MỞ ĐẦU
Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là giai đoạn nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng một xã hội phát triển cao, có cuộc sống tốt đẹp trong lịch sử của dân tộc, đưa đất nước từng bước tiến lên, nhằm thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”1.
Trên cơ sở những kinh nghiệm của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và xuất phát từ tình hình mới của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị của cách mạng trong giai đoạn mới, ngay từ cuối năm 1975, Đảng và Nhà nước đã khẩn trương thực hiện những hoạt động cần thiết để hoàn thành việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất tiến hành ngày 25-4-1976 là sự biểu thị hùng hồn ý chí của toàn dân đối với việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần dân chủ, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, hơn 23 triệu cử tri cả nước (98,8% tổng số cử tri) đã hăng hái tham gia tổng tuyển cử, bầu những người xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Điều đó đã nói lên ý chí sắt đá và nguyện vọng thiêng liêng của toàn dân từ Bắc đến Nam là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc Tổng tuyển cử thành công đã tạo nền tảng chính trị -pháp lý cho mọi hoạt động của Quốc hội và sự phát triển của Nhà nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên phát triển rực rỡ của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quốc hội khóa VI (1976-1981) hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp 1959 -Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu của cách mạng, với sự nhất trí hoàn toàn, Quốc hội đã giải quyết những vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra trong việc thành lập Nhà nước chung của nước Việt Nam thống nhất. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã xác định phải khẩn trương xây dựng một bản Hiến pháp mới cho cả nước để củng cố những thắng lợi đã giành được và để bảo đảm đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Với trách nhiệm cao cả trước vận mệnh dân tộc, Quốc hội khoá VI đã huy động trí tuệ của toàn dân để xây dựng thành công Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam -Hiến pháp 1980. Hiến pháp mới do Quốc hội khoá VI thông qua đã thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. So với Hiến pháp 1959, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội về cơ bản không thay đổi, nhưng về cơ cấu tổ chức của Quốc hội có sự thay đổi, trong đó vị trí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội là một thiết chế mới, một cách tổ chức mới của Quốc hội mà lịch sử lập hiến trước đó chưa có.
Quốc hội khóa VII (1981-1987) hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980, theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế tục sự nghiệp của Quốc hội các khoá trước, Quốc hội khoá VII có nhiệm vụ trọng đại là giám sát việc thi hành Hiến pháp mới, động viên nhân dân sử dụng Hiến pháp như một vũ khí sắc bén để tăng cường sức mạnh của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Là cơ quan lập pháp, Quốc hội khoá VII đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri cả nước làm việc nghiêm túc, hướng trọng tâm hoạt động vào công tác lập pháp, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982); đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, phát huy chức năng của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các cơ quan thường trực của Quốc hội, tạo điều kiện để Nhà nước thực hiện việc quản lý mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quốc hội khoá VIII (1987-1992) hoạt động trong bối cảnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã và đang giành được những thành tựu quan trọng. Nền kinh tế có những tiến bộ rõ rệt về sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Nhu cầu lương thực trong nước đã được đáp ứng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và cải thiện cán cân xuất - nhập khẩu. Hàng tiêu dùng tương đối dồi dào, đa dạng và lưu thông thuận lợi. Kinh tế đối ngoại phát triển nhanh. Kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã bước đầu hình thành. Nguồn lực sản xuất của xã hội được huy động tốt, tốc độ lạm phát được kiềm chế. Quyền dân chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Quốc phòng và an ninh quốc gia được bảo đảm. Quan hệ quốc tế được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra và được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) tổng kết và tiếp tục khẳng định.
Vào đầu những năm 1990, hoàn cảnh lịch sử thế giới có những biến động phức tạp. Công cuộc cải tổ, cải cách của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không thành công, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng sâu sắc, dẫn đến sự sụp đổ mô hình Nhà nước Xôviết ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hình thành một trật tự thế giới mới.
Ở trong nước, từ sau năm 1975, công cuộc xây dựng lại đất nước tuy đạt được những thành tựu và tiến bộ đáng kể, nhưng cách mạng cũng gặp những khó khăn rất lớn. Nền kinh tế trì trệ và đang có chiều hướng lâm vào khủng hoảng, nhất là từ giữa những năm 80, sản xuất phát triển chậm trong khi dân số tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội. Lương thực và các mặt hàng tiêu dùng đều thiếu. Chênh lệch giữa thu và chi ngân sách, giữa hàng và tiền, giữa xuất khẩu và nhập khẩu còn lớn. Thị trường và vật giá không ổn định, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hậu quả nặng nề của cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền (10-1985) và những sai lầm, khuyết điểm trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, trong chính sách đối ngoại... đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội và hoạt động của Đảng, Nhà nước. Một trong những nguyên nhân cơ bản của những khó khăn, yếu kém là do ta mắc phải sai lầm nghiêm trọng, kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.
Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ra sức tìm tòi con đường đổi mới để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đánh giá tình hình đất nước, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong thập kỷ đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó xác định nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ đất nước đổi mới là: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng, quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng xác định mục tiêu tổng quát những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là: Oån định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, Quốc hội khoá VIII đã từng bước đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới chung của đất nước. Tại các kỳ họp Quốc hội, các vấn đề về kinh tế -xã hội, về ngân sách nhà nước, công tác tổ chức nhân sự và quản lý, điều hành của Hội đồng Bộ trưởng... đều được thảo luận và biểu quyết dân chủ, cởi mở, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trước những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc quan trọng nhất là Quốc hội khoá VIII đã thảo luận và thông qua Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, đưa đất nước đi vào cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một dấu ấn quan trọng trong hoạt động lập hiến của Quốc hội, tạo nền tảng chính trị và cơ sở pháp lý cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Trải qua 16 năm (1976-1992), với ba nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn nắm vững và giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước, Quốc hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hoá, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để đẩy mạnh công tác lập pháp, từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật thống nhất để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật. Các văn bản luật được ban hành đã quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc phát triển đất nước, góp phần quan trọng vào việc đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức của lịch sử ở thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 624.