Kính thưa Quốc hội,
Các Bộ trưởng đã giải trình những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn. Qua đó, tình hình một số mặt được rõ hơn. Thay mặt Chính phủ, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, và đã cho nhiều ý kiến quan trọng. Tôi cũng xin cám ơn các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Tổng cục trưởng đã nghiêm túc báo cáo những vấn đề Quốc hội quan tâm.
Tôi muốn phát biểu thêm một số ý kiến liên quan tới ba vấn đề bức xúc, cần được Quốc hội quyết định về chủ trương và biện pháp lớn để thực hiện. Ba vấn đề này có mối liên quan mật thiết với nhau và cũng đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ.
I- VỀ TỆ NẠN THAM NHŨNG
Tham nhũng là chủ đề được nói và phê phán rất nhiều, có thể nói là nhiều nhất trong tất cả các chủ đề. Mức độ nghiêm trọng của tệ nạn này được mô tả bằng rất nhiều từ ngữ, mà theo tôi, thể hiện khá đầy đủ bằng hai từ là “quốc nạn” và “nội phản”. Tuy nhiên, so với các chủ đề khác thì tham nhũng được phê phán nhiều hơn nhưng việc bàn để có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi thì còn quá ít.
Có thể nói, nạn tham nhũng hoành hành ở mọi ngành, mọi cấp, chỉ khác nhau về mức độ và hình thức. Tôi được biết trong chương trình hoạt động hai tháng cuối năm 1996, Bộ Chính trị sẽ kiểm điểm lại việc thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VII về chống tham nhũng.
Chúng ta đã có nhiều chủ trương chung quanh việc chống tham nhũng, và cũng đã có một số đề xuất về biện pháp thực hiện. Trong đó ý kiến của đại biểu Lê Đức Bình ở Đoàn Ninh Bình rất đáng được quan tâm ở ba điểm:
Thứ nhất là chống tham nhũng là vấn đề cần được xem xét và xử lý đồng bộ từ trên xuống dưới.
Thứ hai là cán bộ ở một cấp nhất định trở lên phải tự kiểm kê tài sản của mình.
Thứ ba là cần có một tổ chức thật mạnh về chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước giao đủ thẩm quyền.
Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, qua thực tiễn điều hành Chính phủ, tôi xin có một số đề xuất như sau:
1- Trước hết, các cơ quan quyền lực, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh, đơn vị sự nghiệp phải làm đúng và thật đầy đủ chức trách của mình. Phải thực thi quyền hạn được giao và phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm:
- Giám sát chặt chẽ việc điều hành của Chính phủ trong công tác chống tham nhũng. Sự giám sát này đặc biệt hơn giám sát các mặt hoạt động khác của Chính phủ.
- Giám sát các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc trong chính những cơ quan này.
- Kịp thời có thái độ, yêu cầu, chỉ đạo một cách cụ thể đối với Chính phủ và các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật. Chủ động đưa các vấn đề quan trọng còn tồn tại ra các phiên họp của Quốc hội để Quốc hội có quyết định.
Với tư cách là Thủ tướng, thay mặt Chính phủ tôi kiến nghị:
- Thủ tướng Chính phủ được thay mặt Chính phủ, có đủ thẩm quyền theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, xử lý hành chính (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và kiến nghị truy tố trước pháp luật) theo đúng pháp luật tất cả cán bộ được Thủ tướng bổ nhiệm có hành vi tham nhũng. Tất nhiên, việc xử lý phải bảo đảm trách nhiệm tập thể của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật như Công an, Kiểm sát, Tòa án không chịu bất cứ sức ép nào, phải xử lý đúng người, đúng tội và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng và Nhà nước.
- Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, các cấp; chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện đúng quyền hạn, chức trách của mình và chịu trách nhiệm liên đới đối với các hành vi tham nhũng trong ngành, địa phương, đơn vị của mình. Đối với những vụ việc quá thẩm quyền thì phải kiến nghị ngay với cấp trên và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các văn bản pháp luật phải thể hiện rõ trách nhiệm liên đới này.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong lĩnh vực khác, có những Bộ, ngành, địa phương được coi là có mô hình tốt nhưng trong chống tham nhũng thì chưa có mô hình nào.
Tất cả các Bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước đều có tổ chức Đảng, Công đoàn và bộ máy chức năng như Thanh tra, Kế toán... Bộ máy này có trách nhiệm và khả năng giám sát, kiểm tra, và lẽ ra phải phát hiện được các hành vi tham nhũng trong đơn vị mình. Nhưng trên thực tế, hầu hết các vụ việc tham nhũng, kể cả những vụ việc nghiêm trọng lại được các cơ quan khác, hoặc quần chúng và công luận phát hiện. Cá biệt còn có bộ máy của một đơn vị (kể cả Đảng ủy và Công đoàn) còn gây khó khăn cho các cơ quan điều tra, xét xử các hành vi tham nhũng đã được phát hiện.
