BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
VỀ ĐỀ ÁN CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH MỘT SỐ TỈNH
(Do ông Nguyễn Văn Yểu, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 10,
Quốc hội khóa IX, ngày 06-11-1996)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Được sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 18-10-1996, Ủy ban pháp luật đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Tham dự phiên họp của Ủy ban pháp luật có đại diện của các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí đại diện của Chính phủ trình bày đề án điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, cũng như qua việc nghiên cứu các văn bản có liên quan và ý kiến của các tỉnh gửi đến Ủy ban pháp luật về việc đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính, các thành viên Ủy ban pháp luật và các đồng chí đại diện các cơ quan tham dự cuộc họp đã thảo luận và nêu nhiều ý kiến. Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội ý kiến của Ủy ban về đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh như sau:
1. Về việc cần thiết tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh:
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Nhà nước ta đã nhiều lần tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh. Đặc biệt sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập những tỉnh có quy mô lớn hơn nhằm xây dựng tỉnh thành những đơn vị hành chính có cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp tương đối hoàn chỉnh, có khả năng giải quyết những yêu cầu về xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững trật tự, an ninh. Cho đến nay, tuy chưa có tổng kết, đánh giá đầy đủ việc nhập tỉnh trước đây, nhưng thực tế cho thấy, việc hợp nhất các tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn là phúc đáp yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh lúc bấy giờ. Nhưng do các tỉnh đã được nhập có quy mô quá lớn, giao thông đi lại khó khăn, thông tin liên lạc lại chưa phát triển, nhất là đối với các tỉnh miền núi, trong khi đó trình độ quản lý của cán bộ còn có mặt hạn chế, nên đã bộc lộ những nhược điểm về mặt quản lý, điều hành. Trước tình hình đó, trong những năm qua, chúng ta đã tiến hành ba đợt chia tỉnh: Đợt 1 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6 năm 1989) Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia 3 tỉnh thành 7 tỉnh; Đợt 2 tại kỳ họp thứ 9 (tháng 8 năm 1991), Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia 5 tỉnh thành 10 tỉnh và điều chỉnh địa giới hành chính của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đợt 3 tại kỳ họp thứ 10 (tháng 12 năm 1991), Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia 4 tỉnh thành 8 tỉnh và cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã giao cho Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể, toàn diện về địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tính ổn định lâu dài, trình Quốc hội xem xét và quyết định vào thời gian thích hợp. Thi hành Nghị quyết này của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, thu thập ý kiến của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương để chuẩn bị đề án điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Tại kỳ họp của Quốc hội lần này, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh và đổi tên một tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể là:
1. Chia tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên;
2. Chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh là tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh;
3. Chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh là tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên;
4. Chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Minh Hải;
5. Chia tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh là tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam;
6. Tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị là thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam;
7. Chia tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh là tỉnh Bình Dương và tỉnh Phước Long;
8. Chia tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh là tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc;
9. Đổi tên tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Qua thảo luận, Ủy ban pháp luật nhận thấy tiếp theo các đợt điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh trước đây, việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh lần này là một bước tiếp tục nhằm thực hiện phương án tổng thể, toàn diện về địa giới hành chính cấp tỉnh, bảo đảm tính ổn định lâu dài, phúc đáp yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, hầu hết các tỉnh mới được thành lập trong các đợt phân vạch địa giới hành chính gần đây, tuy lúc đầu có những khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, với sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay các tỉnh này đã ổn định, đã và đang phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Vì vậy, Ủy ban pháp luật, tán thành với đề án điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh với những phân tích về mặt thuận lợi, ưu điểm như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ, đồng thời, cũng đáp ứng với đề nghị của cấp ủy Đảng, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân các tỉnh được điều chỉnh địa giới lần này. Ủy ban pháp luật cho rằng cũng cần, phân tích đầy đủ những khó khăn trong việc chia tỉnh để trên cơ sở đó đề ra được những phương án, biện pháp khắc phục, động viên các ngành, các cấp và nhân dân các tỉnh được chia tách phấn đấu vượt qua các khó khăn của thời kỳ đầu khi mới được chia tách.
