu vào thì từ
thuế doanh thu hiện hành với thuế suất thấp chuyển sang thực hiện thuế trị
giá gia tăng với thuế suất cao hơn, doanh nghiệp sẽ không nộp nổi thuế và sẽ
gây tâm lý là Nhà nước tăng thuế hoặc buộc họ phải đẩy giá lên. Một số ý
kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có dự thảo Nghị định quy
định cụ thể vấn đề này cùng với Dự thảo luật để lấy ý kiến các doanh nghiệp.
Thứ hai,
việc giao Chính phủ quy định mức và các trường hợp được khấu trừ khi tính
thuế VAT như trong Tờ trình và tại điểm d khoản 1 Điều 12 và khoản 2 Điều 13
của Dự thảo Luật thuế trị giá gia tăng là vấn đề cần được xem xét. Nhiều ý
kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị vấn đề này được ghi vào trong Luật để
tránh gây ra sự tùy tiện trong việc chấp hành pháp luật thuế vì các trường
hợp “có đặc thù riêng” cũng hết sức đa dạng và khác nhau.
- Về thuế suất thuế VAT: Trong giai đoạn đầu chuyển đổi từ thuế doanh thu
hiện hành với 11 thuế suất khác nhau sang thuế VAT nếu chỉ với một thuế suất
(như đã áp dụng ở một số nước) tuy đơn giản trong việc tính toán, nhưng chưa
thật phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.
Ủy ban chúng tôi nhất trí rằng, trước mắt nên để 4 mức thuế suất khác nhau,
trong đó có thuế suất 0% để áp dụng cho một số hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Việc quy định nhiều mức thuế suất tuy phức tạp hơn trong việc tính thuế
nhưng thể hiện được việc điều tiết khác nhau giữa các ngành, nghề sản xuất,
kinh doanh trong điều kiện còn có những khó khăn, thuận lợi khác nhau, mức
độ doanh lợi cũng còn chênh lệch nhau nhiều. Mặt khác, thực tiễn của Việt
Nam, đối với những ngành, nghề hiện nay đang áp dụng thuế doanh thu với thuế
suất thấp mà phải áp dụng chung một thuế suất VAT cùng với ngành, nghề có
thuế suất thuế doanh thu cao thì sẽ gặp nhiều khó khăn và trong nhiều trường
hợp sẽ dẫn đến tác động đẩy giá lên. Còn việc xác định từng mức thuế suất cụ
thể để áp dụng cho từng loại ngành, nghề sản xuất, kinh doanh tương ứng cũng
cần lưu ý tính toán thật kỹ trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết việc thực hiện
các thuế suất thuế doanh thu hiện hành qua từng khâu có mối liên quan đến
đặc thù từng loại ngành, nghề sản xuất - kinh doanh nhằm vừa bảo đảm công
bằng hợp lý về mức động viên vào ngân sách vừa thúc đẩy sản xuất - kinh
doanh phát triển, không làm hẫng hụt số thu ngân sách, vừa tránh gây tác
động đẩy giá cả lên.
2.
Về Luật thuế thu nhập công ty:
Theo Tờ trình của Chính phủ, để khắc phục nhược điểm của thuế lợi tức hiện
hành, bao quát được các nguồn thu nhập, việc thay thuế lợi tức bằng thuế thu
nhập công ty áp dụng chung cho cả các doanh nghiệp trong nước và xí nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết. Ủy ban chúng tôi cho rằng, việc xây
dựng một thuế suất áp dụng cho tất cả các ngành nghề thuộc các thành phần
kinh tế để bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần
kinh tế và phù hợp với cách đánh thuế của các nước trong khu vực và trên thế
giới. Ủy ban chúng tôi có một số ý kiến sau đây:
- Về tên gọi và đối tượng nộp thuế thu nhập công ty: Một số ý kiến băn khoăn
về tên gọi là thuế thu nhập công ty hay thuế thu nhập doanh nghiệp, vì khái
niệm “công ty” hiểu theo Luật này và khái niệm “công ty” theo Luật công ty
đã ban hành có khác nhau. Theo Tờ trình kèm theo Dự thảo Luật thì đối tượng
nộp thuế thu nhập công ty là những đối tượng được thành lập theo Luật doanh
nghiệp nhà nước, Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật hợp tác xã,
Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở kinh doanh thành lập theo Nghị
định số 66/CP ngày 02-3-1992, cụ thể: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp
của các tổ chức chính trị - xã hội (có tài sản độc lập), công ty cổ phần,
công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước
ngoài, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác... Như vậy, quy định đối
tượng như dự thảo rất rộng, bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp sản
xuất - kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên lấy tên gọi là Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, một số ý kiến khác đề nghị lấy tên gọi là Luật thuế thu nhập đối với
tổ chức kinh tế.
Để có sự thống nhất, đồng bộ trong chính sách thuế và thuận tiện trong quản
lý thu thuế; nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị tất cả những đối
tượng nộp thuế trị giá gia tăng đồng thời cũng là những đối tượng nộp thuế
thu nhập công ty.
- Về thu nhập chịu thuế và thuế suất: Ủy ban chúng tôi đề nghị cần làm rõ
khái niệm “lợi tức chịu thuế” theo Luật thuế lợi tức hiện hành và “thu nhập
chịu thuế” quy định trong dự thảo Luật này. Chúng tôi đồng ý về thu nhập là
ngoài phần lợi tức gắn với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn gồm
các khoản thu nhập bổ sung từ hoạt động khác (như thu nhập về lãi bán tài
sản thanh lý, nhượng bán tài sản, chuyển nhượng cổ phần...). Do vậy, khi xác
định thu nhập chịu thuế cần có tiêu thức phân định rõ ràng, tính toán cụ thể
các loại chi phí để tránh bỏ sót, trùng lắp, đồng thời có căn cứ khoa học,
đơn giản việc xác định các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ trên cơ sở hệ thống
định mức kinh tế - kỹ thuật, tỷ lệ trích khấu hao và chế độ tiền lương hiện
hành.
Đa số trong Ủy ban chúng tôi đồng ý có một thuế suất áp dụng chung cho tất
cả các ngành, nghề sản xuất - kinh doanh có thu nhập chịu thuế thuộc mọi
thành phần kinh tế, kể cả xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tránh tình
trạng phân biệt đối xử, đồng thời, có một số thuế suất ưu đãi có thời hạn
cho một số ngành, lĩnh vực kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trên cơ sở tăng nguồn
vốn của mình. Tuy vậy, những ưu đãi về thuế quy định trong Dự thảo luật cần
được tính toán, cân nhắc cho phù hợp với các văn bản pháp luật đã ban hành,
đặc biệt là Luật khuyến khích đầu tư trong nước và việc sửa đổi Luật đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam.
- Về mức thuế suất cụ thể: Ủy ban chúng tôi đề nghị trên cơ sở thuế suất
thuế lợi tức hiện hành, xây dựng mức thuế suất hợp lý, khoa học phù hợp với
thực tiễn, vừa bảo đảm mức động viên hợp lý vào ngân sách nhà nước, vừa tạo
điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tăng tích lũy để đầu tư phát
triển. Vì vậy, đồng thời cần đặc biệt lưu ý đến chế độ phân phối, sử dụng
lợi nhuận sau thuế thu nhập công ty, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà
nước. Một số ý kiến đề nghị trước mắt nên để hai mức thuế suất 25% và 35% để
có điều kiện vận dụng đối với một số ngành nghề còn khó khăn, đồng thời cũng
thực hiện điều tiết cao hơn đối với các ngành nghề kinh doanh có lợi thế hơn
mà không nên dùng hình thức thu bổ sung như trong Dự thảo luật. Một số ý
kiến khác đề nghị nghiên cứu áp dụng một mức thuế suất 30% để tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp có nguồn đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ,
đồng thời cũng phù hợp với mức động viên của nhiều nước trong khu vực.
Về thời điểm ban hành, Ủy ban chúng tôi đề nghị, Luật thuế thu nhập công ty
phải được ban hành và thực hiện đồng thời với Luật thuế trị giá gia tăng, vì
khi áp dụng thuế trị giá gia tăng thì sự phân biệt thuế suất theo ngành nghề
sẽ ít hơn (nếu áp dụng thuế trị giá gia tăng với một thuế suất thì sẽ hoàn
toàn không có sự phân biệt), lúc đó, áp dụng thuế thu nhập công ty với một
mức thuế suất sẽ công bằng và phù hợp hơn.