Các cấp địa phương đều có cấp ủy Đảng khá mạnh, có bộ máy quản lý đầy đủ, có Thanh tra, Kiểm tra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Ngoài ra, còn có các cơ quan có chức năng giám sát như Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội; có Mặt trận Tổ quốc và đủ các đoàn thể quần chúng, nhưng cũng chưa có tỉnh, thành phố nào nổi lên như một mô hình ngăn chặn và đẩy lùi được nạn này.
Trước đây, Quốc hội cũng đã có quy định về một cơ chế làm việc, phối hợp giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, nhưng qua một năm triển khai cho thấy, cách làm việc này vẫn không tạo được những chuyển biến đáng kể. Trong Chính phủ, cũng có một Bộ trưởng chuyên trách công tác chống tham nhũng để phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan chức năng nhưng nạn tham nhũng vẫn không giảm.
Vì vậy, giữa hai phương án hoặc có một tổ chức mạnh hoặc không cần có tổ chức mới nào, tôi chọn phương án sau. Bởi lẽ, không một bộ máy, cơ quan nào có thể làm thay được tất cả hệ thống các cơ quan chức năng vốn có. Điều quan trọng là các cơ quan này phải thực sự thực thi quyền lực, thực hiện chức năng được Đảng và Nhà nước giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều đáng nói nữa là, từng Bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan, đơn vị phải ý thức đầy đủ là muốn ngăn chặn và đẩy lùi quốc nạn này thì trước hết phải ngăn chặn và đẩy lùi nó trong chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tôi đề nghị Quốc hội cho sửa đổi càng sớm càng tốt Bộ luật hình sự. Trước hết là nhằm phục vụ công tác chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công một cách vô tội vạ, và một số tệ nạn xã hội nguy hiểm cho phù hợp với tình hình và nhu cầu mới.
1. Xác định khung hình phạt đối với những tội này cho cụ thể hơn, nghiêm khắc hơn. Không để khung hình phạt quá rộng như hiện nay dễ sinh tiêu cực trong vận dụng tùy tiện.
2. Quy định hình phạt thật cao về kinh tế đối với các tội tham nhũng, trốn thuế, buôn lậu. Mức trừng phạt kinh tế phải được quy định sao cho một mặt thu hồi lại được toàn bộ tài sản nhà nước bị mất, mặt khác có giá trị răn đe: nếu hành vi vi phạm bị phát hiện sẽ dẫn tới phá sản, mất cả gia sản, cơ nghiệp.
3. Khung hình phạt (kể cả về kinh tế) cần được quy định rõ với từng loại đối tượng khác nhau. Với các tội danh và mức độ vi phạm như nhau thì cán bộ trong các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật phải chịu mức cao hơn, cán bộ càng cao cấp càng phải xử nặng, tránh tình trạng “nhẹ trên nặng dưới”.
Trong khi chờ đợi sửa Luật hoặc ban hành Luật mới, đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngay một Pháp lệnh đặc biệt về chống tham nhũng, vì đã có nhiều nghị quyết của Đảng, và văn bản của Chính phủ nhưng không đủ hiệu lực thực thi hoặc không còn phù hợp.
Trước mắt, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, nếu có thể được tại ngay kỳ họp này quyết định:
1. Các vụ tham nhũng đã đủ chứng cứ, thì bất kể người vi phạm là ai, vi phạm lần thứ mấy, đều phải đưa ra xét xử trước pháp luật, không chỉ xử lý nội bộ, kỷ luật hành chính.
Nhiều cử tri tâm huyết cũng đã có thư kiến nghị như vậy và cũng bày tỏ mong muốn kỳ họp Quốc hội lần này xem xét, cho thực hiện.
2. Với các hành vi vi phạm về kinh tế (tham nhũng, trốn thuế, buôn lậu...) thì phải thu hồi đủ phần nhà nước bị mất và phải phạt thêm thật nặng về kinh tế. Riêng đối với tham nhũng thì ngoài ra còn tịch thu toàn bộ tài sản kể từ khi được bổ nhiệm vào cương vị dẫn tới tham nhũng.
Cũng như một ý kiến đã nêu, nếu tiến hành kê khai tài sản thì việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Nhưng ngay khi chưa kê khai thì Quốc hội cũng cần cho chủ trương để nghiên cứu phương pháp xác định phần tài sản tịch thu.
3. Trong xử lý, cần chia làm hai loại đối tượng:
- Đối với những hành vi tham nhũng không phải để làm giàu thì chủ yếu là xử lý kỷ luật hành chính thật nghiêm và thu hồi cho đủ số tiền tham nhũng nhưng cũng không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đối với những hành vi tham nhũng để làm giàu, để tiêu sài xa hoa, tham nhũng tập thể thì ngoài việc xử lý hành chính, nội bộ, phải áp dụng hình phạt cao nhất, tịch thu tài sản và công khai cho dân biết.
II- VẤN ĐỀ CHỐNG LÃNG PHÍ
Chống lãng phí của công, thực hành tiết kiệm là chủ trương, là quốc sách ngay từ những năm trước đây. Cũng đã có rất nhiều văn bản quy định về vấn đề này nhưng tệ lãng phí không giảm và có xu hướng gia tăng. Nhân dân, công luận đã lên án gay gắt tệ lãng phí của công ở các ngành, các cấp, các tổ chức.
Cũng như chống tham nhũng, đây là vấn đề cần được hết sức quan tâm. Nếu chúng ta không chống được lãng phí, không thực hiện được tiết kiệm để tăng tích lũy nội địa thì không thể cân đối được vốn trong nước trong các dự án đầu tư nước ngoài một cách hợp lý trên phương diện kinh tế và giữ được chủ động, độc lập, tự chủ.
Như đã nêu trong báo cáo trước Quốc hội, phải nghiêm khắc mà nói rằng, ngay trong bộ máy ở cấp Trung ương, nhiều Bộ, ngành vẫn còn đề nghị được tổ chức những hội nghị toàn quốc mang nặng tính phô trương hình thức, trong khi có thể tổ chức dưới các hình thức đơn giản, tiết kiệm hơn nhiều mà vẫn bảo đảm được nội dung và tính trang trọng. Vẫn còn nhiều các lễ kỷ niệm riêng của từng ngành, từng đơn vị, lễ đón nhận phần thưởng của Nhà nước, lễ khởi công, khánh thành.. được tổ chức rầm rộ, tốn kém hơn mức cần thiết. Việc tuyên truyền là cần thiết, tuy nhiên, chúng ta nên sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại thay vì các hình thức tổ chức tốn tiền của và thời gian. Tình trạng đua nhau xây dựng các cơ sở phi sản xuất, mua sắm xe cộ hơn mức công việc đòi hỏi vẫn tiếp diễn.
Chúng ta phải quyết tâm và có những biện pháp cứng rắn được luật pháp hóa như đối với nạn tham nhũng. Trước hết, đẩy lùi nạn lãng phí trong các cơ quan nhà nước để làm cơ sở vận động nhân dân tiết kiệm trong sinh hoạt, trong tổ chức lễ hội, hiếu, hỉ...
Như đã báo cáo với Quốc hội, phát huy sức lao động (cả lao động trí tuệ), của cải của toàn dân là con đường duy nhất để chúng ta thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng làm sao chúng ta có thể phát huy được sức dân nếu không chống được tham nhũng và lãng phí? Vì vậy, chống tham nhũng và lãng phí có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tôi đề nghị Quốc hội xem xét giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm ban hành một Pháp lệnh về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.
III- PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ VÀ MỤC TIÊU ĐỀ RA
Chủ trương này đã được chú trọng nêu trong báo cáo của Chính phủ. Tôi rất mừng là các đại biểu Quốc hội đều rỏ ra đồng tình, nhưng tôi cũng rất lo vì các đại biểu còn bàn quá ít về những biện pháp để thực hiện chủ trương đặc biệt quan trọng này...
Thực tế trong những năm chiến tranh đã cho thấy, khi nào, ở đâu chúng ta dựa vào dân thì ở đó chúng ta giữ được đất, giữ được dân. Ngược lại thì mất tất cả. Giữa cái sống và cái chết chúng ta đã thấm nhuần điều đó. Các vị lão thành cách mạng đang dự kỳ họp Quốc hội lần này hẳn còn nhớ bao dân công đã ăn đói, mặc rét để tham gia phục vụ các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên như thế nào? Rồi đường Trường Sơn - kỳ tích của dân tộc Việt Nam - được làm nên chủ yếu bằng sức lao động của dân ta, cơ giới đâu đã có mấy.
Những công trình đê điều của ông cha ta để lại phần nào cho thấy công sức của dân ta đã bỏ ra là hết sức lớn lao. Cũng bằng phát huy sức dân, chúng ta đã xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng ở miền Bắc, nhất là các công trình thủy lợi như Thủy nông Bắc Hưng Hải với 70 - 80 triệu ngày công của dân đóng góp. Ở miền Nam, cả ngàn kilômét kênh đào dọc ngang từ hai cuộc kháng chiến như kênh Dân Quân, kênh Chống Mỹ vẫn còn tới ngày nay. Còn biết bao công trình được xây dựng do sức của nhân dân ta nữa. Những công trình, những kỳ tích đó được làm nên khi chúng ta còn thiếu thốn, khó khăn hơn bây giờ gấp trăm lần. Cơm có khi không đủ no, áo không đủ ấm nhưng chúng ta đã phát huy sức mạnh toàn dân, đã dựa vào dân để làm và làm được.
Mặc dù đất nước còn nghèo, nhưng giờ đây, tiềm năng của Nhà nước và của nhân dân lớn hơn nhiều lần so với trước. Những nơi khó khăn nhất hiện nay cũng không còn đói, còn rét. Điều đó là niềm mơ ước của trước đây. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để huy động được sức mạnh toàn dân thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa như đã huy động sức mạnh toàn dân trong chiến đấu và xây dựng trước đây?
Một mặt, như đã nói ở trên, chúng ta phải đẩy lùi cho bằng được nạn tham nhũng và lãng phí. Mặt khác, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể, rõ ràng, được luật pháp hóa. Tôi thấy chúng ta còn bàn quá ít về các biện pháp này. Đã có nhiều mô hình tốt trong huy động sức dân như ở Kim Bảng, Nam Hà, Thái Bình, Đồng Tháp Mười..., nhưng chưa được đánh giá sâu sắc để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Nguồn lực to lớn, dễ thấy nhất mà chúng ta cần huy động là sức lao động của nhân dân. Trung bình ở nông thôn có tới 40% thời gian nông nhàn. Có những nơi, kể cả ở vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này lên tới 60%. Nguồn lực này chưa thực sự được chú ý. Nhiều xã, kể cả những xã Anh hùng, khi gần đây, tôi có dịp về thăm, đều đưa ra nhiều đề nghị và xin cấp trên cấp ngân sách để làm đường, xây trường học, bệnh xá. Nhưng khi hỏi kỹ thì thấy thời gian nông nhàn nhiều quá, kể cả thanh niên cũng ít việc làm, nếu xã huy động tốt sức lao động công ích thì có thể tự giải quyết được nhu cầu cấp thiết của nhân dân xã mình.
Từng địa phương chúng ta phải quán triệt tinh thần huy động sức dân tại chỗ để lao động công ích. Càng nghèo, càng khó khăn càng phải chủ động. Nhà nước có chính sách huy động các tầng lớp nhân dân có thu nhập cao đóng góp nhiều để san xẻ cho những người còn khó khăn chưa có điều kiện đóng góp. Khu vực đã phát triển, có nhiều thuận lợi đóng góp để xây dựng vùng núi, vùng sâu. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được xã hội hóa, thực hiện được công bằng xã hội.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đang chuẩn bị để xây dựng một Pháp lệnh huy động nguồn lực của nhân dân để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành. Tôi đề nghị Quốc hội quyết định và giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ sớm xây dựng, ban hành Pháp lệnh này.
Ba vấn đề tôi trình bày ở đây liên quan rất chặt chẽ với nhau và được Chính phủ đánh giá là khâu đột phá để đưa đất nước đi lên trong điều kiện mới, theo tinh thần đổi mới. Giải quyết tốt ba vấn đề này là điều kiện, là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững theo đúng đường lối, phương châm của Đảng ta đã đề ra là “đi lên phải dựa vào sức ta là chính”.
Kính thưa Quốc hội,
Trước khi kết thúc, tôi xin được nói thêm một điểm về các vấn đề xã hội mà nhân dân ở khắp các địa phương trong cả nước cũng như Quốc hội kỳ này rất quan tâm. Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ thực trạng nhức nhối của các tệ nạn xã hội, của ma túy, của văn hóa độc hại. Các biện pháp ngăn chặn các tệ nạn này đang được thực hiện. Tuy nhiên, cần thực hiện một cách mạnh mẽ, kiên quyết và liên tục hơn. Trong các vấn đề đó, tôi muốn lưu ý tới những tệ nạn đặc biệt nguy hiểm, đe dọa cả một thế hệ của đất nước đòi hỏi chúng ta phải khẩn cấp có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn là:
1. Thứ nhất là nạn nghiện hút ở trẻ em đã lan khá nhanh vào các trường phổ thông.
2. Thứ hai là nạn hiếp dâm trẻ em ngày càng tăng.
3. Thứ ba là nạn buôn bán trẻ em ngày càng có quy mô và tinh vi.
Tôi xin đề nghị Quốc hội xem xét quyết định ngay tại kỳ họp này một số biện pháp như sau:
1. Một mặt, kêu gọi toàn xã hội, từng gia đình hãy cứu lấy con em mình và lên án mạnh mẽ những kẻ mất hết lương tri đầu độc con em của chính chúng ta.
2. Xử lý ở mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với bọn tội phạm này. Phải coi tính chất nghiêm trọng của các tội này ít nhất cũng ngang với tội gây thương tích nghiêm trọng cho trẻ em, thậm chí như tội giết trẻ em.
Trách nhiệm của Quốc hội, của Đảng và Nhà nước ta là phải bảo vệ cho được thế hệ tương lai của đất nước.
Xin cảm ơn Quốc hội.