VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


CHÚ THÍCH

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC
GIỮA NHIỆM KỲ KHOÁ VII CỦA ĐẢNG

Thực hiện Điều lệ Đảng, từ ngày 20 đến ngày 25-01-1994, tại Hà Nội đã tiến hành Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng. Tham dự Hội nghị có 647 đại biểu, thay mặt cho 64 Đảng bộ trong cả nước.

Hội nghị đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII (6-1991) và tổng kết một bước thực tiễn đổi mới từ Đại hội VI (12-1986), nhằm làm sáng tỏ thêm một số vấn đề trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xác định những chủ trương và giải pháp lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII; bầu bổ sung 20 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hội nghị đã phân tích sâu sắc những thành tựu và hạn chế của nền kinh tế - xã hội nước ta từ sau Đại hội VII; nêu rõ sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta đang đứng trước các cơ hội lớn và cả những thách thức lớn. Bốn nguy cơ thách thức lớn đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.

Hội nghị thống nhất nhận định: Qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về kinh tế. Từ đó, Hội nghị đã xác định: "Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, phải động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng tâm nhất trí, nỗ lực vượt bậc, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, mở rộng hợp tác quốc tế; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, ra sức khai thác thuận lợi, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát, thúc đẩy nhanh nhịp độ thực hiện những mục tiêu của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh".

Hội nghị khẳng định cần phải làm tốt 8 nhiệm vụ chủ yếu là:

- Thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo động lực và môi trường thuận lợi hơn nữa cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển nhanh và có hiệu quả cao.

- Xây dựng đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Chăm lo các vấn đề văn hoá, xã hội.

- Tăng cường quốc phòng và an ninh.

- Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại.

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng lãnh đạo, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

 

 

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC
LẦN THỨ VIII CỦA ĐẢNG

Từ ngày 28-6 đến ngày 01-7-1996 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã diễn ra tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.198 đại biểu, thay mặt cho 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong cả nước.

Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, tổng kết 10 năm đổi mới đất nước (1986-1996); đề ra mục tiêu phương hướng, giải pháp thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2000 và định hướng đến năm 2010; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới. Đại hội đã thảo luận và nhất trí khẳng định những thành tựu quan trọng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được trong 10 năm đổi mới, trong đó có nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1991-1995) do Đại hội VII đề ra đã được hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng còn một số mặt chưa vững chắc.

Đại hội rút ra được 6 bài học chủ yếu trong những năm đổi mới vừa qua là:

1. Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị.

3. Xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc.

5. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

6. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Đại hội cũng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000).

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ khoá VIII gồm 170 đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư và bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí; bầu Thường vụ Bộ Chính trị gồm 5 đồng chí.

Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công tiếp tục được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội lần thứ VIII của Đảng là Đại hội tiếp tục đổi mới, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Thành công của Đại hội "có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc và tương lai đất nước vào lúc chúng ta sắp bước vào thế kỷ XXI" như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười trong buổi bế mạc Đại hội.