Theo chúng tôi, cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau đây:
- Về vấn đề tổ chức, cán bộ các cơ quan, tổ chức của tỉnh:
Cùng với việc thành lập các tỉnh mới, các cơ quan, tổ chức tương ứng ở cấp tỉnh sẽ được thành lập và cũng gắn liền vào đó là biên chế của các cơ quan này. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương cùng với các tỉnh cần có phương án cụ thể giải quyết vấn đề này trong điều kiện có khó khăn về biên chế mà vẫn bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, nhất là đối với các tỉnh mới được thành lập; trong đó, chúng tôi đề nghị sớm có kế hoạch để ổn định hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, vì hoạt động của các cơ quan này phải tuân theo thủ tục, thời hạn chặt chẽ do các Luật, Pháp lệnh đã quy định. Ngoài ra, rút kinh nghiệm của việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong các đợt điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh thì cần có sự chỉ đạo chặt chẽ trong việc bố trí cán bộ phải bảo đảm cả về số lượng cũng như chất lượng, đồng thời, có xem xét đến hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở bảo đảm đoàn kết nội bộ và ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên chức ở địa phương.
- Về vấn đề ngân sách:
Kinh nghiệm của các đợt phân vạch địa giới hành chính cấp tỉnh trước đây cho thấy, hầu hết các tỉnh mới được thành lập cần phải được đầu tư một khoản ngân sách nhất định để chi cho việc di chuyển, xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện đi lại, xây dựng nhà ở cho cán bộ... Do đó, để bảo đảm thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh nêu trên thì trên cơ sở tiết kiệm cũng cần có phương án cân đối dự toán ngân sách của các tỉnh này sao cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
2. Căn cứ để xác định ranh giới khi tiến hành chia tỉnh:
Theo Tờ trình của Chính phủ thì việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh lần này là căn cứ vào ranh giới của các tỉnh trước khi các tỉnh hợp nhất với nhau. Vì vậy, Chính phủ đề nghị chuyển giao lại hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể mà trước đây thuộc tỉnh Bắc Cạn, hiện nay, do tỉnh Cao Bằng quản lý cho tỉnh Bắc Cạn quản lý; chuyển giao lại 7 xã thuộc huyện Mỹ Lộc cũ đã sáp nhập vào huyện Bình Lục cho tỉnh Nam Định quản lý; chuyển giao lại 4 xã của huyện Bình Long và 5 xã, 1 thị trấn của huyện Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước cho tỉnh Bình Dương quản lý.
Việc xác định ranh giới này đã được Hội đồng nhân dân các tỉnh đề nghị điều chỉnh địa giới biểu quyết tán thành.
Riêng đơn vị Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có ý kiến đề nghị thành phố Đà Nẵng bao gồm: thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Hội An và huyện đảo Hoàng Sa. Nhưng theo đề nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (biểu quyết đa số) được Chính phủ chấp nhận và nêu trong Tờ trình là địa giới hành chính của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương gồm có thành phố Đà Nẵng hiện nay và huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa.
Chúng tôi tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc xác định ranh giới các tỉnh được điều chỉnh địa giới hành chính lần này.
3. Về việc đổi tên tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Theo tờ trình, Chính phủ có đề nghị đổi tên tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Trong quá trình thảo luận tại Ủy ban pháp luật có ý kiến băn khoăn về việc này cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế bao gồm cả một số huyện thuộc vùng núi, giao thông đi lại khó khăn. Sau khi thảo luận, Ủy ban pháp luật nhất trí với Chính phủ về việc đổi tên tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương để xây dựng Huế trở thành một thành phố lớn, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học của cả nước và cùng với thành phố Đà Nẵng sẽ tạo nên thế liên hoàn và những điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung nước ta.
4. Về việc tổ chức thực hiện và một số kiến nghị:
- Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân vạch địa giới hành chính của các tỉnh nói trên đòi hỏi phải có thời gian để chuẩn bị về các mặt: cơ sở vật chất, trước hết là trụ sở, phương tiện làm việc, sắp xếp bố trí cán bộ. Tuy nhiên, nếu để kéo dài việc chuẩn bị e rằng sẽ gây tâm lý không ổn định ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Nghị quyết của Quốc hội về phân vạch địa giới hành chính có hiệu lực kể từ ngày 01-3-1997. Từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua cho đến ngày 01-3-1997, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh được chia tách giải quyết các vấn đề nói trên, đồng thời, tiến hành xác định địa giới trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội.
- Chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh nói trên, hướng dẫn việc tổ chức, thành lập Hội đồng nhân dân tỉnh ở các tỉnh mới được chia tách để Hội đồng nhân dân ở các tỉnh này sớm tổ chức kỳ họp đầu tiên, thành lập các cơ quan chính quyền địa phương và quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và các vấn đề khác của địa phương.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, chúng tôi xin kính trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội