BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI
Ngày 23-9-1992, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX đã bầu ông Nông Đức Mạnh giữ chức Chủ tịch Quốc hội và ba Phó Chủ tịch Quốc hội là các ông Nguyễn Hà Phan, Đặng Quân Thụy, Phùng Văn Tửu,.
Quốc hội đã bầu ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước và bà Nguyễn Thị Bình làm Phó Chủ tịch nước.
Trong Tập 7 (quyển 3) Văn kiện Quốc hội toàn tập, chúng tôi đã giới thiệu vắn tắt tiểu sử của ông Phùng Văn Tửu. Vì vậy, trong Tập 8 này xin không giới thiệu lại ông Phùng Văn Tửu, chỉ giới thiệu các ông, bà (xếp thứ tự theo vần A, B, C): Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Bình, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Hà Phan, Đặng Quân Thuỵ (BT).
LÊ ĐỨC ANH
Sinh năm 1920 tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tham gia cách mạng từ năm 1937, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. (Nay là Đảng Cộng sản Việt Nam)
Năm 1944, phụ trách tổ chức các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quảng Lợi, tỉnh Bình Phước.
Tháng 8-1945, làm chỉ huy quân đội ở tỉnh Thủ Dầu Một, Tỉnh uỷ viên Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).
Từ năm 1948 đến năm 1954, giữ chức Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi làm quyền Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam bộ.
Từ năm 1955 đến năm 1962, giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu, được phong quân hàm Đại tá.
Năm 1963, làm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.
Năm 1969, làm Phó Bí thư Khu uỷ, Tư lệnh Quân khu 9, rồi làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân uỷ miền, được phong quân hàm Trung tướng (cuối năm 1974).
Năm 1975, làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm 1976, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7, Ủy viên Quân uỷ Trung ương. Đầu năm 1980, được phong quân hàm Thượng tướng, sau đó được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Năm 1982, được phân công làm Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp nước bạn Campuchia. Năm 1984, được phong quân hàm Đại tướng. Tháng 12-1986, được giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương.
Tại các Đại hội lần thứ IV, V, VI, VII, VIII của Đảng, đều được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, từ Đại hội V đến Đại hội VII của Đảng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội VIII của Đảng, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX. Ngày 23-9-1992, Quốc hội khoá IX đã bầu ông làm Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
NGUYỄN THỊ BÌNH
Tên khai sinh là Nguyễn Châu Sa, sinh năm 1927. Quê quán: xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bà tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, trí thức thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Bà bị thực dân Pháp bắt giam và bị tù tại nhà lao Chí Hoà (1951 - 1953). Ra tù, bà tham gia phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ (7-1954). Năm 1955, bà ra tập kết ở miền Bắc. Năm 1962, bà trở lại hoạt động ở miền Nam, giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, kiêm Phó Tổng thư ký Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.
Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập (6-6-1969), bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong thời gian họp Hội nghị bốn bên về hoà bình cho Việt Nam ở Pari (1968 - 1972), bà đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng, sau là Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, bà được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976 - 1987), rồi được cử làm Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987 - 1992). Bà là Ủy viên Trung ương Đảng khoá V (1982 - 1986), đại biểu Quốc hội năm khoá liền, từ khoá VI đến khoá X (1976 - 2002). Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII, bà được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội. Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX (1992 - 1997) và khoá X (1997 - 2002), bà được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giữ các chức vụ như Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam.
NÔNG ĐỨC MẠNH
Sinh năm 1940 tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn, xuất thân trong một gia đình nông dân, dân tộc Tày, kỹ sư lâm nghiệp.
Tham gia cách mạng từ tháng 4-1958, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7-1963. Từ năm 1958 đến năm 1965, công tác ở các cơ sở lâm nghiệp tỉnh Bắc Cạn. Từ năm 1966 đến năm 1971, là sinh viên Học viện Lâm nghiệp ở thành phố Lêningrát (nay là thành phố Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga). Từ năm 1972 đến năm 1974, tham gia Ban lãnh đạo Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái, sau đó đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1976 đến năm 1980, tham gia Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Bắc Thái, làm Trưởng Ty Lâm nghiệp. Từ năm 1980 đến năm 1986, làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh rồi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, sau đó làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái.
Tháng 12-1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Tháng 3-1989, được bầu làm Ủy viên chính thức Trung ương Đảng. Tháng 8-1989, được cử làm Trưởng Ban Dân tộc Trung ương. Tháng 11-1989, được bầu bổ sung đại biểu Quốc hội khoá VIII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Tại Đại hội lần thứ VII (6-1991) và lần thứ VIII (6-1996) của Đảng, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 01-1998, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII. Tại Đại hội lần thứ IX (4-2001), lần thứ X (4-2006) của Đảng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông là Chủ tịch Quốc hội khoá IX và khoá X.
NGUYỄN HÀ PHAN (SÁU PHAN)
Sinh năm 1933 tại xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nguyên đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tên thật là Phạm Văn Khoa.
Ông đã đảm đương các trọng trách sau:
- Sau ngày 30-4-1975: Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Cần Thơ.
- Năm 1976: Khi thành lập tỉnh Hậu Giang, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
- Năm 1978: Quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.
- Năm 1983: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.
- Tháng 12-1986: Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
- Năm 1987: Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Năm 1989: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.
- Tháng 6-1991: Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
- Tháng 1-1994: Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và IX. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII (1981-1987), ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX (1992-1997) ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Do sai lầm trong thời gian làm công tác binh vận, nên tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (4-1996), ông đã bị kỷ luật khai trừ Đảng và tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (10-1996) đã quyết nghị bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội và đại biểu Quốc hội của ông.
ĐẶNG QUÂN THỤY
Sinh năm 1928 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1944, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc ở trường Bưởi (tức trường Chu Văn An ngày nay). Tháng 8-1945, tham gia Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Hà Nội. Tháng 9-1945, ông nhập ngũ vào chi đội Vi Dân, trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Sau đó, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Nam Định và các chiến dịch Thu - Đông Việt Bắc (1947); Biên giới (1950); Tây Bắc (1952); Lai Châu (1953) và Điện Biên Phủ (1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1964 ông công tác tại cơ quan tham mưu của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam. Ông đã tham gia chiến đấu đánh bại các cuộc tấn công của Mỹ - nguỵ vào vùng giải phóng của ta; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định, kế tiếp là các chiến dịch ở Tây Ninh, Bình Long, Tiền Giang. Sau đó, ông tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary gây ra và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông lần lượt giữ các chức vụ và cấp bậc khác nhau, từ cán bộ chỉ huy Trung đội, Đại đội rồi đến Tư lệnh binh chủng với quân hàm Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 2 với quân hàm Trung tướng.
Ông là đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX (1992 - 1997) được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khoá VII (1991-1996). Năm 1997, ông được bầu làm Phó Chủ tịch, đến năm 2002, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho tới năm 2007, được quyết định nghỉ công tác.
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng nhất và một số huân, huy chương cao quý khác.