3.
Về Luật thuế thu nhập cá nhân:
Theo Tờ trình của Chính phủ thì mọi cá nhân bao gồm người Việt Nam và người
nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam là đối tượng nộp thuế thu nhập
tại Việt Nam; Dự thảo luật cũng mở rộng đối tượng nộp thuế là các cá nhân
kinh doanh không thuộc phạm vi áp dụng thuế thu nhập công ty (hiện nay,
thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế lợi tức). Về vấn đề này, trong Ủy
ban chúng tôi có ý kiến như sau:
Một số ý kiến cho rằng, đại bộ phận dân cư hiện nay của Việt Nam có mức sống
thấp, mặc dù Dự thảo luật quy định không phải tất cả dân cư là đối tượng nộp
thuế thu nhập cá nhân mà vẫn chỉ tập trung thu vào đối tượng có thu nhập
cao, nhưng nhìn chung, sẽ gây tâm lý bất lợi trong nhân dân.
Việc chuyển cá nhân kinh doanh (hộ nhỏ) sang thu thuế thu nhập cá nhân với
thuế suất như thuế thu nhập công ty (33%), Ủy ban chúng tôi thấy rằng, về
bản chất thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân kinh doanh và thu nhập
thường xuyên chịu thuế của những đối tượng có thu nhập cao là không giống
nhau. Việc gộp hai loại thu nhập này vào trong một Luật thuế với hai cách
đánh thuế và thuế suất khác nhau là không hợp lý. Thực tế, đối với những hộ
kinh doanh, buôn bán nhỏ có số thu về thuế không đáng kể, hơn nữa việc hạch
toán rạch ròi thu nhập để tính thuế là khó thực hiện và về mặt kinh tế là
không hiệu quả. Do vậy, cùng với việc xây dựng và ban hành Luật thuế trị giá
gia tăng và Luật thuế thu nhập công ty, nên nghiên cứu một loại thuế hợp lý
đối với những đối tượng này.
Về biểu thuế và thu nhập chịu thuế:
Ủy ban chúng tôi thấy rằng, thu nhập chịu thuế quy định trong Dự thảo luật
đã bao quát hết các khoản thu nhập như: thu nhập từ tín phiếu, trái phiếu,
cổ phiếu; thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm, thu nhập từ nhận thừa kế tài sản;
thu nhập từ tài sản và chuyển nhượng tài sản; thu nhập phát sinh từ nước
ngoài của các đối tượng cư trú tại Việt Nam... Tuy nhiên, một số khoản thu
nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân như thu nhập từ lãi tiền gửi ngân
hàng, lãi cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu; thu nhập từ giảng bài; quà biếu;
thu nhập từ nhận thừa kế tài sản..., cần phải nghiên cứu, xem xét thêm cho
phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, vì các loại thu nhập này
rất khó theo dõi để tính thuế.
Về mức thu nhập khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân,
nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đồng ý như mức ghi trong Dự thảo luật là
1,5 triệu đồng/tháng; song một số ý kiến khác đề nghị nên nâng lên mức 2
triệu đồng/tháng để bảo đảm cuộc sống cần thiết hiện nay (cá nhân họ và
người phải nuôi dưỡng). Một số ý kiến đề nghị nên quy định về chiết giảm gia
cảnh của người có thu nhập chịu thuế.
Đối với Luật thuế này, đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị, trước
mắt chỉ nên xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập đối với người có thu
nhập cao thay thế cho Pháp lệnh hiện hành nhằm bảo đảm tính pháp lý cao
hơn, tạo điều kiện tăng cường quản lý, động viên đúng mức nguồn thu này cho
ngân sách. Điều đáng quan tâm là cần có kế hoạch và biện pháp kiểm soát chặt
chẽ các nguồn thu nhập và diện đối tượng có thu nhập cao phải nộp đúng, nộp
đủ cho ngân sách, tránh tình trạng còn để thất thu nhiều như hiện nay.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số ý kiến của Ủy ban kinh tế và ngân sách về Dự thảo luật
thuế trị giá gia tăng, Luật thuế thu nhập công ty, Luật thuế thu nhập cá
nhân; kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Lưu tại Phòng Lưu trữ,
Văn phòng Quốc hội