VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


NGHỊ QUYẾT SỐ 310 NQ/UBTVQH9 NGÀY 07- 9-1996
 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
 VỀ VIỆC TỔNG KẾT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
 NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 68 của Luật tổ chức Quốc hội;

Để đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa IX; từ đó rút ra những kinh nghiệm, những kiến nghị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

 Tổ chức tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.

A. NỘI DUNG TỔNG KẾT

I- VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Đánh giá ưu điểm, tồn tại, phân tích nguyên nhân về:

1. Công tác xây dựng pháp luật:

a) Việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ban hành các văn bản pháp luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.

b) Số lượng và chất lượng văn bản luật, pháp lệnh, quy chế, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành trong nhiệm kỳ. Việc giải thích luật và pháp lệnh. Tính khả thi của các văn bản này trong cuộc sống.

c) Việc thực hiện quy trình trong xây dựng chương trình và triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, từ phân công soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, tổ chức thẩm tra, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo… đến việc thảo luận, xem xét thông qua tại các kỳ họp, phiên họp.

d) Công tác chuẩn bị và sự đóng góp của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan khác trong công tác lập pháp.

e) Việc bảo đảm các điều kiện cho công tác xây dựng pháp luật (đội ngũ cán bộ pháp lý, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, thông tin, tư liệu, nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước …).

g) Đối chiếu với yêu cầu, đánh giá kết quả của công tác lập pháp đối với sự nghiệp đổi mới.

2. Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước:

- Quyết định nhiệm vụ, ngân sách nhà nước hàng năm, 5 năm; trong đó có những quyết định quan trọng về chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả, dân tộc, đối ngoại, về chống tham nhũng, chống buôn lậu, về việc xây dựng các công trình trọng điểm…

- Quyết định về tổ chức bộ máy và nhân sự của Nhà nước, về phân vạch địa giới hành chính một số địa phương.

3. Công tác giám sát:

a) Nội dung giám sát:

- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, việc ban hành các văn bản dưới luật và tình hình thi hành pháp luật trong nhân dân;

- Tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội, đối ngoại; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu…;

- Hoạt động đối ngoại;

- Công tác xét xử, kiểm sát;

- Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân;

- Việc xử lý ý kiến của cử tri trong cả nước kiến nghị với Quốc hội;

- Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

b) Các hình thức giám sát:

- Nghe báo cáo, thảo luận và ra nghị quyết hoặc kết luận tại kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cuộc họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban;

- Cử đoàn giám sát tại địa phương, cơ sở;

- Kết hợp các hình thức nêu trên;

- Hình thức tham gia giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

c) Kết quả giám sát:

- Việc thực hiện kiến nghị của các Đoàn giám sát; thi hành các nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội;

- Kết quả việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp…

II- VỀ TỔ CHỨC

Phân tích mặt được, chưa được và rút ra kiến nghị về:

1. Đại biểu Quốc hội:

+ Tiêu chuẩn đại biểu;

+ Số lượng đại biểu;

+ Cơ cấu đại biểu;

+ Tổ chức bầu cử đại biểu;

+ Đại biểu chuyên trách.

2. Các cơ quan của Quốc hội:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội:

- Số lượng, cơ cấu, trong đó có số Phó Chủ tịch;

- Phân công nhiệm vụ, việc thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban hoặc phụ trách lĩnh vực công tác;

- Chế độ chuyên trách.

b) Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội:

- Số lượng, tiêu chuẩn thành viên;

- Cơ cấu thành viên; số Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban, Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, thành viên chuyên trách; vấn đề phân công đối với Thường trực;

- Việc thành lập thêm một số Ủy ban cần thiết.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội:

- Vai trò, vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội;

- Số lượng, cơ cấu đại biểu của Đoàn; trong đó có vấn đề đại biểu địa phương, đại biểu Trung ương, đại biểu chuyên trách.

4. Bộ máy giúp việc:

a) Văn phòng Quốc hội: (đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 02 của Ủy ban thường vụ Quốc hội);

- Mô hình tổ chức;

- Đơn vị giúp việc chuyên môn cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban;

- Số lượng, chất lượng cán bộ, viên chức.

b) Văn phòng và Thư ký các Đoàn đại biểu Quốc hội: tổ chức, số lượng, chất lượng phục vụ;

c) Việc bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí và các điều kiện khác để phục vụ hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

III- VỀ CHẾ ĐỘ VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC
 CỦA QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI,
 CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Phân tích những mặt đã làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm về:

1. Tổ chức kỳ họp Quốc hội.

2. Tổ chức các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc họp Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các đoàn công tác của các cơ quan của Quốc hội.

3. Chế độ hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội; tiếp xúc cử tri; tham gia giám sát, đóng góp ý kiến về chương trình và nội dung làm việc của Quốc hội, các cơ quan  của Quốc hội.

IV- VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA QUỐC HỘI,
CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

1. Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

2. Sự phối hợp với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan Trung ương khác và các cơ quan ở địa phương.

3. Mối quan hệ giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban với nhau, với Văn phòng Quốc hội, với các Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Mối quan hệ của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với nhân dân: việc lấy ý kiến nhân dân, tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến của cử tri; công tác thông tin, tuyên truyền…

V- NHỮNG VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ THỰC TIỄN TỔ CHỨC
VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI KHÓA IX
VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC
VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

1. Đánh giá chung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa IX.

2. Những bài học kinh nghiệm.

3. Những kiến nghị về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, về chế độ, lề lối và điều kiện làm việc… và có thể về việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội nếu xét thấy cần thiết.

B- KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1. Về trách nhiệm và phạm vi triển khai tổng kết:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết.

- Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội vừa tổng kết phần tổ chức, hoạt động của mình, vừa đóng góp ý kiến về phần tổ chức, hoạt động chung của Quốc hội.

2. Về thời gian:

- Tháng 9-1996: Các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn thành việc tổng kết của mình.

- Tháng 10 và tháng 11-1996: Tập hợp, tổng hợp báo cáo tổng kết của các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Dự thảo báo cáo tổng kết của Quốc hội lần thứ nhất.

- Đầu tháng 12-1996: Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo 1 Báo cáo tổng kết.

- Trung tuần tháng 12-1996 đến giữa tháng 01-1997: Chỉnh lý báo cáo, gửi báo cáo xin ý kiến đại biểu Quốc hội; trên cơ sở tập hợp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo báo cáo tổng kết lần thứ hai.

- Nửa cuối tháng 01-1997 và nửa đầu tháng 02-1997: Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và một số cơ quan, cử tri  ở địa phương), Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Dự thảo 2 Báo cáo tổng kết.

- Nửa cuối tháng 02-1997:  Tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp; dự thảo báo cáo tổng kết lần thứ ba.

- Tháng 3-1997:  Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo 3 Báo cáo tổng kết.

- Tháng 4-1997: Trình Quốc hội Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ 11.

C- THÀNH LẬP BAN TỔNG KẾT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI IX,      
GỒM CÁC ÔNG (BÀ) CÓ TÊN SAU ĐÂY:

1. Ông Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban;

2. Ông Cư Hòa Vần, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Ủy viên;

3. Ông Nguyễn Văn Yểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Ủy viên;

4. Ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách, Ủy viên;

5. Ông Trịnh Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh, Ủy viên;

6. Bà Đặng Thị Thanh Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Ủy viên;

7. Ông Bùi Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy viên;

8. Ông Vũ Minh Mão, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, Ủy viên;

9. Ông Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, Ủy viên;

10. Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên thường trực.

BAN TỔNG KẾT CÓ NHIỆM VỤ:

1. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc triển khai tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.

2. Xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tổ chức việc lấy ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11.

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan căn cứ Nghị quyết này để thi hành.

  TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Chủ tịch

  NÔNG ĐỨC MẠNH 

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội