VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


NGHỊ QUYẾT SỐ 322 NQ/UBTVQH9 NGÀY 26-12-1996
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ VIỆC PHÂN BỔ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
CHO CÁC BỘ, NGÀNH VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG NĂM 1997

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Điều 6 của Luật tổ chức Quốc hội;

Căn cứ vào Điều 16 của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 về dự toán ngân sách nhà nước năm 1997;

Sau khi xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc phân bổ ngân sách nhà nước năm 1997; báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

 1. Phân bổ ngân sách nhà nước năm 1997 cho các Bộ, ngành và các địa phương trên cơ sở phương án do Chính phủ trình (các phụ lục kèm theo).

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 1997, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh một số vấn đề sau:

a) Chính phủ cần đánh giá đúng số hụt thu năm 1996 để có những biện pháp khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước năm 1997.

b) Khi giao chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước, Chính phủ cần cụ thể hóa những biện pháp đã nêu trong nghị quyết của Quốc hội để từng bước triển khai thực hiện Luật ngân sách nhà nước về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các ngành, các địa phương và cơ sở tăng thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát huy tính chủ động, tích cực của các địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi nhằm cân đối ngân sách địa phương và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách trung ương.

c) Triển khai ngay từ đầu năm những biện pháp đồng bộ và có hiệu quả nhằm tạo thêm và khai thác tốt các nguồn thu; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tích cực chống thất thu, nhất là đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có nguồn thu lớn, các lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhà, đất, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong công tác quản lý thu thuế, chống buôn lậu.

d) Việc cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước phải theo đúng danh mục công trình được duyệt, đúng trình tự, thủ tục quy định, đồng thời tránh phiền hà, tiêu cực. Tập trung vốn cho các mục tiêu trọng điểm của nền kinh tế quốc dân, của từng ngành, từng vùng lãnh thổ và từng địa phương; phát triển có trọng điểm kết cấu hạ tầng ở miền núi, vùng thường bị thiên tai, bão lụt và các vùng còn nhiều khó khăn.

đ) Để nâng cao hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, cần kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện đối với các chương trình đã triển khai trong những năm qua, khắc phục những điều bất hợp lý nhằm tập trung đầu mối quản lý, tiết kiệm chi về quản lý chương trình, bảo đảm vốn xuống tận cơ sở đầy đủ và phát huy hiệu quả thật sự. Chính phủ cần sắp xếp lại các chương trình mục tiêu quốc gia và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Phần vốn đầu tư do các Bộ, ngành Trung ương trực tiếp quản lý theo chương trình mục tiêu, khi thực hiện ở địa phương phải được tổng hợp theo địa bàn để cùng với phần vốn do địa phương trực tiếp quản lý, bảo đảm cân đối cho các mục tiêu trên địa bàn, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện ngân sách nhà nước năm 1997, nếu phát sinh những vấn đề lớn cần phải xử lý khác với dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua thì Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới.

 

 TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Chủ tịch

    NÔNG ĐỨC MẠNH

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội