LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM (1976 - 1992)


II- QUỐC HỘI KHOÁ VII VỚI NHIỆM VỤ TIẾP TỤC
CỦNG CỐ VÀ HOÀN THIỆN BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

 

1. Quốc hội và hội đồng nhà nước với nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh và tổ chức hoạt động giám sát

a) Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980 quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, quyền và nghĩa vụ của công dân, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Từ Lời nói đầu đến nội dung tất cả các chương trong Hiến pháp mới đều thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Quyền làm chủ là tinh thần cơ bản, là nội dung nhất quán của Hiến pháp mới, bởi đó là mục đích thật sự của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là động lực rất quan trọng của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Để thực hiện tốt việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp mới, Quốc hội phải thật sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thông qua các nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm, quyết định các vấn đề về việc cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng; đồng thời thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan chính quyền ở Trung ương và địa phương. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân, đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh từng bước hệ thống pháp luật của Nhà nước, nhất là hệ thống pháp luật về kinh tế, bảo đảm phục vụ tốt cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản đã được vạch ra.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, với 12 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết, trong đó có các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước được ban hành mới theo quy định của Hiến pháp 1980 như Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 3-7-1981. Tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật gồm 6 chương và 73 điều. Chương quy định chung của luật nêu rõ: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng Nhà nước do Quốc hội bầu ra, là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 83 và Điều 100 của Hiến pháp 1980. Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong phạm vi cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm hoàn thành những nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội và Hội đồng Nhà nước làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số... Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp ở mức độ phù hợp với tính chất của một đạo luật. Luật được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội.

Ngày 4-7-1981, Quốc hội cũng đã thông qua Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng. Luật đã nêu rõ trách nhiệm tập thể của Hội đồng Bộ trưởng và trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, quy định mối quan hệ giữa Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp. Luật gồm 5 chương, 36 điều. Theo Chương những quy định chung: Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất. Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước, tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành pháp luật; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; bảo đảm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Hội đồng Bộ trưởng do Quốc hội bầu ra tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội. Hội đồng Bộ trưởng gồm có: chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; các bộ trưởng và chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là đại biểu Quốc hội; các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng chủ yếu được chọn trong số các đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Hội đồng Bộ trưởng theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Hội đồng Bộ trưởng mới.

Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, đồng thời phát huy tinh thần chủ động của các bộ, các ủy ban nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của mỗi thành viên Hội đồng Bộ trưởng về phần công tác được giao và phần tham gia vào công việc chung của Hội đồng Bộ trưởng.

Hội đồng Bộ trưởng quản lý các mặt công tác theo Hiến pháp và pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; ngăn ngừa, khắc phục tệ quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác trong các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Hội đồng Bộ trưởng dựa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Để góp phần tích cực vào việc bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp mới, Quốc hội cũng đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, nhằm phát huy vai trò của toà án nhân dân trong việc tăng cường chuyên chính vô sản và nâng cao hơn nữa hiệu lực của công tác kiểm sát.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Luật nghĩa vụ quân sự, Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật hôn nhân và gia đình... Điều đáng chú ý là lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1985), thể hiện bước phát triển đáng kể trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật hình sự được coi là một công cụ sắc bén của Nhà nước để bảo vệ chế độ, an ninh quốc gia về trật tự xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh để phòng ngừa mọi hành vi phạm tội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện nghiêm chỉnh Bộ luật hình sự là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân.

Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài Lời nói đầu được chia thành hai phần: Phần chung gồm 8 chương và Phần các tội phạm gồm 12 chương, cả hai phần có 280 điều. Chương I của Phần chung đã nêu rõ các điều khoản cơ bản của bộ luật gồm có 4 điều: Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân thủ theo pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với những người phạm tội: Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt do tòa án quyết định, đó là cơ sở của trách nhiệm hình sự.

Về nguyên tắc xử lý: Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, kẻ ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm, kẻ biến chất, sa đọa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, kẻ phạm tội có tổ chức, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra. Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng và đã hối cải thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

Đối với người phạt tù thì buộc họ phải chấp nhận hình phạt trong trại giam, phải lao động, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt. Đối với người đã chấp hành xong hình phạt thì tạo điều kiện cho họ làm ăn, sinh sống hướng thiện; khi họ có đủ điều kiện do luật định thì xóa án.

Về trách nhiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bộ luật quy định: Các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp và thành viên có trách nhiệm thi hành đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội. Các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác cách mạng, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống và xã hội chủ nghĩa, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Cùng với việc ban hành luật, trong nhiệm kỳ khoá VII, Hội đồng Nhà nước cũng đã ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân được thông qua ngày 27-11-1981, Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép được thông qua ngày 10-7-1982...

Căn cứ vào Nghị quyết ngày 28-12-1982 của Quốc hội về việc ủy quyền cho Hội đồng Nhà nước sửa đổi các thứ thuế, trong hai ngày 25 và 26-2-1983, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh về thuế nông nghiệp Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp, Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc được thông qua ngày 25-11-1983.

Trong 6 tháng đầu năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc; Pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước; Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc. Tại phiên họp bất thường ngày 13-9-1985, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh về việc phát hành tiền ngân hàng mới và thu đổi tiền ngân hàng cũ.

Ngày 20-11-1985, nhân dịp kỷ niệm “Ngày các Nhà giáo”, Hội đồng Nhà nước đã ra quyết định bổ sung Điều 3 của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc và xét tặng thưởng thêm cho cả đối tượng là giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; đồng thời cho ý kiến và chính thức thông qua Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự.

Tại phiên họp ngày 29-8-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh sửa đổi việc tính các định mức bằng tiền trong Điều lệ thuế công thương nghiệp Điều lệ thuế hàng hoá. Tại phiên họp ngày 6-11-1986, Hội đồng Nhà nước đã thông qua pháp lệnh này và gửi công văn thông báo tới các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để biết, vì pháp lệnh này chỉ công bố chính thức trên Công báo của Nhà nước mà không phổ biến trên các báo, đài, v.v..

Nhìn chung, những luật và pháp lệnh được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ban hành cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần vào cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường sức mạnh của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước nâng cao vai trò của các cơ quan quyền lực nhà nước. Trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất ý kiến với Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan dự thảo, coi trọng việc lấy ý kiến các ngành, các đoàn thể

và cán bộ, nhân dân. Mỗi dự thảo luật, pháp lệnh đều được Quốc hội, Hội đồng Nhà nước thảo luận dân chủ, cân nhắc thận trọng trước khi thông qua.

Mặc dù công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều cố gắng, nhưng số lượng luật và pháp lệnh được ban hành còn ít, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Hệ thống pháp luật về kinh tế, pháp luật về an ninh, xã hội chưa được chú trọng. Điều đáng chú ý là Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng chưa đề ra được quy trình làm luật thích hợp và còn thiếu những biện pháp có hiệu quả để bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh trong cả nước.

Quốc hội khoá VII hoạt động trong bối cảnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân chuyển sang giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn “tiền đổi mới”. Bên cạnh những thành tựu và tiến bộ của cách mạng xã hội chủ nghĩa, đất nước vẫn đang gặp không ít khó khăn. Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế quốc dân chưa được khắc phục. Đời sống của công nhân, viên chức và nông dân những vùng thiên tai địch hoạ còn nhiều khó khăn; chưa đẩy lùi được những thói quen của sản xuất nhỏ, của lối kinh doanh cũ...

Xuất phát từ đặc điểm, tình hình nói trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã phát huy cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý để phấn đấu thực hiện các mục tiêu do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982) đề ra.

Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, nóng vội, muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, nên những nhiệm vụ, mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng đề ra đối với công tác lưu thông phân phối, giá cả, tiền tệ đã không thực hiện được triệt để, khiến cho các mâu thuẫn vốn có về giá cả ngày càng thêm gay gắt.

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tám (6-1985) để đưa ra những quyết sách, nhằm đổi mới mạnh mẽ chính sách giá -lương -tiền và đổi mới cơ chế quản lý, xoá bỏ quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nhờ cố gắng đó, những mất cân đối của nền kinh tế đã được giảm nhẹ; đồng thời khắc phục một bước quan trọng tình hình không bình thường về phân phối, lưu thông, tạo tiền đề và điều kiện để đưa nền kinh tế phát triển trong những năm sau.

b) Quốc hội khoá VII thực hiện chức năng giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước

Thực hiện chức năng của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong nhiệm kỳ hoạt động, công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các ủy ban thường trực của Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và

các cơ quan nhà nước khác đã được coi trọng. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề trọng yếu thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, thi hành Hiến pháp, pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hội đồng Nhà nước đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước; tình hình sản xuất và phân phối lưu thông; chính sách giá - lương - tiền; tình hình cung cấp các mặt hàng định lượng cho cán bộ, công nhân viên và các lực lượng vũ trang; tình hình thiếu ăn giáp hạt của nông dân ở một số tỉnh miền Bắc; tình hình đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia...

Hội đồng Dân tộc đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu; tình hình phát triển kinh tế miền núi và cuộc vận động định canh, định cư theo hướng nông lâm kết hợp ở Đắk Lắk, Gia Lai - Kon Tum (4-1982), Lâm Đồng (8-1982); tình hình thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc Chăm ở Thuận Hải, Phú Khánh, An Giang (4-1983) và đối với đồng bào Khơme ở Hậu Giang, An Giang.

Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách thường xuyên giúp Hội đồng Nhà nước xem xét, thẩm tra báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước; đồng thời tổ chức giám sát tình hình đời sống của công nhân, viên chức và dự án cải tiến chế độ tiền lương (3-1983); tình hình sản xuất và đời sống công nhân vùng mỏ (10-1984); tình hình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp (11-1984); tình hình bão lũ và vấn đề lương thực (10-1985); tình hình thực hiện các biện pháp cấp bách về giá -lương -tiền và tình hình thu, chi, bội chi ngân sách, quản lý tiền mặt (6-1986).

Ủy ban Văn hoá và Giáo dục giám sát kết quả 2 năm thực hiện cải cách giáo dục và việc thực hiện Quyết định số 126/CP của Hội đồng Bộ trưởng (10-1983); tình hình thực hiện Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo, dục và bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục (3-1984); tình hình thực hiện chính sách, chế độ trong văn hoá, giáo dục (10-1984); tình hình thực hiện Quyết định số 01/QĐ của Ủy ban cải cách giáo dục (10-1985); vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tình hình bài trừ mê tín dị đoan (10-1986).

Ủy ban Y tế và Xã hội giám sát việc thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch (10-1983); tình hình tổ chức sản xuất, quản lý, phân phối thuốc chữa bệnh và tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân (9-1984); tình hình ô nhiễm môi trường lao động và sinh hoạt (10­1985); tình hình cứu trợ ở một số địa phương bị thiệt hại do bão lũ...

Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật giám sát tình hình vận dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lương thực, thực phẩm (9-1981); việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp (10-1983); việc ứng dụng tiến bộ khoa học -kỹ thuật vào sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu (10-1984); vấn đề khoa học - kỹ thuật trong việc triển khai chương trình kinh tế lớn (11-1986).

Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng giám sát tình hình thực hiện Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (9-1982); vấn đề thanh niên với nhiệm vụ lao động (11-1982); tình hình triển khai và thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự (10-1983); công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên (11-1985); tổ chức các đội hình thanh niên đi xây dựng kinh tế (11-1986).

Ngoài các nội dung giám sát nêu trên, tại các kỳ họp Quốc hội đã tập trung hướng trọng tâm vào việc thảo luận, phân tích, đánh giá những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trên sơ sở chỉ tiêu đặt ra cho các năm; phân tích những thiếu sót của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định những vấn đề lớn của đất nước, quan trọng nhất là việc thông qua kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước và các vấn đề nóng bỏng liên quan đến quốc kế dân sinh, đến việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Hoạt động chất vấn, một hình thức giám sát của Quốc hội cũng đã có bước cải tiến. Tại kỳ họp thứ 10, phát huy tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn đối với Hội đồng Bộ trưởng. Nội dung chất vấn tập trung vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm trong việc đổi tiền và trong công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giá - lương - tiền; thẳng thắn đóng góp ý kiến xây dựng đối với công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Hội đồng Bộ trưởng; đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục để thực hiện đúng tinh thần nghị quyết.

Chương trình giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đối với hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hành chính nhà nước được xây dựng và triển khai thực hiện theo một quy trình thống nhất giữa Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và chủ nhiệm các ủy ban thường trực của Quốc hội.

Tại các phiên họp định kỳ, ngoài việc quyết định chương trình giám sát hằng năm, Hội đồng Nhà nước đã giao cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội trực tiếp giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, phân phối lưu thông nhằm thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước hằng năm tại các địa phương trong cả nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; đồng thời ban hành Quy định tạm thời số 02/HĐNN7 để hướng dẫn hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983.

Trên cơ sở nội dung báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước còn đề nghị Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp báo cáo bổ sung những vấn đề có liên quan đến kết quả giám sát. Sau khi nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của các đoàn giám sát, Hội đồng Nhà nước đều có các văn bản kết luận gửi đến Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, hoặc thủ trưởng các ngành có liên quan ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, nêu rõ những điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề còn tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời nêu những ý kiến về chủ trương và biện pháp giải quyết.

Năm 1985, nhiều tỉnh bị thiên tai nặng nề liên tiếp, tại phiên họp ngày 28-10-1985, sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về những thiệt hại nghiêm trọng xảy ra ở nhiều tỉnh, nặng nhất là ở tỉnh Bình Trị Thiên, Hội đồng Nhà nước đã có ý kiến với Hội đồng Bộ trưởng về một số việc cần triển khai thực hiện để mau chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân các vùng bị thiên tai. Phó Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thay mặt Hội đồng Nhà nước vào Bình Trị Thiên để thăm hỏi, động viên và chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản...

Trong công tác giám sát thực hiện Pháp lệnh quy định về việc xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Hội đồng Nhà nước đã tăng cường sự phối hợp với Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nắm tình hình, trao đổi ý kiến, góp phần cùng các ngành và địa phương giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng. Tuy việc xét và giải quyết các đơn thư khiếu

nại, tố cáo ở các địa phương, các ngành đã có nhiều cố gắng, nhiều vụ được giải quyết dứt điểm, kịp thời, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và thủ trưởng các ngành ở Trung ương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Số cán bộ ở các cấp, các ngành phụ trách việc giải quyết kiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực. Do vậy, việc giải quyết các đơn thư còn hạn chế về nhiều mặt, thiếu dân chủ, thiếu khách quan.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Hội đồng Nhà nước quyết định sáu tháng một lần, Hội đồng Bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo trước Hội đồng Nhà nước tình hình công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; đề nghị các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân tích cực đôn đốc, kiểm tra tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ở các địa phương; ban hành những chỉ thị yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, giải quyết dứt điểm những vụ việc quan trọng tồn tại lâu năm, nhằm giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, các hành vi phạm pháp và các tệ nạn xã hội.

Có thể nói, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các ủy ban thường trực của Quốc hội khoá VII đã có nhiều tiến bộ so với các nhiệm kỳ Quốc hội trước. Nhưng, so với vị trí, chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quy định thì kết quả hoạt động giám sát vẫn còn hạn chế, hiệu lực chưa cao, còn nặng tính hình thức. Tại các báo cáo trước Quốc hội, Hội đồng Nhà nước luôn đề nghị các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác xét khiếu tố ở các địa phương, góp phần ổn định trật tự xã hội, đáp ứng niềm tin và lòng mong đợi của nhân dân cả nước đối với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

2. Quốc hội phê chuẩn kế hoạch nhà nước 5 năm (1981-1985) và tổng quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm

Quán triệt đường lối của Đảng về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ thực trạng yếu kém của nền kinh tế với nền sản xuất nhỏ còn phổ biến, lại bị tàn phá nặng nề của các cuộc chiến tranh liên tiếp và những tổn thất lớn vì thiên tai dồn dập, trong diễn văn quan trọng mở đầu kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã nhấn mạnh: Cần thiết phải vạch ra một chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho những năm 80 với những mục tiêu cụ thể như:

1- Oån định và tiến lên cải thiện một bước rõ rệt đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết phải giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về mặc cho toàn xã hội.

2- Khắc phục những mất cân đối nghiêm trọng nhất, tạo nguồn tích lũy đáng kể từ nội bộ nền kinh tế quốc dân, xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

3- Đáp ứng đầy đủ nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước và giữ gìn an ninh của nước nhà.

Để đạt được mục tiêu nói trên, Tổng Bí thư xác định trong những năm 80, mặt trận hàng đầu của kinh tế là đẩy mạnh nông nghiệp, thực hiện một bước quan trọng việc đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội xã hội chủ nghĩa trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý; đồng thời phải nắm vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ lớn như sau:

1. Tập trung cao độ lực lượng của các ngành, các cấp vào mặt trận hàng đầu là nông nghiệp, giải quyết một cách ổn định yêu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm cho xã hội và ra sức phát triển hàng tiêu dùng.

2. Cố gắng vượt bậc tăng nhanh xuất khẩu để nhập khẩu, góp phần khắc phục từng bước những mất cân đối, đồng thời bảo đảm thiết bị và vật tư kỹ thuật cho nhu cầu ngày càng tăng của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

3. Xây dựng có trọng điểm một số cơ sở mới và sử dụng tốt những cơ sở đã có của công nghiệp nặng và giao thông vận tải, nhằm thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và xuất khẩu, chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ về sau của nền kinh tế quốc dân.

4. Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo với tổ chức lại sản xuất và phát triển sản xuất.

5. Phát huy vai trò quan trọng của khoa học và kỹ thuật, khai thác các khả năng sẵn có và tiềm năng của nền kinh tế. Khuyến khích các ngành và cơ sở kinh tế áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nguyên liệu và vật liệu thay thế làm ra sản phẩm mới, nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực và cấp bách của nền kinh tế.

6. Cải tiến quản ký kinh tế và phân phối, lưu thông. Tổ chức lại nền sản xuất xã hội, khắc phục tình trạng phân tán, rời rạc của nền sản xuất nhỏ, hình thành các ngành kinh tế - kỹ thuật, ra sức phát triển kinh tế địa phương đi đôi với xây dựng kinh tế trung ương theo một cơ cấu hợp lý.

7. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, làm tốt hơn nữa việc xây dựng con người mới, gia đình văn hóa mới.

Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm làm chủ của mình, với tinh thần nhiệt tình cách mạng, nhân dân cả nước đã cố gắng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, cải tiến các hình thức khoán trong nông nghiệp và công nghiệp, dấy lên khí thế lao động sản xuất sôi nổi, đưa lại những thành quả bước đầu cho sự ổn định và phát triển nền kinh tế của đất nước, cải thiện từng bước đời sống nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ ba (1981-1985).

Ngày 21-12-1981, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Nguyễn Lam đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1981 và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1982. Báo cáo tập trung phân tích những thuận lợi, những nhân

tố mới quan trọng, tạo động lực đưa đất nước vượt qua những khó khăn để ổn định và phát triển nền kinh tế. Theo báo cáo của Hội đồng Bộ truởng, năm 1982 là năm có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản của năm 1982 là: Quyết tâm tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện, mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực để đưa hoạt động kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội đi vào trật tự; từng bước ổn định tình hình và tạo đà chuyển biến mạnh mẽ trong các năm sau của kế hoạch 5 năm (1981-1985); đồng thời làm tốt công tác quốc phòng, an ninh và nghĩa vụ quốc tế.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cơ bản mà Đảng và Nhà nước đã nêu ra, Hội đồng Bộ trưởng cũng đã đưa ra 10 nhiệm vụ và biện pháp chủ yếu, nhằm tạo ra thế cân đối mới của nền kinh tế, đó là:

1. Nâng cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động vươn lên bảo đảm nhu cầu cần thiết của xã hội với yêu cầu cấp bách là các ngành, các địa phương và cơ sở phải khai thác tốt mọi khả năng, vươn lên bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, tạo nguồn dự trữ và tích luỹ trong toàn bộ nền kinh tế.

2. Sắp xếp lại sản xuất, xây dựng và ổn định đời sống cho phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước, từng bước đưa nền kinh tế tiến lên trên cơ sở mới.

3. Tập trung giải quyết một bước việc sử dụng hợp lý lao động xã hội, phân bố lại lao động ở từng địa phương và trong cả nước, trước mắt là phải phấn đấu tạo việc làm và tổ chức sử dụng lao động xã hội hợp lý.

4. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu và mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc thống nhất quản lý xuất, nhập khẩu. Đồng thời khuyến khích các ngành, các địa phương đẩy mạnh xuất khẩu để tự cân đối một phần yêu cầu nhập khẩu.

5. Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới trong cả nước. Mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực, củng cố vững chắc vai trò chủ đạo của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

6. Phải nghiêm ngặt thực hành tiết kiệm. Cần giảm mạnh những khoản chi tiêu chưa có yêu cầu cấp bách để tập trung cho những yêu cầu cần thiết trước mắt.

7. Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất và xây dựng, góp phần tích cực giải quyết các khó khăn của nền kinh tế.

8. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo đảm các nhu cầu cần thiết về phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh.

9. Thiết lập trật tự mới trên lĩnh vực phân phối lưu thông theo hướng kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt sản xuất và đời sống.

10. Tiếp tục tạo ra một bước chuyển biến mạnh từ cơ chế quản lý hành chính bao cấp sang cơ chế quản lý và kế hoạch hoá theo hướng kinh doanh xã hội chủ nghĩa và hạch toán kinh tế, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ đối với sản xuất [1]

Trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng phải cụ thể hoá hơn nữa cho từng nhiệm vụ và mục tiêu, nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1982. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban: “nhân tố có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi kế hoạch là công tác quản lý và chỉ đạo điều hành. Do vậy, cần phải tập trung vào các nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng nhất, trước hết là nhiệm vụ tự lực giải quyết vấn đề lương thực”.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong năm 1981 cũng như những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn về mất cân đối từ nội bộ nền kinh tế và chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngày 29-12-1981, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1982.

Quốc hội tán thành báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1981, nhưng do nhiều chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất, về xuất khẩu và vận tải đạt thấp, công tác phân phối lưu thông có nhiều diễn biến phức tạp, nên Quốc hội đã đề nghị Hội đồng Bộ trưởng sớm tổ chức rút kinh nghiệm và có những chủ trương, biện pháp hiệu quả để ổn định tình hình và tạo chuyển biến tốt hơn trong nền kinh tế quốc dân.

Về nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1982, Quốc hội cũng thống nhất với đánh giá của Hội đồng Bộ trưởng: Kế hoạch nhà nước năm 1982 được xây dựng trong điều kiện nền kinh tế còn mất cân đối nghiêm trọng, nhu cầu ngày một tăng, nhưng trình độ sản xuất còn thấp, cơ cấu sản xuất chưa được sắp xếp hợp lý, nhiều trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu và một phần hàng tiêu dùng còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây lại là kế hoạch đầu tiên bảo đảm cho nước nhà tự lực giải quyết vấn đề lương thực. Vì vậy, Quốc hội đề nghị Hội đồng Bộ trưởng lưu ý đến công tác quản lý và điều hành, cần thấu suốt và cụ thể hoá phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khai thác mọi khả năng của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1982, trong đó có chỉ tiêu sản xuất lương thực cả nước là 16 triệu tấn.

Thông qua báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về nhiệm vụ tài chính nhà nước năm 1982 và giao trách nhiệm cho Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục điều hành nền tài chính nhà nước theo số thu, chi ước tính đã được báo cáo với Quốc hội trên tinh thần ra sức khai thác các nguồn thu và triệt để tiết kiệm chi.

Với mục tiêu ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp bách và thiết yếu nhất của đời sống nhân dân, giảm nhẹ những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế, trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm (1981-1985), thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nhân dân cả nước đã kiên trì khắc phục khó khăn, ra sức lao động sản xuất, chủ động sáng tạo mở ra cách làm ăn mới với những hình thức tổ chức, quản lý năng động đưa đến những nét chuyển biến trên mặt trận xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá và củng cố quốc phòng. Nhưng, do một số chỉ tiêu quan trọng đặt ra trong hai năm đầu của kế hoạch 5 năm đạt được không cao, trong khi đó những khó khăn phức tạp vẫn đang đặt ra, nhiều vấn đề cấp bách cần được giải quyết, như vấn đề lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren, vật giá tăng nhanh đã tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và xã hội.

Trên cơ sở nhìn lại tình hình kinh tế, xã hội những năm 1976-1980, trong báo cáo trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp tháng 3-1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu lên những mục tiêu tổng quát về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981-1985) và những năm 80 như sau:

Đáp ứng nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về mặc, về học hành, chữa bệnh, về ở, đi lại, về chăm sóc trẻ em và các nhu cầu cần tiêu dùng thiết yếu khác.

Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời tăng thêm trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế khác và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của công nghiệp nặng trong chặng đường tiếp theo.   

Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước.        

Đáp ứng các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và giữ gìn an ninh trật tự [2]

Căn cứ vào các mục tiêu tổng quát nêu trên, ngày 20-12-1982, tại kỳ họp thứ 4, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Võ Văn Kiệt đã báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1983 và mức phấn đấu đến năm 1985. Báo cáo nêu rõ: Tư tưởng chỉ đạo chung của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1983 và mức phấn đấu đến năm 1985 là: Bằng mọi cách phải tạo sự chuyển biến về kinh tế và xã hội, đưa nền kinh tế thoát ra khỏi một số khó khăn lớn, ổn định sản xuất và đời sống, giải quyết bằng được các đòi hỏi bức xúc nhất của đời sống nhân dân; đồng thời tích cực chuẩn bị tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo. Những chủ trương và biện pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1983 và ba năm tiếp theo được Hội đồng Bộ trưởng thể hiện trong báo cáo là:

Tự lực vươn lên với tinh thần làm chủ, khai thác mọi khả năng để cân đối kế hoạch một cách tích cực và vững chắc.            

Kiên quyết tập trung lực lượng để giải quyết cho được những yêu cầu quan trọng nhất, những địa bàn và đơn vị trọng điểm. Trong đó yêu cầu số một là phải giải quyết cho được vấn đề lương thực và thực phẩm, trước hết là sản xuất lương thực đủ tiêu dùng trong nước và có dự trữ cần thiết.            

Khẩn trương sắp xếp lại sản xuất và xây dựng theo hướng đầu tư tập trung cho những mục tiêu kinh tế chủ yếu, bước đầu phát huy nhanh hiệu quả đầu tư.            

Thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực phân phối lưu thông. Mở rộng mạng lưới và cải tiến phương thức kinh doanh của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trong tất cả lĩnh vực thu mua và dịch vụ.            

Khai thác tiềm năng của khoa học -kỹ thuật. Tạo điều kiện cho các công trình khoa học - kỹ thuật trọng điểm được triển khai để phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Kiên quyết đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và kế hoạch hóa, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, nhằm khắc phục tệ quan liêu, bao cấp, đưa các hoạt động kinh tế đi vào hạch toán kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.           

Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Huy động công nghiệp quốc phòng tham gia những hoạt động kinh tế, bảo đảm nhu cầu thường xuyên về hậu cần và kỹ thuật của quốc phòng, đồng thời tăng dự trữ của Nhà nước.

Từ những chủ trương, biện pháp nêu trên, báo cáo đã xác định nhiệm vụ cụ thể cho các ngành kinh tế trong kế hoạch nhà nước năm 1983 và mức phấn đấu đến năm 1985. Quốc hội đã dành nhiều thời gian để kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1982, thảo luận và quyết định thông qua kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước năm 1983 và mức phấn đấu đến năm 1985. Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần tự lực, tự cường, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1983, tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngày 28-12-1982, Quốc hội đã thông qua kế hoạch nhà nước năm 1983 với những chỉ tiêu chủ yếu như, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 10%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 9%, giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng 51%, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc là 17 triệu tấn...

Quốc hội giao trách nhiệm cho Hội đồng Bộ trưởng thi hành những biện pháp tích cực và thiết thực để sắp xếp lại sản xuất và xây dựng, khai thác tiềm năng lao động và năng lực sản xuất, tăng cường lực lượng mọi mặt của kinh tế quốc doanh, phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế gia đình phát triển đúng hướng, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt vấn đề cấp bách về đời sống... Quốc hội đề nghị Hội đồng Bộ trưởng tăng cường sự chỉ đạo thống nhất; đồng thời, phát huy tính chủ động đi đôi với đề cao tinh thần trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất, cải tiến công tác tổ chức, quản lý và điều hành, làm chuyển biến hơn nữa tình hình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân tiến lên mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân phối, lưu thông.

Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội có trách nhiệm giúp Quốc hội và Hội

đồng Nhà nước giám sát chặt chẽ các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước đã được Quốc hội thông qua.

Kế hoạch nhà nước năm 1983 được thực hiện trong điều kiện khả năng vật chất của Nhà nước không hơn năm 1982, có mặt lại khó khăn hơn do phải khắc phục từng bước các mất cân đối của nền kinh tế và những ảnh hưởng của tình hình giá cả quốc tế biến động. Trong quá trình triển khai kế hoạch phải bổ sung, sửa đổi một số chỉ tiêu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự cố gắng của toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp phong trào lao động sáng tạo của quần chúng, sự nỗ lực vượt bậc của các cơ sở, các địa phương, kế hoạch nhà nước năm 1983 đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình tiến tới ổn định tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1983 và ba năm 1981-1983, Hội đồng Bộ trưởng đã xác định: Hai năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985) có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thành các mục tiêu chủ yếu, tăng thêm tiền đề và điều kiện để đưa nền kinh tế tiến lên mạnh mẽ và vững chắc cho những năm sau. Ngày 20-12-1983, tại kỳ họp thứ 6, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Võ Văn Kiệt đã trình bày trước Quốc hội về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985.

Xác định giá trị quan trọng của kế hoạch nhà nước năm 1984 và năm 1985, Quốc hội đã động viên nhân dân tiếp tục phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cách mạng và sức mạnh làm chủ tập thể, nhằm tạo ra thế và lực mới cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời gian tới theo hướng quán triệt tốt hơn nữa đường lối chung và đường lối kinh tế được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng.

Qua kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1983, quyết định kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1984 và mức phấn đấu cho năm 1985, Quốc hội nhất trí với nhận định: Những thắng lợi mà nhân dân ta giành được trong ba năm từ 1981 đến 1983, nhất là về sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề cho bước phát triển mới của nền kinh tế quốc dân trong những năm tới. Ngày 26-12-1983, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 với những chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 9,5% so với năm 1983; giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 7% so với năm 1983; tổng sản lượng lương thực quy thóc 18 triệu tấn... Quốc hội yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm nghiên cứu những ý kiến và kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban thường trực của Quốc hội và đại biểu Quốc hội để bổ sung các biện pháp điều hành, chỉ đạo, nhằm thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước.

Năm 1984, mặc dù có nhiều khó khăn do thiên tai gây ra trên khắp các miền đất nước, cũng là năm nước ta phải tiếp tục đương đầu với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của Đảng, các thế lực thù địch. Thực hiện các nghị quyết của Đảng đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, toàn dân ta đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường ra sức lao động sản xuất để thực hiện tốt kế hoạch kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, giữ vững an ninh và trật tự xã hội, kiên quyết chiếu đấu để bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Nhờ vậy, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 đã thu được kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu đặt ra của kế hoạch, trên nhiều lĩnh vực vẫn đang có khó khăn và mất cân đối lớn, sản xuất nông nghiệp chưa vững chắc, công nghiệp phát triển chưa đều, năng suất, chất lượng và hiệu quả còn thấp, đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn. Những hạn chế đó không chỉ do thiên tai, địch họa gây ra mà còn do cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế còn ở mức thấp, năng lực về quản lý còn yếu kém nên đã có những khuyết điểm trong kế hoạch sản xuất, phân phối, lưu thông, thị trường và giá cả...

Sau khi phân tích làm rõ nguyên nhân của những việc đã làm được và những việc chưa làm được trong năm 1984, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nhất trí với những biện pháp do Hội đồng Bộ trưởng nêu ra, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, tích cực ổn định đời sống, tăng cường quốc phòng và an ninh, tiếp tục cải tiến công tác quản lý kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1985.

Ngày 27-12-1984, Quốc hội đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh tế -xã hội năm 1985; đồng thời giao trách nhiệm cho Hội đồng Bộ trưởng thi hành các chính sách và biện pháp tích cực để tiếp tục cải tiến và thực hiện cơ chế quản lý kinh tế theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1985, năm kết thúc kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ ba (1981-1985), cũng là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm (1986-1990), mặc dù nền kinh tế vẫn còn khó khăn và mất cân đối, nhưng nhờ sự cố gắng của các ngành, các cấp, với tinh thần cách mạng kiên cường của nhân dân, việc thực hiện kế hoạch nhà nước đã đạt được một số kết quả và tiến bộ mới về sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, về giáo dục, văn hóa, y tế và xã hội.

Điểm đáng chú ý là chủ trương và biện pháp cụ thể về đổi mới quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước đã được nhân dân và cán bộ các ngành, các cấp thực hiện khá sôi nổi. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giá - lương - tiền được ban hành đã tạo lòng tin và sự phấn khởi trong cán bộ và nhân dân lao động, mở ra cục diện mới trong sản xuất, kinh doanh của cả nước. Tính đến hết quý III năm 1985, nền kinh tế đang có đà phát triển tốt, song từ quý IV năm 1985, do có những khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, nên giá cả thị trường có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tế sản xuất của nhiều cơ sở bị ngừng trệ, phân phối lưu thông bị ách tắc, các nguồn thu bị giảm sút, làm gay gắt thêm tình hình bội thu ngân sách, khiến cho đời sống nhân dân càng thêm khó khăn.

Khi đánh giá về việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), Hội đồng Bộ trưởng đã khẳng định: Bên cạnh những tiến bộ mới, những nhân tố mới, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước những khó khăn gay gắt. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều chưa ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân còn rất căng thẳng. Sản xuất và xây dựng chưa được sắp xếp lại. Quan hệ sản xuất mới tuy đã hình thành nhưng còn ở trình độ thấp, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chưa được củng cố vững chắc. Lao động, đất đai và máy móc, thiết bị hiện có vẫn chưa được khai thác tốt. Chất lượng văn hóa, giáo dục chậm chuyển biến, nền pháp chế xã hội chủ nghĩa không được chấp hành nghiêm. Để thực hiện tốt kế hoạch năm 1985, đòi hỏi Nhà nước phải có những chủ trương, biện pháp tích

cực, phù hợp với thực tế để nhanh chóng đưa các mặt hoạt động kinh tế - xã hội năm 1986 vào nền nếp và tiến lên vững chắc hơn.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Võ Văn Kiệt trình bày báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986:

-Tiếp tục coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trước hết là tăng nhanh lương thực, thực phẩm, phát triển mạnh hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và các sản phẩm công nghiệp nặng then chốt phục vụ nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng và giao thông vận tải. Đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh tế đối ngoại.

-Đẩy mạnh phân công và bố trí lại lao động, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn cả nước, sử dụng tốt cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có để phát triển mạnh sản xuất và kinh doanh.

-Giải quyết tốt các vấn đề về phân phối, lưu thông, bảo đảm cho Nhà nước làm chủ thị trường, từng bước ổn định tình hình giá cả, tài chính, tiền tệ và đời sống nhân dân.

-Tiếp tục đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất trong nước với những hình thức và bước đi thích hợp.

-Hình thành cơ chế quản lý mới, đặc biệt là bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh.

-Chấn chỉnh tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, sắp xếp lại hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, bố trí lại cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý.

-Củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo các yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu đánh bại các hoạt động lấn chiếm ở biên giới và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

Ngày 24-12-1985, dựa vào kết quả nghiên cứu và thẩm tra báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã xác định: “Năm 1986 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 1986-1990, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế -xã hội trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ mà Đại hội lần thứ V của Đảng đã đề ra, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải cụ thể hoá các Nghị quyết 6, 7, 8 và 9 của Trung ương Đảng, đưa các nghị quyết đó vào thực tiễn của cuộc sống, đi vào hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ tình trạng tập trung quan liêu bao cấp. Do đó, nhiệm vụ kế hoạch năm 1986 là vô cùng nặng nề và phức tạp”[3] . Thực hiện sự ủy quyền của Quốc hội, Ủy ban đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng điều quan trọng đầu tiên có tính chất quyết định trong chỉ đạo thực hiện có kết quả kế hoạch nhà nước năm 1986 là phải sớm xử lý và ổn định được vấn đề giá - lương - tiền một bước căn bản.

Ngày 28-12-1985, sau khi nghe thuyết trình của Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách, thuyết trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban thường trực và các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua nghị quyết tán thành báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1985 và thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986 với các chỉ tiêu cụ thể.

Quá trình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986 diễn ra trong tình hình đất nước đang còn nhiều khó khăn, “Vật tư, hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và đời sống còn mất cân đối lớn; những sai lầm về điều chỉnh giá - lương - tiền tác động mạnh; thiên tai nặng nề hơn mọi năm; cơ chế quản lý mới chưa được hình thành, nhiều chính sách đòn bẩy có ý nghĩa cấp bách chưa được nghiên cứu ban hành. Trong khi đó, sự điều hành lại thiếu tập trung, khối lượng công tác phải giải quyết rất lớn mà thiếu sự kết hợp giữa các vấn đề cấp bách với việc tiến hành Đại hội Đảng ở các cấp”[4]. Tại kỳ họp thứ 11, từ ngày 24 đến 30-6-1986, trên tinh thần nghiêm túc, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận các báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1986, tình hình thực hiện Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giá - lương - tiền và những biện pháp cấp bách, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 8 trong thời gian tới. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích, đề xuất những chủ trương và biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao kỷ cương của Nhà nước, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân.

Quốc hội đã động viên toàn dân và toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1986, từng bước đưa nền kinh tế dần đi vào ổn định. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, các chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế của năm 1986 so với năm 1985 đã có sự chuyển biến, trong đó tổng sản phẩm xã hội tăng 4,2%, thu nhập quốc dân tăng 4,3%, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 5,6%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 1,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5 đến 8%.

Tuy nhiên, so với khả năng sẵn có và công sức đầu tư bỏ ra thì nền kinh tế vẫn còn nhiều mặt yếu kém, sản xuất vẫn tăng chậm, ngân sách và tiền mặt bội chi lớn, giá cả tăng nhanh, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hạn chế nêu trên đã được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Võ Văn Kiệt báo cáo tại kỳ họp thứ 12 của Quốc hội họp ngày 24-12-1986 như sau:

Một là, kế hoạch năm 1986 được đề ra trong khi nhiều loại vật tư, nguyên liệu vẫn mất cân đối lớn, dự trữ hầu như không đáng kể, nhiều cơ chế, chính sách chưa được xác định rõ. Mặt khác, lại chưa dự kiến hết những diễn biến phức tạp của tình hình, đánh giá khả năng cân đối không chắc, nên một số chỉ tiêu bố trí cao và thiếu đồng bộ về các biện pháp thực hiện.

Hai là, về giá - lương - tiền, tuy Hội đồng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian để xử lý, nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả mong muốn, trật tự, kỷ cương về tài chính, tiền tệ, giá cả vẫn chưa lập lại được.

Ba là, việc cung ứng vật tư còn nhiều lộn xộn do cơ chế luôn luôn thay đổi; quan hệ giữa ngành và địa phương không thông suốt nên việc ký kết hợp đồng gặp nhiều khó khăn; vật tư không trực tiếp đến tay người sản xuất, bị phân tán, mất mát qua nhiều khâu trung gian tạo sơ hở cho bọn đầu cơ buôn bán lợi dụng. Tình trạng phổ biến là không quyết toán được vật tư, việc sử dụng vật tư bị phân tán và còn nhiều lãng phí, không đáp ứng mục tiêu kế hoạch. Nhà nước chưa có chính sách thích hợp để thực hiện quyền quản lý thống nhất ngoại thương, ngoại tệ, không nắm được số ngoại tệ cần thiết để nhập vật tư, nguyên liệu, trong khi đó nhiều ngành, nhiều địa phương nắm giữ ngoại tệ, nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa cấp bách.

Bốn là, kỷ cương, pháp chế quá lỏng lẻo trong việc chấp hành các chỉ tiêu kế hoạch, các chính sách, chế độ nhà nước. Tình hình tiêu cực xã hội không giảm

bớt mà có xu hướng tăng lên. Hiệu lực của các cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa được phát huy đúng mức.

Công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong việc thực hiện kế hoạch năm 1986 còn bộc lộ nhiều nhược điểm. Có nhiều chính sách cụ thể không được xử lý nhất quán, trong điều hành thì ứng phó, bị động và thiếu kiên quyết, dứt khoát. Các công cụ quản lý kinh tế như kế hoạch, chính sách đòn bẩy kinh tế chưa được hình thành hoàn chỉnh, kế hoạch không thực sự đóng vai trò trung tâm của cơ chế quản lý.

Việc đánh giá khuyết điểm, yếu kém từ công tác quản lý và điều hành của Hội đồng Bộ trưởng đã thể hiện thái độ khách quan có trách nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng theo đúng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” để tìm những biện pháp khắc phục, xác định nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu để thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, trước mắt là kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1987.

Để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng mất cân đối, yêu cầu đặt ra là phải dứt khoát sắp xếp lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI của Đảng tháng 12-1986 đã nêu rõ: Trước mắt là trong kế hoạch 5 năm (1986-1990) phải thật sự tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu để đến khi kết thúc chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ phải đạt được kết quả, cụ thể:

Về lương thực - thực phẩm: Bảo đảm lương thực đủ ăn cho toàn xã hội và có dự trữ. Đáp ứng một cách ổn định nhu cầu thiết yếu về thực phẩm. Mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm tái sản xuất sức lao động.

Về hàng tiêu dùng: Sản xuất đáp ứng nhu cầu bình thường của nhân dân thành thị và nông thôn về những sản phẩm công nghiệp thiết yếu.                        

Về hàng xuất khẩu: Tạo được một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; đạt kim ngạch xuất khẩu đáp ứng được phần lớn nhu cầu nhập khẩu vật tư, máy móc, phụ tùng và những hàng hóa cần thiết.

Thực hiện ba chương trình về lương thực -thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu là nhiệm vụ trung tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các ngành, các cấp.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã báo cáo với Quốc hội về nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1987. Trong đó nhấn mạnh về ba chương trình kinh tế lớn là lương thực -thực phẩm, phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu; về phát triển các ngành công nghiệp nặng và giao thông vận tải phục vụ ba chương trình kinh tế; về phân phối, lưu thông và đời sống; về đầu tư xây dựng cơ bản; về dân số và lao động; về khoa học - kỹ thuật...

Ngày 29-12-1986, Quốc hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1987 và yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng “thật sự đổi mới công tác điều hành, công tác tổ chức cán bộ, có những biện pháp đặc biệt, cấp bách để tiếp tục giải quyết những vấn đề tài chính, tiền tệ, giá cả, tiền lương, cung ứng vật tư - kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ bản, xuất -nhập khẩu, ngoại tệ, giao thông vận tải; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1987 nhằm ổn định một bước tình hình kinh tế, xã hội”[5]

Cùng với việc phê chuẩn kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, Quốc hội cũng đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

-Ngày 29-12-1980, Quốc hội đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1980 với tổng số thu là 11.882.291.498 đồng. Tổng số chi là 12.002.827.675 đồng.

-Ngày 28-12-1982, Quốc hội đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1981 với tổng số thu là 22.786.919.451 đồng. Tổng số chi là 26.914.620.294 đồng. Bội chi là 4.127.700.843 đồng.

-Ngày 28-11-1983, Quốc hội đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1982 với tổng số thu là 56.638.059.698 đồng; tổng số chi là 61.233.545.205 đồng. Bội chi là 4.595.485.507 đồng.

- Ngày 27-12-1984, tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1983 được Quốc hội phê chuẩn với tổng số thu là 75.043.827.487 đồng; tổng số chi là 77.998.943.149 đồng. Bội chi là 2.955.115.662 đồng.  

- Ngày 28-12-1985, tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1984 được Quốc hội thông qua với tổng số thu là 111.398.143.908 đồng. Tổng số chi là 115.448.523.353 đồng. Bội chi là 4.050.379.445 đồng.

-Ngày 29-12-1986, tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1985 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số thu là 25.341.457.801 đồng; và tổng số chi là 34.609.999.042 đồng; bội chi là 9.268.541.241 đồng.

3. Quốc hội với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Quốc hội với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Căn cứ tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển đất nước, Quốc hội kêu gọi các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ và sức mạnh tổng hợp của cả nước, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phấn đấu tạo ra những chuyển biến mới về kinh tế - xã hội, bảo đảm các nhu cầu cần thiết về phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh; đồng thời luôn nêu cao cảnh giác, chống cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch.

Ngày 30-12-1981, trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá VII, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh nhấn mạnh: “Cần tiếp tục củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu nâng cao hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết trừng trị bọn phản cách mạng, bọn xâm lấn, gián điệp, bọn phá hoại dưới mọi hình thức”[6].

Hoạt động trong bối cảnh đất nước vừa có hoà bình, vừa có nguy cơ xảy ra chiến tranh và thực tế đang phải đương đầu với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (3-1982) của Đảng xác định: Phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại dựa trên cơ sở không ngừng củng cố và tăng cường chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động về mọi mặt. Chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tăng cường đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VII được tiến hành sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng thành công tốt đẹp. Với ý thức phấn đấu để Quốc hội thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyết định những vấn đề lớn của Nhà nước, tại kỳ họp, Quốc hội đã tập trung thảo luận báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng; từ đó đề ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải tiến từng bước khâu lưu thông phân phối, động viên nhân dân cả nước khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đến những thắng lợi mới.

Bước sang năm 1983, trong điều kiện tài chính, tiền tệ, giá cả thị trường đang diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn đang liên tiếp thực hiện âm mưu và hành động phá hoại, khiêu khích và lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Tại kỳ họp thứ 5, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã động viên và khích lệ đồng bào cả nước quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, đẩy mạnh quan hệ sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững an ninh về mọi mặt. Chủ tịch đã khẳng định: Với sức mạnh tinh thần và vật chất của cả nước, với truyền thống đoàn kết, quân và dân ta không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu thâm độc và tính chất ngoan cố của địch, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, góp phần bảo vệ an ninh của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình.

Ngày 29-6-1984, thay mặt đồng bào cả nước, Quốc hội khoá VII đã gửi thư khen ngợi đồng bào và chiến sĩ các tỉnh biên giới phía Bắc, tuyến đầu của Tổ quốc đã lao động quên mình, chiến đấu anh dũng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, Quốc hội cũng kêu gọi các ngành, các địa phương nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao trên tinh thần hướng về biên cương của Tổ quốc để xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện tốt nhất cho quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đang phải ngày đêm đối mặt với kẻ thù xâm lược. Quốc hội nhiệt liệt biểu dương chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân đã chịu đựng gian khổ, anh dũng bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Để động viên sức mạnh của cả nước, ngày 27-12­1984, tại kỳ họp thứ 8, sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế -xã hội năm 1984 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế -xã hội năm 1985, Quốc hội khoá VII đã thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1985. Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, hăng hái lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thực hiện nếp sống lành mạnh, cần kiệm, văn minh, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong đời sống xã hội, sẵn sàng đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; ra sức thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1985, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Quốc hội phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Công tác quản lý hành chính được xác định là nhân tố có tính chất quyết định của công tác tổ chức và chỉ đạo điều hành của Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 21-12­1981, Hội đồng Bộ trưởng đã trình Quốc hội về việc sáp nhập xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé vào huyện Đa Houai, tỉnh Lâm Đồng bởi lý do: Xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé, nhưng do bị ngăn cách bởi sông Đồng Nai, nên việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân từ xã đến huyện lỵ gặp nhiều khó khăn. Nếu đưa xã Đồng Nai về huyện Đa Houai, tỉnh Lâm Đồng sẽ thuận tiện hơn cho việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân.

Theo kế hoạch, nếu xã Đồng Nai được sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng thì sẽ trở thành một trong những trọng điểm lương thực và thực phẩm của tỉnh. Việc chuyển giao xã Đồng Nai cho tỉnh Lâm Đồng quản lý sẽ giúp cho việc phân định ranh giới giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Sông Bé được rõ ràng, công tác quản lý hành chính và phát triển kinh tế cũng được thuận lợi. Hơn nữa, xã Đồng Nai trước đây cũng là một xã thuộc tỉnh Lâm Đồng cũ, nên việc giao xã này cho tỉnh Lâm Đồng là phù hợp với tâm tư, tình cảm của nhân dân địa phương. Sau khi nghiên cứu ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh Sông Bé và Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ngày 29-12-1981, Quốc hội khoá VII đã ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé vào huyện Đa Houai, tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp đó, ngày 20-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng đã trình Quốc hội về việc chuyển giao huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cho tỉnh Phú Khánh với lý do: tỉnh Phú Khánh có điều kiện thuận lợi hơn tỉnh Đồng Nai trong việc quản lý và bảo đảm hậu phương cho huyện Trường Sa. Cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Phú Khánh lại là căn cứ chính tiếp tế và liên lạc với huyện Trường Sa. Trên thực tế đã hình thành mối quan hệ giữa tỉnh Phú Khánh và huyện Trường Sa. Việc sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh hợp lý cả về trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai và tỉnh Phú Khánh, ngày 28-12-1982, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai vào tỉnh Phú Khánh theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng.

Việc phân vạch địa giới hành chính các tỉnh, thành phố một cách hợp lý vừa tạo điều kiện cho các địa phương có một địa giới thích đáng, vừa góp phần tạo ra nguồn tài nguyên và nhân lực cần thiết để phát triển công nghiệp và nông nghiệp một cách toàn diện.

4. Tăng cường quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hợp tác hữu nghị song phương và đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới

Với ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ hoà bình của các dân tộc, trong hoạt động đối ngoại, Quốc hội khoá VII luôn tuân thủ một nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hoà bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.

Ngày 23-6-1981, nhân kỷ niệm 40 năm ngày phát xít Đức tiến công Liên Xô, Hội đồng Xôviết tối cao Liên Xô đã gửi thư kêu gọi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới ra sức góp phần vào cuộc đấu tranh của các dân tộc và nhân dân thế giới vì những mục tiêu cao cả của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Ngày 4-7-1981, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoàn toàn tán thành và ra bản tuyên bố hưởng ứng lời kêu gọi của Xôviết tối cao Liên Xô: “Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam nguyện sát cánh với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác, các nước yêu chuộng hoà bình và cả loài người tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chính sách hiếu chiến, xâm lược và bành trướng, bá quyền của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế, vì một khu vực Đông Nam Á hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác, vì nền hoà bình chung bền vững trên hành tinh của chúng ta”[7] .

Trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ điên cuồng tập hợp các lực lượng phản động, thi hành đường lối đối đầu, mưu toan giành ưu thế về quân sự, đẩy mạnh chuẩn bị chiến tranh hạt nhân, đồng thời phản kích phong trào cách mạng trên nhiều khu vực, với mong muốn tích cực hành động vì hoà bình, an ninh và hợp tác quốc tế, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoàn toàn ủng hộ những sáng kiến hoà bình, thể hiện đường lối đối ngoại có tính nguyên tắc của Liên Xô, nhằm bảo đảm hoà bình, an ninh chung và tương lai của nhân loại.

Quốc hội nhiệt 1à hoàn toàn nhất trí với quyết định ngày 25-6-1984 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thực hiện các quyết định của hội nghị cấp cao về kinh tế của các nước thành viên Hội đồng Tương trợ kinh tế họp tại Mátxcơva từ ngày 12 đến ngày 14-6-1984. Cùng với toàn thể nhân dân Việt Nam, Quốc hội nguyện sát cánh với Liên Xô, các nước yêu chuộng hoà bình và cả loài người tiến bộ kiên quyết đấu tranh giữ gìn và củng cố hoà bình, loại trừ nguy cơ chiến tranh đang đe doạ các dân tộc. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân toàn thế giới.

Tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại có nguyên tắc của Đảng, Quốc hội đã sử dụng diễn đàn Liên minh Quốc hội để nói lên lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình, bác bỏ sự tuyên truyền xuyên tạc của bọn đế quốc và phản động quốc tế, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của nước ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thắt chặt tình hữu nghị và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa là vấn đề hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Trong nhiệm kỳ hoạt động, ngoài việc đón tiếp và tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hữu nghị chính thức các nước, nhằm tăng cường tình đoàn kết với các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới, Quốc hội cũng đã thực hiện tốt quan hệ hợp tác trong khuôn khổ những hiệp ước và hiệp định; đồng thời phê chuẩn nhiều hiệp ước quốc tế nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng phát triển trong quá trình phối hợp kế hoạch và chính sách giữa các nước; bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước.

Thăm và đón tiếp khách nước ngoài

Từ ngày 1 đến ngày 10-11-1981, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đại biểu Quốc hội Mai Chí Thọ làm Trưởng đoàn đi thăm hữu nghị Nhật Bản theo lời mời của Hội Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Đoàn đã giới thiệu với chính quyền và một số đoàn thể Nhật Bản về lập trường của Nhà nước ta đối với một số vấn đề quốc tế, nhất là đối với vấn đề Đông Nam Á mà dư luận Nhật Bản quan tâm.

Tháng 5-1983, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị và Đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đi nghiên cứu kinh nghiệm công tác của Xôviết tối cao Liên Xô và Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Bungari...

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Irắc, do Phó Tổng thống Irắc dẫn đầu (19-1­1982). Tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Ấn Độ (13-2-1982); Cônggô (31-3-1982). Tiếp Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Bungari (11-9-1982). Tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Campuchia do đồng chí Chia Xim, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Campuchia dẫn đầu thăm chính thức nước ta (20-11-1982).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc do Chủ tịch Quốc hội Alôixơ Inđơra, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc dẫn đầu sang thăm chính

thức hữu nghị nước ta từ ngày 1 đến ngày 6-3-1983. Những cuộc nói chuyện và hội đàm trên tình đồng chí đã khẳng định sự nhất trí hoàn toàn về quan điểm giữa hai nước và quyết tâm tiếp tục phát triển, tăng cường quan hệ anh em và sự hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa Tiệp Khắc và Việt Nam. Tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Cuba do Chủ tịch Quốc hội Phơlaviô Bravô Parơdô, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Cuba dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta từ ngày 18 đến ngày 24-10-1983. Tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Mông Cổ do đồng chí Đamtríchghin Môlômgiamxơ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ, đại biểu Quốc hội, dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta từ ngày 12 đến ngày 18-11-1983. Cuộc đi thăm của hai đoàn đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam -Cuba và Việt Nam -Mông Cổ.

Từ ngày 6 đến ngày 9-1-1984, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh dẫn đầu thăm và dự lễ kỷ niệm lần thứ 5 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Campuchia; từ ngày 12 đến ngày 15-2-1984, sang Liên Xô dự lễ tang đồng chí I.V.Anđrôpốp, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô; sang thăm Ấn Độ và dự lễ tang Thủ tướng Inđira Găngđi từ ngày 2 đến ngày 5-11-1984.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội các nước Bungari, Rumani, Pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị chính thức Bungari (từ ngày 26-3 đến 2-4-1984), Rumani (từ ngày 2 đến 9-4-1984) và Pháp (từ ngày 16 đến 21-4-1984). Ngày 25-4-1984, trên đường về nước, dừng lại ở Mátxcơva, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đã đến chào và chúc mừng đồng chí L.Tôncunốp và đồng chí A.Vêxơ vừa được bầu làm Chủ tịch Viện Liên bang và Chủ tịch Viện Dân tộc Xôviết tối cao Liên Xô.

Từ ngày 21 đến ngày 28-3-1985 nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội các nước, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ làm Trưởng đoàn cùng các đại biểu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Thị Yến và Vù Mí Kẻ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội; Lê Trang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã lần lượt đi thăm hữu nghị chính thức Anbani, Cuba, Mêhicô, Nicaragoa và Liên Xô.

Tại Cuba, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba đều hoàn toàn nhất trí ủng hộ đường lối và hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam, đồng thời khẳng định chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, ASEAN là đúng đắn, khôn khéo, có thiện chí và đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với cách mạng

ở Mỹ Latinh. Đoàn Việt Nam đã trình bày với đoàn cán bộ cấp cao Mêhicô về tình hình Việt Nam, vấn đề Campuchia, quan hệ Việt Nam -Trung Quốc và lập trường thiện chí của Việt Nam; thông báo với Nicaragoa về tình hình xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ, đặc biệt ủng hộ hoàn toàn chính sách đối ngoại của Nicaragoa.

Tại Liên Xô, hai Chủ tịch Viện Liên bang và Viện Dân tộc Xôviết tối cao Liên Xô đã chủ trì đón tiếp và hội đàm với Đoàn Việt Nam, thông báo cho Việt Nam về quan hệ Xô - Mỹ, Xô - Trung và Đông Nam Á. Đối với vấn đề Đông Nam Á, Liên Xô bày tỏ quan điểm ủng hộ những sáng kiến của ba nước Đông Dương nhằm bình thường hóa tình hình và đóng góp vào sự ổn định ở Đông Nam Á và thế giới. Chuyến đi thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã được Liên Xô đón tiếp trọng thị. Hoạt động của Đoàn Việt Nam đã đạt được yêu cầu là tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam.

Từ ngày 3 đến ngày 10-10-1985, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ làm Trưởng đoàn và các đoàn viên Huỳnh Cương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Phùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội; Trần Thị Nhị Hường, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội; Lê Trang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã lần lượt đi thăm hữu nghị chính thức Tiệp Khắc (từ ngày 3 đến ngày 8-10-1985) theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Aroixơ Inđôria.

Trong các cuộc tiếp xúc và hội đàm giữa hai đoàn, Việt Nam đã thông báo cho Tiệp Khắc tình hình đối nội và đối ngoại của Việt Nam, về tình hình Đông Nam Á và chủ trương của ba nước ở Đông Dương nhằm giải quyết vấn đề Campuchia theo hướng hòa bình và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến đi thăm Tiệp Khắc của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Đoàn đi thăm Hunggari (từ ngày 9 đến ngày 13-10-1985) theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Xáclốt Ítvan.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Hunggari đã thông cảm với những khó khăn và hoàn toàn ủng hộ đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đoàn đi thăm Cộng hòa dân chủ Đức (từ ngày 14 đến ngày 21-10-1985) theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Xinđôman. Trong hội đàm chính thức, Đoàn Quốc hội Việt Nam đã thông báo với phía Cộng hòa dân chủ Đức về chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam, những chuyển biến bước đầu trong quản lý kinh tế theo cơ chế hạch toán kinh doanh và nhấn mạnh những sáng kiến hòa bình nhằm biến Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác.

Chuyến đi thăm chính thức của các Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã giúp cho các nước hiểu rõ thêm tình hình và hoàn toàn ủng hộ đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam, sẵn sàng tăng cường quan hệ về các mặt, nhất là khả năng hợp tác kinh tế và hoàn toàn ủng hộ những sáng kiến của Việt Nam, của ba nước Đông Dương nhằm đẩy mạnh xu thế đối thoại giải quyết hòa bình về các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á.

Từ tháng 7-1984 đến tháng 12-1984 đã có sáu đoàn khách nước ngoài sang thăm hữu nghị chính thức nước ta: Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Môdămbích (27­7-1984); Đoàn đại biểu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thụy Điển (từ ngày 5 đến ngày 8-9-1984); Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ Đức (từ ngày 22 đến ngày 26-10-1984); Đoàn đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô (từ ngày 12 đến ngày 17-11-1984); Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Hunggari (từ ngày 19 đến ngày 23-11-1984); Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (từ ngày 20 đến ngày 26-12-1984).

Năm 1985, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 11 đoàn khách nước ngoài sang thăm hữu nghị nước ta, trong đó có Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa nhân dân Campuchia. Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cuba do Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Anmâyđa Bốtxkê làm trưởng đoàn (từ ngày 4 đến ngày 9-12-1985). Đoàn nghị sĩ Pháp gồm đại diện Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản, Đảng Tập hợp vì nền cộng hòa và Đảng Liên minh vì nền dân chủ thuộc Uỷ ban Văn hóa, Gia đình và Xã hội trong Quốc hội Pháp do ông Bécna Báctơn làm trưởng đoàn (từ ngày 10 đến ngày 15-9-1985). Đoàn đại biểu Liên minh Quốc hội Ảrập gồm đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước Angiêri, Irắc, Xyri, Cộng hòa Ảrập Yêmen và Tổ chức Giải phóng Palextin, do ông Ápđen Rátman Burauy, Tổng Thư ký của Liên minh làm trưởng đoàn (từ ngày 21 đến ngày 23-10-1985).

Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội

Từ ngày 15 đến ngày 23-9-1981, Đoàn đại biểu của Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do Chủ tịch Ban Chấp hành Phan Anh dẫn đầu, cùng các thành viên Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Thị Linh Quy, Lê Văn Thới, đi dự Đại hội lần thứ 68 của Liên minh Quốc hội họp tại La Habana (Cuba); dự Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Quốc hội họp tại La Gốt (Nigiêria) từ ngày 15 đến ngày 21-4-1982. Đoàn đại biểu Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn đại biểu các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tiến bộ vạch trần thái độ xấu của đại biểu Mỹ xuyên tạc, vu cáo Việt Nam và Liên Xô, góp phần tích cực vào sự thành công của hội nghị.

Từ ngày 12 đến ngày 25-9-1982, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị mùa Thu của Liên minh Quốc hội lần thứ 69 tại Rôma (Italia). Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn đại biểu của các nước xã hội chủ nghĩa tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chung về giải trừ quân bị, nêu lên những quan điểm của ta về vấn đề thuộc khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đã đưa ra một số kiến nghị bổ sung vào các nghị quyết của hội nghị về vấn đề giải trừ quân bị, về chống chiến tranh hoá học, về bảo vệ môi trường và vấn đề phi thực dân hoá. Đoàn cũng đã tiếp xúc rộng rãi để vận động cho việc Campuchia chuẩn bị xin gia nhập Liên minh Quốc hội.

Từ ngày 1 đến ngày 2-3-1983, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia Hội nghị tư vấn đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Buđapét; tham gia Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Quốc hội họp tại Henxinky (Phần Lan) từ ngày 23 đến ngày 30-3-1983. Tại hội nghị, Đoàn Quốc hội Việt Nam đã hoạt động rất tích cực, được các nước xã hội chủ nghĩa và các nước không liên kết hoan nghênh. Các nội dung hoạt động của Đoàn không chỉ có tác dụng đối với vấn đề Việt Nam mà còn có tác dụng chung đối với các vấn đề khác như vấn đề Campuchia, vấn đề Ápganixtan, vấn đề đấu tranh đòi chuyển địa điểm họp Hội nghị mùa Thu lần thứ 70 của Liên minh Quốc hội.

Từ ngày 22 đến ngày 23-12-1984, lần đầu tiên Hội nghị tư vấn Trưởng đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã đánh giá hoạt động của Liên minh Quốc hội và nghiêm khắc lên án một số nghị quyết của Hội nghị Liên minh Quốc hội mùa Thu năm 1983 là sai trái với tinh thần và truyền thống của Liên minh Quốc hội, xem xét các biện pháp cần tiến hành tại Hội nghị Giơnevơ nhằm duy trì và phát triển hoạt động của Liên minh Quốc hội theo hướng hòa bình, giải trừ quân bị và hợp tác giữa các nước.

Từ ngày 11 đến ngày 13-2-1986, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị tư vấn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa tại Vácxôvi (Ba Lan) và dự Hội nghị Liên minh Quốc hội tại Mêhicô từ ngày 29-3-1986...

Trao đổi điện với nước ngoài

Ngày 6-9-1982, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã gửi điện trả lời Chủ tịch Phiđen Caxtơrô Rudơ (Cuba) về việc nước ta ủng hộ vấn đề chuyển địa điểm tổ chức Hội nghị cấp cao các nước Không liên kết và ủng hộ việc chọn NiuĐêli (Ấn Độ) để tổ chức hội nghị; gửi điện tới Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palextin (PLO) Yatxe Araphát, khẳng định tình đoàn kết chiến đấu và sự ủng hộ mạnh mẽ trước sau như một của nhân dân và Nhà nước Việt Nam đối với nhân dân Palextin trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và bọn xiônít Ixraen để giành lại quyền dân tộc thiêng liêng của mình (22-9-1982); gửi điện trả lời Chủ tịch Phiđen Caxtơrô Rudơ về việc nhân dân và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng ủng hộ nhân dân Môdămbích chống lại âm mưu và hành động đe dọa xâm lược của nhà cầm quyền Nam Phi đối với Môdămbích (3-12­1982); trả lời thư của Chủ tịch Phong trào các nước Không liên kết Phiđen Caxtơrô về tình hình nghiêm trọng ở quần đảo Manvinát do đế quốc Anh được sự ủng hộ tích cực của đế quốc Mỹ gây ra (18-5-1982).

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã khẳng định lập trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công nhận chủ quyền của Cộng hòa Áchentina đối với quần đảo Manvinát, nghiêm khắc lên án và đòi Anh, Mỹ phải chấm dứt những hành động xâm lược, phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Áchentina.

Ngày 28-4-1983, Chủ tịch Trường Chinh đã có điện trả lời Chủ tịch Hội đồng Chính phủ xây dựng lại đất nước Nicaragoa, cực lực lên án và đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt ngay chính sách hiếu chiến và đầy tội ác chống nhân dân Nicaragoa, chống nhân dân các nước Mỹ Latinh và Caribê; đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ chính sách đối ngoại hòa bình và những cố gắng to lớn của Nicaragoa nhằm đạt được một giải pháp đúng đắn cho cuộc xung đột ở Trung Mỹ; gửi điện chào mừng Hội nghị quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nammibia tổ chức tại Pari (25-4-1983).

Đặc biệt, ngày 3-7-1983, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng đã hưởng ứng bản Tuyên bố chung ngày 28-6-1983 của Hội nghị cấp cao các nước thành viên Hiệp ước Vácsava, lên án đế quốc Mỹ và các thế lực hiếu chiến khác đang ra sức đẩy mạnh chạy đua vũ trang, tiến hành các chiến dịch chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, can thiệp và đe dọa độc lập, an ninh của các dân tộc, làm cho tình hình thế giới thêm nghiêm trọng.

Hội đồng Nhà nước phê chuẩn các hiệp ước, hiệp định với nước ngoài, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng:

                        Ngày 31-3-1981, phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Đức ký tại Hà Nội ngày 15-12-1980.

                        Ngày 16-6-1981, phê chuẩn Công ước về quy chế pháp chế, quyền ưu đãi và miễn trừ của các tổ chức kinh tế liên quốc gia hoạt động trong những lĩnh vực hợp tác nhất định ký tại Buđapét (Hunggari) ngày 5-12-1980.

                        Ngày 27-8-1981, phê chuẩn Nghị định thư bổ sung các Công ước Giơnevơ ngày 12-8-1949 về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang quốc tế.

                        Ngày 28-10-1981, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Cuba.

                        Ngày 27-11-1981, phê chuẩn Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

                        Ngày 22-10-1982, phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết.

                        Ngày 30-11-1982, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Cuba.

                        Ngày 14-12-1982, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp.

                        Ngày 30-3-1983, phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc.

                        Ngày 31-8-1983, phê chuẩn Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Cộng hòa nhân dân Campuchia.

                        Ngày 31-3-1984, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam với Nicaragoa, ký tại Managoa ngày 6-9-1983.

                        Ngày 27-2-1985, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Hunggari.

                        Ngày 26-3-1985, phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Cuba, giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Hunggari.

                        Ngày 21-12-1985, phê chuẩn Công ước quốc tế về viễn thông được thông qua tại Đại hội toàn quyền của Liên minh viễn thông quốc tế (UNIT) họp tại Nairobi (Kênya) năm 1982 mà Chính phủ Việt Nam đã ký với lời tuyên bố bảo lưu ghi số 48 trong Nghị định thư cuối cùng kèm theo Công ước.

                        Ngày 30-1-1986, phê chuẩn Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, ký tại Phnôm Pênh ngày 27-12-1985.

                        Ngày 30-1-1986, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký tại Viêng Chăn ngày 20-11-1985.

                        Ngày 1-4-1986, phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký ngày 18-7-1977.

                        Ngày 28-4-1987, phê chuẩn Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, ký tại Bombay ngày 25-3-1980.

 

Các hiệp ước, hiệp định nêu trên được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn và đã báo cáo trước các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình và nhất trí thông qua.

5. Bổ sung đại biểu Quốc hội, bổ sung và thay đổi một số thành viên của hội đồng nhà nước, Chủ nhiệm một số ủy ban thường trực của Quốc hội, hội đồng bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân nhân tối cao

Căn cứ vào báo cáo của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu, tại kỳ họp thứ nhất (6-1981), Quốc hội khóa VII đã xác nhận tư cách của 496 đại biểu trúng cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VII, ngày 26-4-1981. Nhưng, do một số đại biểu Quốc hội từ trần, nên trong phiên họp tháng 6-1982, Hội đồng Nhà nước đã quyết định để các đơn vị khuyết đại biểu được tổ chức việc bầu cử bổ sung và thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khóa VII để phụ trách việc bầu cử theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Thi hành quyết định của Hội đồng Nhà nước, từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11-1982, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghĩa Bình, An Giang, Sơn La, Gia Lai - Kon Tum đã khẩn trương chuẩn bị việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khoá VII để thay cho một số đại biểu Quốc hội đã từ trần. Việc tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khoá VII được các địa phương tổ chức chu đáo, bảo đảm đúng nội quy và thể lệ bầu cử. Việc kiểm phiếu được tiến hành công khai có sự giám sát của đại diện cử tri và đạt kết quả tốt đẹp.

Căn cứ vào Điều 88 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 7 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, ngày 20-12-1982, Quốc hội đã xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hoàng Cầm trúng cử ở Thanh Hóa, thay đại biểu Hoàng Minh Thi; đại biểu Quốc hội Tô Đình Cơ trúng cử ở Nghĩa Bình, thay đại biểu Võ Văn Định; đại biểu Quốc hội Đặng Hồi Xuân trúng cử ở Hải Phòng, thay đại biểu Tôn Thất Tùng; đại biểu Quốc hội Châu Ninh trúng cử ở An Giang, thay đại biểu Vũ Văn Cẩn; đại biểu Quốc hội Quang Trung (Quàng Văn Anh) trúng cử ở Sơn La, thay đại biểu Hoàng Chim; đại biểu Quốc hội Phạm Xong (tức Phạm Hồng) trúng cử ở Gia Lai - Kon Tum thay đại biểu Võ Trung Thành.

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khoá VII được tiến hành đúng theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các danh sách cử tri đã được lập theo đúng thể thức do luật định. Những đại biểu trúng cử trong cuộc bầu cử bổ sung đều có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Về thay đổi một số thành viên Hội đồng Nhà nước và một số thành viên ủy ban thường trực của Quốc hội

Ngày 28-6-1982, Quốc hội đã quyết định:

Ông Xuân Thủy, thôi giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Ông Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước.

Ông Huỳnh Tấn Phát giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ông Vũ Quang giữ chức Ủy viên Hội đồng Nhà nước, thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ông Lê Thanh Đạo, Ủy viên Hội đồng Nhà nước giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ông Dương Quốc Chính giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội, thay bà Nguyễn Thị Định thôi giữ chức vụ này.

-Ngày 6-7-1981, Hội đồng Nhà nước đã công bố Nghị quyết số 01-NQ/HĐNN7 về tổ chức, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Theo nghị quyết, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là cơ quan giúp việc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các hội đồng và ủy ban của Quốc hội; đồng thời công bố Nghị quyết số 02-NQ/HĐNN7 về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Dũng giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Về việc bổ nhiệm các chức vụ của Hội đồng Bộ trưởng

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980; Điều 28 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng sau đây:

-Ông Võ Văn Kiệt giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, thay ông Nguyễn Lam thôi giữ chức. Ông Đồng Sỹ Nguyên thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng để giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Đinh Đức Thiện thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Vũ Đình Liệu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thay ông Võ Chí Công thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Trần Phương thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương để giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Phan Ngọc Tường giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Lê Đức Thịnh giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ông Nguyễn Chí Vu giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, thay ông Trần Hữu Dư thôi giữ chức Bộ trưởng. Ông Chu Tam Thức giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay ông Hoàng Anh thôi giữ chức Bộ trưởng. Ông Hoàng Đức Nghi giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư, thay ông Trần Sâm thôi giữ chức Bộ trưởng. Ông Đặng Hồi Xuân giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, thay ông Vũ Văn Cẩn thôi giữ chức Bộ trưởng. Ông Đặng Hữu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật, thay ông Lê Khắc thôi giữ chức Chủ nhiệm. Ông Bùi Quang Tạo giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, thay ông Trần Nam Trung thôi giữ chức Chủ nhiệm. Ông Song Hào giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, thay ông Dương Quốc Chính thôi giữ chức Bộ trưởng. Ông Nguyễn Hữu Thụ giữ chức Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, thay ông Đặng Thí thôi giữ chức Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (23-4-1982).

-Ông Huỳnh Tấn Phát thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước để nhận công tác khác (16-6-1982).

-Ông Đỗ Quốc Sam giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước (30-10-1982). -Ông Võ Đông Giang giữ chức Bộ trưởng (29-4-1983).

-Ông Hoàng Quy giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kế hoạch nhà nước (29-10-1983).

-Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực thay ông La Lâm Gia (Bảy Máy) nhận công tác khác (24-1-1984).

-Ông Đoàn Trọng Truyến thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước để giữ chức Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, thay ông Nguyễn Hữu Thụ nhận công tác khác (29-5-1984).

-Ông Cù Huy Cận giữ chức Bộ trưởng, đặc trách công tác văn hóa, nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (27-9-1984).

-Ông Trần Phương thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (30-1-1986).

-Ông Võ Chí Công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thay ông Tố Hữu thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Đồng Sỹ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thôi kiêm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Bùi Danh Lưu giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Chu Tam Thức thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Vũ Tuân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm để giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Hoàng Minh Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương, thay ông Lê Đức Thịnh thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ông Đoàn Duy Thành giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, thay ông Lê Khắc thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Ông Lữ Minh Châu giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước, thay ông Nguyễn Duy Gia thôi giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước. Ông Nguyễn Chấn thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than. Ông Nguyễn Văn Hiếu thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa (21-6-1986).

Về việc kiện toàn các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng

Ngày 26-12-1983, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 16-2-1987 Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn:

Thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất ba bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực.

Thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất hai bộ: Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than.  

-Đổi tên Tổng cục Địa chất thành Tổng cục Mỏ và Địa chất.

                        Thành lập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở hợp nhất hai bộ: Bộ Lao động và Bộ Thương binh và Xã hội.

                        Thành lập Bộ Thông tin. Giải thể Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.  

-Thành lập Uỷ ban Quan hệ kinh tế với nước ngoài.

-Thống nhất công tác giáo dục trẻ em vào Bộ Giáo dục trên cơ sở sáp nhập Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em vào Bộ Giáo dục. Thống nhất công tác dạy nghề

vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

-Giải thể Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ.

Việc kiện toàn các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng được thực hiện nhằm khắc phục dần khuyết điểm lớn nhất trong công tác tổ chức của Hội đồng Bộ trưởng, trước yêu cầu đòi hỏi của việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội của đất nước.

Về việc cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng:

-Ông Nguyễn Cơ Thạch giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

-Ông Trần Quỳnh thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

-Ông Nguyễn Khánh giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng.

-Ông Đoàn Trọng Truyến thôi giữ chức Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

-Ông Nguyễn Ngọc Trìu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

-Ông Vũ Đình Liệu thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

-Ông Trần Đức Lương giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

-Ông Đoàn Duy Thành giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.

-Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra nhà nước.

-Ông Bùi Quang Tạo thôi giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra nhà nước.

-Ông Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay ông Văn Tiến Dũng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

-Ông Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thôi kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

-Ông Mai Chí Thọ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

-Ông Nguyễn Công Tạn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.

-Ông Hoàng Quy thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Uỷ ban Kế hoạch nhà nước để giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

-Ông Đậu Ngọc Xuân giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.

-Ông Vũ Tuân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính để giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, thay ông Nguyễn Chí Vu thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.

-Ông Vũ Ngọc Hải giữ chức Bộ trưởng Bộ Năng lượng.

-Ông Phạm Khai thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện lực.

-Ông Phan Thanh Liêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, thay ông Nguyễn Văn Kha thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim.

-Ông Phan Văn Tiệm giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá nhà nước.

-Ông Trần Văn Phác giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

-Ông Trần Hồng Quân giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thay ông Nguyễn Đình Tứ thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

-Ông Phạm Minh Hạc giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thay bà Nguyễn Thị Bình thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

-Ông Nguyễn Kỳ Cẩm giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thay ông Đào Thiện Thi thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động và ông Song Hào thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội.  

-Ông Trần Hoàn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin.

Bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam và thăng quân hàm cấp tướng:

-Ông Nguyễn Thế Bôn, Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức vụ Tư lệnh Quân khu IV thay ông Hoàng Minh Thi đã từ trần (12-11-1981).

-Thăng quân hàm từ cấp Thượng tướng lên cấp Đại tướng cho ông Lê Đức Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và ông Lê Trọng Tấn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng quân hàm từ cấp Trung tướng lên cấp Thượng tướng cho ông Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu I; ông Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu II; ông Nguyễn Quyết, Tư lệnh Quân khu III; ông Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân khu IV; ông Đoàn Khuê, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; ông Hoàng Minh Thảo, Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (21­12-1984).

-Thăng quân hàm từ cấp Trung tướng lên cấp Thượng tướng cho ông Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lê Quang Hòa, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Thanh tra quân đội; ông Đinh Đức Thiện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; ông Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Minh Châu, Tư lệnh Quân khu VII; ông Bùi Phùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Vũ Lăng, Viện trưởng Học viện Lục quân; ông Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu II (30-1-1986).

- Bổ nhiệm ông Lê Đức Anh, Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1986).

- Bổ nhiệm ông Đoàn Khuê, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thay ông Lê Đức Anh; ông Nguyễn Quyết, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thay ông Chu Huy Mân (16-2-1987).

Về bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 30 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm gần 100 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước, như: Cộng hòa nhân dân xã hội chủ nghĩa Anbani, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Aixơlen (30-9-1981); Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, Cộng hòa Áchentina, Cộng hòa Panama, Cộng hòa Côxta Rica, Cộng hòa Côlômbia, Cộng hòa Angiêri, Cộng hòa Tuynidi, Cộng hòa Xarauy dân chủ, Cộng hòa nhân dân Bungari, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Ghinê Xích đạo, Cộng hòa Xao Tômê và Prinxipê, Cộng hòa Arập Xiri, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Libăng, Cộng hòa Italia, Cộng hòa Manta, Cộng hòa Bồ Đào Nha, Cộng hòa Bănglađét và Vương quốc Nêpan, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Xri Lanca (12-3­1982); Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (23-4-1982); Cộng hòa Phần Lan, Cộng hòa Aixơlen (26-5-1982); Cộng hòa Nicaragoa, Cộng hòa Giamaica và Cộng hòa Guyama (2-3-1983); Cộng hòa dân chủ Ápganixtan, Cộng hòa Irắc, Vương quốc Hasimit Gioocđani và Nhà nước Côoét, Cộng hòa Gana, Cộng hòa Môdămbích, Cộng hòa Dimbabuê và Cộng hòa Dămbia, Cộng hòa nhân dân Cônggô, Cộng hòa nhân dân Bênanh và Cộng hòa liên bang Nigiêria, Cộng hòa dân chủ Mađagatxca, Cộng hòa Xâysen, Cộng hòa Nicaragoa, Cộng hòa Êquađo, Cộng hòa Cuba, Cộng hoà Grênađa (29-4-1983); Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Manđivơ (25-11-1983); Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Xri Lanca, Cộng hòa Hồi giáo Iran và Cộng hòa Manđivơ, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Lúcxămbua, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân dân Ba Lan, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumani, Cộng hòa Mông Cổ, Cộng hòa Inđônêxia (29-5-1984); Cộng hòa dân chủ nhân dân Yemen, Cộng hòa Ghinê Bitxao, Cộng hòa Mali, Cộng hòa Xiêra Lêôn, Cộng hòa Gana và Cộng hòa Cáp Ve, Cộng hòa thống nhất Tandania, Cộng hòa Burundi và Cộng hòa Uganda (29-8-1985); Cộng hòa Ảrập Yemen, Cộng hòa Ảrập Xarauy dân chủ, Cộng hòa Ghinê Xích đạo, Cộng hòa Xao Tômê và Prinxipê (30-1-1986); Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nam Tư, Cộng hòa Hy Lạp, Cộng hòa Xâysen, Cộng hòa Môdămbích, Cộng hòa Vanuatu (29-8-1986); Cộng hòa Panama và Cộng hòa Cốtxta Rica (6-11-1986); Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Việc Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước nói trên phản ánh một phần quan trọng quan hệ ngoại giao rộng lớn theo chủ trương thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường về mặt Nhà nước, về kinh tế, văn hoá và khoa học, kỹ thuật với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

6. Chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII

Quốc hội khoá VII được bầu ngày 26-4-1981, họp kỳ thứ nhất vào ngày 24-6-1981. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, thì Quốc hội khóa VII sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 24-6-1986 và việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá mới (khoá VIII) phải được tổ chức vào một ngày chủ nhật, trước ngày 24-4-1986.

Tuy nhiên, để việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo Nhà nước được thuận lợi, theo ý kiến của Bộ Chính trị, việc bầu cử đại biểu Quốc hội nên tổ chức sau khi đã họp Đại hội Đảng. Do vậy, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhà nước đã có tờ trình Quốc hội về việc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII thêm một năm đến ngày 24-6-1987. Việc kéo dài nhiệm kỳ này phù hợp với quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980. Theo Điều 84 của Hiến pháp: “Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định kéo dài nhiệm kỳ của mình và quyết định những biện pháp cần thiết đảm bảo hoạt động của Quốc hội”. Căn cứ vào quy định của Hiến pháp và trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Nhà nước, ngày 28-12-1985, Quốc hội đã quyết nghị:

- Kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VII thêm một năm;

- Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII trước ngày 24-4-1987.  

Ngày 6-2-1987, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 779-NQ/HĐNN7 quy định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII sẽ tổ chức vào ngày chủ nhật 19-4-1987, tổng số đại biểu Quốc hội khoá VIII là 496 đại biểu. Số đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần xã hội và các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Để phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trong phạm vi cả nước, Hội đồng Nhà nước ban hành Nghị quyết số 780-NQ/HĐNN7, ngày 16-2-1987 về việc thành lập Hội đồng bầu cử Trung ương do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh làm Chủ tịch; đồng thời ban hành Nghị quyết số 781-NQ/HĐNN7 về việc quyết định tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII trong cả nước là 167 đơn vị.

Việc chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII diễn ra trong điều kiện kinh tế -xã hội chưa ổn định, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và một số địa phương lại vào lúc giáp hạt. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Nhà nước, sự hướng dẫn cụ thể của Hội đồng bầu cử Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương đã kết hợp chặt chẽ công tác bầu cử với việc động viên toàn dân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và kế hoạch nhà nước năm 1987; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và phân phối, lưu thông, khắc phục có kết quả các hiện tượng tiêu cực, giảm bớt những khó khăn trong đời sống nhân dân, nhằm tạo không khí phấn khởi khi tiến hành bầu cử. Trong quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử, có hai nhiệm vụ quan trọng là lập và niêm yết danh sách cử tri; lựa chọn và hiệp thương giới thiệu những người ra ứng cử đại biểu đã được triển khai thực hiện đúng thời hạn và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

*

* *

Hoạt động của Quốc hội khóa VII (1981-1987) diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp. Trên mặt trận kinh tế, đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề gay gắt. Kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế trong 5 năm (1976-1980) chưa khắc phục được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển chậm trong khi dân số tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội, nền kinh tế chưa tạo được tích luỹ... Những hậu quả hết sức nặng nề của cuộc chiến tranh lâu dài chưa hàn gắn xong lại phải gánh thêm những tàn phá mới; thiên tai dồn dập xảy ra; kẻ địch thường xuyên phá hoại về nhiều mặt. Trong khi đó, cùng một lúc nền kinh tế phải đáp ứng ba yêu cầu cơ bản rất cấp bách là đảm bảo nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo đời sống nhân dân và xây dựng từng bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Với khẩu hiệu hành động “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”, mục tiêu đặt ra cho toàn dân, toàn quân là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt những kết quả thiết thực, làm cho đất nước mạnh về mọi mặt thì mới có đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn mới của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (3-1982) của Đảng xác định đó là “xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Cơ chế này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980.

Nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, “phải tăng cường Nhà nước để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và thể hiện đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng trong việc tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới, con người mới, trong việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ hạnh phúc của nhân dân” và “phải phấn đấu làm cho Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực sự phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề lớn của Nhà nước và giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền cấp trung ương”[8] 

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, trong nhiệm kỳ hoạt động với 12 kỳ họp, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và các ủy ban thường trực của Quốc hội đã hết sức cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ và mục tiêu do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đề ra, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. So với các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã ban hành được số lượng văn bản luật tương đối lớn, đặc biệt là đã hình thành được hệ thống luật về tổ chức nhà nước.

Mặc dù, trong cả nhiệm kỳ hoạt động, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước chỉ thực hiện được gần 50% chương trình đề ra, nhưng các luật và pháp lệnh được ban hành nhìn chung có chất lượng, phù hợp với đòi hỏi của tình hình, đáp ứng một bước yêu cầu về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường Nhà nước chuyên chính vô sản.

Cùng với hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng. Trong quá trình giám sát, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tập trung quan tâm đến các vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, đến việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm quyền cơ bản của công dân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đối với mỗi nội dung giám sát đều được Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội kiến nghị bằng văn bản trình Hội đồng Nhà nước và gửi đến Hội đồng Bộ trưởng, các ngành, các cấp có liên quan để xem xét giải quyết. Tuy hoạt động giám sát đã có bước cải tiến, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác phục vụ giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội còn hình thức, hiệu quả ít. Nguyên nhân chính là do nhiều kiến nghị của Quốc hội chưa được các cơ quan hữu quan của Hội đồng Bộ trưởng coi trọng và thực hiện nghiêm chỉnh. Chính những hạn chế, yếu kém đó đã khiến các đại biểu Quốc hội thường băn khoăn, không yên tâm với trách nhiệm làm đại biểu của mình.

Với tinh thần đoàn kết và đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã yêu cầu: “Các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thường xuyên cải tiến và kịp thời tổng kết các mặt hoạt động; nâng cao chất lượng các kỳ họp, bàn và quyết định những vấn đề thiết thực; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và công tác giám sát đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước”[9]

Để thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới của Đảng, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước nhận thấy, việc cần làm trước mắt là tích cực đổi mới về tư tưởng, nhận thức, tổ chức và phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban thường trực của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Ngày 29-12-1986, phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 12, Quốc hội khoá VII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đã nhấn mạnh: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII đã làm việc nghiêm túc, hướng trọng tâm vào công tác lập pháp và công tác giám sát, nhằm tích cực thực hiện các nghị quyết và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác lập pháp đã được tăng cường một bước. Việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước khác đã được chú trọng và có tiến bộ.

Tuy nhiên, hoạt động của Quốc hội vẫn còn nhiều khuyết điểm. Tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân chưa ổn định; chuyên chính vô sản bị buông lỏng; dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa được thực hiện tốt; kỷ cương của Nhà nước không nghiêm, pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế, xã hội chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Quốc hội đã nghiêm chỉnh tự phê bình và nhận phần trách nhiệm của mình là chưa làm tròn nhiệm vụ đối với nhân dân, chưa đáp ứng nguyện vọng tha thiết và lòng mong mỏi của nhân dân.

Trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, đòi hỏi cấp bách đặt ra là phải đổi mới cách nghĩ, cách làm một cách sâu sắc và toàn diện. Do vậy, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã xác định: Cần nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 20-1-1987 của Bộ Chính trị để hoàn thành tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII thật sự dân chủ, đúng pháp luật, đúng tiêu chuẩn về cơ cấu đại biểu, bảo đảm bầu được một Quốc hội thực sự có năng lực để thực hiện chức năng lập pháp và giám sát, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 

 

 

[1] Xem Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 6, q. 1, tr. 196-205.
[2] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 43, tr. 186.
[3] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 6, q. 2, tr. 590-591.
[4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 6, q. 2, tr. 788.
[5]
 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 6, q. 2, tr. 978.
[6] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 6, q. 1, tr. 460.
[7]  Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 6, q. 1, tr. 169.
[8]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 43, tr. 113-114.
[9]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47 , tr. 454.